Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Một công dân Singapore ở Mỹ thừa nhận làm việc cho tình báo Trung Quốc

Hải Yến (Theo Al Jazeera)

ANTD.VN - Một công dân Singapore đã thừa nhận lợi dụng công việc tư vấn về chính trị tại Mỹ để thu thập thông tin cho tình báo Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ vừa ra thông cáo cho biết.

Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 24-7, Jun Wei Yeo, hay còn gọi là Dickson Yeo, đã đưa ra lời bào chữa của mình tại tòa án liên bang ở Washington trước cáo buộc hoạt động bất hợp pháp với tư cách là một đặc vụ nước ngoài.

Yeo, người được cho là mắt xích quan trọng trong âm mưu của Trung Quốc về thu thập thông tin nhạy cảm từ công dân Mỹ, đã bị bắt vào tháng 11-2019.

Trong văn bản đệ trình lên tòa án và có chữ ký của Yeo, anh ta thừa nhận đã làm việc cho tình báo Trung Quốc, gặp gỡ các đặc vụ hàng chục lần và được đối xử đặc biệt khi anh ta tới Trung Quốc.

Người này đã được tình báo Trung Quốc tuyển dụng khi đang là nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore. Theo giới thiệu trên trang LinkedIn, anh ta là một nhà phân tích rủi ro chính trị chuyên về Trung Quốc và các nước ASEAN, rằng anh đang “bắc cầu giữa Bắc Mỹ với Bắc Kinh, Tokyo và Đông Nam Á”.

Hồ sơ tòa án cho biết, tại Mỹ, Jun Wei Yeo được tình báo Trung Quốc chỉ đạo mở công ty tư vấn và cung cấp việc làm. Từ đó, anh ta nhận được hơn 400 hồ sơ lý lịch, 90% trong số đó là binh sĩ hoặc nhân viên chính phủ có liên quan đến an ninh Mỹ. Nhân vật này cũng đã tuyển dụng một số người làm việc cho mình, nhắm vào những người có khó khăn về tài chính.

“Đây là một ví dụ khác về sự lợi dụng của chính phủ Trung Quốc đối với một xã hội Mỹ cởi mở”, Trợ lý Tổng chưởng lý John Demers nhận định. Thông tin được đưa ra vào thời điểm Mỹ bắt giữ một loạt gián điệp Trung Quốc và ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston với cáo buộc trộm cắp tài sản trí tuệ.

Cách ly 19 người ở "Tịnh thất Bồng Lai" tiếp xúc người từ Campuchia về

Long An đưa 19 người trong “Tịnh thất Bồng Lai” đi cách ly vì tiếp xúc một trường hợp người đàn ông từ Campuchia về. 

Đưa 19 người trong “Tịnh thất Bồng Lai” đi cách ly vì tiếp xúc một trường hợp người đàn ông từ Campuchia về

Chiều 25/7, Sở y tế Long An cho biết, 19 người trong “Tịnh thất Bồng Lai” được cách ly vì tiếp xúc một người đàn ông từ Campuchia về.

Sáng cùng ngày, công an cùng lực lượng y tế đã đến hộ Cao Thị Cúc (ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) để lấy mẫu xét nghiệm và đưa toàn bộ 19 người ở đây về khu cách ly. Hộ bà Cúc, thời gian qua đã tự xưng là “Tịnh thất Bồng Lai” và gần đây tự xưng “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Theo Sở Y tế, sáng 19/7, ông Đ.T.H (SN 1966) bệnh nhân đi từ ấp Sò Đo (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) qua Sooaysrieng (Campuchia) bằng xe honda ôm. Đến 16h chiều cùng ngày, bệnh nhân về lại ấp Sò Đo. Khoảng 10h sáng 20/7, bệnh nhân bắt taxi đi tặng quà cho hộ bà Cúc và tiếp xúc với các thành viên tại đây. Đến 11h cùng ngày, bệnh nhân về và ở lại nhà.

Sáng 21/7, bệnh nhân tiếp tục bắt xe ôm đi Sooaysrieng và cảm thấy người không khỏe. Trưa cùng ngày, bệnh nhân được đưa về nhập viện và cách ly tại Khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa nghi nhiễm Covid-19.

Cơ quan chức năng và Sở Y tế lập tức lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để đưa đi cách ly. Qua kết quả xét nghiệm ban đầu, tình trạng sức khỏe đều bình thường, không có triệu chứng với Covid-19.

Liên quan đến hộ bà Cúc, Báo Giao thông đã nhiều lần phản ánh về hành vi hoạt động tôn giáo trái phép. Giáo hội phật giáo tỉnh Long An đã khẳng định đây không phải chùa, cơ sở tôn giáo vì không có giấy phép hoạt động. Điểm thờ tự này do nhóm người từ TP.HCM xuống lập nên vài năm nay, có nuôi một số trẻ em cơ nhỡ, không được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An công nhận.

Nóng: Đã bắt được nghi phạm cầm dao đâm tài xế grab nguy kịch, cướp xe máy trong đêm

Định Nguyễn

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt được 1 trong hai nghi phạm cầm dao đâm nguy kịch tài xế grab, cướp xe máy xảy ra trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Ngày 25/7, thông tin từ phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.Hà Nội cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 2 đối tượng gồm Giàng Seo Diu (SN 2002, quê xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) về hành vi "Cướp tài sản" và Nguyễn Văn Sơn (SN 1997, quê xã Hoà Thanh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Không tố giác tội phạm.

Giàng Seo Liu tại cơ quan công an.

Qua điều tra, bước đầu xác định Giàng Seo Diu chính là đối tượng đã dùng dao đâm gục nam tài xế grab là anh N.V.Q (SN 1984, quê tỉnh Yên Bái) trên đê Đuống, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội. 

Tại cơ quan điều tra, Diu khai nhận đã cùng đồng phạm là Lưu Ngọc Vỹ (SN 2003, quê xã Thuận Thành, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) gây ra vụ cướp tài sản của anh Q. vào khoảng 2h sáng 20/7 tại địa bàn huyện Gia Lâm. Hiện lực lượng công an vẫn đang truy bắt Lưu Ngọc Vỹ để điều tra, làm rõ vụ việc.

Anh Q. bị đâm nguy kịch sau vụ cướp.

Trước đó, anh N.V.Q (SN 1984, quê tỉnh Yên Bái) đang chở khách qua đoạn đê Đuống, huyện Gia Lâm, Hà Nội thì bị hai đối tượng lạ mặt chặn xe rút dao đâm nhiều nhát rồi cướp xe máy bỏ trốn. 

AnhQ. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đức Giang sau đó được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng chấn thương rất nặng.

Chiếc xe máy của nạn nhân.

Khi nhập viện, người bệnh hôn mê, da niêm mạc nhợt nhạt, được đặt ống dẫn lưu màng phổi, thở qua nội khí quản. 

Anh Q. được cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân ở trong tình trạng sốc mất máu, có nhiều vết thương trên lưng và ngực, bao gồm 1 vết thương ở ngực phải , 2 vết thương trên lưng, 1 vết thương cạnh sườn, 1 vết thương cẳng tay. 

Hiện tại, bệnhnhân đã qua cơn nguy kịch.

Sáu thanh niên đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bằng bè xốp

Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng tại TP Móng Cái vì hành vi tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Các đối tượng bị khởi tố gồm: Voòng A Sủi (SN 1997), Voòng A Hây (SN 1999), Nình Văn Xuân (SN 2002), Phùn Quay Phóng (SN 1998), Phùn Văn Dũng (SN 2001) và Lỷ A Tằng (SN 1995, đều trú xã Đại Dực, huyện Tiên Yên).

Cơ quan công an tống đạt lệnh bắt các đối tượng

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, trong thời gian làm việc tại TP Đông Hưng, Trung Quốc, Sủi quen 1 người Trung Quốc tên A Lùng.

Ngày 9/6, A Lùng gọi cho Sủi đặt vấn đề thuê Sủi tổ chức đưa một số người Trung Quốc sang Việt Nam qua TP Móng Cái với giá 4.000 nhân dân tệ/người.

Sủi đồng ý mức giá rồi rủ em trai A Hây và em họ A Tằng, sau đó cả 3 gọi thêm Xuân, Phóng và Dũng tham gia. 

Để đưa được người nhập cảnh trái phép, Sủi cùng đồng bọn dùng bè xốp vượt sông biên giới mốc 1355; dùng xe máy đưa người về trung tâm TP Móng Cái, sau đó vào sâu nội địa Việt Nam.

Ngày 10/6, trong lúc đón thêm 4 người Trung Quốc, nhóm của Sủi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Phạm Công

Xác định hơn 1.000 người tiếp xúc với bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng

Đến thời điểm này đã xác định có 1.079 người đã tiếp xúc với bệnh nhân 416. Trong đó có 288 người tiếp xúc gần (F1).

Liên quan đến bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng, theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, hiện đã xác định 1.079 người đã tiếp xúc với bệnh nhân 416. Trong đó có 288 người tiếp xúc gần (F1). 

Sở Y tế Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức điều tra thêm yếu tố dịch tễ, điều tra tất cả các trường hợp đã tiếp xúc gần với bệnh nhân, các trường hợp có tiếp xúc với các trường hợp tiếp xúc gần để áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát, theo dõi chặt chẽ theo đúng quy định.

Đồng thời, thông báo người dân đã từng tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng 14 ngày để chủ động theo dõi sức khỏe, báo cáo tình trạng sức khỏe, đến cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm và áp dụng các biện pháp can thiệp y tế kịp thời (nếu cần thiết).

Trong sáng 25/7, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, có kết quả khẳng định, bệnh nhân T.V.D (nam, sinh năm 1963) nghi nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng đã có kết quả dương tính với SARS-COV-2 vào sáng 25/7/2020, trở thành ca bệnh số 416 ở nước ta. 

Người ra vào bệnh viện Đà Nẵng đều phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt.

Trước đó, báo cáo dịch tễ học về ca nghi mắc Covid-19 của Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, ông T.V.D (57 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhập viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng (Khoa Cấp cứu) ngày 20/7 với triệu chứng sốt, được chẩn đoán viêm phổi nhưng 2 ngày sau thì bệnh tiến triển nặng.

Ngày 23/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với nCoV.

Chiều cùng ngày, ông D. tiếp tục được lấy mẫu lần hai xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang sáng 24/7 cũng dương tính.

Theo thông tin người nhà, trong một tháng gần đây, người đàn ông này chỉ ở Đà Nẵng, không đi sang tỉnh khác.

Đáng chú ý, trước đó (18/7) bệnh nhân D. đi dự tiệc cưới tại Trung tâm Tiệc cưới và Hội nghị For You Palace (đường 2/9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Vì vậy, ngay sau khi phát hiện vụ việc, Sở Y tế chỉ đạo CDC thành phố Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh bệnh nhân và tất cả những người tiếp xúc.

Sở Y tế chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm. Kết quả 103/103 người tiếp xúc với ông D đầu âm tính với nCoV. Ngành Y tế đã phun hóa chất khử khuẩn tại Bệnh viện C, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng; tổ chức họp khẩn với các đơn vị có liên quan./.

M.K/VOV.VN

Thêm một gián điệp Trung Quốc sa lưới Tư Pháp Hoa Kỳ

Thanh Hà

Bộ Tư Pháp Mỹ thông báo đã bắt được thêm một nghi can người Trung Quốc làm gián điệp cho Bắc Kinh. GETTY IMAGES/AFP/File

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ngày 24/07/2020 cho biết đã bắt được nhà nghiên cứu Trung Quốc Juan Tang từng trốn trong tòa lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco. Bà là một trong 4 người bị Cục Điều Tra Liên Bang cáo buộc dùng hộ chiếu giả nhập cảnh vào Mỹ và che giấu liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Một quan chức bộ Tư Pháp Mỹ xác nhận với báo giới, "Một người chạy trốn vào tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco trong đêm Thứ Năm 23/07/2020 đã bị bắt". Đương sự đang bị tạm giam và trình diện trước một tòa án nội trong ngày 24/07. Quan chức này cho biết thêm người vừa bị bắt là Juan Tang, người Trung Quốc. Bà là một chuyên gia về bệnh ung thư và từ tháng Giêng 2020 đã làm việc tại Đại Học California.

Cục Điều Tra Liên bang Mỹ vừa phát hiện nhân vật này cùng 3 người khác đã sử dụng hộ chiếu giả, đội lốt các nhà khoa học để dọ thám Hoa Kỳ. Bản thân bà Juan Tang từng phục vụ trong một bệnh viên quân y Trung Quốc. Mục tiêu những người này nhắm tới là dọ thám các cơ sở kinh tế của Mỹ.

Vẫn theo quan chức nói trên được AFP trích dẫn, 4 trường hợp vừa bị bắt chỉ là "phần nổi của tảng băng" về những hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào các mục tiêu kinh tế của Mỹ.

Trung Quốc tuyển dụng công dân Singapore dọ thám Mỹ

Trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh hiện tại, hôm 24/07/2020 trước một tòa án Liên Bang Mỹ, một công dân Singapore thú nhận làm gián điệp cho Trung Quốc. Thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco cho biết thêm:

"Công dân Singapore này hoạt động tại Mỹ dưới một danh tính giả và tự nhận là người tuyển dụng nhân viên phục vụ cho chính phủ và quân đội Hoa Kỳ. Trên thực tế hãng của anh ta có nhiệm vụ thu thập những thông tin nhậy cảm của Mỹ để cung cấp cho phía chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019.

Sa lưới cơ quan phản gián thuộc FBI, bị truy tố về "tội làm gián điệp cho một lực lượng nước ngoài" đương sự nhận tội vào hôm qua trước một tòa án Liên Bang tại Washington. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các gián điệp được phơi bày ra ánh sáng và căng thẳng Mỹ - Trung càng lúc càng tăng cao.

Chính quyền Trump tố cáo Trung Quốc đánh cắp các công trình nghiên cứu vac-xin chống virus corona, can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2020. Thứ Năm vừa qua một nhà nghiên cứu Trung Quốc bị FBI tình nghi làm gián điệp cho Bắc Kinh đã trú ẩn tại tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco. Một ngày trước đó Mỹ ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston, bị nghi ngờ là một ổ gián điệp chính của Trung Quốc tại Mỹ".

Nguồn RFI

Biển Đông: Hải Quân Indonesia tập trận thách thức Trung Quốc

Thùy Dương

24 tàu chiến của Indonesia đã tham gia đợt thao dợt 4 ngày ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách « đường chín đoạn » của Bắc Kinh. Hải Quân Indonesia hôm qua 24/07/2020 cho biết như trên.

Hải quân Indonesia tập trận ngoài khơi đảo Natuna. Ảnh tháng 7/2020 © Nguồn : CNA Indonesia Navy

Đợt diễn tập bắt đầu vào hôm thứ Ba 21/07, trong số 24 tàu chiến tham gia, có hai tàu khu trục tên lửa và bốn tàu hộ tống. Đợt diễn tập trên biển lần này được tiến hành cùng với hoạt động huấn luyện trên đất liền. Một phần của cuộc thao dợt được tổ chức gần quần đảo Natuna của Indonesia. Đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna trùng với bản đồ « đường 9 đoạn » mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Trang Nikkei Asian Review ngày 25/07/2020 dẫn lời chuẩn đô đốc Ahmadi Heri Purwono cho biết hoạt động của quân đội Indonesia không bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Trong một thông cáo, Hải quân Indonesia cho biết cuộc diễn tập gần quần đảo Natuna lần này nhằm xây dựng các phương án và chiến lược bảo vệ Natuna.

Trong một bức thư gửi tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, hồi tháng 5/2020, Jakarta đã bác yêu sách « đường 9 đoạn » của Trung Quốc vì yêu sách này « thiếu cơ sở pháp lý quốc tế ».

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong thông cáo hôm 13/07/2020 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, cũng đã đặc biệt đề cập đến quần đảo Natuna, khẳng định khu vực này « nằm ngoài quyền tài phán của Trung Quốc ».

Nguồn RFI