Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

BỘ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH CẦN RÚT KINH NGHIỆM



Vụ rút đăng cai ASIAD 18: Bộ VHTT&DL cần rút kinh nghiệm!

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, muốn quyết định vấn đề gì phải tính toán, học hỏi người đi trước, nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam”, bà Khá nói.

Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định rút đăng cai ASIAD 18, trao đổi với Infonet sáng 18/4, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Qua việc rút đăng cai ASIAD 18 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tính toán kinh phí để tổ chức đăng cai thế vận hội Châu Á.

Thưa bà, qua việc rút đăng cai AISAD 18, phải chăng ban đầu Bộ VHTT&DL đã quá vội vàng, không tính toán kỹ?

Trước hết, tôi phải khẳng định quyết định dừng đăng cai ASIAD 18 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là rất kịp thời. Mình cũng muốn giữ thể diện cho Việt Nam nhưng mình cũng phải cân nhắc nền kinh tế của mình hiện nay đang khó khăn trong khi đó vùng sâu vùng xa học sinh còn không có cầu để đi học, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, bệnh viện còn quá tải. Vì vậy để chi cho văn hóa, đó cũng là mặt tinh thần, thì cần phải cân đối, thận trọng để tính toán giữa đầu tư với hiệu quả sau đầu tư.

Trong khi đất nước mình đang khó khăn mà mình lại đầu tư quá nhiều tiền để đăng cai thế vận hội Châu Á là không phù hợp. Do vậy, việc Thủ tướng quyết định dừng đăng cai ASIAD là rất kịp thời, đúng đắn, tôi rất tán thành với quyết định này. Thủ tướng cũng đã cân nhắc đến việc việc nào làm trước việc nào làm sau, do còn quá nhiều việc cần thiết hơn vấn đề đăng cai ASIAD 18.

Bà Nguyễn Thị Khá (Ảnh: Xuân Hải)

Ban đầu kinh phí để tổ chức đăng cai ASIAD 18 Bộ VHTT&DL chỉ tính có 150 triệu USD sau đó tính toán lại thì con số lớn hơn nhiều, trong khi đó trước đây Trung Quốc để đăng cai thế vận hội Châu Á đã phải đầu tư 17 tỷ USD, Hàn Quốc là 2,9 tỷ USD... bà có ý kiến gì về việc này?

Theo tôi, mỗi khi muốn tổ chức đăng cai bất cứ việc gì thì trước tiên phải tính toán một cách thận trọng và chi tiết, nhưng thường là do các nơi muốn thuyết phục các cơ quan chức năng nên chỉ tính một cái tổng thể con số thấp hơn nhiều so với thực tế. Đến khi triển khai thì số vốn đầu tư lại đội lên ít nhất cũng phải phân nửa, thậm chí gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Cho nên, tôi nghĩ rằng Bộ VHTT&DL khi đăng cai hay đầu tư việc gì cần phải tính toán một cách chi li, cẩn thận và phải có tầm nhìn hoặc học hỏi các nước đi trước mình họ đã làm như thế nào, đầu tư bao nhiêu, mình có đủ tiền để tổ chức đăng cai thế vận hội này không.

Một điều nữa là cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và các địa phương liên quan đến tổ chức thế vận hội ASIAD 18 như Hà Nội để phối hợp đầu tư.

Bên cạnh đó mình cũng phải tính đến phương án xây dựng để phục vụ ASIAD xong thì công trình đó sẽ được sử dụng làm cái gì, tức là phải tận dụng được, chứ không phải cứ đầu tư là xong rồi để đấy không sử dụng được vào việc gì trong khi đất nước mình đang còn rất là nghèo, cần cầu cho học sinh, người dân miền núi, bệnh viện thì đang quá tải, đời sống nhân dân còn khó khăn...

Qua vụ ASIAD 18, Bộ VHTT&DL cần phải rút kinh nghiệm gì thưa bà?

Đáng lẽ trước khi đăng cai ASIAD 18, Bộ VHTT&DL cần phải tính đến việc nào cần thiết hơn, có kinh phí để tổ chức không. 

Qua việc rút đăng cái ASIAD theo tôi VHTT&DL cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và thận trọng hơn, đặc biệt là muốn quyết định vấn đề gì phải học hỏi người đi trước, chứ nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Không phải là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch muốn đăng cai ASIAD thì đăng cai, muốn rút thì lại rút, còn vì màu cờ sắc áo của Việt Nam nữa chứ.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Xuân Hải (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét