Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

JICA tài trợ hơn 36,6 tỷ yên trang bị sáu tàu tuần tra trên biển

Ngày 28-7, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay ODA, trị giá 36,626 tỷ yên cho dự án trang bị sáu tàu tuần tra, tăng cường năng lực bảo đảm an ninh, an toàn trên biển Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được hỗ trợ tài chính để trang bị sáu tàu tuần tra, nhằm tăng cường năng lực chấp pháp và cứu hộ hàng hải nhanh chóng, phù hợp, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và tự do hàng hải tại Việt Nam.

Đây là khoản vay có lãi suất ưu đãi trong thời gian 40 năm (vay ân hạn 10 năm). Dự kiến, trong tháng 8 tới, các bên sẽ phát hành thư mời thầu dịch vụ tư vấn (tư vấn hỗ trợ đấu thầu, giám sát thi công…), phấn đấu hoàn thành vào tháng 10-2025 (khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao).

Theo JICA, dự án đóng góp vào mục tiêu 14 và 16 của Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Dự án áp dụng điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế (STEP), sử dụng các công nghệ đóng tàu tiên tiến của Nhật Bản.

Điều khoản này áp dụng cho các dự án cần tận dụng đáng kể công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản, dựa trên yêu cầu của nước đang phát triển về việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Điều kiện cơ bản của khoản vay STEP là nhà thầu chính sẽ là công ty Nhật Bản, hoặc chi nhánh của công ty Nhật Bản tại nước ngoài, hoặc liên doanh giữa công ty Nhật Bản và công ty Việt Nam (Công ty Nhật Bản đứng đầu liên doanh).

Theo đó, công ty Việt Nam có thể tham gia với tư cách là thành viên của liên doanh Nhật Bản - Việt Nam hoặc là nhà thầu phụ. Trong một số điều kiện nhất định, liên doanh giữa công ty Nhật Bản và công ty có vốn chủ sở hữu Nhật Bản (công ty Nhật Bản đứng đầu liên doanh) có thể là nhà thầu chính.

Biển Đông được xem là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai bão, lũ, nên nguy cơ xảy ra tai nạn hàng hải cao. Hơn nữa, người, phương tiện hoạt động trên biển và lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ tội phạm đe dọa an ninh hàng hải tăng theo trong những năm gần đây, nạn buôn lậu, đánh bắt trái phép, nguy cơ khủng bố gia tăng, do vậy, tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu tại Việt Nam.

MINH TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét