Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

66 THÁNG TÙ CHO 2 CỰU THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN


Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân nhận 36 tháng tù, còn ông Bùi Văn Thành lĩnh 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

TAND Hà Nội tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành lần lượt lĩnh 36 và 30 tháng tù giam.

Chiều 30/1, TAND Hà Nội đưa ra phán quyết đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và 4 bị cáo xảy ra tại ngành công an, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân.

Theo đó, HĐXX tuyên bị cáo Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, Vũ đã bị tòa tuyên 25 năm tù do liên quan 2 vụ án khác.

Do giúp sức tích cực cho Vũ, cựu Cục trưởng B61 Nguyễn Hữu Bách lĩnh 5 năm tù. Với mức án 6 năm tù liên quan đến một vụ án khác, bị cáo này phải lĩnh hình phạt chung 11 năm tù.

Cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn lĩnh 5 năm tù. Với 7 năm tù liên quan đến vụ án khác, bị cáo này tổng lĩnh 12 năm tù.

Cựu thứ trưởng công an Trần Việt Tân nhận mức 36 tháng tù, còn ông Bùi Văn Thành lĩnh 30 tháng tù tính từ ngày bắt thi hành án cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.


VKSND Tối cao truy tố 2 cựu thứ trưởng công an là có căn cứ

Căn cứ kết quả xét hỏi công khai, TAND Hà Nội xác định Phan Văn Anh Vũ được tuyển dụng làm nhân viên tình báo của Tổng cục V, Bộ Công an từ năm 2009. Để tạo điều kiện cho Vũ thực hiện nhiệm vụ, Tổng cục V, Bộ Công an đã sử dụng 2 công ty do Vũ là Chủ tịch HĐQT gồm Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79. Mọi hoạt động công ty đều do Vũ quyết định, Tổng cục V không đầu tư hay góp vốn.

Lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo, Vũ đã đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 7 dự án nhà, đất công sản, dự án bất động sản ở vị trí đắc địa tại hai thành phố lớn là TP Đà Nẵng và TP.HCM với tổng diện tích 6.700 m2 nhà và gần 27.000 m2 đất không qua đấu giá trái quy định.

Sau đó, việc Vũ không sử dụng bất động sản vào mục đích nghiệp vụ mà chuyển nhượng hoặc liên doanh, liên kết đầu tư kinh doanh nhằm thu lợi bất chính, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm uy tín của lực lượng công an nhân dân. Vũ giữ vai trò chủ mưu. Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách đã trực tiếp tham mưu hoặc trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản gửi tới các bộ, ngành, UBND TP Đà Nẵng và UBND TP.HCM tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 trong các hoạt động thuê đất, chuyển quyền sử dụng 6 lô đất. Do đó, hai bị cáo phải chịu trách nhiệm về vai trò đồng phạm.

Đối với ông Bùi Văn Thành, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018, là Thứ trưởng Bộ Công an được giao nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Hậu cần - đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý các nhà đất công sản Bộ Công an. Tuy không phụ trách Tổng cục Tình báo nhưng tháng 5/2015, trên cơ sở tờ trình của Phan Văn Anh Vũ và báo cáo đề xuất của Phan Hữu Tuấn, Bùi Văn Thành đã ký tờ trình đề nghị Thủ tướng cho bán chỉ định cơ sở nhà đất tại số 129 Pasteur (TP.HCM) cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 để phục vụ hoạt động nghiệp vụ.

Năm 2015, ông Bùi Văn Thành ký công văn đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM trình Hội đồng thẩm định giá nhà đất TP và UBND TP phê duyệt giá bán bất động sản số 129 Pasteur là 301 tỷ đồng không đúngchức năng, thẩm quyền. Sau đó, Tổng cục Hậu cần Bộ Công an có văn bản báo cáo Bùi Văn Thành về việc công ty thẩm định giá ban hành dự thảo chứng thư thẩm định giá xác định giá trị nhà đất tại số 129 Pasteur chỉ còn 294 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Thành không chỉ đạo làm rõ lý do giảm giá này. Ngoài ra, cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành còn không chỉ đạo Tổng cục Hậu cần có văn bản thông báo để Tổng cục Tình báo quản lý, theo dõi cơ sở nhà đất, phục vụ mục đích an ninh. Khi Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng nhà, đất này cho tư nhân bên ngoài, ông Thành đã không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, gây thiệt hại đặc biệt lớn.

Còn ông Trần Việt Tân, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2016 giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo sau đó là thứ trưởng trực tiếp phụ trách Tổng cục Tình báo. Sau khi được các cán bộ dưới quyền tham mưu, đề xuất, Trần Việt Tân đã ký 7 văn bản gửi các cơ quan, tổ chức đề nghị cho các công ty bình phong do Phan Văn Anh Vũ được thuê các nhà đất phục vụ công tác nghiệp vụ ngành công an, gồm nhà, đất tại số 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng), nhà đất tại số 15 Thi Sách và nhà đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực (TP.HCM).

Ông Tân thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo đối với Tổng cục Tình báo, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các hành vi vi phạm của Phan Văn Anh Vũ. Từ đó để Phan Văn Anh Vũ lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong và các văn bản của ngành công an để được thuê các nhà, đất công sản theo hình thức chỉ định không qua đấu giá, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân sách Nhà nước, số tiền 155 tỷ đồng.

TAND xác định việc VKSND Tối cao truy tố 2 bị cáo là có căn cứ. 

Hai cựu thứ trưởng công an tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: P.D.

Hành vi của Vũ là đặc biệt nguy hiểm

Các bị can trong vụ án hầu hết là những người có chức vụ cao, quan trọng trong ngành công an nhưng đã không giữ được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và truyền thống tốt đẹp của ngành mà còn lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao giúp sức tích cực cho Phan Văn Anh Vũ hoặc thiếu trách nhiệm để bị cáo này lợi dụng tổ chức bình phong làm công cụ để thâu tóm các dự án nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở Đà Nẵng và TP.HCM, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước. Hành vi phạm tội của các bị can gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp bình phong, với sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn thông qua các văn bản nghiệp vụ để được thuê, nhận chuyển nhượng các bất động sản không phải qua đấu giá, trái quy định của Nhà nước. Bị cáo giữ vai trò chính, phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Hành vi của Vũ là đặc biệt nguy hiểm. Dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng vẫn cần áp dụng hình phạt cao nhất đối với bị cáo để răn đe. Hai bị cáo Phan Hữu Bách và Nguyễn Hữu Tuấn không có tình tiết giảm nhẹ nên xử phạt dưới mức khởi điểm.

Hai cựu thứ trưởng Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành khẩn khai nhận hành vi, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên được xử dưới mức khởi điểm để đảm bảo răn đe, phòng ngừa chung. Bị cáo Tân phải nhận mức án cao hơn bị cáo Thành.

Kiến nghị làm rõ việc cấp đất của cơ quan chức năng ở TP.HCM, Đà Nẵng

Tòa sơ thẩm cũng tuyên tịch thu 7 bất động sản xung quỹ Nhà nước gồm: Nhà đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực, 129 Pasteur và số 8 Nguyễn Trung Trực (TP.HCM), lô đất 319 Lê Duẩn, 16 Bạch Đằng, công viên An Đồn cũ và dự án vệt du lịch ven biển ở Đà Nẵng. Tiếp tục kê biên các bất động sản trên để đảm bảo thi hành án.

Đối với các dự án cho thuê, việc tịch thu sẽ ảnh hưởng đến người tham gia giao dịch. Tòa dành quyền khởi kiện cho người liên quan trong vụ án dân sự khác.

Tòa xác định việc chuyển nhượng đất được thực hiện bằng các quy định trái pháp luật của các quan chức địa phương đã bị khởi tố nên cần tịch thu các bất động sản (trừ 319 Lê Duẩn, TP Đà Nẵng). Riêng dự án 15 Thi Sách, sau khi nhận đất, công ty của Vũ Nhôm hợp tác đầu tư. Phía đối tác là công ty TNHH Madison cho biết đầu tư, chuyển giao hơn 400 tỷ đồng, sau đó công ty bao tiêu sản phẩm đã thu 1.000 tỷ đồng tiền đặt cọc của 114 khách. Khi tịch thu bất động sản này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hợp tác và nhiều khách hàng đã đặt cọc mua bán, thuê căn hộ văn phòng.

Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia giao dịch dân sự, đảm bảo trật tự xã hội và không thể ra khiếu kiện của người dân đối với TP, HĐXX giao TP.HCM tiếp tục triển khai dự án. Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị làm rõ việc cấp đất của cơ quan chức năng ở TP.HCM, Đà Nẵng. Nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm.

THỦ ĐOẠN PHẠM TỘI CỦA VŨ NHÔM

Thủ đoạn phạm tội tinh vi của Vũ 'nhôm'

Chiều 30/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nova Bắc Nam 79; cựu Thượng tá, Phó Trưởng phòng Tổng cục V, Bộ Công an) và 4 đồng phạm.

Trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên tịch thu 7 bất động sản để sung quỹ Nhà nước, đồng thời không trả lại số tiền mà Phan Văn Anh Vũ đã nộp để mua 7 bất động sản này.

Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

7 bất động sản này bao gồm: Nhà, đất tại số 319 Lê Duẩn (phường Tân Chính, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng); Nhà đất tại số 16 Bạch Đằng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng); Khu đất tại đường Ngô Quyền (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng); Dự án Vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến Khu Du lịch Bến Thành Non Nước, đường Trường Sa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng); Nhà, đất tại số 15 Thi Sách (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh); Nhà, đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh); Nhà, đất tại số 129 Pasteur (Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo Hội đồng xét xử, tuy 7 bất động sản nói trên thuộc quyền quản lý của Bộ Công an, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND thành phố Đà Nẵng nhưng các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chức vụ được giao và thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ trong quá trình thực hiện trách nhiệm quản lý công sản, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước. Lãnh đạo UBND và các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, tài sản gắn liền trên đất cho công ty do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Do đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố hai vụ án (tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh), khởi tố bị can về các tội danh Vi phạm các quy định về quản lý đất đai và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, các vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Hội đồng xét xử xác định đây là tài sản được hình thành từ quyết định bất hợp pháp; không phục vụ đúng mục đích nêu trong văn bản đề nghị của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Tổng cục V (Bộ Công an) nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước. 

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ cùng các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Mặc dù khi nhận quyền sử dụng đất đối với 7 bất động sản, Phan Văn Anh Vũ đều phải nộp tiền theo các mức giá nêu trong nội dung vụ án. Song, việc bị cáo lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong để được nhận quyền sử dụng đất không thông qua đấu giá và tìm mọi cách để giảm mức tiền phải nộp (giảm đơn giá, giảm hệ số sinh lợi, đóng tiền một lần để được giảm phần trăm…) nên thực tế, số tiền bị cáo đã nộp khi nhận quyền sử dụng đất và thuê đất thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực. Những hành vi nêu trên của bị cáo Vũ thể hiện thủ đoạn lợi dụng chức vụ của mình để vụ lợi cá nhân, hành vi nộp tiền của bị cáo cũng là một trong những thủ đoạn phạm tội rất tinh vi của bị cáo. Do đó, các bất động sản này bị tịch thu sung quỹ Nhà nước nhưng Vũ không được trả lại số tiền đã nộp.

Ngoài ra, Tòa cấp sơ thẩm cũng tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 250 tỷ đồng tiền gốc và hơn 18 tỷ đồng tiền lãi từ khoản tiền 280 tỷ đồng Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 cho Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam vay. Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam có trách nhiệm thi hành nội dung này.

Đồng thời, Tòa còn tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền của Phan Văn Anh Vũ, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Chấn Phong trong các tài khoản tại một số ngân hàng; Tịch thu số tiền hơn 1,3 tỷ đồng của Phan Văn Anh Vũ đang lưu giữ tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Tòa tuyên truy thu sung quỹ Nhà nước số tiền Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính hơn 5,8 tỷ đồng, trong đó số tiền 540 triệu đồng do Công ty V.I.C thực hiện thay Phan Văn Anh Vũ.

Về trách nhiệm dân sự đối với những người có liên quan đến các bất động sản bị tịch thu, Tòa giao cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quản lý thực hiện dự án 129 Pasteur, Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa cũng lưu ý ưu tiên Công ty Madison, Novahome Madison và 114 khách hàng được tiếp tục thực hiện các quyền của mình theo mức thỏa thuận phù hợp với pháp luật và giá cả thị trường.

Bên cạnh đó, Tòa cho phép các cá nhân, tổ chức liên quan đến các dự án đã chuyển nhượng, cho thuê được giành quyền khởi kiện bằng vụ kiện khác, gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pizza Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn V.I.C, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Madison, Công ty Cổ phần Novahome Madison, Công ty Cổ phần đầu tư Peak View, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định…

Kim Anh – Nguyễn Cúc (TTXVN

HOÀNG CÔNG LƯƠNG LĨNH 42 THÁNG TÙ

Bị cáo Hoàng Công Lương bị tuyên phạt 42 tháng tù

HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo Hoàng Công Lương gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tính mạng và sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, do đó đã tuyên phạt bị cáo Lương 42 tháng tù...

Các bị cáo tại phiên xét xử

Sau 5 ngày nghị án, chiều ngày 30/1, TAND TP Hòa Bình đưa ra phán quyết đối với Hoàng Công Lương và 6 bị cáo vụ chạy thận nhân tạo làm chết 9 người tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Theo cáo buộc, sau khi ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Đỗ Anh Tuấn đại diện cho Công ty Thiên Sơn, đã đề nghị Bùi Mạnh Quốc sửa chữa hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn axit.

Không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng Trần Văn Sơn vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.

Ngày 29/5/2017, Hoàng Công Lương không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên mà ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. Hậu quả khiến 9 người tử vong và nhiều người nguy hiểm đến tính mạng.

Một tháng sau, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã vào cuộc điều tra và kết luận Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - đơn vị ký hợp đồng súc rửa hệ thống lọc nước RO - không tuân thủ đúng quy trình, khiến hàm lượng Florua còn tồn trong hệ thống cao gấp 245-260 lần so với mức cho phép.

Liên quan đến vụ việc, ba bị can sau đó bị truy tố, gồm: Bác sĩ Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) tội “Vô ý làm chết người”.

Tại phiên tòa xét xử 3 bị cáo hồi tháng 6/2018, TAND TP.Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để điều tra làm rõ chứng cứ buộc tội và gỡ tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương.

Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố thêm 2 bị can trong vụ án gồm ông Hoàng Đình Khiếu và ông Trần Văn Thắng. Hai bị can cùng bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đến cuối tháng 8/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với bác sĩ Hoàng Công Lương từ tội “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thành tội “vô ý làm chết người”.


Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên xét xử, HĐXX nhận định, Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được giao phụ trách về chuyên môn tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Bị cáo đã được đào tạo, được cấp chứng nhận về kỹ thuật lọc máu bằng lọc thận nhân tạo.

Bị cáo Hoàng Công Lương nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng nước sử dụng cho việc chạy thận. Bị cáo cũng nhận thức rõ, ngày 28/5/2017, hệ thống nước RO số 2 được sửa chữa. Theo quy chế Khoa lọc máu, bị cáo không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước dùng cho chạy thận.

Tuy nhiên, sáng 29/5, trước khi ra y lệnh chạy thận, bị cáo chưa được ai bàn giao, chưa được người có thẩm quyền thông báo và chưa biết hệ thống nước đã bảo đảm an toàn cho việc chạy thận hay chưa. Khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên Điệp thông báo, bị cáo Lương đã tin tưởng và ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân như những lần trước đó dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi của Hoàng Công Lương gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tính mạng và sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo phải thấy trước được hậu quả trước khi ra y lệnh khi chưa kiểm tra chất lượng nguồn nước.

HĐXX cũng đánh giá, cáo trạng truy tố Hoàng Công Lương về tội Vô ý làm chết người là có căn cứ, đúng người đúng tội.

Kết thúc phiên xét xử, TAND TP Hòa Bình tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn cùng mức án 42 tháng tù; Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn cùng 30 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng cùng 36 tháng tù. Riêng Bùi Mạnh Quốc 54 tháng tù.

Về sai phạm xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, HĐXX kiến nghị khởi tố vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra.

HĐXX cũng kiến nghị khởi tố bác sĩ Hoàng Công Tình (chú ruột Hoàng Công Lương) để làm rõ dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

P.Mai

Vụ phóng viên tống tiền 70.000 usd: BẮT THÊM MỘT TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP

Bắt thêm nghi phạm vụ phóng viên tống tiền 70.000 USD

(PLO)- Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ thêm một đồng phạm của cựu nữ phóng viên công tác tại báo Thương hiệu và Công Luận có hành vi tống tiền doanh nghiệp 70.000 USD.

Ngày 30-1, liên quan đến vụ án cựu nữ phóng viên của báo Thương hiệu và Công luậntống tiền doanh nghiệp với số tiền lên tới 70.000 USD, CQĐT công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Ngô Văn Tuấn (46 tuổi, trú tại TP Bắc Giang).

Cựu nữ PV Đào Thị Thanh Bình tại cơ quan công an. Ảnh: Báo Bắc Giang

Thời điểm bị bắt giữ, ông Tuấn là trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp thuộc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định ông Tuấn có dấu hiệu tham gia, giúp sức cho Đào Thị Thanh Bình (cựu nữ phóng viên của báo Thương hiệu và Công luận) cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Trước đó, vào chiều 18-12-2018, lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt quả tang khi bà Bình có hành vi cưỡng đoạt số tiền 70.000 USD của ông Tăng Duệ Bằng (51 tuổi, Giám đốc đối ngoại Công ty Luxshare - Ici Việt Nam).

Việc bắt giữ được tiến hành ngay tại trụ sở của báo Thương hiệu Và Công luận ở đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Ngoài thu giữ 70.000 USD là số tiền tang vật mà bà Bình cưỡng đoạt, công an còn thu giữ một CPU để phục vụ điều tra làm rõ các tình tiết liên quan.

Công an xác định bà Bình đề xuất với ban biên tập về việc thu thập thông tin, viết bài về khu nhà ở của công nhân tại Công ty Luxshare - Ici Việt Nam. Cơ quan này viết giấy giới thiệu cho bà Bình đến gặp công ty, Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu.

Tiếp đó, ngày 20-12, bà Bình bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội cưỡng đoạt tài sản.

Mở rộng điều tra, CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Nhâm, người có vai trò môi giới trong vụ án.

Theo đó, trong quá trình làm việc, Công ty Luxshare - Ici Việt Nam đề nghị Đào Thị Thanh Bình bỏ qua vụ việc vi phạm của mình và hỏi chi phí là bao nhiêu. Bà Bình đã yêu cầu công ty này làm việc với Nhâm.

Nhâm yêu cầu Công ty Luxshare - Ici Việt Nam phải đưa 100.000 USD để không đưa vi phạm lên báo. Sau gần hai tháng “mặc cả”, Bình đã đồng ý với mức chi phí không đăng bài viết là 70.000 USD và hẹn Công ty Luxshare - Ici Việt Nam giao tiền tại Hà Nội.

T.PHAN

Vụ Vũ Nhôm: CỰU TRUNG TƯỚNG CÔNG AN TRẦN VIỆT TÂN NÓI LỜI CUỐI TRƯỚC TÒA

Sáng nay 30/1/2019, tại phiên xét xử vụ án Vũ Nhôm, bị cáo Trần Việt Tân, cựu thứ trưởng Bộ Công an, cho biết bản thân bị cáo rất đau xót khi đứng trước phiên tòa này. 

Ông Tân nói: "Bị cáo xin nhận trách nhiệm là người thủ trưởng cơ quan, khi làm thứ trưởng không nắm và bao quát được hết công việc, trong đó có những người anh em, đồng đội ngồi tại phiên tòa với tư cách bị cáo".

"Theo cáo trạng của VKS, bản thân tôi phạm tội đến đâu thì nhận chứ không đổ cho bất cứ anh em nào khác. Mong HĐXX khi nghị án xem xét cho tất cả các bị cáo, xử có tình có lý"- bị cáo Tân kết thúc lời nói sau cùng

Liệu còn gì nữa không nhỉ.

Phiên tòa xử Vũ Nhôm: CỰU THỨ TRƯỞNG CÔNG AN BÙI VĂN THÀNH NÓI LỜI CUỐI

Trong phiên xét xử vụ Vũ Nhôm, sáng 30/1/2019 cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành được nói lời sau cùng trước khi HĐXX đưa ra phán quyết vào chiều cùng ngày.

Cựu thứ trưởng bị cáo Bùi Văn Thành cho rằng bản thân nguyên là Thứ trưởng giai đoạn 2014-2018, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, dù đã có cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn có sai phạm, dẫn đến việc hôm nay phải đứng trước toà.

Ông Thành cảm ơn VKS, cơ quan điều tra, quá trình làm việc đã đối xử rất đúng mực với bị cáo. Qua đó, giúp bị cáo thành tâm nhận ra những thiếu sót, sai phạm đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.

"Sau 42 năm công tác, tôi có thời gian thực sự mất ăn mất ngủ. Ba ngày diễn ra phiên toà, tôi thấy phiên toà diễn ra công khai, rõ ràng. Với bản thân tôi được giải toả, thành tâm tôi nhận thấy những sai phạm của mình" - cựu thứ trưởng Thành nói.

Trước khi HĐXX nghị án và quyết định hình phạt, ông Thành xin HĐXX xem xét. "Tôi đã nhận thấy sai phạm của mình, điều đau khổ, day dứt nhất là vụ án đã mang lại những hậu quả không chỉ về vật chất, ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, rất đau xót, và làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Tôi tự nhận thấy và hiểu rằng, hình phạt nặng nhất chính là đứng ở phiên toà hôm nay ở vị trí bị cáo. Cái lớn nhất của con người là mất danh dự" - bị cáo Thành trình bày.

Ông Thành xin HĐXX, VKS xem xét đánh giá nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án và một chút đóng góp suốt 42 năm qua của bị cáo, nhân thân, tình trạng sức khoẻ…. Để từ đó có phán quyết phù hợp với chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước.

Nhận tội là tốt. Ăn năn cũng là tốt. Nhưng phải thành tâm đấy.

Venezuela: TỔNG THỐNG TỰ XƯNG JUAN GUAIDO BỊ CẤM XUẤT CẢNH VÀ CÓ THỂ BỊ BẮT

Khoai@ - Suốt gần nửa tháng nay, chính trường Venezuela trở nên căng thẳng sau khi ông Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử.

Hôm qua, 29/1/2019, Tòa án Tối cao Venezuela đã ra lệnh cấm xuất cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản đối với ông Juan Guaido - thủ lĩnh phe đối lập, người tự xưng là Tổng thống lâm thời của Venezuela.

Theo đó, ông Guaido sẽ bị cấm rời khỏi Venezuela cho đến khi kết thúc cuộc điều tra sơ bộ với các cáo buộc nhằm vào ông này.

Trước đó cùng ngày, Tổng Công tố Venezuela Tarek William Saab đã kiến nghị Tòa án Tối cao mở một cuộc điều tra sơ bộ đối với ông Guaido với cáo buộc tiếm quyền hành pháp khi tự xưng là “Tổng thống lâm thời”.

Ông William Saab cũng yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với ông Guaido, trong đó có việc cấm rời khỏi đất nước và phong tỏa tài khoản ngân hàng cũng như tài sản của nhân vật này.

Ông Guaido được hưởng quyền miễn trừ điều tra tội phạm, và chỉ Tòa án tối cao mới được phép tước bỏ quyền này.

Chính trường Venezuela trở nên căng thẳng sau khi ông Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử.

Luật sư Frangie cho biết tòa án tối cao Venezuela đủ cơ sở để cách chức và phát lệnh bắt Guaido cùng những người ủng hộ vì tội phản quốc.

"Ông Guaido chống lại hiến pháp, liên hệ với Mỹ và đề nghị họ can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia. Ở Venezuela đây là tội phản quốc, tội danh này đủ để tòa án tối cao cách chức và bắt giữ Guaido cùng những người ủng hộ ông ta", Sputnik hôm nay dẫn lời luật sư Isabel Frangie, thành viên Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV), đề cập đến việc chủ tịch quốc hội Venezuela Juan Guaido tự xưng là "tổng thống lâm thời".

"Văn phòng Tổng công tố Venezuela đang trong quá trình ban hành lệnh bắt giữ Juan Guaido, tuy nhiên Tổng thống Nicolas Maduro tạo cơ hội cho các bên đối thoại trên bàn đàm phán. Có lẽ đây là lý do lệnh bắt giữ đươc tạm hoãn", theo Frangie.

Xung đột giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập bùng phát vào ngày 23/1 khi Chủ tịch Quốc hội Guaido tự xưng là "tổng thống lâm thời", động thái được Mỹ và nhiều đồng minh ủng hộ. Tổng thống Maduro cáo buộc Mỹ dàn dựng một cuộc đảo chính tại Venezuela và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Mỹ, Canada và nhiều quốc gia Mỹ Latin công nhận Guaido là "tổng thống lâm thời" của Venezuela. Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha khẳng định sẽ công nhận Guaido là "tổng thống lâm thời" nếu cuộc bầu cử mới không được tổ chức tại Venezuela trước ngày 3/2.

Nga tuyên bố chỉ công nhận Maduro là tổng thống được bầu hợp pháp của Venezuela và sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho chính phủ và phe đối lập. Cuba, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và một số quốc gia khác cũng ủng hộ Maduro là tổng thống hợp pháp của Venezuela.