Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: 'Một cuộc chiến phi nghĩa, kỳ quặc và thảm bại' (Phần 3)
VietTimes
'Một cuộc chiến tranh vô nghĩa, kỳ quặc' là tiêu đề bài báo của một cựu binh đăng trên báo điện tử Thiết Huyết (Tiexue.net) ngày 18.7.2013. Tác giả viết: 'Chiến tranh Triều Tiên chúng ta đạt được lợi ích là kiềm chế quân Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 38. Chiến tranh Giải phóng, chúng ta giải phóng được Trung Quốc Đại lục. Tôi thực sự không hiểu trong cuộc chiến tranh kỳ quặc năm 1979, rốt cuộc Trung Quốc đạt được cái gì? Chẳng được gì cả!'.
Ảnh: 1 Lính Trung Quốc bị thương cõng nhau chạy trốn. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
Dưới đầu đề “Nhìn lại Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, tác giả Thường Thanh viết trên báo mạng “Botanwang.com” ngày 30.5.2013: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” có lẽ là cuộc chiến khiến mọi người Trung Quốc hiểu biết sự thật khó mở miệng nhất trong mọi cuộc chiến tranh với bên ngoài kể từ năm 1949…
Ngay khi đó đã có rất nhiều người nghĩ khác (với chính quyền) về giá trị của cuộc chiến tranh ấy. Lúc đầu, khi người ta nhìn thấy trên màn hình tivi hàng ngũ trùng điệp những binh lính Trung Quốc tuổi 18 - 20 kéo ra tiền tuyến, không khỏi cảm thán. Ít lâu sau lại thấy cảnh hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ xếp hàng ngay ngắn trong các nghĩa trang ở biên giới Tây Nam, sự đau xót khó nói thành lời. Một bạn học của tôi nói: “Trung Quốc chết toàn những nam nhi trai tráng đang tuổi thanh niên, còn phía Việt Nam toàn dân làm lính, cả trẻ già, gái trai. Sự đánh đổi thật không tương xứng”. Nhưng sự kinh dị còn ở phía sau: khi chiến tranh kết thúc chẳng ai biết, cũng không có cảnh cả nước ăn mừng thắng lợi, chỉ biết nó đã kết thúc rồi…
Ảnh 2: Một nghĩa địa chôn thi thế lính Trung Quốc bị chết trong Chiến tranh Tháng 2.1979. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
Tôi nghĩ, sở dĩ nó kết thúc mà khó mở miệng nói được là vì khó nói rõ ngọn ngành cho quốc dân về tính chất của cuộc chiến tranh đó. Nói trắng ra, cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” thực tế là áp dụng kế “Vây Ngụy cứu Triệu” để giải cứu quân đội Khmer Đỏ đang bị Việt Nam đánh… Tính chất của cuộc chiến tranh đó được quyết định bởi tính chất của Khmer Đỏ! Khmer Đỏ là học trò của Đại cách mạng Văn hóa Trung Quốc, nhưng còn “Xanh hơn cả Xanh”, sự tàn bạo của họ đối với chính dân tộc mình đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử loài người. Đảng Cộng sản Campuchia thành lập năm 1950, sau được gọi là Khmer Đỏ. Họ chiếm Phnom Penh ngày 17.4.1975, dựng lên “Cộng hòa Campuchia Dân chủ”, người lãnh đạo là Polpot đã áp dụng một chính sách khủng bố, diệt chủng tàn bạo….
Theo tính toán bảo thủ nhất, có khoảng 1,2 đến 3 triệu người Campuchia bị chết dưới sự cai trị của Khmer Đỏ, chiếm 1/4 dân số cả nước. Trong đó, có 215.000 người Campuchia gốc Hoa và gần như toàn bộ 20.000 người Campuchia gốc Việt. Tháng 5.1978, nội bộ Khmer Đỏ xảy ra phản loạn, những người nổi dậy do sư đoàn trưởng, Bí thư tỉnh ủy Heng Somrin cầm đầu đã chạy sang Việt Nam thành lập Mặt trận Dân tộc đoàn kết cứu nước Campuchia. Ngày 25.12.1978, dưới sự dẫn dắt của Heng Somrin, 100.000 quân tình nguyện Việt Nam đã phát động tấn công Campuchia. Một trong những lý do để Việt Nam tấn công khi đó là để cứu kiều dân nước họ. Nhân dân Campuchia khi đó không những không chống trả mà còn dẫn đường cho quân đội Việt Nam. Như vậy là, chỉ mất 2 tuần, vào ngày 7.1.1979, quân đội Việt Nam đã công chiếm Phnom Penh, lật đổ ách thống trị tàn bạo Khmer Đỏ. Điều đó cho thấy rõ ràng chế độ Khmer Đỏ không chiếm được nhân tâm.
Ảnh 3: Lính Trung Quốc bị thương sau một trận đánh. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
Hơn một tháng sau, Trung Quốc phát động “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Cái cớ xuất quân của Trung Quốc khi đó không phải là đi Campuchia để cứu viện chế độ Khmer Đỏ đã tàn sát và bức hại mấy chục vạn đồng bào người Hoa, mà là lấy cớ “Quân đội Việt Nam khiêu khích biên giới Trung Quốc và xâm lược Campuchia”. Dĩ nhiên, người Trung Quốc, trong đó có cả tôi (tác giả) khi đó đều không biết rốt cục Khmer Đỏ đã làm những gì. Báo thù cho Khmer Đỏ thì mọi người Trung Quốc khi đó không rõ sự thật đều chấp nhận, vì Khmer Đỏ là anh em và chiến hữu của Trung Quốc mà!
Nhưng điều khiến người Trung Quốc không hiểu được là thái độ đối xử của người Campuchia đối với quân đội Việt Nam. Ngày 7.1.2009, hơn 40.000 người CPC tụ họp ở Sân vận động Olympic quốc gia nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thoát khỏi chế độ thống trị Khmer Đỏ. Thủ tướng Hun Sen và nhiều nhà lãnh đạo, các đảng viên cũng tham dự. Chủ tịch Quốc hội Chea Seam phát biểu: ngày kỷ niệm này đánh dấu sự kết thúc trang đen tối nhất trong lịch sử Campuchia. Ông Chea Seam đặc biệt cám ơn nước láng giềng Việt Nam đã cứu vớt Campuchia, đánh giá cao sự hy sinh của quân đội Việt Nam để tiêu diệt chế độ tàn bạo Khmer Đỏ, kịp thời ngăn chặn cuộc diệt chủng lớn hơn. Thì ra hiệu quả khách quan của cuộc “xâm lược Campuchia” của quân đội Việt Nam lại là như thế....
Ảnh 4: Một lính Trung Quốc bị thương nặng sau trận đánh. Ảnh tư liệu Trung Quốc.
Một người bạn từng tham gia cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” đã tranh luận với tôi, phê phán tôi đừng nên vô lễ với “những anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc”, nói “những chiến sĩ từ mặt trận cuộc chiến này trở về đều là những anh hùng”. Tôi không có ý kiến gì, nhưng cần hiểu như thế nào về tính chất cuộc chiến tranh này? Cuộc chiến tranh khiến người Mỹ mất mặt nhất là Chiến tranh Việt Nam hồi những năm 1970. Năm 2004, khi G.Bush con và John Kerry tranh cử Tổng thống, ứng cử viên Đảng Dân chủ J.Kerry đã nói: “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh vô nghĩa, nhưng chúng ta không thể nói những binh sĩ tham gia cuộc chiến ấy không có cống hiến cho quốc gia”. Đó là một lời an ủi, có lẽ cũng thích hợp với những tướng sĩ Trung Quốc đã tham gia “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”.
“Một cuộc chiến thảm bại”
Để tiến hành cuộc chiến tranh 17.2.1979, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng không lồ gồm những quân đoàn chủ lực tinh nhuệ, được coi là thiện chiến nhất khi đó. Theo tiết lộ chính thức trên báo chí Trung Quốc gần đây thì việc tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” được quyết định tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 7.12.1978 và mệnh lệnh được ban hành vào ngày 8.12. (Điều này đã bác bỏ luận điệu của Bắc Kinh rêu rao họ tiến hành “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là trừng phạt việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Bởi ngày 25.12.1978 quân tình nguyện Việt Nam mới phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phản công lật đổ chế độ diệt chủng Polpot).
Theo Nhân dân Nhật báo, cánh quân phía Quảng Tây do Hứa Thế Hữu chỉ huy gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149); cánh phía Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy gồm các quân đoàn 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 và lực lượng biên phòng, dân binh với tổng số quân hơn 500.000, số tràn qua biên giới là 202.000. Chỉ kéo dài 1 tháng (Trung Quốc tính từ 17.2 đến 16.3.1979), nhưng tổng cộng đã tiêu hao mất 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn, 268 xe quân sự, 48 xe tăng bị phá hủy, hư hỏng; bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bị bắt làm tù binh 239, bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến.
Ảnh 5: Đặng Tiểu Bình khi sang thăm Mỹ ngày 28.1.1979 đã tuyên bố "Trung Quốc sẽ dạy cho Việt Nam một bài học". Ảnh tư liệu.
Thương vong lớn ngoài dự đoán là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải kết thúc sớm cuộc chiến. Trong 2 ngày đầu, Trung Quốc đã mất hơn 4.000 quân, đến mức quân y không kịp trở tay, nhiều người bị thương chết cho mất máu vì không được cấp cứu. Theo tài liệu nội bộ của Trung Quốc mới được công bố: bước vào giai đoạn tác chiến giằng co, tỷ lệ thương vong rất cao, thường là 90% đối với các đại đội xung kích, những đại đội này khi rút quân chỉ còn hơn chục người sống sót, mỗi tiểu đội chỉ còn 1-2 người.
Cuộc chiến phi nghĩa theo ý đồ một cá nhân
Trang web Honggehui của Trung Quốc ngày 25/2/2014 đăng bài “35 năm Chiến tranh Trung – Việt: ai là người thắng?”.
Tác giả bài báo bày tỏ nghi ngờ về luận điệu tuyên truyền Trung Quốc tiến hành chiến tranh đánh Việt Nam là để “Phản kích tự vệ”, cho rằng: “Mấy chữ Phản kích tự vệ sử dụng khi đó có lẽ rất không thiết thực. Đánh nhau, mọi người đều biết, cần phải tránh đánh cả hai phía, đó là việc lớn mà binh gia phải xét đến đầu tiên. Vì sao Việt Nam lại vừa giúp lực lượng nổi dậy của Hun Sen đánh Polpot, lại đồng thời khiêu khích Trung Quốc ở biên giới? Điều này rất không hợp lẽ thường!"
Khi đó tuyên truyền Việt Nam gây bao nhiêu vụ khiêu khích? Cứ cho là tuyên truyền hoàn toàn có thực đi chăng nữa thì họ cũng đâu có đánh sang đất ta? Sự việc hoàn toàn có thể giải quyết thông qua các con đường ngoại giao, chính trị. Lẽ nào chúng ta chỉ vì người hàng xóm đổ nước rửa chân trước cửa nhà mình mà dỡ nhà người ta, đốt nhà họ? Lẽ nào chỉ vì người bạn học thụi mình một quả mà mang dao ra đâm họ mười mấy nhát? Phát động một cuộc chiến tranh, đi “dạy một bài học” cho người bạn nhỏ không hề xâm lược nước mình, liệu có thể gọi đó là “tự vệ” được sao?...
Trên thực tế, cuộc chiến tranh năm 1979 hoàn toàn là phóng đại sự việc cho thích ứng với nhu cầu của người Mỹ, chỉ gây thiệt hại đau khổ mà không hề có chút lợi gì cho nhân dân hai nước Trung - Việt... Cuộc chiến tranh này khiến Trung Quốc cởi bỏ sự ràng buộc của ý thức hệ, một cuộc chiến đã khiến (Trung Quốc) được ngả vào hệ thống kinh tế thế giới do phương Tây chủ đạo, giành được cơ hội phát triển hiếm có. Xét về ý nghĩa đó, cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” không có gì khác là bản báo công. Thậm chí có tin đồn nói, ông X. (ám chỉ Đặng Tiểu Bình) chạy sang Mỹ nói sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”, nói nào là “trẻ con không vâng lời, phải quất vào mông”. Đó là những lời lẽ gì vậy? Chỉ vì Trung Quốc nước lớn hơn Việt Nam thì có tư cách dạy dỗ nước nhỏ sao?...
Thực ra, ý đồ thực sự của người nào đó dạy dỗ người bạn nhỏ Việt Nam vốn không nằm ở chỗ “tự vệ”. Đánh xong, quân quyền đã nắm được, Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng đều bị rớt đài. Đối ngoại làm hài lòng người Mỹ, đối nội thì di chuyển được mâu thuẫn xã hội, loại bỏ được những người khác chính kiến, thế thì ngu gì mà không đánh... Như lời tướng Lưu Á Châu đã nói: phát động chiến tranh Trung - Việt là vì “cần phải xác lập quyền uy tuyệt đối trong đảng. Muốn đánh nhau, muốn cải cách thì phải có quyền uy. Biện pháp xác lập quyền uy nhanh nhất là đánh nhau”. Cuộc chiến tranh này là đánh vì người Mỹ. Vả lại, người nào đó quả thật còn rất thích dạy dỗ người khác”.
Ảnh 6: iến sĩ Cao Thiện Văn: “Tiến hành cái gọi là 'Chiến tranh phản kích tự vệ' đánh Việt Nam khi xưa là bản lập công về ngoại giao để Mỹ chấp nhận Trung Quốc”.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Cao Thiện Văn, nhà phân tích hàng đầu của Công ty “An Tín Chứng khoán” Thiên Tân (Essence Securities) ngày 28.7.2018 đã có bài diễn thuyết trong hơn 70 phút với chủ đề chính là quan hệ Trung - Mỹ và Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ được đưa lên Youtube và được nhiều trang mạng đăng lại.
Đáng chú ý, trong bài nói này, Tiến sĩ Cao Thiện Văn đã công khai nói: “Tiến hành cái gọi là 'Chiến tranh phản kích tự vệ' đánh Việt Nam khi xưa là bản lập công về ngoại giao để Mỹ chấp nhận Trung Quốc”. Ông nói: “Đặng Tiểu Bình sau khi được phục hồi đã làm một việc rất quan trọng, đó là quyết định đánh Việt Nam, ảnh hưởng đến mấy chục năm lịch sử sau đó của Trung Quốc. Trước năm 1979, Trung Quốc đã bỏ nhiều công sức giúp Việt Nam đấu tranh chống Mỹ. Trong một thời gian dài quan hệ Trung - Việt như anh em một nhà. Đặng Tiểu Bình từng nói, Trung Quốc mở cửa đối ngoại là mở cửa với Mỹ, không mở với Liên Xô hay châu Âu, cũng chẳng với Mỹ La tinh. Vấn đề là ở chỗ, tiền đề mở cửa với Mỹ là phải được Mỹ chấp nhận. Giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm viện Triều chống Mỹ, giúp Việt Nam, làm sao Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc?
Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam chính là lập công dâng lên Mỹ, khiến Mỹ vui vẻ giang rộng vòng tay và chấp nhận Trung Quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Jimmy Carter, đã nói với Carter: chúng tôi quyết định đánh Việt Nam. Sau đó, Mỹ đưa cho một bản danh mục liệt kê những thứ trang bị quân sự Mỹ cung cấp cho Trung Quốc để đánh Việt Nam. Đẳng cấp của số viện trợ quân sự Mỹ giành cho Trung Quốc vượt quá đẳng cấp những thứ Mỹ dành cho các đồng minh của họ khi đó. Mỹ nhanh chóng nâng cấp Trung Quốc thành quan hệ hữu hảo phi đồng minh, cho Trung Quốc được hưởng đãi ngộ cao hơn cả các nước đồng minh trên nhiều phương diện.
Vì sao Mỹ lại làm như thế? Có hai nguyên nhân: Một là, Mỹ bị xơi quả đắng ở Việt Nam nên căm thù. Hai là, Mỹ và Liên Xô nước lửa không dung nhau về ý thức hệ, Việt Nam là anh em của Liên Xô. Trung Quốc đánh Việt Nam cho thấy sự cắt đứt hoàn toàn của Trung Quốc với Liên Xô và chuyển hướng sang Mỹ. Điều này đã đặt cơ sở nền móng cho cải cách mở cửa của Trung Quốc. Vì vậy cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không phải được quyết định sau khi suy nghĩ giản đơn, mà là xem xét toàn diện cục diện toàn cầu và có sự mạo hiểm nhất định. Liên Xô không động binh với Trung Quốc bởi vì binh lực của họ bố trí ở biên giới Trung - Xô rất mỏng. Kỳ thực, Liên Xô không hiểu rõ về quan hệ Trung - Mỹ, sợ ném chuột vỡ bình quý, không dám ra tay hành động. Về phía Trung Quốc mà xét, đó là Đặng Tiểu Bình đem vận nước ra đánh cược, rất mạo hiểm”.
(Còn nữa)
Thu Thủy