Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

TỪ HÀNH VI ĂN CẮP ĐẾN GÓC NHÌN VĂN HÓA

Vừa qua, một loạt báo đã đưa tin về việc một cháu bé bị bảo vệ siêu thị bắt trói, treo biển “Tôi là người ăn trộm” tại Chư Sê, Gia Lai. Tin tức từ chủ đề này nhanh chóng được các báo khai thác và nhận được rất nhiều bình luận. Hầu hết những bình luận của độc giả các báo đều bức xúc trước việc đối xử của nhân viên siêu thị đối với cháu bé. Quan điểm của cá nhân tôi cũng rất bức xúc với hành động của những nhân viên siêu thị, nhưng cũng không thể đồng ý với những ý kiến quá cảm tính bênh vực cháu bé. Điều đầu tiên, chúng ta phải nhận thức được rằng, cháu bé đã có hành vi ăn trộm tài sản. Hành động giấu hai cuốn sách vào túi áo là hành động “có chủ ý” chứ không phải là vô tình, hay không biết như một số báo chí đăng lên nhằm bào chữa cho hành động của cháu bé. Gia đình của nữ sinh này đã xác nhận hành vi ăn cắp của con mình và “nộp phạt cho siêu thị và cũng đã xin lỗi lãnh đạo siêu thị vì hành động dại dột của con mình” (Báo Dân trí ngày 14.4). Với độ tuổi của cháu (khoảng 13 tuổi), giá trị tài sản ăn trộm thấp, thì cháu bé chưa phải là đối tượng điều chỉnh của các hệ thống luật, biện pháp xử lí chính vẫn là giáo dục, giúp cháu nhận thức sai trái. Nhưng, không thể lấy những lý do như trên để biện minh cho hành động ăn trộm của cháu bé. Dân gian Việt Nam có câu “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Từ những hành động nhỏ của cháu như vậy, nếu không rèn giũa, không giúp cháu nhận thức sai lầm thì hậu quả xã hội gánh chịu sẽ không phải nhỏ. Dư luận xã hội lên án vụ việc trong thời gian vừa qua “vô tình” dung dưỡng, xí xóa cho hành động của cháu bé, thậm chí bà Phó giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Gia Lai còn đòi hỏi cả siêu thị xếp hàng xin lỗi cháu bé bởi bà cho rằng “ăn cắp văn hóa là việc làm giàu văn hóa cho mình” (???).

Nếu xem xét theo chiều hướng ngược lại, phải chăng chúng ta đang bao che cho hành vi của cháu bé, từ đó xây dựng nhận thức sai lầm trong đầu óc con trẻ rằng hành vi ăn trộm là đúng. Đối với hành động của nhóm nhân viên siêu thị đối với cháu bé là những hành động vượt ngưỡng trong cách hành xử giữa con người với con người trong xã hội. Để hiểu rõ mức độ vi phạm, tính nguy hiểm của hành vi, chúng ta có thể xem xét ở khoản 9, điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Điều 17, Nghị định số 91/2011/NĐ-CP; Điều 31, Bộ luật Dân sự; Điều 121, Bộ luật hình sự. Với phản ứng của dư luận trong thời gian vừa qua, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chắc chắn, những nhân viên này sẽ phải nhận những hình thức xử lý nghiêm minh của pháp luật với hành vi của mình. Theo đó, hành vi của các nhân viên tham gia sự việc có thể bị xử lý hành chính tới 3.000.000 đồng, hành vi của nhân viên đưa ảnh cháu bé lên facebook có thể bị xử lý tới 2 năm tù giam. Mặc dù vậy, dư luận xã hội vẫn chưa đặt vào hoàn cảnh của những nhân viên đó. Giả sử rằng, chủ siêu thị có thể phạt , trừ lương họ vì để thất thoát tài sản thì tất nhiên họ có những phản ứng bức xúc, tức giận khi họ bắt được người ăn trộm. Ngay tại Công ty CP Phát hành sách Tp Hồ Chí Minh (FAHASA) cũng chỉ cho phép thất thoát một số lượng hàng hóa, sách báo rất nhỏ, nếu giá trị số sách bị mất cắp vượt quá định mức, sẽ bị trừ vào lương của nhân viên. Như vậy, bữa cơm của người nhân viên đó đã bị giảm đi nhiều thứ.

Mặc dù hành vi vi phạm pháp luật của họ là không thể chấp nhận, nhưng cần phải xem xét những yếu tố dẫn đến hành vi đó. Tuy nhiên, điều đáng chê trách lớn nhất ở đây chính là những kẻ mang danh trí thức, nhà báo đối với hành vi trên. Thay vì sử dụng một cách xử lý khác, hợp lý, hợp tình, đồng thời không gây ảnh hưởng lâu dài với tinh thần của cháu bé. Ví dụ: phản ảnh sự việc qua cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan công an huyện Chư Sê, đưa bài báo không đăng kèm ảnh của cháu bé. Nếu thực sự có tâm với cháu bé thì có rất nhiều cách làm việc để tháo gỡ. Các lều báo khai thác thông tin tới tận nhà trường, gia đình của cháu bé để hâm nóng sự việc nhưng lại không hiểu rằng hậu quả là gây dư luận, sự tò mò ngay trong người dân trong khu vực sinh sống của cháu. Hình ảnh cháu bé cho dù che mặt nhưng cũng tạo ra ánh mắt kỳ thị, ác cảm với cháu. Hành vi như vậy, có thể coi là tiếp tay cho việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Một khía cạnh khác, khi khai thác sự việc, các lều báo chỉ khai thác, sử dụng theo cảm tính, dẫn đến định hướng dư luận sai lệch về vấn đề. Chính vì vậy, không ít những bình luận trong các bài báo có chiều hướng bao che, xóa bỏ lỗi của cháu bé. Việc bôi đậm sai phạm của một phía so với lỗi của phía bên kia là sai phạm cơ bản mà các lều báo vẫn thực hiện. Qua việc này dẫn đến phản ứng ngược là những hành động bênh vực cho những lỗi nhỏ, yếu thế, tạo dư luận không tốt trong xã hội, sâu xa hơn tạo ra thói quen xóa bỏ ý thức chấp hành pháp luật từ những hành vi nhỏ nhất. Vụ việc này tương tự vụ đâm xe vào nữ sinh tại phố Xã Đàn, Hà Nội. Báo chí làm ầm ĩ, kêu gào, tô đậm tội lỗi của người lái xe, nhưng quên mất rằng, cô nữ sinh đó cũng không chấp hành pháp luật khi sang đường không đúng phần đường quy định. Lỗi đó tưởng chừng là lỗi vi phạm nhỏ không đáng quan tâm, nhưng cách đây vài năm, có một cô gái đã bị xử phạt án tù treo vì chính lỗi sang đường không đi theo phần đường quy định, vô ý làm chết người.

Lật ngược lại vụ việc của cháu bé, chính sự dẫn dắt của báo chí khiến cho vị Phó giám đốc Sở GD-ĐT – một cơ quan chuyên trách về giáo dục văn hóa, đạo đức cho con người có những phát ngôn hồ đồ, thiếu suy nghĩ như vậy. Báo chí, khi phản ánh sự việc, tiêu chí quan trọng phải trung thực, khách quan và tôn trọng thông tin thu thập được. Nhưng hầu hết các lều báo hiện nay đều yếu về nghiệp vụ, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nên chỉ viết theo cảm tính, theo suy nghĩ cá nhân, chưa đặt vai trò bài báo của mình ở vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm của nhà báo trong việc đưa thông tin sai sự thật chưa thật nghiêm khắc, khi sai sót chỉ cần “đính chính” hoặc “gỡ bài” cho chìm xuồng” nên dẫn đến việc nhờn, làm ẩu của không ít phóng viên hiện nay.

Dưới sự dẫn dắt của báo chí, dư luận trong thời gian qua hầu hết đều kết tội cho các nhân viên nhà sách, chỉ có một số ít ý kiến phản biện cho rằng nên xác định rõ lỗi của cháu bé. Với nhiều thông tin trái chiều như vậy và những phân tích ở trên. Đọc bình luận trên các báo, không thiếu những từ “đau xót”, “sẵn sàng ủng hộ sách báo cho cháu” và có những phát ngôn gây bức xúc dư luận khác của những người mang trọng trách của ngành giáo dục. Phải chăng hiện nay chúng ta đang dung dưỡng cho trẻ thơ suy nghĩ sai lầm rằng ăn cắp được thưởng, ăn cắp được bảo vệ, ăn cắp được cả siêu thị sắp hàng xin lỗi. Giáo dục trẻ thơ phải mang tính nhân văn, nhẹ nhàng, nhưng cũng phải hết sức nghiêm khắc để tránh cho các cháu lặp lại những sai phạm kể trên. Nếu đưa cháu bé làm hình tượng trong việc phản ánh quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, với những suy nghĩ và phát ngôn lệch chuẩn như vậy, vô tình chúng ta đang dẫn dắt trẻ thơ đi ngược lại những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã dày công vun đúc. Không thể lấy lý do nhà nghèo để ăn trộm, cũng không thể viện dẫn đó là hành vi “ăn cắp văn hóa để làm giàu văn hóa cho mình” để biện minh cho việc làm của cháu bé. Thử hỏi rằng, trên thế giới hàng ngàn vụ trộm cổ vật, tranh quý, sách cổ cũng là hành vi “ăn cắp văn hóa để làm giàu văn hóa”.

Một giảng viên đại học viết trên facebook của mình về vụ việc này: “Ông cha ta đã từng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đây là một đức tính tốt đẹp của người Việt cần được duy trì. Không vì lợi mà mờ mắt, không thì lòng tham mà bán rẻ lương tâm. Có lẽ không người Việt nào không thuộc câu răn dạy đó, và có lẽ các ông bố, bà mẹ đều giáo dục con cái sống phải thật thà, ngay thẳng thắn và trong sạch như câu nói của tiền nhân.

Khi một đứa trẻ có hành vi vi phạm pháp luật, có nghĩa đứa trẻ đó đã bỏ ngoài tai sự răn dạy, giáo dục của gia đình và nhà trường về đạo đức. Chỉ có thể biện minh cho hành động vi phạm rằng, đứa trẻ đó vì một phút bồng bột, không kìm chế được lòng tham nên đã có hành vi xấu. Còn nếu những hành vi xấu đó được thực hiện thường xuyên thì không thể biện minh bởi vì kẻ vi phạm là một đứa trẻ. Khi những đứa trẻ có những hành vi xấu, người lớn cần phải nghiêm khắc xem xét và xử lý ở các mức độ khác nhau phù hợp với độ tuổi và tính chất vi phạm. Có như thế thì mới giúp những đứa trẻ vì “bồng bột” mà vi phạm không mắc lại lỗi lầm nữa. Đồng thời ngăn chặn những đứa trẻ hư, khó giáo dục không lún sâu vào những hành vi vi phạm pháp luật.”

Trên tất cả, vụ việc gióng lên hồi chuông báo động về cách hành xử giữa con người với con người, cách thức tạo ra thông điệp và dẫn dắt dư luận của báo chí. Các cơ quan báo chí, thay vì đăng hình ảnh của cháu, có thể đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai vào cuộc để giữ gìn bí mật hình ảnh của cháu, tránh tác động lâu dài tới tâm sinh lý của trẻ nhỏ. Về phía các siêu thị cũng nên có biện pháp giáo dục ý thức pháp luật, cách đối xử với những người phạm tội một cách nhân văn, có tình người hơn, tránh những rắc rối không đáng có có thể xảy ra. Ngành giáo dục nên đánh giá lại cách đào tạo, trách nhiệm của ngành đối với tương lai của đất nước, phải xác định vai trò chính là giáo dục văn hóa với rèn luyện đạo đức, phải nhìn vào sự thật rằng, đang có không ít người Việt Nam tạo ra hình ảnh xấu xí của người Việt trên thế giới vì hành vi trộm cắp. Báo chí, cần có thái độ phản ánh trung thực, công bằng. Cần luôn xác định bài báo nằm trong vị trí xây dựng, định hướng dư luận, đồng thời tạo ra những giá trị nhất định của xã hội và quan trọng hơn cả là những giá trị đó được xây dựng trên thước tấc của pháp luật chứ không phải đo đếm bằng những cảm tính cá nhân. Vụ việc đang đi vào kết thúc nhưng dư âm của nó không chỉ dừng lại ở đây. Chắc chắn, các lều báo đang hả hê, vui mừng với dư luận “tích cực” mà họ đã tạo ra. Và cũng chắc chắn họ không cần biết hậu quả lâu dài đối với xã hội như thế nào. Xin lấy một câu nói của vị giảng viên trên để làm câu kết cho bài viết: “Những kẻ dung dưỡng với hành vi ăn cắp của trẻ vị thành niên ngày hôm nay, sẽ là tội đồ của dân tộc này trong tương lai.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét