Việt Nam là điểm đến an toàn
ANTD.VN - Việc Việt Nam không để xảy ra trường hợp nhiễm mới nào dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trong 20 ngày qua, đặc biệt là chữa khỏi tất cả 16 ca nhiễm Covid-19, đã khẳng định dải đất hình chữ S này là một điểm đến an toàn cho cả du khách và giới đầu tư quốc tế.
Lượng khách châu Âu đến Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái đã khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn
Thắng trận đầu trong cuộc chiến chống Covid-19
Cho dù điểm khởi phát của dịch Covid-19 là Trung Quốc đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi số người nhiễm mới và tử vong đang có chiều hướng giảm, song diễn biến của dịch bệnh nguy hiểm này trên cả thế giới vẫn phức tạp, khó lường. Tính tới chiều ngày 3-3, dịch Covid-19 đã lây lan ra 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 90.918 người nhiễm (trong đó có 10.788 người ngoài Trung Quốc lục địa) và 3.118 người tử vong (trong đó Trung Quốc có 2.944 người tử vong).
Điều đáng nói là số người nhiễm Covid-19 mỗi ngày bên ngoài lục địa Trung Quốc hiện đã nhiều hơn tại tâm dịch Trung Quốc. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm Covid-19 mới ngoài Trung Quốc đã cao gấp gần 9 lần số trường hợp mới được phát hiện tại Trung Quốc lục địa trong ngày 2-3.
Thông tin như vậy để thấy rằng việc Việt Nam không để xảy ra ca nhiễm Covid-19 nào suốt 20 ngày qua, trong đó đã chữa khỏi cho toàn bộ 16 ca nhiễm, là một thành tích ban đầu rất ấn tương cho dù là quốc gia bị ảnh hưởng sớm do có đường biên giới trên bộ dài hàng nghìn km cùng với giao lưu hàng không, đường thủy với Trung Quốc và giao lưu khá tấp nập với hàng trăm chuyến bay mỗi tuần với Hàn Quốc, quốc gia có số người nhiễm cao nhất trên thế giới ngoài Trung Quốc.
Việc không để dịch Covid-19 lây lan rộng là kết quả của những nỗ lực cao độ với các biện pháp mạnh mẽ và đúng đắn của Việt Nam. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc”, toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta đã vào cuộc ngay khi ca dịch bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện với những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ.
Sau khi phát hiện những trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 1-2 đã chính thức công bố dịch Covid-19 tại nước ta. Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có những công văn, chỉ thị, công điện về việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Cùng với đó là sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và người dân cả nước đã chung sức đồng lòng, đoàn kết thành một khối chống chọi với dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Các bộ, ngành và địa phương cũng đã ban hành những văn bản, kế hoạch hành động cụ thể để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm.
Thực tế chống dịch Covid-19 thời gian qua minh chứng, việc xử lý dịch bệnh của Việt Nam đến nay đã đạt được những kết quả rất tích cực mà theo như đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là “nếu chống dịch Covid-19 như một cuộc chiến thì chúng ta đã thắng trận mở màn”. Kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam đã xử lý dịch Covid-19 rất tốt.
Quảng bá điểm đến an toàn, thân thiện
Tất nhiên, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và chúng ta cũng xác định thành quả cho tới lúc này mới chỉ là “chiến thắng trận đầu” và cuộc chiến này còn gam go đòi hỏi phải tiếp tục duy trì quyết tâm cũng như hành động mạnh mẽ chống dịch theo quan điểm xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc”. Song, không thể phủ nhận Việt Nam đã đạt được những thành quả trong việc bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của người dân, sự ổn định kinh tế-xã hội của đất nước.
Việc phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả đã mang lại sự tin tưởng, an tâm cho cộng đồng quốc tế, trong đó có các khách du lịch và nhà đầu tư, rằng Việt Nam là một Điểm đến An toàn. Thông tin từ Tổng cục Thống kê ngày 29-2 cho thấy, dù tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2019, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta vẫn đạt hơn 3,23 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dù lượng khách đến Việt Nam từ Trung Quốc giảm khá mạnh 5,8% trong 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, nhưng khách đến từ nhiều thị trường quan trọng vẫn có sự tăng trưởng. Trong đó, khách Nhật Bản tăng 8%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 19,9%, Thái Lan tăng 34,5%... Đáng kể là lượng khách đến từ châu Âu trong 2 tháng qua ước tính tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, khách Nga tăng 17,7%; Vương quốc Anh tăng 5%; Pháp tăng 4%; Đức tăng 0,6%, châu Phi tăng 17,7%…
Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, phục vụ con người và là ngành đầu tiên chịu tác động mạnh do dịch Covid-19. Bên cạnh đã hành động mạnh mẽ để khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, ngành du lịch cũng đã chủ động, khẩn trương triển khai các kế hoạch ứng phó, khắc phục hậu quả của dịch bệnh cũng như các biện pháp quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tổng cục Du lịch có thư ngỏ bằng 6 thứ tiếng gửi đến bạn bè quốc tế, các quốc gia, đối tác của ngành du lịch Việt Nam để vừa thông báo kịp thời tình hình dịch cũng như hoạt động phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho du khách… Tổng cục Du lịch cũng ký kết với các hãng hàng không trong nước nhằm hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại của du khách khi thay đổi hoặc hủy chuyến bay trong thời gian dịch bệnh.
Đặc biệt, ngành du lịch cũng tiến hành quảng bá xúc tiến, giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện đến bạn bè quốc tế. Tổng cục Du lịch đang hoàn thiện các tiêu chí về du lịch Việt Nam an toàn; đưa thông điệp du lịch Việt Nam an toàn ra thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm tới an toàn của du khách, hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, cơ sở dịch vụ lưu trú... góp phần vừa chống dịch, vừa phục hồi ngành du lịch.