Bệnh háo danh
Câu chuyện phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú râm ran nhiều tuần nay bởi không ít ứng viên là quan chức của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch dù từ lúc làm quản lý, khán giả không mấy khi thấy họ xuất hiện trên sân khấu.
Từ đó, công luận và rất nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng về những bất cập trong xét tặng danh hiệu.
Thực ra, không chỉ lĩnh vực nghệ thuật sân khấu mà lĩnh vực giáo dục, khoa học, kỹ thuật cũng rơi vào tình trạng tương tự! Giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là chức danh của nhà giáo ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu nào “chạy” chức danh GS, PGS. Quan chức đeo cái chức danh của nhà giáo cũng chẳng giải quyết được việc gì, có chăng chỉ giải quyết “khâu oai”. Ở các nước tiên tiến, phần lớn những người có học hàm, học vị cao làm việc tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, còn thiểu số thì làm việc trong ngành quản lý. Ở Việt Nam thì ngược lại.
Cụ thể, chỉ có khoảng 20% giảng viên trong các đại học lớn ở Việt Nam có văn bằng tiến sĩ (TS). Trong khi đó, 50% bộ trưởng Việt Nam có bằng TS! Các cơ quan quản lý hành chính có cần nhiều TS như thế hay không trong khi các trường đại học lại rất thiếu giảng viên có trình độ TS?
Theo một số liệu thống kê, năm 2013-2014, cả nước có khoảng 9.000 GS và 24.300 TS - nhiều nhất Đông Nam Á. Cũng phần là vì ở xứ ta đang tồn tại một nghịch lý lạ lùng: Muốn đề bạt chức vụ nào đó thì phải có bằng cấp tương xứng. Chẳng hạn “lên” giám đốc sở thì ít nhất phải là thạc sĩ hoặc TS, trưởng khoa một bộ môn trong bệnh viện thì cần phải có bằng TS (không hẳn là TS chuyên khoa)... Do đó, người ta đổ xô nhau đi “làm” (chứ không phải học) TS, tìm mọi cách và mọi giá để có cái bằng TS cốt chỉ nhằm thăng quan tiến chức hơn là phục vụ khoa học.
Nếu có một tổ chức độc lập thử thực hiện cuộc thẩm tra nhỏ thì nhất định sẽ thấy nhiều vị TS chỉ biết tiếng Việt; nhiều GS, PGS chưa dạy hoàn tất một giáo trình nhỏ nào. Thế nhưng, họ lại thường xuyên đến dự các cuộc hội nghị với vai trò “long trọng viên” và thường không hài lòng khi không được giới thiệu đầy đủ học hàm, học vị, chức vụ. Những năm gần đây, nhiều quan chức không bằng lòng với chức vị hành chính vốn đã cao của mình nên thích gắn thêm trước chức vụ học hàm, học vị GS, PGS hoặc TS để cho… thêm phần trí tuệ! Đến nay, hầu như không nước nào trên thế giới lạm phát học hàm, học vị như ở ta. Căn bệnh chạy danh hiệu của giới nghệ sĩ và chạy học hàm, học vị của giới thầy giáo, nhà khoa học, nhà quản lý… chung quy lại cũng là hệ quả của bệnh háo danh mà thôi.
Diệp Văn Sơn
Theo báo Người Lao Động
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóaMọi người có thể tham khảo thêm Sim trả sau Mobifone tại link trên nhé