Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Vụ 2 người lạ mặt đột nhập bưu cục Cầu Voi

Khoai@

Mấy hôm trước báo Thanh Niên đột nhiên đăng bài "2 người lạ mặt bất ngờ đột nhập Bưu điện Cầu Voi - hiện trường vụ án Hồ Duy Hải", sau đó nhiều báo đăng lại. 

Trích: "Thông tin trên báo Thanh Niên tối 21/7 cho biết, ông Phạm Văn Khéo, Trưởng ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa (Long An) xác nhận có 2 thanh niên lạ mặt bất ngờ đột nhập Bưu điện Cầu Voi (nằm ven QL1, thuộc ấp 5, xã Nhị Thành) vào chiều cùng ngày.

Cụ thể, ông Khéo cho biết trên báo này vào khoảng 16h, có 2 thanh niên đến quán bán đồ trước cửa bưu điện ngồi một lúc rồi đi thẳng vào bên trong. Người dân bán hàng trước bưu điện không biết tại sao người này có chìa khoá rồi tự mở cửa đi lại khắp nơi quanh bưu điện, từ khu vực nhà vệ sinh rồi lên tầng. Sau đó, 2 người lạ mặt này quay phim, chụp ảnh ở nhiều vị trí quan trọng trong vụ án mạng Hồ Duy Hải trước kia như bồn rửa tay trong nhà vệ sinh. Thấy điều bất thường, người dân liền gọi điện thông báo cho trưởng ấp.

Khi ông Khéo đến hiện trường và yêu cầu 2 thanh niên rời khỏi bưu điện nhưng 2 người này không chấp hành mà còn nói: "Tôi vào đây có việc cá nhân và thấy chìa khóa nên mở thôi". Trưởng ấp Phạm Văn Khéo đã phải gọi đến ban công an xã xuống trao đổi thì họ mới chịu rời đi." [Hết trích].

Sau bài này, dù không có căn cứ nào, nhưng nhiều người ám chỉ rằng, 2 người lạ mặt đó phải được phép mới có chìa khóa để mở thì mới vào được. Còn vào để làm gì thì đó là bí mật. Cũng không ít người coi đó là việc làm mờ ám của chính quyền, chẳng hạn như tiêu hủy hay thu giữ vật chứng gì đó... Một số "Nhà điều tra online" khác thì say sưa khám nghiệm lại hiện trường vụ án...

Tôi thì không nghĩ thế. 

Bưu cục Cầu Voi giờ không được coi là hiện trường vụ án bởi nó không còn chứa đựng những tài liệu, dấu vết, vật chứng... của vụ án nữa, mà chỉ có thể coi đó là nơi diễn ra vụ án. Vì thế, chỉ có thiểu năng mới nghĩ là vào đó để khám nghiệm hoặc thu giữ hay tẩu tán tài liệu, vật chứng...

Các anh chị cần nhớ, kể từ khi xảy ra vụ án mạng đau lòng thì Bưu cục Cầu Voi đã có thời gian cho thuê để bán tạp hóa, bá nước, làm đại lý xe máy....Nhưng sau đó những người thuê đều cảm thấy bất an, không vượt qua được nỗi ám ảnh nên đều rời đi. Điều này có nghĩa là gần như các dấu vết hay vật chứng gì đó gần như không thể còn tồn tại. Ấy là chưa kể sau khi khám nghiệm hiện trường thì dân phòng đã vào dọn dẹp và đem đốt nhiều thứ như báo chí đã đăng.

Vậy tại sao lại có 2 người lạ mặt vào đó quay clip, chụp ảnh?

Tôi không thể khẳng định điều gì vì không có cơ sở, nhưng có thể đặt ra vài giả thuyết lý giải cho việc 2 anh lạ mặt vào Bưu cục Cầu Voi nhằm: [1] Muốn nổi tiếng bằng cách kể chuyện giật gân việc đột nhập vào bưu cục Cầu Voi; [2] Đi vệ sinh, trộm cắp hoặc vào để chích choác; [3] thực hiện một âm mưu để vu cáo cho chính quyền làm điều mờ ám (khả năng này cao vì họ vào công khai, cố tình để cho người dân quanh đó biết và khi anh trưởng thôn tên Khéo tra hỏi thì trả lời rất ngang tàng). Ít nhất cho đến lúc này, vì sự xuất hiện của họ mà nhiều người đã có những bình luận ám chỉ không hay để dẫn dắt dư luận.

Tôi chưa bao giờ nghĩ 2 thanh niên kia vào để thực hiện một nhiệm vụ nào đó của chính quyền hay cơ quan tố tụng. Vì quyền quản lý bưu cục này là thuộc cơ quan bưu điện. Ra vào một địa chỉ của một cơ quan nào đó cần phải thực hiện nhiều thủ tục, mà đã cần nhiều thủ tục thì đương nhiên phải vào đàng hoàng, có sự chứng kiến của nhiều bên. Chỉ có những kẻ bại não, bất lương mới vào đó để làm điều mờ ám trong lúc dư luận đang cực kỳ quan tâm như thế này.

Những ai bị khởi tố trong đại án Nhật Cường Mobile?


Bộ Công an khởi tố Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, lái xe của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Bùi Quang Huy và 23 người liên quan vụ án Nhật Cường.


Ông Trầm Bê và ‘siêu lừa’ lại ra tòa

(PL)- Trong vụ án này, cơ quan điều tra và VKS có quan điểm khác nhau về tội danh của ông Trầm Bê.

Ngày 23-7, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án liên quan đến “siêu lừa” Dương Thanh Cường và Trầm Bê cùng các đồng phạm. Bị cáo Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS. Hiện bị cáo thụ án tù chung thân trong nhiều bản án khác nhau về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bất nhất tội danh

Ông Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Phương Nam) cùng các đồng phạm khác bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 Điều 179 BLHS (có khung hình phạt 10-20 năm tù).

Các đồng phạm là ông Phan Huy Khang (cựu phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng (HĐTD) Sở giao dịch NH Phương Nam), Ngô Văn HuổL, Nguyễn Văn Phong (cùng là cựu phó giám đốc kiêm ủy viên HĐTD), Trịnh Bích Nga (cựu trưởng phòng kinh doanh kiêm ủy viên HĐTD Sở giao dịch), Phạm Trường Giang, Trần Quan Thắng (cùng cựu cán bộ tín dụng Sở giao dịch), Phan Thị Hồng Vân (cựu cán bộ pháp chế kiêm ủy viên HĐTD NH) và Trầm Viết Trung (cựu giám đốc trung tâm xét duyệt tín dụng).

Đặc biệt về tội danh của ông Trầm Bê trong vụ án này, cơ quan tố tụng không có sự thống nhất. Tại bản kết luận điều tra ngày 10-9-2019 và bản kết luận điều tra bổ sung ngày 10-2 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển VKS đề nghị truy tố ông Trầm Bê tội vi phạm quy định về hoạt động NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH, theo khoản 4 Điều 206 BLHS 2015 có khung hình phạt 12-20 năm tù.

Tuy nhiên, cáo trạng của VKSND tối cao truy tố ông Trầm Bê tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo khoản 3 Điều 179 BLHS 1999 (giống quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa).

Theo VKS, việc áp dụng tội danh và khung hình phạt đối với ông Trầm Bê là theo điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội khóa 14 về thi hành BLHS 2015 áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội.

Dương Thanh Cường và Trầm Bê. Ảnh: HY

“Siêu lừa” không nhớ có gặp Trầm Bê không

Tại tòa, bị cáo Cường thừa nhận thời điểm bị cáo nộp hồ sơ vay vốn có tài sản đảm bảo là 23 giấy đỏ nhưng đất này chưa đăng bộ. Khi mua đất, bị cáo không xác minh thông tin quy hoạch. Sau khi làm hợp đồng chuyển nhượng, bị cáo mới biết khu đất không thể sang tên giấy tờ sở hữu đất. Lúc này, chính quyền địa phương mới có chủ trương thực hiện dự án khu đô thị chứ chưa hề cấp phép thực hiện dự án.

Khi mang 23 giấy đỏ sang NH Phương Nam làm hồ sơ vay vốn, Cường không nói với ai ở NH này việc bị cáo đã thế chấp toàn bộ tài sản trên ở NH khác. Do vụ việc xảy ra đã lâu nên hiện bị cáo không nhớ bị cáo gặp những ai ở NH Phương Nam khi lần đầu làm hồ sơ thế chấp tài sản ở đây.

VKS hỏi bị cáo Cường: “Bị cáo có gặp Trầm Bê không?”. Ông Cường đáp không nhớ rõ mà chỉ nhớ vay NH Phương Nam nhiều lần, mỗi lần hàng trăm tỉ đồng. Bị cáo dùng tiền vay đáo hạn lần vay trước đó, trả lãi NH và mua thêm đất.

Các bị cáo nguyên là cấp dưới của ông Trầm Bê bị HĐXX chất vấn liên quan đến quy chế tín dụng NH. Một số bị cáo cho rằng họ nhận thấy hồ sơ do bị cáo Cường nộp vào đủ điều kiện.

Bị cáo Phạm Trường Giang (cựu phó trưởng phòng kinh doanh) cho rằng đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ trong quá trình xem xét hồ sơ tín dụng có tài sản thế chấp là 23 giấy đỏ. Theo bị cáo, doanh nghiệp do Cường điều hành đủ điều kiện vay vốn. Dù vậy, bị cáo cũng thú nhận bản thân không đích thân đi thẩm định dự án. Sau này bị cáo mới phát hiện hồ sơ vay không đúng quy chế NH.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.

***

Nội dung vụ án

Theo hồ sơ, năm 2007 Cường có ý định thực hiện dự án cao ốc căn hộ và biệt thự vườn nên lấy danh nghĩa công ty mua 10,5 ha đất của các hộ dân có 23 giấy đỏ. Cường đem 23 giấy này thế chấp tại NH Agribank Chi nhánh 6 để vay tiền làm dự án.

Ngày 7-4-2008, Cường với tư cách là tổng giám đốc Công ty Bình Phát ký hồ sơ đề nghị vay 200 tỉ đồng tại Sở giao dịch NH Phương Nam. Bốn ngày sau, Nguyễn Thị Xuân Trang, giám đốc Sở giao dịch (đã bỏ trốn, đang bị truy nã), đã chỉ đạo hai cán bộ tín dụng báo cáo thẩm định đề xuất cho công ty này vay 190 tỉ đồng.

Sau đó, HĐTD của NH gồm ông Khang (chủ tịch) đã họp và ký vào biên bản đồng ý cho vay nhưng chỉ giải ngân 130 tỉ đồng. Đồng thời, yêu cầu Sở giao dịch phải thực hiện đầy đủ tám điều kiện trước khi cho vay. Tuy nhiên, ông Trầm Bê đã phê duyệt cho công ty của Cường vay không điều kiện và không theo đề nghị của HĐTD.

Đến tháng 5-2008, ông Bê lại cho Cường vay thêm bằng cách đảo nợ ký hợp đồng vay mới. Sau đó sử dụng tiền giải ngân để tất toán hợp đồng lần một và rút thêm tiền. Trình tự, thủ tục xét duyệt cho vay như lần một.

NH đã giải ngân cho Cường hơn 57 tỉ đồng và 9.000 lượng vàng, tổng cộng là 221,3 tỉ đồng. Cường dùng số tiền này để tất toán khoản vay trước, trả 32 tỉ đồng lãi, còn lại hơn 57 tỉ đồng sử dụng riêng.

Đến ngày 4-6-2009, đến hạn thanh toán hợp đồng vay lần hai, Cường tiếp tục đến gặp Trầm Bê xin gia hạn nợ. Ông Bê đồng ý cho Cường gia hạn nợ bằng cách đảo nợ, ký hợp đồng tiền vay mới lần ba. Đến ngày 11-1-2010, Cường ký giấy gán toàn bộ 23 bất động sản cho NH Phương Nam để thanh lý các khoản nợ. 

HOÀNG YẾN

Trọng tài V-League sai nối sai, vì đâu nên nỗi

Các Vua áo đen mắc sai sót, lỗi yếu kém về chuyên môn tại V-League, và cách Trưởng ban trọng tài lên tiếng thấy buồn cho bóng đá Việt.

Trọng tài sai và tuyên bố của ông Trưởng ban 

Trong phát biểu mới nhất, Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền quả quyết: “Một số trọng tài đã mắc sai sót về chuyên môn, nhưng hoàn toàn không có vấn đề gì về tư tưởng hay tiêu cực.

Nếu các đội bóng cho rằng trọng tài tiêu cực, hãy chỉ thẳng người đó đi. Tôi sẽ lập tức cấm họ cầm còi vĩnh viễn. Nếu không làm được như thế, tôi xin nghỉ”.

Ông Dương Văn Hiền đã xin lỗi, nhưng lại đá vấn đề qua câu chuyện xa hơn về chuyên môn

Ông Hiền cũng nhấn mạnh, nếu nói có tiêu cực cần đưa ra bằng chứng chứ không thể chụp mũ. Thậm chí, đương kim Trưởng ban trọng tài còn “bật” một cách khá quyết liệt rằng: “Nếu có vấn đề tiêu cực, vậy thì ai đưa tiền cho trọng tài? Chính là lãnh đạo các đội bóng. Vậy hãy đứng ra tố cáo, chỉ đích danh đi”

Tuy nhiên, những gì mà trưởng ban trọng tài phát biểu có vẻ như đi quá xa, bởi thực tế đến lúc này những đội bóng chịu thiệt thòi nhất về công tác trọng tài kể từ đầu mùa là Nam Định và SLNA chưa khi nào khẳng định các vua sân cỏ tiêu cực.

Cả 2 CLB chỉ yêu cầu Ban trọng tài xem xét lại công tác phân công người cầm còi, cũng như những sai lầm của các Vua sân cỏ thuần tuý về chuyên môn mà thôi.

Vì đâu các Vua cứ... yếu mãi thế?

Các đội bóng quy cho trọng tài tiêu cực hay tư tưởng có vấn đề rõ ràng là không thể nhưng họ có thể ý kiến về việc Vua có chuyên môn yếu. Đương nhiên đây là câu chuyện mà Ban trọng tài và VFF cần phải giải quyết thay vì cố gắng “cãi chày, cãi cối” như lời ông Dương Văn Hiền.

Thế nhưng, mong có một đội ngũ cầm còi công tâm, giỏi chuyên môn điều hành ở V-League dường như vẫn là điều khó với bóng đá Việt. Đến lúc này sau hơn 20 năm lên chuyên nghiệp, hiếm mùa giải nào mà công tác trọng tài hoàn thành nhiệm vụ.

trong khi cái mà các đội bóng, người hâm mộ V-League cần là sự cải tổ trong công tác đào tạo, tuyển chọn trọng tài chứ không phải xin lỗi là xong

Mùa giải 2020 này mới chỉ đi qua 10 vòng đấu, thế nhưng cả 2 giải hạng Nhất và V-League đã chứng kiến hàng loạt trọng tài bị trảm, treo còi vì những sai lầm thuần tuý về chuyên môn.

Câu hỏi được đặt ra Ban trọng tài, VFF làm gì để thay đổi bộ mặt của các vua sân cỏ Việt trong những năm qua? Và câu trả lời gần như là không có gì, khi chất lượng ngày đi xuống bất chấp đời sống của các trọng tài được nâng cao lên rất nhiều so với trước đây.

Cũng cần biết, kinh phí để Ban trọng tài hoạt động dành cho công tác tập huấn trước, giữa mùa giải không hề nhỏ, chưa kể các nguồn dành cho đào tạo ở địa phương... Thế nhưng đến lúc này cứ nhìn danh sách đề cử cấp FIFA hay AFC của các trọng tài Việt Nam ngày càng “teo tóp” đi là đủ hiểu như thế nào.

Ban trọng tài phải đại phẫu, và hơn lúc nào hết VFF cần chứng tỏ khả năng quản lý, điều hành của mình ở thời điểm hiện tại. Còn nếu không, V-League khó mà có tương lai chứ đừng nói gì đến mục tiêu to tát World Cup hay tương tự như thế!

Mai Anh

Văn Kính Dương bị đề nghị tử hình, hotgirl Ngọc Miu 15 -16 năm tù

5 án tử hình, 4 án chung thân và 1 án từ 15-16 năm tù, đó là mức án mà VKS đề nghị đối với các bị cáo trong vụ án Văn Kính Dương. Đại diện VKS cho rằng các hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, sản xuất ma tuý số lượng lớn, cần xử nghiêm khắc.

Sau 5 ngày tạm dừng, sáng ngày 23/7, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử bị cáo Văn Kính Dương (SN 1980) cùng 9 đồng phạm về các tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”; “Sản xuất trái phép ma túy”; “Mua bán trái phép ma túy”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Trốn khỏi nơi giam giữ”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bị cáo Vũ Hoàng Anh Ngọc (SN 1994, hot girl Ngọc Miu), người tình của Dương bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

Hotgirl Ngọc Miu

Sau hơn hai giờ đồng hồ cho các luật sư hỏi bị cáo, phiên xử đã đến phần tranh luận.

Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu ra quan điểm và đề nghị các mức án cho các bị cáo như sau:

Văn Kính Dương tử hình tổng hợp cho 5 tội danh, Nguyễn Đức Kỳ Nam tử hình, Lê Văn Mang tử hình, Phạm Bảo Quân tử hình, Lê Hương Giang tử hình.

Bốn án chung thân dành cho Huỳnh Bá Thành, Nguyễn Đắc Huy, Nguyễn Thu Huyền, Phạm Thị Thu Huyền.

Riêng hotgirl Ngọc Miu bị đề nghị từ 15 đến 16 năm tù.

Các bị cáo đồng phạm của Văn Kính Dương


Đại diện công tố nhận định, hành vi các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được ma tuý bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vì tư lợi vẫn bất chấp. Số lượng sản xuất ma tuý lớn cả 100 kg , tạo một đường dây tiêu thụ hơn 18kg. Đại diện công tố nhấn mạnh, Dương và Nam là chủ mưu sản xuất ma tuý, lôi kéo các đồng phạm khác. Hành vi các bị cáo là mầm mống các loại tội phạm, cần loại bỏ một số bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, các bị cáo cũng thành khẩn khai báo, nên cũng cần xem xét giảm nhẹ.

Trước đó, trong phần xét hỏi toà đã chấp nhận luật sư bào chữa cho Văn Kính Dương do gia đình của Dương mời. Vì trước đó, Dương từ chối các luật sư chỉ định cho mình

Bị cáo Văn Kính Dương (bên trái) bị đề nghị mức án tử hình

Theo cáo trạng, năm 2010, Văn Kính Dương đang thụ án tội “Cướp giật tài sản, Tàng trữ trái phép chất ma tuý” tại Thanh Hóa thì vượt ngục cùng một số phạm nhân. Thời gian trốn truy nã, Dương bán ma túy rồi dùng giấy tờ giả mở tài khoản ngân hàng, thuê người đóng giả Phúc (người tình cũ) chuyển hết 380 triệu đồng từ tài khoản của Phúc cho mình.

Sau đó, Dương tiếp tục làm giả giấy tờ mang tên Trần Ngọc Hiếu, thuê và sinh sống tại một căn hộ cao cấp tại quận 1. Thời gian này, Dương chung sống với Vũ Hoàng Anh Ngọc (tức Ngọc Miu) và có một con chung.

Tuy nhiên, trước tòa, Dương khai vì ghen tuông, dương đánh dập Ngọc Miu nhiều lần, có lần còn đe dọa giết người tình.

Giữa năm 2016, trong lần vào vũ trường tại Campuchia, Dương quen Tom (không xác định được lai lịch – trong phần xét xử trước HĐXX đã làm rõ Tom chính là Nguyễn Đức Kỳ Nam), được chỉ công thức điều chế ma túy tổng hợp. Hai bên thỏa thuận hợp tác làm ăn, chia thành phẩm theo tỷ lệ 7/3, Tom lấy phần hơn.

Dương thuê Nguyễn Đức Kỳ Nam, Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân cùng 4 người khác điều chế thuốc lắc tại hai căn biệt thự ở huyện Bình Chánh. Lần đầu chúng làm được 4 kg ma túy mang đi tiêu thụ nhưng bị trả lại do không đạt chất lượng.

Quá trình điều chế ma túy, nhóm Dương và đồng phạm sản xuất được 124 kg ma túy tinh chất. Sau khi chia cho Tom, anh ta bào chế thành 120 kg thuốc lắc, dập thành 500.000 viên mang về chỗ ở của mình trên đường Nguyễn Du hoặc đưa cho đồng phạm mang đến căn hộ của Ngọc Miu cất giấu. Dương giao cho Giang nhiệm vụ thu tiền bán ma túy.

Tháng 9/2016, nghi ngờ bị công an theo dõi, Dương yêu cầu đi thuê chỗ khác. Đến đầu tháng 4/2017, Dương kêu Quân giao cho Huyền 7 gói cà phê (chứa hơn 3.500 viên ma túy tổng hợp) mang đến chỗ Ngọc. Còn anh ta và Mang đem ra Hà Nội một valy thuốc lắc hơn 30 kg (122.000 viên) giao cho khách. Sau khi giao trót lọt 5.000 viên cho người đàn ông, bộ đôi đem 12.000 viên ra Hải Phòng bán thì Mang bị cảnh sát bắt. Dương chạy thoát về Sài Gòn.

Ngày 6/4/2017, công an bắt khẩn cấp và khám xét phòng khách sạn, thu giữ toàn bộ số thuốc lắc. Cùng ngày, Công an TP.HCM đồng loạt bao vây khám xét 13 xưởng sản xuất, nơi ở của nhóm Dương, bắt các nghi phạm, thu giữ hàng chục kg ma túy, hàng tỉ đồng, 7 ôtô (trong đó có siêu xe McLaren), nhiều máy móc, tang vật.

Bùi Phan

Hà Nội: Đôn đốc rà soát, xử lý triệt để vi phạm trật tự xây dựng

Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản 6352/SXD-TTr ngày 22-7-2020 đôn đốc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại quận Hoàn Kiếm.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản 5654/VP-ĐT ngày 8-7-2020 về việc kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát đối với các dự án trên địa bàn; thiết lập hồ sơ, kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các vi phạm về trật tự xây dựng theo quy định; báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.

Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm tiếp tục chỉ đạo, xử lý triệt để đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên tuyến đường Phạm Hùng; UBND quận Cầu Giấy đôn đốc, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố đối với dự án tại số 27 Trần Duy Hưng theo thẩm quyền; báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố và gửi Sở Xây dựng để cùng phối hợp giải quyết.

Hà Nội tập trung cho tăng trưởng xanh

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 22-7-2020 về hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Một số chỉ tiêu cụ thể gồm: Giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến năm 2025, lượng khí thải nhà kính trên địa bàn giảm 12,14% so với kịch bản nếu không có các biện pháp giảm thải khí nhà kính; tương ứng đến năm 2030 sẽ giảm 18,71%. Tiếp theo, xanh hóa sản xuất với tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh/sinh thái hằng năm đạt 15%/năm. Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, gắn liền với việc nâng cao diện tích cây xanh bình quân tính theo đầu người; đạt 7,8m2 - 8,1m2 vào năm 2025 và 13m2 - 15m2 vào năm 2030.

Mức độ giảm tiêu thụ bao bì khó phân hủy tại các siêu thị đạt 70-75% năm 2025 và 85% vào năm 2030; tỷ lệ mua sắm công đối với các sản phẩm xanh/sinh thái đạt 100%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30-35% năm 2025 và 40-45% vào năm 2030; tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị đạt 45-50% năm 2025 và 60% vào năm 2030... Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch khoảng 9.700 tỷ đồng; giai đoạn từ nay đến năm 2025 dự kiến khoảng 5.900 tỷ đồng và giai đoạn 2025-2030 là 3.800 tỷ đồng.

Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị thường trực thực hiện kế hoạch bên cạnh sự phối hợp của các sở, cơ quan chức năng khác...