Hiển thị các bài đăng có nhãn Tình yêu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tình yêu. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

HÃY ĐẶT LÒNG TỐT CỦA MÌNH VÀO ĐÂY

Khoai@


Đau lòng cảnh Mẹ già nhốt con gái vào lồng sắt, cháu ngoại sinh ra do bị hãm hiếp phải lẻ loi trong trại trẻ mồ côi

Dù đã chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh nhưng hoàn cảnh của bà làm mình ko cầm được nước mắt. Thương cho bà cụ tuổi già sức yếu một đời cực khổ, còn gánh thêm cô con gái điên dại. Căm thù gã đàn ông nào xấu xa, đến người bị tâm thần còn ko tha. 

******************************

Chính tay nhốt đứa con gái điên dại trong lồng sắt. Đứa cháu ngoại sinh ra do bị hãm hiếp cũng đành phải gửi vào trại trẻ mồ côi nuôi dưỡng. Đau lòng lắm, nhưng bà cũng không còn sự lựa chọn nào khác, khi mà giờ đây, đến bản thân, bà cũng chẳng thể tự lo được nữa.

Vượt qua một đoạn đường ngoằn nghèo, bụi bặm, chúng tôi mới đến được một ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng cũ kĩ. Vừa bước vào cổng thì bất ngờ trong nhà phát ra tiếng đập phá loảng xoảng và những tiếng gào thét man dại. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi vẫn không khỏi giật mình kinh hãi.

Bà lão lưng còng rạp, tóc bạc trắng, nhễ nhại mồ hôi ôm rổ rau lang từ ngoài vườn đi vào, trấn an chúng tôi: “Em nó lại lên cơn, nhưng tôi đã khóa nó trong cũi rồi..”. Bà chua xót nói trong trong 2 hàng nước mắt.

Mời khách ngồi, rồi bà lão bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời chìm nổi của 2 mẹ con bà. 29 tuổi bà mới sinh được mụn con gái, đặt tên là Hoàng Thị Huệ. Bất hạnh đến khi người chồng tự dưng đổ bệnh rồi đột ngột ra đi, bỏ lại bà với đứa con còn đỏ hỏn trên tay. Trải bao cực nhọc một mình nuôi con khôn lớn, ngắm con gái lớn lên từng ngày đẹp như hoa, bà trộm nghĩ, vậy là đã có chỗ để nương tựa tuổi già..

Nhưng số phận thật nghiệt ngã, cô con gái vốn ngoan ngoãn, đang tuổi xuân mơn mởn như hoa, tự dưng về nhà đập phá đồ đạc, chửi đánh mẹ rồi bỏ nhà đi lang thang. May mắn được họ hàng và bà con lối xóm tìm về, rồi cho bà vay tiền, đưa Huệ đi viện khám, một lần nữa trái tim người đàn bà bất hạnh tan nát, khi bác sĩ cho biết con gái bà mắc chứng tâm thần.

Vì không có tiền chữa trị thường xuyên, nên bệnh tình của Huệ ngày càng nặng, em thường nổi điên đập phá, tự xé quần áo, đánh đập mẹ già. Dù không bao giờ muốn thế, nhưng người mẹ già không còn cách nào khác là vay mượn bà con, đóng một cái lồng thép rồi đau xót nhốt con vào đấy. Hằng ngày bà nhìn ngắm đứa con gái yêu quý và chăm sóc nó qua song sắt.


Khó có lời nào có thể nói đủ tấn bi kịch của mẹ con bà, trong một lần cho Huệ ra ngoài tắm rửa, em vùng chạy đi mất. Rồi không biết tên đốn mạt nào hãm hiếp em đến mang thai, để rồi sinh ra cháu Hoàng Văn Tuân nay đã 4 tuổi. Một lần nữa bà lại làm “Mẹ” với đứa cháu ngoại đỏ hỏn trên tay. Biết bao đêm trắng bà nằm ôm cháu khóc, bà thương đứa cháu bất hạnh từ lúc sinh ra chẳng được uống sữa mẹ dù chỉ là 1 giọt, và càng không dám nghĩ đến mai sau cháu sẽ ra sao? Khi mà sức bà càng ngày càng yếu, còn mẹ cháu thì vẫn cứ cười nói vô hồn, gào thét trong cũi sắt...

Gần đây, căn bệnh thoái hóa cột sống khiến lưng bà còng rạp xuống và thường xuyên gây đau nhức, bà chẳng thể làm được việc gì nữa, đôi mắt cũng đã mờ đục không nhìn rõ. Không còn đủ sức lực để chăm con, nuôi cháu nên dù lòng đau như cắt, bà cũng đành phải gửi cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang.

Nhắc đến đứa cháu, bà rớm nước mắt: “Tôi nhớ thằng cháu lắm, đã lâu rồi tôi chưa được xuống thăm nó…nếu mà tôi có tiền cho mẹ nó đi chữa khỏi bệnh rồi đón cháu về nuôi, thì bà cháu tôi không phải xa nhau nữa..”. Bà nói trong tiếng ho khù khụ, cái lưng còng càng như còng rạp xuống.

Suốt chặng đường gần 50 cây số đến Trung tâm bảo trợ xã hội, bà cứ bồn chồn, mong ngóng, lo lắng…Chúng tôi hiểu bà thương nhớ cháu đến nhường nào, và hiểu nỗi khổ tâm, day dứt mà bà đang phải gánh chịu.

Bà cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi, bé Tuân ôm lấy cổ bà òa khóc: “Cháu nhớ bà lắm, bà cho cháu về với bà …cho cháu về với bà…”. Người bà khốn khó chỉ biết ôm riết cháu vào lòng dỗ dành: “Cháu ngoan, ở đây với các cô….rồi mấy nữa bà sẽ đón cháu về ở với bà…”. Bà cháu cứ quấn quýt không rời, chúng tôi cũng không đành “chia cách” tình bà cháu nên cứ luấn quấn mãi. Cuối chiều thì cũng phải chia tay, thằng bé cứ khóc thét lên đòi về với bà ngoại, bà lão gạt nước mắt, lầm lũi lên xe như trốn chạy.

Nói về hoàn cảnh gia đình bà, anh Hoàng Văn Minh, chủ tịch hội chữ thập đỏ huyện Tân Yên ái ngại cho biết: “Gia đình bà Sự là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện, chồng mất sớm, con bị bệnh tâm thần, cháu nhỏ dại, bản thân lại bệnh tật không lao động được. Hội chữ thập đỏ mỗi năm cũng chỉ hỗ trợ được chút ít cứu đói vì kinh phí của hội cũng hạn hẹp. Qua đây, tôi cũng xin nhờ quý báo cùng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình qua cơn bĩ cực này.”

“Chỉ mong có chút tiền đưa con gái đi chữa bệnh và đón thằng bé về nuôi…”. Mơ ước nhỏ nhoi của bà lão bất hạnh, liệu có thành hiện thực? Khi mà đến 2 bữa cơm hằng ngày bà cũng chẳng lo nổi. Hình ảnh cái dáng bà còng rạp đưa ống tay áo lên quệt nước mắt, bùi ngùi để lại thằng cháu bé bỏng ở trại trẻ mồ côi trong cái nắng cuối chiều vàng vọt, và cái cảnh thằng bé Tuân cứ khóc giãy lên, cố đòi theo bà ngoại cho bằng được…Khiến ai cũng thấy xót xa!

Mọi người nếu giúp đỡ thì gửi về địa chỉ này nhé!

Bà Hoàng Thị Sự địa chỉ thôn Hàm Rồng, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Bạn đọc thông tin giúp đỡ qua chị Phạm Thị Mai chủ tịch hội chữ thập đỏ xã Ngọc Thiện. ĐT 0167 406 5169

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

CHIẾC VÍ RƠI VÀ LÒNG TỐT

Thử rơi ví trên đường phố VN & kết quả bất ngờ

Ở Việt Nam rớt ví có được trả lại? 

Ăn mặc đàng hoàng chưa chắc đã "sạch"...Ăn mặc rách rưới chưa chắc đã "dỡ". 

Đây là đoạn video thử nghiệm phản ứng của xã hội của nhóm có tên 4TRY về lòng tốt và sự trung thực. Họ đã dựng lên tình huống đánh rơi đồ và quay lại phản ứng của mọi người xung quanh bằng những camera ẩn.

Để khách quan nhóm 4TRY đã nhờ sự giúp đỡ của bác Thành - người bị khiếm thị từ lúc 3 tuổi, vào vai người đánh rơi ví. Theo lời bác Thành tâm sự khi nhận việc này, “bác chỉ muốn biết được có tất cả bao nhiêu màu ở trên trái đất này. Bởi trước mắt bác bây giờ toàn màu đen”.

<iframe width="560" height="315" src="https://www.youtube.com/embed/cgv883Js-uM" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>

Trong đoạn video, ở 2 tình huống ban đầu, tuy thấy bác Thành làm rơi ví, nhưng những người đàn ông ăn mặc lịch sự đã nhặt cái bóp lên và bỏ đi mất. Tuy nhiên nhóm 4TRY đã không bỏ cuộc để giúp bác Thành cảm nhận được màu của tình người, màu của hạnh phúc. Ở những tình huống sau đó, những người nhặt được ví đều nhanh chóng trả lại cho bác Thành.

“Lòng tốt ở khắp mọi nơi miễn là ta tin vào nó” chính là thông điệp mà video này muốn gửi gắm

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

THỜI TRẺ TRÂU

Khoai@

Lang thang trên mạng, thấy những bức ảnh tuyệt đẹp này từ 1 trang chụp ảnh bằng điện thoại. Ngắm ảnh, bỗng nhớ thời trẻ trâu của mình, bèn chôm về cho anh em buồi nguồi xúc động. Keke.







  










Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

THĂM MẸ (BÒN)


Con về thăm mẹ chiều qua
Làm dăm chục trứng kèm gà đôi con

Vịt tháng mười, mẹ bảo ngon
Vâng, thêm con nữa.. vẫn còn thừa bao
Thôi thế mẹ ra bờ rào
Vặt dăm quả mướp bỏ vào…là xinh./…

Về thăm mẹ biếu được trăm bạc mua quà thì tha đi bao tướng, bòn kinh lên được...Há há há.

Nguồn: Suong Themoi 

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

KHÔNG GHEN KHÔNG PHẢI ĐÀN BÀ

Không ghen không phải đàn bà!

THANH HẢI

PNO - Hồi nhỏ khi xem bức tranh Đông Hồ nổi tiếng "Đánh ghen", chỉ có khái niệm giản đơn trong đầu: À, ghen là thế. Là những gì thuộc về tay chân, mồm miệng. Là chiếc kéo trong tay người vợ, là hình ảnh người chồng chăm chăm bảo vệ cho ả nhân tình, là ả nhân tình nép vào người đàn ông ấy.

Câu chuyện thứ nhất: Một chiều yên bình, khu xóm nhỏ bỗng dưng ồn ào khi một phụ nữ trẻ lạ mặt chặn đường hành hung một cô gái ở trọ trong xóm. Chị ta lôi cái kéo từ trong túi xách mang bên vai ra, túm lấy tóc cô gái kia cắt cái xoẹt. Ai nấy bàng hoàng chưa kịp can ngăn hay hiểu ra chuyện gì thì chị ta vừa vứt nắm tóc trong tay xuống đất, vừa hét “Mày tránh xa chồng tao nghe chưa!”. Những người đàn bà đi cùng cũng chửi rủa vang dội, trong đó có cả mẹ chồng của chị ta. 

Bà không làm gì cô gái, nhưng lời lẽ rất gay gắt, đại ý là cảnh cáo cô ta rằng con trai bà đã có vợ con đề huề, và “vợ nó đây, cô đừng phá hoại gia đình con tôi”. Ai cũng thấy, người mẹ đã tỏ rõ lập trường là đứng hẳn về phía con dâu, nhưng có người cũng tinh ý nhận ra bà đã nắm tay con dâu lại khi chị định đánh cô gái, sau khi cắt phăng mái tóc của cô ta. Phải chăng, dù thấu hiểu nỗi đau của người vợ bị chồng lừa dối, bà cũng dành chút cảm thông cho cô gái kia.

Sáng hôm sau, nhìn cô gái ấy cúi gằm mặt dắt xe ra khỏi nhà trọ, mái tóc chỗ ngắn chỗ dài nham nhở khó coi… bất giác chạnh lòng nghĩ rằng sẽ có một người mẹ đau lòng lắm nếu biết rằng mái tóc dài mượt mà bà hằng nâng niu, thương mến đã bị xén đi tàn nhẫn như thế. Chắc hẳn bất cứ người mẹ nào có con gái cũng từng răn dạy con về bài học đoan chính, thủy chung và ước mơ con mình sẽ lấy được tấm chồng tử tế và ăn đời ở kiếp với nhau. Chắc chẳng có bà mẹ nào dạy con mình phản bội hay chen chân phá vỡ hạnh phúc nhà người. Cô ta đáng trách, chẳng ai phủ nhận điều đó, nhưng ẩn sâu trong lòng mỗi người chứng kiến câu chuyện, hẳn cũng có xót xa thương cảm.

Câu chuyện thứ hai: Một người đàn bà khác lại có kiểu ghen rất thâm trầm, tế nhị. Nhận “hung tin” chồng có bồ, dù đau đớn tưởng chết được, nhưng cô vẫn rất nhẹ nhàng đằm thắm. Cô chẳng hề lôi kéo đồng minh hay nói xấu chồng với bất cứ ai. Một mình cô đến quán nước nơi chồng cô và người phụ nữ kia hẹn hò, đợi họ gọi nước xong xuôi thì cô bước đến trong lúc họ đang tay đan tay, nhẹ nhàng nói với chồng: “Em nghĩ chúng ta cần nói chuyện, em sẽ về nhà trước đợi anh”. Tất nhiên, người chồng lập tức nối gót theo sau vợ và sau đó ông đã rất ăn năn, không bao giờ tái phạm nữa.

Câu chuyện thứ ba: Một người bạn kể tôi nghe câu chuyện của bà ngoại bạn. Biết rõ chồng đã có người đàn bà khác, bà lặng lẽ dắt con bỏ đi xứ khác, một mình nuôi con. Thời đó phương tiện liên lạc và đi lại không dễ dàng như bây giờ nên đến khi ông tìm thấy bà thì tóc bà đã bạc trắng, tóc ông cũng chẳng còn sợi đen nào. Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, bà vẫn không tha thứ cho ông. Dù bà biết, ông cũng còn tử tế chứ chưa đến mức vui mừng khi vợ con bỏ đi và tạo lập gia đình mới, lẽ ra ông đã sung sướng tận hưởng tự do chứ chẳng chịu bỏ công đi tìm bà cả đời như thế. Qua đó mới thấy được nỗi ghen của đàn bà còn sâu hơn cả biển đông.

Câu chuyện thứ tư: Một người đàn bà vừa hân hoan đón chồng trở về hẳn sau một thời gian dài đi học xa nhà thì cũng là lúc hay tin chồng đã kịp lập phòng nhì. Chị buộc chồng phải lựa chọn giữa gia đình và người tình, chồng chị đã chọn gia đình. Sau khi về tỉnh nhà, anh cũng đã cắt đứt liên hệ với người đàn bà kia, nhưng nỗi đau một lần bị lừa dối không hề tắt trong tâm trí người vợ. Chị hận vì mình đã hy sinh cho chồng, quán xuyến trong ngoài, chăm lo cho cha mẹ chồng chu đáo, con ốm đau tự thân xoay sở, làm lụng vất vả để chu cấp cho chồng ăn học, một lòng một dạ chung thủy với chồng… để rồi anh sinh tâm phản bội.

Sau khi chồng ổn định việc làm, chị cũng thu vén lại công việc để không vất vả ngược xuôi theo từng chặng buôn chuyến nữa mà để chồng gánh vác chi tiêu chủ yếu của gia đình. Chỉ thời gian ngắn sau chị lại mang thai đứa thứ hai, lần này chị sinh được một bé trai kháu khỉnh. Thằng bé không chỉ là cháu đích tôn của nhà anh mà còn của cả họ nên được quý hơn vàng. Anh càng yêu quý vợ hơn và công việc làm ăn ngày càng phất lên nên anh mang tiền về cho chị ngày một nhiều. Chị đã chia sẻ bí mật khủng khiếp của mình với những người thân thiết: Đó là lần duy nhất trong đời chị cắm sừng chồng, chỉ để có con với người đàn ông khác - người mà chị chẳng chút tình cảm gì. Chị khéo léo dọn sạch mọi chứng cứ và những gì có liên quan. Chị cười khẩy: Chị muốn gì ư? Chị chỉ muốn 1 điều đơn giản: bắt anh nuôi con của kẻ khác. Đó là đòn ghen của chị.

Câu chuyện thứ năm: Là câu chuyện “ghen ngược” của người phụ nữ dan díu với chồng người khác rồi còn cấm đoán người chồng về nhà, và mạnh dạn đến gặp người vợ bảo hãy ly hôn đi, nếu không thì đừng trách. Mà có lẽ, câu chuyện này cũng chẳng phải quá xa lạ khi có rất nhiều người vợ đã rơi vào hoàn cảnh này. Nếu những người vợ, người chồng có cái quyền “ghen hợp pháp”, thì những kẻ thứ ba cũng có thể “ghen bất hợp pháp” như thế.

Lời kết: Ghen có khi chỉ là những hành động và trạng thái tâm lý đơn giản, nhưng cũng có thể là một chuỗi hành vi phức tạp. Và ghen không chỉ được coi là biểu hiện mà còn là “văn hóa”. Trên thực tế, dù là người học thức hay giới bình dân thì chẳng ai chấp nhận được việc san sẻ tình cảm. Có người còn thẳng thắn: Thà là mất cả cái nhà, chứ quyết không chia sẻ cái giường. Tất nhiên, ghen không là thuộc tính của riêng ai. Dù là giới tính nào, ở địa vị đẳng cấp nào, lứa tuổi nào… thì người ta vẫn yêu và ghen. Thế nhưng nói đến ghen, nhiều người thường nghĩ đến đàn bà. Điều đó cũng đúng một phần, có thể vì “ đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, hay bởi đàn bà thường có khuynh hướng chung thủy hơn nên căm ghét sự phản bội. 

Khi nào trái đất vẫn còn quay, khi đó con người vẫn yêu và ghen. Tuy nhiên, trong mối quan hệ vợ chồng, nếu mỗi người đều cư xử đúng mực và “ngay hàng thẳng lối” thì khó mà xảy ra những điều đáng tiếc... để ghen chỉ như chút gió thổi mát cho cuộc hôn nhân đang độ oi nồng, để sau cơn ghen người ta vẫn say đắm yêu nhau mà không có những ám ảnh, đau thương.

TUẤN TRỌC ĐI SAPA

Mấy hôm bỏ phố lên rừng! Lang thang Sapa ăn thắng cố, ăn thịt ngựa cuốn lá cải Mèo...Ban ngày, Sapa có nhiệt độ 4 độ C; ban đêm tụt xuống còn 2 độ C!

Nhiệt độ tụt, đồng nghĩa với mọi thứ đều tụt một cách thảm hại!

Cô bé lễ tân người Mông, học Du Lịch về làm hướng dẫn viên. Người Mông mắt một mí! Tớ cũng mắt một mí! Mắt một mí nghe các cụ bảo đa tình! Chậc! Đa tình đâu không biết, chỉ biết đa đoan, khổ!

Cô bé người Mông nhón ánh mắt sắc như lá, chỉ đường cho mình xuống bản! Mình với 2 anh bạn lang thang hết một buổi sáng!

Với Sapa, với những sắc chàm buồn người Mông Tây Bắc, dù đã lên đây nhều lần, tớ cũng chỉ là kẻ lữ khách!

Rét quá! Từ thủa cha sinh mẹ đẻ, đến nay gần 40 năm rồi, Tuấn Trọc mới hân hạnh được sống trong cái kiểu lạnh tun tất tần tật dư lày! Lúc sáng xuống đường lấy xe ôtô đi ăn sáng, phát hiện ra tuyết bám trắng xóa trước kính và trên nóc xe! Mặc dù cũng chỉ là mảng tuyết mỏng tang, nhưng nói có giời, cũng gần 40 năm, nay tớ mới được thấy tuyết!

Tặng nhân dân kính yêu mấy bức ảnh chụp vội trên đường vào bản!

Hẹn Sapa vào một dịp khác vui hơn!

Ảnh 1. Một góc thị trấn Sapa.
Ảnh 2. Sưởi nắng!
Ảnh 3. Bà cụ người Mông!
Ảnh 4. Thiếu nữ Mông!
Ảnh 5. Đường vào ngôi nhà Mông.





Nguồn: Tuấn Trọc

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

HY SINH

Thiềm Thừ


Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên nói rằng, sự hy sinh là điều làm người phụ nữ Việt Nam khác với những người phụ nữ khác trên thế giới.

Một số người không đồng tình, giễu cợt hoa hậu. 

Còn tôi, tôi nghĩ tới mẹ tôi, nhớ tới những khuôn mặt này, những đôi mắt này, ở quân cảng Cam Ranh!











NHÀ CÓ HAI CON VỢ, CHỒNG HẠNH PHÚC

NHÀ CÓ HAI CON VỢ

CHỒNG HẠNH PHÚC!
(Mặt vênh lên thế kia cơ mà)

Mượn ảnh để nói về chuyện khác: Chuyện chẳng vui!

Rằng 2 cái cô gái này đều là những nữ tướng. Dưới tay mỗi cô đều có hàng trăm nhân viên. Các cô điều hành những chuỗi sản phẩm tâm huyết. Một cô thì đi từ Bất Động Sản sang nhà hàng, một cô thì đi từ Thời Trang, chủ thương hiệu đầm bầu Belly và cũng quay về chuỗi nhà hàng. Họ đều có chung 1 kiểu chồng cúc cung tận tuỵ, luôn sẵn sàng bảo vệ các cô, hỗ trợ các cô mọi nơi mọi lúc! Và họ thân thiết với nhau như 2 chị em!

Chuyện chẳng vui là dành cho đám đàn ông! Thật! Đám đàn ông không làm việc bằng 1/10 phụ nữ: những phụ nữ như thế này! Đám đàn ông thất bại nhiều nhan nhản ngoài kia! Đám đàn ông mở miệng ra là coi thường đàn bà đái không qua đầu ngọn cỏ! Lên mạng khua phím bình thiên hạ trong khi làm việc thì như mèo mửa!!! Tôi biết cái đám đàn ông như thế! Biết nhiều! Biết là rất nhiều! Nên càng thương cho những phụ nữ phải làm vợ của họ!

Có một điều tôi hằng tin. Rằng trong mỗi người phụ nữ đều mang trong mình một sức mạnh siêu nhiên. Mạnh gấp nghìn lần đàn ông! Dẻo dai và quyết liệt vô cùng! Chỉ là họ có phát tiết được ra hay không mà thôi! Và tôi tin, nếu họ lấy được 1 người chồng tử tế, họ sẽ làm được những điều phi thường! Tiếc thay, số đàn ông có thể thành chồng tử tế không nhiều. Là bởi cái thói gia trưởng, là bởi cái nghĩ coi thường phụ nữ ăn sâu trong lòng họ. Nên họ chưa khi nào muốn vợ mình giỏi giang hơn họ! Nên họ coi vợ họ chỉ giống mấy bà nội trợ rẻ tiền ở nhà và chăm con cho họ, làm việc ít thôi và đừng có mơ được họ chia sẻ điều gì.

Thật ra, họ- nhiều đàn ông tôi biết- không phải là như thế! Chỉ là các bà vợ cam chịu và chấp nhận thu hẹp đường chân trời của bản thân. Vì chiều chồng. Vì gìn giữ mái ấm. Nên càng khiến đàn ông vọng tưởng rằng đàn bà là ở xó nhà thôi! Tôi tiếc cho những năng lực trong những người phụ nữ bị triệt tiêu vì chồng như vậy!

Cuối cùng: Vợ chồng lấy nhau để làm gì? Chắc hẳn không phải để duy trì nòi giống rồi! Tôi nghĩ, họ lấy nhau là để làm nên những thứ rực rỡ mà khi một mình họ không làm nổi! Tôi nghĩ, họ lấy nhau để làm cho hai chữ "Hôn Nhân" trở nên ý nghĩa hơn! Và tôi nghĩ, vợ chồng phải là thế!

Hãy dành cho vợ mình một chỗ dựa, một niềm tin và nhiều hỗ trợ. Bạn sẽ bất ngờ và hạnh phúc đấy, hỡi các đấng ông chồng!

Hoàng Anh Tú

Nguồn: Nguyen Minh

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

HẮN CÓ CÀ LÀ NHỜ “BỘ ẤM CHÉN”

Sáng nay trời mưa phùn và giờ thì sửng hơn tí rồi. Không nắng nhưng vẫn phải đảo cà cho nó khỏi nóng, mốc và đen nhân. Phơi gió được chừng nào hay chừng ấy. Cà tràn sân và lớp cà có độ sâu quá mắt cá chân nên cày hơi mệt. Đang ngực tấn công, mông phòng thủ (cái tư thế phổ biến khi xát chân trên lớp cà phê dày) thì có mẹ của con bạn cùng xóm đi ngang qua nói ra quét ngoài đường đi kìa, cà lăn bây bả ra đường rồi. Sáng nay bố mẹ đi rẫy, lội giày lên sân nên cà dính chân ra đường đó mà. Nhìn thấy cô kia là mình hay tủm tỉm cười vì nhớ chuyện hốt cà trôi ngoài đường. Cười quên cả mệt. Năm ngoái kể rồi, năm nay treo lại cho nó vui. Chuyện là...

Có một ngày nọ, cũng tầm khoảng thời gian này hằng năm, vì ảnh hưởng bão nên trời mưa to đến độ mờ nhân ảnh đằng xa luôn. To quá nên cà “phê” theo dòng nước cuốn ra khỏi sân. Cô hàng xóm ấy và lão già nhà bên cạnh chạy ra đường cào cà phê vào sân. Nước chảy từ hai sân nhập về một dòng ngay giữa đường khiến cho hai người phải giành nhau. Lão ấy “tuổi cao sức yếu” lại có tí tham nên sợ thua thiệt, chẳng biết làm sao có thể giành được hết cà trong dòng nước lớn. Trong lúc cấp bách, lão quyết định chơi hạ sách “nồng nỗng khoe rồng”. Cô kia thấy “bộ ấm chén” của lão được phô ra, ngại quá nên chạy ù té vào nhà. Cuối cùng lão ấy có thêm cà là nhớ kế ấy. Cô kia kể sinh động hơn nhiều. 

He he. Lão ấy đúng là gừng càng già càng cay.

Cuối tuần, biên như thế đã nhé các bạn blog. Mấy nay mình hơi mệt và bận nên ít đăng bài hơn, Phấn đấu mọt ngày một bài nhưng mà nghe chừng phải cách quãng ra. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ, nạp đầy năng lượng cho tuần tiếp theo!

Buôn Ama Thuột, 12/12/2014
Tây Nguyên Xanh

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Bựa Văn: TAY EM


Em có đôi bàn tay xấu xí
Đã nhăn nheo, còn ngón ngắn ngón dài 
Mấu lại to, vết chai đỉêm một vài
Đánh dấu thời em cầm liềm, cầm cuốc

Bàn tay em...người đàn bà đi ngược
Ngược cuộc đời, ngược cả những khát khao
Ngược lời ru, ngược mưa nắng hanh hao
Ngược đêm đông mịt mùng về tăm tối
Bàn tay em in một thời nông nổi
Vẫn vụng về vun vén yêu thương

Nấu ăn, cắm hoa...và những thứ đời thường
Hay cả hót cứt gà, cứt chim, cứt mèo cũng thế 
Ngâm rượu cho ba, nhổ tóc sâu cho mẹ
Dắt bà lão qua đường - kể cả lúc bả hổng thích sang 
Gãi ngứa cho các em, nhổ lông nách cho chàng 
Vỗ vỗ mông con hàng đêm ru ngủ
Muối những hũ dưa mặc dù tuyền bị khú
Cầm dưa chuột mỗi ngày, đan áo ấm tặng ai
Nhặt sợi tóc vương trên cửa mỗi sớm mai 
Em vẫn dùng đôi bàn tay vụng dại
...
Anh cứ đi đi, đi hết thời mê mải
Khi trở về...em vẫn dành đôi bàn tay xấu xí này nhưng ấm áp đón anh.

P/s: Hát: Ôi bàn tay em cũng giống như bàn chân. Hí hí

***
Bựa văn @ Xuân Hương Rách đít

GỬI NHỮNG ĐỒNG NGHIỆP ĐANG ĐI TÌM "SỰ THẬT" VỀ CÔNG PHƯỢNG

Gửi những đồng nghiệp đang đi tìm 'sự thật về Công Phượng'

Nhà báo Vũ Hoàng Nguyên thú nhận rằng anh "ít khi thất bại" khi cố dùng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm "sự thật" về đời tư của một con người. Nhưng rồi đến một ngày nhìn lại, anh lại ân hận vì cái kỹ năng ấy. Đến hôm nay, khi "nghi án" tuổi thật của Công Phượng và những lùm xùm quanh nó đã phần nào lắng xuống, chuyên mục "Thư gửi một người" xin đăng tải lá thư của Vũ Hoàng Nguyên, gửi cho các đồng nghiệp, và nói về thái độ với sự thật, với đời tư của nhân vật báo chí.

Các bạn đồng nghiệp của tôi,

Cho đến hôm nay, tôi vẫn ân hận về một số bài báo mình viết. Một số bài "đi tìm sự thật" mà không nghĩ đến hậu quả của nó. Như có lần, đi tìm sự thật về một gia cảnh bi đát của một ca sĩ nổi tiếng. Sau đó, cô gần như trốn tránh truyền thông. Tôi đã làm cái việc không phải đi tìm sự thật, mà đào bới vào vết thương của người khác. Tôi đã nhầm lẫn khái niệm là "đi tìm sự thật", và nhân danh nó để làm việc kia.

Đó là một bài phỏng vấn, trong đó người ca sỹ đã tự nói hoàn cảnh gia đình của mình. Sau này, đồng nghiệp hỏi tôi: “Đó là cô ca sỹ tự nói ra, tại sao anh phải ân hận?”. Thật ra tôi đã dùng kỹ năng của mình để “moi” lời lẽ từ cô ấy. Mục đích của tôi ngay từ đầu là muốn cô ấy nói về chủ đề đó. Tôi đã từng tự hào về kỹ năng ấy, hiếm khi thất bại.

Tôi cũng đã từng cố đi tìm danh tính của một người phụ nữ trong một mối tình bi đát với người nổi tiếng. Đó có phải là “sự thật” không? Đó là sự thật. Nếu hỏi công chúng rằng họ có muốn biết điều đó không thì rất nhiều người sẽ trả lời rằng họ muốn, và cả biên tập viên cũng sẽ muốn. Cũng là một lần tôi tự hào về kỹ năng săn tin của mình. Nhưng rồi người được công khai danh tính ấy rơi vào cảnh khốn đốn. Cô ấy đáng lẽ có thể được bỏ quá khứ lại đằng sau.

Bây giờ nghĩ lại, tôi ước rằng mình chưa bao giờ viết những bài báo ấy.

Có thể bạn cũng giống tôi, có chút tự hào hăm hở về việc mình đang tìm ra một sự thật nào đó, và tham vọng để thay đổi điều gì đó. Có ba thứ nên tách bạch: 1- Không phải mọi sự thật bản chất đều giống nhau, cũng như dư luận tác động lên nó đều giống nhau. 2 - Bạn có thể sẽ không thay đổi được gì hết, đừng tự quá đề cao bản thân mình. 3-Bạn có thể “qua mặt” được công chúng về những mục đích về việc tìm sự thật, rằng họ sẽ phải tin bạn về những sự thật bạn đi tìm đều vì mục đích và động cơ tích cực? Riêng về điều thứ ba, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang vô tình hoặc cố tình mắc phải. Họ đi tìm bằng nhiều mục đích khác nhau mà hiện nay, trong môi trưòng truyền thông hỗn độn này, tôi thấy cái mục đích không tốt đang chiếm ưu thế. Họ vì tiền, vì sự nổi tiếng, và có thể, vì sự gây chú ý cho một sản phẩm mới.

Đừng thuyết phục tôi rằng, các bạn thực hiện vụ Công Phượng là do đứng về phía sự thật để làm trong sạch thể thao. Vì những gì trên sản phẩm của các bạn không hề đi đến cái đích đó mà ngược lại, làm cho công chúng nghĩ đến những cái đích khác rất phản cảm bằng cái kiểu làm, cách làm và thái độ của chính các bạn trước, trong và sau chương trình. Cũng có thể rằng bạn có cái đích “vĩ mô” như bạn đề ra (mà đã rất nhiều vụ tiêu cực bị phanh phui không thể giải quyết), nhưng trước khi điều ấy đạt được, thì bạn đã hủy hoại một con người.

Đồng nghiệp của tôi ơi, đừng xây dựng sự nghiệp trên nỗi đau của người khác. Cũng như, đừng tạo ra một sản phẩm báo chí bằng sự đánh đổi cuộc đời và sự nghiệp của những người mà các bạn nhắm tới sau cái chủ đích “đi tìm sự thật”. Tôi chắc rằng các bạn biết rõ sự thật của việc các bạn làm là gì. Một sự nghiệp được xây dựng như vậy sẽ không bao giờ bền vững, nếu không muốn nói là một vết nhơ lớn. Hãy rửa nó trước khi nó thành mãn tính.

Làm sáng tỏ sự thật về cơ bản đều có giá trị tích cực, nếu xét trên góc độ mang lại sự công bằng, an ủi những người bị tổn thương, và thay đổi mọi việc theo chiều hướng tươi sáng. Nhưng có những sự thật bạn tìm thấy lại lăn bánh số phận con người theo chiều dốc bi thảm. Bạn còn nhớ có người đã bị báo chí đẩy đến đường cùng, gia đình tan nát, con cái tự tử để chú phải chọn cách trốn đời? Bạn còn nhớ có người đã treo cổ tự tử chỉ vì báo chí đẩy đến ngõ cụt?

Nếu bạn là người làm báo có tâm, tôi tin rằng bạn vẫn nhớ những con người ấy, những bài báo ấy dù chuyện đã từ nhiều năm trước.

Tôi chọn cách quên để tha thứ. Quên cho người ta cũng là một cách tha thứ lỗi lầm cho họ, và tha thứ cho sự sân si của chính mình. Có những lúc tôi thấy sợ khi thấy đồng nghiệp của tôi sẵn sàng lôi tội lỗi của những người trái chiến tuyến từ một cuộc chiến quá khứ ra nói lại lần nữa. Tôi thấy nổi da gà vì một số người viết cứ thiếu đề tài thì lôi Yến Vy, Mỹ Xuân ra nhiếc móc mặc dù họ đã trải qua quá nhiều đau đớn vì lỗi lầm của họ và vì báo chí đẩy họ đến đau đớn.

Đành rằng có những ký ức hằn sâu trong đời thành ám ảnh, muốn quên không dễ. Thì thôi, quên hay nhớ lả việc của bạn, nhưng nó chỉ là việc của bạn thôi, đừng hành hạ người khác, đặc biệt là những người thân yêu bạn, bằng những ký ức của bạn. Nhưng tôi nghĩ nên quên, vì đời sống ngắn ngủi lắm, bởi đưa nhau chìm trong đau khổ để được gì?

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

TÔI RẤT GHÉT NỖI SỢ

Tôi rất ghét nỗi sợ

Bài Tâm Phan, ảnh Đỗ Hương. Nữ quyền, bắt đầu từ những điều đáng yêu thế này.

Mỗi khi có 1 nỗi sợ nào đó dâng lên thì tôi phải đối diện với nó và giết nó.

Con người bị hạn chế bởi nhiều nỗi sợ.

Sợ bị đánh giá nên phải sống giả vờ, không dám sống thật với chính mình. 

Sợ mất việc nên phải nịnh sếp.

Sợ vô lễ nên phải nín nhịn.

Sợ cô đơn nên phải níu kéo.

Sợ bị chê cười nên phải giấu giếm.
...
Tôi rất sợ sâu róm.

1 lần có con sâu róm bò lên chân tôi, tôi đã hét lên, gạt nó xuống đất và di nó nát bét đến mức không còn nhận ra 1 sợi lông của nó, cho đến khi nó tan vào cát bụi. 

Không. Tôi không hề dũng cảm. Tôi chỉ ghét nỗi sợ. 

Với bất kỳ nỗi sợ nào tôi cũng làm thế. 

Trước kia ngực tôi đầy đặn nở nang, sau khi cho con bú, ngực tôi teo lại. Rất nhiều chị em phụ nữ giống như tôi và họ hoảng hốt, sợ bị chồng chê, sợ ai đó phát hiện và họ sẽ vô cùng xấu hổ vì bộ ngực lép kẹp của mình. Tôi cũng có chung nỗi sợ đó.

Vậy tôi phải đối diện với nỗi sợ này và giết nó. 

Tôi là 1 phụ nữ đẹp trong mắt chồng tôi. Anh yêu tôi không phải vì bộ ngực đẹp. Chỉ có đàn ông ngu xuẩn mới yêu 1 phụ nữ vì bộ phận cơ thể nào đó. Bởi vì cô ta sẽ già, bộ ngực hay bộ mông có đẹp mấy cũng phải chảy xệ. Gương mặt ngây thơ, làn da mịn màng đến mấy cũng phải nhăn nheo. Tất cả chúng ta ai cũng sẽ già và hình thức bên ngoài chỉ là tạm thời. Khí chất tâm hồn mới là vĩnh cửu. 

Bầu vú này đã từng căng mọng sữa để nuôi con. Tôi tự hào vì con tôi mạnh khỏe, ít ốm đau nhờ sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Bộ ngực teo nhỏ hoàn toàn xứng đáng cho một đứa con khỏe mạnh. Hãy nghĩ đến những bà mẹ vú to mà không có sữa, con nhỏ ốm đau triền miên. Họ sẵn sàng đánh đổi lấy bộ ngực nhỏ, miễn là có đủ sữa và 1 đứa con khỏe mạnh.

Tôi nhận được 1 lá thư của 1 bà mẹ trẻ. Cô ấy bị bỏng dầu sôi khi mới lên 5. Vết bỏng chiếm 3/4 cơ thể nhưng cô bé may mắn thoát chết. Như bao cô gái khác, cô ấy rất thích chụp ảnh, nhất là khi mang bầu em bé, nhưng sự mặc cảm tự ti vì những vết sẹo đã khiến cô ấy không dám nói ra, sợ bị chê cười. So với cô ấy, chúng ta quá may mắn khi có thể chụp ảnh tự sướng post FB. 

Hãy nghĩ đến những người bị ung thư vú, phải cắt bầu vú để cứu mạng sống của chính mình. Khi ấy vú to hay vú nhỏ cũng phải cắt hết. 

Hãy yêu cơ thể mình, chị em ạ. Bởi chỉ có bản thân mình mới hiểu sự hy sinh và giá trị sức khỏe của bản thân. Chết là hết. Vú to hay vú nhỏ cũng trở về với cát bụi.

Tôi đã hoàn toàn giết được nỗi sợ đó!

Nguồn: Lấy từ Beo Blog

KÝ ỨC VỀ CÔ GIÁO LÀNG CỦA MỘT THỜI XA LẮM

Ký ức về cô giáo làng của một thời xa lắm


Nhà cô giáo lúc ấy đúng là thiên đường, đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Quây quần bên cô, chúng tôi tìm thấy hơi ấm của một người mẹ.

Mấy hôm nay Bống, con gái tôi hầu như dành toàn bộ buổi tối để nằm bò ra vẽ tranh. Cháu vẽ đi vẽ lại một bức tranh cô giáo cháu mặc áo dài hoa đứng trên bục giảng. Bống bảo con vẽ nhiều bức, bức nào đẹp nhất con sẽ dành tặng cô nhân ngày 20/11… Trước đó, vào ngày 20/10 (Ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam) khi đưa cháu đên cổng trường, nhìn thấy những cửa hàng hoa lưu động, cháu cứ nài nỉ bố mua cho một bó hoa để mang tặng cô giáo. Chiều con, tôi chọn mua cho cháu lẵng hoa to nhất ở đấy. Cô giáo phải như thế nào, con tôi mới dành nhiều tình cảm cho cô như vậy.

Lúc ấy, rõ ràng lắm, tôi nhớ cô. Đấy không hẳn là một nỗi nhớ mà là cảm xúc ấm áp và tiếc nuối về một thời vô cùng trong trẻo tưởng như đã lùi xa lắm lắm.

Từ khi biết dùng email đến giờ, tôi vẫn duy trì hộp thư lập đầu tiên là hộp thư giao dịch chính. Tên cô được dùng làm đáp án cho câu hỏi bảo mật của email. Mỗi lần đi xa, đặc biệt là khi ra nước ngoài công tác, truy cập thường bị trục trặc, khi điền tên cô để trả lời câu hỏi bảo mật: “Tên cô giáo cấp 1 của bạn là gì?”, trong tôi lại trào lên cảm giác vừa ấm áp, buồn buồn và áy náy. Mấy chục năm rồi tôi không gặp lại cô, một cô giáo làng nghèo và có cuộc sống cô độc, nhưng cô là hình mẫu vĩnh cửu đến mức cực đoạn của tôi về một người thầy lý tưởng.

Thế hệ học trò những năm tám mươi đều không thể quên cảnh nghèo khó tiêu điều lúc ấy. Cái nghèo hằn lên từng gia đình, từng cách đi, dáng đứng của mỗi người. Làng tôi chìm trong cái nghèo khó chung ấy. Ra đường nhìn ai cũng cũ kỹ, u tối, âu lo. Người ta có thể giấu được cái giàu, không ai giấu được sự nghèo. Hầu như cả làng chả ai có quần áo lành lặn, chuyện mặc quần áo không vá víu, không có vài miếng tích kê ở bả vai, đầu gối hay mông là điều quá xa xỉ, thậm chí là lập dị.

Thế nên ngày đầu tiên vào lớp 1, nhìn thấy cô đứng trên bục giảng, áo trắng tinh, quần là theo nếp thẳng tắp, mái tóc vấn cao, phong thái vừa nghiêm nghị, vừa dịu dàng, tôi như nhìn thấy hào quang toả ra từ một thế giới khác. Sau này tôi mới để ý, cô chỉ có đúng 2 bộ quần áo như vậy. Đi từ nhà tới trường, mặc dù chỉ hơn 1 cây số, bao giờ cô cũng mặc quần áo vá. Chỉ đến cổng trường, cô mới ghé qua phòng thường trực thay bộ quần áo đã được là ủi nghiêm chỉnh để sẵn trong cặp. Tan lớp, cô lại thay lại bộ quần áo vá trước khi ra khỏi cổng trường. Lên cấp hai, rồi cấp ba, khi về gặp lại cô, tôi vẫn thấy cô chỉ có hai bộ quần áo như vậy, tất nhiên là chúng đã sờn cũ theo tháng năm, nhưng bao giờ cũng được là ủi phẳng phiu, ngay ngắn.

Cô tôi nhanh chóng thuộc tâm tính, gia cảnh, lực học của từng học trò. Đứa nào nhà đứt bữa thường xuyên, luôn luôn chậm tiền đóng học phí, đi học quần áo phong phanh giữa mùa đông lạnh giá. Đứa nào mặc cảm cảnh cha mẹ bất hoà, gia đình ở địa vị thấp kém trong làng. Đứa nào nghịch ngợm, không ngoan… Mỗi đứa cô đều có cách quan tâm rất khéo léo. Vì nghèo nên chúng tôi không có tiền góp giúp các bạn, cô nghĩ ra những cách rất đơn giản như cả lớp đi bắt cá, mót khoai, ngô…, mùa nào thức ấy, gom thành quĩ chung để chia sẻ với các bạn. Ngoài giờ dạy học trên lớp, buổi chiều cô thường tụ tập những đứa học yếu đến nhà dạy thêm, tất nhiên là không thu tiền, cô còn gọi chúng tôi, những đứa học khá hơn đến giúp cô kèm cặp các bạn. Nhà cô lúc ấy đúng là thiên đường, đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Quây quần bên cô, chúng tôi tìm thấy hơi ấm của một người mẹ, điều mà thậm chí nhiều bạn tôi không tìm thấy ở chính gia đình mình.

Đến ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi hay gom góp tặng cô hoa hái ngoài vườn hay trên những hàng rào cây lá um tùm bên đường làng và những trái cam chua loét trẩy từ vườn nhà muốn ăn được phải cần thêm rất nhiều đường hoặc muối, thậm chí là vài bắp ngô non, vài củ xu hào… Khỏi phải nói niềm tự hào hạnh phúc bừng sáng trong đôi mắt long lanh của cô trước vẻ ngượng nghịu xấu hổ của đám học trò.

Lúc ấy tôi còn quá bé để đọc được nỗi cô đơn sâu thẳm ẩn giấu trong ánh nhìn, tiếng cười của cô. Tôi không hiểu vì sao cô không lấy chồng và cứ ở vậy một mình. Thời ấy, mỗi buổi tối đi qua cổng nhà cô, thấy bóng cô ngồi nghiêng nghiêng soạn bài bên ánh đèn dầu leo lét, tôi chỉ thấy đẹp và ấm áp mà không nhìn thấy một khối cô đơn vĩnh cửu toả ra từ đấy.
Bây giờ cô đã già, các bạn tôi ở quê nói rằng mắt cô đã mờ đục, không còn nhận ra người quen nữa. Ngôi nhà cô ở vẫn không thay đổi, nó trở nên nhỏ bé và lạc lõng giữa một cái làng đang ầm ào vỡ ra thành phố thị…Bây giờ nhiều người nói là khó tìm thấy những người thầy như cô tôi nữa. Mà có lẽ cũng không thể bắt những thầy cô giáo phải tuyệt đối sống như các thế hệ đi trước. Thời thế đã khác rồi, như dòng nước chảy qua cầu không bao giờ dừng lại. Thế nhưng, cách ứng xử của con gái tôi lại tạo ra niềm tin, vẫn còn những người thầy tuyệt vời mang đến tình yêu thương và sự tin cậy, hy vọng cho con trẻ. Bởi vì nếu thầy cô không phải là những người mang đến niềm tin về sự Tử Tế thì chúng ta còn biết tin vào điều gì nữa ./.

Phạm Kinh Bắc/VOV.VN

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

CÓ NHỮNG DAY DỨT KHÔNG GỌI THÀNH TÊN


1. Nhớ mãi một lần, có đứa bạn ngồi bàn sau bị băng ghế dài đổ vào chân. Đau quá, nó không kêu nhưng nước mắt trào ra. Ngày ấy cách nghĩ của tôi rất đơn giản và ngu ngốc là dẫu mình có hỏi han nó thì cũng chẳng làm nó bớt đau đi, vì thế không cần phải hỏi, một lúc cơn đau sẽ tự qua thôi. Bao nhiêu năm qua đi, đứa bạn bị đau là nó có lẽ đã quên chuyện ấy từ lâu rồi, còn người không bị đau là tôi thì vẫn ân hận, day dứt mãi vì cách suy nghĩ thiển cận của mình. Ngày ấy, tôi không nghĩ được rằng, nó khóc không chỉ vì đau mà còn vì có những đứa bạn thờ ơ, lãnh cảm như tôi.

2. Một lần khác, khi tôi đã laà sinh viên rồi mà vẫn còn cư xử hời hợt, vô tâm không kém. Đó là ngày lễ noel, có một đứa bạn cũ hồi cấp 3 gửi buư thiếp chúc mừng cho tôi qua đường bưu điện. có lẽ nó định gây bất ngờ và thêm chút lãng mạn cho cuộc sống của tôi nên không trao thư tay dù hai đứa đang học cùng trường, ở cùng một khu kí túc xá. Thế mà đáp lại nó là sự im lặng tuyệt đối của tôi, không một lời cảm ơn, không một câu hồi đáp rằng” tao đã nhận được món quà của mày.” Chẳng là dạo ấy xung quanh tôi có nhiều bạn mới quá, nhiều người yêu quý tôi quá nên thêm một món quà của người bạn cũ cũng chỉ là chuyện bình thường, không có gì phải xúc động cho lắm. Nỗi ân hận cứ theo tôi mãi đến gần đây mới có dịp được bộc bạch lòng mình với nó để xua đi cảm giác có lỗi năm nào.

3. Một đứa bạn thân của tôi rất thích làm thơ. Thơ của nó không hẳn là hay nhưng có nhiều hình ảnh mới lạ và độc đáo đến khó hiểu. Nó thường hay giấu diếm bạn bè cho tôi đọc đầu tiên. tôi không nhớ rõ lúc đó mình có nói gì không, chỉ biết chắc là tôi chưa bao giờ tin tưởng vào tài làm thơ của nó nên cũng chưa bao giờ khích lệ hay truyền cảm hứng cho nó tiếp tục sáng tác. Bây giờ khi tập tành viết lách tôi mới hiểu được cảm giác của người thích viết là như thế nào. Tôi muốn nói với nó một câu động viên, khích lệ quá chừng nhưng nó đã chẳng còn trên đời để nghe những lời “vàng ngọc” của tôi nữa rồi. Ôi thật đáng thương cho cái sự tự nhận thức quá đỗi muộn màng của tôi.

4. Chưa hết, có một sai lầm ám ảnh tôi ghê gớm nhất. Đó là chuyện bố đứa bạn của tôi bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Tôi với nó thân nhau vô cùng nên khi nó gặp chuyện buồn bã, đau lòng như thế, tôi không thể đứng ngoài được. Đêm ấy, tôi rủ mấy đứa nữa ở lại nhà nó để thể hiện sự quan tâm, chia sẻ. Nhà có đám, không ngủ được, nên thỉnh thoảng mấy đứa tôi lại quay ra trò chuyện với nhau mà không hề nghĩ rằng đứa bạn đang thiêm thiếp trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê nằm kia cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu về điều đó. Sau này khi mọi chuyện đã qua đi, nó nói với tôi rằng “thà đêm ấy mày đừng ở lại thì hơn.” Một câu trách móc nhẹ nhàng hay là một lời kết án đanh thép cho sự vô tâm, nông cạn của tôi.

Kết. Tất cả, tất cả những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt, đơn giản ấy, đủ sức góp thành một nỗi ân hận lớn trong tôi. Bất cứ khi nào cũng có thể biến thành đám mây đen kéo về đầy tâm trí. Nếu không tự nhận ra để sửa chữa có lẽ chẳng mấy chốc tôi sẽ là người dửng vô cảm trong mắt hết thảy mọi người. Nhờ vậy, tôi cũng thấm thía một điều: khi mình đối tốt với một ai đó thì rất dễ để quên đi nhưng khi mình cư xử không phải với người khác thì sẽ ân hận mãi, thậm chí là suốt đời.