Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Vnexpress: TRUNG QUỐC DỰ LIỆU ĐÚNG VỀ LIÊN XÔ KHI TẤN CÔNG VIỆT NAM NĂM 1979

Thực tình tôi chưa đồng ý nhiều nội dung trong bài, tuy nhiên cũng xin đăng lại từ Vnexpress để anh chị em tham khảo:

'Trung Quốc dự liệu đúng về Liên Xô khi tấn công Việt Nam năm 1979'

Lãnh đạo Bắc Kinh phán đoán Liên Xô không mạo hiểm huy động lực lượng lớn đánh trả Trung Quốc, dù Việt - Xô quan hệ khăng khít.

Cách đây 40 năm (17/2/1979), Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, gây nhiều đau thương cho người dân. VnExpress có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Giáo sư Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng về những mưu toan của Bắc Kinh khi gây chiến.

- Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc rạn nứt từ thời điểm nào, thưa ông? 

- Để hiểu rõ hơn, cần đặt mối quan hệ Việt - Trung trong mối quan hệ cũng như tính toán chiến lược giữa các nước lớn. Cụ thể là giữa Việt Nam - Trung Quốc; Liên Xô - Trung Quốc và Liên Xô - Mỹ. 

Giai đoạn 1950-1964 được coi là thời kỳ "trăng mật" của quan hệ Việt - Trung. Hai nước là láng giềng gần gũi, hữu nghị truyền thống, chung ý thức hệ, chung nhu cầu đảm bảo an ninh quốc gia. Vì thế Trung Quốc là nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Việt Nam cũng luôn ủng hộ đường lối đối ngoại của Trung Quốc, tuy không ký kết bất kỳ hiệp định đồng minh chính thức nào. 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân. Ảnh: Gia Chính

Dù vậy, Bắc Kinh luôn giữ tư tưởng bề trên. Luôn nói "không gây sức ép về chính trị, kinh tế thông qua viện trợ", nhưng Trung Quốc lại muốn Việt Nam thừa nhận vai trò lãnh đạo của nước này với phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực và thế giới. 

Từ giữa thập niên 1960, Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai mâu thuẫn, đối đầu toàn diện. Để tránh Việt Nam đứng về phía Trung Quốc, Liên Xô tìm cách lôi kéo Việt Nam. 

Trung Quốc muốn Việt Nam chỉ đánh du kích có giới hạn chống Mỹ, để họ dễ bề điều khiển, phục vụ ý đồ bắt tay với Mỹ. Trong khi Việt Nam muốn thống nhất đất nước. Việt Nam cũng muốn trực tiếp đàm phán với Mỹ, không qua trung gian và đã đàm phán từ năm 1968. Còn Trung Quốc thì phản đối, muốn Việt Nam tiếp tục chiến tranh đến khi Mỹ chấp nhận thua cuộc mới đàm phán.

Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon tới Bắc Kinh và Trung - Mỹ ra thông cáo chung. Có ý kiến coi hành động này là sự phản bội của Trung Quốc. Cùng với đó, Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đàm phán với Mỹ. 

Năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) trong sự làm ngơ của Mỹ. Một năm sau, Việt Nam và Liên Xô ra Tuyên bố Việt - Xô, xác định quan hệ toàn diện giữa hai Đảng. Tháng 11/1978, Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác. Cùng năm đó, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) và được Liên Xô gọi là "tiền đồn đáng tin cậy của các nước XHCN ở Đông Nam Á".

Cuối năm 1978, Liên Xô ký thỏa thuận với Việt Nam về việc xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật tại Cam Ranh trong 25 năm. Theo đó, Cam Ranh trở thành nơi tiếp nhận tàu chiến, tàu ngầm, tàu hộ tống, máy bay trinh sát, vận tải và máy bay mang tên lửa thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Việt - Xô gần gũi và thân thiết bao nhiêu, thì lãnh đạo Trung Nam Hải lúc ấy tức tối bấy nhiêu. 

Sau năm 1975, Trung Quốc tăng cường viện trợ cho Pol Pot ở Campuchia, đây cũng là khoảng thời gian đội quân này mạnh tay tàn sát dân lành Việt Nam dọc biên giới Tây Nam, đẩy mâu thuẫn hai nước thêm gay gắt. 

Khi Việt Nam đưa quân phản kích Pol Pot, giúp nhân dân Chùa Tháp thoát khỏi nạn diệt chủng thì quan hệ Việt - Trung lao dốc.

- Tam giác quan hệ Xô - Trung - Mỹ ảnh hưởng ra sao đến việc Bắc Kinh quyết định tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam?

- Đầu thập niên 1970, lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi chiến lược toàn cầu chống Liên Xô, dựa trên cơ sở hướng tới hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên thời điểm này Washington không hưởng ứng. Trung Quốc tin rằng lý do là Mỹ đang quan tâm hơn đến chính sách hoà dịu với Liên Xô.

Khi Trung Quốc lập liên minh chống Liên Xô, Việt Nam phản đối. Trung Quốc giảm mạnh viện trợ và đến năm 1978 thì cắt toàn bộ. Một trong những điều kiện để Trung Quốc nối lại viện trợ là Việt Nam phải từ chối tất cả các khoản viện trợ của Liên Xô. Trước việc Việt Nam quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô, Trung Quốc gọi Việt Nam là "tiểu bá", còn Liên Xô là "đại bá".

Đặc biệt sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (ngày 27/1/1973), quan hệ Trung - Xô - Việt phức tạp hơn, lợi ích và xung đột về kinh tế, chính trị đan xen, rạn nứt Việt - Trung ngày càng rõ nét. 

Ngày 1/11/1977, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc gọi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất và coi Mỹ là đồng minh. Đầu tháng 4/1978, Liên Xô tuyên bố sẽ triển khai trên tuyến biên giới các hệ thống vũ khí mới. Mặt khác, Liên Xô cố gắng kéo dài hiệp ước hữu nghị, hợp tác Xô - Trung ký năm 1950 nhưng Trung Quốc tuyên bố chấm dứt sớm một năm. 

Đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố khả năng một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên Xô và tập trung 1,5 triệu quân dọc biên giới hai nước. Ngược lại, Liên Xô triển khai hơn 40 sư đoàn, thường xuyên tập trận bắn đạn thật. 

Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (trái) và Tổng thống Jimmy Carter tại Nhà Trắng năm 1979. Ảnh: AFP

Trung Quốc tin rằng Liên Xô và Việt Nam đang phối hợp để đe doạ nước này, nhất là Việt Nam cho Liên Xô sử dụng cảng Cam Ranh. Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng khó chịu vì nỗ lực của Việt Nam trong việc thiết lập quan hệ đặc biệt với Lào và hợp tác toàn diện với Campuchia. Thậm chí, Bắc Kinh cho rằng Liên Xô hậu thuẫn Việt Nam đưa quân vào đánh đuổi Pol Pot, giải phóng Campuchia. Vậy nên dưới góc nhìn của Trung Quốc, Việt Nam là mối đe doạ quân sự nghiêm trọng, cần thiết phải phát động cuộc chiến tranh "trừng phạt". 

- Cuộc xâm lược dưới danh nghĩa "trừng phạt" đó được lên kế hoạch như thế nào?

- Khi bàn kế hoạch tấn công Việt Nam, Trung Quốc đã tính toán kỹ các khả năng Liên Xô có thể đáp trả. Họ nhận định Liên Xô sẽ không mạo hiểm huy động lực lượng lớn để tấn công Trung Quốc song có thể xúi giục các phần tử dân tộc thiểu số lưu vong tấn công các vùng xa xôi như Nội Mông, Tân Cương hoặc gây đụng độ nhỏ kích động căng thẳng ở biên giới. 

Các lãnh đạo Trung Quốc phán đoán cuộc tấn công Việt Nam chớp nhoáng, có giới hạn sẽ không đủ để kích thích Liên Xô can thiệp trực tiếp hay quốc tế phản đối. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn di tản dân gần đường biên và lệnh các đơn vị quân đội ở biên giới với Liên Xô sẵn sàng chiến đấu.

Việc tấn công Việt Nam còn để Bắc Kinh thăm dò khả năng giúp đỡ của Liên Xô và khả năng phòng thủ của Việt Nam khi là thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Đến nay nhìn lại, cần thừa nhận rằng Trung Quốc đã dự liệu đúng phản ứng của Liên Xô.

Đối với Mỹ, thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam là một chấn thương nặng nề mà họ đang ôm trong lòng. Đồng thời, Mỹ muốn tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để tạo thế cân bằng trước Liên Xô. 

Trung Quốc nhận thấy điều đó nên hy vọng bình thường hoá quan hệ với Mỹ sẽ cải thiện vị trí chiến lược của nước này, tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách kinh tế. Xa hơn, đánh Việt Nam, Trung Quốc sẽ thuyết phục Mỹ rằng hai nước có lợi ích chung và sẵn sàng hợp tác chống Liên Xô.

Vì vậy, Trung Quốc lựa chọn thời điểm tấn công Việt Nam ngay sau chuyến công du Mỹ của Đặng Tiểu Bình. 

- Còn vấn đề Hoa kiều thì sao thưa ông?

- Tháng 4/1978, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, ít nhiều liên quan tới người Hoa là thương nhân, nhà sản xuất, tiểu thủ công nghiệp... Đây là công việc đối nội của Việt Nam, nhưng Trung Quốc coi là sự thách thức với chính sách bảo vệ Hoa kiều của Bắc Kinh. Phong trào đòi lấy quốc tịch Trung Quốc trong người Hoa ở Việt Nam nổi lên. Trung Quốc loan tin trong cộng đồng người Việt gốc Hoa về cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa hai nước, khiến cộng đồng người Hoa hoảng hốt.

Năm 1978, người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc. Đến tháng 2/1979, đã có khoảng 160.000 Hoa kiều hồi hương từ Việt Nam bằng đường biển hoặc đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị. 

Trung Quốc lập các trạm đón tiếp dọc biên giới và đưa tàu sang đón người Hoa về. Ngày 12/7/1978, Trung Quốc đóng cửa biên giới với Việt Nam, làm cho hàng vạn người Hoa muốn về Trung Quốc bị kẹt tại biên giới.

Đặng Tiểu Bình lấy cớ cho rằng Hà Nội "vong ơn, bội nghĩa" tạo thêm sức ép cho quyết định tấn công Việt Nam.

- Cuộc phản công Pol Pot của Việt Nam ở biên giới Tây Nam ảnh hưởng ra sao đến kế hoạch của Bắc Kinh?

- Theo tài liệu của Trung Quốc, tháng 9/1978, Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã họp bàn về vấn đề xung đột biên giới với Việt Nam. Lúc đầu, Bắc Kinh dự định tiến hành chiến dịch quy mô nhỏ nhằm vào một trung đoàn bộ đội địa phương huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam nằm sát đường biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi có tin Việt Nam sắp phản công tự vệ ở biên giới Tây Nam và tiến công Pol Pot ở Campuchia, thì đa số giới lãnh đạo Bắc Kinh đặt quyết tâm, bất kỳ hành động quân sự nào cũng phải gây ảnh hưởng đáng kể với Hà Nội và tình hình Đông Nam Á. Họ chủ trương tiến công các đơn vị quân chính quy của Việt Nam trên địa hình rộng lớn. 

Riêng Đặng Tiểu Bình nhìn thấy cả thách thức lẫn cơ hội trong mối quan hệ khó khăn với Việt Nam và cho rằng cách giải quyết tốt nhất là hành động quân sự. Tháng 1/1978, trong chuyến thăm chính thức Thái Lan, Malaysia, Singapore nhằm dò xét và tìm sự hậu thuẫn, Đặng tuyên bố sẽ tiến công Việt Nam nếu nước này tiến vào Campuchia. Trong chuyến thăm này, Đặng tuyên bố với báo giới "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học". Hôm sau, báo chí Trung Quốc rút gọn thành "phải dạy cho Việt Nam bài học".

Ngày 7/12/1978, Hội nghị Quân uỷ Trung ương Trung Quốc họp và quyết định phát động "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam". "Mệnh lệnh triển khai chiến lược" được ban hành một tháng sau đó, nêu rõ mục đích cuộc chiến là "chi viện cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia chống Việt Nam xâm lược".

- Bắc Kinh đã tính toán như thế nào khi huy động 600.000 quân trong cuộc tấn công xâm lược này thưa ông?

- Lúc đầu Bắc Kinh dự tính sử dụng 6 quân đoàn chủ lực đánh 3-5 ngày vào một số huyện biên giới, tiêu diệt một đến hai sư đoàn Việt Nam. Ngày 31/12/1978, Quân ủy Trung Quốc lại họp hội nghị tác chiến, quyết định mở rộng quy mô chiến tranh, tăng thêm 3 quân đoàn, đổi mục tiêu tấn công huyện lỵ thành các tỉnh lỵ biên giới; thời gian kéo dài lên 15-20 ngày, nhằm tiêu diệt 3 đến 5 sư đoàn Việt Nam. 

Sự chuẩn bị của Bắc Kinh diễn ra khá lâu trước khi quân đội Việt Nam vượt sông Mê Kông đã chứng minh rõ ràng việc Trung Quốc rêu rao "trả đũa" Việt Nam tiến quân vào Campuchia chỉ là cái cớ. Từ lâu, Trung Quốc vẫn giữ tư tưởng bá quyền nước lớn, ngấm ngầm tìm cách đánh Việt Nam. 

Trung Quốc coi cuộc chiến chống Việt Nam là phép thử với quan hệ Xô - Việt và lôi kéo Mỹ cùng chống lại Liên Xô. Đó mới là lý do sâu xa của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979.

- Việt Nam đã ứng phó ra sao trước âm mưu và hành động của Bắc Kinh?

- Đối phó lại việc Trung Quốc tập trung bộ binh và vũ khí hạng nặng tại biên giới, Việt Nam tăng cường chuẩn bị các vị trí phòng ngự, sẵn sàng cho cuộc chiến. 

Lúc đó ở ta cũng có ý kiến tự hào vì được trang bị vũ khí của Liên Xô và của Mỹ thu hồi được, hơn hẳn trang bị của quân đội Trung Quốc. Tuyên bố của Đặng Tiểu Bình chỉ một tuần trước khi nổ súng, rằng chiến dịch quân sự này sẽ "giới hạn về không gian và thời gian" khiến có người tin tưởng khả năng cầm chân quân Trung Quốc ở biên giới chỉ bằng dân quân và bộ đội địa phương. 

Chúng ta đã huấn luyện và trang bị vũ khí hạng nhẹ cho dân quân các tỉnh biên giới. Ngày 1/1/1979, các lực lượng vũ trang biên giới được lệnh chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Ngày 15/2/1979, ngoại trừ các xã biên giới và một vài đơn vị, các lực lượng trên tuyến một được lệnh hạ cấp xuống trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Một số đơn vị cho một phần bộ đội về trạng thái sinh hoạt bình thường, điều chỉnh lại đội hình.

Ngày 12/2/1979, Quân uỷ Trung ương Trung Quốc ra mệnh lệnh tấn công Việt Nam vào sáng 17/2.

Sáng sớm hôm đó, Trung Quốc huy động 29 sư đoàn bộ binh thuộc 9 quân đoàn chủ lực ồ ạt tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam. Cùng ngày, Nhân dân Nhật báo đăng bài "Không thể nhẫn chịu, thật không thể nhẫn chịu - báo cáo từ biên giới Trung-Việt" như cách công bố với thế giới Bắc Kinh đã tấn công Việt Nam. 

Trung Quốc còn thâm độc khi lựa chọn tấn công vào ngày Thứ Bảy. Khi đó, các phương tiện truyền thông còn khá lạc hậu, nên phải đến đầu tuần sau thông tin chi tiết về cuộc chiến cũng như phản ứng của Việt Nam mới được thế giới biết đến rộng rãi. 

Viết Tuân

NỢ CÔNG QUỐC GIA VƯỢT NGƯỠNG 22.000 TỈ, NƯỚC MỸ ĐỐI MẶT VỚI HIỂM HỌA GÌ?

Nợ quốc gia lần đầu vượt ngưỡng 22.000 tỉ USD, nước Mỹ đối mặt hiểm họa gì?

Nợ quốc gia của Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 22.000 tỉ USD sau khi vượt ngưỡng 21.000 tỉ USD chưa đầy một năm trước. 

Theo số liệu mới được Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm qua 12/2, nợ quốc gia nước này lần đầu lên mức kỉ lục 22.013 tỉ USD.

Tổ chức theo dõi ngân sách Peterson Foundations cho biết nợ quốc gia của Mỹ tăng thêm 1.000 tỉ USD trong 11 tháng qua và gọi đây là “dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình tài khóa của chúng ta đang không bền vững và có chiều hướng xấu đi nhanh chóng”.

Nợ quốc gia của Mỹ liên tục tăng cao trong nhiều năm. Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ, Bloomberg.

Theo Judd Gregg và Edward Rendell, đồng chủ tịch của tổ chức theo dõi nợ Campaign to Fix the Debt: “Dấu mốc này là một thông tin buồn về khối nợ lớn không tưởng mà các nhà lãnh đạo đã tích tụ và để lại cho thế hệ mai sau”.

Thâm hụt ngân sách tăng nhanh trong thời gian ông Donald Trump làm Tổng thống, chủ yếu do chính sách cắt giảm thuế của Đảng Cộng hòa, chính sách tăng chi tiêu công của cả hai đảng, đà tăng của các chương trình phúc lợi có từ trước như bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách nước này sẽ vượt 1.000 tỉ USD vào năm 2020 nếu tình trạng thu chi hiện nay tiếp diễn. Để có tiền bù đắp con số thâm hụt ngân sách khổng lồ, nước Mỹ đã phải vay nợ rất lớn.

Tính đến tháng 10/2018, Trung Quốc là chủ nước ngoài nợ lớn nhất của Mỹ với số tiền cho vay khoảng 1.140 tỉ USD. Ngay sau Trung Quốc là Nhật Bản với 1.023 tỉ USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Brazil, Ireland và Vương quốc Anh.

Các tổ chức nghiên cứu về ngân sách cảnh báo nợ quốc gia cao có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế

Ông Michael A. Peterson, CEO của Peterson Foundation cho rằng: “Khối nợ quốc gia ngày càng lớn là rất đáng lo ngại vì nó đe dọa tương lai kinh tế của mỗi người dân Mỹ”.

Ông nói thêm “Chúng ta cứ vay hàng nghìn, hàng nghìn tỉ USD và chi phí lãi vay sẽ đè nặng lên nền kinh tế, khiến chúng ta khó tìm được nguồn vốn để đầu tư các dự án quan trọng cho tương lai. Hiện nay chúng ta đang trả trung bình khoảng 1 tỉ USD tiền lãi vay mỗi ngày và trong cả thập kỉ sắp tới, chúng ta sẽ phải trả con số khổng lồ 7.000 tỉ USD tiền lãi”.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội cũng ước tính chi phí trả nợ của Mỹ sẽ vượt chi tiêu cho quốc phòng vào năm 2025.

Nguồn: Peterson Foundation. Việt hóa: Kiên Dương.

22.000 tỉ USD lớn cỡ nào?

Theo thông tin từ trang Usdebtclock.org, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ hiện ở mức gần 21.000 tỉ USD. Như vậy, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã vượt GDP của nước này. Tuy nhiên, nợ công của Mỹ hiện mới tương đương 69,7% GDP

Con số 22.000 tỉ USD còn tương đương với GDP của ba nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Nhật Bản và Đức cộng lại.

Nợ quốc gia, GDP và tỉ lệ nợ công/GDP của một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Nguồn: usdebtclock.org.

Con số 22.000 tỉ USD cao gấp 1,8 lần tổng số tiền gửi trong tất cả ngân hàng tại Mỹ.

Trong số 22.000 tỉ USD này, 16.100 tỉ USD được vay từ bên ngoài, cụ thể là các nhà đầu tư Mỹ (chiếm 60%) và nhà đầu tư nước ngoài (40%); 5.900 tỉ USD là do các cơ quan chính phủ vay lẫn nhau.

Nếu hộ gia đình Mỹ góp 1.000 USD mỗi tháng để trả nợ quốc gia thì cũng phải mất gần 11 năm mới trả hết.

Con số nợ quốc gia này tương đương 126.000 USD/hộ gia đình, hay 49.000 USD/người.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

40 NĂM CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM: CUỘC CHIẾN TRANH BẮT BUỘC

40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam: Cuộc chiến tranh bắt buộc

Lưu Nhi Dũ

Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn Xe tăng và Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 tấn công giải phóng Phnom Penh Ảnh: TƯ LIỆU QUÂN ĐOÀN 4

Trước khi tập trung 10 sư đoàn tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam ngày 23-12-1978, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Xari đã thực hiện rải rác các vụ sát hại người Việt, bộ đội Việt Nam và chống phá ta từ năm 1972

Đối với người trong cuộc, nhất là người hoạt động cách mạng ở miền Tây Nam Bộ trước năm 1975, thông tin trên không mới nhưng với công luận thì bất ngờ vì cứ ngỡ Pol Pot - Ieng Xari chống phá Việt Nam sau thời điểm đó.

Thế lực bên ngoài đằng sau Pol Pot

Trong tham luận của mình tại Hội thảo khoa học "40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979-7.1.2019)" tổ chức ở An Giang mới đây, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định thực chất Pol Pot đã tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam từ năm 1972.

"Tôi vào Quân khu 9 từ năm 1963, theo dõi kỹ nên biết tình hình này. Không phải nghiễm nhiên Pol Pot chống chúng ta mà phải có một thế lực bên ngoài đứng đằng sau mới có đủ sức" - Tướng Trà phát biểu.

Các nhà nghiên cứu chỉ rõ rằng nếu không có thế lực đó, làm sao Pol Pot - Ieng Xari có thể trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược cho 23 sư đoàn tinh nhuệ và nhiều đơn vị địa phương như vậy.

Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết năm 1972, nhiều đơn vị của Quân khu 9 sang Campuchia đã bị Pol Pot giết hại. Một bệnh viện của Sư đoàn 1 - hoạt động chủ yếu ở An Giang, Hà Tiên - tại Tà Keo cũng bị Pol Pot cho phá hủy.

Tham luận của Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết chi tiết: Từ năm 1970-1975, Pol Pot đã tiến hành một số vụ tấn công, bắt cóc bộ đội Việt Nam hoạt động trên chiến trường Campuchia.

Cụ thể, "chỉ tính 6 tháng đầu năm 1972, riêng Quân khu 203 (Quân khu Đông Nam của Campuchia) đã xảy ra 26 vụ giết bộ đội Việt Nam, 17 vụ cướp vũ khí, 385 vụ bắt cóc, 413 vụ tịch thu hàng hóa. Sáu tháng đầu năm 1973, quân Pol Pot gây ra 102 vụ, giết và làm bị thương 103 bộ đội Việt Nam, cướp hàng chục tấn lương thực, vũ khí".

Chiến trường ác liệt

Giới lãnh đạo quân sự Việt Nam không bất ngờ trước tình hình đó. Ngay sau ngày 30-4-1975, Pol Pot đã tập trung chống phá Việt Nam có hệ thống. Ngày 3-5-1975, địch xua quân chiếm đảo Phú Quốc; ngày 10-5-1975 chiếm đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà.

Đến cuối năm 1976, các cuộc tấn công của quân Pol Pot vào lãnh thổ nước ta ngày càng tăng. Chỉ tính từ ngày 30-4-1975 đến tháng 6-1977, quân Pol Pot đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam hơn 2.000 lần từ Hà Tiên đến Tây Ninh, sau đó là dọc biên giới với các tỉnh Tây Nguyên. Thậm chí, Pol Pot còn tổ chức hỗ trợ Fulro để chống phá ta từ bên trong.

Tính từ tháng 5-1975 đến ngày 23-12-1978, quân Pol Pot đã giết hại hơn 5.230 dân thường Việt Nam vô tội, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người.

Chủ trương của quân Pol Pot là "chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15 đến 20 năm; thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam".

Thực tế, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã bắt đầu từ đêm 30-4-1977, khi mà tập đoàn Pol Pot - Ieng Xari bất ngờ mở đợt tấn công đồng loạt 13 đồn biên phòng, 14 xã, thị trấn dọc biên giới của tỉnh An Giang.

Ngày 23-12-1978, Pol Pot tập trung 10 sư đoàn tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam. Đây cũng là ngày mở đầu cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc ta.

"Một cuộc chiến tranh bắt buộc" bắt đầu, như đánh giá của Đại tá Nguyễn Văn Hồng - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 - trong một tác phẩm nghiên cứu cùng tên.

Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình bằng một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được ghi vào lịch sử dân tộc, cũng là bảo vệ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pol Pot - Ieng Xari. Đến 12 giờ ngày 7-1-1979, những người lính Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 đã làm chủ hoàn toàn Phnom Penh - Campuchia.

Thực tế, người viết bài này, là bộ đội thuộc Trung đoàn 812 - Sư đoàn 309, lúc đó vẫn đang trên đường tiến hành giải phóng thị xã Koh Nhek, tỉnh Mondonkiri - hướng Đông Bắc Campuchia.

Ngoài ra, 2 sư đoàn của Quân đoàn 2 tấn công hướng An Giang vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận Phnom Penh lẫn giải phóng các quân cảng dọc biển Tây Campuchia, khi mà Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ của ta bị bao vây trong thế rất nguy kịch, bị địch tái chiếm các quân cảng.

Nhiều trận đánh cực kỳ ác liệt vẫn diễn ra khắp các chiến trường, nhất là hướng Battambang, Siem Reap - các địa phương giáp biên giới với Thái Lan, trở thành những cái túi đựng tàn quân Pol Pot.

Ngày 17-1-1979, Campuchia được giải phóng hoàn toàn. Chiến dịch giải phóng Campuchia, đánh tan tập đoàn phản động, diệt chủng Pol Pot - Ieng Xari kết thúc.

Hơn 2,7 triệu người Campuchia - số liệu của Hội đồng Mặt trận Đoàn kết Xây dựng và Bảo vệ tổ quốc Campuchia - đã chết dưới bàn tay quân Pol Pot và đất nước Campuchia đã tan hoang sau 4 năm cai trị tàn bạo của tập đoàn này.

Thế nhưng, cuộc chiến tranh chính nghĩa của bộ đội ta, của nhân dân Campuchia vẫn chưa thể kết thúc mà phải kéo dài đến năm 1989.

Cuộc chiến tranh tổng lực, hiện đại

Việt Nam bước vào cuộc chiến tranh chính nghĩa với lực lượng bao gồm một phần Quân đoàn 2, 3 và 4, nhiều lữ đoàn thiết giáp, pháo binh, công binh, đặc công, cao xạ..., nhiều sư đoàn, trung đoàn địa phương, không quân và hải quân cùng Quân đoàn 1 của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia.

Đó là một cuộc chiến tranh hiện đại, hợp đồng tác chiến các binh chủng hiệu quả. Ít nhất hai cầu không vận đã được hình thành, đưa Quân đoàn 2 từ Bình Trị Thiên vào An Giang, đưa Sư đoàn 309 từ Cù Hanh (Pleiku) vào TP HCM - Battambang.

Về phía Pol Pot, quân số lúc cao điểm lên đến 23 sư đoàn bộ binh cùng các binh chủng mạnh, lực lượng địa phương với tổng cộng 120.000 người và nhiều loại vũ khí hiện đại.

Nếu tính từ năm 1975, khi Pol Pot tấn công đảo Phú Quốc, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc ta kéo dài 14 năm.

theo Người lao động

Xe tăng Trung Quốc: "TYPE GÌ THÌ TYPE, K GÌ THI K" - ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM CHỈ CÓ MỘT KẾT CỤC LÀ TAN XÁC

Xe tăng Trung Quốc: "Type gì thì Type, K gì thì K" - Động đến Việt Nam chỉ có một kết cục là tan xác

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

Xe tăng Trung Quốc bị bắn cháy ở Cao Bằng tháng 2-1979.

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam 1979, phía Trung Quốc đã huy động tới 6 trung đoàn xe tăng thuộc các quân đoàn, quân khu Quảng Tây và Côn Minh với số lượng lên tới 550 chiếc.

Tuy nhiên, về chủng loại thì chủ yếu có 2 loại - đó là xe tăng Type 62 và xe thiết giáp chở quân K63.

Xe tăng Type 62

Xe tăng hạng nhẹ kiểu 62 (Type 62) là loại xe tăng do hãng Norinco của Trung Quốc sản xuất. Đây là một phiên bản thu nhỏ của xe tăng T-59 (1 bản sao của xe tăng T-54) nên hình dạng của nó rất giống T-54A nhưng nhỏ hơn, giáp mỏng hơn, pháo nhỏ hơn. Tên công nghiệp của nó là WZ132. Ở Việt Nam, nó được gọi là xe tăng T-58.

Tính năng chủ yếu:

Loại: xe tăng hạng nhẹ. Khối lượng: 21 tấn; Kíp chiến đấu: 4 người (Trưởng xe, lái xe, pháo thủ và nạp đạn).

Chiều dài: 7,9 m (cả pháo) hoặc 5,6 m (chỉ riêng thân xe); Chiều rộng: 2,9 m; Chiều cao: 2,3 m.

Chiều dày vỏ giáp: 35 mm (tối đa ở thân xe), 15 mm (tối thiểu ở thân xe), 50 mm ở tháp pháo.

Vũ khí chính: Pháo 85mm kiểu 62-85TC. Cơ số đạn: 47 viên.

Vũ khí phụ: Súng máy song song loại K53 cỡ 7,62mm. Cơ số đạn 2000 viên.

Súng máy cao xạ DShK 12,7mm loại 54, cơ số đạn 1.250 viên hoặc súng máy K53 cỡ 7,62mm.

Động cơ: Diesel kiểu 12150L-3 V-12, làm mát bằng nước. Công Suất: 430 mã lực (321 kW). Công suất riêng: 20,5 mã lực / tấn

Vượt chướng ngại vật - Vượt tường cao 0,8 m; Hào chống tăng: 2,85 m; Vượt dốc và đi dốc nghiêng: 30°; khả năng lội nước sâu: 1,4 m (5 m khi được trang bị một ống thở).

Tầm hoạt động: 500km; Tốc độ: 35-60km/h

Xe tăng Trung Quốc bị Sư đoàn 346 tiêu diệt ở Bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng sáng 18-2-1979.

Khi xe tăng Type-59 được sản xuất, nó đã gặp nhiều khó khăn khi hoạt động ở vùng phía nam Trung Quốc. Đây là khu vực mà địa hình bị chia cắt nhiều, chủ yếu bao gồm các dãy núi, đồi, ruộng lúa, hồ và sông ngòi mà cầu đều yếu không chịu được trọng lượng của xe tăng T-59 hay T-54.

Vì vậy, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đề nghị sản xuất một loại xe tăng có sức chiến đấu lại tương đương T-54 nhưng có thể hoạt động dễ dàng ở khu vực này.

Qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm đến năm 1963 thì việc nghiên cứu kết thúc và mẫu chính thức Type-62 ra đời, được biên chế vào quân đội TQ.

Xe tăng Type-62 sau đó cũng được xuất khẩu hoặc viện trợ cho một số quốc gia khác trên thế giới như Anbania, Bangladesh, Bắc Triều Tiên, Congo, Mali, Sudan, Tanzania, Cambodia.

Do vỏ giáp mỏng, khối lượng nhẹ hơn, lại có công suất riêng khá lớn (hơn 20 mã lực/ tấn) nên Type-62 có khả năng cơ động việt dã tương đối tốt, thích hợp với nhiều loại địa hình.

Trong khi đó, pháo 85 mm với cơ số đạn 47 viên đủ các loại đạn nổ phá sát thương, xuyên và xuyên dưới cỡ cộng với 2 khẩu đại liên trên xe cũng là một cụm hỏa lực đáng kể.

Song cũng do vỏ giáp mỏng nên khả năng phòng vệ của Type-62 khá yếu, chúng dễ dàng bị các loại đạn chống tăng B40, B41,DKZ xuyên thủng và đốt cháy. Mặt khác, do xích mỏng mảnh, bụng xe cũng mỏng nên nếu gặp mìn chống tăng sẽ bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Trong thực tế chiến đấu tại biên giới phía Bắc, các đơn vị của Việt Nam đã tiêu diệt khoảng hơn 100 xe Type-62. Đặc biệt, chỉ 1 đại đội song với lối đánh phù hợp, bộ đội ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 12 xe Type-62 trong một trận đánh tại Cao Bằng.

Với những ưu khuyết điểm như vậy, hiện tại Type 62 tuy vẫn còn được sử dụng trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cùng quân đội một số quốc gia khác song chúng đang được hiện đại hóa dần lên.

Xe thiết giáp chở quân K63

Xe thiết giáp chở quân K63 là cách gọi của Việt Nam đối với loại xe bọc thép chở quân Type 63 (tên công nghiệp YW-531) do Tổng Công ty Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc sản xuất, chính thức đi vào biên chế năm 1964. Ngoài sử dụng nội địa, xe K63 còn được xuất khẩu hoặc viện trợ cho một số nước, trong đó có Việt Nam.

Các tính năng chủ yếu:

Trọng lượng chiến đấu: 12,8 tấn. Kíp xe: 2 người (Trưởng xe và lái xe). Chiều dày vỏ thép: 14 mm.

Xe dài: 5,476 mét; Xe rộng: 2,978 mét; Xe cao: 2,510 mét và 2, 563 (tính cả súng 12, 7mm); Đáy xe cách mặt đất: 0,433 mét.

Động cơ diesel công suất 260 mã lực; Công suất riêng: 20,3 mã lực/tấn; Tốc độ lớn nhất trên cạn: 60 km/h; Tốc độ bơi lớn nhất: 6 km/h. Hành trình trên bộ: 500 km; Hành trình bơi nước: 60 km.

Khả năng vượt chướng ngại vật - Vượt tường cao: 0,6 mét; Vượt hào: 2,1 mét; Lên dốc: 32o; Xuống dốc: 30o; Đi dốc nghiêng: 25o; Dốc bến lên: 20o; Dốc bến xuống: 25o.

Vũ khí: 01 khẩu đại liên 12,7 mm

Khả năng chuyên chở tối đa: 13 người (1tiểu đội bộ binh).

Thân xe thiết giáp Type-63 làm bằng thép hàn, chỗ dày nhất đạt 14 mm có khả năng chống lại các loại vũ khí bộ binh cỡ nhỏ.

Vị trí động cơ ở phía trước góp phần nâng cao khả năng bảo vệ cho bộ binh. Cửa lên xuống ở phía sau tạo điều kiện lên xuống thuận lợi và nâng cao khả năng sống còn cho bộ binh trong quá trình chiến đấu.

Xe có trọng lượng nhẹ và công suất riêng khá lớn (20,3 mã lực/tấn) nên khả năng cơ động việt dã khá cao trên mọi dịa hình. Xe có khả năng bơi khi tốc độ nước không quá 1m/s và gió cấp 3 nên đảm bảo khả năng vượt các vật cản nước tương đối tốt, đặc biệt là sông hồ trong nội địa.

Xe thiết giáp chở quân K63 của Trung Quốc trên đường rút chạy.

Xe được trang bị 1 đại liên cỡ 12,7 mm có uy lực khá mạnh. Xe có 2 cửa nóc nên bộ binh có thể nhô ra chiến đấu khi đang cơ động. Khi kết hợp đại liên 12,7 mm với các loại vũ khí của tiểu đội bộ binh trên xe sẽ tạo thành một ổ hỏa lực tương đối mạnh.

Bộ xích của xe cũng mỏng mảnh, dễ bị trật, đứt khi đi qua các địa hình phức tạp. Bên cạnh đó, xe bơi bằng xích nên nếu các hộp xích bị móp méo, hỏng thì xe sẽ mất khả năng bơi.Tuy nhiên, nhược điểm của loại xe này là vỏ giáp mỏng nên khả năng bảo vệ tương đối yếu. Nó dễ dàng bị tiêu diệt bởi các loại súng chống tăng B40, B41, DKZ, mìn chống tăng và cả súng bộ binh cỡ lớn như 12,7 mm, 14,5mm...

Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đã có khoảng hơn 100 xe loại này bị các đơn vị của Việt Nam loại khỏi vòng chiến đấu.

Tuy vậy, do sự tiện lợi trong sử dụng với danh hiệu "ta-xi chiến trường" cho đến nay Type-63 vẫn đang được sử dụng trong quân đội của nhiều nước.

theo Trí Thức Trẻ

Chiến tranh biên giới 1979: DÙ CHIẾN THUẬT "BIỂN NGƯỜI" HAY "BIỂN XE TĂNG", TRUNG QUỐC ĐỀU THẤT BẠI

Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật “biển người” hay “biển xe tăng”, Trung Quốc đều thảm bại

Trong đợt tấn công Việt Nam tháng 2/1979, riêng về tăng thiết giáp, Trung Quốc đã huy động 6 trung đoàn với tổng số 550 chiếc.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, Trung Quốc đã sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn) cùng nhiều đơn vị binh chủng với quân số lên tới hơn 60 vạn.

Xe tăng Trung Quốc ồ ạt tiến vào Việt Nam sáng ngày 17/2/1979.

Riêng về tăng thiết giáp, Trung Quốc đã huy động 6 trung đoàn với tổng số 550 chiếc. Mặc dù chiến sự trải dài trên toàn tuyến biên giới song số cửa khẩu tăng thiết giáp có thể vượt qua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vì vậy, không hề nói quá khi kết luận rằng trong cuộc tấn công này, Trung Quốc không chỉ sử dụng chiến thuật “biển người” mà còn sử dụng cả chiến thuật “biển xe tăng”. Nhưng dù cho có dùng chiến thuật gì đi chăng nữa thì số phận quân xâm lược đều giống nhau mà thôi.

Từ trận phục kích Bản Sẩy

Đó là trận đánh của Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 851, Sư đoàn 346, Quân khu 1 ngày 18-2-1979.

Bản Sẩy thuộc xã Bế Triều, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng ở về phía đông bắc đường 166 (thị xã Cao Bằng đi Hà Quảng), cách thị xã Cao Bằng 12km về phía tây bắc, cách biên giới Việt-Trung và mốc 113 khoảng 30km về phía đông nam. Dân cư chủ yếu là người Tày-Nùng, chỉ có dân quân ở lại còn đã sơ tán hết.

Bản Sẩy dài khoảng 600m, rộng 300m, nằm trên một ngọn đồi thấp, gồm 2 xóm: 1 và 2, cách nhau khoảng vài trăm mét. Xung quanh các xóm có lũy tre tương đối dày và kín đáo tiện giấu quân, bí mật, bất ngờ. Trong bản nhà ở thưa, làm bằng gỗ và xây gạch, có vườn, cách nhau 50-70m. Xa khoảng 1km là núi cao, rừng rậm khi cần cơ động được kín đáo.

Đường 166 từ mốc 113 qua Hà Quảng, ngã ba Đôn, huyện lị Hoà An theo đường 3 về thị xã Cao Bằng. Đường rộng 4-5m, trải đá dăm xe cơ giới đi lại thuận tiện, đoạn qua Bản Sẩy thấp hơn khu dân cư. Hai suối phía tây bắc và đông nam bản cách nhau 2km, rộng 6-7m có cầu bắc qua. Nếu 2 cầu bị phá xe cơ giới cơ động khó khăn.

Tóm lại, đoạn đường qua Bản Sẩy có thể tổ chức phục kích, khi cần thiết dựa vào địa hình làng mạc chuyển vào phòng ngự ngăn chặn địch, tạo thời cơ cho lực lượng ở thị xã chuẩn bị chiến đấu.

Xe tăng Trung Quốc bị quân ta bắt giữ tại khu vực cầu Bản Sẩy, Hòa An Cao Bằng. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Về phía Trung Quốc, sau khi chiếm Thông Nông, Thạch An, để phối hợp với các hướng Trà Lĩnh, Trùng Khánh, ngày 18.2.1979, 1 sư đoàn tăng cường có 1 phân đội xe tăng phái đi trước từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã Cao Bằng. Ta không nắm được ý định, lịch trình cụ thể.

Về phía ta, Đại đội 10 của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 81, Sư đoàn 346 Quân khu 1 chuyển vào phòng ngự từ cuối năm 1978. Tổ chức biên chế của đại đội tương đối đủ, ngoài ra có phó chính ủy trung đoàn, phó chính trị viên tiểu đoàn đi cùng. Trang bị vũ khí có 1 ĐKZ 82mm, 1 cối 82mm, 2 cối 60mm, 12 B41, 1 đại liên, 7 trung liên, 60 AK và 1 máy VTĐ.

Ngày 17.2.1979, Đại đội 10 đang phòng ngự ở đèo Mã Phục cách thị xã 11km về phía đông bắc. 22h00 cùng ngày được lệnh cơ động về xã Đức Long cách thị xã 20km về phía tây bắc ngăn chặn địch từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã. Sau khi nhận lệnh, đại đội tiến hành chuẩn bị và hành quân bằng 4 xe vận tải, khởi hành lúc 04h00 ngày 18.2. Lúc 05h30 ngày 18.2.1979, xe đến Bản Vạn cách vị trí quy định 10km dừng lại nghỉ. cán bộ tranh thủ hội ý xác định nơi sẽ chặn địch.

Trong lúc đang hội ý thì nghe tiếng súng phía tây bắc và thấy bộ binh địch xuất hiện cách khoảng 600-700m, sau khi trao đổi, phó chính uỷ cho đơn vị quay lại chọn địa hình có lợi đánh địch. Xe về đến Bản Sẩy thấy địa hình có lợi, phó chính ủy cho đại đội triển khai lực lượng ở đây.

Ý định chiến đấu: Tổ chức trận địa phục kích trên đoạn đường dọc theo xóm 1 dài 500-600m, chặn đầu ở đông nam xóm 1 (sát sông Bằng Giang), khoá đuôi ở cầu phía đông trạm xá. Đoạn chủ yếu giữa xóm 1 (200-300m). Bố trí lực lượng phục kích gần đường, cách khoảng 15-20m.

Tổ chức các bộ phận chặn đầu, khoá đuôi, chặn địch đánh vào làng và cơ động. Hoả lực ĐKZ, cối, đại liên do đại đội nắm chi viện chung, bố trí phía sau.

Diễn biến chiến đấu:

07h10: đại đội vừa vào hết trong bản chưa triển khai xong thì có 4 xe tăng địch, mỗi xe chở khoảng 10 tên lính đi cách nhau 50m chạy qua Bản Sẩy về phía Cao Bằng. Địch không phát hiện ta bố trí ở đây mặc dù lúc đó cạnh đường còn 2 xe vận tải của ta chưa giấu kịp.

07h20: đại đội triển khai xong đội hình. Cùng lúc đó có 3 xe tăng (cách tốp đi đầu 500-600m) chở bộ binh tiến vào trận địa. Xe địch đến giữa trận địa, khoảng đầu đội hình trung đội 5, đại đội trưởng ra lệnh nổ súng. B41 của 2 trung đội diệt ngay 3 xe tăng này, bộ binh trên xe bị trung liên, AK tiêu diệt. Các xe chạy sau dừng lại bên kia cầu, triển khai quanh trạm xá ở bên tây đường dùng pháo trên xe và hoả lực bộ binh bắn mạnh vào luỹ tre và trong bản, sau đó cho xe vừa chạy vừa bắn định vượt qua Bản Sẩy để tiến vào thị xã.

Trung đội 4 và 5 lợi dụng mô đất, khóm tre ẩn nấp để địch vượt qua cầu vào sâu trong trận địa (gần hết phạm vi trung đội 4) mới nổ súng diệt tiếp 5 xe tăng này và số bộ binh trên xe. Sau đợt chiến đấu, đại đội trưởng cho củng cố đội hình, giải quyết thương binh tử sĩ, bổ sung đạn, sửa sang công sự.

14h00: 4 xe tăng đi đầu lúc trước quay lại tiến vào trận địa. Đại đội trưởng ra lệnh để xe lọt vào giữa trận địa Trung đội 5 mới được nổ súng.

4 xe tăng địch vừa đi vừa thăm dò thận trọng, đến 14h30 lọt vào trận địa trung đội 5. Phó chính trị viên đại đội ra lệnh nổ súng. B41 bắn cả 4 xe bốc cháy. Số bộ binh trên xe nhảy xuống chống cự sau ít phút thì bị tiêu diệt. Trận đánh nhanh chóng kết thúc.

Kết quả: Chúng ta diệt 150 tên địch, bắn cháy 12 xe tăng, thu 1 đại liên, 3 AK cùng một số đạn, khí tài khác.

Bên phía ta hy sinh 4 đồng chí, bị thương 12. Bộ phận địch bị tiêu diệt trong trận chiến đấu này là Đại đội 6 thuộc Trung đoàn xe tăng của quân đoàn 42, cùng một số bộ binh, công binh hộ tống. Phía TQ cũng đã phải thừa nhận trận phục kích đã gây thiệt hại nặng nề cho họ.

Đến các hướng chiến đấu khác 

Chỉ phải đối phó với bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng (lúc đó gọi là công an vũ trang) và dân quân tự vệ nên quân Trung Quốc áp đảo cả về binh lực và hỏa lực. Tận dụng sự hơn hẳn đó, song song với chiến thuật “biển người”, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật “biển xe tăng” ở nhiều nơi.

Trong hầu hết các trận đánh, đầu tiên phía TQ thường sử dụng pháo binh bắn cấp tập vào trận địa phòng ngự của ta. Sau đó dùng xe tăng dẫn dắt, chi viện bộ binh xung phong với số đông tham gia để tràn ngập trận địa.

Do đã có sự chuẩn bị từ trước, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã tận dụng công sự có sẵn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt… tiêu diệt được nhiều địch- trong đó có nhiều tăng thiết giáp, phá vỡ âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của đối phương.

Trên mặt trận Cao Bằng, ngoài trận phục kích ở Bản Sẩy, quân và dân Cao Bằng đã có nhiều trận đánh cơ giới trên các ngả đường tiến về thị xã, tiêu diệt và phá hủy 134 tăng thiết giáp của Trung Quốc.

Trên mặt trận Lạng Sơn, trong các trận đánh tại Đồng Đăng, Thâm Mô, Pháo Đài, Khánh Khê… các đợt xung phong của TQ đều có sự chi viện, yểm trợ của xe tăng. Tuy nhiên, các chiến sĩ QĐNDVN đã bắn cháy, phá hủy 76 xe tăng địch, giữ vững trận địa đến nhiều ngày sau đó.

Tại mặt trận Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) cũng có đến 66 tăng thiết giáp của Trung Quốc bị loại khỏi vòng chiến đấu.


Tính chung, trong số 550 tăng thiết giáp tham gia xâm lược Việt Nam thì đã có quá nửa – 280 chiếc bị tiêu diệt. Để che giấu thất bại ê chề này, khi rút quân TQ đã cất công kéo hầu hết xác tăng thiết giáp bị cháy ở Việt Nam về bên kia biên giới.

Vậy là “biển người”, “biển xe tăng” hay biển gì đi chăng nữa, khi xâm lược Việt Nam cũng sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại mà thôi!

(Theo Soha News)

NGƯỜI ĐỨC NÓI VÀ VIẾT VỀ NHẬT BÁO TAZ Ở BERLIN


Một trong những địa chỉ truyền thông ở Đức những năm qua đăng tải nhiều bài viết về Việt Nam là tờ Báo hàng ngày ở Berlin (tên tiếng Đức Tageszeitung, viết tắt Taz, phiên bản điện tử taz.de). Vì cách đưa tin và viết bình luận về Việt Nam của tờ báo này, nhiều người Việt Nam rất bất bình. Có người muốn biết, báo chí và dư luận phương Tây đánh giá như thế nào về tờ báo này. 


Liên quan đến vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử 70 năm của Tạp chí tin tức Tấm Gương (Der Spiegel), mấy tháng qua, tờ TAZ, cũng được nhắc đến nhiều. Bởi vì biên tập viên/phóng viên Claas Relotius bắt đầu khởi nghiệp bằng việc làm thực tập ở ban biên tập TAZ tại Hamburg. Khi trở thành nhà báo tự do, nhiều năm ông ta viết chủ yếu cho Tạp chí Tấm gương và cho các tờ báo khác. Nếu tính về số lượng bài viết của Claas Relotius được đăng, báo TAZ đứng ở vị trí thứ tư, sau Spiegel, Cicero và Weltwoche. Tất cả các giải thưởng sau, Claas Relotius đã phải trả lại hoặc bị thu hồi: hai giải của Kênh CNN „Journalist of the Year“ (Nhà báo của năm), bốn lần giải „Deutschen Reporterpreis“ (Giải thưởng phóng viên Đức), giải „Peter Scholl-Latour-Preis“, „European Press Prize“, Giải thưởng Truyền thông của Nhà thờ Công giáo, giải „Reemtsma Liberty Award“ (Giải thưởng Tự do Reemtsma) …

Theo Wikipidia tiếng Đức, Taz được thành lập ở Tây Berlin vào năm 1978 khi chiến tranh lạnh đạt đỉnh điểm và lúc đó Taz được coi là một trong các địa chỉ truyền thông theo xu hướng cánh tả. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, số lương người đọc Taz ngày càng ít đi đáng kể. Cũng theo Wikipedia tiếng Đức, hiện nay lượng báo được bán là 50.519 bản, giảm 7951 bản, tương đương 13,6% kể từ năm 1998. Ở một đất nước có hơn 82 triệu người dân, với số lượng xuất bản như thế thì sự tồn tại của nó luôn luôn bị đe dọa vì giảm lượng xuất bản đồng nghĩa với với sự thất thu nguồn tài chính có được từ phí quảng cáo. 

Taz trả tiền lương rất rẻ mạt, lương chưa trừ thuế cho đại đa số nhân viên là khoảng 2.000 euro mỗi tháng, tất cả nhân viên không được nhận tiền thưởng cuối năm, và như vậy không đạt tới 50% mức tiền lương thông thường cho những người làm báo ở Đức. Chỉ một số cán bộ lãnh đạo được nhận thêm khoản phụ cấp trách nhiệm với vài trăm euro. Vào tháng 11-2013, Taz đã bị dư luận phê bình vì qua một quảng cáo muốn tìm thực tập viên với mức lương tháng trước thuế chỉ 903,15 € tương đương 5,39 euro cho một giờ. Vào thời điểm đó Chính phủ Đức có chủ trương đưa mức lương tối thiểu là 8,50 euro cho một giờ làm việc giành cho người lao động phổ thông. 

Một sự việc liên quan đến việc tuyển chọn nhân viên cũng đã trở thành một vụ kiện bởi vì một người xin việc cho rằng mình bị phân biệt đối xử không hợp pháp và Tòa án tiểu bang phụ trách luật lao động của bang Berlin-Brandenburg đã phán quyết trong tháng 6-2014 rằng, Nguyên đơn hoàn toàn có lý, đồng thời buộc Taz phải trả một khoản tiền bồi thường tương đương ba tháng lương.

Nhiều vụ bê bối khác đã gây ra sự chú ý đến Taz, thí dụ, thông cáo báo chí của Tòa án tiểu bang Berlin đề ngày 16.08.2013 cho biết, phán quyết ngày 15-8-2013, số hồ sơ: Az 27 O 183/13, buộc Taz phải trả bồi thường 20.000 euro cho ông Thilo Sarrazin một Chính trị gia của đảng SPD và là tác giả nổi tiếng vì vi phạm nghiêm trọng nhân cách qua một bài bình luận đã đăng. Ngoài ra, tờ Taz không được phép lặp lại lời lẽ đã đăng trong bài bình luận bị cáo buộc. 

Trước đó, năm 2010, bà Alice Schwarzer, sinh năm 1942, nữ nhà báo Đức nổi tiếng, là người sáng lập và nhà xuất bản Tạp chí phụ nữ Emma và là một trong những đại diện nổi tiếng nhất của Phong trào Nữ quyền Đức, đã tố cáo Taz, những năm 1980 tờ báo này đã tạo ra một "diễn đàn chính cho tuyên truyền ấu dâm". Năm 2011, tờ Frankfurter Khái quát và tờ Frankfurt Toàn cảnh cũng đưa ra những lời chỉ trích tương tự liên quan đến vấn đề này. Nhiều người cho rằng, như vậy hai tờ báo này đã xác nhận sự chuẩn xác lời tố cáo mà bà Alice Schwarzer đã công khai đưa ra. Một vụ bê bối khác cũng gây tiếng vang trong làng báo phương Tây và được gọi là „Vụ Keylogger“. 

Trong một phòng biên tập của Taz, vào ngày 17-2-2015, một nhân viên kỹ thuật máy tính đã phát hiện ra một bộ phận được gọi là keylogger trên máy tính của một thực tập sinh và đó là một cái bẫy. Bởi vì Keylogger là một chương trình máy tính nhằm mục đích theo dõi và ghi lại mọi thao tác thực hiện trên bàn phím. Do chức năng mang tính vi phạm vào riêng tư của người khác này nên các chương trình keylogger được xếp vào nhóm các phần mềm gián điệp. Theo điều tra, thủ phạm là một biên tập viên làm việc lâu năm của Taz. Để trốn tránh trách nhiệm hình sự, biên tập viên lâu năm này đã trốn ra nước ngoài. Khi tiến hành thủ tục xét xử theo luật hình sự, biên tập viên này không chấp hành giấy triệu tập đến tham gia phiên tòa. Do Đức và quốc gia, nơi mà ông này đang lẩn trốn không ký kết Hiệp định dẫn độ, nên đầu năm 2017 tòa án Đức phải xử vắng mặt và tuyên án ông ta với hình phạt tiền. 

Một vụ kiện Taz xảy ra đã hơn 10 năm nhưng nhiều người chưa quên. Ông Kai Diekmann lúc đó là Tổng biên tập tờ Báo Ảnh (Bildzeitung) kiện ra Tòa án tiểu bang Berlin. Không biết vì châm biếm hay nhằm mục đích hạ uy tín, vào ngày 8-5-2002 Taz cho đăng trên trang báo của mình câu chuyện giật gân, ông Kai Diekmann đã cho làm một cuộc phẫu thuật để tăng độ dài dương vật của mình. Tòa án tiểu bang Berlin đã tuyên án, bài viết đã vi phạm quyền cá nhân, Taz không được phép lặp lại lời lẽ đã đăng trong bài báo bị kiện. Tuy Taz không nhắc lại câu chuyện này, nhưng sau đó người đi đường vẫn tiếp cận với câu chuyện này. Bởi vì ngày 15-11-2009 trên mặt tiền của ngôi nhà mà Taz đặt văn phòng biên tập, một tác phẩm điêu khắc theo kiểu phù điêu đắp nổi có màu như màu da người được gắn lên. Từ xa, người đi đường bị đập vào mắt tác phẩm điêu khắc, người đàn ông to lớn trần truồng để lộ bộ phận dương vật dựng đứng cao lên tận tầng thứ 5 của ngôi nhà (xem ảnh minh họa). 

Để đánh giá sự đáng tin cậy của một địa chỉ truyền thông, những người làm báo nghiêm túc ở Đức thường xem thống kể hình thức kỷ luật của Hội đồng báo chí Đức. Xin nói thêm, Hội đồng báo chí Đức, thành lập ngày 20-11-1956, là cơ quan của các Hiệp hội báo chí và Hiệp hội xuất bản, đã soạn thảo các Nguyên tắc báo chí và được xem là „Tiêu chí báo chí“. Nếu một đơn vị báo chí vi phạm một hoặc nhiều Tiêu chí báo chí, bất cứ ai cũng có thể gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng Báo chí. Một hội đồng sẽ xem xét và có thể cho ra một trong trong ba biện pháp kỷ luật sau: Nhắc nhở, Khiển trách và Cảnh cao. Biện pháp kỷ luật nặng nhất là Cảnh cáo, được chia ra hai loại, Cảnh cáo công khai và Cảnh cáo không công khai. Biện pháp cảnh cáo không công khai được vận dụng chủ yếu để bảo vệ người bị hại. Trong mấy thập kỷ qua, Taz nhiều lần bị Hội đồng báo chí Đức cảnh cáo công khai và không công khai. Thí dụ, năm 1991 bị cảnh cáo công khai một lần do vi phạm liên quan đến tôn giáo, thế giới quan và nếp sống; 1997 một lần cảnh cáo công khai vì không chân thành và thiếu tôn trọng nhân phẩm con người; 1999 một lần cảnh cáo công khai vì thiếu bảo vệ danh dự người khác; 2000 một lần cảnh cáo không công khai vì vi phạm quyền cá nhân; 2001 ba lần cảnh cáo công khai vì vi phạm tính cẩn trọng, không chân thành và thiếu tôn trọng nhân phẩm con người; 2002 một lần cảnh cáo công khai vì không chân thành và thiếu tôn trọng nhân phẩm con người; 2009 một lần cảnh cáo không công khai vì vi phạm tính cẩn trọng, vi phạm quyền cá nhân; 2012 một lần bị khiển trách vì vi phạm quyền cá nhân; 2013 một lần cảnh cáo công khai vì vi phạm tính cẩn trọng, không chân thành và thiếu tôn trọng nhân phẩm con người; 2016 một lần cảnh cáo công khai vì đưa tin kiểu giật gân, vi phạm trách nhiệm bảo vệ trẻ vị thành niên. 

Hội đồng báo chí ở Cộng hòa Áo năm 1998 đã cảnh cáo Taz vì một bài báo cho đăng cả ở Đức và ở Áo trên tờ nhật báo Presse. Bài báo này viết về một ngôi mộ tập thể ở Orahovac/Kosovo và bị phê phán vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chuyên môn báo chí.

Không biết có sự phối hợp giữa Taz và các thế lực chống Việt Nam hay không, nhưng trang mạng của người Việt lưu vong đều đăng lại các bài viết của Taz viết về Việt Nam.

Foto 1: Ảnh chụp tác phẩm điêu khắc của tác giả Peter Lenk,

Foto 2: Trụ sở của TAZ ở Rudi-Dutschke-Straße, Berlin cho đến tháng 10 năm 2018

Nguồn: tin và ảnh Bách khoa toàn thư mở Wikipidia tiếng Đức: https://de.wikipedia.org/wiki/Die_Tageszeitung

Bài viết Relotius & Co (tạm dịch Relotius và những kẻ đồng lõa), Đài phát thanh Đức Deutschlandfunk phát tán ngày 7-2-2019