Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

TP HCM thông tin về việc cán bộ vừa bổ nhiệm đã bị Bộ Công an khởi tố

Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, không có quy định lấy ý kiến cơ quan chức năng của Bộ Công an khi bổ nhiệm cán bộ. Do đó, việc Bộ Công an điều tra và chuẩn bị khởi tố ai thì không nắm được.

Chiều 23-7, UBND TP HCM đã tổ chức họp báo định kỳ về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm.

Tại cuộc họp, phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến ông Phan Trường Sơn (SN 1967, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, nguyên Trưởng phòng Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM) vừa bị Bộ Công an khởi tố về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3, điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, phóng viên đặt vấn đề quy trình bổ nhiệm cán bộ của TP có sơ hở hay không khi ông Phan Trường Sơn vừa được bổ nhiệm hồi tháng 5-2020 thì đến tháng 7-2020 bị khởi tố. 

Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm thông tin đến báo chí việc cán bộ vừa được bổ nhiệm đã bị khởi tố (Ảnh: NLĐO)

Trả lời câu hỏi phóng viên, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm cho biết TP đang cho kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm cán bộ.

"Không có quy định lấy ý kiến cơ quan chức năng của Bộ Công an khi bổ nhiệm cán bộ. Do đó, việc Bộ Công an điều tra và chuẩn bị khởi tố thì chúng tôi không nắm được" - Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Còn quy trình lấy ý kiến các cơ quan của TP, kể cả Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP trong công tác cán bộ, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay trong quy trình này thì không phát hiện sai phạm của ông Phan Trường Sơn. Giám đốc Sở Nội vụ cũng thông tin trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu Thành ủy TP HCM và UBND TP để chấn chỉnh tình trạng trên.

Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho biết về tình hình xử lý cán bộ vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Theo đó, đã tổ chức kiểm điểm với huyện Bình Chánh, Thủ Đức và Củ Chi theo kết luận Thanh tra TP. 

"Việc kiểm điểm này đã thực hiện xong. Sở Nội vụ đang lấy ý kiến các ngành về việc đề xuất các hình thức kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm. Sau khi xong, Sở sẽ trình cấp thẩm quyền kết quả kiểm điểm và sẽ công khai thông tin kết quả xử lý" - ông Trương Văn Lắm nói.
Tại cuộc họp báo, đại diện Công an TP HCM đã cung cấp thêm thông tin 38 đối tượng đầu nậu đất đai ở Bình Chánh mà theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM là xem xét khởi tố hình sự. Đại diện Công an TP cho biết Công an Bình Chánh đã làm việc với các đầu nậu. Hiện Công an Bình Chánh đang củng cố hồ sơ, tham mưu UBND huyện Bình Chánh xử phạt hành chính các đối tượng trên, trước khi thực hiện các bước xử lý tiếp theo.

Phan Anh

CSGT nổ súng truy bắt 2 đối tượng vận chuyển 200kg ma túy đá đi tiêu thụ

Ngày 23/7, Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin, đơn vị vừa triệt phá vụ vận chuyển 8 bao ma túy đá với tổng khối lượng 200kg từ cửa khẩu Việt Nam - Lào về TP. HCM để tiêu thụ. 

Theo đó, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đang tạm giữ hình sự 2 đối tượng Nhia Hơ (SN 1993, quốc tịch Lào) và Vừ Bá Tếnh (SN 1996, trú tỉnh Nghệ An) để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy đá.

Hai đối tượng vận chuyển ma túy bi bắt giữ. Ảnh: Dân Trí 

Báo Bảo vệ pháp luật thông tin, khoảng 12h15 ngày 20/7, trong quá trình tuần tra trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar), tổ công tác của Trạm CSGT Krông Búk, thuộc Phòng CSGT- Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện xe ô tô mang BKS 29A-051.28 đang chạy từ hướng Gia Lai sang Đắk Lắk có biểu hiện nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh và dừng xe lại để kiểm tra.

Tuy nhiên, 2 người ngồi trên xe ô tô bất ngờ tung cửa bỏ chạy. Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đã nổ 4 phát súng chỉ thiên, truy bắt đối tượng. 

Sau khi truy đuổi khoảng 4km, lực lượng CSGT đã bắt được 2 đối tượng trong một khu rẫy cà phê. 

Lực lượng chức năng kiểm tra số ma túy đá bên trong bao tải. Ảnh: Dân Trí

Qua làm việc, Công an tỉnh Đắk Lắk đã xác định danh tính 2 đối tượng. Tiến hành kiểm tra xe, lực lượng chức năng phát hiện có 8 bao tải giấu trong cốp xe và băng ghế sau. Trong mỗi bao tải có 25 gói, tổng trọng lượng 200kg được xác định là ma túy đá.


Bước đầu, đối tượng Nhia Hơ khai nhận, được mộtngười tên L.H. (quốc tịch Lào, chưa rõ lai lịch) thuê vận chuyển số ma túy này từ biên giới Việt Nam giáp cửa khẩu Savanakhẹt của Lào đến TP. HCM tiêu thụ, với số tiền thù lao là 20.000 USD.

Theo VietNamNet, ngày 19/7, Nhia Hơ nhận lệnh của L.H. đến biên giới gặp Tếnh. Tại đây, Nhia Hơ nhận xe ô tô BKS 29A-051.28 đã có sẵn ma túy đá, mọi chi phí ăn uống trên đường đều do Tếnh lo liệu. 

Sau đó, Nhia Hơ lái xe chở Tếnh vào TP. HCM để giao số ma túy trên thì bị lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ khi đến khu vực xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar.

Vụ việc đang được Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục điều tra, làm rõ.

Linh Chi (tổng hợp)

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

2 người lạ mặt bất ngờ đột nhập Bưu điện Cầu Voi - hiện trường vụ án Hồ Duy Hải

Theo người dân, hai thanh niên dựng xe máy phía trước Bưu điện Cầu Voi rồi đi thẳng vào trong, dùng chìa khoá mở cửa, đi lại khắp khu vực.

Thông tin trên báo Thanh Niên tối 21/7 cho biết, ông Phạm Văn Khéo, Trưởng ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa (Long An) xác nhận có 2 thanh niên lạ mặt bất ngờ đột nhập Bưu điện Cầu Voi (nằm ven QL1, thuộc ấp 5, xã Nhị Thành) vào chiều cùng ngày.

Cụ thể, ông Khéo cho biết trên báo này vào khoảng 16h, có 2 thanh niên đến quán bán đồ trước cửa bưu điện ngồi một lúc rồi đi thẳng vào bên trong. Người dân bán hàng trước bưu điện không biết tại sao người này có chìa khoá rồi tự mở cửa đi lại khắp nơi quanh bưu điện, từ khu vực nhà vệ sinh rồi lên tầng.

Sau đó, 2 người lạ mặt này quay phim, chụp ảnh ở nhiều vị trí quan trọng trong vụ án mạng Hồ Duy Hải trước kia như bồn rửa tay trong nhà vệ sinh. Thấy điều bất thường, người dân liền gọi điện thông báo cho trưởng ấp.

Khi ông Khéo đến hiện trường và yêu cầu 2 thanh niên rời khỏi bưu điện nhưng 2 người này không chấp hành mà còn nói: "Tôi vào đây có việc cá nhân và thấy chìa khóa nên mở thôi". Trưởng ấp Phạm Văn Khéo đã phải gọi đến ban công an xã xuống trao đổi thì họ mới chịu rời đi.

Được biết, 2 thanh niên đi xe máy mang BKS 68G.


Bưu điện Cầu Voi, hiện trường nơi xảy ra vụ kỳ án tử tù Hồ Duy Hải hiện đã bị cây cỏ phủ đầy sau 12 năm không hoạt động. Ảnh: K.Q/Lao động


Nhà vệ sinh của bưu điện, nơi được cho là nghi phạm đã vệ sinh, rửa ráy sau khi gây án. Ảnh: K.Q/Lao Động

Bưu điện Cầu Voi là hiện trường vụ án mạng làm chết 2 nhân viên bưu điện vào năm 2008 mà nghi can là Hồ Duy Hải. Hồ Duy Hải sau đó bị tuyên án tử hình nhưng đã nhiều lần kháng cáo kêu oan lên các cấp và vụ án kéo dài 12 năm với nhiều lần đưa ra xét xử.

Gần nhất, ngày 8/5/2020 HĐXX giám đốc thẩm đã bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao vụ án Hồ Duy Hải.

Theo Hội đồng thẩm phán, dù quá trình điều tra, xét xử còn một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Bởi thế không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Hội đồng thẩm phán còn cho rằng quyết định kháng nghị của Viện KSND tối cao là không đúng quy định pháp luật. Lý do được ban Giám đốc thẩm đưa ra là Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải và quyết định này đang có hiệu lực pháp luật.

Sau khi vụ án mạng xảy ra, Bưu điện Cầu Voi, hiện trường nơi xảy ra vụ kỳ án tử tù Hồ Duy Hải đã bị cây cỏ phủ đầy sau 12 năm không hoạt động.

(Tổng hợp)

Trung Quốc đốt tài liệu khi Mỹ yêu cầu đóng lãnh sự quán

MỸ - Cảnh sát và cứu hỏa Houston nhận báo cáo về vụ đốt tài liệu tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc khi Mỹ yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa cơ quan này trong 72 giờ.

Cảnh sát Houston cho hay họ nhận được thông tin về vụ đốt tài liệu tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc sau 20h ngày 21/7 (8h sáng 22/7 giờ Việt Nam). Cảnh sát Houston được triển khai đến bên ngoài lãnh sự quán và cho biết họ đã quan sát thấy khói, nhưng "không được cấp quyền vào tòa nhà".

Video do một phóng viên chia sẻ cho thấy một số người đang tập trung xung quanh các đám lửa ở sân tòa nhà Tổng lãnh sự quán. Từ ngoài đường phố cũng có thể thấy được khói bốc lên.

Xe cứu hỏa được điều động tới Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston, bang Texas. Ảnh: Twitter/KPRC2Tulsi.

"Bạn có thể ngửi thấy mùi giấy đang cháy", một nhân chứng tại hiện trường nói. Tuy nhiên, tất cả nhân viên cứu hỏa chỉ vây quanh tòa nhà. Họ không thể vào trong".

Video do một người sống cạnh lãnh sự quán chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa bùng ra từ một số thùng. Những người xung quanh đang ném đồ vào ngọn lửa.

Sự việc xảy ra sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston. Một nguồn tin cảnh sát Houston cũng nói rằng Tổng lãnh sự quán và một khu phức hợp trên đường Almeda, nơi nhiều nhân viên Tổng lãnh sự quán sinh sống, đã được yêu cầu đóng cửa trước 16h ngày 24/7.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân xác nhận Mỹ hôm 21/7 yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán trong 72 giờ. Ông Vương gọi đây là "sự leo thang chưa từng có" và Trung Quốc sẽ có những phản ứng cần thiết.

"Trung Quốc kêu gọi Mỹ rút ngay quyết định sai lầm của mình, hoặc Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng đúng đắn và cần thiết", ông Vương nói. "Đó là một sự khiêu khích chính trị do phía Mỹ đơn phương đưa ra, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và thỏa thuận lãnh sự song phương giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc lên án mạnh mẽ động thái thái quá, phi lý, phá hoại quan hệ Trung - Mỹ này".

Hiện chưa rõ lý do Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng Tổng lãnh sự quán. Theo một cuộc thăm dò của Global Times, nhiều người cho rằng Trung Quốc có thể yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở Hong Kong và Macau, thành phố Quảng Châu hoặc thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên, để trả đũa.

Quan hệ Washington - Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc. Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giấu dịch khiến Covid-19 lây lan, ảnh hưởng tới công tác chống dịch của nước khác, điều mà Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận.

Chỉ trong vài tuần, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump cũng áp đặt trừng phạt với Trung Quốc vì những chính sách liên quan đến Hong Kong và Tân Cương. Mỹ không những thực hiện các biện pháp mới để bóp nghẹt tham vọng đổi mới của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn họ tiếp cận công nghệ Mỹ, mà còn thúc giục đồng minh làm theo.

Mai Lâm - Huyền Lê (Theo NYPost, Bloomberg, Houston News)

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Giang

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Mưa lũ tại Hà Giang gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của nhân dân

Ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 955/CĐ-TTg gửi UBND tỉnh Hà Giang; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Giang.

Công điện nêu rõ, đêm 20 và ngày 21/7/2020, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn, gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của nhân dân, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang).

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, cơ quan, đoàn thể và nhân dân địa phương trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Hiện nay đang là đầu mùa mưa lũ ở Bắc Bộ, thời gian tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Để khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, đồng thời chủ động ứng phó mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người thiệt mạng; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

UBND tỉnh Hà Giang bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức hỗ trợ lương thực, không để người dân bị đói.

Bên cạnh đó chỉ đạo ngành chức năng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu; tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh sự cố trên các tuyến quốc lộ; hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên trục giao thông chính nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương cần chỉ đạo kiểm tra, kịp thời sửa chữa hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình bị sự cố do mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn, sớm khôi phục sản xuất và chủ động ứng phó các đợt mưa lũ tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 2 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Thế Vũ

Phó Thủ tướng đề nghị Việt Nam-Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng trên biển

(CLO) Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Ảnh: TG&VN

Ngày 21/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Hải Phòng và 7 tỉnh biên giới phía Bắc cùng tham dự.

Tại hội nghị, hai bên đi sâu trao đổi và xác định một số trọng tâm công tác thời gian tới nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển bền vững.

Hai bên nhất trí thúc đẩy tổ chức các chuyến thăm cấp cao khi điều kiện cho phép và duy trì tiếp xúc bằng những hình thức phù hợp khi tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng; phát huy vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy quan hệ hai nước; triển khai tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật; trao đổi kinh nghiệm và triển khai hợp tác về phòng, chống dịch COVID-19, nối lại các chuyến bay thương mại, tạo thuận lợi cho việc qua lại về người và hàng hóa; tiếp tục triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để hoạt động thương mại Việt - Trung, trong đó có thương mại biên giới, được triển khai thuận lợi; nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng có ưu thế của Việt Nam, nhất là nông sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; chỉ đạo giải quyết triệt để các vướng mắc, tồn đọng tại một số dự án hợp tác.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định sẽ thúc đẩy các cơ quan chủ quản xem xét tích cực các đề xuất của Việt Nam.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, môi trường, giao thông - vận tải, nông nghiệp, y tế; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Hai bên đã trao đổi toàn diện về vấn đề biên giới lãnh thổ. Về biên giới trên đất liền, hai bên đánh giá tình hình cơ bản ổn định, quản lý tốt đường biên, mốc giới và các cặp cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh tế biên giới, kể cả trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, nghiêm túc tuân thủ các quy định của 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan.

Về vấn đề trên biển, hai bên ghi nhận những kết quả đạt được của 10 cuộc đàm phán liên quan đến phân định và hợp tác cùng phát triển trên biển được tiến hành từ sau Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương đến nay; ghi nhận các thành quả về sự hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua và những điểm còn khác biệt về vấn đề trên biển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất.

Hai bên đánh giá Phiên họp thành công tốt đẹp, đạt nhiều thành quả cụ thể, nhất trí sau Phiên họp sẽ trao cho nhau danh mục các vấn đề cần phối hợp thúc đẩy để giải quyết trong thời gian tới.

Thế Vũ

Viện KSND tối cao sẽ kiến nghị xem lại quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải


(CLO) Viện KSND tối cao có thể sẽ thực hiện quyền kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Ông Hồ Đức Anh trả lời các câu hỏi của phóng viên, chiều 21/7. Ảnh: TTXVN

Thông tin trên được ông Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự - Viện KSND tối cao cho biết tại cuộc họp báo kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành kiểm sát nhân dân chiều nay 21/7.

Ông Hồ Đức Anh khẳng định, kháng nghị giám đốc thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật, hoàn toàn cần thiết.

Quan điểm của Viện trưởng Viện KSND tối cao khi ra kháng nghị là hết sức thận trọng, chắc chắn, vừa đảm bảo quyền con người với bị án Hồ Duy Hải, vừa đảm bảo công lý đối với bị hại.

Theo ông Hồ Đức Anh, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với hai người bị giết, vụ án phức tạp kêu oan kéo dài qua nhiều cấp xét xử, vừa rồi phiên giám đốc thẩm là cấp cao nhất.

Viện Kiểm sát nhận thấy quá trình xử lý vụ án từ điều tra, xét xử có nhiều sai sót, nhiều mâu thuẫn, nhiều tình tiết quan trọng chứng minh hành vi phạm tội chưa được các cấp điều tra, tố tụng làm rõ.

Sau phiên tòa giám đốc thẩm, Viện KSND tối cao đã có báo cáo gửi Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để theo dõi chỉ đạo. Trong nội dung báo cáo này, Viện KSND tối cao tiếp tục khẳng định kháng nghị là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và hoàn toàn cần thiết, ông Đức Anh khẳng định.

Ông Đức Anh cho biết thêm, đến nay, Viện Kiểm sát đang tập trung nghiên cứu quyết định giám đốc thẩm đã tuyên, đồng thời theo dõi ý kiến, kiến nghị từ các cơ quan liên quan.

Từ đó, quan điểm của Viện trưởng Viện KSND tối cao là có thể sẽ thực hiện quyền kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.

T.Toàn