Khoai@
Tra cứu thông tin này từ các nguồn khác cũng cho thấy, ông Khuất Việt Hùng không nói "Xử phạt người vi phạm không cần chứng minh". Anh Hùng chỉ muốn đề cập đến việc hoàn thiện pháp luật để đảm bảo việc xử phạt được nghiêm minh và bảo vệ cho lực lượng chức năng khi thực thi công vụ.
Phóng viên đặt tiêu đề như trên làm người đọc hiểu sai vấn đề và tạo dư luận chĩa mũi nhọn vào cá nhân ông Khuất Việt Hùng.
Link kiểm chứng:
Tôi thấy anh Khuất Việt Hùng nói không sai. Không có đâu như ta, khi CSGT dừng phương tiện thì người vi phạm lại đòi kiểm tra giấy tờ của CSGT, gí camera vào mặt rồi vặn vẹo gây khó dễ. Không đâu như ta, báo chí hay biến chuyện trấn áp người chống đối pháp luật, thậm chí là tội phạm thành chuyện công an đánh dân. Cũng không có ở đâu như ta, CSGT bị tước sạch vũ khí và bị biến thành tâm điểm của gạch đá. Để khắc phục tình trạng trên, hãy học các nước văn minh trên thế giới mà làm.
Giải trình tại Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, anh Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia đề cập đến 2 nội dung pháp lý quan trọng cho việc xử phạt nghiêm minh những người vi phạm và hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng mà chủ yếu là CSGT.
Sở dĩ anh Hùng đề cập đến 2 nội dung này vì thực tế khi bị dừng phương tiện hay bị phạt thì người vi phạm không chấp hành (một biểu hiện của việc chống đối) mà "lạm dụng quyền giám sát của dân" để gây khó dễ cho CSGT khiến cho việc xử phạt không thể thực hiện được. Và khi người vi phạm hoặc người dân bị kích động, dẫn đến quá khích hoặc chống đối thì lực lượng chức năng (CSGT) không thể thực thi nhiệm vụ của mình, kể cả khi bị tấn công nguy hiểm đến tính mạng cũng như khi danh dự uy tín của ngành công an bị xúc phạm.
Vụ tai nạn giao thông ở Sa Pa, Lào Cai vừa qua là ví dụ sống động về hiện tượng này. Người gây ra vụ tai nạn đó cũng chính là người đã tử vong. Người dân kéo ra kích động, chống đối lực lượng thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự đồng thời đòi phạt vạ 400 triệu mới cho mang xác đi. Rõ ràng lực lượng chức năng thấy dân sai nhưng "không dám" trấn áp.
Xin hỏi các anh chị, nếu nổ súng trấn áp thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu có đơn thuần là người nổ súng trấn áp sẽ mất mạng, mất nghề hay sau đó là vụ bạo loạn cục bộ để các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo chế độ?
Trên thực tế, hiện tượng mà anh Hùng đề cập là có thật, xảy ra rất nhiều. Nhiều người cho rằng, người dân và báo chí đã "lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin" để lan tỏa những hình ảnh về sự chống đối của người vi phạm bao gồm cả việc "cãi nhau" hay "đánh nhau" với lực lượng chức năng vô tình cổ súy cho các hành vi chống đối.
Tại phiên giải trình, anh Hùng khẳng định, việc xử phạt nghiêm các vi phạm sẽ là “động lực để thay đổi hành vi” của người tham gia giao thông, và cũng là cái để người dân “soi” vào. Để làm được điều đó, anh Hùng đã mạnh dạn đề nghị "xem xét lại các quy định pháp luật hiện nay, tạo hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ".
Anh Hùng cho rằng, "quy định hiện nay của chúng ta về việc yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông là phải chứng minh vi phạm, điều này đang đi ngược lại với các nước. Bởi thông thường về mặt hành chính thì cứ xử phạt đã, còn nếu thấy việc xử phạt đó không đúng thì người bị xử phạt có thể kiện ra toà". Câu nói này của anh Hùng bị báo chí cắt xén, chỉ lấy phần đầu làm ý chính của tiêu đề bài báo, làm dư luận hiểu sai.
Anh Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, nếu giải quyết được chỗ này thì mới tạo được nền tảng pháp lý cho lực lượng thực thi công vụ. "Cái này rất quan trọng, không đơn giản một chút nào. Tôi chứng kiến rất nhiều chuyện tranh cãi nhau và người vi phạm cứ quay, dí camera vào mặt cảnh sát, cố gắng tạo ra dư luận xã hội" và "bảo vệ pháp luật mà đi ra cãi nhau với ông say rượu thì sao cãi được, với người cố tình cũng không cãi được. Nếu phạt sai thì người dân có quyền kiện. Ta có cơ chế để người dân kiện người xử phạt sai ra toà cơ mà", anh Hùng nhấn mạnh.
Ở nội dung thứ hai, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia thấy lạ là, cảnh sát giao thông của chúng ta gần như phải có lực lượng đi bảo vệ, vì chúng ta quy định rất nhiều điều kiện chặt chẽ trong vấn đề sử dụng công cụ hỗ trợ và sử dụng vũ khí.
So sánh với các quốc gia văn minh, anh Hùng cho biết, với các nước như Đức, Thuỵ Sỹ, Mỹ… người ta đề nghị dừng xe và để tay lên trên, nếu không chấp hành, anh có thể bị trấn áp ngay. Nhưng ở ta, nếu CSGT có trấn áp một tí, lúc đó lại là cảnh sát đánh dân, lại trở thành câu chuyện rất lớn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, anh Hùng nói: "Nếu không truyền thông cái này chúng ta đang tự tước mất vũ khí bảo vệ pháp luật của mình".
Đó là 2 nội dung cũng là 2 đề xuất của anh Khuất Việt Hùng, mà người viết bài này cho rằng là rất quan trọng nhằm đảm bảo cho pháp luật về an toàn giao thông được thực thu nghiêm túc. Và cái đích cuối cùng của nó là đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người dân tham gia giao thông cũng như an toàn tính mạng cho lực lượng chức năng khi thi hành công vụ.
Cần nhấn mạnh rằng, đây mới chỉ là đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật, quyền quyết định là của Quốc hội. Đương nhiên, khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật thì những nhà làm luật sẽ phải cân nhắc để tránh việc lực lượng chức năng có thể lạm quyền hoặc nảy sinh tiêu cực. Vì thế, người viết cũng cho rằng, chuyện pháp luật thì hãy cứ học các nước văn minh như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Thụy sĩ.