Chiều 24/7, cuộc so tài giữa đương kim vô địch và á quân V.League mùa trước hứa hẹn thế trận có lợi cho đội chủ sân Thống Nhất.
Cả V.League, cả hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ hướng về sân vận động Thống Nhất để chứng kiến trận tâm điểm vòng 11 V.League giữa đội TP.HCM và CLB Hà Nội. Nhìn vào những con số thống kê, lịch sử đang không ủng hộ thầy trò HLV Chung Hae-seong, nhưng căn cứ vào phong độ hiện tại của hai đội, thì rất có thể lần này CLB TP.HCM sẽ tiếp đón đại diện bóng đá Thủ đô với tâm thế hoàn toàn khác.
Tính từ mùa 2009, CLB TP.HCM mới có đúng 1 lần giành chiến thắng CLB Hà Nội trên sân nhà. Khi CLB TP.HCM trở lại V.League từ năm 2017, những lần đối đầu giữa họ với CLB Hà Nội tới nay ghi nhận những chiến thắng áp đảo của đại diện Thủ đô.
Lần gần nhất gặp nhau ở trận tranh siêu cúp quốc gia 2019, CLB Hà Nội thắng TP.HCM 2-1 ngay trên sân Thống Nhất. Tuy nhiên, đây cũng là cột mốc đánh dấu bước ngoặt cho chuỗi phong độ và thành tích của thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm.
Ăn mừng chức vô địch siêu cúp, nhưng ông Chu Đình Nghiêm cũng chẳng thể vui khi chấn thương của Đỗ Duy Mạnh là sự khởi đầu cho hàng loạt những tổn thất lực lượng tiếp theo của CLB Hà Nội.
12 ca chấn thương với các mức độ khác nhau đồng loạt xảy đến với các cầu thủ, đặc biệt trong lúc V.League mới trở lại sau quãng thời gian dài tạm nghỉ vì dịch đã khiến ông Nghiêm mất hẳn đi một đội hình có thể thi đấu. Đáng lo hơn, nó khiến cho hàng công của đội trở nên “cùn” đi trông thấy.
Hùng Dũng hay Quang Hải chỉ là một phần trong hệ thống. Ảnh: Minh Chiến.
Tổn thất lực lượng khiến ông Nghiêm thiếu đi những chân sút đẳng cấp để tạo ra khác biệt. Pape Omar chấn thương, Văn Quyết đã lớn tuổi, Văn Đại mới ghi 1 bàn sau 10 trận, còn Thành Chung mới chỉ là phương án thử nghiệm. CLB Hà Nội không còn có thể dựa vào thứ bóng đá tấn công vốn là hơi thở của mình như trước để đi tìm chiến thắng.
Có 6 trong 7 trận gần nhất, CLB Hà Nội không thể ghi quá 2 bàn trong 1 trận đấu. Ông Chu Đình Nghiêm quyết không từ bỏ lối đá tấn công trên thế kiểm soát bóng, ngay cả khi trong tay chỉ có 1 tiền đạo cắm tốt nhất là Rimario.
Cái cách mà tiền đạo này ăn mừng bàn thắng ở hiệp 2 trận gặp Hải Phòng đã nói lên tất cả. Ngay cả khi trọng tài tính đó là bàn phản lưới của hậu vệ đối phương, tiền đạo Jamaica vẫn ăn mừng cuồng nhiệt và đầy cảm xúc.
Đối đầu với CLB TP.HCM, hy vọng lớn nhất của CLB Hà Nội lúc này trông cả vào Hùng Dũng và Quang Hải, một người là đương kim Quả bóng vàng, người còn lại sở hữu Quả bóng bạc và đang dần lấy lại phong độ khi trở lại sau chấn thương. Tuy nhiên, Dũng hay Hải cũng chỉ là một phần trong hệ thống tấn công nhạt nhòa của CLB Hà Nội, vốn đã yếu đi nhiều sau 2 mùa đăng quang ở V.League.
Hàng công CLB Hà Nội đang phụ thuộc khả năng săn bàn của Rimario. 6 trong 7 trận Rimario không ghi bàn, CLB Hà Nội đều không thắng. Ảnh: Minh Chiến.
Đó là vấn đề khi CLB Hà Nội chơi tấn công. Còn trong mặt trận phòng ngự, họ đang bị đối thủ khai thác nhiều vào khoảng trống giữa bộ đôi trung vệ và hàng tiền vệ. Moses mới trở lại còn khá nặng nề, chưa tìm lại độ bao quát tuyến giữa ấn tượng như trước. Hùng Dũng và Đức Huy đang không thể hiện được vai trò này. Hai trung vệ trẻ của CLB Hà Nội nhiều thời điểm dâng quá cao, bộc lộ sơ hở để đối phương khai thác.
Bên kia chiến tuyến, CLB TP.HCM đang quyết tâm chứng minh họ là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch V.League mùa này bằng việc đầu tư những bản hợp đồng bom tấn. Sự xuất hiện của Huy Toàn, Công Phượng đã tạo ra khác biệt đáng kể trên mặt trận tấn công của đội bóng thành phố mang tên Bác. Cùng nhau, họ ghi 16 bàn sau 10 vòng đấu, đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng. Cú vấp ngã trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh không che đi được đẳng cấp của nhà á quân V.League mùa này.
Chính ông Nghiêm cũng phải thừa nhận: “Tôi cũng khá bất ngờ khi nghe tin CLB TP.HCM thua CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Tôi cứ nghĩ cùng lắm họ sẽ hòa thôi, chứ không nghĩ họ thua”. Đó mới chỉ là lần đầu ở mùa này CLB TP.HCM chơi chấp “Tây” khi hai ngoại binh tốt nhất của họ là Amido Balde và Pape Diakite bị treo giò. Cả hai sẽ trở lại ở trận tiếp đón CLB Hà Nội.
Cả V.League có thể thuộc cách đá của Công Phượng, nhưng ít có đội nào dè chừng được sự nguy hiểm của tiền đạo Nghệ An khi anh đá cặp cùng Amido Balde. 8 trận thi đấu cùng đối tác người Guine, Phượng ghi 4 bàn, nhiều nhất trong top chân sút nội hiện nay.
CLB TP.HCM mùa này mạnh hơn nhờ Công Phượng. Ảnh: Minh Chiến.
"Amido vắng mặt tạo ra sự xáo trộn trong cách tấn công của CLB TP.HCM. Công Phượng phải dâng cao, đồng nghĩa với việc chơi trực diện hơn, có ít khoảng trống để rê bóng. Khi Amido trở lại, Công Phượng quay về vị trí tiền đạo lùi. CLB TP.HCM về cơ bản chơi với sơ đồ 4-2-3-1, ưu tiên sự chắc chắn. Đội Hà Nội trung thành với lối chơi kiểm soát, chỉ có phương hướng là dâng cao tấn công. CLB TP.HCM thích những đối thủ kiểu vậy để phát huy triết lý của HLV Chung", bình luận viên kỳ cựu Ngô Quang Tùng nói với Zing.
Ông Chung Hae-seong đã chứng minh Công Phượng hay nhất khi được chơi cùng những vệ tinh đẳng cấp. Ở chiều ngược lại, tiền đạo tuyển Việt Nam cũng thể hiện được tầm ảnh hưởng dưới đôi bàn tay HLV người Hàn Quốc.
Có Công Phượng trên sân, những đồng đội của anh cũng được hưởng lợi. 10 trận Phượng góp mặt, 8 cầu thủ khác nhau của CLB TP.HCM đã lập công vào 16 bàn thắng. Ngoài CLB Viettel có 10 cầu thủ ghi bàn, đội bóng của ông Chung Hae-seong đứng thứ 2 về số cầu thủ khác nhau lập công.
Cuộc đối đầu giữa hai thế lực của bóng đá Việt Nam hứa hẹn một bữa tiệc bóng đá tấn công thịnh soạn. Đoàn quân của HLV Chung với sự đầu tư mạnh mẽ đang quyết tâm bám đuổi ngôi đầu bảng xếp hạng, còn CLB Hà Nội chưa khiến người hâm mộ bớt lo sau màn trình diễn đáng thất vọng ở mặt trận tấn công lẫn phòng ngự. Ở hoàn cảnh hiện tại, bữa tiệc ấy chưa chắc đã có phần cho CLB Hà Nội.