Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

XUỒNG TÊN LỬA CAO TỐC - VŨ KHÍ ĐỘC ĐÁO CHO TRƯỜNG SA

Xuồng tên lửa cao tốc: Vũ khí "độc đáo" cho Trường Sa

Hà Dũng - theo Trí Thức Trẻ 

Xuồng tên lửa cao tốc Nasr-1 của Iran bắn thử tên lửa

(Soha.vn) - Với ưu thế nhỏ, nhanh và mạnh, xuồng tên lửa cao tốc sẽ là vũ khí đáng gờm của Việt Nam ở Trường Sa?

Xuồng tên lửa cao tốc: sức mạnh của bé hạt tiêu

Trong khi đang triển khai đóng mới các tàu chiến lớn như Gerpard 3.9, SIGMA 9814 với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cùng hệ thống vũ khí uy lực thì Việt Nam vẫn chú trọng phát triển các tàu, xuồng cỡ nhỏ tốc độ cao được vũ trang khá mạnh. Khái niệm tàu, xuồng cỡ nhỏ ở đây áp dụng với những tàu, xuồng có lượng choán nước trên dưới 100 tấn, vì vậy các tàu Molniya mà Việt Nam đang đóng ở nhà máy Ba Son với lượng choán nước 540 tấn vẫn được coi là tàu chiến cỡ lớn.

Theo thống kê trên thế giới hiện nay có tới 24 quốc gia đã đưa vào trang bị tàu, xuống cao tốc có tên lửa chống hạm với khái niệm “missile boat”. Đây thực sự là những chiến binh có độ cơ động cao, tác chiến linh hoạt và sức mạnh đáng nể nhờ các tên lửa chống hạm thế hệ mới.

Việt Nam cũng từng sở hữu xuồng cao tốc lớp Komar do Liên Xô sản xuất với lượng choán nước 67 tấn trang bị 2 pháo 25 mm và 2 tên lửa P-15, tốc độ cao nhất 44 hải lý/h, tầm hoạt động lớn nhất 600 hải lý. Loại xuồng tên lửa này đã được sử dụng trong hải quân rất nhiều nước.

Đây là tàu thế hệ cũ của những năm 1960 với hiệu suất động cơ không cao, tên lửa có kích thước và khối lượng lớn lên đến 2,6 tấn cùng ống phóng và hệ thống điều khiển cồng kềnh, hiện nay loại xuồng này không còn được sử dụng do đã quá cũ.

Tuy nhiên hiệu quả chiến đấu của nó rất đáng quan tâm. Quân đội Ai Cập đã từng dùng loại xuồng tên lửa này bắn chìm khu trục hạm Eliat của Israel vào ngày 21/10/1967. Tiếp đó vào ngày 21/10/1968, các xuồng tên lửa Osa của Ai Cập đã phóng một loạt tên lửa P-15 và đánh chìm “tàu buôn" 10.000 tấn của Israel được hoán cải thành tàu do thám.

Xuồng tên lửa Komar của Việt Nam

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hệ thống vũ khí đã trở nên nhỏ gọn hơn rất nhiều nhưng lại cho hiệu suất chiến đấu hơn hẳn do vậy các xuồng cao tốc tên lửa cũng trở nên nhỏ hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.

Có thể kể đến một số xuồng tên lửa loại “siêu nhỏ” dưới 100 tấn như:

Xuồng tên lửa cao tốc lớp October của Ai Cập lượng choán nước 82 tấn trang bị 4 tên lửa Otomat tầm bắn 180 km, 2 súng máy 30 mm.

Xuồng tên lửa cao tốc lớp Sparviero của Italia lượng choán nước 60 tấn, được trang bị 1 pháo Otobreda 76 mm và 2 tên lửa chống hạm Otomat tầm bắn 180 km hoặc 1 pháo M61 Vulcan, vận tốc tối đa 93 km/h, tầm hoạt động 740 km với vận tốc 83 km và lên đến 1.940 km ở vận tốc 15 km/h.

Xuồng cao tốc tên lửa lớp C-14 “China cat” của Trung Quốc bắt đầu chế tạo năm 2002 với lượng giãn nước chỉ 19 tấn nhưng theo công bố của Trung Quốc thì tốc độ lên đến 93 km/h, thủy thủ đoàn 1 người, trang bị 4 tên lửa chống hạm C701/C704, 1 pháo 23 mm, 1 súng máy 12,7 mm.

Xuồng tên lửa C-14 "China cat" của Trung Quốc

Xuồng cao tốc ENS S. Ezzat do Ai Cập mua của Mỹ vào năm 2013 với lượng giãn nước 75 tấn được trang bị 8 tên lửa chống hạm Harpoon 1 pháo 76 mm, vận tốc lên đến 83 km/h.

Trong cuộc khủng hoảng ở Syria mới đây, Hải quân Syria đã bắn thử tên lửa C-802 được trang bị trên xuồng tên lửa gây lo ngại cho Mỹ và đồng minh. Đặc biệt nhất là lực lượng xuồng tên lửa của Iran được cho là phát triển dựa trên C-14 của Trung Quốc. Nhiều loại tên lửa Zafar, Nasr, Nour, Qader…do Iran tự sản xuất đã được lắp đặt lên các xuồng cao tốc có tốc độ trên 60 km/h.

Theo tuyên bố của Iran thì tới đây, các xuồng cao tốc sẽ được gắn tên lửa đối hạm mới nhất của Iran là Qadir có tầm bắn 200 km. Phương Tây đánh giá Iran sở hữu không dưới 100 xuồng loại này và hết sức lo ngại vì tính cơ động của nó.

Xuồng tên lửa cao tốc của Iran

Về phía Việt Nam, sau khi các xuồng Komar bị loại khỏi trang bị do đã quá cũ thì chúng ta vẫn chưa tiến hành trang bị các xuồng tên lửa cao tốc mới. Nguyên nhân do đối tác truyền thống của ta là Nga không đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến loại vũ khí độc đáo này, một mặt do ta chưa sở hữu công nghệ sản xuất tên lửa nên gặp nhiều khó khăn nếu tự tiến hành thiết kế, chế tạo.

Chúng ta cũng đã tự sản xuất được nhiều loại xuồng cao tốc rất phù hợp để lắp đặt tên lửa như: Xuồng đổ bộ cao tốc ST1200 có chiều dài 12,8 m; chiều rộng 3,6 m; mớn nước 0,45 m; chở được 31 người; trọng tải 2,5 tấn, tốc độ 58 km/h; Tàu tuần tiễu cao tốc TT-120 có lượng choán nước 120 tấn, tốc độ tối đa 61 km/h, Ngoài ra, còn nhiều loại tàu tuần tra khác như ST-126, ST-124, ST-112.Trong tương lai, nếu như Việt Nam tự sản xuất được tên lửa Kh-35UV thì việc trang bị tên lửa cho xuồng cao tốc là điều hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Sức mạnh và thách thức của xuồng cao tốc tên lửa ở Trường Sa

Giả sử đặt trường hợp bị đối phương phong tỏa, tập kích để đánh chiếm đảo ở Trường Sa một cách chớp nhoáng hoặc thâm nhập bờ biển thì rất có thể các xuồng cao tốc này mới thực sự là quân tiên phong, có hiệu quả chiến đấu cao bởi các lí do sau đây:

Trước hết, đó là khả năng hoạt động ở vùng nước nông. Vùng nước xung quanh các điểm đảo ở quần đảo Trường Sa là rất nông, rất ít luồng lạch để các tàu cỡ lớn có thể di chuyển, đó là chưa kể đến sự phong tỏa, bao vây của đối phương. Ngược lại các xuồng cỡ nhỏ có thể luồn lách trên các luồng lạch này và vượt qua sự phong tỏa của đối phương một cách dễ dàng nhờ lợi thế nhỏ gọn, linh hoạt và có tốc độ cao.

Các tàu, xuồng cỡ nhỏ rất phù hợp với địa hình vùng biển Trường Sa

Thứ hai là ưu thế về chi phí. Nếu một tàu chiến cỡ lớn có chi phí ban đầu đến hàng trăm triệu USD thì cùng với số tiền ấy chúng ta có thể trang bị từ hàng chục đến hàng trăm xuồng cao tốc. Số lượng cực lớn này đảm bảo giải quyết được bài toán phòng thủ nhiều điểm đảo cùng một lúc hay cơ động chi viện cho nhau khi cần cũng như vây ráp những tàu chiến cỡ lớn khó xoay xở của đối phương, với số lượng lớn thì mức độ thiệt hại cũng bị giảm thiểu tới mức thấp nhất đúng như nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Chưa kể đến khi cần bảo dưỡng, sữa chữa thay thế với số lượng lớn chúng ta sẽ luôn duy trì được một lực lượng thường trực. Nên nhớ các tàu chiến cỡ lớn là một hệ thống phức tạp hoạt động trong môi trường nước biển nên thời gian bảo dưỡng định kỳ trong năm thường khá dài. Hiện nay, Việt Nam vẫn điều một số tàu chiến cỡ lớn trực chiến trên biển Đông số các tàu còn lại thay phiên nhau bảo dưỡng định kỳ. Như vậy số lượng tàu sẵn sàng chiến đấu ít hơn nhiều so với phương án trang bị xuồng tên lửa cao tốc.

Ngoài ra các tàu, xuồng cỡ nhỏ cũng rất thuận tiện cho phòng thủ ven bờ. Với bờ biển dài của Việt Nam thì số lượng tàu, xuồng cần cho việc bảo vệ bờ biển là rất lớn.

Thứ ba: nhờ kích thước nhỏ, độ cơ động cao nên tàu, xuồng tên lửa sẽ dễ dàng tránh được hỏa lực của đối phương. Đối với pháo hạm, việc ngắm bắn các loại tàu, xuồng cỡ nhỏ đang cơ động là thực sự khó khăn. Đối với tên lửa chống hạm thì khó khăn này còn nhân lên gấp bội bởi các loại tên lửa đa số được thiết kế để chống lại tàu chiến lớn, chúng gần như mất tác dụng khi gặp phải đối tượng có diện tích phản xạ radar quá bé, điều này cũng giúp các tàu xuồng cỡ nhỏ có thể cơ động lại gần tàu chiến lớn, khắc phục nhược điểm radar dẫn bắn của chúng có tầm hoạt động rất ngắn. Chưa kể có thể tàu chiến cỡ lớn còn không đủ số lượng tên lửa để chống lại số đông các tàu, xuồng kiểu này.

Tuy nhiên phương án này không phải là không có nhược điểm cần được khắc phục:

Trước hết: tàu, xuồng cỡ nhỏ không hoạt động được trên quãng đường xa. Điều này rất dễ hiểu, ngay cả các tàu Molniya cũng nếu muốn tác chiến ở Trường Sa cũng cần huy động các tàu kéo ra sát vùng chiến sự rồi mới tự hoạt động. Ưu điểm của loại tàu này là tốc độ cao nhưng nếu hoạt động ở tốc độ như vậy thì nhiên liệu không đủ để đến vùng chiến sự và quay về căn cứ. Tuy nhiên, các xuồng cỡ nhỏ chỉ cần hoạt động trong phạm vi ngắn và thường trực ở Trường Sa nên không cần phải lai dắt nhiều.

Thứ hai là số lượng nhiều thì việc tổ chức bảo dưỡng tàu và nhất là các loại vũ khí sẽ khó khăn hơn. Nhưng tuân theo xu hướng hiện nay là thiết kế theo kiểu module thì điều này sẽ được giải quyết. Khi đó chúng ta có thể tháo vũ khí ra và đưa về cơ sở kỹ thuật. Còn việc bảo dưỡng tàu thuyền cũng khá đơn giản bởi chúng ta có rất nhiều cơ sở, ngay cả ở Trường Sa cũng đã có.

Thứ ba là chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, đây là bài toán lớn nhất cần phải giải quyết. Vùng biển quanh quần đảo Trường Sa trong năm chỉ có vài tháng biển lặng, do vậy cần có các phương án đối phó với bão và sóng biển. Những ngày biển động hầu như tất cả hoạt động của các lực lượng ở Trường Sa đều phải tạm dừng. Trong những ngày giông bão, chúng ta có thể sử dụng âu tàu tránh bão mà chúng ta đã xây dựng ở đây. Cũng có thể áp dụng các biện pháp neo chằng trên biển hoặc xây hầm trú nửa chìm nửa nổi với các cơ cấu neo giữ tại các đảo.

Nhìn chung, phương án trang bị xuồng tên lửa cao tốc có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng còn một số vấn đề cần phải giải quyết thấu đáo, nhất là bài toán đối phó với sự thất thường của thời tiết. Nếu giải quyết được bài toán này thì với nghệ thuật tác chiến đánh gần kiểu du kích của nền quân sự Việt Nam kết hợp với loại vũ khí công nghệ cao "độc đáo" như xuồng tên lửa cao tốc chắc hẳn sẽ tạo nên sức mạnh lớn hơn cho Hải quân Việt Nam, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.


Tàu đổ bộ cao tốc ST1200 do Việt Nam chế tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét