Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Báo cáo TIP 2020 chưa nhìn nhận khách quan công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam

Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có báo cáo đánh giá về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 (báo cáo TIP 2020).

Đáng nói, đây là năm thứ hai liên tiếp, báo cáo có những đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề phòng, chống mua bán người ở Việt Nam, trong đó có công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và những hiệu quả trên thực tế.

Trong bản báo cáo năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nhóm 2. Báo cáo thừa nhận một số kết quả như: Các nỗ lực này bao gồm cho nạn nhân buôn người có quyền được đại diện pháp lý trong các quy trình tố tụng tư pháp; tăng thời gian nạn nhân có thể ở lại trong cơ sở tạm lánh thêm một tháng và tăng hỗ trợ tài chính cho họ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu; tiếp tục tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức quy mô lớn ở các cộng đồng có nguy cơ cao về buôn người, trong đó có người lao động di cư ra nước ngoài; đào tạo các cán bộ thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá: “Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người”. Báo cáo đưa ra nhận định sai lệch khi cho rằng, Chính phủ không thể hiện các nỗ lực cao hơn so với kỳ báo cáo trước. Báo cáo cũng đưa ra những nhận định không đúng thực tế như: Chính phủ không cung cấp con số thống kê các vụ việc buôn người theo hình thức buôn người, tuổi hoặc giới tính của nạn nhân, quốc gia nguồn hoặc quốc gia đích của việc buôn người (thực tế, các con số thống kê này được cơ quan chức năng nêu chi tiết). Đồng thời cho rằng, quy trình xác định nạn nhân vẫn còn quá rắc rối và phức tạp, yêu cầu sự xác nhận của nhiều bộ để nạn nhân có thể chính thức được xác định và hỗ trợ. Cùng với đó là nhiều nhận định, đánh giá sai lệch khác.

Sau khi bản báo cáo được công bố, nhiều tờ báo, trang mạng có quan điểm thù địch với Việt Nam đã đăng tải, đưa ra các bình luận, phỏng vấn cổ suý và suy diễn. Người được phỏng vấn, lấy ý kiến là những cá nhân từng bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, có các hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. Trên mạng xã hội, nhân cớ này, các đối tượng bấu víu mặc sức “chém gió”, dùng những câu từ miệt thị, đả kích Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam, thậm chí xuyên tạc Việt Nam “dung túng” tội phạm buôn người.

Để hiểu rõ bản chất vấn đề, cần thấy thực trạng tệ nạn buôn người trên thế giới hiện nay. Đây là vấn đề xuyên quốc gia và loại tội phạm này đang lan rộng khắp thế giới chứ không phải là vấn đề riêng của quốc gia nào. Liên hợp quốc ước tính rằng, mỗi năm 700.000 đến 4 triệu phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên toàn thế giới với mục đích ép buộc bán dâm, lao động và các hình thức bóc lột khác. Buôn bán người được ước tính lên tới 7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Buôn người là vấn nạn có tính toàn cầu, nhất là khu vực Á, Phi, Mỹ la tinh. Ngay cả các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, điều này cũng không ngoại lệ. Theo báo cáo của UNODC, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng di cư từ các nước Trung Mỹ qua Mexico vào Mỹ. Nghĩa là chính Mỹ cũng chịu tác động mạnh từ hệ quả nạn mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ở khu vực Đông Nam Á, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đều đánh giá tình hình tội phạm mua bán người và di cư trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, không thể cáo buộc Việt Nam trong vấn đề có tính toàn cầu và phức tạp như buôn người. 

Việc báo cáo cho rằng Chính phủ Việt Nam không thể hiện các nỗ lực cao hơn so với kỳ báo cáo trước là không nhìn nhận đúng thực tế công tác điều hành, chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương trong vấn đề này. Thực tế, Chính phủ đã rất nỗ lực, bằng các chương trình hành động cụ thể để phòng, chống hoạt động buôn người. Để thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, ngày 10-5-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Mới đây, ngày 20-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên hợp quốc. Quyết định thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Global Compact for Safe, Orderly and Regular Migration - Thỏa thuận GCM) phù hợp với chính sách, pháp luật và điều kiện của Việt Nam nhằm quản lý di cư hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững. Xác định các lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên, nội dung cụ thể và lộ trình triển khai Thỏa thuận GCM; huy động tối đa các nguồn lực sẵn có trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Quyết định nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, dễ tiếp cận, tôn trọng nhân phẩm của người di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em.

Trong những năm qua, Việt Nam tích cực hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người và được ghi nhận là điểm sáng với nhiều giải pháp hữu hiệu. Ngày 21-12-2019, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại (Bộ Công an) đã chủ trì tổ chức Hội thảo thiết lập hệ thống đầu mối quốc gia triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP). Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn đánh giá cao mục đích của Hội thảo và tin tưởng rằng “Với vị trí và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục thực thi có hiệu quả các nội dung của Công ước ACTIP trong giai đoạn tới”.

Tại các phiên đối thoại thường niên giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về quyền con người, nạn buôn bán người được quan tâm đặc biệt. Phía EU đã ghi nhận các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện hệ thống luật pháp về quyền con người; bày tỏ mong muốn tăng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực cải cách tư pháp, thực hiện Công ước chống tra tấn, phòng chống tệ nạn buôn bán người và bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Nhiều cuộc hội thảo quốc tế, vấn đề này được các đại biểu đề cập và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam.

Việc phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực. Trong đó, về công tác thực thi pháp luật, lực lượng Công an, chủ công là Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp xây dựng và phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm (đảm bảo 100%), triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với tuần tra, kiểm soát và quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới; tổ chức triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 74 vụ, liên quan đến 104 đối tượng, lừa bán 98 nạn nhân. So cùng kỳ năm 2019, giảm 16,85% số vụ, 26,76% số đối tượng và 42,01% số nạn nhân. Đáng chú ý, tình trạng mang thai hộ để bán cho người nước ngoài hoặc dụ dỗ phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, bán cho người khác. Các lực lượng chức năng đã tiếp nhận hàng trăm tin, xử lý kịp thời. Lực lượng Công an, Biên phòng khám phá 61 vụ, bắt 79 đối tượng. VKSND các cấp truy tố 34 vụ với 51 bị can. TAND các cấp thụ lý 57 vụ với 92 bị cáo phạm các tội về mua bán người, trong đó tuyên phạt tù có thời hạn đối với 52 bị cáo, trong đó có 1 bị cáo lĩnh án tù trên 15 năm, 24 bị cáo lĩnh án tù từ 7 đến 15 năm, 23 bị cáo lĩnh án 3 đến 7 năm…

Liên quan tới báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019, ngày 2-7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 đã không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình và những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, mua bán người và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Mỹ, để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này.

Như vậy, việc phòng chống tệ nạn mua bán người được Việt Nam đặc biệt coi trọng, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, toàn xã hội chứ không phải “lơ là” như đánh giá của bản báo cáo và những cá nhân thiếu thiện chí suy diễn trên mạng internet. Với sự thực hiển nhiên như thế, rõ ràng bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhìn nhận, đánh giá sai lệch, gây những hiểu lầm và điều này tạo cớ để các thế lực xấu suy diễn, xuyên tạc tình hình.

Nguyễn Thành

Sau thế chấp ngân hàng, bìa đất rộng 12m 'biến' thành 8m

Thu hồi tài sản, cơ quan thi hành án Nghi Lộc tá hỏa phát hiện bìa đất thế chấp ngân hàng có chiều rộng 12m nhưng đo đạc thực tế chỉ có 8m. Bởi vậy, vụ việc kéo dài từ năm 2013 đến nay chưa giải quyết được.

Nhiều vụ việc vướng mắc kéo dài

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh cho biết, tuy số vụ việc thi hành án (THA) thành công liên quan các tổ chức tín dụng, ngân hàng năm sau đều cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan thì mới có thể giải quyết dứt điểm. Đơn cử như vụ việc THA liên quan Công ty TNHH Thanh Huyền ở TP. Vinh.

Theo đó, tháng 4/2013, theo phán quyết của TAND TP. Vinh, Chi cục THADS huyện Nghi Lộc ra quyết định thi hành án buộc Công ty TNHH Thanh Huyền (số 152, đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Vinh) phải trả cho Ngân hàng TMCPXNK Việt Nam số tiền gốc và lãi hơn 3,5 tỷ đồng. Do Công ty TNHH Thanh Huyền không có khả năng thi hành án nên chấp hành viên đã kê biên tài sản thế chấp của bà Huyền gồm nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất có diện tích 853m2 tại xóm Thái Thịnh, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Quá trình xử lý tài sản Chi cục THADS huyện Nghi Lộc phát hiện thực tế thửa đất của bà Huyền được cấp giấy CNQSD đất không đúng hiện trạng so với thửa đất bà Huyền và chồng được nhận chuyển nhượng.

Nghĩa là bìa thế chấp tại ngân hàng có chiều rộng 12m, nhưng đo thực tế chỉ có 8m, 4m còn lại thuộc phần đất và nhà của bà Trương Thị Tịnh kề bên. UBND huyện Nghi Lộc cũng đã xác nhận là do sai sót, trong khi thực hiện thủ tục cấp GCNQSD đất cho bà Nguyễn Thanh Huyền và chồng đã lấn sang đất của bà Trương Thị Tịnh với kích thước 4m. Song, đến nay cấp có thẩm quyền chưa có quyết định điều chỉnh, sửa đổi khiến vụ việc này vẫn “treo” chưa giải quyết được

Cán bộ cơ quan Thi hành án đi xác minh giải quyết vụ việc ở cơ sở. Ảnh: Thu Trang

Hoặc như vụ việc liên quan ông Võ Văn Dũng ở TX. Cửa Lò. Tháng 9/ 2017, ông Dũng thế chấp tài sản gồm nhà và Giấy CNQSDĐ để vay mượn tiền; sau đó không trả được nợ nên bên cho vay khởi kiện ra tòa án.

Năm 2017, Tòa án nhân dân thị xã Cửa Lò đã buộc ông Võ Văn Dũng phải trả cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) số tiền gốc và lãi tính đến hết ngày 29/9/2017 là hơn 834 triệu đồng (trong đó tiền gốc là 500 triệu đồng). Sau khi tòa tuyên án, ông Dũng cũng không có khả năng trả được nợ nên Công ty VAMC đã yêu cầu cơ quan thi hành phát mại tài sản thế chấp gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất thuộc thửa đất số 456, tờ bản đồ số 16, diện tích 198,5m2 do UBND thị xã Cửa Lò cấp ngày 02/11/2011 mang tên ông Võ Văn Dũng tại khối 12, phường Nghi Hương.

Số lượng án tín dụng, ngân hàng hàng năm các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) Nghệ An phải giải quyết tuy chiếm bình quân 1,5% số lượng vụ việc, nhưng lại chiếm 60% về lượng tiền. Và những vụ việc có vướng mắc, phức tạp, kéo dài thường là những vụ việc có số lượng tiền phải thi hành án lớn".

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án, do ông Võ Văn Dũng không tự nguyện thi hành, nên tháng 5/2018, Chi cục THADS thị xã Cửa Lò đã ra Quyết định cưỡng chế kê biên; tài sản được thẩm định với giá hơn 752 triệu đồng để bán đấu giá và một người dân ở phường Nghi Tân đã mua trúng đấu giá với mức 775 triệu đồng. Song, ông Võ Văn Dũng không chịu bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, thậm chí chống trả quyết liệt. Bởi vậy, Chi cục THA Cửa Lò đã phải báo cáo Ban chỉ đạo THADS thị xã cùng các cơ quan liên quan để vừa thuyết phục, vận động vừa cưỡng chế thì vụ việc mới được giải quyết vào tháng 7/2019.

Từ năm 2015 đến nay, các việc tổ chức THA cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã đạt thụ lý 618 việc, tương ứng số tiền hơn 1.654 tỷ đồng; trong đó có điều kiện thi hành 506 việc, tương ứng số tiền hơn 1.419 tỷ đồng. Đến nay đã có 234 việc giải quyết xong, tương ứng số tiền trên 730 tỷ đồng.

Tăng phối hợp để “gỡ” khó

Những vụ việc trên là một trong những vụ án liên quan tranh chấp đất đai, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng thường phức tạp, nên công tác thi hành án liên quan nội dung này cũng gặp phải những vướng mắc

Tại cuộc làm việc giữa Cục THADS tỉnh và các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh vào ngày 9/7 vừa qua, đại diện các bên tham gia cũng đã có nhiều ý kiến về vụ việc của Công ty Thanh Huyền, đồng thời đề nghị các bên cần nhận diện thêm các vướng mắc cần “gỡ” trong THA tín dụng, ngân hàng để có biện pháp hiệu quả. Nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng đã chỉ ra các bất cập cần tháo gỡ như: tình trạng tài sản thế chấp là của bên thứ ba khiến đương sự không hợp tác, thậm chí chống đối như trường hợp ông Võ Văn Dũng. 

Cưỡng chế thi hành án vụ việc liên quan tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu Quang Dũng

Nhiều tài sản sau khi kê biên đấu giá không có người mua. Ví như vụ việc liên quan ông Trần Hữu Danh ở TP. Vinh, tài sản bị kê biên của ông Danh khi đưa ra đấu giá đã giảm giá đến lần thứ 12 vẫn không có người mua. Thậm chí có vụ việc giảm giá đến 22 lần vẫn không phát mại được tài sản.

Một vướng mắc nữa đó là việc tính pháp lý của tài sản thế chấp, nhất là quyền sử dụng đất, rất nhiều vụ việc chưa rõ ràng, có tranh chấp nên không THA được. Ví như vụ công ty Thanh Huyền. Bên cạnh đó, chất lượng, quy trình thẩm định cho vay vốn của một số ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa đảm bảo, dẫn đến giá trị tài sản tại thời điểm kê biên thấp hơn nhiều so với khoản nợ vay. Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa phối hợp tích cực, thiếu chia sẻ với cơ quan THA.

Thậm chí còn có tổ chức tín dụng còn ký hợp đồng với tổ chức thừa phát lại để thi hành án, khi gặp khó mới đề nghị cơ quan THA thực hiện. Một tình trạng thường gặp khác gây khó cho công tác THA đó là các tài sản đảm bảo cho khoản vay như xe ô tô, máy xúc… không xác định được địa chỉ nên không thể thi hành án để thu hồi. Tính đến nay có 18 vụ việc tài sản “mất tích” tương đương số tiền hơn 258 tỷ đồng chưa được thi hành…

Cục THADS tỉnh làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tháo gỡ vướng mắc. Ảnh: Hoài Thu

Để “gỡ” những vướng mắc liên quan THA tín dụng, ngân hàng, ông Cao Văn Hợi - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho rằng, mỗi ngân hàng, mỗi tổ chức tín dụng đều có cấp trên khác nhau, có cách xử lý nợ khác nhau. Vì vậy, bên cạnh các chi cục THA và các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì còn cần phải có thêm sự trao đổi, phối hợp giữa nhiều sở, ngành, địa phương khác để tìm cơ chế hỗ trợ, cơ chế hợp tác giúp THA hiệu quả hơn. 

Ông Phạm Quốc Nam - Cục trưởng Cục THADS tỉnh cũng cho biết, thời gian tới Cục THADS tỉnh sẽ sửa đổi bổ sung quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An để tăng hiệu quả THADS, nhất là án liên quan tín dụng ngân hàng. “Chỉ có tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi giữa cơ quan THA với các tổ chức tín dụng, ngân hành cũng như các bên liên quan mới có thể giải quyết nhanh chóng các vụ việc, không để tồn đọng, kéo dài” - ông Phạm Quốc Nam khẳng định.

Hoài Thu

Cửa sau LSQ Trung Quốc ở Houston bị phá bằng khoan điện, xà beng

Duy Anh: Ngay sau hạn chót 72 giờ do Washington đặt ra, đặc vụ liên bang của Mỹ và cảnh sát địa phương đã tiến vào khu phức hợp Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.


Khoảng 16h chiều 24/7 giờ Mỹ (tức 4h sáng ngày 25/7 giờ Việt Nam), một nhóm người xuất hiện tại khu phức hợp Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas. Nhóm này từ chối cho biết danh tính khi được hỏi, theo Reuters. Ảnh: Reuters.


Sau khi khóa một cánh cửa khác ở phía bên kia tòa nhà khu phức hợp, nhóm người đã dùng khoan điện và xà beng phá cửa sau của tòa nhà. Trong ảnh, nhóm người đi vào bên trong tòa Tổng lãnh sự quán ở Houston sau khi phái bộ Trung Quốc tại đây đã rời đi. Ảnh: Reuters.


Một quan chức an ninh mặc thường phục của Mỹ đi vào tòa nhà lãnh sự quán Trung Quốc bằng cửa sau. Ảnh: Reuters.


Không lâu sau khi cửa sau của tòa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc bị phá, các phương tiện của đặc vụ liên bang và cảnh sát thành phố Houston đã xuất hiện. Xe SUV của nhân viên hành pháp Mỹ đỗ bên ngoài. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington tới nay chưa bình luận về vụ việc. Trong ảnh, lực lượng chấp pháp thành phố Houston lập hàng rào an ninh bên ngoài tòa nhà. Ảnh: Reuters.


Không lâu trước khi Tổng lãnh sự quán Trung Quốc chính thức đóng cửa, nhân viên của phái bộ đã rời khỏi tòa nhà. Chứng kiến họ rời đi có một số người biểu tình phản đối chính phủ Trung Quốc và phóng viên các hãng thông tấn. Trong ảnh, cảnh sát thành phố Houston yêu cầu người dân rời khỏi khu vực bên trong hàng rào an ninh. Ảnh: Reuters.


Hôm 21/7, Washington đột ngột yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston. Trong tuyên bố đưa ra sau đó, nhà chức trách Mỹ cho biết cơ quan đại diện ngoại giao này bị đóng cửa do liên quan tới các hoạt động gián điệp và gian lận hộ chiếu. Ảnh: Reuters.


Giới chức Mỹ đặt ra thời hạn 72 giờ để Bắc Kinh đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao ở Houston. Tổng thống Donald Trump sau đó đe dọa sẽ tiếp tục đóng cửa các phái bộ khác của Trung Quốc ở Mỹ. Trong ảnh, cảnh sát Houston canh gác bên ngoài Tổng lãnh sự quán Trung Quốc. Ảnh: Reuters.


Hôm 24/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô. Bắc Kinh nhấn mạnh quyết định này là "phản ứng chính đáng và cần thiết trước những biện pháp phi lý của Mỹ". Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, là cơ sở ngoại giao quan trọng của Washington, phụ trách một khu vực rộng lớn của Trung Quốc bao gồm cả khu tự trị Tây Tạng. Trong ảnh, cảnh sát Trung Quốc lập hàng rào an ninh bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Ảnh: Reuters.

Mỹ có 7 phái bộ ngoại giao tại Trung Quốc, gồm đại sứ quán tại thủ đô Bắc Kinh, 5 lãnh sự quán ở Thành Đô, Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Vũ Hán và một phái bộ ngoại giao ở Đặc khu Hành chính Hong Kong. Trung bình phái bộ ngoại giao ở Thành Đô có khoảng 200 nhân viên, bao gồm 150 nhân sự được thuê tại Trung Quốc. Trong ảnh, cảnh sát Trung Quốc tuần tra bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Ảnh: Reuters.

Năng lực của Việt Nam đã khác sau 6 tháng chống dịch Covid-19


PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá việc xét nghiệm trên diện rộng tại Đà Nẵng sau khi phát hiện ca nghi mắc Covid-19 là quyết định cần thiết để chống dịch.

Nếu có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, nam bệnh nhân ở Đà Nẵng sẽ là ca mắc Covid-19 trong cộng đồng mới nhất kể từ ngày 16/4. Khác những bệnh nhân nhập cảnh được ghi nhận gần đây, ca mắc này đòi hỏi sự khoanh vùng chặt chẽ để phát hiện sớm người lây nhiễm tiếp theo, tránh tạo thành ổ dịch lớn.

Zing đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, về vấn đề này.

Bệnh viện C Đà Nẵng đã bị phong tỏa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Biện pháp chống dịch chưa từng áp dụng

- Sau khi phát hiện ca nghi nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng, Bộ Y tế quyết định tiến hành biện pháp chưa từng áp dụng. Ông có thể nói rõ hơn về biện pháp này?

- Như thông tin tại cuộc họp khẩn chiều 24/7, Bộ Y tế đang tiến hành rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 và hệ thống máy xét nghiệm ELISA. Đây là biện pháp chưa từng áp dụng.

Trước đây, khi có ca mắc, chúng ta tiến hành rà soát và xét nghiệm những người tiếp xúc gần. Còn với trường hợp này, quy mô khoanh vùng, xét nghiệm rộng hơn, bất kỳ chỗ nào có nguy cơ đều được tiến hành sàng lọc. Tất cả đối tượng có nguy cơ đều được xét nghiệm để kiểm tra. Đối tượng như thế nào sẽ phụ thuộc vào điều tra dịch tễ.

- Điều đó có nghĩa ca nghi mắc này đặc biệt hơn?

- Không phải ca này đặc biệt. Lý do đơn giản là hiện chúng ta có năng lực và nhiều kinh nghiệm hơn. Bây giờ chúng ta có test kit, có năng lực xét nghiệm. Trước đây, dù muốn làm, chúng ta cũng chưa thể thực hiện được.

Sau khoảng 6 tháng chống dịch, tình hình đã khác nhiều. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở các địa phương. Những nơi chưa có ca bệnh cũng được tập huấn rất kỹ. Tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi hoặc nhiễm trong cộng đồng, cơ quan y tế sẽ phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch.

Tôi đánh giá quyết định của Bộ Y tế về việc rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng là hoàn toàn đúng đắn, rất cần thiết. Khi tiến hành, chúng ta sẽ biết được khu vực nào nghi ngờ, phát hiện sớm các ca dương tính cũng như ổ dịch mới. Nếu kết quả âm tính, chúng ta có thể yên tâm hơn.

- Việc truy vết những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm sẽ được tiến hành ra sao?

- Truy vết những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm là quy trình quan trọng nhằm làm chậm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và để tránh các đợt bùng phát dịch.

Ở nước ta, quá trình này chủ yếu liên quan đến công nghệ, phổ biến nhất là điện thoại. Bệnh nhân nghi nhiễm, người tiếp xúc gần, thậm chí người tiếp xúc với người tiếp xúc gần sẽ được cơ quan y tế gọi điện thoại đến để tìm hiểu thông tin. Họ sẽ trả lời các câu hỏi đơn giản như những nơi từng đến, người đã ở gần.

Những người mà họ báo lại sẽ được liên lạc và phỏng vấn. Cứ thế, cơ quan y tế sẽ truy vết và tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Phỏng vấn qua điện thoại là cách làm phổ biến và hiệu quả nhất trong đại dịch Covid-19 ở Việt Nam để truy vết người tiếp xúc.

Chưa thể khẳng định có làn sóng thứ 2

- Trong trường hợp bệnh nhân ở Đà Nẵng được khẳng định mắc Covid-19, ông cho rằng tình hình dịch có đáng lo ngại hay không?

- Như báo cáo của quyền Bộ trưởng Y tế, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trường hợp này cần chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng của cơ quan có uy tín hàng đầu Việt Nam. Đó là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Bởi quá trình xét nghiệm có một số yếu tố cần phải làm lại.

Nếu đây là ca mắc cộng đồng được xác nhận, tôi cho rằng không đáng lo ngại vì năng lực của Việt Nam hiện rất tốt. Khi phát hiện ca mắc, chúng ta sẽ khoanh vùng, dập dịch như đã làm với các ổ dịch trước đây.

Dù bệnh nhân có dương tính hay không, người dân cũng nên chú ý, đề phòng hơn với dịch bệnh. Thời gian vừa qua, người dân có dấu hiệu rất chủ quan, quên rằng mình đang ở trạng thái bình thường mới chứ không phải như trước đây. Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp song người dân không tuân thủ như việc đeo khẩu trang ở nơi công động, nơi tập trung đông người hay vệ sinh khử khuẩn.

Qua trường hợp ở Đà Nẵng, mọi người nên tăng cường phòng hộ, phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.

- Việt Nam đang có nguy cơ ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng sau 100 ngày. Nhiều người đang lo sợ về khả năng “làn sóng thứ 2” xảy ra ở nước ta.

- Chúng ta chỉ nên sợ Việt Nam có làn sóng thứ 2 khi số ca mắc trong cộng đồng lớn. Nếu chỉ có một vài ca thì không thể nói là làn sóng thứ 2. Người dân không nên lo lắng quá. Nếu Việt Nam khoanh vùng, dập dịch tốt, không thể bùng dịch lên, đây chỉ là ca đơn lẻ. Khi chúng ta không làm tốt, dịch bùng lên thì làn sóng thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra.


Đồ họa: Minh Hồng.

Mỹ bắt giữ 4 người Trung Quốc liên quan tới đánh cắp bí mật y tế


Căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung tiếp tục xấu thêm khi mới hôm qua 24/7, Hoa Kỳ tuyên bố bắt giữ một phụ nữ Trung Quốc đang ẩn náu tại Tổng Lãnh sự quán ở San Francisco. Người bị bắt là một phụ nữ có tên Juan Tang và sẽ bị xét xử bởi tòa án liên bang. 

Cho đến nay chưa có một tuyên bố nào từ phía Mỹ cho biết cách thức cơ quan thực thi pháp luật Mỹ bắt giữ Juan Tang. 

Một quan chức bộ Tư pháp Mỹ cho biết bà Tang bị bắt giữ đêm ngày 23/7 và không có miễn trừ ngoại giao vì không phải là một nhân viên ngoại giao. Quan chức này cũng cho biết thêm, cùng với Juan Tang, 3 công dân Trung Quốc khác cũng đang bị giam giữ, bị buộc tội gian lận thị thực do nói dối về mối liên quan tới Quân đội Trung Quốc. Washington tin rằng 4 người Trung Quốc mới bị buộc tội là một phần của một mạng lưới gián điệp quân sự rộng lớn hoạt động tại hơn 25 thành phố của Mỹ.

Theo hồ sơ tại một tòa án quận ở San Francisco, bà Juan Tang, làm việc tại ĐH California Davis, đã khai gian thông tin trong đơn xin cấp thị thực rằng mình không phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã tìm thấy những bức ảnh của bà Tang trong bộ quân phục của quân đội Trung Quốc và phát hiện bà từng làm việc như một nhà nghiên cứu tại ĐH Quân y thuộc Không quân Trung Quốc. Bà Tang bị buộc tội gian lận thị thực vào ngày 26/6. Cục điều tra liên bang Mỹ đã thẩm vấn bà Tang ngày 20/6 và ngay sau đó, bà Tang đã chạy đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.

Trước đó, các quan chức cấp cao Mỹ hôm qua cho rằng, lãnh sự quán tại Houston là một trong những trung tâm tình báo tồi tệ nhất của Trung Quốc tại Mỹ và hoạt động của cơ quan này đã vượt quá mức độ cho phép. Mỹ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston với cáo buộc tham gia vào hoạt động gián điệp thương mại và gián điệp quốc phòng.

Thông báo với báo giới ngày 24/7, một quan chức cấp cao bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các hoạt động gián điệp tại đây có liên quan tới việc Trung Quốc theo đuổi nghiên cứu vaccine chống Covid-19 nhằm đi đầu thị trường thế giới trong lĩnh vực này. 

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã được lệnh phải đóng cửa với hạn chót là chiều 24/7. Nhằm trả đũa quyết định của Mỹ, Trung Quốc cũng đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

Trung Quốc từ chối đóng cửa Lãnh sự quán ở Houston

VOV.VN - Người đứng đầu Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston cho biết, cơ quan này sẽ không đóng cửa bất chấp yêu cầu từ phía Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Politico, Cai Wei, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Houston nhận định, Trung Quốc phản đối lệnh đóng cửa từ phía Mỹ và cơ quan này vẫn sẽ mở cửa "cho tới khi có thông báo thêm".

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston hôm 22/7. Ảnh: AP

"Ngày hôm nay chúng tôi vẫn hoạt động bình thường, vì vậy chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra vào ngày mai", ông Cai Wei cho biết, song từ chối bình luận thêm.

Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston nói rằng Bắc Kinh đã yêu cầu Washington rút lại lệnh đóng cửa hôm 21/7 và cho rằng quyết định của Mỹ đã đi ngược lại với các thỏa thuận quốc tế về quan hệ ngoại giao.

"Chúng tôi cho rằng yêu cầu từ phía Mỹ không phù hợp với Công ước Vienna về các vấn đề lãnh sự, cũng như không tuân theo các thông lệ quốc tế và quy tắc ngoại giao, đồng thời vi phạm hiệp ước lãnh sự Mỹ - Trung. Chúng tôi đã chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất nhưng cũng đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Vì thế, chúng tôi yêu cầu Mỹ hủy bỏ và thu hồi lại quyết định sai lầm này", ông Cai cho hay.

Những bình luận của ông Cai được đưa ra sau khi trang South China Morning Post đưa tin rằng, Bắc Kinh có thể sẽ yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô ở phía tây nam - một địa điểm có vai trò quan trọng về mặt chiến lược với Mỹ do có liên quan đến Tây Tạng. Tuy nhiên, người đứng đầu Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã từ chối đưa ra bình luận về việc Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào với lệnh đóng cửa từ phía Mỹ.

Ông Cai nhấn mạnh ông là người đại diện đứng đầu của chính phủ Trung Quốc tại Houston, song các chuyên gia Trung Quốc cho biết, Tổng Lãnh sự này không có quyền quyết định liệu có tiếp tục mở cửa lãnh sự quán hay không.

Ho-Fung Hung - một giáo sư về kinh tế chính trị và xã hội chính trị chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế nâng cao John Hopkins, nhận định: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu lãnh sự quán có thể tự quyết định mà không lắng nghe chỉ đạo từ phía Bắc Kinh. Họ sẽ phải chờ quyết định từ phía Bắc Kinh về việc cần phải làm gì. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Mỹ và Trung Quốc đàm phán với nhau qua các kênh trao đổi không công khai để thảo luận về vấn đề này. Bắc Kinh có lẽ sẽ đưa ra chỉ đạo với lãnh sự quán này vào phút chót về việc cần phải làm gì".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vẫn chưa đưa ra phản hồi gì về sự việc trên.

Các chuyên gia cho biết việc từ chối đóng cửa lãnh sự quán là diễn biến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung.

"Tôi nghĩ những bình luận của ông Cai giống như việc miêu tả tình hình dễ thay đổi nhiều hơn là một lời đe dọa. Bởi việc từ chối đóng cửa lãnh sự quán là chưa từng có tiền lệ", Carla Freeman, giám đốc Viện Chính sách Đối ngoại tại Hopkins cho hay.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục mở cửa Lãnh sự quán tại Houston, các chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể thu hồi visa của ông Cai và các nhân viên, đồng thời cho phép các cơ quan liên bang bắt giữ hoặc có thể trục xuất họ./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Politic

Nói lời sau cùng, Văn Kính Dương xin lỗi hot girl Ngọc 'Miu' và cảm ơn vợ cũ

(VTC News) - Bằng giọng bình thản, nói lời sau cùng trước tòa, Văn Kính Dương xin lỗi Ngọc "Miu", cha mẹ, các con và các đồng phạm.


Sáng 24/7, phiên toà xử trùm ma túy Văn Kính Dương, hot girl Ngọc "Miu" và các đồng phạm tiếp tục. HĐXX để các bị cáo nói lời sau cùng.

Văn Kính Dương tại toà sáng nay.

Trước toà, Văn Kính Dương nói lời xin lỗi người tình - hot girl Ngọc "Miu", cha mẹ, các con và các đồng phạm.

Bằng giọng bình thản, Dương cho biết việc làm của mình là nghiêm trọng và ảnh hưởng xã hội. Dương gửi lời xin lỗi đến cha mẹ và đặc biệt là gửi gắm tình cảm với người con đang chuẩn bị thi vào đại học.

"Mong con có kỳ thi thật tốt, ba lúc nào cũng nhớ tới con, ba chỉ mong con đỗ đại học, niềm vui lớn nhất của ba chính là con", Dương nói.

Tiếp đó, Dương gửi lời xin lỗi đến người tình Vũ Hoàng Anh Ngọc (Ngọc "Miu"), chỉ vì bị cáo mà Ngọc vướng vào vòng lao lý và bị tội rất nặng.

"Bị cáo chỉ mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt với Ngọc để Ngọc sớm được trở về với xã hội, nuôi con nhỏ. Cũng chỉ vì bị cáo mà Ngọc thành ra như thế này", Dương nói trước tòa.

Văn Kính Dương nói lời sau cùng.

Dương cũng không quên gửi lời xin lỗi và cảm ơn người vợ cũ đang chăm sóc các con của mình.

Đối với các đồng phạm, Dương coi như các anh em ruột thịt, chỉ vì do bị cáo lôi kéo nên mới vướng vào lao lý như thế này. "Tất cả cũng chỉ vì đồng tiền mà thôi", Dương nói và gửi lời xin lỗi các đồng phạm.

Ngoài ra, Văn Kính Dương cũng nhắn nhủ các đối tượng đang sản xuất, buôn bán trái phép chất ma túy khác ngoài xã hội không nên chống trả những người thực thi công vụ khi bị phát hiện.

"Ai cũng có cuộc sống và hạnh phúc riêng của mình, những người cán bộ chiến sỹ công an họ chỉ thực thi pháp luật theo trách nhiệm vì vậy không nên chống trả khi bị bắt để rồi gây ra đau thương cho họ và gia đình", trùm ma tuý Văn Kính Dương nhắn nhủ.

Buổi chiều HĐXX tiếp tục nghị án và sẽ tuyên án vào sáng thứ Hai (27/7)