Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Italia trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 thế giới

Số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy đã vượt quá 1.000 người, lên tới 1.128 ca, trong đó 29 ca tử vong và 50 ca đã được chữa khỏi.


Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Italy trong trang phục bảo hộ chống virus SARS-CoV-2 khi tiếp nhận người di cư được giải cứu trên Địa Trung Hải tại khu cảng ở Messina, Sicily ngày 27/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy (CPD) thông báo tính đến 18 giờ 00 ngày 29/2 (giờ địa phương), số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy đã vượt quá 1.000 người, lên tới 1.128 ca, trong đó 29 ca tử vong và 50 ca đã được chữa khỏi.

Như vậy, Italy đã trở thành "điểm nóng" COVID-19 lớn thứ ba thế giới về số người nhiễm, sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.

Đa số các trường hợp nhiễm tập trung tại Lombardy (miền Bắc) với 615 ca, Emilia Romagna với 217 ca, và Veneto với 191 ca.

Người đứng đầu CPD Angelo Borrelli cho biết hiện khoảng 1.800 nhân viên thực thi pháp luật và 800 tình nguyện viên của CPD đã được triển khai trên cả nước để hỗ trợ các bác sỹ và nhân viên y tế.

Theo Chủ tịch Viện Y học quốc gia (ISS) Silvio Brusaferro, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của các biện pháp kiềm chế dịch đang được thực thi.

Ông cho rằng số ca nhiễm đến nay có thể liên quan đến những người đã nhiễm trước khi các biện pháp có hiệu lực.

Ngày 29/2, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết chính phủ đang xem xét sắc lệnh hỗ trợ kinh tế thứ hai, gồm các biện pháp mang tính quyết định hơn, hỗ trợ toàn bộ hệ thống sản xuất, không chỉ các khu vực tâm điểm vùng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với các bộ Nội vụ, Y tế, Cơ sở hạ tầng, Thể thao tại trụ sở Cơ quan Bảo vệ dân sự, Thủ tướng Conte khẳng định tiếp tục triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, và đang xem xét một sắc lệnh “can thiệp khẩn cấp” khác để hỗ trợ hoạt động sản xuất của tất cả các vùng.

Trước đó, ngày 28/2, Chính phủ Italy đã thông qua gói biện pháp hỗ trợ các hộ gia đình, các công ty và các lĩnh vực kinh tế tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Gói biện pháp này tập trung hỗ trợ ngành du lịch, kinh doanh khách sạn; ngừng thu thuế với các doanh nghiệp các nhân khu vực bị cách ly; tạm ngưng thu phí điện nước, gas và môi trường; hỗ trợ lao động tự do lên đến 500 euro/tháng, tối đa 3 tháng; đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận trợ cấp; bổ sung quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng gói hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lên 350 triệu euro.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét