Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VH-TT&DL

Là một cử tri, tôi rất tán thành quyết định của Thủ tướng Chính phủ rút đăng cai, không tổ chức Asiad 18 tại Hà Nội. Đây là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, tránh cho đất nước một hậu quả khôn lường. Như vậy là Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, của các chuyên gia và của nhiều người dân quan tâm đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi cũng không hiểu tại sao trong các cuộc họp thảo luận về vấn đề này, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch luôn khẳng định nước ta sẽ có lợi ích rất lớn nếu nhận đăng cai Asiad 18. Đến tận buổi làm việc cuối cùng với Thủ tướng ngày 17-4, bộ này vẫn bảo lưu quan điểm, trong đó có đặt ra mục đích rất hay là “quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước”.

Tuy nhiên, Thủ tướng lại khẳng định trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn thì dự kiến nguồn thu từ Asiad để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắn và rất khó đảm bảo; nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì ảnh hưởng ngược lại. Vì vậy Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chủ trì để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức Asiad tại Hà Nội.

Vậy ở đây có việc bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tham mưu đề xuất với Chính phủ một chủ trương sai có nguy cơ gây ra hậu quả xấu lớn cho đất nước về nhiều mặt. Nhân sự việc này, tôi đã xem lại kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được tiến hành tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIII vào ngày 10 và 11-6-2013 thì thấy ông Hoàng Tuấn Anh chỉ được 90 phiếu tín nhiệm cao (bằng 18,07% tổng số đại biểu Quốc hội), trong khi đó ông lại có đến 116 phiếu tín nhiệm thấp (bằng 23,29% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nhưng ông lại không suy nghĩ về điểm này nên đã tiếp tục làm giảm sự tín nhiệm đối với mình. Vậy nên tôi đề nghị tại kỳ họp thứ 7 sắp tới của Quốc hội nên xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh để thực hiện đúng tinh thần nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XI.

Cử tri VŨ ĐỨC KHIỂN

ĐÃ NGHE THẤY: ĐẶT MÌNH VÀO VỊ TRÍ CỦA DÂN

Đã nghe đã thấy: Đặt mình vào vị trí của dân


“Những người tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của dân, phải thương yêu người dân thì mới giải quyết thấu tình đạt lý!”.

Ngày 18-4, làm việc với trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước về giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu như vậy.

Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Công an cho biết trên 70% khiếu kiện có liên quan đến đất đai và khiếu kiện đúng là nhiều, những vụ việc này khi không được giải quyết thỏa đáng dễ dẫn đến hệ lụy khó lường. Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói thẳng: “Có những vụ việc kéo dài đến cả 30 năm. Và có những đơn đã có kết luận, thậm chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng kết luận nhưng cấp dưới không thực hiện!”.

Phải chăng sự sĩ diện và muốn an toàn cho bản thân khiến những người có trách nhiệm sợ phải nhận cái sai của mình, muốn “hơn thua” với dân, sợ mất lòng chính quyền…? Bất luận thế nào, họ chắc chắn sẽ không hành xử như thế nếu vụ việc khiếu nại ấy là của bản thân, gia đình họ. Đó không chỉ là thiếu tinh thần trách nhiệm mà còn là sự vô cảm.

Đã có thời gian, nhiều tuyến phố quanh các trụ sở cơ quan trung ương có những người đi kiện vạ vật, họ đội nắng dầm sương tháng này qua năm khác trước cửa công đường. Khi những người đi kiện nghèo cùng ngồi lại với nhau, tâm lý đám đông và sự phẫn uất sẽ rất dễ bị kích động. Những hệ lụy khó lường mà vị đại diện Bộ Công an phát biểu trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng phải chăng là chỗ đó.

Việc thuyết phục người đi kiện trở về chỉ là phần ngọn, cái gốc là phải giải quyết khiếu nại đúng luật, hợp cả tình lẫn lý, phải đặt mình vào vị trí người dân như Phó Thủ tướng đã nói.

Năm 2000, trước thực trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, Chính phủ đã lập sáu đoàn công tác do sáu bộ trưởng dẫn đầu, thay mặt Thủ tướng về các địa phương để giải quyết. Tại Long An, nhiều người dân Mộc Hóa đã quỳ lạy kêu oan và xin trưởng đoàn - Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc hãy cách chức chủ tịch huyện. Sau khi xem xét, bộ trưởng đã kết luận và lãnh đạo tỉnh đã cách chức chủ tịch huyện này.

Nói về chuyện vô cảm, chậm trễ trong giải quyết khiếu nại, trả lời phỏng vấnPháp Luật TP.HCM vào tháng 9-2000, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói, đại ý: Cán bộ chính quyền không thể ngồi yên khi chung quanh còn nhiều uất ức, thậm chí bất bình của người dân.

Không đặt mình vào vị trí người khiếu kiện sẽ không cảm nhận hết nỗi khổ và sự oan ức để từ đó đem lại công lý cho dân; sẽ không thuyết phục được dân ngay cả khi họ khiếu kiện sai.

CÔNG AN TỈNH HẢI DƯƠNG: BÀ N. KHÔNG PHẢI LÀ "KIỀU NỮ HẢI DƯƠNG"

Khoai@ 


Khoai@ cho rằng, dù thế nào thì mấy tay phóng tinh viên kia cũng đã làm những điều mà một nhà báo không nên làm. Đó đích thị là sự sỉ nhục nghề báo cao sang vời vợi, và sức mạnh quyền thế lệch đất.

Công an tỉnh Hải Dương đã có kết luận dựa trên cơ sở những quy định của pháp luật hiện hành và bổn phận của chúng ta là tôn trọng những quyết định đó.

Điếm bút không phải là mới, hiện tượng này có vẻ ngày càng lan rộng, và không còn cách nào khác là chúng ta cần phải biết chọn lọc thông tin khi đọc báo.

Khoai@ nghĩ, dù kết luận của Công an Hải Dương như thế nào đi chăng nữa, chúng ta đều biết rõ lẽ phải thuộc về ai. 
--------------------
Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Hải Dương) mới đây đã đưa ra thông báo về việc bà Phạm Thị Thanh N. tố cáo báo Người Đưa Tin về tội vu khống.

Ảnh: để ngắm chứ không minh họa và không nhất thiết phải khác với sự thật

Theo đó, nhân vật được gọi là “nữ dâm tặc”, “kẻ cuồng dâm” trong bài viết của báo Người Đưa Tin không bị nêu họ tên và địa chỉ cụ thể. Do đó không có cơ sở cho rằng phóng viên viết bài xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bất cứ cá nhân nào. Vì vậy không có dấu hiệu của tội vu khống theo Điều 122 BLHS.

Trước đó, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội nhận được đơn của bà Phạm Thị Thanh N. (quốc tịch Mỹ) có nội dung tố cáo phóng viên Diệu Nam và Sa Hà của báo Người Đưa Tin và nhiều tài xế taxi của hãng taxi Mai Linh đã cung cấp tin và viết bài đưa tin bà N. là người phụ nữ cuồng dâm, chuyên dụ dỗ tài xế uống thuốc kích dục để ép buộc họ quan hệ trái ý muốn. Bà N. đề nghị khởi tố những người này về tội vu khống.

Về thông báo trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Hoàng Cao sang (Văn phòng Luật sư Hoàng Việt) cho rằng nếu đã kết luận phóng viên và báo Người Đưa Tin không vi phạm tội vu khống thì văn bản phải là “Quyết định không khởi tố vụ án hình sự” mới đúng, vì đương sự đã gửi đơn chứ không phải một thông báo như đã gửi.

Nguyễn Dân

PHỤ NỮ LÀ THIÊN THÂN, THIÊN THẦN GÃY CÁNH SẼ THÀNH... PHÙ THỦY

Sáng nay, một cô em gái gửi cho tôi bức ảnh có câu: 'Phụ nữ luôn là những thiên thần. Khi ai làm gãy đôi cánh của họ, họ sẽ vẫn bay, nhưng là bay trên cái chổi'.

Phụ nữ là thiên thần, thiên thần gãy cánh sẽ thành…phù thủy. Trước khi phụ nữ trở nên cứng rắn và tỉnh táo, có lẽ họ đều đã từng tin một điều gì đó, rất tin…

Tôi vẫn luôn tự nhận mình là phù thủy, chẳng phải thiên thần, và cũng chưa bao giờ là công chúa. Có lẽ bởi sự tỉnh táo và khôn ngoan của phù thủy luôn dễ để tồn tại hơn là sự ngây thơ của một thiên thần. Xét cho cùng, điều mà các phù thủy dẫu mang tiếng độc ác trong truyện cổ tích mong muốn cũng chỉ là một cuộc sống bình yên bên cạnh đức vua – người đàn ông của đời họ. Công chúa – không hẳn là thiện, và phù thủy – không hẳn là ác. Để rút cục cuối cùng có được sự bình yên, là phù thủy hay là công chúa có còn quan trọng gì.

Khi còn trẻ, phụ nữ thấy việc yêu điên cuồng thật là ngốc nghếch. Nhưng đến một tuổi nào đó, họ sẽ thấy trái tim mình còn có thể điên rồ thật là điều may mắn

Sau những sóng gió của một cuộc tình, cái phụ nữ học được có lẽ không đơn thuần là cách đứng dậy sau một lần đổ vỡ, mà còn là thêm tỉnh táo trước mọi cơn say, thêm e sợ khi lại phải đặt niềm tin vào một điều gì đó, một ai đó. Khi còn trẻ, phụ nữ thấy việc yêu điên cuồng thật là ngốc nghếch.

Nhưng đến một tuổi nào đó, họ sẽ thấy trái tim mình còn có thể điên rồ thật là điều may mắn. Bởi sau những đổ vỡ và thất vọng, niềm yêu sôi nổi nồng nhiệt thời thanh xuân dường như đã không còn có thể sục sôi trong lồng ngực. Trái tim khi ấy không còn bay bổng trên đôi cánh thiên thần, mà lạnh lùng hơn, dửng dưng hơn…trái tim của một cô phù thủy đã quá hiểu những gì không thành thật của cuộc đời.

Tôi luôn nghĩ thà rằng ban đầu mình vốn là một cô phù thủy ít nhiều ma mị, ít nhiều khôn ngoan, còn hơn là rơi bịch xuống cán chổi từ đôi cánh thiên thần gãy nát. Thế nhưng tôi vẫn không thể phủ nhận những gì mà cuộc đời đã dạy mình, từ ít nhiều trải nghiệm chẳng mấy ngọt ngào. Khi đã bước qua nhiều điều, ban đầu chúng ta thực sự là ai, chúng ta chưa chắc còn nhớ được. Ta đã từng tin vào lời hứa ấy? Ta đã từng hy vọng biết bao vào con người ấy? Ta đã từng thơ ngây đến chừng nào vào những ngày tháng ấy? Tất cả những điều đó, rồi sẽ mờ nhòa, rồi đến lúc, ta chỉ còn nhớ, ta đã không thể còn tin vào những điều tương tự, và khó khăn biết nhường nào để thuyết phục lý trí mình mềm mỏng đi thêm một lần nữa.

Thực ra, bay bằng đôi cánh thiên thần và bay bằng cán chổi, cách nào cũng không tệ. Nếu bạn cả đời làm thiên thần, cả đời không bị phản bội, cả đời không bị mất niềm tin, cả đời cứ nhìn cuộc sống bằng đôi kính màu hồng, bạn may mắn quá. Nhưng nếu bạn là một cô phù thủy, bạn thỏa sức sử dụng mị lực, trí khôn ngoan và cá tính của mình, bạn lại được nếm trải một cuộc sống cuồng nhiệt và nhiều dư vị.

Nhưng một khi đôi cánh thiên thần bị gãy, niềm tin sụp đổ, không phải bạn cứ rơi trúng cán chổi là sẽ trở thành phù thủy. Làm một cô phù thủy thông minh và kiêu hãnh, còn khó hơn làm thiên thần gấp vạn lần.

Phụ nữ yếu đuối, nhưng phụ nữ cũng vốn kiêu hãnh. Tôi chắc họ sẽ không bao giờ thừa nhận, trước ai đó, rằng vì một lần thất bại mà niềm tin của họ vào tình yêu cũng trở nên mỏng manh. Thay vào đó, họ ngụy trang sự lo sợ của mình bằng cái hất đầu kiêu hãnh, bằng bờ môi đỏ rực và đôi mắt mèo sắc lẹm. Phụ nữ yếu đuối trả thù tình cũ bằng sự thù hận. Phụ nữ mạnh mẽ trả thù bằng cách phớt lờ tất cả.

Những ứng xử điềm tĩnh trước sóng gió cuộc đời, phụ nữ cũng phải học từng chút một. Khóc ít đi, cười nhiều lên, im lặng nhiều thêm. Ai rồi cũng sẽ phải trưởng thành, nhưng sự trưởng thành qua vấp ngã là nhanh nhất và cũng thấm thía nhất.

Kiểu phụ nữ đã đi qua đổ vỡ, họ đứng lên nhanh sau những khổ đau, không phải vì sự đau đớn đã không còn khủng khiếp như xưa, mà bởi họ hiểu cái rút cục còn lại mà họ cần nâng niu chỉ còn là chính bản thân họ. Và cũng chỉ có chính bản thân họ, phải tự vực mình dậy từ những hố sâu, chẳng còn non trẻ dại khờ để ném mình xuống và mong chờ ai đó kéo lên.

Những ứng xử điềm tĩnh trước sóng gió cuộc đời, phụ nữ cũng phải học từng chút một. Khóc ít đi, cười nhiều lên, im lặng nhiều thêm. Ai rồi cũng sẽ phải trưởng thành, nhưng sự trưởng thành qua vấp ngã là nhanh nhất và cũng thấm thía nhất.

Nhiều người hay nói với tôi rằng, cảm ơn những vấp ngã, những đau thương để có được họ của ngày hôm nay. Riêng tôi, tôi chưa bao giờ muốn cảm ơn những trải nghiệm đáng buồn nếu có trong quá khứ. Cái gì cũng có giá của nó, và cái giá để học được điều gì đó sau đau đớn luôn luôn quá đắt.

Những chông gai mài giũa nên viên ngọc, những người phụ nữ đã đi qua nhiều đổ vỡ luôn cuốn hút tôi như một chai vang ủ lâu nồng say, sâu lắng. Nhưng tôi không bao giờ muốn họ phải trải qua quá nhiều nỗi buồn và nước mắt để có thể trở nên tuyệt vời nhường ấy. Hãy cứ trưởng thành thật chậm rãi, hãy cứ trở nên sâu sắc một cách từ từ, hãy cứ tận hưởng mọi dư vị đắng ngọt của cuộc sống một cách nhẹ nhàng, và tự quyết định khi nào mình nên từ bỏ đôi cánh thiên thần để làm một cô phù thủy.

Nếu bạn gặp một người phụ nữ đã đi qua đổ vỡ, hãy hiểu rằng cô ấy đã phải trả giá quá đắt để trở thành cô ấy tuyệt vời của ngày hôm nay, và trân trọng…

Blog của May

CHỬI RỦA NHỮNG NGƯỜI ĂN THỊT CHÓ: CHIẾC ÁO CÓ LÀM NÊN THẦY TU?

Rất nhiều bạn trẻ lên tiếng mạt sát, nguyền rủa những người ăn thịt chó chỉ vì quan điểm của riêng mình.


Việc nên hay không ăn thịt chó từ lâu đã trở thành nguồn cơn của nhiều cuộc tranh luận, từ ngoài đời sống thực tới mạng xã hội. Mỗi người một sở thích, quan điểm, tư tưởng, thế nhưng chính cái tôi cá nhân đã khiến rất nhiều người đã đem tư tưởng của mình áp đặt lên người khác.

Mấy ngày gần đây, sự việc này lại dấy lên trở lại, khiến cho cộng đồng mạng lại bị cuốn vào cuộc tranh cãi này. Chúng tôi xin đăng tải bức thư của một độc giả xin giấu tên gửi về, chia sẻ những quan điểm về vấn đề đang rất nóng này!

Chào các bạn,

Những ngày gần đây, sau clip quay lại hình ảnh của một trại nuôi chó lấy thịt tại Việt Nam, cư dân mạng lại có dịp xôn xao khi chia thành nhiều phe tranh luận về chuyện "Có nên ăn thịt chó hay không?" và "Ăn thịt chó có mọi rợ hay không?". Rất nhiều luồng tranh luận, rất nhiều ý kiến, rất nhiều sự phẫn nộ và cả sự bào chữa. Trong bài viết này, tôi cũng mong chia sẻ một vài ý kiến riêng của mình về vấn đề đang rất nóng bỏng này.

Trước hết, phải khẳng định một điều là, tôi không thích ăn thịt chó. Nhưng không thích là vì tôi thấy nó không hợp khẩu vị với mình chứ không phải vì tôi nghĩ đến việc chó là bạn của loài người hay gì gì đó. Tôi cũng là một người yêu chó, từng nuôi rất nhiều chó và trong đó có một chú chó tôi yêu nhất đã bị người ta bắt đi, chắc là để làm thịt. Nói vậy để các bạn thấy, trong chuyện này tôi hoàn toàn khách quan chứ không phải là vì mê thịt chó quá nên mới cố gắng viết ra vài dòng để biện minh cho hành động tham ăn của mình. 

Tôi nghĩ, chó là một động vật thân thiết với con người, là bạn của con người, nhiều người lớn lên với chó làm bạn thân, chúng ta nảy sinh tình cảm gắn bó khăng khít với chó cũng là điều hiển nhiên. Nhưng tôi thấy, nhiều bạn đang bị trầm trọng hóa cái tình cảm của mình với loài chó và gây khó chịu cho những người không yêu chó đến vậy. Các bạn không thích ăn thịt chó, tẩy chay thịt chó, ok thôi nhưng có nhất thiết phải đánh đồng những người ăn thịt chó là lũ mọi rợ, man di không? Thậm chí, có rất nhiều bạn còn lên tiếng chê bai cả dân tộc Việt Nam chỉ vì người Việt ăn thịt chó. Đó là một sự đánh đồng vô cùng phiến diện và thiển cận.

Mỗi đất nước đều có những giá trị riêng, những nền ẩm thực riêng và phong tục riêng. Người Việt ta từ trước đến nay coi thịt chó là một phần trong văn hóa ẩm thực, thịt chó đi vào sách, truyện, đi vào cuộc sống hàng ngày. Nó thuộc về văn hóa của chúng ta và nó hoàn toàn không vi phạm đạo đức làm người, vậy tại sao lại man rợ? Tại sao chúng ta không thể ăn thịt chó, nhưng vẫn có thể ăn thịt gà, thịt trâu, thịt lợn, thịt bò? Các bạn lôi lý do chó là bạn thân của loài người hay lý do chó không phải là loài vật để ăn thịt ra để nói thực sự rất… thiếu khách quan và không mấy thuyết phục. Bò, gà, lợn cũng là bạn thân của nhà nông, tại sao lại ăn? Và cái định nghĩa bò, gà, lợn là loài vật được phép ăn thịt chẳng qua chỉ là do các bạn tự… định nghĩa như vậy, chứ chẳng hề có dẫn chứng khoa học hay lịch sử nào phân loại các loại động vật mà loài người được phép hay không được phép ăn cả.

Hơn nữa, cũng vì chuyện thịt chó này mà tôi nhận ra là các bạn trẻ bây giờ rất thích áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Các bạn chửi rủa không thương tiếc những người ăn thịt chó, khinh bỉ họ, ghê tởm họ nhưng sự thực là các bạn càng làm vậy thì càng thể hiện sự phiến diện của mình. Các bạn có thể thấy Ấn Độ, đất nước họ thờ phụng con bò và không bao giờ ăn thịt bò, nhưng các bạn có thấy người Ấn nào lên án cả thế giới vì ăn thịt bò không? Họ có suy nghĩ, có tín ngưỡng và tư duy riêng của mình và vì vậy, họ không áp đặt lên cả thế giới. Vậy tại sao chúng ta lại làm vậy? Chó thậm chí còn không phải là một con vật phải thờ phụng, nó đơn giản chỉ là một con vật như mọi loài vật khác và có chăng, bạn yêu chó nhiều hơn người ăn thịt chó một tí, vậy tại sao lại dùng tình yêu của mình để áp đặt, bắt người khác cũng phải yêu chó như vậy?

Đừng lôi lương tâm hay sự nhân đạo ra để biện bạch, bạn có chắc là môt người không ăn thịt chó có tính cách và đạo đức hơn một người ăn thịt chó? "Chiếc áo không làm nên thầy tu", không ăn thịt chó không làm bạn tốt lên và ăn thịt chó cũng chẳng thể là người khác xấu đi. Vậy thì tại sao chúng ta cứ đi áp đặt cho người khác như vậy? Đó chẳng phải là một sự can thiệp thô bạo và vô duyên vào sở thích của người khác đó sao? Và lại phải nhắc lại một lần nữa, sở thích đó có làm tuyệt chủng loài chó hay không? Có làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn hay không? Không hề, vậy thì tại sao chúng ta lại cho mình cái quyền như vậy?


Chó thui nhìn rất thương...


... nhưng bê thui nhìn cũng thương như vậy, tại sao chúng ta được ăn bê?

Các bạn áp đặt là một chuyện, đáng buồn hơn, cái sự áp đặt của các bạn đang dần trở thành một sự "cuồng" không hề nhẹ. Các bạn sẵn sàng dùng như từ ngữ bậy bạ nhất để chửi những người ăn thịt chó, thậm chí nguyền rủa những người ăn thịt chó hãy chết đi. Thứ tình yêu nào lại trở nên bệnh hoạn thế này? Thứ công lý nào lại trở nên khủng khiếp thế này? Chẳng lẽ, khi chửi người khác là man di, khi mạt sát, nguyền rủa người khác, các bạn không thấy chính mình đang trở nên man di và vô văn hóa y như những lời mình vừa thốt ra?

Ngày trước, tôi có đi thực tập tại một làng chuyên làm thịt chó ở gần Hà Nội. Hàng ngày tôi đi học qua một lò mổ chó, những con chó bị nhốt trong lồng, ai đi qua chúng cũng rên rỉ và nhìn bằng một con mắt van lơn. Một ngày nọ, tôi vô tình đi qua đó đúng lúc người ta đang… làm thịt một chú chó. Tiếng kêu của chú chó đấy là một thứ rất ám ảnh và có thể khiến chúng ta thấy hoảng sợ. Nhưng tôi cũng cảm thấy điều đó mỗi khi nhìn cảnh giết trâu, giết bò, giết gà. Nhưng tôi không hề thấy những người ăn bò, gà, lợn là những kẻ man di, tương tự như những người ăn thịt chó. Nếu chiếu theo lời của các bạn, họa chăng, chúng ta có ăn chay mới là người tốt. Và tôi tin là có đến 2/3 người trong số những người lên án chuyện ăn thịt chó chẳng thể ăn toàn rau trong một tuần.

ÔI DỜI, CHỊ CÒN ÍT LẮM, KHOẢNG 100 CÁI THÔI

Humans of Hà Nội #49

"Trước chị làm ở Lê Pub, chị biết tiếng Anh đấy, nhưng giờ phải đi bán bánh rán thế này đây. Ôi dời, chị còn ít lắm, khoảng 100 cái thôi." *cười*


"I once had a job at Le Pub. I can even speak English, and yet still end up selling fried pies like this. Oh well, I have got only a few left, about 100 maybe." *laugh*

HẠNH PHÚC QUÁ ĐƠN GIẢN!

Humans of Hà Nội #50


"Hạnh phúc của anh quá đơn giản, ngày xưa đi bộ đội về lấy cô gái mình yêu cùng quê, sinh được 3 đứa con ngoan. Cuộc sống tuy vất vả nhưng mình vẫn phải vượt qua. Trước đây thế nào thì bây giờ anh vẫn thế, vẫn màu áo lính năm xưa. À mà anh chào được bằng 7 thứ tiếng đấy! Nhiều khi cũng chả cần trường lớp nào đâu, xã hội nó dạy mình hết."

"My happiness is quite simple really. I was lucky enough to marry the love of my life after military service and give birth to 3 beautiful children. Life does get tough but together, we pull through anyway. I have always stayed true to the good old me and held the colours of a soldier. Oh, I can also salute in 7 languages! Sometimes, you don't need any schooling, society will just show you the way."