(Quan hệ quốc tế) - Mikhail Gorbachev, kẻ đã làm tan rã Liên Xô bằng các cải cách của mình, giờ lại đề xuất cải cách Nước Nga.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết và phỏng vấn chuyên gia về chủ đề như tiêu đề và phụ đề trên của nhà báo Svetlana Gomzikova để cùng tham khảo một cách nhìn. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 14/11/2019. Bài dài và về một chủ đề gây tranh cãi chưa có hồi kết, xin kiên nhẫn. Tất cả các ảnh trong bài đều là của tác giả.
Mikhail Gorbachev . Ảnh: Mikail Dzaparidaze /ТАSS)
I. Phần giới thiệu của nhà báo Svetlana Gomzikova
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của tờ báo Đức Berliner Zeitung, cựu Tổng thống Liên Xô đầu tiên và cũng là cuối cùng Mikhail Gorbachev tuyên bố: nước Nga hiện nay đang cần các cải cách, nhưng không dược để xảy ra tình trạng mất ổn định và hỗn loạn.
Vào những ngày này, khi nước Đức kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, cựu lãnh đạo Liên Xô lại một lần nữa trở thành nhân vật rất nổi tiếng ở Phương Tây và đã kịp trả lời hàng tá cuộc phỏng vấn các kiểu cho nhiều phương tiện truyền thông theo nhiều khuynh hướng khác nhau.
Trong đó có cả Berliner Zeitung như đã nói,- và ông ta đã kể cho tờ báo này về việc tại sao Liên Xô dưới sự lãnh đạo của ông đã quyết định từ bỏ việc gây ảnh hưởng lên các nước thành viên Hiệp ước Warsaw. Ông cũng trình bày cách nhìn của mình về tương lai nước Nga.
Theo Gorbachev, nước Nga không thể tiến xa “chỉ bằng sự ổn định” (ý nói nếu chỉ tập trung vào nhiệm vụ giữ ổn định- ТВ), do đó Nga cần phải thay đổi. Trước hết, đó là những thay đổi trong hệ thống kinh tế, hệ thống bầu cử, hệ thống pháp lý. Tuy nhiên, ông ta đã không đề cập gì đến một phiên bản “Perestroika 2:0”.
Trong các nhận định của mình, cựu tổng thống Liên Xô đã dẫn các số liệu của cuộc thăm dò dư luận do “Trung tâm Levada” mới tiến hành gần đây,- kết quả thăm dò cho thấy có tới gần 60% người Nga ủng hộ những thay đổi mang tính cấp tiến. 53% tin rằng những thay đổi như vậy chỉ có thể xảy ra trong trường hợp hệ thống chính trị Nga thay đổi một cách căn bản.
Gorbachev đề xuất, trước hết, tìm ra những phương tiện "để hiện đại hóa hệ thống hành chính và dân chủ hóa hệ thống chính trị". Hơn nữa, theo Gorbachev, vấn đề chính là làm thế nào để tạo được đòn bẩy (xung lực) cho các tiến trình chính trị này, trong khi vẫn giữ được ổn định và không để xảy ra tình trạng hỗn loạn.
Gorbachev nói: "Tổng thống V.Putin), các đảng phái chính trị và toàn xã hội (Nga) phải suy nghĩ về vấn đề này”.
Trong thời gian gần đây, Mikhail Sergeyevich (Gorbachev) quả thực là đã đưa ra nhiều lời khuyên rất khác nhau. Nhưng liệu có đáng để làm theo những khuyến nghị của một con người đã từng hủy hoại Liên Xô bằng các cải cách của mình,- và giờ lại đưa ra những đề xuất cải cách nước Nga?
Bởi vì, vào năm 1985, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô, Gorbachev đã trở thành nhân vật quan trọng nhất và quyền lực nhất của quốc gia (Liên Xô), mọi người cũng từng chờ đợi những thay đổi tốt hơn từ ông ta và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn mà không phải trải qua những biến động đau đớn. Nhưng cuối cùng- họ đã mất đất nước ...
II. Phần phỏng vấn chuyên gia
Nhà sử học, Phó giám đốc Viện các nước SNG Igor Shishkin
— Vấn đề này (nhu cầu cải cách-ND) đến bây giờ vẫn mang tính thời sự cấp bách.- Mối đe dọa của một cuộc khủng hoảng có thể làm sụp đổ đất nước không phải là câu chuyện bịa đặt nào đó của những kẻ hoảng loạn thích rung chuông báo động (mà là một thực tế-ND).
Quả thực, hiện nay tình hình đang rất, rất không đơn giản, đúng như kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã cho thấy. Nhưng nghe theo lời khuyên của Gorbachev về cách làm sao có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị này cũng giống hệt như tuyển Chubais làm cố vấn về vấn đề biển thủ tài sản quốc gia vậy (Anatoly Borisovich Chubais- nhà chính trị, nhà kinh tế Liên Xô và Nga, cha đẻ của chương trình cổ phần hóa ồ ạt ở Nga những năm 90- ý tác giả- Chubais bằng chương trình của mình đã biến tài sản quốc gia thành tài sản tư nhân-ND).
Cái nọ không thể đứng cùng với cái kia. Không thể, như người ta thường nói, tắm rửa cho cừu bằng kinh nghiệm của một con sói được.
Chính vì vậy, để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đang đến rất gần, theo tôi, điều cần làm không phải là thực hiện một cuộc phỏng vấn với Gorbachev và lắng nghe lời khuyên của ông ta. Điều cần làm – và đó là một trong những điều kiện không thể thiếu để tránh thảm họa cuối cùng – đó là tiến hành một cuộc điều tra về các hoạt động của Gorbachev.
Rốt cuộc, họ đang nói gì với chúng ta? Họ nói: "Chúng tôi đã cố gắng cải cách đất nước, nhưng đã thất bại, và Liên Xô đã sụp đổ".
Xin lỗi các vị, đây là một câu chuyện cổ tích kể cho trẻ em các lớp mẫu giáo nghe. Mikhail Sergeyevich (Gorbachev) và những kẻ đồng lõa với ông ta đã kể cho chúng ta câu chuyện cổ tích nho nhỏ này nhiều lần rồi, Chúa mới biết là đã bao nhiêu thập kỷ rồi. Rằng, họ muốn những điều tốt đẹp hơn, nhưng cái nhận được, vẫn là như mọi khi.
Cái gì ở đây vậy, Mikhail Sergeyevich là một người duy tâm ngây thơ như vậy sao?
"SP ": — Có lẽ nên gọi ông ấy là một con người mơ mộng- một nhà lý thuyết chăng.....
— Vâng, ông ta muốn đội lốt một con người như vậy.Nhưng xin thứ lỗi, chỉ có những người có các phẩm chất khác nhau mới có thể vươn tới đỉnh cao quyền lực. Người đó có thể (là người) trung thực, cũng có thể là kẻ đểu cáng.
Nhưng chắc chắn anh ta không thể là một người duy tâm ngây thơ được- không một kẻ duy tâm ngây thơ nào có thể trèo lên đến đỉnh của một kim tự tháp quan liêu cồng kềnh như vậy được. Cũng giống như việc một thằng ngốc không thể đứng trên đỉnh cao được. Trên đó không có chỗ cho những kẻ ngốc.
Đôi khi chúng ta có cảm giác là họ đang làm điều gì đó vì (họ) ngu ngốc. Nhưng chắc chắn không phải là như vậy.
Do đó, cần phải, tôi xin nhắc lại, mở một cuộc điều tra- (về việc) tại sao giới cầm quyền tối cao Liên Xô lại đi theo đường lối hủy diệt đất nước. Bởi vì tất cả những giọt máu đã đổ sau sự sụp đổ của Liên Xô, tất cả những giọt máu này– là trách nhiệm của Gorbachev. Trước hết, là (trách nhiệm của) Gorbachev.
Và không được phép, tôi nhắc lại, chỉ coi đó (sự sụp đổ của Liên Xô) chỉ là một sai lầm.
"SP ": — Ý ông muốn nói rằng đó là một chính sách đã được cân nhắc và tính toán rất kỹ?
— Tất nhiên rồi. Cách đây không lâu, tờ báo “Komsomolskaya Pravda” đã cho đăng tải nội dung cuộc phỏng vấn mà Gorbachev đã dành cho một tờ báo nào đó ở khu vực Baltic. Lúc đó thì không mấy ai để ý đến bài trả lời phỏng vấn này- bởi vì, có biết bao nhiêu bài báo được xuất bản tại tại Latvia hoặc Estonia. Hơn nữa, bài này được viết bằng ngôn ngữ địa phương.
Nhưng sau đó, tờ “Komsomolskaya Pravda” đã cho (dịch ra tiếng Nga) và đăng lại. Trong lần phỏng vấn đó, Mikhail Sergeyevich (Gorbachev) đã nói toạc ra rằng, ngay khi bắt đầu tiến hành cải tổ, ông ta đã hoàn toàn hiểu rằng sẽ buộc phải đưa các quốc gia Baltic ra khỏi thành phần Liên Xô. Trao quyền độc lập cho các nước Baltic đó Litva, Latvia, Estonia).
Như vậy đấy- đó có phải là một nhà duy tâm- một nhà lý thuyết không? Khi Gorbachev cao giọng trên các diễn đàn dạy dỗ chúng ta về “tăng tốc”, về “tư duy mới” và v.v, thì trong đầu ông ta đã chín muồi nhận thức rằng cần phải chia nhỏ đất nước này. Và đến bây giờ thì chính ông ta đã xác nhận điều đó.
Thêm nữa, những tài liệu đã được công bố công khai cho thấy rằng, ví dụ, người đứng đầu “Sąjūdis ” (Tổ chức chính trị- xã hội của Litva lãnh đạo quá trình ly khai của Litva khỏi Liên Xô trong các năm 1988-1990), ông Landsbergis đã được Matxcova bổ nhiệm trực tiếp. Họ (giới lãnh đạo Liên Xô khi đó) đã cách chức người tiền nhiệm vì ông ấy không thể hoàn thành nhiệm vụ trong sứ mệnh tách Litva ra khỏi Liên Xô và đã bổ nhiệm Landsbergis.
Thế đấy, xin lỗi, đó là một thực tế khoa học.
Hoặc là, tôi xin nhắc lại, về việc Alexander Yakovlev – “cánh tay phải” của Gorbachev, nhà tư tưởng chính của “perestroika” là ai. Chỉ xin đừng nói rằng Gorbachev- là cái đầu, nhưng lại không biết “cánh tay phải” của mình đang làm gì.
Và đây, "đồng chí-quý ngài" trong "thập niên chín mươi" này (Yakovlev) đã tuyên bố thẳng thắn rằng: "chúng tôi cố tình đi theo đường lối làm tan rã Liên Xô - đế chế của cái ác". Ông ta nói rằng trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô từ cuối những năm 50 đã có một nhóm người cố tình tìm cách làm tan rã đất nước.
Và ông ta cũng không úp mở thừa nhận rằng: “Chúng tôi sẽ sử dụng những lời lên án, buộc tội Chủ nghĩa Stalin như một công cụ chủ yếu đánh trực diện. Lấy chủ nghĩa Lenin để đánh Stalin. Và lấy chủ đề chủ nghĩa xét lại để tấn công Lenin”.
Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch- còn tiếp)