Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

TỰ DO BÁO CHÍ CHO AI?

Tự Do Báo Chí Cho Ai ?

Báo chí Mỹ đã nhất loạt thổi phồng làm rùm beng cái gọi là “khả năng hạt nhân” và “tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt” của Irắc, họ đưa tin Irắc mua plutoni của một nước châu Phi để chế tạo bom hạt nhân. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang treo lơ lửng trên đầu nhân loại, vì thế Mỹ phải ra tay trước, thể hiện như một “Người hùng” cứu nhân độ thế?! Khi cuộc chiến tranh Irắc nổ ra, nhiều hãng thông tấn, nhiều tờ báo đưa tin không hợp “khẩu vị” của họ thì bị cấm đưa tin, bị kiểm duyệt. Chính quyền Mỹ đã kiểm soát rất chặt chẽ các báo, đài đưa tin chiến sự, họ chỉ đồng ý cho những hãng thông tấn báo chí nào tuân theo những “Luật” do họ đặt ra. Những nhà báo đưa tin về sự thật tàn bạo của quân đội Mỹ gây ra đối với dân thường đã bị đe doạ. Một phóng viên nổi tiếng của Hãng Truyền hình CNN bị đuổi việc ngay lập tức, vì đã thông tin một sự thật không có lợi cho nhà cầm quyền Mỹ. Đài BBC bị Chính phủ Anh kiện ra toà. Ở Mỹ, khi CNN và tạp chí Thời đại (Time) công bố phóng sự của Ôlivơ và Xmit ngày 7/6 và 14/6/1998, về sự kiện quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc Sa-rin trong chiến dịch “Gió xuôi chiều” vào tháng 9/1970 để giết hại một số quân nhân Mỹ đảo ngũ trong chiến tranh Việt Nam và trốn tại Lào, thì đến đầu tháng 7 cả CNN và tạp chí Thời đại đều phải công khai xin lỗi Lầu Năm góc, đồng thời sa thải hai nhà báo đó, mặc dù các nhà báo đều đã nêu đủ những bằng chứng xác thực khẳng định sự đúng đắn của họ và tố cáo những hành vi thúc ép về chính trị và quân sự đối với họ trong vụ việc.

Điều quan trọng nhất và cũng cơ bản nhất là tất cả các tờ báo lớn có sức ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội đều nằm trong tay những ông chủ giầu có. Bất chấp tự do tư tưởng, các nhà tư bản đã không ngần ngại dùng báo chí để bành trướng, áp đặt quan điểm của mình trên qui mô toàn cầu. Họ đầu tư nhiều triệu đô la, phát triển một hệ thống báo chí hùng hậu nhằm quấy nhiễu tư tưởng ở tất cả các nước không cùng quan điểm. Diễn biến thế giới gần đây đã phản ánh khá sinh động điều ấy. Bằng cái gọi là “tự do báo chí”, các nhà tài phiệt tư bản, đứng đầu là nước Mỹ đã không ngần ngại dùng các cơ quan báo chí của mình thổi phồng lên các chiêu bài “chống khủng bố, truy lùng Binlađen”, “săn lùng vũ khí hủy diệt”, kiếm cớ “hợp pháp” để can thiệp quân sự một cách thô bạo vào những quốc gia có chủ quyền, ở nơi mệnh danh là mỏ “Vàng đen” của thế giới. Các nhà tư bản dùng báo chí để lừa phỉnh dư luận, kiếm về cho mình những món lợi kếch xù. Như vậy thì làm gì có cái gọi là “tự do báo chí thuần túy”, “tự do báo chí tuyệt đối”, nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước Mỹ. Vậy cái mà họ gọi là “Tự do báo chí” thực chất là sử dụng báo chí để bảo vệ quyền lợi và sự thống trị của họ. Đó chính là thứ tự do giả dối, lừa gạt dư luận, thủ tiêu vai trò của báo chí.

Còn ở Việt Nam có một số người cơ hội chính trị đã kết bè với nhau và liên kết với các tổ chức chống cộng cực đoan, các tổ chức thù địch với Việt Nam để phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Họ viết báo, hồi ký phát tán ra ngoài với những lời lẽ hằn học, biêu riếu, vu cáo hèn mạt, họ nhổ toẹt vào những hy sinh vô cùng to lớn về sinh mạng của cả một dân tộc mà có cả những người thân của họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Họ gầm gừ, rên rỉ rằng ở đất nước này không có “tự do báo chí”(!) như họ muốn như: “Viết báo trong vòng kìm kẹp của luật”(!) hay “Không có tự do báo chí thì dân tộc này mãi mãi sống trong hang tối”(!) v v..Những người cơ hội chính trị đó đã thực sự đối lập với lợi ích Tổ quốc, một khi họ nuôi dã tâm xấu xa đó thì không có quyền nói đến “tự do báo chí”, theo nghĩa chân chính nhất của từ này. Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3-5 2014 với chủ đề là: “Tự do cho truyền thông vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Dấu nhấn được đặt trên các vấn đề: “truyền thông tự do, Nhà nước pháp quyền, báo chí chuyên nghiệp là một bộ phận của phát triển”. Một chuyện hài hước đã diễn ra là, ba nhà hoạt động cho cho cái mà họ gọi là “tự do và nhân quyền” của Việt Nam đã tới Hoa Kỳ, theo lời mời của các dân biểu Hoa Kỳ và một số các tổ chức cổ súy cho cái gọi là” tự do thông tin”. Các khách mời này sẽ tham gia một loạt các sinh hoạt như thảo luận về những thử thách của việc khởi động một nền báo chí độc lập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các “nhà” này sẽ tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, một số dân biểu Mỹ, các tổ chức nhân quyền, công ty tin học, tham gia khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh mạng. Lố bịch,ngược ngạo, thử hỏi ba vị khách mời đó là ai ? họ lấy tư cách gì mà “đòi” về tự do cho báo chí Việt Nam? Họ biết gì mà hội thảo? các vị đó có viết nổi một mẫu tin theo đúng nghĩa của sự việc không? xin trả lời rằng họ hoàn toàn không đủ năng lực và tư cách. Ấy vậy mà nghịch lý đó vẫn diễn ra !

Vậy do đâu mà những người đó có đòi hỏi vô lý, hài hước trên? chúng ta sẽ tìm hiểu “căn bệnh” này. Có nguyên nhân từ bên ngoài hẫu thuẫn, đó là những tổ chức không có thiện cảm với Việt Nam luôn luôn đẻ ra những sản phẩm “quái thai” từ những định kiến, nhận thức mơ hồ về quyền tự do báo chí Việt Nam.Trong báo cáo thường niên về tự do báo chí trên thế giới do tổ chức Freedom House công bố ngày 1-5-2013 họ xếp Việt Nam vào nhóm các nước “Không có Tự do báo chí”?! Một cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ –VOA, ông Shawn Crispin, Đại diện cấp cao của Ủy ban Bảo vệ các Ký giả ở Đông Nam Á (CPJ), và là tác giả của cái gọi là:”phúc trình về tự do báo chí tại Việt Nam” đã đánh giá về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong năm 2013 như sau:“Rõ ràng là tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã xuống dốc rất nhanh. Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chính quyền Việt Nam đang tăng cường đàn áp các blogger độc lập, và các nhà báo viết bài đăng trên mạng. Điều đó chứng tỏ là chính quyền Việt Nam đã có một nỗ lực phối hợp để siết chặt một thế giới mạng từng hoạt động tương đối cởi mở, cung cấp các quan điểm và tin tức đa dạng bên cạnh giới truyền thông chính thức bị nhà nước chi phối”?! Do hiểu phiến diện hoặc cố tình hiểu sai về tự do báo chí, tổ chức này đã ra công cổ súy, đấu tranh đòi “tự do báo chí” theo kiểu phương Tây, coi đó là biểu hiện của “tinh thần dân chủ”, Song, họ không hiểu rằng dân chủ là một thể chế, trong đó, quyền tự do báo chí của người này không được làm tổn hại đến quyền tự do của người khác, đến lợi ích của toàn dân tộc. Mặt khác, trong một số ít người, tư tưởng nêu trên xuất phát từ những toan tính liên quan đến lợi ích, quyền lực, động cơ cá nhân, từ sự bất mãn của họ với Đảng và Nhà nước. Họ luôn luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của đất nước, chính vì thế, họ có những ý kiến lạc lõng cực đoan phản lại quyền lợi của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần sự thật về chính sách báo chí của chính quyền thực dân: “Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy”. Như chúng ta đã biết luật Báo chí của Việt Nam ghi rõ hai điều rất quan trọng:
Điều 4: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Công dân có quyền:
1. Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới;2. Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin;3. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới;4. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;5. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.
Điều 5: Trách nhiệm của báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Cơ quan báo chí có trách nhiệm:
1. Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nói rõ lý do;2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến”..
Để làm rõ vấn đề cốt lõi, chỉ rõ thực chất cái gọi là “tự do báo chí” của phương Tây và thực trạng hoạt động báo chí của Việt Nam hiện nay thì chúng ta đều nhận ra rằng: Đối với báo chí phương tây thì:Tuy không can thiệp vào hoạt động báo chí, nhưng luật pháp của các quốc gia đều có những quy định nhằm ngăn chận sự lạm quyền của báo chí, chẳng hạn, về các thông tin của chính phủ, mọi chính phủ đều phân biệt những thông tin nào được phép phổ biến cho công chúng và những thông tin nào thuộc loại phổ biến hạn chế hay tuyệt mật không thể tiết lộ với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Hầu hết các tổ chức làm báo của phương tây đều tự đưa ra những quy định của tổ chức mình và yêu cầu những người thuộc tổ chức phải tuân thủ. Các tổ chức báo chí cũng họp thành những hiệp hội báo chí để bảo vệ quyền người làm báo, và những hiệp hội này cũng nêu ra các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Mặc dù báo chí phương tây có quyền tự do nhưng xã hội phương tây cũng tôn trọng quyền tự do cá nhân và báo chí không có quyền làm phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân. Do đó, nền báo chí dân chủ phương tây tự đặt ra cho họ những tiêu chuẩn của việc hành nghề gọi là hệ thống đạo đức báo chí. Chính vì thế mà ông Tony Burman, cựu tổng biên tập của một hãng tin lớn trên thế giới là CBC News, đã phát biểu:“Mọi tổ chức báo chí đều chỉ có thể dựa vào danh tiếng và sự được tín nhiệm của chính mình.” Những người làm báo thiếu cẩn trọng vì nôn nóng phát hiện vụ việc hoặc khao khát giải thưởng làm báo cũng có lúc đi quá phận sự của người làm báo. Nhận thấy những hành vi của một số người làm báo là không thỏa đáng, các định chế báo chí đứng đắn đã đặt ra những quy tắc đạo đức của nghề báo và của người làm báo. Mặt khác, các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cũng ban hành nhiều luật lệ nhằm ngăn ngừa sự vi phạm của người làm báo trong lúc hành nghề.Chỉ khi nào nhận thức đầy đủ những cơ sở xuất phát này thì người làm báo mới giải quyết đúng đắn và xử lý hài hòa các mối quan hệ liên quan đến các thành tố trên để giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, ở mọi lúc, mọi nơi.

Trong thời gian xảy ra thế chiến thứ hai, vị chủ báo của nhật báo Times và tạp chí ảnh Life (Hoa Kỳ) là Henry Luce có đề nghị với Giáo sư Robert Hutchins là Viện trưởng Viện đại học Chicago lúc bấy giờ giúp tuyển mộ một ủy ban thực hiện việc tìm hiểu về chức năng thích đáng của hoạt động truyền thông trong một nền dân chủ hiện đại. Sau hơn bốn năm cân nhắc, mãi đến năm 1947, Ủy ban này mới đưa ra một bản hướng dẫn tổng quát gồm 7 điều:
1. Bất kỳ ai được hưởng một phạm vi tự do đặc biệt, như một nhà báo chuyên nghiệp chẳng hạn, đều có một nghĩa vụ đối với xã hội trong việc sử dụng quyền hạn và tự do của mình một cách có trách nhiệm.2. Phúc lợi của xã hội là tối cao, quan trọng hơn hẳn sự nghiệp của từng cá nhân hoặc kể cả những quyền cá nhân.3.Báo chí phải trình bày những tin tức có ý nghĩa, chính xác, và tách biệt với ý kiến riêng.4. Báo chí phải phục vụ như một diễn đàn cho việc trao đổi những bình luận, phê phán và để mở rộng việc tiếp cận những quan điểm khác biệt.5.Báo chí phải hướng đến một hình ảnh có tính cách đại diện cho mọi cộng đồng họp thành xã hội bằng cách tránh những định kiến và phải kể đến những cộng đồng thiểu số.6.Báo chí phải làm sáng tỏ những mục tiêu và những giá trị của xã hội; hàm ý là một lời kêu gọi tránh việc làm thỏa mãn cho nhóm thuộc mẫu số chung nhỏ nhất.7.Báo chí phải mang lại một sự đưa tin rộng rãi về những gì được biết liên quan đến xã hội.
Bản hướng dẫn tổng quát của Ủy ban Hutchins đã gợi ý cho Hiệp hội nhà báo Chuyên nghiệp Hoa Kỳ (Society of Professional Journalists) đưa ra một bản quy tắc đạo đức của người làm báo, ngoài những điều khoản có tính cách cụ thể hóa và chi tiết hóa những hướng dẫn tổng quát trên dưới đề mục chung là: Tìm kiếm sự thật để tường thuật, có đưa thêm ba đề mục chính là: Giảm đến mức tối thiểu sự tác hại – Hành động một cách độc lập - Có trách nhiệm. Đặc biệt, vào năm 1993, Nghị viện Liên hiệp châu Âu (European Parliament) thông qua nghị quyết số 1003 nói về đạo đức của báo chí, là một trong những văn bản hiếm có của giới lãnh đạo chính trị phương tây bàn về vấn đề này. Bản nghị quyết này gồm 6 mục với 38 điều. Mục thứ nhất nêu sự phân biệt giữa tin tức và ý kiến riêng; mục thứ hai xác định quyền được thông tin là một quyền căn bản của con người và phân biệt chức trách vai trò giữa người sở hữu cơ sở báo chí, người chịu trách nhiệm về cơ sở báo chí và người thực hành việc làm báo với tư cách nhà báo chuyên nghiệp, mục thứ ba nêu rõ chức năng báo chí và nêu rõ như thế nào là các hoạt động mang tính đạo đức của báo chí, mục thứ tư chỉ có một điều nói về những luật lệ quản trị đối với ban biên tập, mục thứ năm nói về những tình huống có tranh chấp và những trường hợp cần bảo vệ đặc biệt; và mục cuối cùng nói về đạo đức tổng quát cùng với việc tự đặt ra điều luật phải theo của các cơ sở báo chí.

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định quyền tự do báo chí. Mọi hoạt động báo chí đều phải phục vụ sự tiến bộ, công bằng xã hội, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Luật Báo chí chỉ cấm các hoạt động báo chí đi ngược lại lợi ích tối cao của đất nước là độc lập, tự do của dân tộc, thành quả kết tinh sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam mới giành được. Luật Báo chí cấm các hành động tuyên truyền chống lại con người. Luật Báo chí Việt Nam khẳng định báo chí không chỉ là cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội, nghề nghiệp,… mà còn là diễn đàn tin cậy của người dân. Báo chí đã là món ăn tinh thần không thể thiếu được của các tầng lớp nhân dân, thực sự đến với nhiều đối tượng trở thành người bạn thân thiết hằng ngày của họ. Đó là vì báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tiếng nói của nhân dân,… đồng thời là bầu bạn tin cậy của các tầng lớp nhân dân, đã và đang đáp ứng quyền được cung cấp thông tin của nhân dân. Báo chí Việt Nam có quyền đề cập tất cả các vấn đề mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo lực, kích dục, tuyên truyền cho chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Đây là điều cần thiết với tất cả các nước tiến bộ trên thế giới, mong muốn xây dựng một xã hội hoà bình, ổn định, vì hạnh phúc. Báo chí Việt Nam đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, phát hiện những việc làm trái với pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Báo chí tham gia xây dựng đời sống mới, đấu tranh với những hủ tục, những tệ nạn xã hội. Vậy thì, sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam có cản trở quyền tự do báo chí của người dân cũng như những hoạt động báo chí của các nhà báo không ? Xin thưa với các vị chuyên hành nghề vu khống là không hề. Tất cả những điều quy kết của các vị dựa trên mớ cái gọi là “bằng chứng” của một số người có tư tưởng xuất phát từ mưu đồ cá nhân, mưu toan quyền lực, với não trạng luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc, luôn tìm cách vu cáo, xuyên tạc về tự do báo chí trong nước hòng nhận được sự hậu thuẫn của các thế lực từ bên ngoài về tinh thần lẫn vật chất. Chúng ta đanh thép nói rằng: Những kẻ nào, tổ chức nào dù cho họ được đỡ đầu bởi một chính phủ có tiềm lực như thế nào đi chăng nữa Việt Nam vẫn dõng dạc tuyên bố rằng : Việt Nam là quốc gia có nền báo chí cách mạng tự do !

AMARI TX
Texas Hoa Kỳ 20-4-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét