Hiển thị các bài đăng có nhãn Tình yêu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tình yêu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

HY SINH

Thiềm Thừ


Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên nói rằng, sự hy sinh là điều làm người phụ nữ Việt Nam khác với những người phụ nữ khác trên thế giới.

Một số người không đồng tình, giễu cợt hoa hậu. 

Còn tôi, tôi nghĩ tới mẹ tôi, nhớ tới những khuôn mặt này, những đôi mắt này, ở quân cảng Cam Ranh!











NHÀ CÓ HAI CON VỢ, CHỒNG HẠNH PHÚC

NHÀ CÓ HAI CON VỢ

CHỒNG HẠNH PHÚC!
(Mặt vênh lên thế kia cơ mà)

Mượn ảnh để nói về chuyện khác: Chuyện chẳng vui!

Rằng 2 cái cô gái này đều là những nữ tướng. Dưới tay mỗi cô đều có hàng trăm nhân viên. Các cô điều hành những chuỗi sản phẩm tâm huyết. Một cô thì đi từ Bất Động Sản sang nhà hàng, một cô thì đi từ Thời Trang, chủ thương hiệu đầm bầu Belly và cũng quay về chuỗi nhà hàng. Họ đều có chung 1 kiểu chồng cúc cung tận tuỵ, luôn sẵn sàng bảo vệ các cô, hỗ trợ các cô mọi nơi mọi lúc! Và họ thân thiết với nhau như 2 chị em!

Chuyện chẳng vui là dành cho đám đàn ông! Thật! Đám đàn ông không làm việc bằng 1/10 phụ nữ: những phụ nữ như thế này! Đám đàn ông thất bại nhiều nhan nhản ngoài kia! Đám đàn ông mở miệng ra là coi thường đàn bà đái không qua đầu ngọn cỏ! Lên mạng khua phím bình thiên hạ trong khi làm việc thì như mèo mửa!!! Tôi biết cái đám đàn ông như thế! Biết nhiều! Biết là rất nhiều! Nên càng thương cho những phụ nữ phải làm vợ của họ!

Có một điều tôi hằng tin. Rằng trong mỗi người phụ nữ đều mang trong mình một sức mạnh siêu nhiên. Mạnh gấp nghìn lần đàn ông! Dẻo dai và quyết liệt vô cùng! Chỉ là họ có phát tiết được ra hay không mà thôi! Và tôi tin, nếu họ lấy được 1 người chồng tử tế, họ sẽ làm được những điều phi thường! Tiếc thay, số đàn ông có thể thành chồng tử tế không nhiều. Là bởi cái thói gia trưởng, là bởi cái nghĩ coi thường phụ nữ ăn sâu trong lòng họ. Nên họ chưa khi nào muốn vợ mình giỏi giang hơn họ! Nên họ coi vợ họ chỉ giống mấy bà nội trợ rẻ tiền ở nhà và chăm con cho họ, làm việc ít thôi và đừng có mơ được họ chia sẻ điều gì.

Thật ra, họ- nhiều đàn ông tôi biết- không phải là như thế! Chỉ là các bà vợ cam chịu và chấp nhận thu hẹp đường chân trời của bản thân. Vì chiều chồng. Vì gìn giữ mái ấm. Nên càng khiến đàn ông vọng tưởng rằng đàn bà là ở xó nhà thôi! Tôi tiếc cho những năng lực trong những người phụ nữ bị triệt tiêu vì chồng như vậy!

Cuối cùng: Vợ chồng lấy nhau để làm gì? Chắc hẳn không phải để duy trì nòi giống rồi! Tôi nghĩ, họ lấy nhau là để làm nên những thứ rực rỡ mà khi một mình họ không làm nổi! Tôi nghĩ, họ lấy nhau để làm cho hai chữ "Hôn Nhân" trở nên ý nghĩa hơn! Và tôi nghĩ, vợ chồng phải là thế!

Hãy dành cho vợ mình một chỗ dựa, một niềm tin và nhiều hỗ trợ. Bạn sẽ bất ngờ và hạnh phúc đấy, hỡi các đấng ông chồng!

Hoàng Anh Tú

Nguồn: Nguyen Minh

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

HẮN CÓ CÀ LÀ NHỜ “BỘ ẤM CHÉN”

Sáng nay trời mưa phùn và giờ thì sửng hơn tí rồi. Không nắng nhưng vẫn phải đảo cà cho nó khỏi nóng, mốc và đen nhân. Phơi gió được chừng nào hay chừng ấy. Cà tràn sân và lớp cà có độ sâu quá mắt cá chân nên cày hơi mệt. Đang ngực tấn công, mông phòng thủ (cái tư thế phổ biến khi xát chân trên lớp cà phê dày) thì có mẹ của con bạn cùng xóm đi ngang qua nói ra quét ngoài đường đi kìa, cà lăn bây bả ra đường rồi. Sáng nay bố mẹ đi rẫy, lội giày lên sân nên cà dính chân ra đường đó mà. Nhìn thấy cô kia là mình hay tủm tỉm cười vì nhớ chuyện hốt cà trôi ngoài đường. Cười quên cả mệt. Năm ngoái kể rồi, năm nay treo lại cho nó vui. Chuyện là...

Có một ngày nọ, cũng tầm khoảng thời gian này hằng năm, vì ảnh hưởng bão nên trời mưa to đến độ mờ nhân ảnh đằng xa luôn. To quá nên cà “phê” theo dòng nước cuốn ra khỏi sân. Cô hàng xóm ấy và lão già nhà bên cạnh chạy ra đường cào cà phê vào sân. Nước chảy từ hai sân nhập về một dòng ngay giữa đường khiến cho hai người phải giành nhau. Lão ấy “tuổi cao sức yếu” lại có tí tham nên sợ thua thiệt, chẳng biết làm sao có thể giành được hết cà trong dòng nước lớn. Trong lúc cấp bách, lão quyết định chơi hạ sách “nồng nỗng khoe rồng”. Cô kia thấy “bộ ấm chén” của lão được phô ra, ngại quá nên chạy ù té vào nhà. Cuối cùng lão ấy có thêm cà là nhớ kế ấy. Cô kia kể sinh động hơn nhiều. 

He he. Lão ấy đúng là gừng càng già càng cay.

Cuối tuần, biên như thế đã nhé các bạn blog. Mấy nay mình hơi mệt và bận nên ít đăng bài hơn, Phấn đấu mọt ngày một bài nhưng mà nghe chừng phải cách quãng ra. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ, nạp đầy năng lượng cho tuần tiếp theo!

Buôn Ama Thuột, 12/12/2014
Tây Nguyên Xanh

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Bựa Văn: TAY EM


Em có đôi bàn tay xấu xí
Đã nhăn nheo, còn ngón ngắn ngón dài 
Mấu lại to, vết chai đỉêm một vài
Đánh dấu thời em cầm liềm, cầm cuốc

Bàn tay em...người đàn bà đi ngược
Ngược cuộc đời, ngược cả những khát khao
Ngược lời ru, ngược mưa nắng hanh hao
Ngược đêm đông mịt mùng về tăm tối
Bàn tay em in một thời nông nổi
Vẫn vụng về vun vén yêu thương

Nấu ăn, cắm hoa...và những thứ đời thường
Hay cả hót cứt gà, cứt chim, cứt mèo cũng thế 
Ngâm rượu cho ba, nhổ tóc sâu cho mẹ
Dắt bà lão qua đường - kể cả lúc bả hổng thích sang 
Gãi ngứa cho các em, nhổ lông nách cho chàng 
Vỗ vỗ mông con hàng đêm ru ngủ
Muối những hũ dưa mặc dù tuyền bị khú
Cầm dưa chuột mỗi ngày, đan áo ấm tặng ai
Nhặt sợi tóc vương trên cửa mỗi sớm mai 
Em vẫn dùng đôi bàn tay vụng dại
...
Anh cứ đi đi, đi hết thời mê mải
Khi trở về...em vẫn dành đôi bàn tay xấu xí này nhưng ấm áp đón anh.

P/s: Hát: Ôi bàn tay em cũng giống như bàn chân. Hí hí

***
Bựa văn @ Xuân Hương Rách đít

GỬI NHỮNG ĐỒNG NGHIỆP ĐANG ĐI TÌM "SỰ THẬT" VỀ CÔNG PHƯỢNG

Gửi những đồng nghiệp đang đi tìm 'sự thật về Công Phượng'

Nhà báo Vũ Hoàng Nguyên thú nhận rằng anh "ít khi thất bại" khi cố dùng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm "sự thật" về đời tư của một con người. Nhưng rồi đến một ngày nhìn lại, anh lại ân hận vì cái kỹ năng ấy. Đến hôm nay, khi "nghi án" tuổi thật của Công Phượng và những lùm xùm quanh nó đã phần nào lắng xuống, chuyên mục "Thư gửi một người" xin đăng tải lá thư của Vũ Hoàng Nguyên, gửi cho các đồng nghiệp, và nói về thái độ với sự thật, với đời tư của nhân vật báo chí.

Các bạn đồng nghiệp của tôi,

Cho đến hôm nay, tôi vẫn ân hận về một số bài báo mình viết. Một số bài "đi tìm sự thật" mà không nghĩ đến hậu quả của nó. Như có lần, đi tìm sự thật về một gia cảnh bi đát của một ca sĩ nổi tiếng. Sau đó, cô gần như trốn tránh truyền thông. Tôi đã làm cái việc không phải đi tìm sự thật, mà đào bới vào vết thương của người khác. Tôi đã nhầm lẫn khái niệm là "đi tìm sự thật", và nhân danh nó để làm việc kia.

Đó là một bài phỏng vấn, trong đó người ca sỹ đã tự nói hoàn cảnh gia đình của mình. Sau này, đồng nghiệp hỏi tôi: “Đó là cô ca sỹ tự nói ra, tại sao anh phải ân hận?”. Thật ra tôi đã dùng kỹ năng của mình để “moi” lời lẽ từ cô ấy. Mục đích của tôi ngay từ đầu là muốn cô ấy nói về chủ đề đó. Tôi đã từng tự hào về kỹ năng ấy, hiếm khi thất bại.

Tôi cũng đã từng cố đi tìm danh tính của một người phụ nữ trong một mối tình bi đát với người nổi tiếng. Đó có phải là “sự thật” không? Đó là sự thật. Nếu hỏi công chúng rằng họ có muốn biết điều đó không thì rất nhiều người sẽ trả lời rằng họ muốn, và cả biên tập viên cũng sẽ muốn. Cũng là một lần tôi tự hào về kỹ năng săn tin của mình. Nhưng rồi người được công khai danh tính ấy rơi vào cảnh khốn đốn. Cô ấy đáng lẽ có thể được bỏ quá khứ lại đằng sau.

Bây giờ nghĩ lại, tôi ước rằng mình chưa bao giờ viết những bài báo ấy.

Có thể bạn cũng giống tôi, có chút tự hào hăm hở về việc mình đang tìm ra một sự thật nào đó, và tham vọng để thay đổi điều gì đó. Có ba thứ nên tách bạch: 1- Không phải mọi sự thật bản chất đều giống nhau, cũng như dư luận tác động lên nó đều giống nhau. 2 - Bạn có thể sẽ không thay đổi được gì hết, đừng tự quá đề cao bản thân mình. 3-Bạn có thể “qua mặt” được công chúng về những mục đích về việc tìm sự thật, rằng họ sẽ phải tin bạn về những sự thật bạn đi tìm đều vì mục đích và động cơ tích cực? Riêng về điều thứ ba, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang vô tình hoặc cố tình mắc phải. Họ đi tìm bằng nhiều mục đích khác nhau mà hiện nay, trong môi trưòng truyền thông hỗn độn này, tôi thấy cái mục đích không tốt đang chiếm ưu thế. Họ vì tiền, vì sự nổi tiếng, và có thể, vì sự gây chú ý cho một sản phẩm mới.

Đừng thuyết phục tôi rằng, các bạn thực hiện vụ Công Phượng là do đứng về phía sự thật để làm trong sạch thể thao. Vì những gì trên sản phẩm của các bạn không hề đi đến cái đích đó mà ngược lại, làm cho công chúng nghĩ đến những cái đích khác rất phản cảm bằng cái kiểu làm, cách làm và thái độ của chính các bạn trước, trong và sau chương trình. Cũng có thể rằng bạn có cái đích “vĩ mô” như bạn đề ra (mà đã rất nhiều vụ tiêu cực bị phanh phui không thể giải quyết), nhưng trước khi điều ấy đạt được, thì bạn đã hủy hoại một con người.

Đồng nghiệp của tôi ơi, đừng xây dựng sự nghiệp trên nỗi đau của người khác. Cũng như, đừng tạo ra một sản phẩm báo chí bằng sự đánh đổi cuộc đời và sự nghiệp của những người mà các bạn nhắm tới sau cái chủ đích “đi tìm sự thật”. Tôi chắc rằng các bạn biết rõ sự thật của việc các bạn làm là gì. Một sự nghiệp được xây dựng như vậy sẽ không bao giờ bền vững, nếu không muốn nói là một vết nhơ lớn. Hãy rửa nó trước khi nó thành mãn tính.

Làm sáng tỏ sự thật về cơ bản đều có giá trị tích cực, nếu xét trên góc độ mang lại sự công bằng, an ủi những người bị tổn thương, và thay đổi mọi việc theo chiều hướng tươi sáng. Nhưng có những sự thật bạn tìm thấy lại lăn bánh số phận con người theo chiều dốc bi thảm. Bạn còn nhớ có người đã bị báo chí đẩy đến đường cùng, gia đình tan nát, con cái tự tử để chú phải chọn cách trốn đời? Bạn còn nhớ có người đã treo cổ tự tử chỉ vì báo chí đẩy đến ngõ cụt?

Nếu bạn là người làm báo có tâm, tôi tin rằng bạn vẫn nhớ những con người ấy, những bài báo ấy dù chuyện đã từ nhiều năm trước.

Tôi chọn cách quên để tha thứ. Quên cho người ta cũng là một cách tha thứ lỗi lầm cho họ, và tha thứ cho sự sân si của chính mình. Có những lúc tôi thấy sợ khi thấy đồng nghiệp của tôi sẵn sàng lôi tội lỗi của những người trái chiến tuyến từ một cuộc chiến quá khứ ra nói lại lần nữa. Tôi thấy nổi da gà vì một số người viết cứ thiếu đề tài thì lôi Yến Vy, Mỹ Xuân ra nhiếc móc mặc dù họ đã trải qua quá nhiều đau đớn vì lỗi lầm của họ và vì báo chí đẩy họ đến đau đớn.

Đành rằng có những ký ức hằn sâu trong đời thành ám ảnh, muốn quên không dễ. Thì thôi, quên hay nhớ lả việc của bạn, nhưng nó chỉ là việc của bạn thôi, đừng hành hạ người khác, đặc biệt là những người thân yêu bạn, bằng những ký ức của bạn. Nhưng tôi nghĩ nên quên, vì đời sống ngắn ngủi lắm, bởi đưa nhau chìm trong đau khổ để được gì?

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

TÔI RẤT GHÉT NỖI SỢ

Tôi rất ghét nỗi sợ

Bài Tâm Phan, ảnh Đỗ Hương. Nữ quyền, bắt đầu từ những điều đáng yêu thế này.

Mỗi khi có 1 nỗi sợ nào đó dâng lên thì tôi phải đối diện với nó và giết nó.

Con người bị hạn chế bởi nhiều nỗi sợ.

Sợ bị đánh giá nên phải sống giả vờ, không dám sống thật với chính mình. 

Sợ mất việc nên phải nịnh sếp.

Sợ vô lễ nên phải nín nhịn.

Sợ cô đơn nên phải níu kéo.

Sợ bị chê cười nên phải giấu giếm.
...
Tôi rất sợ sâu róm.

1 lần có con sâu róm bò lên chân tôi, tôi đã hét lên, gạt nó xuống đất và di nó nát bét đến mức không còn nhận ra 1 sợi lông của nó, cho đến khi nó tan vào cát bụi. 

Không. Tôi không hề dũng cảm. Tôi chỉ ghét nỗi sợ. 

Với bất kỳ nỗi sợ nào tôi cũng làm thế. 

Trước kia ngực tôi đầy đặn nở nang, sau khi cho con bú, ngực tôi teo lại. Rất nhiều chị em phụ nữ giống như tôi và họ hoảng hốt, sợ bị chồng chê, sợ ai đó phát hiện và họ sẽ vô cùng xấu hổ vì bộ ngực lép kẹp của mình. Tôi cũng có chung nỗi sợ đó.

Vậy tôi phải đối diện với nỗi sợ này và giết nó. 

Tôi là 1 phụ nữ đẹp trong mắt chồng tôi. Anh yêu tôi không phải vì bộ ngực đẹp. Chỉ có đàn ông ngu xuẩn mới yêu 1 phụ nữ vì bộ phận cơ thể nào đó. Bởi vì cô ta sẽ già, bộ ngực hay bộ mông có đẹp mấy cũng phải chảy xệ. Gương mặt ngây thơ, làn da mịn màng đến mấy cũng phải nhăn nheo. Tất cả chúng ta ai cũng sẽ già và hình thức bên ngoài chỉ là tạm thời. Khí chất tâm hồn mới là vĩnh cửu. 

Bầu vú này đã từng căng mọng sữa để nuôi con. Tôi tự hào vì con tôi mạnh khỏe, ít ốm đau nhờ sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Bộ ngực teo nhỏ hoàn toàn xứng đáng cho một đứa con khỏe mạnh. Hãy nghĩ đến những bà mẹ vú to mà không có sữa, con nhỏ ốm đau triền miên. Họ sẵn sàng đánh đổi lấy bộ ngực nhỏ, miễn là có đủ sữa và 1 đứa con khỏe mạnh.

Tôi nhận được 1 lá thư của 1 bà mẹ trẻ. Cô ấy bị bỏng dầu sôi khi mới lên 5. Vết bỏng chiếm 3/4 cơ thể nhưng cô bé may mắn thoát chết. Như bao cô gái khác, cô ấy rất thích chụp ảnh, nhất là khi mang bầu em bé, nhưng sự mặc cảm tự ti vì những vết sẹo đã khiến cô ấy không dám nói ra, sợ bị chê cười. So với cô ấy, chúng ta quá may mắn khi có thể chụp ảnh tự sướng post FB. 

Hãy nghĩ đến những người bị ung thư vú, phải cắt bầu vú để cứu mạng sống của chính mình. Khi ấy vú to hay vú nhỏ cũng phải cắt hết. 

Hãy yêu cơ thể mình, chị em ạ. Bởi chỉ có bản thân mình mới hiểu sự hy sinh và giá trị sức khỏe của bản thân. Chết là hết. Vú to hay vú nhỏ cũng trở về với cát bụi.

Tôi đã hoàn toàn giết được nỗi sợ đó!

Nguồn: Lấy từ Beo Blog

KÝ ỨC VỀ CÔ GIÁO LÀNG CỦA MỘT THỜI XA LẮM

Ký ức về cô giáo làng của một thời xa lắm


Nhà cô giáo lúc ấy đúng là thiên đường, đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Quây quần bên cô, chúng tôi tìm thấy hơi ấm của một người mẹ.

Mấy hôm nay Bống, con gái tôi hầu như dành toàn bộ buổi tối để nằm bò ra vẽ tranh. Cháu vẽ đi vẽ lại một bức tranh cô giáo cháu mặc áo dài hoa đứng trên bục giảng. Bống bảo con vẽ nhiều bức, bức nào đẹp nhất con sẽ dành tặng cô nhân ngày 20/11… Trước đó, vào ngày 20/10 (Ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam) khi đưa cháu đên cổng trường, nhìn thấy những cửa hàng hoa lưu động, cháu cứ nài nỉ bố mua cho một bó hoa để mang tặng cô giáo. Chiều con, tôi chọn mua cho cháu lẵng hoa to nhất ở đấy. Cô giáo phải như thế nào, con tôi mới dành nhiều tình cảm cho cô như vậy.

Lúc ấy, rõ ràng lắm, tôi nhớ cô. Đấy không hẳn là một nỗi nhớ mà là cảm xúc ấm áp và tiếc nuối về một thời vô cùng trong trẻo tưởng như đã lùi xa lắm lắm.

Từ khi biết dùng email đến giờ, tôi vẫn duy trì hộp thư lập đầu tiên là hộp thư giao dịch chính. Tên cô được dùng làm đáp án cho câu hỏi bảo mật của email. Mỗi lần đi xa, đặc biệt là khi ra nước ngoài công tác, truy cập thường bị trục trặc, khi điền tên cô để trả lời câu hỏi bảo mật: “Tên cô giáo cấp 1 của bạn là gì?”, trong tôi lại trào lên cảm giác vừa ấm áp, buồn buồn và áy náy. Mấy chục năm rồi tôi không gặp lại cô, một cô giáo làng nghèo và có cuộc sống cô độc, nhưng cô là hình mẫu vĩnh cửu đến mức cực đoạn của tôi về một người thầy lý tưởng.

Thế hệ học trò những năm tám mươi đều không thể quên cảnh nghèo khó tiêu điều lúc ấy. Cái nghèo hằn lên từng gia đình, từng cách đi, dáng đứng của mỗi người. Làng tôi chìm trong cái nghèo khó chung ấy. Ra đường nhìn ai cũng cũ kỹ, u tối, âu lo. Người ta có thể giấu được cái giàu, không ai giấu được sự nghèo. Hầu như cả làng chả ai có quần áo lành lặn, chuyện mặc quần áo không vá víu, không có vài miếng tích kê ở bả vai, đầu gối hay mông là điều quá xa xỉ, thậm chí là lập dị.

Thế nên ngày đầu tiên vào lớp 1, nhìn thấy cô đứng trên bục giảng, áo trắng tinh, quần là theo nếp thẳng tắp, mái tóc vấn cao, phong thái vừa nghiêm nghị, vừa dịu dàng, tôi như nhìn thấy hào quang toả ra từ một thế giới khác. Sau này tôi mới để ý, cô chỉ có đúng 2 bộ quần áo như vậy. Đi từ nhà tới trường, mặc dù chỉ hơn 1 cây số, bao giờ cô cũng mặc quần áo vá. Chỉ đến cổng trường, cô mới ghé qua phòng thường trực thay bộ quần áo đã được là ủi nghiêm chỉnh để sẵn trong cặp. Tan lớp, cô lại thay lại bộ quần áo vá trước khi ra khỏi cổng trường. Lên cấp hai, rồi cấp ba, khi về gặp lại cô, tôi vẫn thấy cô chỉ có hai bộ quần áo như vậy, tất nhiên là chúng đã sờn cũ theo tháng năm, nhưng bao giờ cũng được là ủi phẳng phiu, ngay ngắn.

Cô tôi nhanh chóng thuộc tâm tính, gia cảnh, lực học của từng học trò. Đứa nào nhà đứt bữa thường xuyên, luôn luôn chậm tiền đóng học phí, đi học quần áo phong phanh giữa mùa đông lạnh giá. Đứa nào mặc cảm cảnh cha mẹ bất hoà, gia đình ở địa vị thấp kém trong làng. Đứa nào nghịch ngợm, không ngoan… Mỗi đứa cô đều có cách quan tâm rất khéo léo. Vì nghèo nên chúng tôi không có tiền góp giúp các bạn, cô nghĩ ra những cách rất đơn giản như cả lớp đi bắt cá, mót khoai, ngô…, mùa nào thức ấy, gom thành quĩ chung để chia sẻ với các bạn. Ngoài giờ dạy học trên lớp, buổi chiều cô thường tụ tập những đứa học yếu đến nhà dạy thêm, tất nhiên là không thu tiền, cô còn gọi chúng tôi, những đứa học khá hơn đến giúp cô kèm cặp các bạn. Nhà cô lúc ấy đúng là thiên đường, đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Quây quần bên cô, chúng tôi tìm thấy hơi ấm của một người mẹ, điều mà thậm chí nhiều bạn tôi không tìm thấy ở chính gia đình mình.

Đến ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi hay gom góp tặng cô hoa hái ngoài vườn hay trên những hàng rào cây lá um tùm bên đường làng và những trái cam chua loét trẩy từ vườn nhà muốn ăn được phải cần thêm rất nhiều đường hoặc muối, thậm chí là vài bắp ngô non, vài củ xu hào… Khỏi phải nói niềm tự hào hạnh phúc bừng sáng trong đôi mắt long lanh của cô trước vẻ ngượng nghịu xấu hổ của đám học trò.

Lúc ấy tôi còn quá bé để đọc được nỗi cô đơn sâu thẳm ẩn giấu trong ánh nhìn, tiếng cười của cô. Tôi không hiểu vì sao cô không lấy chồng và cứ ở vậy một mình. Thời ấy, mỗi buổi tối đi qua cổng nhà cô, thấy bóng cô ngồi nghiêng nghiêng soạn bài bên ánh đèn dầu leo lét, tôi chỉ thấy đẹp và ấm áp mà không nhìn thấy một khối cô đơn vĩnh cửu toả ra từ đấy.
Bây giờ cô đã già, các bạn tôi ở quê nói rằng mắt cô đã mờ đục, không còn nhận ra người quen nữa. Ngôi nhà cô ở vẫn không thay đổi, nó trở nên nhỏ bé và lạc lõng giữa một cái làng đang ầm ào vỡ ra thành phố thị…Bây giờ nhiều người nói là khó tìm thấy những người thầy như cô tôi nữa. Mà có lẽ cũng không thể bắt những thầy cô giáo phải tuyệt đối sống như các thế hệ đi trước. Thời thế đã khác rồi, như dòng nước chảy qua cầu không bao giờ dừng lại. Thế nhưng, cách ứng xử của con gái tôi lại tạo ra niềm tin, vẫn còn những người thầy tuyệt vời mang đến tình yêu thương và sự tin cậy, hy vọng cho con trẻ. Bởi vì nếu thầy cô không phải là những người mang đến niềm tin về sự Tử Tế thì chúng ta còn biết tin vào điều gì nữa ./.

Phạm Kinh Bắc/VOV.VN

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

CÓ NHỮNG DAY DỨT KHÔNG GỌI THÀNH TÊN


1. Nhớ mãi một lần, có đứa bạn ngồi bàn sau bị băng ghế dài đổ vào chân. Đau quá, nó không kêu nhưng nước mắt trào ra. Ngày ấy cách nghĩ của tôi rất đơn giản và ngu ngốc là dẫu mình có hỏi han nó thì cũng chẳng làm nó bớt đau đi, vì thế không cần phải hỏi, một lúc cơn đau sẽ tự qua thôi. Bao nhiêu năm qua đi, đứa bạn bị đau là nó có lẽ đã quên chuyện ấy từ lâu rồi, còn người không bị đau là tôi thì vẫn ân hận, day dứt mãi vì cách suy nghĩ thiển cận của mình. Ngày ấy, tôi không nghĩ được rằng, nó khóc không chỉ vì đau mà còn vì có những đứa bạn thờ ơ, lãnh cảm như tôi.

2. Một lần khác, khi tôi đã laà sinh viên rồi mà vẫn còn cư xử hời hợt, vô tâm không kém. Đó là ngày lễ noel, có một đứa bạn cũ hồi cấp 3 gửi buư thiếp chúc mừng cho tôi qua đường bưu điện. có lẽ nó định gây bất ngờ và thêm chút lãng mạn cho cuộc sống của tôi nên không trao thư tay dù hai đứa đang học cùng trường, ở cùng một khu kí túc xá. Thế mà đáp lại nó là sự im lặng tuyệt đối của tôi, không một lời cảm ơn, không một câu hồi đáp rằng” tao đã nhận được món quà của mày.” Chẳng là dạo ấy xung quanh tôi có nhiều bạn mới quá, nhiều người yêu quý tôi quá nên thêm một món quà của người bạn cũ cũng chỉ là chuyện bình thường, không có gì phải xúc động cho lắm. Nỗi ân hận cứ theo tôi mãi đến gần đây mới có dịp được bộc bạch lòng mình với nó để xua đi cảm giác có lỗi năm nào.

3. Một đứa bạn thân của tôi rất thích làm thơ. Thơ của nó không hẳn là hay nhưng có nhiều hình ảnh mới lạ và độc đáo đến khó hiểu. Nó thường hay giấu diếm bạn bè cho tôi đọc đầu tiên. tôi không nhớ rõ lúc đó mình có nói gì không, chỉ biết chắc là tôi chưa bao giờ tin tưởng vào tài làm thơ của nó nên cũng chưa bao giờ khích lệ hay truyền cảm hứng cho nó tiếp tục sáng tác. Bây giờ khi tập tành viết lách tôi mới hiểu được cảm giác của người thích viết là như thế nào. Tôi muốn nói với nó một câu động viên, khích lệ quá chừng nhưng nó đã chẳng còn trên đời để nghe những lời “vàng ngọc” của tôi nữa rồi. Ôi thật đáng thương cho cái sự tự nhận thức quá đỗi muộn màng của tôi.

4. Chưa hết, có một sai lầm ám ảnh tôi ghê gớm nhất. Đó là chuyện bố đứa bạn của tôi bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Tôi với nó thân nhau vô cùng nên khi nó gặp chuyện buồn bã, đau lòng như thế, tôi không thể đứng ngoài được. Đêm ấy, tôi rủ mấy đứa nữa ở lại nhà nó để thể hiện sự quan tâm, chia sẻ. Nhà có đám, không ngủ được, nên thỉnh thoảng mấy đứa tôi lại quay ra trò chuyện với nhau mà không hề nghĩ rằng đứa bạn đang thiêm thiếp trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê nằm kia cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu về điều đó. Sau này khi mọi chuyện đã qua đi, nó nói với tôi rằng “thà đêm ấy mày đừng ở lại thì hơn.” Một câu trách móc nhẹ nhàng hay là một lời kết án đanh thép cho sự vô tâm, nông cạn của tôi.

Kết. Tất cả, tất cả những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt, đơn giản ấy, đủ sức góp thành một nỗi ân hận lớn trong tôi. Bất cứ khi nào cũng có thể biến thành đám mây đen kéo về đầy tâm trí. Nếu không tự nhận ra để sửa chữa có lẽ chẳng mấy chốc tôi sẽ là người dửng vô cảm trong mắt hết thảy mọi người. Nhờ vậy, tôi cũng thấm thía một điều: khi mình đối tốt với một ai đó thì rất dễ để quên đi nhưng khi mình cư xử không phải với người khác thì sẽ ân hận mãi, thậm chí là suốt đời.

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

TẠM BIỆT ANH ĐOÀN


Yêu quý và cảm phục anh. 

Nào có phải quan lớn, quan bé, nhà nọ lều kia. Anh là một con người bình dị, đẹp đẽ và dấn thân.

Không biết nói gì nữa. Chúc anh cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc!

Người dân luôn nhớ về anh!

Bài trên báo InfoNet: Thượng tá CSGT bật khóc, lưu luyến chia tay người dân Hà Nội

Trong buổi chiều tối 31/10, nhiều tài xế sau khi đọc tin tức trên báo, đi qua chốt giao thông cầu Chương Dương đã cố gắng đi chậm lại để được bắt tay người CSGT già trong ca làm việc cuối cùng. 

Người CSGT bật khóc trong thời khắc làm việc cuối cùng

Chiều 31/10, cũng giống như mọi ngày, thượng tá Lê Đức Đoàn (sinh năm 1959, là chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) lại chỉnh tề chuẩn bị cảnh phục để đứng chốt phân luồng giao thông ở phía đầu cầu Chương Dương. Tuy nhiên, hôm nay là ca trực cuối của ông khiến nhiều đồng nghiệp, người dân không khỏi lưu luyến, tiếc nuối người CSGT hiền hậu, thân thương. Với thượng tá Đoàn, gần 40 năm gắn bó trong ngành công an đã có bao kỷ niệm, và ông thực sự tiếc nuối khi phải chia tay mọi người trong nước mắt. 


Nhiều đồng nghiệp vui vẻ chào tạm biệt.

Hay tin thượng tá Đoàn nghỉ hưu rất nhiều người dân, bạn bè gọi điện hỏi thăm.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi ở cửa trực ban để chuẩn bị cho ca trực cuối cùng trong sự nghiệp công an, thượng tá Đoàn kể về những tháng ngày điều tiết, phân luồng giao thông của mình. Vốn quê gốc ở huyện Ý Yên, Nam Định, lớn lên thượng tá Đoàn theo học tại Liên Xô cũ (Nga) rồi sau đó về nước vào ngành công an của TP Hà Nội từ năm 1977.

Nhiều tin nhắn xúc động của người dân và đồng nghiệp gửi cho thượng tá Đoàn. 


Suốt gần 40 năm với nghề, thượng tá Đoàn cũng gắn bó với cầu Chương Dương gần 20 năm cùng bao kỷ niệm đáng nhớ. Với người dân Thủ đô, người tham gia giao thông qua cầu Chương Dương mỗi ngày, có lẽ không ai còn xa lạ với hình ảnh người CSGT thân thiện này. 

Đôi mắt hiền từ, cử chỉ ân cần và luôn vẫy tay chào khiến nhiều người đi đường bớt mệt mỏi và cảm nhận được đức tính gần gũi của ông. Ngày làm việc cuối cùng, trong lòng thượng tá Đoàn có nhiều cảm xúc khó tả và đan xen bao nỗi niềm khi sắp phải chia tay đồng nghiệp, người tham gia giao thông.

Suốt gần 20 năm qua, thượng tá Đoàn luôn gắn bó với cầu Chương Dương thực hiện nhiệm vụ phân làn, điều tiết giao thông.


“Với tôi, cầu Chương Dương gắn với bao nhiêu kỷ niệm, là nơi gần 20 năm qua ngày nào tôi cũng đứng chốt phân làn để người dân có thể đi lại bình thường”, thượng tá Đoàn xúc động kể lại. 

Thượng tá Đoàn cho hay: “Trong suốt nhiều năm gắn bó, tôi đã từng cứu sống trên dưới 40 trường hợp có ý định tự tử. Đến giờ phút này, những hình ảnh , khuôn mặt của họ vẫn hằn sâu trong trái tim tôi.

Thượng tá Đoàn thân thiện chào người đi đường.

Tôi nhớ nhất là kỷ niệm cứu sống một cô gái (quê Nam Định) có ý định tự tử trên cầu Chương Dương cách đây 3 năm. Hôm đó, vào buổi chiều, tôi đang trực trên cầu thì nghe tiếng người đi đường kêu thất thanh có người muốn tự tử và đã trèo qua lan can cầu. Nghe đến đây, sợ cô gái phát hiện ra tôi là công an sẽ hoảng loạn nên tôi vội vẫy một chiếc xe buýt rồi bảo họ chạy theo phần làn đường cho xe máy. Khi cách cô gái đứng tầm gần 5 mét tôi liền lao xuống túm vào tay cô gái, ghì chặt rồi kéo vội vào trong. Sau một hồi thuyết phục, cô gái mới cho biết, do chán nản cuộc sống vợ chồng nên mới định tự tử. Bây giờ vợ chồng cô ấy đã có 2 con lớn, mỗi lần đi qua là lại vẫy tay chào tôi, có lần về quê đi qua đây còn cho tôi vài củ khoai mang từ quê lên khiến tôi vô cùng cảm động”. 

Thượng tá Lê Đức Đoàn chào tạm biệt, bịn rịn chia tay người đi đường.


Hình ảnh người CSGT già bao năm qua luôn được nhiều người dân Thủ đô yêu mến.

Đúng 18h, khi trời bắt đầu tối, đèn đường đã sáng lên cũng là lúc thượng tá Lê Đức Đoàn phải chào tạm biệt, chia tay người đi đường. Không ít tài xế taxi, xe buýt, ô tô biết được hôm nay là ngày cuối cùng ông làm nhiệm vụ nên vẫy tay chào rất bịn rịn. Nhiều người lưu luyến, xúc động vì sắp tới không còn được thấy hình ảnh vị CSGT già dầm mưa dãi nắng phân làn nhưng vẫn luôn niềm nở ấy nữa. Nhiều người dân, bạn bè hay tin liên tục gọi điện hỏi thăm và nhắn tin cho ông. 

“Chào em, chào em nhé! Ngày mai anh không còn đứng làm nhiệm vụ ở đây nữa. Anh chúc các em đi đường bình an, hạnh phúc…”, thượng tá Đoàn xúc động bắt tay, ôm chặt người đi đường.

Phút giao ca trực khiến thượng tá Đoàn rưng rưng...



... và ông bật khóc.


Ông chia sẻ: "Suốt bao năm mưa nắng ngoài đường điều tiết giao thông khiến tôi cảm thấy tự hào".Sau khi bàn giao ca làm việc cuối cùng của mình, đứng bịn rịn một hồi lâu, ông dặn dò các chiến sĩ trẻ rồi vội lau vội những giọt nước mắt tiếc nuối khi phải chia tay các chiến sĩ, người dân. 

Thượng tá Đoàn tâm sự: “Suốt bao năm mưa nắng ngoài đường điều tiết giao thông khiến tôi cảm thấy tự hào. Mỗi ngày hướng dẫn cho người đi đường với tôi là niềm vui, niềm hạnh phúc. Mai kia nghỉ hưu rồi tôi sẽ rất nhớ nghề”.

Hơn 18h, ông bàn giao ca trực rồi dặn dò đồng nghiệp trẻ.

Về dự định sau này, thượng tá Đoàn chia sẻ: “Tôi thực sự may mắn khi vợ con luôn ủng hộ công việc mình làm. Mai nghỉ hưu rồi chưa biết sẽ thế nào nhưng tôi sẽ cố gắng sống tốt và dành thời gian chăm sóc gia đình, con cháu,”. Thượng tá Đoàn cũng cho biết thêm, vợ ông cũng sắp nghỉ hưu. Sắp tới, ông bà sẽ dành nhiều thời gian bên các con, nhất là đứa cháu nội mới 2 tuổi. Vợ chồng Thượng tá có 2 người con, con trai cũng làm trong ngành công an, còn cô con gái đang học năm thứ 4 ĐH Ngoại thương Hà Nội. 


Thượng tá Đoàn ôm chia tay đồng nghiệp.Luôn gọi Thượng tá Đoàn với cách gọi thân mật là “thầy”, thiếu úy Phạm Gia Hợp xúc động cho biết: “Tôi về đây công tác rồi làm cùng thầy được gần nửa năm. Với tôi, thầy luôn là người cha, người chú tâm huyết với nghề. Là người luôn sẵn sàng xung phong trong những nhiệm vụ khó khăn. Giờ thầy nghỉ hưu rồi, tôi cảm thấy có chút hụt hẫng và có cái gì đó thiêng liêng khó nói nên lời”. 

Thượng tá Lê Đức Đoàn là công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2013, được Chủ Tịch nước tặng huy chương chiến công năm 2014. Ông được người dân Thủ đô biết đến bởi nhiều hành động cứu giúp mọi người và nhiều hành động đẹp, thân thiện.

Theo Định Nguyễn / MASK Online

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

NGƯỜI VỢ BỊ BỎ QUÊN

Kết thúc câu chuyện như những bộ phim Hàn Quốc. Ngoài đời liệu có bao nhiêu đôi vợ chồng có thể làm được điều này? Hay càng ngày càng lấn sâu vào sự lừa dối? Người vợ thay đổi không vì bản thân cô ta, mà huyễn hoặc để chồng giác ngộ, còn người chồng vẫn cố hữu tính ích kỷ, tham lam "chứng nào, tật nấy".

Người vợ bị bỏ quên

Cú điện thoại đến bất ngờ giữa lúc chị đang ngồi chờ chồng bên mâm cơm. Chị đã lưỡng lự không muốn đi bởi vì chị nghĩ làm thế chẳng khác nào bản thân mình thiếu lòng tin với chồng. Nhưng rồi chị lại thấy mình cần phải đi một lần cho rõ ràng, dù thế nào, sau lần này chị cũng không bao giờ phải hoài nghi thêm nữa. Vậy là chị vẫn đi nguyên đôi dép lê lao ra khỏi nhà… Chị đi tìm chồng. Người chồng mà theo bạn bè chị nói là “gái gú đầy bên ngoài”.

Chị đến địa chỉ như đã được thông báo, chị không mất nhiều thời gian để nhận ra xe của anh ở ngoài khách sạn đó. Chị run run, chị muốn cố gắng xóa đi cái suy nghĩ anh không phải là kẻ phản bội, có thể anh vào đó có việc gì và anh sẽ không giấu chị. Chị gọi cho anh, đầu dây bên kia bắt máy bằng giọng đầy khó chịu:

- “Có chuyện gì thế?”

- “Anh đang ở đâu đấy, bao giờ anh về ăn cơm?”

- “Đang ở công ty chứ ở đâu. Mà em ăn trước đi, anh ăn rồi. Thế nhé”.

Vậy là đã rõ tất cả. Anh đi ngoại tình, anh đi ngủ với gái và anh nói dối chị. Vậy mà bấy lâu nay chị tôn thờ anh như tôn thờ một vị thánh sống.

Chị không vào khách sạn. Chị quay về. Tối hôm đó chị không ăn cơm, chị để mâm cơm nguội ngắt rồi vào phòng nằm ngủ.

Sáng hôm sau chị dậy sớm ra khỏi nhà khi mà anh đang ngủ. Chị đi dạo phố, rồi chị ghé vào một hàng hoa, mua ít hoa hồng vàng về cắm. Khi chị đang đi đường, anh gọi qua điện thoại:

- “Sao sáng nay em không nấu đồ ăn sáng, cũng không gọi anh dậy. Em có biết là anh đi làm muộn rồi không?”

- “Em không nắm được lịch trình của anh. Sáng nay em phải đi mua hoa và làm tóc nữa. Em bận, anh tự ăn bên ngoài đi nhé”.

Rồi chị cúp máy. Lần đầu tiên sau gần 10 năm làm vợ anh, chị là người tắt điện thoại trước. Chị có thể cảm nhận được sự chưng hửng và hụt hẫng của anh đầu dây bên kia bởi vì đó là cảm giác mà chị vẫn thường trải qua khi anh đột ngột cắt điện thoại.

Chị đi sắm cho mình những chiếc váy, chị cắt tóc ngắn và nhuộm màu nâu đỏ. Chị đi làm móng, trông chị thật sành điệu. Mọi người bị sốc khi nhìn thấy ngoại hình của chị. Ngay cả anh cũng ngạc nhiên khi thấy vợ đột nhiên thay đổi. Nhưng anh cũng chẳng đoái hoài, anh không khen ngợi cũng chẳng chê bai. Vì anh có một mối quan tâm khác, mối quan tâm trẻ hơn bên ngoài.

9h tối anh không thấy vợ điện thoại. Ở trong vòng tay người tình anh bắt đầu thấy nóng ruột. Thường vào giờ này chị sẽ gọi cho anh bằng cái giọng rụt rè: “Anh ơi, sắp xong việc chưa? Bao giờ anh về, em vẫn đang đợi cơm anh”. Nhưng cả tháng trời nay, chị không bao giờ điện thoại cho anh. Thi thoảng, anh bật điện thoại lên và thấy hụt hẫng khi không có một dòng tin nhắn hay một cuộc gọi nhỡ của chị.

Anh gọi cho vợ, nhưng chị không bắt máy. Anh quyết định về nhà sớm hơn dù cô nhân tình tìm cách giữ lại. Về nhà, anh không thấy có mâm cơm trên bàn như bao lần. Căn nhà tối thui không có bóng người. Anh gọi điện cho chị, lần này chị nghe máy:

- “Đang ở đâu vậy?”

- “Em đang đi ăn tối với một người bạn. Có việc gì vậy?”

- “Mấy giờ rồi có biết không? Mà cơm nước sao không có?”

- “Hôm nay, anh lại ăn ở nhà à? Vậy anh nấu tạm đồ trong bếp nhé. Em bận rồi”

Chị lại cúp máy. Anh không thể biết chị ở đâu.

Chị đẹp lên từng ngày. Chị không còn giống là người vợ ngày ngày ở trong bếp nấu nướng và chờ anh. Chị thay đổi, chị lột xác nhưng chị quá xa xôi so với anh. Anh bắt đầu thấy nhớ… thấy thèm một sự hiền hòa và cam chịu của chị. Nhưng giờ chị dửng dưng với mọi điều. Anh say khướt về nhà chị không hề lo lắng. Anh đi tới tận khuya chị không hề điện thoại. Anh không về, điện thoại báo chị cũng nhẹ nhàng đồng ý… Sự tự do mà chị mang lại cho anh khiến anh sung sướng lúc ban đầu nhưng lại mang lại cảm giác khó chịu và tức tối về sau…

Chị đã từng là một người con gái đẹp nhưng vì yêu anh, vì muốn là hậu phương vững chắc cho anh nên sau khi cưới chị tình nguyện ở nhà chăm sóc chồng con. Chị nghĩ sự hi sinh của mình là cần thiết và chồng sẽ trân trọng. Chị đánh đổi sự nghiệp và nhưng cơ hội của mình để nhận được một lời chê bai: “Em nhạt và nhàm chán quá” của anh.

Anh ngủ dậy không thấy chị nằm bên. Anh hốt hoảng vì điều đó. Đã gần 1 tháng nữa qua đi, chị vẫn tự do và thoải mái cho anh như vậy. Nhưng anh thì đã không còn thiết đến chỗ người tình. Anh nôn nóng muốn biết xem chị đi đâu, làm gì, vì sao chị thay đổi… Những thứ đó còn khiến anh quan tâm hơn nhiều so với sự hờn dỗi của cô người tình.

Trên bàn chị để lại một mẩu giấy nhỏ: “Em đi du lịch một mình 3 ngày cho khuây khỏa. Anh tự lo cho cuộc sống của mình nhé. Con em gửi về bên ngoại”. Anh thấy tim mình đau khi chị bỏ lại anh thoải mái như vậy. Chị muốn trải nghiệm cảm giác không có anh, điều đó làm anh thấy buồn. Hình như chị đang chuẩn bị tâm lí cho việc không cần anh trong cuộc đời.

Anh muốn đợi vợ về để thú nhận với vợ rằng anh đã ngoại tình và xin chị tha thứ. Anh muốn chị đẹp như bây giờ nhưng xin chị hãy gần anh như xưa, đừng xa cách nữa. Anh nóng ruột điện thoại cho vợ nhưng chị tắt máy. Tới tận đêm, khi anh gọi điện chị mới nghe:

- “Em đang ở đâu”

Chị nói địa chỉ và rồi trong đêm ấy anh lao đến tìm chị, tìm người vợ mà bấy lâu nay anh bỏ quên. Còn chị, chị yên tâm chờ đợi vì chị tin chắc là anh sẽ đến…

Theo eva.vn

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

TÔI ĐÃ KHÓC VÌ MÓN QUÀ BẤT NGỜ GỬI TẶNG BỆNH NHÂN UNG THƯ MÁU

LâmTrực@


Võ Thị Ngọc Nữ - Đóa hoa khao khát được sống.

Một chương trình xúc động và nhân văn: món quà bất ngờ gửi tặng bệnh nhân ung thư máu.

Tôi là người cứng rắn và trưa hôm qua, khi xem chương trình"Điều ước thứ 7" trên VTV3, nước mắt đã phải rơi vì chứng kiến khát khao được sống, khát khao được báo hiếu của cô gái mắc căn bệnh quái ác này, và trên hết là chúng ta được thấy tình mẫu tử lung linh như huyền thoại giữa đời thường.

Thật xúc động! Một chương trình tuyệt vời.

Hãy cùng nhau giúp bạn Võ Thị Ngọc Nữ, để nụ cười sáng mãi trên môi.

Hãy xem và cảm nhận:

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

PHẢI LÒNG MỘT BUỔI SỚM HÀ NỘI

Phải lòng một buổi sớm Hà Nội


Lữ khách phương xa đến thăm Hà Nội, chỉ lưu lại đây ít ngày, thường buông lời phàn nàn về những điều chỉ vô tình bắt gặp: hàng quán kia bán giá cắt cổ, người chủ nọ càu nhàu khó tính, những dòng xe chen chúc nối đuôi vào giờ cao điểm, hay những tài xế taxi cố tình chạy lòng vòng giở chiêu trò với khách. Người ta bận rộn chú tâm và truyền tai nhau những thứ làm họ không vui, ngay cả khi thậm chí chưa từng trải qua, thế mà lại tiếc một chút lắng lòng cảm nhận những điều mà Hà Nội khiến người ta yêu nhất.

Thật sự thì Hà Nội là cả một hộp chocolate ngọt ngào mà mỗi viên lại là một sự bất ngờ, một niềm đáng yêu mà ta chẳng thể ngừng nhấm nháp. Hà Nội mùa thu, Hà Nội của những cơn mưa, Hà Nội của những ngày đông u ám hay Hà Nội của những con phố cổ thơm hăng hăng mùi gạch cũ vào những buổi trưa hè nắng gắt. Nhưng tôi thì, tôi lại yêu hơn cả một Hà Nội của những buổi sáng sớm, một Hà Nội vẫn còn ngái ngủ, êm đẹp, ngọt ngào và thanh tao, đủ để khiến ta trải qua một lần sẽ yêu hơn và yêu mãi.

Đã từ lâu, tôi chẳng thể lên giường ngủ sớm. Một lần cách đây rất lâu, tôi bước chân ra khỏi nhà vào lúc 5 giờ sáng và kể từ đó đến tận bây giờ, tôi ôm trong lòng tình yêu đắm đuối với những buổi sớm của Hà Nội. Những buổi trời còn nhập nhoạng màu ghi, những buổi mà phố không bóng người qua lại, những buổi trời tang tảng sáng gió mùa thu thổi mơn man trên những chiếc lá khô.

Nhiều người yêu Hà Nội khi về đêm, lúc thành phố đang đắm chìm trong giấc ngủ say nồng, lúc những con phố vắng tanh, im lìm chìm trong một nỗi suy tư, đến cả cơn gió cũng chất chứa một nỗi buồn lẻ loi khó hiểu. Nhưng tôi yêu hơn Hà Nội lúc tảng sáng, một Hà Nội chưa tỉnh giấc, một Hà Nội không có nỗi cô quạnh của đêm mà đang hé mở dần những âm thanh của một ngày mưu sinh mới. Nói thế nào nhỉ, tôi yêu những buổi sớm vì những kỷ niệm chất chứa trong tim, nhưng yêu hơn là vì những mùi hương, cảnh vật và âm thanh luôn khiến trái tim tôi rung động mỗi khi được nếm trải.

Tôi yêu những mùi hương buổi sớm. Đó là một thứ mùi không khí, mùi sương trong vắt, thanh khiết đến độ có thể chất đầy chúng vào lồng ngực một cách sảng khoái. Nào đâu chỉ có thế, cái mùi sáng sớm của Hà Nội rất kỳ diệu. Nó trộn lẫn giữa mùi nhựa non hăng hăng từ chồi lá, mùi thơm nồng của vỏ cây đã có tuổi, mùi gạch vữa, xi-măng từ những ngôi nhà Pháp cổ trăm năm. Kỳ diệu nữa, hình như phảng phất trong đó có mùi ấm áp từ nắng sớm mùa hè, và hẳn những đám mây bạc mới ló trên bầu trời xám cũng đã thả vào không khí cái mùi hơi nước man mát của mình.

Tôi thích nhất lúc cùng bạn bè đi quanh hồ Tây vào sáng sớm, thưởng thức trọn vẹn tổng thể cái mùi hương kiều diễm ấy một cách tham lam. Nói ra thì hơi phồn thực, nhưng tôi còn yêu nữa mùi của những hàng đồ ăn sáng. Nó xúi giục ta chỉ muốn sà vào bất cứ một hàng quán ven đường nào và quên hết mọi kế hoạch giảm cân, để ních cho đầy cái bụng. Mùi nồi nước xương mới đun thơm nồng, béo ngậy, thịt gà luộc mới bắc ra béo ngậy mùi da, mùi thịt trắng, thịt bò tái thơm lừng quyện với hành hoa, và trời ơi, mùi thơm ngọt của những viên mọc hay đơn giản chỉ là mùi quả trứng tráng cũng đủ làm vị giác ta ứa nước rồi.

Tôi cũng yêu những âm thanh của buổi sáng sớm. Khi nắng bắt đầu lên, con gà nào đó từ nhà hàng xóm cất những tiếng kêu lục bục khó hiểu, đúng chất “gà thành phố”. Thích nhất là đoạn khoảng 5 giờ sáng, khi trời đã bắt đầu tảng tảng, tiếng một hai con chim nào đó kêu vi vút như một món quà trang nhã cho bất cứ ai đang tận hưởng những khoảnh khắc này. Và rồi, một buổi sáng hiếm hoi nào đó trong mùa hè nhiệt đới, bạn nhắm mắt lại và nghe được tiếng mưa hè lộp bộp. Những âm thanh bình yên, êm ái như một điệu nhạc của Chopin, khác hẳn với sự tĩnh lặng buồn hiu hắt của Hà Nội đêm.

Những ánh nắng sớm đầu tiên của buổi ban ngày bao giờ cũng là những ánh nắng trong nhất, thơ nhất và mộng mơ nhất. Tôi luôn tìm thấy niềm hạnh phúc đặc biệt mỗi khi nhìn ngắm những tia nắng đầu tiên ấy thả mình xuống từng khe cửa sổ. Những tia sáng màu vàng tinh tươm, còn thơm mùi nắng mới lọt vào những khe, những kẽ, những ô cửa sổ, tràn xuống róc rách như một làn suối mát lành, khiến người ta cứ muốn ngắm mãi, muốn đưa tay ra, đắm mình trong thứ ánh sáng thần kỳ đấy và tưởng rằng mình là kẻ may mắn nhất thế gian. Những tia nắng trong lành và xinh đẹp đến mức, nó khiến ta ngây thơ trót đặt tình yêu vào cái thứ gọi là nắng hè, để rồi sau đó chẳng bao lâu, ta chỉ muốn chạy trốn chúng khi phải phơi mình dưới cái nắng ban trưa.

Viết đến đây rồi, tôi có cảm giác hơi “lừa đảo” một chút khi thú nhận với các bạn rằng, buổi tờ mờ sáng cũng là giờ ngủ của tôi. Tôi chỉ xin biện bạch rằng mình đã trót yêu thích nó quá, trót say mê những mùi hương, những âm thanh đó quá, thế nên khi được nhắm mắt đằm mình trong đó, tôi mới thấy giấc ngủ được trọn vẹn. Vẫn còn cái man mát của buổi đêm, vẫn còn tiếng chim hót văng vẳng, mùi hương thanh sạch ngai ngái của buổi sớm phảng phất trong không khí và phía trên đầu là những tia sáng vàng đang chảy xuống chầm chậm, khi đó, tất cả tạo thành một cảm giác thần kỳ và thiêng liêng đến tột độ. Để rồi, khi ta chìm vào giấc ngủ ngay sau đó, ta có cảm giác như tâm hồn mình đã được gột rửa đi phần nào những bụi bẩn của ngày hôm qua, thấy lòng mình nhẹ bẫng như vừa được ban một đặc ân cao quý nhất.

Diệp Nguyễn (thatmah.com)

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

CHIẾC GIÀY PHẢI BÊN TRONG CÁNH CỬA

Một câu chuyện từ diễn biến sự việc tới cách xử lý như trong câu chuyện cổ tích. Không biết, khi rơi vào hoàn cảnh thực tế, có ai đủ mềm dẻo để giải quyết nếu tình cảm bị chà đạp? Liệu cái ôm có phải là sự thứ tha quá dễ để rồi mọi thứ lại có thể lặp lại?

Chiếc giày phải bên trong cánh cửa 

18 giờ. Chị gọi điện thoại đến Công ty của chồng, chú bảo vệ nói rằng: "Sếp vừa đi ăn tối ở nhà hàng". Linh tính cho chị biết đó là... nhà nàng chứ không phải nhà hàng.

20 giờ. Sau khi cho các con ăn xong, chị phi xe máy đến nhà nàng. Ô tô của sếp đang đỗ ở trong sân. Linh tính đã không đánh lừa chị. Có cái gì đó rất nóng, trào lên nơi cuống họng nhưng chị đã kịp nuốt khan nó vào.

Không ấn chuông, không đập cửa, cũng không gào thét, chị cởi chiếc giày bên chân phải của mình, treo vào phía trong cánh cửa sắt rồi phóng xe về nhà, giúp các con ôn bài.

Gần 23 giờ đêm, sếp mới chỉnh trang lại y phục, chải lại mái tóc bị vò rối bù và ra về. Nàng ra mở cửa cho sếp trong bộ váy áo ngủ mỏng tang đầy quyến rũ, và giật mình khi nhìn thấy một chiếc giày treo trong khung cửa sắt. “Sao lại có một chiếc giày ở đây? Một chiếc giày chân phải rất đẹp”. “Thôi, em vào ngủ đi. Cho dù đẹp nhưng một chiếc giày thì cũng chẳng làm được việc gì”.

Trên đường về nhà, sếp cứ nghĩ vẩn vơ về chiếc giày đó, nó là của ai? Và vì sao nó được treo ở đó?

Sếp đánh ô tô vào gara, mở cổng rất khẽ. Có một chiếc giày chân trái của phụ nữ đặt ngay ngắn trên bậc cửa. Sếp đứng như trời trồng trước chiếc giày đó chừng 2 phút. Sau đó sếp vào phòng ngủ riêng, vì sếp không muốn nghe vợ cằn nhằn, khóc lóc.

Nhưng sếp trằn trọc mãi không sao ngủ được. Sẽ có giông bão trong căn nhà này. Sẽ là nước mắt, tiếng la hét và một lá đơn ly hôn. Rồi hai đứa nhỏ sẽ chán đời, đi bụi và hư hỏng... Đó là tấn bi kịch đáng sợ nhất.

Nhưng sáng hôm sau, mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Bát phở gầu bò thơm ngào ngạt vẫn được để ngay ngắn trên bàn cùng với mấy dòng chữ của vợ: “Em đưa các con đến trường. Anh ăn sáng rồi đi làm. Hôm nay trời u ám nên anh phải mặc bộ vét màu sáng, thắt cà vạt màu sáng. Em đã là kỹ, treo trong tủ”.

Sếp gọi điện thoại cho nàng: “Chiếc giày chân phải kia là của vợ anh. Đừng vứt đi nhé”. Giọng nàng đầu dây bên kia nghe hơi hoảng hốt: “Trời ạ! Anh muốn làm sao thì làm chứ nếu chị ấy đến nhà em làm ầm lên thì em không sống nổi đâu. Chiều anh tạt qua lấy chiếc giày về”.

Nhiều ngày trôi qua mà giông bão không nổi lên, thái độ của vợ sếp vẫn bình thản, song một chiếc giày trên bậc cửa cứ nhắc sếp về sự lẻ loi và tội lỗi của một người. Rồi một buổi chiều, sếp lấy hết can đảm, lôi chiếc giày bên phải trong cốp xe ra, đặt ngay ngắn bên chiếc giày chân trái của vợ.

Chị đi làm về, đứng sững trước bậc cửa mấy giây rồi chạy vào, ôm ghì lấy chồng mà thì thầm: “Ôi! Chiếc giày chân phải của em!” Sếp cũng thì thầm bên tai vợ: “Anh xin lỗi em - nghìn lần xin lỗi!”.

Nguồn ở đây