Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

ĐÀI VIỆT NAM HẢI NGOẠI TẠI VIRGINIA BỊ DẸP TIỆM VÀO NGÀY 6 THÁNG 3 NĂM 2014



Các nhà dân chủ giả hiệu Việt Nam hãy đọc đi và gắng hô hào cho "tự do ngôn luận, tự do báo chí" tự do vô chính phủ...

Đài Radio "Truyền thông Việt Nam Hải Ngoại", gọi tắt là Đài Việt Nam Hải Ngoại ( VINA ), phát sóng riêng khắp vùng Fall Churchs, Virginia, Maryland, Washington DC...của nhóm bà Ngô Thị Hiền sau 15 năm hoạt động, vừa bị cơ quan F.C.C Hoaky ra lệnh đóng cửa vĩnh viễn, theo lệnh của Tòa Liên Bang District Hoaky.

Vào giờ 5:00 PM (địa phương), ngày 6 tháng 3 năm 2014- đài VINA đã tắt sóng phát thanh riêng của đài nầy. Lý do được giải thích dưới đây. Chúng ta đã biết rất rõ, càng rõ hơn nếu chúng ta là công dân Hoaky.

- Rõ điều gì ? - Pháp luật Hoaky.

- Pháp luật Hoaky có gì lạ ?

- Đừng nên dính đến pháp luật. Kẻ phạm tội, cho dù trốn cách nào đi chăng nữa, cũng không thể thoát được. Hoaky có câu: "Mầy chạy trốn thì được, nhưng không thoát" (You can run, but you can not hide)

Sau đây là kết quả mới nhất về tội vu khống, chà đạp danh dự một công dân Hoaky.

Những kẻ xấu ấy, ngỡ rằng có trong tay một đài Radio...tiếng Việt, dĩ nhiên...hàng ngày lên đài radio của mình....chửi người ta tưới hạt sen.

Nào là Việt Cộng, nào là kẻ xấu nhất trần gian.

Chửi hay nói xấu bằng tiếng Việt, thì Tòa Mỹ làm sao hiểu được ?

Lầm to! Người ta thu âm, nhờ Việt dịch ra tiếng Anh, từng lời  từng ý...

Rồi khi bị đưa ra Tòa ...thì nghĩ rằng dùng một vài " trick " (mẹo vặt) như bán đài cho người thân thuộc, đứng tên môn bài (Seller Permit - Permit License) bởi người khác...thế là pháp luật Hoaky sẽ mò "không ra" người chủ mưu. Thế là thoát.

Lầm to!

Còn nếu thưa kiện...thì tốn tiền đến hàng trăm nghìn USD...Làm sao (ai dám bỏ) ra số tiền lớn để chống cự với đám của mình..Thế là dùng đài radio ấy, tiếp tục lăng mạ người ta.

Tại vùng Đông Hoaky...vùng Virginia / Washington DC / Maryland...Có đông người Việt cư ngụ tại đấy. Hầu như tất cả đều nghe đài radio của mình phát ra...Mặc sức chửi bới, lăng nhục người ta...

Kết quả, đúng như câu nói trên: "You can run, but can not hide " ( Mầy chạy Trời cũng không khỏi nắng )

Sau thời gian rất dài, phát sóng tại vùng miền Đông Hoaky (Virginia / Washington DC / Maryland / New Jersey ...), khoảng trên 15 năm có hơn.

Vào ngày 6 tháng 3 năm 2014....Cơ quan Truyền thông Hoaky - F.C.C = Federal Comunications Commmission đã ra lệnh đóng cửa đài phát thanh, tên gọi là Radio Viet Nam Hải Ngoại (Fall Church / Virginia).

Đài nầy dùng làn sóng riêng , chỉ có radio có gắn receiver / transmitter nhận làn sóng đặc biệt của đài mới bắt được dài nầy mà thôi . 

Bán được trên 50 nghìn Radio loại nầy cho Việt kiều khắp vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Mang rất nhiều tên gọi như:

1.- Đài Việt Nam Hải Ngoại.

2.- Hệ thống Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại (VINA)
Logo đài nầy nghe rất nổ:

"HỆ-THỐNG TRUYỀN THÔNG VIỆT-NAM HẢI-NGOẠI -- Phục Vụ Người Việt Trên Toàn Thế Giới -- Tranh Đấu Truyền-Thông Cho Một Việt Nam Tự Do Và Dân Chủ.
Đài Việt Nam Hải Ngoại

6521 Arlington Blvd Suite 110, Falls Church, VA 22042
Điện Thoại: (703) 635-7799 ; Fax: (571) 730-3625
Email: lienlac@radiohaingoai.com

Bà Ngô Thị Hiền đã xử dụng đài nầy mà nhục mạ danh dự đối phương  suốt nhiều năm trường. Chủ đài nầy là Ông Ngô-Ngọc-Hùng  em trai của Bà Hiền. Tất cả 2 người đều bị Tòa Án Liên Bang Hoaky - District of Maryland tuyên án phạt cho đối phương mỗi người 1 triệu USD.

Vào ngày thứ Năm  ngày 6 tháng 3 năm 2014 bị cơ quan Truyền thông chính phủ Hoaky - F.C. C - ra lệnh đóng cửa đài nầy  vào lúc tắt sóng vĩnh viễn là giờ 5:00 PM tại vùng Fall Churchs / Virginia 

Nay đài nầy bị rút giấy phép bởi cơ quan Truyền thông Hoaky.

Vụ kiện vẩn tiếp tục hơn thêm sau vụ đền thiệt hại cho đối phương mỗi người bị phạt $ 1 triệu USD.

Giải thích thêm về đài Radio tư nhân mang tên VINA tại Falls Church. Virginia: Không hẳn là tư nhân. Nhưng đài radio loại nầy, họ dùng một tần số đặc biệt (frequency differential channel).

Máy Radio Receiver đơn giản rẽ tiền vì không bắt được nhiều làn sóng ( frequency ) như các loại máy radio bán trên thị trường (như tại Wall Mart, Radio Shack, Best Buy...etc..). Chỉ cần order nơi sản xuất, gắn thêm một "crystal" + transistors + capacitors + transmitters + receivers...đơn giản, rẽ tiền. Đa số đều loại Made in China. Rồi thuê đài phát sóng rẽ tiền trên núi hay trên building, cao ốc...Như nhóm Nguyễn Hữu Chánh, Việt Tân, Thanh Hải Vô Thượng Sư...cũng có đài phát thanh riêng cho cơ quan mình.

Vì không còn chọn lựa, nên dịch vụ buôn bán radio để nhận tin tức của những đài tư nhân ấy, là một dịch vụ bán 1 lời 10.

Đài radio VINA = Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại = Việt Nam Hải Ngoại mà headquarter tại Falls Churchs / Virginia (Falls Church) nơi có khá nhiều cựu quân nhân QL/VNCH.Đài nầy do nhóm Ngô Thị Hiền làm chủ soái ( Ngô Ngọc Hùng là Giám đốc, em trai bà Hiền )

Ngô Thị Hiền lợi dụng chuyện Công an Huế bắt giam linh mục Nguyễn Văn Lý...Thế là bà lập ra một Hội Nonprofit-Organization mang tên rất oai dũng: "Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam = CRFV" rồi lên đài kêu gáo đồng báo nên ủng hộ Quỷ Pháp Lý giúp cha Lý thuê mướn luật sư mà chống với bạo quyền Cộng sản.

Cuộc lạc quyên nầy được nhóm bà Hiền tổ chức khắp nơi, nơi có nhiều người Việt tại Hoaky, tại Úc...Tiền tươi vào túi nhóm nầy như thác đỗ, suối nguồn vô tận. Có thể nói sau vụ tổ chức gom tiền Kháng chiến của Hoàng Cơ Minh...thì Ủy Ban nầy gom tiền nhiều hơn hết.

Nhưng không dè có một tuần báo Việt ngữ, phát hành tại Falls Church đặt sự nghi ngờ có sự ám muội về tiền bạc gởi cho cha Lý...Thế là sự hận thù của nhóm bà Hiền nổ ra như bảo táp. Liên tục nhục mạ danh dự cá nhân chủ tuần báo ấy...bằng cách nhận vài lá thư của độc giả đài VINA gời vào...

Suốt nhiều năm trường trên đài tư nhân thuê bao tần số của mình...Nay cơ quan chính phủ F.C.C. (tạm gọi là Bộ Thông tin USA) Hoaky ra lệnh "đóng cửa" đài VINA của nhóm tay chân của bà Hiền.

Vào giờ 5:00 PM, ngày 6 tháng 3 năm 2014, đài VINA ngưng phát thanh.

Như vậy trên 50 nghìn ra dio rẻ tiền ấy phải vụt thùng rác.Tần số frequency của đài nầy sẽ không được xử dụng nữa.

Nguồn: Sách Hiếm.

HOAN HÔ ANH THĂNG: SAO PHẢI MÃI LỘ NẾU KHÔNG QUÁ TẢI?

Cuteo@


Rất đáng khen cho BT Đinh La Thăng đã dám nhìn thẳng vào sự thật hiển nhiên: Không quá tải thì sao phải mãi lộ?

VOV.VN - Bộ trưởng Đinh La Thăng không chấp nhận lý do tăng giá cước vận tải để mãi lộ lực lượng chức năng xử lý xe quá tải.

Từ ngày 1/4, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các địa phương trong cả nước đã giao ngành Công an phối hợp chặt chẽ với ngành GTVT đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe nhằm chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, mục tiêu giảm dần, tiến tới là chấm dứt tình trạng xe quá tải, quá khổ gây vấn nạn cho đời sống kinh tế - xã hội, áp lực cho hạ tầng giao thông.

Đây được xem như một chủ trương đúng đắn của Chính phủ cũng như của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát tải trọng xe. Việc làm này sẽ đem lại lợi ích lớn cho xã hội trong đó cấp bách là bảo vệ hạ tầng giao thông, kết cấu cầu đường, đồng thời góp phần phân bổ lại luồng vận tải hàng hóa hợp lý giữa các ngành vận tải với nhau, qua đó từng lĩnh vực vận tải sẽ tận dụng được hết các ưu thế của mình.

Theo kết quả bước đầu, tính đến ngày 15/4, sau hai tuần triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe, đã có 52/63 địa phương triển khai thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 10.979 xe, trong đó phát hiện và xử lý 2.132 xe vi phạm.

Công tác kiểm tra tải trọng xe sẽ được làm thường xuyên, liên tục. (Ảnh: baolamdong.vn)

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe, đã có xuất hiện các tình trạng xe quá tải dừng đỗ hai phía trạm cân, phương tiện đi đường vòng tránh né trạm cân tải trọng của các lực lượng chức năng. Ở nhiều nơi, lực lượng chức năng chỉ xử lý xe quá tải mắc lỗi dừng đỗ rồi cho đi, không xử phạt vi phạm quá tải.

Bên cạnh đó, có tình trạng một số doanh nghiệp vận tải, chủ xe tạm dừng hoạt động để nghe ngóng tình hình kiểm tra tải trọng của cơ quan chức năng trong những ngày tiếp theo để phá hợp đồng vận chuyển đã kí trước đó rồi ép giá cước…

Tải trọng giảm thì cước vận tải phải giảm

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng, với những kết quả tích cực đạt được sau hai tuần kiểm tra tải trọng xe đã cho thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, được sự đồng tình, tham gia và hưởng ứng của các cấp các ngành, các địa phương. Việc thực hiện tốt chủ trương này sẽ góp phần tái cơ cấu lại các lĩnh vực kinh doanh vận tải, giá cước vận tải đường bộ sẽ chắc chắn giảm xuống.

“Chấn chỉnh việc chở hàng hóa quá tải trọng ngoài việc bảo vệ hạ tầng giao thông còn đưa lĩnh vực kinh doanh vận tải trở về đúng với giá trị thật, có tính cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường. Hiện nay, khi phần lớn các doanh nghiệp có phương tiện chở quả tải thì các doanh nghiệp khác thực hiện đúng tải trọng sẽ không thể cạnh tranh được về giá cước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vận tải đưa ra lý do tăng cước vì chở quá tải cũng chỉ là nhằm gây sức ép cho khách hàng”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Đồng tình với chủ trương này, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, giá cước vận tải hiện nay là giá cước ảo, không đúng với giá trị thật của nó. Cụ thể như không thể có ở đâu cước vận tải đường bộ lại rẻ hơn đường sắt và đường thủy như ở Việt Nam. Nguyên nhân của giá cước vận tải đường bộ rẻ hơn các các lĩnh vực vận tải khác chính là việc các doanh nghiệp vận tải đường bộ lợi dụng được việc phương tiện chở quá tải.

“Hiệp hội mong muốn Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương chấn chỉnh và siết chặt công tác này để dịch vụ vận tải trở về đúng với giá trị thật, đúng với mặt bằng hoạt động vận tải hiện nay, bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh, từ đó chi phí vận tải đường bộ cũng sẽ giảm xuống”, ông Thanh nhấn mạnh.

Kiểm tra tải trọng sẽ thường xuyên, liên tục

Theo đánh giá của các địa phương, để siết chặt được công tác quản lý tải trọng, đưa hoạt động vận tải trở về với đúng năng lực cũng như giá thành, việc quản lý kiểm tra tải trọng phải được thực hiện liên tục các giờ trong ngày, các ngày trong tuần rộng khắp trên tất cả các địa phương. Song song với đó cần tiến hành ban hành cơ chế chính sách quản lý tải trọng ngay từ khi xếp hàng hóa, có cơ chế xử lý mạnh chủ hàng, chủ phương tiện chở quả tải.

Ông Thân Văn Thanh kiến nghị, biện pháp xử lý, ngăn chặn hiện tượng cấu kết né tránh trạm cân của các xe quá tải hơn lúc nào hết cần sự kiểm tra kiểm soát, tuần lưu của các lực lượng liên ngành phát hiện kịp thời.

“Hiệp hội vận tải Việt Nam có trách nhiệm vận động các hội viên thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan đến việc chở quá tải, thực hiện đúng ưu thế của ngành vận tải đường bộ trong phạm vi hoạt động của mình. Hiệp hội thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền cho các doanh nghiệp về chủ trương này. Trên thực tế, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải lành mạnh đều hoàn toàn nhất trí và ủng hộ chủ trương giảm tải phương tiện. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, nhất thời đã có những phản ứng tiêu cực”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, việc quản lý kiểm tra tải trọng xe cần phải được làm thường xuyên, không theo chiến dịch sẽ lập lại trật tự trong công tác vận tải, các ngành vận tải khác từ đó sẽ tùy theo ưu thế của mình để phát huy khả năng, cùng tạo ra thị trường vận tải phong phú, góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiến hành xử lí triệt để việc phương tiện chở quá khổ quá tải, coi đây là hoạt động diễn ra bình thường, thường xuyên liên tục không chỉ áp dụng trong từng thời điểm. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao công tác chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người thực thi công vụ - đây là yếu tố hết sức quan trọng nhằm tránh tiêu cực, làm tốt công tác kiểm tra tải trọng xe.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nắm tình hình, xử lý triệt để hiện tượng “cò” làm luật qua các trạm cân kiểm tra kiểm soát. Việc xử phạt phải được tiến hành đối với các chủ phương tiện vận tải, hạn chế việc quá tải ngay tận gốc, ngay từ đầu bằng công tác cân, sắp xếp hàng hóa tại cảng, đầu mối trung chuyển.

Bộ trưởng Thăng lưu ý đến các trường hợp xe vận tải hàng hóa nông sản, thực phẩm của nông dân, khi vi phạm chở quá tải, lực lượng chức năng chỉ yêu cầu phạt và cho đi không yêu cầu hạ tải trong thời gian này.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng lưu ý Cục Đăng kiểm Việt Nam cần thực hiện tốt công tác đăng kí đăng kiểm, siết chặt quản lý tải trọng phương tiện. “Cục Đăng kiểm phải làm nghiêm nhằm ngăn chặn triệt để xe quá khổ, quá tải lưu hành. Cán bộ, kĩ sư, kiểm định viên không thể không phát hiện xe quá tải. Bộ cũng sẽ trình với Thủ tướng Chính phủ chấm dứt hoàn toàn việc lưu hành xe quá tải, đồng thời có lộ trình xử lý các xe trước đây được phép quá tải”, Bộ trưởng Thăng cho biết./.

Nguyễn Quỳnh/VOV online

ĐÃ ĐỀ CỬ NGƯỜI THAY THẾ THƯỢNG TƯỚNG PHẠM QUÝ NGỌ

Bộ Công an vừa có văn bản đề cử Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an làm Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Theo báo Vietnamnet, văn bản Bộ Công an gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc đề cử này.

Mục đích đề cử để thay Thượng tướng Phạm Quý Ngọ vừa từ trần vì mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng cử Đại tá Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt tham gia Ủy viên Ban thường trực Ủy ban ATGT quốc gia thay Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên nghỉ chế độ.

Trước đó, Ủy ban ATGT quốc gia đã có công văn đề nghị Bộ Công an cử lãnh đạo tham gia vào Ủy ban ATGT Quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương.

Thượng tướng Lê Quý Vương, 58 tuổi, quê ở xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Chức vụ hiện tại của ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.

Ông từng theo học và tốt nghiệp khóa D8 của Đại học An ninh Nhân dân, nay là Học viện An ninh Nhân dân C500. Sau đó, ông phục vụ và thăng tiến trong ngành An ninh thuộc lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam. Ông có học vị là Tiến sĩ.

Trước khi đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng bộ Công an, ông từng giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, năm 2004, được bổ nhiệm làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, hàm Thiếu tướng. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, hàm Trung tướng.

Ngày 10/3/2010, ông được Thủ tướng chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Tháng 7/2013, ông được phong hàm Thượng tướng.

Mai Thùy

QUAN HỆ VIỆT - MỸ TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

QUANG VŨ (TTXVN/VIETNAM+)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy sau buổi hội đàm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy dẫn đầu Đoàn nghị sỹ Mỹ đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. 

Sáng 17/4, lễ đón Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy và đoàn đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. 

Ngay sau lễ đón, trong không khí cởi mở, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy cùng đoàn nghị sỹ hai nước Việt Nam-Mỹ đã cùng đi dạo tại vườn hoa Lý Thái Tổ và bờ Hồ Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội. Ngay sau đó, hai bên đã tiến hành hội đàm.

Phát biểu tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn nghị sỹ Quốc hội Mỹ do ngài Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp sau gần 20 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1995) và trên đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ và quyết tâm thực hiện các thỏa thuận phù hợp với tinh thần quan hệ đối tác toàn diện.

Đánh giá cao những đóng góp có ý nghĩa của ngài Patrick Leahy và nhiều nghị sỹ Mỹ trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn hai nước đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này; hướng tới một mối quan hệ mới vì lợi ích lâu dài giữa hai dân tộc và hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng quan hệ hợp tác hai nước còn chưa tương xứng với tiềm năng mỗi bên. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Quốc hội hai nước tăng cường trao đổi để thúc đẩy sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phù hợp với lợi ích của cả hai bên, tránh thông qua những quyết định bất lợi cho quan hệ kinh tế, thương mại song phương. 

Việt Nam mong muốn Quốc hội Mỹ dành ngân sách thích đáng để giải quyết những vấn đề nhân đạo tại Việt Nam. Quốc hội hai nước cũng cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tìm cơ chế đối thoại thích hợp, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm lập pháp...

Vui mừng thông báo về việc Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng mời ngài Patrick Leahy và Đoàn nghị sỹ Mỹ sang tham dự Đại hội đồng IPU 132 tại Hà Nội vào năm 2015 - năm kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.

Về phần mình, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy chân thành cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Quốc hội Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp nồng nhiệt và trọng thị. Ngài Patrick Leahy cho biết trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn gồm các nghị sỹ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa với mong muốn tìm các cơ hội hợp tác, tăng cường quan hệ giữa hai nước, hai Quốc hội.

Bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, ngài Patrick Leahy khẳng định luôn ủng hộ việc thúc đẩy những nỗ lực của Mỹ trong việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh tại Việt Nam và tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Ngài Patrick Leahy nhấn mạnh những thành công đạt được trong hợp tác song phương giữa hai nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước; góp phần định hướng thúc đẩy hợp tác trong tương lai. 

Ngài Patrick Leahy hy vọng các thế hệ tiếp nối của cả hai nước sẽ kế thừa và phát huy, đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân hai nước.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì tiệc chiêu đãi Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy và đoàn nghị sỹ Mỹ.

KIEV BẤT LỰC NHÌN "LIÊN BANG ĐÔNG NAM UKREINE" TUYÊN BỐ THÀNH LẬP

ANTĐ - Cùng với việc Odessa tuyên bố thành lập Nhà nước độc lập, một đòn choáng váng tiếp theo đối với Kiev là khu vực đông nam nước này đã chính thức thành lập Liên bang Đông Nam Ukraine.

Tối 16-4, truyền thông Ukraine đồng loạt đưa tin, khu vực Đông Nam Ukraine đã tự bầu ông Anatoly Vizir làm quyền tổng thống Liên bang Đông Nam Ukraine, trên cơ sở cuộc thăm dò các cơ quan chỉ huy kháng chiến trong khu vực.

Ông còn được bầu làm Tổng tư lệnh quân đội quốc gia Liên bang Đông Nam Ukraine.

Ông Vizir là tiến sỹ luật, từng là trung tướng tư pháp và đứng đầu Tòa phúc thẩm tỉnh Lugansk. Ngay sau được bầu làm quyền tổng thống, ông đã đưa ra lời hiệu triệu dân chúng và kêu gọi binh sỹ và cảnh sát Ukraine ủng hộ liên bang hóa và không tuân lệnh chính quyền Kiev và khôi phục Hiến pháp năm 1996.

“Với tư cách là Tổng thống Đông Nam Ukraine mới được bầu, tôi có trách nhiệm phải bảo vệ công dân Đông Nam Ukraine. Hệ thống hiến pháp đã bị hủy hoại một cách xảo trá bởi những phần tử phát xít mới, sẽ được khôi phục. Nền kinh tế của Đông Nam Ukraine sẽ chuyển sang sử dụng đồng rúp của Nga. Mọi giao dịch sẽ được thực hiện bằng đồng tiền của Nga. Việc này sẽ được thực hiện bằng việc làm mất giá trị đồng hryvna của Ukraine”, ông Vizir tuyên bố trong lời hiệu triệu đối với “công dân Liên bang” được phát trên mạng youtube.com.

Ông Vizir đề nghị Nga tránh xảy ra đổ máu, đồng thời yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ không can thiệp vào những gì đang diễn ra ở Ukraine và triệu các binh sỹ NATO về căn cứ.

Ông nói: "Tôi đề nghị nhân dân Nga anh em ủng hộ việc liên bang hóa khu vực Đông Nam Ukraine". Ông này cũng kêu gọi Tổng thống Liên bang Nga giúp đỡ, không để người Slavơ và các dân tộc khác phải đổ máu. Đồng thời, kêu gọi "toàn thể cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu, không can thiệp vào quá trình cải cách và liên bang hóa Ukraine".

Ông Vizir còn cho biết, Ủy ban an ninh liên bang Đông-Nam Ukraine đã đặt khu vực trong tình trạng khẩn cấp.

Kiev bất lực nhìn "Liên bang đông nam Ukraine" ra đời?

Ông Vizir nói: “Chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Kiev trong trường hợp họ công nhận liên bang hóa Ukraine, cấm đảng phát xít "Tự do" và các phong trào phát xít ở Ukraine, giải giáp các tổ chức tội phạm theo quan điểm dân tộc cực đoan, công nhận tiếng Ukraine và tiếng Nga là quốc ngữ, giải tán quốc hội, nơi thông qua các đạo luật phi lý, kích động hận thù sắc tộc”.

Hãng tin ITAR-TASS của Nga cho biết, các điều kiện trên được đưa ra trong cuộc họp đầu tiên của phong trào do ứng viên Tổng thống Ukraine Oleg Tsaryov chủ trì tại Donetsk. Tham dự có đại diện cho người biểu tình yêu cầu liên bang hóa tại Lugansk, Dnepropetrovsk, Donetsk, Kharkov, Odessa và Zaporozhye. 

Cùng ngày, những người biểu tình thân Nga ở khu vực Odessa, miền tây nam Ukraine, giáp với biển Đen, đã tuyên bố thành lập "Nước Cộng hòa nhân dân Odessa" và kêu gọi người dân phong tỏa giao thông thành phố này sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước.

Trong khi đó, trang mạng warfiles.ru của Nga ngày 16-4 cho biết, Bộ Quốc phòng Ukraine đã hoàn toàn mất khả năng kiểm soát miền Đông của nước này.

Theo các nguồn tin, từ hôm 15-4, tình hình ở miền Đông Ukraine đã trở nên nguy hiểm. Tinh thần binh sỹ thuộc các đơn vị quân đội Ukraine đang xuống thấp và họ đã công khai bày tỏ sự bất bình đối với quyết định của chính quyền trung ương.

Cùng ngày, nhiều binh sỹ Ukraine được điều tới thành phố Slavyansk đã hạ vũ khí và giương cao cờ Nga, thể hiện họ đứng về phía những người ủng hộ liên bang hóa. 

Nếu tình trạng này không được giải quyết ổn thoả, nguy cơ xảy ra chia cắt, nội chiến ở Ukraine là rất lớn.

Theo Russia24

GIẢI MÃ VỤ ĐẮM PHÀ THẢM KHỐC Ở HÀN QUỐC

Giải mã vụ đắm phà thảm khốc ở Hàn Quốc

TPO - Một ngày sau vụ chìm phà khiến 9 người tử vong và hàng trăm người mất tích ở Hàn Quốc, các chuyên gia đã đặt ra các giả thiết về tai nạn thảm khốc này.

Như tin đã đưa, ngày 16/4, phà Sewol của Hàn Quốc bị chìm ngoài khơi phía tây nam nước này. Vụ tai nạn khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 287 người mất tích.

Hiện giả thuyết lớn nhất về vụ tai nạn thảm khốc này là chiếc phà này đã va phải đá ngầm. 

Lực lượng cứu hộ cho rằng, do bị muộn giờ nên thuyền trưởng phà Sewol có thể đã chuyển hướng và tăng tốc để rồi đâm phải đá ngầm trong trời mù sương. Bởi theo lịch trình, phà Sewol lẽ ra phải rời cảng Incheon lúc 18h30 ngày 15/3 nhưng vì sương mù nên thời điểm khởi hành bị hoãn lại 3 tiếng đồng hồ. Chiếc phà này xuất phát vào lúc 21h cùng ngày.

Theo tờ Chosun IIbo (Hàn Quốc), người phát ngôn công ty Chonghaejin Marine-đơn vị quản lý phà Sewol, nói với các phóng viên rằng, chiếc phà này không thể đi lệch quá xa so với lộ trình an toàn được định sẵn.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng hải cho rằng, nếu chuyển hướng, phà có thể đâm phải đá trong điều kiện sương mù dày.

Các nhân chứng cũng kể rằng, họ nghe thấy một tiếng động lớn trước khi chiếc phà bị nghiêng và chìm xuống nước.

Đại diện công ty Chonghaejin cũng bác bỏ những hoài nghi về khả năng của thuyền trưởng phà Sewol. Phía công ty này cho biết, thuyền trưởng phà Sewol là một thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm, từng lái những con tàu lớn.

Phía công ty Chonghaejin Marine tuyên bố họ không thấy có vấn đề với khả năng của thuyền trưởng, cũng như chứng chỉ hành nghề của ông này.

Theo tờ Koreatimes, phà Sewol có chiều dài 22m và rộng 146m, được đóng vào năm 1994 do tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản). Phà được thiết kế với sức chứa có thể lên tới 921 hành khách và 220 ô tô.

Tại thời điểm gặp nạn, phà Sewol chở theo 474 hành khách (gồm 325 học sinh từ một trường cấp ba tại thành phố Ansan, gần Seoul đang trên đường tới Jeju để dã ngoại) và 150 phương tiện.

Theo Chosun IIbo, Koreatimes

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ ĐẤU TRANH, ĐÓ LÀ PHÁ HOẠI

Chuyện cảnh sát lạm quyền giết người diễn ra không chỉ ở Việt Nam. Ngay cả ở Hoa Kỳ, xứ sở tự xưng là tự do dân chủ và công bằng nhất thế giới cũng vậy. Nếu như ở Việt Nam nạn nhân bị đánh bằng dùi cui thì ở Hoa Kỳ họ bị bắn bằng súng. Tất nhiên ở đâu thì nạn nhân cũng chết còn cảnh sát thì không sao cả, hoặc là chỉ nhận một mức án rất nhẹ.

Tháng trước, cảnh sát ở Albuquerque bang New Mexico đã bắn chết James Boyd, một người vô gia cư cắm trại dưới chân đồi bên ngoài thành phố. Vụ giết người của cảnh sát đã được quay video và đưa lên Youtube. Hơn một triệu người đã xem video đó. Nhiều cảnh sát mặc áo chiến đấu, đội mũ quân sự và mang súng trường tấn công có kính ngắm, bao vây một người vô gia cư đơn độc. Họ bắn lựu đạn gây lóa vào anh chàng khốn khổ đó, xua chó cắn anh ta, sau đó bắn tám phát đạn vào lưng anh ta, tiếp tục nã một phát đạn phá mảnh vào thân hình bất động của anh ta, rồi lại xua chó cắn.

Đó không phải là vụ duy nhất ở thành phố ấy. Từ năm 2010 tới nay chỉ riêng ở Albuquerque đã xảy ra 23 vụ cảnh sát bắn chết người.

Đó cũng không phải là vụ duy nhất ở Hoa Kỳ. Chỉ một ngày sau đó, cảnh sát Albuquerque bắn chết một người đàn ông khác. Alfre Lionel Redwine, 30 tuổi bị bắn chết bên ngoài một khu tổ hợp căn hộ. Ngay hôm sau ngày Redwine bị bắn chết, cảnh sát ở Spokane, Washington bắn chết một người đàn ông 30 tuổi khác tên là Steven C. Cordery khi anh ta rời khỏi nhà theo lệnh của cảnh sát. Ngày 14 tháng 1, cảnh sát bắn vào phía sau Manuel Orosco Longoria lúc anh ta giơ tay lên đầu khi bị chặn xe ở Phoenix, Arizona. Vào ngày 14 tháng 1, cảnh sát đánh chết Luis Rodriguez, 44 tuổi ở Moore, Oklahoma sau khi anh ta bị kêu gọi chịu trách nhiệm về việc đánh vợ và con gái.

Dường như cảnh sát Hoa Kỳ đang ngày càng trở lên bạo lực hơn. Năm 2011, cảnh sát địa phương Los Angeles bắn chết 54 người, nhiều hơn năm 2010 tới 70%. Từ năm 2008 đến 2013, số người bị cảnh sát Massachuset bắn tăng lên hàng năm. Năm 2012, cảnh sát New York bắn chết 16 người. Các đồng nghiệp ở Philadenphia vượt xa New York với việc hạ sát 52 mạng. 

Trong một thập kỷ qua, có tới 5000 người Mỹ bị cảnh sát giết hại, gấp 8 lần số người chết bởi khủng bố. Cảnh sát Hoa Kỳ giết hại nhiều thường dân hơn cả khủng bố, đó có lẽ không phải là chuyện đùa. Các cảnh sát giết người ở Hoa Kỳ hầu như không bị truy tố, những cảnh sát gây ra các vụ giết người hầu hết chỉ bị tạm nghỉ việc có lương để điều tra. Năm ngoái, cảnh sát Los Angeles khi truy đuổi can phạm đã nhầm một chiếc xe đưa báo của hai bà già là mục tiêu, họ đã không kiểm tra mục tiêu mà bắn vào đó hơn 100 viên đạn. Sở cảnh sát Los Angeles phải bồi thường 4,7 triệu USD, nhưng các nhân viên cảnh sát chỉ bị đưa đi đào tạo lại sau đó được tái bổ nhiệm. Vài tháng sau đó, viên cảnh sát Chicago tên là Gilardo Sierra, sau khi gặp vấn đề về nổ súng sáu tháng trước được tiếp tục tuần tra, đã bắn 16 phát đạn vào một người dân không có vũ trang. Cho đến nay Sierra vẫn được tự do. Viên cảnh sát bắn chết một thiếu niên13 tuổi cầm súng đồ chơi ở Santa Rosa chỉ bị tạm nghỉ điều tra hai tháng, sau đó đã quay trở lại làm việc.

Cảnh sát ở nhiều bang của Hoa Kỳ ưa chuộng trò giết người vô gia cư theo kiểu "bắn gà tây". Chính quyền các bang thường lờ chuyện đó đi vì giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng những người vô gia cư rất tốn kém. 17,000 sở cảnh sát không hề công bố thông tin về việc sử dụng bạo lực và chính quyền liên bang cũng không quan tâm thu thập thông tin đó một cách nghiêm túc. Mặt khác, chính quyền lại rất sốt sắng thu thập thông tin về bạo lực của công dân, để lấy cớ gia tăng ngân sách cho an ninh.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, các phương pháp trấn áp bằng bạo lực vốn chỉ được sử dụng ở Afghanistan, Iraq, Lybia đã được áp dụng ở Hoa Kỳ. Cảnh sát đang được quân sự hóa, 500 xe bọc thép chiến đấu bị loại khỏi Trung Đông đã được chuyển giao cho cảnh sát. Xe bọc thép được gắn súng máy bắn đạn cỡ 50, súng phóng lựu tự động, đã được trang bị cho các đội SWAT ở các đô thị. Chắc chắn những vũ khí nguy hiểm đó không dùng để làm cảnh.

Cho đến nay nguyên nhân của tình trạng việc cảnh sát bắn chết thường dân ngày một phổ biến ở Hoa Kỳ vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết. Song có một số ý kiến đề cập tới các nguyên nhân sau:

- Hàng ngũ cảnh sát thu hút những kẻ đầu gấu, những kẻ có vấn đề về xã hội và tâm lý.

- Cảnh sát không phải chịu trách nhiệm về việc mà họ làm.

- Cảnh sát được chính quyền liên bang quân sự hóa, được trang bị vũ khí quân sự, và được huấn luyện phải coi công chúng là kẻ thù.

- Chính sách chống khủng bố của chính quyền Bush/Cheney/Obama coi mọi người Mỹ là nghi phạm.

- Chính sách phân biệt chủng tộc, tôn giáo của Hoa Kỳ khiến cảnh sát có cơ hội lạm quyền.

- Sự bất lực của các chính quyền địa phương trước nạn nghèo khổ ngày càng gia tăng, dẫn đến bất ổn xã hội, do đó cảnh sát được trao quá nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát.

Còn rất nhiều nguyên nhân nữa có thể đề cập, nhưng nói chung là chưa có nguyên nhân nào thật sự thuyết phục. 

Đó là ở Hoa Kỳ, còn ở Việt Nam thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng công an đánh chết thường dân? Khó có thể trả lời được. Có một điều chắc chắn là ngành công an hiện nay không phải thu thập và công bố thông tin về tình trạng bạo lực của công an, cũng như không phải đưa ra kế hoạch bất cứ kế hoạch nào để giảm thiểu tình trạng đó. 

Một số người tự xưng là dân chủ luôn dựa vào những trường hợp cụ thể để lên án ngành công an và đả kích chính quyền, đó không phải là đấu tranh, đó là phá hoại. 

Muốn thay đổi tình hình thì thay vì tập trung vào những vụ án cụ thể, người dân cần phải yêu cầu chính quyền thu thập, công bố thông tin và đấu tranh cho một chính sách bài trừ bạo lực của công an. Chỉ khi nào người dân biết phải yêu cầu chính sách thay cho một bản án, lúc đó mới có thể hy vọng về một tương lai tốt đẹp.