Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Năng lực của Việt Nam đã khác sau 6 tháng chống dịch Covid-19


PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá việc xét nghiệm trên diện rộng tại Đà Nẵng sau khi phát hiện ca nghi mắc Covid-19 là quyết định cần thiết để chống dịch.

Nếu có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, nam bệnh nhân ở Đà Nẵng sẽ là ca mắc Covid-19 trong cộng đồng mới nhất kể từ ngày 16/4. Khác những bệnh nhân nhập cảnh được ghi nhận gần đây, ca mắc này đòi hỏi sự khoanh vùng chặt chẽ để phát hiện sớm người lây nhiễm tiếp theo, tránh tạo thành ổ dịch lớn.

Zing đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, về vấn đề này.

Bệnh viện C Đà Nẵng đã bị phong tỏa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Biện pháp chống dịch chưa từng áp dụng

- Sau khi phát hiện ca nghi nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng, Bộ Y tế quyết định tiến hành biện pháp chưa từng áp dụng. Ông có thể nói rõ hơn về biện pháp này?

- Như thông tin tại cuộc họp khẩn chiều 24/7, Bộ Y tế đang tiến hành rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 và hệ thống máy xét nghiệm ELISA. Đây là biện pháp chưa từng áp dụng.

Trước đây, khi có ca mắc, chúng ta tiến hành rà soát và xét nghiệm những người tiếp xúc gần. Còn với trường hợp này, quy mô khoanh vùng, xét nghiệm rộng hơn, bất kỳ chỗ nào có nguy cơ đều được tiến hành sàng lọc. Tất cả đối tượng có nguy cơ đều được xét nghiệm để kiểm tra. Đối tượng như thế nào sẽ phụ thuộc vào điều tra dịch tễ.

- Điều đó có nghĩa ca nghi mắc này đặc biệt hơn?

- Không phải ca này đặc biệt. Lý do đơn giản là hiện chúng ta có năng lực và nhiều kinh nghiệm hơn. Bây giờ chúng ta có test kit, có năng lực xét nghiệm. Trước đây, dù muốn làm, chúng ta cũng chưa thể thực hiện được.

Sau khoảng 6 tháng chống dịch, tình hình đã khác nhiều. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở các địa phương. Những nơi chưa có ca bệnh cũng được tập huấn rất kỹ. Tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi hoặc nhiễm trong cộng đồng, cơ quan y tế sẽ phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch.

Tôi đánh giá quyết định của Bộ Y tế về việc rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng là hoàn toàn đúng đắn, rất cần thiết. Khi tiến hành, chúng ta sẽ biết được khu vực nào nghi ngờ, phát hiện sớm các ca dương tính cũng như ổ dịch mới. Nếu kết quả âm tính, chúng ta có thể yên tâm hơn.

- Việc truy vết những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm sẽ được tiến hành ra sao?

- Truy vết những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm là quy trình quan trọng nhằm làm chậm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và để tránh các đợt bùng phát dịch.

Ở nước ta, quá trình này chủ yếu liên quan đến công nghệ, phổ biến nhất là điện thoại. Bệnh nhân nghi nhiễm, người tiếp xúc gần, thậm chí người tiếp xúc với người tiếp xúc gần sẽ được cơ quan y tế gọi điện thoại đến để tìm hiểu thông tin. Họ sẽ trả lời các câu hỏi đơn giản như những nơi từng đến, người đã ở gần.

Những người mà họ báo lại sẽ được liên lạc và phỏng vấn. Cứ thế, cơ quan y tế sẽ truy vết và tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Phỏng vấn qua điện thoại là cách làm phổ biến và hiệu quả nhất trong đại dịch Covid-19 ở Việt Nam để truy vết người tiếp xúc.

Chưa thể khẳng định có làn sóng thứ 2

- Trong trường hợp bệnh nhân ở Đà Nẵng được khẳng định mắc Covid-19, ông cho rằng tình hình dịch có đáng lo ngại hay không?

- Như báo cáo của quyền Bộ trưởng Y tế, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trường hợp này cần chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng của cơ quan có uy tín hàng đầu Việt Nam. Đó là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Bởi quá trình xét nghiệm có một số yếu tố cần phải làm lại.

Nếu đây là ca mắc cộng đồng được xác nhận, tôi cho rằng không đáng lo ngại vì năng lực của Việt Nam hiện rất tốt. Khi phát hiện ca mắc, chúng ta sẽ khoanh vùng, dập dịch như đã làm với các ổ dịch trước đây.

Dù bệnh nhân có dương tính hay không, người dân cũng nên chú ý, đề phòng hơn với dịch bệnh. Thời gian vừa qua, người dân có dấu hiệu rất chủ quan, quên rằng mình đang ở trạng thái bình thường mới chứ không phải như trước đây. Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp song người dân không tuân thủ như việc đeo khẩu trang ở nơi công động, nơi tập trung đông người hay vệ sinh khử khuẩn.

Qua trường hợp ở Đà Nẵng, mọi người nên tăng cường phòng hộ, phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.

- Việt Nam đang có nguy cơ ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng sau 100 ngày. Nhiều người đang lo sợ về khả năng “làn sóng thứ 2” xảy ra ở nước ta.

- Chúng ta chỉ nên sợ Việt Nam có làn sóng thứ 2 khi số ca mắc trong cộng đồng lớn. Nếu chỉ có một vài ca thì không thể nói là làn sóng thứ 2. Người dân không nên lo lắng quá. Nếu Việt Nam khoanh vùng, dập dịch tốt, không thể bùng dịch lên, đây chỉ là ca đơn lẻ. Khi chúng ta không làm tốt, dịch bùng lên thì làn sóng thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra.


Đồ họa: Minh Hồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét