Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Cùng hân hoan

Cùng hân hoan

Dưới đây đăng lại một entry từ blog của bác Thiềm Thừ, một nhà báo. Địa chỉ: 

http://thiemthu62.blogspot.com/2015/04/cung-han-hoan.html

Báo Tiền Phong số ra ngày 6/5/1975 dành nguyên trang 15 để đăng chùm 6 tranh liên hoàn về 21 năm Mỹ can thiệp vào Việt Nam, từ 1954 đến 1975.


Tranh cuối cùng khá thú vị, với nụ cười của ba người Việt Nam. Anh lính giải phóng cười tươi, dĩ nhiên. Hai anh lính Sài Gòn cũng vứt súng, hân hoan...


-------
Bổ túc vài nét về tác giả tranh vui:

Tác giả chùm tranh vui liên hoàn trên đây là họa sỹ Tạ Lựu (1929 – 2006).

Cụ thân sinh ra ông Tạ Lựu là cụ Tạ Văn Thâm, còn được gọi là cụ Phó Vẽ, chuyên vẽ truyền thần, có cửa hàng tại thị xã Tuyên Quang. Cụ Phó phát hiện ra năng khiếu hội họa của ông con trai, khi Tạ Lựu sốt ruột vì phải hầu quạt mà lỡ miệng chê ông cụ ... vẽ chậm.

Tạ Lựu thi đỗ vào trường Mỹ thuật Hà Nội năm 1954, nhưng không hiểu sao, không theo học tiếp, mà bắt đầu cộng tác với báo chí.

Tạ Lựu (và các bút danh khác là Tê Lê, Ti Li), là các bút danh đặc biệt thân quen với các bạn đọc nhỏ tuổi của báo Thiếu Niên tiền phong và nhà xuất bản Kim Đồng thời trước.
Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ bộ truyện tranh Những cuộc phiêu lưu của Mít Ðặc và Biết Tuốt của nhà văn Nga Nikolay Nikolayevich Nosov (cùng là tác giả của cuốn “Vitya Maleev ở nhà và ở trường”) được Nhà xuất bản Kim Đồng dịch ra tiếng Việt vào những năm 196x.

Người vẽ minh họa bộ truyện tranh nói trên là họa sĩ Tạ Lựu.

Tranh thiếu nhi của ông đặc sắc, mang một phong cách rất riêng, không lẫn vào đâu được. Các em bé trong tranh ông đều có dáng vẻ tròn trĩnh, hồn nhiên, phúc hậu, vừa sống động, lại vừa hao hao giống... tác giả.

Chân dung Tạ Lựu (Tự hí họa)

Ngoài mảng truyện tranh, cộng tác với nhà xuất bản Kim Đồng và báo Thiếu niên, Tạ Lựu còn vẽ tranh biếm cho các báo Tiền Phong, báo Thống Nhất, (năm 1960, ông đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh đả kích do báo Tiền Phong tổ chức) và sau này là báo Lao Động và một số tờ báo khác. .

Tạ Lựu cũng chính là người “rủ rê” Văn Thanh gia nhập làng biếm họa, khi Văn Thanh còn đang là giáo viên dạy vẽ ở một trường phổ thông.

Định nghĩa khôi hài của Tạ Lựu về đàn ông: "Đàn ông là người thuyết phục được nhiều đàn bà nhất". Nhưng dường như ông không khôi hài tý nào khi thật sự áp dụng định nghĩa ấy vào trong đời sống riêng tư.

Hãy để ý “chữ ký” dưới mỗi bức tranh biếm họa của ông, đó là bình ảnh một quả tạ.

Chép lại từ Lốc Liếc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét