Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Võ sư Nam Anh Kiệt: 'Tôi nhận được bài học cay đắng nhất trong đời'


Võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh thừa nhận cuộc đọ sức với Lưu Cường là cơ hội để ông nhìn nhận bản thân một cách sâu sắc hơn.

"Xin lỗi mọi người đã xem video trận đấu vừa qua, vì không thể hiện được trình độ ở một vị trí tương xứng. Thua là thua. Ngoài bản thân, tôi không đổ lỗi cho bất kỳ điều gì. Chân thành cám ơn em Lưu Cường đã cho tôi cơ hội để nhìn nhận bản thân một cách không thể sâu sắc hơn", võ sư Nam Anh Kiệt chia sẻ trên trang cá nhân.

"Lần đầu tiên đứng trước một trận đấu nghiêm túc, công khai và đông khán giả như vậy, tôi đã quên hết và không áp dụng được bất kỳ kỹ thuật gì của bản môn và nhận được bài học cay đắng nhất trong đời. Tuy thua một trận không có nghĩa là thua tất cả, tôi tin vào trận tái đấu sau một thời gian nữa sẽ khắc phục được sai lầm vừa qua", võ sư trải lòng và hẹn ngày tái đấu với Lưu Cường.

Võ sư Nam Anh Kiệt mong muốn tái đấu để lấy lại danh dự. Ảnh: FBNV.

Cuộc tỷ thí giữa võ sư Nam Anh Kiệt và Lưu Cường diễn ra sáng 19/7 tại Hà Nội. Hai bên đánh theo luật võ tự do và sử dụng găng mỏng hở ngón. Sau gần 10 phút, Lưu Cường quét trụ khiến đối thủ ngã ra sàn. Võ sư Nam Anh Kiệt chấn thương ở tay và không thể thi đấu tiếp, dâng chiến thắng cho Lưu Cường.

Chia sẻ với Zing, võ sư Nam Anh Kiệt cho biết: "Tôi bị trật tay, nên trọng tài xử thua. Lưu Cường đòi đánh một hiệp nhưng kéo dài tới 15 phút. Tới phút thứ 10, tôi bị té và dẫn đến trật tay. Để đảm bảo an toàn cho 2 võ sĩ, trọng tài cho dừng trận đấu. Thua thì cũng đã thua, tôi không muốn nói nhiều nữa".

Trước đó, vào sáng 18/7, võ sư Nam Anh Kiệt đã bay ra Hà Nội. Đại diện 2 bên tiến hành gặp mặt thảo luận để thống nhất, trên tinh thần học hỏi, không khí buổi giao lưu vui vẻ.

Nam Anh Kiệt và Lưu Cường có nhiều màn đấu khẩu trên mạng xã hội, trước khi quyết định hẹn nhau để so tài. Võ sư Nam Anh Kiệt từng giữ chức Tổng đàn chủ phái Vịnh Xuân tại Việt Nam kể từ năm 2015. Tuy nhiên, ông bị cách chức vào tháng 7/2019, sau khi vụ mâu thuẫn với Nam Nguyên Khánh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Gần 200 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài bị “tuýt còi”

(CLO) Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật”.

Ngày 21/7, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Tham gia hội nghị có đại diện sứ quán các nước hợp tác quốc tế về GD&ĐT với Việt Nam và hơn 40 Hiệu trưởng/ Giám đốc các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam.

Hiện các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ (ảnh TL).

Tại Việt Nam, hiện có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học ở các nước phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Môi trường xã hội ở nhiều nước phải thực hiện cách ly.

Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến người học ở các nước, trong đó có lưu học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài.

Trong khi đó, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Nhờ đó, hiện nay các trường đại học của Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận sinh viên và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường.

Đây là dịp tốt cho các cơ sở đào tạo đại học tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong hơn 400 chương trình liên kết đào tạo, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý, vì vậy, dư địa để mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như CNTT, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch… còn rất lớn bởi rất rất cần cho nguồn nhân lực Việt Nam.

Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.

Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết.

Qua phát biểu của Bộ trưởng Nhạ cho thấy, tình hình liên kết đào tạo của các đại học Việt Nam với các trường đại học ở nước ngoài thời gian qua phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chất lượng liên kết là một vấn đề đáng quan tâm. Nhất là số lượng gần 200 chương trình liên kết bị Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc dừng lại đã cho thấy nhiều mô hình sinh ra là nhằm mục đích "bán bằng", trục lợi hơn là đào tạo, cung cấp tri thức, nhân lực chất lượng cao.

Trinh Phúc

Không đủ căn cứ để truy tố Nguyễn Xuân Đường vụ gian lận đấu giá đất


VOV.VN - Cơ quan điều tra xác định, dù Nguyễn Xuân Đường có hành vi tham gia vụ gian lận đấu giá đất ở Thái Bình, nhưng "không đủ căn cứ để truy tố".

Bản kết luận điều tra số 36/KLĐT của Công an tỉnh Thái Bình có nhắc đến hành vi của Nguyễn Xuân Đường trong vụ gian lận đấu giá lô đất số 9, khu quy hoạch dân cư Bồ Xuyên, TP Thái Bình.

Theo đó, khi bị can Nguyễn Thị Dương hay tin đấu giá đất thất bại, người thắng là anh Vũ Thành Đ. (SN 1995, TP Thái Bình) nên đã gọi điện cho chồng là Nguyễn Xuân Đường nhờ "can thiệp". 

Nguyễn Xuân Đường có can thiệp, đe dọa nạn nhân trong vụ án nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Đường hay tin, qua các mối quan hệ quen biết đã tìm thấy anh Đ. trong một quá internet đường Đinh Tiên Hoàng, TP Thái Bình. Mục đích của Đường là thuyết phục anh Đ. nhường lại quyền đấu giá thắng lô đất số 10.

Khi thấy anh Đ., Đường "mời" nạn nhân lên xe của mình, rồi cho xe quay lại Sở Tư pháp TP Thái Bình. Trên đường đi, Nguyễn Xuân Đường thuyết phục anh Đ. nhượng lại quyền đấu giá thắng lô đất, đổi lại Đường sẽ cho anh Đ. 20 triệu đồng. Nhưng anh Đ. không đồng ý.

Khi đến cổng Sở Tư pháp, Đường và anh Đ. xuống ngồi một quán nước. Lúc sau thì Nguyễn Thị Dương và một số đàn em là Đào Văn Bằng (SN 1986, TP Thái Bình), Nguyễn Đức Huy (SN 1988, TP Thái Bình) xuất hiện tại đây.

Tại quán nước, Dương tiếp tục ép anh Đ. nhượng lại quyền đấu giá thắng. Anh Đ. không đồng ý thì bị Dương hắt cốc nước chè vào mặt, đàn em Dương xông vào đánh đấm anh Đ.

Anh Đ. vùng bỏ chạy ra xe của một người bạn gần đó. Thấy vậy, Đường đuổi theo lên xe và yêu cầu anh Đ. nhượng lại quyền đấu giá thắng lô đất. Anh Đ. sợ bị đánh tiếp nên phải đồng ý.

Nguyễn Xuân Đường tuy không có hành động gì xâm hại sức khỏe của anh Đ., song đã tìm và dùng lời đe dọa, ép anh Đ. từ bỏ quyền trúng đấu giá lô đất số 9. 

Theo Cơ quan điều tra, Nguyễn Xuân Đường chỉ làm theo ý muốn của vợ mình, bản thân không đặt vấn đề gì, không tác động với những người có chức vụ quyền hạn của cuộc đấu giá, không biết làm thế nào thay đổi kết quả đấu giá. Do đó, không đủ căn cứ buộc Nguyễn Xuân Đường là đồng phạm với các bị can trong vụ án này.

Liên quan đến vụ án, bị can Phạm Văn Hiệp (Giám đốc Trung tâm Đấu giá tỉnh Thái Bình) khai, gia đình bị can đã bị vợ chồng Đường Dương uy hiếp, dọa bắt cóc con, đánh ghen xịt hơi cay với vợ, nhắn tin uy hiếp... Do đó, vì lo sợ, Phạm Văn Hiệp phải thay đổi kết quả đấu giá có lợi cho Nguyễn Thị Dương. Vợ bị can Hiệp là chị Thiệu Thị H. cũng có đơn gửi cơ quan điều tra trình bày nội dung này./.

Võ Nam/VOV.VN

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

GĐKT Nguyễn Văn Sỹ: ‘Nếu tiếp tục bị xử ép, Nam Định sẽ bỏ giải’

(VTC News) - GĐKT của CLB Nam Định Nguyễn Văn Sỹ rất bức xúc với công tác trọng tài và khẳng định sẽ bỏ giải nếu đội bóng vẫn bị xử ép.

“Nếu tình trạng trọng tài vẫn tiếp diễn, chúng tôi sẽ xin ý kiến người hâm mộ, xin bỏ trận đấu, bỏ giải luôn, không tham gia nữa. Còn chơi như này thì đằng nào chúng tôi cũng xuống hạng. Cố tình làm thế chúng tôi bỏ luôn, không cần thiết.

Chơi mất công mất sức, mất tiền bạc của nhà tài trợ, rồi bao nhiều người hâm mộ bỏ tiền bạc đi các tỉnh này tỉnh kia xem đội đá. Xem để làm gì khi đội vẫn xuống hạng không do chuyên môn mà do sắp đặt. Nếu vẫn tiếp diễn, chúng tôi dừng, không chơi nữa!”, GĐKT của CLB Nam Định Nguyễn Văn Sỹ bức xúc nói.

GĐKT của CLB Nam Định - Nguyễn Văn Sỹ.

Cũng theo người có trách nhiệm chuyên môn cao nhất của đội bóng thành Nam, những người làm bóng đá Việt Nam phải vào cuộc, phải có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam chứ không riêng với bóng đá Nam Định.

“Những người điều hành, tổ chức giải đấu và đặc biệt với ông Dương Văn Hiền – Trưởng Ban điều hành trọng tài – theo tôi nghĩ, hãy nghỉ đi, đừng phát biểu đổ thừa, loanh quanh. Một người điều hành lại phát biểu: trọng tài lực lượng mỏng, phải làm nhiều, tâm lý nên xảy ra lỗi về chuyên môn. Xin thưa, lỗi chuyên môn tại sao cứ vào đội Nam Định mà không phải đội Sài Gòn, đội Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa hay Viettel?”, ông Sỹ đặt dấu hỏi.

Về án kỷ luật với trọng tài Mai Xuân Hùng người mắc sai sót trận Sài Gòn FC vs Nam Định, GĐKT Văn Sỹ cho rằng không giải quyết được gì. Cuối cùng cả nền bóng đá của một tỉnh có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

“Bóng đá Nam Định có U11, U13, U15, U17, U19. Phong trào chúng tôi chỉ cần công bằng. Chúng tôi đủ điều kiện, đủ năng lực thì chúng tôi đá V-League, không đủ năng lực thì chúng tôi xuống nhưng chúng tôi cần sự công bằng.

Chúng tôi không cần điều gì cả ngoài sự công bằng để bóng đá Việt Nam phát triển và nhiều nhà tài trợ hướng đến tài trợ cho giải. Còn không mãi mãi chỉ là bóng đá áo làng”, ông Sỹ khép lại!

Chủ đầu tư dự án Thăng Long Residence xây dựng trái phép

(Vietnamdaily) - Ngày 21/7, theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Thanh tra Sở vừa ra quyết định xử phạt hành chính chủ đầu dự án khu nhà ở Thăng Long (tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) vì xây dựng không phép.

Cụ thể, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Phát triển Địa ốc Thuận Phát Land (Công ty Thuận Phát Land) – chủ đầu tư dự án khu nhà ở Thăng Long 40 triệu đồng.

Nguyên nhân, đơn vị này tổ chức thi công công trình hạ tầng kỹ thuật dự án không có giấy phép xây dựng theo quy định, gồm: Hệ thống đường giao thông đối nội đã đầu tư lớp cấp phối đất đã lu đèn các tuyến đường N1, N2, N3, N4, N5, N6, D2 và một phần đường D1, D3 chưa đầu tư lớp đá và thảm nhựa; hệ thống thoát nước mưa đã đặt cống, xây dựng hố ga khoảng 50%; xây dựng cổng chính.

Phối cảnh dự án dự án Thăng Long Residence.

Đồng thời, trong vòng 60 ngày kể từ ngày lập biên bản xử phạt yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Phát triển Địa ốc Thuận Phát Land làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu quá thời hạn đơn vị không xuất trình được giấy phép thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình theo quy định.

Được biết, khu nhà ở Thăng Long có tên thương mại là dự án Thăng Long Residence, do Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Xây Dựng phát triển Địa ốc Thuận Phát Land làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Thương Mại Dịch vụ Xây Dựng Phát triển Đất Vàng (Công ty Đất Vàng) làm đơn vị phân phối.

Trên các trang mạng, dự án Thăng Long Residence quảng cáo quy hoạch trên diện tích hơn 40 ha với tổng số 2.400 sản phẩm. Trong đó, giai đoạn một triển khai trên diện tích đất khoảng 21 ha, 988 nền nhà liền kề, diện tích dao động từ 70 m2 – 243 m2, được xây tối đa 3 tầng; 48 nền biệt thự sân vườn, diện tích dao động từ 177 m2 – 330 m2.

Viết Dũng

Vợ chồng Đường Dương bị tố uy hiếp, đe dọa Giám đốc Trung tâm Đấu giá

VOV.VN - Trong biên bản lời khai của bị can Phạm Văn Hiệp (Giám đốc Trung tâm Đấu giá tỉnh Thái Bình) nhắc đến việc vợ chồng Đường Dương uy hiếp, đe dọa mình.

Công an tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất Kết luận điều tra số 36/KLĐT đề nghị truy tố Nguyễn Thị Dương (vợ của Nguyễn Xuân Đường, trú TP Thái Bình) và 4 cán bộ Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình về tội danh Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. 

Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường - Nguyễn Thị Dương và Giám đốc Trung tâm Đấu giá Thái Bình - Phạm Văn Hiệp (ảnh dưới). 

4 cán bộ này gồm có: Phạm Văn Hiệp (SN 1984, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình), là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Vũ Gia Thành (SN 1977, phường Hoàng Diệu TP.Thái Bình), là đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Hà Văn Dũng (SN 1984, phường Trần Hưng Đạo, TP.Thái Bình), là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình. Người cuối cùng bị khởi tố là Trịnh Thị Minh Thúy (Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình).

Đáng chú ý, bị can Phạm Văn Hiệp đã khai tại cơ quan điều tra rằng trước đây, gia đình và vợ là chị Thiệu Thị H. nhiều lần bị vợ chồng Đường Dương đe dọa bắt cóc con gái, đánh ghen xịt hơi cay vào mặt vợ, nhắn tin đe dọa... Phạm Văn Hiệp sợ hãi trước các hành động nói trên nên khi diễn ra đấu giá đất đã phải thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho Nguyễn Thị Dương. 

Chị Thiệu Thị H. (vợ bị can Hiệp) cũng có đơn gửi cơ quan điều tra trình bày nội dung này. 

Theo tài liệu của Công an tỉnh Thái Bình, từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2019, Phạm Văn Hiệp đã có đơn gửi Công an tỉnh và Công an TP Thái Bình về việc bị đe dọa, đánh ghen xịt hơi cay vào mặt vợ...

Lực lượng chức năng TP Thái Bình tổ chức xác minh thấy có những sự việc này, nhưng không tìm được các đối tượng liên quan, không rõ các đối tượng này đe dọa gia đình Phạm Văn Hiệp với mục đích gì./.

Võ Nam/VOV.VN

Thêm một giám đốc liên quan vụ xăng dầu giả Trịnh Sướng bị khởi tố

Bị can Hồ Xuân Cường (SN 1965), trú tại phường 9, quận 3 (TP HCM) – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty Tấn Phúc bị khởi tố để điều tra về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo tin trên báo Tiền Phong, ngày 21/7, Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Xuân Cường (SN 1965), trú tại phường 9, quận 3 (TP HCM) để điều tra về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Bị can Cường là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty Tấn Phúc, được xác định có vai trò giúp sức cho Trịnh Sướng trong việc sản xuất, buôn bán xăng giả.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 23/7/2018 đến ngày 19/12/2018, Cường thành lập Cty Tấn Phúc - Chi nhánh Vĩnh Long do Đặng Quốc Dũng làm Giám đốc. Cường giao Dũng liên hệ với Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh (Cty Bình Minh) để mua cho Trịnh Sướng 16.058.449 lít dung môi các loại để làm xăng giả, với tổng số tiền thanh toán hơn 262,3 tỷ đồng.

Việc thỏa thuận mua bán dung môi cho Trịnh Sướng thông qua Cty Tấn Phúc do Lưu Văn Nguyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Bình Minh bàn bạc, thống nhất với Cường.

Trước đó, Lưu Văn Nguyện, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh, bị khởi tố bắt tạm giam.

Sau khi thống nhất, Nguyện và Cường giao cho Đặng Quốc Dũng chi nhánh ký hợp đồng và làm các thủ tục mua bán với Cty Bình Minh.

Báo Pháp luật TP HCM đưa tin, để hợp thức hoá việc chuyển tiền, Cty TNHH Mỹ Hưng (do Trịnh Sướng làm giám đốc) và Cty cổ phần TMDV Petro Tấn Phúc ký hợp đồng mua bán xăng dầu với nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế thì giữa 2 công ty này không mua bán xăng dầu mà chỉ có Công ty cổ phần TMDV Petro Tấn Phúc xuất 31 hoá đơn xăng dầu khống cho Cty TNHH Mỹ Hưng.

Tổng số tiền trên 31 hoá đơn mà Công ty cổ phần TMDV Petro Tấn Phúc xuất "khống" là hơn 277,9 tỷ đồng cho Cty TNHH Mỹ Hưng.

Như VTC News đưa tin trước đó, từ ngày 28/5-2/6/2019, Ban chuyên án do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cùng Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang các nghi can đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với chất kích RON, bột màu thành xăng giả.

Ban chuyên án tổ chức khám xét tại 6 địa điểm cũng là nơi các đối tượng đang tổ chức pha trộn và cất dấu chất dung môi, các chất để pha trộn thành xăng giả thuộc địa bàn TP HCM, TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.

Đến thời điểm này, cơ quan công an đã tạm giữ 3.264.281 lít dung dịch các loại trong đó có 2.183.604 lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 432.474 lít dung môi chưa pha; 3 tàu thủy, 6 xe ô tô (xe bồn), 5 máy bơm, 50kg tạo màu và nhiều vật dụng liên quan.

Ngày 5/6/2019, CQĐT Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giữ đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can bị khởi tố lên 23 bị can.

Bảo Khánh (T/h)
Theo ANTT/NĐT