Thành tựu kinh tế, lịch sử tiếp nối và sức mạnh ngoại giao giúp Việt Nam thành lựa chọn hoàn hảo cho cuộc gặp thứ hai của thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Nicholas Chapman/Nhà nghiên cứu
Nicholas Chapman là nhà nghiên cứu người Anh hiện làm việc tại Nhật Bản. Ông nhận bằng Tiến sĩ Quan hệ quốc tế của Đại học quốc tế Nhật Bản. Nghiên cứu của ông liên quan tới các vấn đề an ninh quốc tế và nội chính của các nước châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.
Việt Nam đã rũ bỏ gánh nặng quá khứ để trở thành hình mẫu đích thực của sự hồi sinh về kinh tế, một nền ngoại giao mạnh mẽ cũng như mối quan hệ ngày càng vững mạnh với Mỹ, bất chấp chính sách “Nước Mỹ Trên hết” của Tổng thống Donald Trump.
Việt Nam đã rũ bỏ gánh nặng quá khứ để trở thành hình mẫu đích thực của sự hồi sinh về kinh tế, một nền ngoại giao mạnh mẽ cũng như mối quan hệ ngày càng vững mạnh với Mỹ và còn là một hình mẫu độc nhất vô nhị cho Triều Tiên.
Việt Nam còn là hình mẫu độc nhất vô nhị cho Triều Tiên. Kể từ khi bước vào công cuộc Đổi Mới – cải cách kinh tế hậu chiến tranh – Việt Nam đã biến những khó khăn của mình để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Đó là những nhân tố quan trọng để thủ đô Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào các ngày 27-28/2.
Thế nhưng, Việt Nam trở thành nơi có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quan trọng như vậy không chỉ nhờ vào thành tựu kinh tế. Có ý nghĩa quan trọng không kém là những thành tựu của Việt Nam trong những lần đăng cai các hội nghị quốc tế cộng với sức mạnh ngoại giao cũng đáng kể.
Mười năm sau khi bắt đầu Đổi Mới, Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc: Hội nghị Các nước nói tiếng Pháp lần thứ bảy. Sau hội nghị, Việt Nam đã nhận về rất nhiều lời khen về cách tiếp cận hội nhập và góc nhìn toàn cầu của mình đối với các vấn đề quốc tế.
Vào năm 2006, Hà Nội đăng cai hội nghị APEC. Kỳ APEC đầu tiên ở Việt Nam diễn ra trong một thời điểm đặc biệt quan trọng, khi nước này chỉ còn một thời gian ngắn nữa là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Gần đây nhất, Việt Nam cho thế giới nhìn thấy thành phố Đà Nẵng xinh đẹp của mình bằng việc tổ chức hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Cả thế giới nhìn vào đây để chứng kiến kỳ họp APEC đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đó cũng là một kỳ họp APEC diễn ra trong bối cảnh trật tự thế giới đang căng thẳng hơn. Tại đó, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đưa ra những viễn cảnh trái ngược nhau về phát triển kinh tế trong tương lai, với ông Trump hướng nhiều hơn về các hiệp định thương mại song phương trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình mang đến một lời hứa, dù là mơ hồ, về sự rộng mở trong kinh tế.
Xét về tổng thể, Việt Nam đã được khen ngợi vì tổ chức thành công APEC 2017 và chính điều này có vẻ đã gây ấn tượng trước Tổng thống Trump.
Việt Nam là một quốc gia dù nguồn lực có hạn vẫn có thể thúc đẩy sự tương tác và hợp tác quốc tế.
Hơn thế nữa, ngành ngoại giao và nghệ thuật quản trị quốc gia của Việt Nam đã được thiết kế kỹ càng để đóng vai trò quan trọng trong sân chơi quốc tế. Đó là một quốc gia dù nguồn lực có hạn vẫn có thể thúc đẩy sự tương tác và hợp tác quốc tế.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có lãnh đạo gọi điện chúc mừng ông Donald Trump sau khi Tổng thống Mỹ thắng cử. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khéo léo sử dụng những mối quan hệ của ông tại Washington D.C. để sắp xếp một cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2017 - cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo một nước Đông Nam Á với tân tổng thống Mỹ.
Cũng không thể quên vai trò của Việt Nam trong việc hồi sinh TPP (giờ đã là CPTPP) sau khi hiệp định này chỉ còn 11 thành viên sau khi Mỹ rút. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe, đã tận dụng mối quan hệ chặt chẽ của Việt Nam và Nhật Bản để hồi sinh hiệp định này. Cũng chính tại APEC 2017, thỏa thuận mới đã được công bố.
Chúng ta có thể mong đợi gì từ cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới?
Cuộc gặp lần trước, bất chấp tuyên bố kết quả sau đó, bản thân nó đã là một sự kiện trọng đại, dù cho bản tuyên bố 4 điểm bị chỉ trích là mơ hồ, không có cam kết gì về cơ chế phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình. Mọi chuyện xấu đi sau đó khi Mỹ tiếp tục tỏ ra cứng rắn là quá trình phi hạt nhân hóa phải đến trước việc dỡ bỏ cấm vận. Triều Tiên cũng không thể có được một hiệp ước hòa bình để kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Vì vậy, cuộc gặp tiếp theo chắc chắn sẽ bao gồm những thăm dò sâu hơn vào quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên trong khi ông Kim, tương tự, sẽ đòi hỏi nhiều hơn về khả năng các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Hai bên cũng có thể sẽ bàn về các biện pháp hạn chế vũ khí và các mục tiêu về việc không làm giàu hạt nhân.
Thế nhưng, bất luận kết quả có như thế nào, ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh sắp cũng sẽ quan trọng không kém lần gặp trước.
Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ tiếp tục được gia tăng. Mô hình kinh tế, lịch sử tiếp nối và sức mạnh ngoại giao đã biến Việt Nam thành một lựa chọn hoàn hảo cho cuộc gặp thứ hai cho thượng đỉnh Trump-Kim.