Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

TÀU NGẦM TRƯỜNG SA SẼ RA TUẦN CHÂU THỬ NGHIỆM?

Bị Thái Bình từ chối, tàu ngầm Trường Sa sẽ ra Tuần Châu

Sau khi cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình từ chối cấp phép, cha đẻ tàu ngầm Trường Sa đã nhận được lời mời đưa tàu ra đảo Tuần Châu thử nghiệm.

Ngày 30/4, ông Nguyễn Quốc Hòa, người chế tạo tàu ngầm Trường Sa 01, cho biết, sau khi bị cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình từ chối không cho phép ra vùng biển quê nhà thử nghiệm, ông và các cộng sự đang tính phương án đưa tàu ra vùng biển đảo Tuần Châu.

Cha đẻ tàu ngầm Trường Sa cho biết thêm, ông đã được doanh nhân Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, gợi ý đưa tàu ngầm ra thử nghiệm trong cảng du thuyền tại Khu du lịch Tuần Châu.

“Sau khi cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình từ chối cấp phép ra vùng biển địa phương thử nghiệm, tôi đã tiếp tục gửi đơn xin phép lên Bộ Quốc phòng. Gần đây, tôi nhận được lời mời của anh Tuyển. Tôi đang xem xét đưa tàu ra Tuần Châu thử nghiệm”, ông Hòa nói.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết, tàu ngầm Trường Sa đã được một người bạn mời ra vùng biển đảo Tuần Châu thử nghiệm. Ảnh: Lao Động.

Về thông tin tàu ngầm Trường Sa không được chọn tham dự ngày “Khoa học và công nghệ Việt Nam”, doanh nhân Hòa cho biết, ông tôn trọng dịp kỷ niệm này nhưng không mấy quan tâm việc được tham dự.

“Ngày này là dịp hội tụ của rất đông các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu. Họ là những người để tôi có thể tôn trọng, học hỏi. Tuy nhiên, lúc này, điều tôi quan tâm nhất là tàu sớm được ra biển, để tôi chứng minh khả năng”, ông Hòa cho hay.

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã họp bàn và quyết định từ chối việc cho phép tàu ngầm ra biển cách cảng Diêm Điền khoảng 12 km để thử nghiệm.

Theo lãnh đạo tỉnh này, lý do khiến tàu ngầm Trường Sa bị từ chối cấp phép là phương tiện cứu hộ địa phương chưa đáp ứng được.

Hiện tại, mọi công đoạn chuẩn bị để tàu ngầm Trường Sa ra biển đã hoàn tất."Tôi vẫn chờ đợi quyết định của Bộ Quốc phòng", ông Hòa nói. Ảnh: Lao Động.

Bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết: “Chiều 22/4, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc họp để nghe các sở, ngành báo cáo về vấn đề này. Theo đó, mặc dù đã có văn bản báo cáo, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ phía Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu".

Theo bà Hải, quan điểm của các cơ quan ở tỉnh Thái Bình là ủng hộ chương trình thử nghiệm của tàu ngầm Trường Sa. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lo sợ rằng, nếu thử nghiệm ở Thái Bình, tất cả các phương tiện, tàu cứu hộ của họ không thể đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia.

Mới đây, trả lời báo chí, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết, rất ủng hộ doanh nhân Hòa nghiên cứu chế tạo tàu ngầm Trường Sa 01. Cụ thể, Bộ Quốc Phòng đã cử 2 đoàn công tác của Quân chủng về Thái Bình để đóng góp ý kiến cho ông Hòa trong quá trình đóng và thử nghiệm tàu ngầm.

Theo ông Hiến, Trường Sa 01 không phải là một con tàu quân sự nên việc thử nghiệm nó nên giao cho một cơ quan dân sự, có thể là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Duy Cảnh

VỀ TRƯỜNG SA HÔM NAY

Khoai@

Vậy là Tháng Tư này đã có những niềm vui khi Việt Kiều được nhà nước tổ chức cho ra thăm Trường Sa. Có thể nói, đó là một nỗ lực rất lớn của nhà nước trong việc thực hiện chủ trương hòa hợp, hòa giải dan tộc.

Tất cả trên một còn tàu cùng hướng về Trường Sa. Đã có 199 đại biểu, trong đó có 70 Việt kiều cùng 2 thân nhân của tử sĩ quân đội VNCH (thiếu tá Ngụy Văn Thà và thiếu tá Nguyễn Thành Trí - những người đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974) ra thăm Trường Sa từ ngày 18.4. 

Đối với Việt Kiều, đây là chuyến đi lịch sử. Tất cả đều chung một niềm vui, chung sự cảm nhận về sự đẹp đẽ của biển đảo quê hương cũng như sự quan tâm của nhà nước, của nhân dân đối với Trường Sa. Và nó xóa tan những ý nghĩ mà mọi người thường được những người chống cộng ở nước ngoài rêu rao.

1. Luật sư David Nguyễn - Trưởng ban vận động và tổ chức bầu cử hội đồng đại diện cộng đồng người Việt quốc gia Houston và vùng phụ cận: 
Tôi muốn xem có giả dối nào không… nhưng ngược lại hoàn toàn.
Trong quá khứ, tôi rất cực đoan với Nhà nước. Tôi muốn đến Trường Sa vì lý do duy nhất: Coi Nhà nước này có giấu giếm gì không vì tôi nghe rất nhiều rằng biển Đông biến động, không có an ninh, rằng Nhà nước Việt Nam đã dâng biển, đảo cho nước ngoài. Tôi nhất quyết phải về để tận mắt nghe, thấy. Chuyến đi 10 ngày để tìm coi có một vết tích nào giả dối hay không, quả thật là không hề có mà ngược lại còn tuyệt vời hơn những gì tôi ước định trong đầu. Đến Trường Sa, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ các công trình kiến trúc rất vững chắc cho đến cuộc sống vui tươi của quân dân trên đảo… Với tất cả chiến sĩ mà tôi đã gặp, họ có một ý chí sắt đá vô cùng với tinh thần tất cả cho Tổ quốc. Tôi nói với chiến sĩ Trường Sa rằng khi cần, hãy cho phép tôi được đứng chung trong hàng ngũ của anh em để sẵn sàng bảo vệ quần đảo tươi đẹp này.
2. Bà Huỳnh Thị Sinh - vợ tử sĩ, thiếu tá Ngụy Văn Thà (Trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 - quân đội VNCH) - người được Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài mời tham gia chuyến thăm huyện đảo Trường Sa từ ngày 18 - 27.4 tại nhà khách số 1 Tôn Đức Thắng (Q.1, TPHCM). 

Bà Sinh xúc động tâm sự: 
Chuyến đi này thật ý nghĩa và vui quá! Đây là một chuyến đi lịch sử của đời tôi. Trong suốt chuyến đi tôi được các anh bộ đội và lãnh đạo rất quan tâm, chăm sóc. Vui và cảm động nhất là khi tôi cùng đoàn lên thăm các chiến sĩ bộ đội rất trẻ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Các cháu cứ nắm chặt lấy tay tôi và hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm về đất liền rất hồn nhiên và vui vẻ.
Bà Sinh cho hay:
Nhận được giấy mời ra thăm huyện đảo Trường Sa và dự đại lễ cầu siêu cho chồng cùng 73 đồng đội của ông chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đảo Hoàng Sa năm 1974 của Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, tôi rất vui nhưng cũng có chút lo lắng. Lo rằng mình có thể hòa đồng được với mọi người trong chuyến đi không.
Không ngờ, qua sự chăm sóc và quan tâm của lãnh đạo, chiến sĩ trên tàu nên bà Sinh hòa nhập rất nhanh với mọi người. Theo bà Sinh, hạnh phúc và vui nhất trong chuyến đi này khi bà đã làm quen được với nhiều bạn mới, đó là ông Davis Nguyễn (Việt kiều Mỹ), bà Jeanne Huỳnh (Việt kiều Pháp) và những người bạn là Việt kiều Ba Lan, Nga, Nhật... và đặc biệt hơn là các anh sĩ quan, các cháu bộ đội đang làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa nơi bà đã tới thăm.

3. Ông Bùi Duy Tâm -  Việt kiều Mỹ
Thấy nhiều lời đồn không có căn cứTôi lớn tuổi nhất đoàn, 81 tuổi. Sau chuyến đi, điều tôi yên tâm nhất là biết được Nhà nước quyết tâm bảo vệ Trường Sa và luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Tất cả chiến sĩ đều nói cùng một tiếng nói là sẽ mềm mỏng nhưng nếu cần sẽ kiên quyết chống trả. Do đó, luận điệu Việt Nam đã dâng đất, dâng biển cho nước ngoài là không có căn cứ.

4. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo - con gái tử sĩ, thiếu tá Nguyễn Thành Trí (Phó hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10, quân đội VNCH). Chị Thanh đang bị căn bệnh ung thư và vừa mới được truyền hóa chất
Chị Thanh xúc động tâm sự:
Khi tôi quyết định tham gia chuyến đi, mọi người trong gia đình ai cũng lo lắng. Nhưng anh thấy đấy, đến nay, sau 10 ngày gặp lại, sức khỏe của tôi đã tốt hơn trước chuyến đi rất nhiều.
Và:
Trước khi đi, mẹ tôi có kể lại câu cha nói với mẹ: “Đi du lịch bằng xe, tàu hỏa hay tàu bay, em chỉ nhìn được bờ biển và đảo. Chỉ có đi du lịch bằng tàu biển em mới cảm nhận được hết phong cảnh đẹp của biển, đảo tổ quốc”. Sau chuyến đi, tôi thấy lời cha tôi nói đúng “biển, đảo của nước ta đẹp quá”! Các thế hệ con cháu chúng ta phải có nghĩa vụ gìn giữ vẻ tươi đẹp của biển đảo quê hương.

5.  Nhà báo Lý Kiến Trúc - Câu lạc bộ văn hóa và báo chí quận Cam

Một chuyến đi thấy được rất nhiều điều

Lễ tưởng niệm này tưởng niệm những người của hai bên đã nằm xuống ở Gạc Ma và Hoàng Sa, tức không phân biệt ở chế độ nào, đã biểu hiện rõ tinh thần đại đoàn kết và hòa giải dân tộc. Điểm thứ hai là tưởng niệm tất cả những người đã ngã xuống trên biển Đông, những thuyền nhân tử nạn trên biển, những người làm việc ở các nhà giàn… Thể hiện đạo lý dân tộc rất cao lớn. Trang sử Việt Nam đã bước qua trang mới rồi, trang sử cũ từ từ khép lại. Quên đi những trang sử đau khổ của Việt Nam, mà hãy phát triển Việt Nam, muốn vậy phải giải quyết khối đại đoàn kết của người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại. Hòa hải hòa hợp lẫn nhau. Chỉ có một con đường duy nhất cho hòa hải dân tộc, đó là lấy đạo lý dân tộc và vì dân tộc là trên hết. Ông Võ Văn Kiệt từng nói sau ngày miền Nam mất: “Triệu người vui cũng có triệu người buồn”. Bây giờ sẽ không còn những người buồn nữa mà là đã mang lại niềm vui cho cả dân tộc. Điển hình nhất là chuyến hải trình vừa rồi đã cụ thể hóa chương trình hòa hợp dân tộc, để kiều bào về tận mắt chứng kiến người lính đã kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như thế nào. Đồng thời nhìn thấy sự toàn vẹn lãnh thổ như thế nào.
Đúng như cảm nghĩ của đoàn thăm Trường Sa, đây là chuyến đi lịch sử, và "thật mà như mơ"!

GS. JONATHAN D LONDON: MUỐN HÒA GIẢI, PHẢI CÓ ĐỦ DŨNG CẢM CHÍNH TRỊ

Giáo sư Jonathan D London: “Muốn hoà giải, phải có đủ dũng cảm chính trị”

Giáo sư Jonathan D London:

Để hòa giải và hòa hợp dân tộc, người dân Việt Nam phải đối mặt với lịch sử theo một cách mới. Phải có đủ dũng cảm để thực hiện những bước đi mới. Trong 39 năm qua và nhất từ đầu thập kỷ 90, người dân Việt Nam ở khắp nơi (kể cả ở ngoài nước) đã thấy những thay đổi sâu sắc trong xã hội của đất nước mình.

Từ một nước nghèo khổ, Việt Nam đã tiến lên đường công nghiệp hóa. Rõ ràng sự phát triển của đất nước có nhiều yếu tố rất hứa hẹn, bên cạnh những thách thức rõ nét. Vấn đề hoà giải là một trong những thách thức lớn đó? Câu trả lời cho câu hỏi này hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của mọi người?

Những lý do để ủng hộ một quá trình hòa giải ở Việt Nam mà được nói đến nhiều nhất chính là để mở rộng điều kiện của mọi người tham gia một cách tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, vấn đề hòa giải không bao giờ là một chuyện đơn giản và không bao giờ là một quá trình một chiều. Muốn hoà giải phải có đủ dũng cảm chính trị.

Đã gần 40 năm rồi. Muốn tạo ra điều kiện cho mọi người tham gia một cách tích cực vào sự phát triển của đất nước, phải nỗ lực để thực hiện một quá trình hòa giải cụ thể, không đơn giản chỉ nói từ hòa giải.

Jonathan D London là người Mỹ, hiện là Giáo sư - khoa Á Châu và Quốc tế học - ĐH Thành thị Hồng Kông. Ông Jonathan London đã nghiên cứu về Việt Nam từ đầu thập kỷ 1990 về những vấn đề chính trị xã hội và kinh tế, đặc biệt trong những lĩnh vực giáo dục và y tế.

Nguồn: Lao Động

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

RẤT NÊN QUAN TÂM TỚI ...LƯU MANH


1 Trong bài Đường đi và người đi -- Những khám phá thú vị về xã hội người Việt xưa in trên TT&VH số ra 18-12-2011 nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết:

Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên chữ này cũng mang nghĩa xấu”.

Tôi muốn bàn thêm với anh Thượng riêng về hai chữ "lưu manh".

Chữ "manh" ở đây không phải người mù.

Trong chữ Hán cũng có một chữ "manh" viết bằng cách kết hợp chữ vong với bộ mục, Đào Duy Anh dịch nghĩa là mắt không có con ngươi, tối tăm. 

Nhưng trong từ ghép "lưu manh" thì sách vở xưa nay đều viết chữ "manh" khác, gồm chữ "vong" như trên và bộ thị thay cho bộ mục. Chữ "manh" nói về sau này thời cổ là chỉ chung là dân. Trong Bình Ngô đại cáo có câu: "Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập".

Đào Duy Anh dịch là: "Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp"

Là dùng chữ "manh" ấy. 

Từ chỗ ban đầu chỉ dân nói chung (Hiện đại Hán ngữ từ điển giảng “cổ đại xưng bách tính”), sau chữ "manh" này chỉ dân không có nghề nghiệp. Nó cũng không mấy khi được dùng riêng mà thường dùng như một thành phần trong từ ghép "lưu manh". 

Anh Phan Cẩm Thượng cho rằng "đểu cáng" thi thoảng có trộm hàng của chủ hàng nên có nghĩa xấu. Nghĩa xấu đó là gì? Từ điển Khai trí tiến đức 1931 ghi đểu cáng là hạng người hèn mạt vô hạnh. Như vậy là từ một thói xấu đã biến thành một bản chất. Nay đểu cáng thường dùng như một tính từ chỉ phẩm chất. 

Hạng "lưu manh" cũng vậy. Các từ điển Hán -- Hán hiện đại thường ghi lưu manh ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết chính nghiã là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa. 

Tra các từ điển Hán Anh, tôi thấy người ta thường dịch "lưu manh" thành rogue, gangster, hooligan, sau đó chuyển sang nghĩa rộng hơn, nó dùng để chỉ những quan niệm hành động phi đạo đức, liều lĩnh, bậy bạ, rộng hơn là những triết lý “vô thiên vô pháp”, cho phép người ta dùng mọi thủ đoạn cốt đạt được mục đích. 

2 Hồi cuốn Văn minh vật chất của người Việt mới ra, tôi đã thấy cái tên sách hình như to quá so với thực chất. Lẽ ra nên gọi gọn lại, đại khái như Các đồ vật của người Việt thì mới đúng. Chứ còn vật chất là một khái niệm khái quát hơn nhiều. Ví dụ một dạng vật chất là năng lượng, hoặc các loại vật liệu -- ở đây đâu có nói tới.

Người Việt là một khái niệm có nghĩa rộng. Việc ở đây tác giả chỉ nói về người Việt ở đồng bằng Bắc bộ cần được xác định rõ ngay từ tên gọi tập sách. 

EM MÃI LÀ NGƯỜI THỨ BA

Em đã bước qua tất cả: gia đình, bạn bè, dư luận xã hội... để đến với anh bằng chính con tim mãnh liệt của mình. Em chấp nhận cuộc tình mà biết hồi sau nó sẽ kết thúc bằng nỗi đau, bằng chia ly, bằng nước mắt mặn chát.


Ai trên đời mà chẳng có bồ, bồ được gọi là cưng. Vợ thì sống công khai, cưng thì sống bí mật. Cưng được thương hơn vợ, vợ được một thì cưng được hai”. Tiếng hát như con dao xoáy vào lòng em nhức buốt, cố gắng không khóc mà nước mắt cứ trào trên khóe mi, tự chua xót cho thân phận mình, thân phận của một kẻ thứ ba.

Em, một người thứ ba tội lỗi, một người thứ ba có thể bị cả xã hội lên án. Nhưng có ai nghĩ em cũng có trái tim yêu, cũng có khao khát yêu và được yêu. Em giận mình đã để trái tim đi lạc trong ánh mắt anh nồng nàn, trong bờ môi anh quyến rũ, trong vòng tay anh đầy khao khát.

Tiếng hát vẫn ru, vẫn da diết đưa em vào nỗi đau của thân phận kẻ thứ ba. Em cố ru lòng mình ngủ yên nhưng trái tim cứ vỡ òa những thổn thức. Tại sao anh lại bước vào cuộc đời em với những khát khao, những đam mê, những yêu thương đáng lẽ nên cất giữ để giờ đây em bơ vơ không biết bước chân mình nên dừng ở đâu. Nơi nào cũng không có anh, mà chỉ có một mình em trong đêm vắng, tự vòng tay ôm mình mà thấy thiếu một bờ vai.

Bờ vai nào đây cho em dựa? Bàn tay nào đây cho em nắm? Làn môi nào đây cho em hôn? Vòng tay và cơ thể mạnh mẽ nào đây để ôm em, để ru em trong những đêm dài ngon giấc ngủ? Em cứ tự hỏi, em cứ tự tìm và em muốn tìm thấy anh để con sóng cuộc đời không thể xô em gục ngã bởi vì em đã có nơi nương tựa vững chắc là anh.

Em yêu anh dù biết anh là người đàn ông đã có vợ, có một gia đình hạnh phúc nhưng em vẫn lao vào như một con thiêu thân. Em đã bước qua tất cả: gia đình, bạn bè, dư luận xã hội... để đến với anh bằng chính con tim mãnh liệt của mình. Em chấp nhận cuộc tình mà biết hồi sau nó sẽ kết thúc bằng nỗi đau, bằng chia ly, bằng nước mắt mặn chát.

Em cũng biết sợ sệt: sợ rồi một ngày anh sẽ không còn dành cho em những giây phút hiếm hoi, những khoảng lặng thời gian dài nhất của anh có thể, sợ những tâm tư suy nghĩ mà anh thường trao đổi với em lúc ban đầu biết nhau và yêu nhau sẽ ít dần đi theo năm tháng. Em trở nên ích kỷ và yếu đuối, ích kỷ với mọi người và ích kỷ với chính mình.

Em yếu đuối không vượt qua nổi lý trí để rời xa anh, trả anh về với gia đình, về với cuộc sống thường ngày của anh. Có lẽ vì từ xưa đến nay em luôn sống bằng tình cảm và trái tim. Em có ích kỷ và xấu xa quá không khi chỉ biết tình yêu của mình? Nhưng như anh đã thấy, em chưa bao giờ dám tỵ nạnh ghen tuông với gia đình của anh, chưa bao giờ dám đòi hỏi nhiều hơn những gì anh dành cho em, bởi vì anh đâu có dành riêng cho em.

Chưa bao giờ bảo anh bỏ tất cả để chỉ yêu em, chưa bao giờ em dám đòi hỏi tham lam dù chỉ là điều nhỏ nhất, chưa bao giờ và chưa bao giờ. Có những lúc em đã dùng mỹ từ bao dung để gắn với con người em, nhưng có phải vì em bao dung quá mà biến em thành một kẻ nhu nhược phải không anh?

Em nhu nhược với chính mình, với tình yêu của mình, và với anh nữa. Em luẩn quẩn trong đám tơ rối, tìm mãi mà không ra mối tơ đầu để quấn nó lại như vốn có, hay em đã làm cái vốn có thành một đám rối mà chính em không thoát ra được.

Từ bé em rất thích loài bướm màu trắng, loài sinh ra từ cái kén với bao nhiêu đám rối trong lòng nó, loài bướm tự do, đôi cánh chỉ có một màu trắng tung bay đi bốn phương trời. Em ước ao cuộc đời mình cũng sẽ được tự do như vậy. Nhưng từ khi con tim của em biết yêu anh thì tình yêu của em chỉ có một lần và cũng giống như cuộc sống của em có một lần vậy. Cuộc sống có một lần nhưng đó là sống cả một đời và trong cuộc đời này em không thất hứa.

Em đã bảo rằng em yêu và em đã yêu hết mình, dù thế nào đi nữa em chỉ yêu có một người, một lần trong cuộc sống của em. Đến giờ em vẫn giữ được lời hứa của em, em đã lạnh lùng và có những lúc em đã khước từ một cách lịch sự hoặc một cách tàn nhẫn trước những quan tâm, những tình cảm của những người khác đến với mình.

Với em tình yêu của anh là đủ và rất cần thiết, không cần một tình yêu nào nữa. Trái tim em chỉ có một và tất cả cũng chỉ dành cho một người nên em không thể làm người khác phải khốn khổ thêm nữa. Như vậy em có quá tàn nhẫn và ích kỷ không?

Em hiểu, em sẽ phải trả cái giá rất đắt cho sự lựa chọn trong tình yêu này, cho những việc em đã và đang làm để bảo vệ và vun đắp cho mối tình duy nhất của em. Em chấp nhận tất cả để gần anh, em có thể thiếu tất cả nhưng em không thể thiếu tình yêu của anh.

Em sống hết mình cho tình yêu của em, em sẽ sống những mảnh ký ức vụn vỡ, những lắng đọng mà không hề oán than. Em tự quyết định và lựa chọn cho mình một kết thúc là sẽ làm người thứ ba và mãi mãi yêu anh, như thế em có bị coi là có tội không? Cái giá mà em phải trả cho tình yêu này đắt hay là rẻ?

Vậy là em bất hạnh hay là em hạnh phúc? Có người bảo rằng đó là bất hạnh cho những kẻ thứ ba suốt đời sống vì người mình yêu. Nhưng em thấy đó là hạnh phúc, ít nhất đối với em, bởi em có thể sống, có thể yêu như mình mong muốn, khát khao và không cảm thấy phí hoài cho một lần sống, một cuộc đời của em, bởi vì trong tim em luôn có anh!

AI CHO EM CAN ĐẢM ĐỂ BỎ NGHỀ?

Mỗi con đĩ đều có một lý do vào nghề của riêng mình. Một lý do để khóc lóc van xin và nài nỉ mỗi khi sa cơ lỡ bước. Một lý do có thật hoặc một lý do ảo nào đó. 

Đối với nó, làm đĩ, đơn giản chỉ vì tiền. Nó cần tiền và nó biết, khó có cái nghề nào cho nó đủ số tiền nó cần như nghề này. 

Nó coi đó là một nghề, và không hề xấu hổ về cái nghề đang làm. 

Nhưng lý do của nó lại là... 

Gia đình nó có "truyền thống" như vậy! 

Mẹ nó sinh nó ra mà thậm chí bà còn không biết nó là sản phẩm của lần quan hệ với người đàn ông nào. Sinh ra như một sai lầm nghề nghiệp. Sau khi sinh nó ra, mẹ nó không còn sinh nở được nữa. Nếu đối với những người phụ nữ khác thì đó là một sự đau xót, nhưng với mẹ nó thì là một niềm vui. Một mình nó bà ta đã quá đủ ngán ngẩm rồi. Nó lớn lên trong sự thiếu thốn, thiếu cả tình cảm của mẹ, và cả vật chất. Nhưng xui xẻo thay nó vẫn xinh đẹp. Nó không xấu xí. Đàn bà có vốn tự có để bán trinh tiết, thể xác, đàn bà đẹp lại có càng nhiều thứ để mài mòn. Nó chưa từng yêu, 20 tuổi chưa từng hiểu yêu một thằng đàn ông sẽ có mùi vị gì? Hay tất cả chỉ là mùi thể xác hoà lẫn trong cái vị mặn mồ hôi nơi đầu lưỡi mỗi khi quan hệ để được trả tiền. Học hành không đến nơi đến chốn, 15 tuổi đã bỏ học và làm nghề cùng với mẹ. Nó chẳng thể cho mình một cái nghiệp để kiếm tiền dễ hơn! 

Vậy là nó chấp nhận cuộc sống như một dòng sông phẳng lặng chảy xuôi chiều.

5 năm trôi qua, có đủ để một con đĩ an phận phải chấp nhận số phận hay bắt đầu suy nghĩ về cuộc đời mình? Người ta tự hào khi kế thừa một truyền thống, còn nó, có nên đau xót khi phải đi theo một lối mòn?

Con người có những lựa chọn và nó biết cái nghề nó đang làm không phải là một sự lựa chọn tốt nhất cho một thứ việc làm. Nó chui vào một góc và bắt đầu khóc. Lần đầu tiên nó nức nở về số phận của mình, đã không chèo lái được cuộc đời, mặc nước xuôi chiều cuốn trôi. Phải chăng nó đã sai rồi sao???? Những lần đi khách không phải lần nào cũng dễ dàng, chưa kể công an, bảo kê và bọn dắt mối hành hạ. Chưa kể những khách hàng khiếm nhã. Như người ta vẫn nói, có thằng nào đi "đá phò" là thằng đàn ông tử tế đâu? Nó đôi khi bị khách đánh đập. Những thằng đàn ông vẫn bạo lực như vậy khi làm tình.

Có hôm, nó lết dậy trên giường mà không sao bước đi được, cảm giác thân thể rã rời, phần dưới đau nhức không thể tả... 

Lại một ngày trôi qua của một con phò với tai nạn nghề nghiệp đây mà. Nó cười. Cười lớn dần. Rồi trong tiếng cười vỡ vụn ấy, giọt nước nào đó lăn ra từ hai khoé mi. Lần đầu tiên trong đời, nó cười mỉa mai cái nghề và cái thói đời này. 

Nó sẽ từ bỏ. 

Nó không muốn chịu cái sự đau đớn trên thân thể thiếu nữ, không muốn chịu cái sự nhục nhã ngày nối ngày thế này nữa.

Nhưng... 

Ai cho nó sự can đảm để bỏ nghề?A

Ai?

Xã hội này là nơi rất dễ dàng cho sự bắt đầu, nhưng lại quá khó khăn để kết thúc.... Nó quyết định đi tìm người đàn ông của mình, một người đàn ông mà như bao phụ nữ trên đời này vẫn có, ít nhất một người. Người đàn ông yêu nó. Yêu nó để nó yêu chứ không phải yêu nó như yêu một con phò.

Nó bắt đầu vẽ ra cái ảo tưởng cho đời mình. Một điểm sáng le lói có thể bước tới từ đâu đó ở phía những người đàn ông tử tế kia, không phải những khách hàng của nó.

Nó thay đổi nhiều, đi khách ít hơn, mặc cho bọn dắt mối cằn nhằn, cay nghiệt chửi bới, cùng với bảo kê liên tục đe doạ. Phải liều lĩnh. Ai đó, đâu đó hay trong một bộ phim nào đó đã nói vây.

Cho đến khi nó quyết định bỏ nghề. Dù sao nó cũng chẳng có ràng buộc gì với cái nghề này, ngoài một từ "truyền thống" xót xa.

Như tất cả những con cave bỏ nghề khác, đều chịu đựng những cái nhìn mỉa mai của "đồng nghiệp" và sự quấy rầy của quá khứ. Nhưng thời gian sẽ làm mọi chuyện trôi qua. Nó cắn răng chịu đựng với ý nghĩ đó và cố an ủi mình với mơ ước về một người đàn ông sẽ đến.

Phải là một đứa con gái trong sạch mới xứng đáng với một người đàn ông như thế. 

Khi con người ta đã thay đổi những ước mơ về hạnh phúc xa vời, thì nó thật buồn cười chỉ có một mong ước bình thường không xa xôi là được yêu dù chỉ một lần thôi.

Nó bắt đầu thói quen đi xem film một mình, đọc sách thường xuyên và tìm hiểu những công việc khác, trên báo. Rồi nó tìm được một công việc ở một quán cafe, bồi bàn. Nó hài lòng với công việc đó. Cố gắng tẩy rửa và lau chùi quá khứ của mình. Thay đổi tất cả. Thuê một căn phòng trọ nhỏ ở nơi mới. Dùng một số điện thoại mới. Thường xuyên ra đường không trang điểm chứ không loè loẹt như xưa. 

Mọi thứ thay đổi đến chóng mặt và khó khăn cũng nhiều đến chóng mặt.

Một năm trôi qua... 

Người đàn ông ấy vẫn chưa đến.... 

Cho đến một ngày, trước sinh nhật nó 1 tháng, nó nhận được một bó hoa. Người ta nói là có người tặng nó. Bó hoa hồng đẹp hơn cả trong giấc mơ. Không rõ người gửi. Và cứ thế trong một thàng liền, những bó hoa được gửi tới nơi nó làm một cách đều đặn.

Vào ngày sinh nhật nó. Không còn thấy bó hoa đó xuất hiện vào buổi sáng như thường lệ, nó có chút buồn thoáng qua. Một tháng nay nó đã mong chờ bó hoa ấy và chủ nhân của những bó hoa này làm nó tò mò, đôi khi là mong nhớ. Mong nhớ một người xa lạ.

Nó như một đứa trẻ lần đầu tiên trong đời được tặng một con búp bê đẹp. 

Tối hôm đó, khi nó đóng cửa quán, vì ca trực của nó là ca trực cuối cùng. Một anh chàng xuất hiện, với một bó hoa như mọi ngày trên tay.

- Chúc em sinh nhật vui vẻ.

Nụ cười tan mây, nụ cười ngọt ngào trên đôi môi ấy làm trái tim nó tan chảy. Một đứa con gái khát khao hạnh phúc bao lâu nay, giờ đây được đón nhận niềm vui thì sẵn sàng nhận lấy mà không mảy may đề phòng. Nó im lặng, sững sờ, luống cuống không biết phản ứng thế nào.

Vậy là tình yêu của nó bắt đầu như vậy đấy. 

Hoa hồng người đó tặng cho nó. Nó chưa bao gìờ yêu và cũng không biết yêu nhau người ta sẽ làm như thế nào và làm gì với nhau. Hẹn hò này, đi chơi này, nhắn tin, gọi điện thoại và còn gì nữa??? Nhiều hơn cho một sự bắt đầu.

- Sao anh lại thích em? 

- Anh nhìn thấy em vào ngày đầu tiên em làm ở đây. Anh là khách quen của quán hehe... nhưng từ khi nhìn thấy em, anh không vào đây nữa. 

- Tại sao vậy? 

- Ồ, anh phải nghỉ ngơi và dành thời gian để nghĩ chuyện cưa cẩm chứ.

Nó cười hạnh phúc.

Cuộc sống đơn giản vậy, hạnh phúc đến đơn giản vậy. 

Một vài tháng sau nó chuyển về sống chung với anh. Đối với nó, đây hẳn là 1 sự phân vân, anh không biết quá khứ của nó và nó cũng không biết sống chung với người đàn ông mình yêu chứ chưa phải là chồng thì có là đứng đắn và giống con gái bình thường không? 

Nhưng mặc kệ! 

Anh muốn thế. Và như thế thì hai người mới có nhiều thời gian bên nhau, nhất là khi bố mẹ anh ở xa và anh lại đang sống một mình, cần 1 người phụ nữ để chăm sóc, cần một bàn tay phủ ấm căn nhà hoang lạnh.

Lại nói về bố mẹ anh, nó nhớ chưa một lần anh nhắc đến họ. Có vài lần nó cũng định hỏi nhưng nghĩ lại thì thôi bởi nếu anh có trả lời, rồi anh hỏi về bố mẹ nó, nó sẽ trả lời thế nào? 

Một đứa trẻ không biết bố là ai? Và một bà mẹ là điếm hết thời đang sống cuộc đời nghiện ngập, rượu chè, không hiểu đang ở nơi nào.Trả lời như thế sao?

Dù vẫn biết là anh sẽ biết hết dù sớm hay muộn nhưng nó vẫn không thể mở lời nói về cái cuộc đời xưa cũ mà nó đang cố gắng rũ bỏ.

Trước khi chuyển về sống chung, 2 đứa đi mua sắm rất nhiều vật dụng, vẽ ra một viễn cảnh của tình yêu hoàn hảo.

Nó nhoè mắt, cay lòng: 

- Anh tốt với em quá! 

Anh cười: 

- Anh không tốt đâu... 

- Không sao, em sẽ yêu anh, cho dù anh là người xấu đi chăng nữa.

Ngày nó chuyển đến sống chung với anh, đồ đạc không có gì nhiều ngoài vali quần áo, những thứ khác nó đã để lại căn nhà trọ vì anh nói, ở nhà anh cái gì cũng có, không nên đem đi cho lủng củng và mệt mỏi.

Buổi sáng hôm ấy, trời mưa, mây xám xít và không khí u ám nặng nề. Chỉ có nó là điểm sáng duy nhất của thời tiết ảm đạm không có mặt trời ấy. Nó vui vì được bắt đầu một cuộc đời làm người thực sự.

Đêm đó, là đêm đầu tiên của nó và anh. Rất lâu, rất lâu từ khi 2 người yêu nhau.

Tấm ga giường. Một người đàn ông. Chiếc chăn mong manh. Ánh đèn đỏ. Mùi mồ hôi nồng nàn. Bàn tay to lớn lướt trên cơ thể co quắp.... đã từ bao giờ xa vời với nó. Nay lại trở về. Và lại là với người đàn ông mà nó yêu.

Miên man với suy nghĩ hạnh phúc và cảm giác tuyệt vời đang trải qua. Sau khi làm chuyện đó nó thấy anh quay lưng đứng dậy mặc quần áo. Nó cười: 

- Anh ngốc thế, sao phải mặc đồ nhanh vậy. 

Anh lạnh lùng không nói gì. Mặc đồ tử tế, quay lưng lại đến tận khi đó vẫn chẳng nói gì thêm với nó. Sau khi xong xuôi, anh rút trong ví ra 1 tập tiền.

Rồi ném vào mặt nó khi nó còn đang trần truồng ở trên giường, phủ lên thân thể con gái là một tấm chăn nhỏ, đủ để tiền lướt qua da làm nó lạnh. Nó hoàn toàn không hiểu điều gì đang xảy ra, thế giới như sụp đổ, cánh cửa một cuộc đời đóng khép. Nó shock đến mức không nói được câu nào, chỉ biết im lặng, đờ đẫn như vậy nhìn anh. 

- Nhiều hơn một đêm của cô ngủ với bố tôi chứ? 

- Anh... anh... 

- Tôi chỉ muốn xem cô ngủ với bố tôi như thế nào. Người cha đáng thương của tôi đã bị cô làm mù mắt. Tôi chỉ muốn xem khả năng làm điếm của cô thế nào thôi.

- Anh.... anh... 

- Một con đĩ suốt đời chỉ là một con đĩ, không hơn. Cầm tiền và cút khỏi đây.... 

- Anh... 

- Tôi muốn tất cả cái lũ điếm như cô, và nhất là cô, phải chịu cái cảnh mà mẹ tôi phải chịu. Nhục nhã vì bị ruồng bỏ. Nhục nhã, rõ chưa? Cầm tiền và xéo đi.... Con điếm! 

Nó cười lớn. Cười sằng sặc. Nước mắt nó ào ạt tuôn trào. Đôi môi ướt đẫm. Nó cắn môi, giữ nguyên cái bộ dạng trần truồng đó. Nhặt...nhặt...nhặt những đồng tiền bán thân xác mà anh vừa trả nó.

Anh ta quay đi không nhìn. 

- Bố anh là ai? 

- Là người bằng tuổi bố cô, là cái lão già mà cô đã cặp kè và làm si mê suốt 4 tháng trời, để ông ta đòi bỏ vợ. Đuổi vợ ra khỏi nhà, và bà ấy là mẹ tôi, gần 50 tuổi mà phải xách vali ra khỏi nhà và đi tự tử vì nhục. Là mẹ tôi. Là mẹ tôi. Cô hiểu chưa? Con đĩ!

Anh gào lên, nước mắt anh trào ra, nỗi tức giận và niềm căn phẫn ứa lên mạnh mẽ.

- Tôi thậm chí đã không về kịp để nhìn mẹ lần cuối, chỉ vì cô đấy, con đĩ! 

- Em không biết bố em bao nhiêu tuổi. Nó cười, môi cắn môi, máu chảy ra hoà cùng dòng nước mắt tan. - Em chưa từng phá hoại hạnh phúc của ai.... chưa từng! 

- Một con đĩ như cô, thì làm sao biết mình đã ngủ với bao nhiêu người? Làm sao biết mình đã phá nát bao nhiêu cuộc đời chứ? Khốn nạn! Đồ điếm! Đồ chó cái! 

Nước mắt, dù đã kìm nén vẫn tuôn ra không ngừng. Lông mi đẫm nước, má đỏ, môi ướt máu. Nó cười. 

- Tất cả chỉ là giả dối hả anh? 

- Tôi chắc sẽ yêu cô. Tôi tưởng tôi đã yêu cô. Đã quên đi mục đích tiếp cận cô của tôi, những gì cô thể hiện quá tuyệt vời, sự che dấu hoàn hảo. Nhưng rồi trên giường cô cũng chỉ là con đĩ thôi. Tôi không thể quên. Một con đĩ giết mẹ tôi, nó ám ảnh tôi! 

- Vậy là.... anh sẽ yêu em như anh đã trót yêu em nếu như em không phải là một con đĩ, phải không?

Anh quay đi...

Không khí căn phòng đêm đầu tiên này,đầy máu và nước mắt, tràn ngập nỗi đau.

Nó với anh: "Nhiều hơn em được trả cho một đêm!" 

Mặc quần áo, kéo nốt đống quần áo mới xếp vào tủ trong sung sướng và hạnh phúc sáng nay. Nó nhét vào vali và kéo lết đi. 

- Cám ơn anh! 

Người đàn ông gục xuống! Anh ta khóc.... 

Cánh cửa kéo ra rồi đóng sầm.Trời lại đổ mưa.... 

Nó lết vali bước đi trên đường ướt,nước mưa tát vào mặt nó rát và nước mắt làm nó buốt giá, môi cắn bật máu giờ đây xót chảy tan trong nước mưa những giọt máu đỏ. Nó cầm nắm tiền trên tay.

Kiệt sức và đau đớn! 
............. 

Sáng hôm sau, người ta tìm thấy xác một người con gái, với giọt máu ở khoé môi, nước mắt 2 dòng khô trên đôi mắt nhắm u sầu. Cô ấy đã chết. Cổ tay hằn vết và máu chảy đẫm áo.

Một cái chết đau đớn và oan uổng! 
............

Nó lết trong cái đêm mưa bão đau xót ấy. Nỗi đau đã làm tiếng cười của nó bật nước. Nó quỳ xuống một góc khuất, bên mái hiên của căn nhà bên ngõ vắng. Lục lọi đống đồ đạc mà nó đem theo. Hộp dao cạo mua cho anh để anh cạo râu. Nó nghĩ vậy khi mua và vui lắm, cái cảm giác được chăm sóc cho anh như cho chồng mình. Mở quyển sổ nhật ký nó mua với ước mơ hồn nhiên ghi chép lại những ngày sống chung của cả hai mà nó vốn nghĩ sẽ rất hạnh phúc. Nó rạch 1 vết nhỏ trên ngón trỏ của tay phải và bắt đầu viết trong nước mắt, trong nước mưa, trong máu. Trái tim nó vỡ nát theo từng dòng chữ đớn đau.
................

Người ta nhìn anh, khi anh đến đồn công an để nhận xác và khai báo. Nhìn anh như nhìn một con ác thú giết người.

Anh lặng lẽ khai những gì mà người ta hỏi.
.............

Đám tang của nó chỉ có một mình anh.

Chỉ là một nắm đất chôn người chết, được đào xới lên và thả cái xác xuống, cắm một vài nén hương, bia mộ là những dòng chữ trống rỗng. 

Một cái tên như bao cái tên... 
...........
Bức thư tuyệt mệnh và chiếc vali của nó nằm im lìm ở góc nhà. Anh không hề đụng đến.... 
..........
Một buổi sáng, anh giật mình bởi tin nhắn: " Tao lại thấy bố mày cặp kè với con kia rồi đấy!" 

Anh bàng hoàng.... Gọi điện thoại lại cho bạn. 

- Uh, đúng rồi, tên thế mà, nhưng nó bỏ làm ở đó lâu rồi, bỏ từ trước khi mày về nước cơ. 

Thế còn những tấm ảnh thì sao? Anh cảm giác như mình sắp nổ tung. Mở những cái ảnh chụp cha mình và cô gái đó. Anh chợt rùng mình. Vì những bức ảnh đó không có rõ mặt người con gái kia, chỉ 1 mái tóc giống nhau, 1 cái tên giống nhau, 1 chỗ làm giống nhau.

Anh chạy đến góc phòng, đôi bàn tay run rẩy cầm bức thư... 

Nước mắt trào ra, lăn lóc trong trái tim anh hoảng loạn, đôi môi run, hàm răng va đập, những tiếng nấc không thành lời. Một bức thư đẫm máu, viết bằng máu và bằng một trái tim đau.

" Anh à, em nói thật mà. Em chưa từng phá hoại hạnh phúc của ai. Em biết anh nhầm lẫn. Nhưng em không thể giải thích vì anh nói đúng, em chỉ là một con đĩ. Em ước gì, em được sinh ra 1 lần nữa. Một lần trong sạch chưa bao giờ trải thân đĩ điếm.

Anh à, anh đúng. Anh ko sai.

Nhưng có một điều anh sai.

Số tiền anh trả cho em không đủ, không đủ cho một tình yêu.

Lẽ ra anh nên trả em nhiều hơn.... " 

Những nỗi đau dồn dập lên một cuộc đời và nhiều con người. Vì một người đàn ông mà 2 người đàn bà phải chết. Người đàn ông kia đã mất vợ. Và con của ông ta đã vô tình giết chết một người con gái yêu mình.

Nó đã cố gắng quên quá khứ, để học cách yêu một người nhưng nó vẫn được trả tiền vì yêu người đó. Vì đơn giản, nó chỉ là một con đĩ!

CÓ PHẢI TÌNH ĐẦU KHÔNG NHỈ?

Cuteo@


Cuối cấp 3, lũ con gái lớn tướng, vú sừng trâu ngúng nguẩy thụt thò sau cánh áo mỏng rẻ tiền. Bọn con trai chúng tôi, chim còn chưa ra giàng nhưng hay ngắm của mình, suy tư như lãnh tụ. Là năm cuối cấp, viêc học hành cũng chộn rộn nhưng vẫn không quên những trò ma quái học trò. Tôi là lãnh tụ của những trò đó, kẻ đầu têu vĩ đại, ngồi phòng giám hiệu với chủ nhiệm hay hiệu trưởng còn nhiều hơn ngồi học. Những trò tôi bày ra hồi đó kinh hãi lắm, đại khái như tổ chức nhìn trộm bạn gái thay quần áo, lập hội búng chim bạn trai, đánh rắm nắm tay phả mồm bạn quản ca kiêm lớp phó văn thể hay đặt vè chế nhạo thày cô. Sinh hoạt lớp tuần nào chúng cũng lôi tôi ra phê bình, kiểm điểm. Hạnh kiểm tôi xấu tệ nhưng cô chủ nhiệm vẫn cho khá. Tôi mà bị hạnh kiểm tồi cô mất chủ nhiệm, khỏi tăng lương hay bi bô cột cờ đọc thành tích. Ông hiệu trưởng tên Lê Bá Bầu, lúc tử tế tôi gọi là Bấu Bà, ghét tôi như ghét đế quốc, thù tôi như mẹ chồng thù con dâu. Liên thiên thế để thấy, tôi mất dạy toàn tập, may được cái học giỏi chứ không thì đã bị tống cổ từ lâu.

Cũng năm đó, đời tôi thay đổi lớn, đến tận giờ. Tôi ngoan ra và suy tư nhiều lắm nhưng học lại ngu đi như con bò Trung Quốc. Lớp chúng tôi đón đoàn sinh viên thực tập, 6 người, cô trưởng nhóm tên Ái, xinh thôi rồi. Ban đầu, tôi kệ mẹ với những trò dự giờ dạy thử, văn nghệ văn gừng, kể chuyện làm thơ. Tôi không khoái những trò đó, vô bổ bỏ mẹ. Tôi chỉ thích nghịch những trò tinh quái. Thày cô thực tập tôi bắt nạt, nghịch đểu, trêu ngươi cho đến khóc. Tôi phá hoại công cuộc thực tập của thày cô như quân ta phá hoại trong vùng bị địch tạm chiếm. Ai cũng ghét tôi, mỗi cô Ái là không. Cô che chở tôi những tội lỗi dại khờ, hay cho tôi đi nhờ xe, cho tôi kẹo dồi, bút bi và sách vở. Nhẽ thế nên tôi bớt nghịch đi. Tôi coi cô như cô Tấm dịu hiền ( lớn lên tôi mới biết cô Tấm ác bỏ mẹ, đóe dịu hiền tý nào).

Tôi mến cô thực sự. Cô cũng mến tôi. Những khi rảnh rỗi, cô hay chở tôi xuống thị xã cho ăn kem cốc trong khi tôi chỉ thèm kem que. Cô còn chở tôi về nhà chơi. Nhà cô đẹp, giường cô nhiều tranh ảnh diễn viên, thơm bát ngát. Cô hay hỏi tôi về trường lớp, chán lại hỏi ước mơ. Trường lớp thì tôi không biết gì, ước mơ thì tôi chỉ thích được bóp mấy thứ của con bạn gái quản ca kiêm lớp phó văn thể xinh xinh. Cả hai thứ tôi đều chẳng nói với cô được.

Ngày hết kỳ thực tập, cả lớp tôi buồn như đưa đám. Bọn con gái mau nước mắt khóc chia ly như đám ma đại cố. Mấy thằng con trai cũng sụt sùi mào gà, nức nở. Tôi ráo hoảnh, chỉ thấy tiêng tiếc thứ gì đó, đại khái như ăn kem, đi nhờ xe của cô Ái. Tức là tôi mất đi đặc quyền, sự yêu chiều và hưởng thụ. Chúng tôi góp tiền mua tặng phẩm tặng thày cô thực tập. Họ cũng thế, góp tiền mua tặng lại. Cô Ái tặng riêng một cuốn sổ bìa đỏ gáy vàng to vật, dày cộp. Cô nhìn tôi ưu tư, dặn bớt nghịch đi, dành nhiều thời gian ghi chép cuộc đời vào cuốn sổ. Tôi không nghe lời cô, đem bán cho con quản ca kiêm lớp phó văn thể để nó làm thơ, ghi lưu bút.

Cô cùng đoàn thực tập trở lại trường. Cô bảo tôi mấy tháng nữa sẽ tốt nghiệp rồi đi làm cô giáo. Tôi cười bảo cô dạy gì em chả hiểu mà làm được cô giáo kể cũng tài nhỉ. Cô không buồn, véo má tôi, day day, cười nắc nẻ. Cô còn dặn tôi, biết nhà rồi, cứ xuống chơi với cô, tất nhiên, phải sau mấy tháng nữa, chứ xuống giờ, chơi mới ai. Cô ôm lấy tôi. Tôi cao hơn cô một cái đầu nhưng vẫn ngửi thấy mùi thơm ở mặt và nhịp phập phồng nơi áo ngực (ngày đó áo ngực nhọn hoắt trần chéo như áo trấn thủ Điện Biên).

Cô đi rồi, tôi tự dưng buồn hẳn. Nếu như cái cảm giác tiêng tiếc trước kia là có thật thì giờ thay vào là sự buồn bã nhớ nhung tận cùng. Tôi không hiểu vì sao. Tôi nhớ dáng hình cô, nhớ ánh mắt, nhớ mùi thơm da mặt, và cả cái cảm giác âm ấm, phập phồng. Tôi chẳng còn nghịch ngợm, giờ chơi cứ thu lu góc bàn vê gấu áo, cắn móng tay. Lũ bạn tưởng tôi tu chí cho việc học, nhưng đéo phải, tu chí gì mà học ngu đi ngày một. Không ngày nào là tôi không vẩn vơ đến cô, tất nhiên nhớ cả vị kem cốc, kẹo dồi.

Tôi đến thăm cô vào chiều thu êm ả khi thi xong đại học và cô cũng đã ra trường đang ở nhà chờ việc. Cô ngạc nhiên lắm, không nghĩ là tôi thăm. Cô tíu tít kể tôi chuyện sinh viên, hướng đạo tôi đủ thứ về cuộc sống KTX. Tôi nghe háo hức, thích thú thực sự vì nghĩ cũng ít ngày nữa thôi tôi cũng có thể thành thằng tân sinh viên lắm chứ. Rồi cũng như trước kia, cô lại hỏi tôi về trường lớp, về bạn bè, rồi lại ước mơ. Trường lớp tôi đã chia tay rồi, bạn bè sau ra trường bận thi cử chả biết ai đường nào. Còn ước mơ à, tôi ước cô lại ôm tôi như ngày trước. Cả hai thứ tôi lại chẳng nói được với cô.

Cô bắt tôi ở lại ăn cơm. Tôi đồng ý. Tôi với cô xách làn đi chợ. Đi song song, như đôi tình nhân hạnh phúc hay chí ít cũng giống như cặp vợ chồng son. Tôi nhớn lắm rồi.

Cơm cô nấu ngon, gã trai mới nhớn như tôi đánh tì tì. Bố mẹ cô gắp thức ăn cho tôi nhiệt tình như tiếp đạn cho pháo cối giã mục tiêu. Cô ngồi đầu nồi, ôm chân ý tứ, nhìn tôi không chớp. No nê, cô kê chõng ngoài sân bảo tôi ngồi chờ cô rửa bát. Trăng thu sáng nhẹ, hàng xoan lá rụng tơi bời, tiếng dế ỉ i ngoài vườn, tiếng cô se sẽ hát bài gì mà giáo viên nhân dân, tất cả thơ tợn. Trong nhà, mẹ cô đang thắp hương bàn thờ, trên đó còn nguyên bát cơm và mấy đĩa thức ăn bé xíu, rì rầm khấn. Tôi thấy ảnh một ông trẻ măng, giông giống tôi, ngồi chễn trệ.

Cô ngồi chõng cùng tôi, lại líu lo chuyện. Tôi ăn no rồi bụng chỉ muốn về kẻo muộn mẹ tôi mắng. Tôi hỏi cô người trên bàn thờ là ai, nhà cô có liệt sĩ? Đang líu lo, cô im bặt, đèn vàng quyện ánh trăng hắt mặt cô lóng lánh. Cô khóc. Đó là em trai cô, đi bơi sông chết đuối. Cô bảo bằng tuổi tôi nếu còn sống và giống tôi y lột. Tôi thoáng rùng mình rồi run bắn khi cô ôm chặt lấy tôi, nức nở. Tôi lại thấy mùi thơm trên da mặt, có điều nó lẫn vào nước mắt, ngực cô phập phồng, rung lên từng chập theo tiếng nấc. 

Cô cứ ôm ghì lấy tôi như thế cho đến khi có tiếng vè vè động cơ con Simson lao ập vào sân, khói phun mù mịt. Tôi nhao người lấy xe đạp, vẫn kịp chào to bố mẹ cô một tiếng. Tôi mải miết đạp. Nghĩ miên man.

Đến lối rẽ qua cầu về nhà, tôi quặt xe. Pha đèn xe máy lẫn tiếng vè vè cũng ngoặt theo. A, hình như con Simson đổ ập sân nhà cô lúc nãy. Tôi nghe tiếng rú ga, nó vọt lên, giọng một thằng sặc mùi rượu quát, địt mẹ, thích phá đám hả mày. Tôi chưa kịp định thần, nó đã co chân đạp tôi một phát, cả xe lẫn người đổ ụp vào bụi rứa dại. Tiếng vê côn ồn ĩ rồi im bặt.

Tôi khập khiễng dong con xe đạp bị sang vành về nhà. Mẹ tôi hỏi sao, tôi cứ ú ớ. Khi đã yên thân, tôi nghe mẹ tôi thì thầm với bố, thằng này đi tán gái đâu bị nó đánh chứ tự dưng thì ngã làm sao được. Tôi nín thinh, cả đêm không chợp mắt. 

Tôi làm sao có thể giống em trai cô được, một thằng bị chết đuối . Tôi muốn là người yêu của cô. Có điều, hehe, tôi sợ bị thằng đi Simson nó đạp bỏ mẹ. 

Cô giờ già và xấu lắm, nghe đâu đã bỏ thằng Simson rồi. Mai tôi về quê và sẽ đi tìm. Em thương cô, Ái ôi!