Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

MỜI BỘ TRƯỞNG THĂNG VI HÀNH NÚT THẮT VÔ LÝ NHẤT THỦ ĐÔ

Đình Chú

Cảnh tắc đường ở Nút thắt hầm đường bộ Kim Liên- Xã Đàn- Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Hải Nguyễn

Vẫn biết Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng những ngày này đang bận quá nhiều việc, mà thuần những việc trọng. Nhưng dù bận đến mấy thì cũng xin bộ trưởng bớt chút thời gian vi hành đến một địa điểm không xa xôi gì mà nó nằm chình ình ngay trên vành đai 1 của Thủ đô: Nút thắt hầm đường bộ Kim Liên - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch.

Hàng ngày, cứ vào giờ cao điểm (sáng từ 7- 8h, chiều từ 5-7 giờ), xin Bộ trưởng ghé qua, chỉ cần dăm bảy phút thôi, bộ trưởng sẽ thấy một sự vô lý đến không thể vô lý hơn, một sự bức xúc đến mức phẫn nộ, một nghịch cảnh (đúng hơn là một tức cảnh) đến bi hài! Hàng trăm phương tiện giao thông lớn nhỏ ken cứng, đông đặc, thậm chí có ngày kéo dài qua cả hầm đường bộ Kim Liên vắt sang đường Đại Cồ Việt. Khói bụi, mùi xăng dầu, mùi mồ hôi người, rồi âm thanh đinh tai nhức óc (nhất là với những người bị kẹt cứng trong hầm).

Bình tâm hơn chút, cứ thử làm phép tính nhẩm: Mỗi người qua đây chậm 10 phút (có ngày đến 20- 30 phút), mỗi ngày có vài ngàn lượt người qua đây nhân lên sẽ thấy hàng trăm giờ đồng hồ bị lãng phí, chôn cứng ở cái nút thắt kỳ quái này. Rồi bao nhiêu xăng dầu bị tiêu tốn vào các phương tiện do chết cứng tại đây? Rồi sức khoẻ do ô nhiễm, tâm lý căng thẳng của bao con người… Thiệt hại cũng có thể đong đếm được nhiều tỉ đồng và cũng không thể đong đếm được bở những thiệt hại vô hình.

Nguyên nhân của sự ách tắc này cũng thật bi hài và trớ trêu. Một hầm đường bộ Kim Liên tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng vốn được coi là hầm đường bộ hiện đại nhất VN, tính đến thời điểm này sắp kỷ niệm 5 năm ngày thông xe (tháng 6.2009). Qua nút thắt sang bên đường Xã Đàn - con đường cũng được mệnh danh là đắt nhất hành tinh với chi phí lên tới cả 1 tỉ đồng/1 mét đường (1.000 tỉ đồng cho con đường chưa đến cây số)! Hầm thì thông thoáng - đường Xã Đàn cũng thông thoáng. Vậy mà ở cái nút giao của hai sự thông thoáng này tồn tại một cái “gai” đến nhức mắt - chỉ vài hộ dân với quán rửa xe, quán ăn lúc nào cũng nhớp nháp, bẩn thỉu và vô cùng nhếch nhác!

Nút thắt hầm đường bộ Kim Liên- Xã Đàn- Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Hải Nguyễn 

Một đoạn đường chỉ vài chục mét mà lấn ra đến gần nửa lòng đường đang thông thoáng đẹp đẽ. Một số hộ dân còn dựng hàng rào tre, gỗ, thậm chí còn cố tình xếp xe máy tạo hàng rào vững chắc để… ngăn người đi đường! Vậy là hàng trăm phương tiện sau khi băng băng qua hầm đường bộ thông thoáng bỗng như bị siết vào cổ họng. Tất cả ùn ứ, đóng cục, nhích từng centimét một.

Báo Lao Động cũng đã nhiều lần vào cuộc tìm ra cái cơn cớ của sự vô lý này. Nhưng các cơ quan và chính quyền sở tại thì kêu khó. Các hộ dân thì đổ tại các cơ quan công quyền tắc trách, vô cảm với dân. Thành phố cũng đã có chỉ đạo phải giải toả dứt điểm. Nhưng rồi, cái vòng luẩn quẩn: “Dân khiếu nại- chính quyền chỉ đạo” cứ chạy quanh như cái đèn cù. Thời gian cứ trôi đi hết ngày này sang tháng kia, hết năm này qua năm no. Nỗi khổ thì dân đi đường gánh đủ!

Hầm đường bộ Kim Liên từ hướng Đại Cồ Việt ra Xã Đàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Thưa Bộ trưởng Thăng! Vẫn biết việc “nhỏ” này mà làm phiền đến Bộ trưởng thì quả rất không nên. Và hình như cái nút này cũng không phải thẩm quyền của Bộ giải quyết. Nhưng thực tế vừa qua có những việc nhỏ, thậm chí rất nhỏ (và hình như cũng không phải thẩm quyền của Bộ). Nhưng khi Bộ trưởng ra tay thì sự việc được giải quyết chóng vánh và người được nhờ nhiều nhất vẫn là người dân. Thì đó cầu Chu Va 6, thì đó thầy trò một bản ở Điện Biên qua sông bằng túi nilon, thì đó vụ đắm canô ở Nhà Bè… Những địa danh không vui này sau khi có bàn tay vào cuộc của Bộ trưởng thì kết cục ra sao dân đều biết. Nay “nút thắt cổ chai”, hay đúng hơn phải gọi là nút thắt cổ họng", hầm đường bộ Kim Liên - Xã Đàn này, cũng rất mong Bộ trưởng một lần nữa bớt chút thời gian vi hành (vào giờ tan tầm) để cho dân được nhờ.

Vẫn biết “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng biết đâu sau chuyến vi hành của Bộ trưởng, suy nghĩ của người dân về Hà Nội sẽ khác!

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

RẤT VUI: TÀU NGẦM TRƯỜNG SA ĐANG CHẠY THỬ

Trực tiếp: Tàu ngầm Trường Sa đã xuống hồ 


Sáng nay (28/3), tàu ngầm tự chế Trường Sa được mang ra một hồ rộng khoảng 3ha, sâu 3m để thử nghiệm.

Tiếp tục cập nhật....

Khoảng 10h sáng nay tàu ngầm đã được đưa xuống hồ để thử nghiệm. Hàng ngàn người dân đã xếp hàng quanh hồ hồi hộp chờ ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa trình diễn tàu ngầm chạy thử.

Khoảng 10h30 phút, ông Hòa đã bám chiếc cần cẩu và xuống tàu. Một lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên nóc tàu trước khi tàu chạy. Sau ít phút, ống khói xả phía cuối con tàu ngầm phụt lên trời, tàu ngầm bắt đầu chạy vòng quanh hồ trước sự reo hò của nhiều người dân.

11h20 phút, ông Hòa chủ nhân của tàu ngầm đã mở nắp của tàu ngầm giơ tay chào mọi người.

Tính đến thời điểm này, tàu ngầm đã chạy quanh hồ được 3 vòng.

Chùm ảnh tàu ngầm tự chế Trường Sa được chạy thử nghiệm trên hồ:




10h30 tàu ngầm tự chế được hạ thủy. Chạy được nửa vòng hồ thì tàu ngầm bắt đầu lặn xuống





Các kỹ sư chuẩn bị đưa tàu ngầm ra hồ















Tàu ngầm tự chế Trường Sa được chuyển ra ô tô








Hệ thống máy móc bên trong tàu ngầm





Xe cẩu hạng nặng đưa tàu ngầm ra hồ để thử nghiệm


Hàng ngàn người dân đổ xô đi xem hạ thủy tàu ngầm Trường Sa mini tự chế


Khu hồ thử nghiệm rộng khoảng 3ha, sâu từ 2,5 đến 3m.

Đức Nguyễn

LO LẮNG VỀ CHUYỆN KHÔNG THỂ BỊ LỘ



Cuteo@

Nói về nghi án nhận hối lội 16 tỉ đồng ở ngành đường sắt , ông GS Nguyễn Mại có tâm sự khá cởi mở. 

Tuy nhiên, Cuteo@ cho rằng, ông nói thế vẫn mơ hồ lắm, chỉ có tác dụng xoa dịu thần kinh cho người đọc thôi, hoàn toàn không có tí tác dụng nào đối với thực tế. Thậm chí, nó còn làm ngứa thêm những nốt ghẻ (nói theo cách của TBT Nguyễn Phú Trọng) đang có xu hướng lan rộng. Vì những gì ông nói, vẫn chỉ chung chung, thiên hạ nói mãi, báo chí nói mãi, ví von vòng vèo mãi. 

Nhiều người cho đó là lối nói chả chết ái, võ đoán và thiếu cơ sở bởi thiếu chứng cứ chứng minh. 

Nói như thế thì ai cũng nói được.

Người dân đang cần cái cụ thể hơn, chỉ mặt, vạch tên lũ sâu mọt. 

Người dân đòi hỏi lũ đã "bị lộ" cần phải bị trừng trị. lũ "chưa lộ" cần phải được lôi ra ánh sáng của công lý, lương tâm và đạo đức, và làm cho mọi thứ tường minh tới mức nếu có hối lộ thì không thể không lộ.

Nhưng dù sao, về hưu rồi mà ông nói được như thế cũng đáng khen. 

Xin nói thẳng Cuteo@ không lo lắng chuyện lộ, hay chưa lộ mà lo lắng về một cơ chế làm cho những chuyện hối lộ kiểu như thế này "không thể bị lộ".
----------------------

Mời đọc tham khảo:

KÍNH THƯA CÁC ĐỒNG CHÍ BỊ LỘ VÀ CHƯA LỘ

GS Nguyễn Mại - nguyên thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, hơn 16 tỷ đồng mà vị lãnh đạo ngành đường sắt nhận hối lộ của DN Nhật Bản, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 

Là người quan sát nhiều về đầu tư nước ngoài, ông nhìn nhận sự việc Nghi án nhận hối lộ 80 triệu Yên từ nhà thầu Nhật như thế nào, thưa giáo sư?

Tôi không ngạc nhiên, chỉ buồn thôi. Còn về lo ngại việc Nhật Bản liệu có động thái tạm dừng ODA như năm 2008 hay không, tôi nghĩ là không. Ít nhất là thời điểm này. 

Bởi vì về quan hệ đối ngoại, chúng ta chưa bao giờ có được một đối tác kinh tế tốt như Nhật Bản. 

Năm 2007, chúng ta chỉ mới là đối tác chiến lược. Đến năm 2014, quan hệ hai bên đã nâng lên mức đối tác chiến lược mở rộng. Có thể nói hiện nay Nhật Bản đang là đối tác chiến lược tốt đẹp nhất của Việt Nam, ngay cả giới quốc tế họ cũng đánh giá cao mối quan hệ này. 

Tôi nghĩ chuyện 16,4 tỷ đồng nó cũng nặng nề, nhưng sẽ không làm xấu đi mối quan hệ này nhiều đâu. Họ sẽ xử lí sự việc này trên tinh thần chung của mối quan hệ hai nước, chứ tôi không nghĩ sẽ có chuyện cắt ODA thời gian tới vì cái này đâu. 

Thế còn chuyện thanh danh, chuyện thể diện quốc gia thưa ông? Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế ?

Tôi nói thật là nó cũng chẳng làm mình xấu đi hơn nhiều đâu! Vì bây giờ nói về tham nhũng thì nước mình có tên tuổi thứ hạng lắm rồi, có xấu nữa cũng chả xấu hơn mấy. PCI 2013 vừa rồi, DN FDI họ còn đánh giá bệnh của mình nặng hơn Lào và Campuchia mà. Riêng tham nhũng ODA ở các nước châu Á, trừ Singapore ra thì nước nào cũng mắc phải, nhưng bệnh của mình có lẽ là nặng nhất. 

Nói chung vụ 16 tỷ đang điều tra này nó đã ăn thua gì. Nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chứ còn nói thật ra, thì đúng là phải nói “kính thưa các đồng chí đã bị lộ và các đồng chí chưa bị lộ”. Trước đây 1 tháng chúng ta vừa mới xử cái ụ nổi đấy. Rồi chúng ta đang có cái cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nữa. Đấy bạn cứ thử để rồi mà xem.

Có biện pháp nào để hạn chế tình trạng này thưa ông?

Tôi kỳ vọng nhiều ở dự thảo luật đầu tư công. Trong đó dự thảo đề cập một việc theo tôi rất cần, mà muốn công khai minh bạch thì phải có.

Đó là việc dự thảo luật có nêu đến việc tăng vai trò của Ủy ban mặt trận tổ quốc trong giám sát đầu tư công. Cụ thể, mặt trận sẽ thu hút các chuyên gia giỏi để trở thành một lực lượng giám sát độc lập, theo dõi các dự án từ khi còn là chủ trương đầu tư, chọn thầu, thuyết trình dự án hay thực hiện dự án. 

Cứ thử đến xem nông thôn họ làm đường liên thôn sao rẻ thế. Là vì họ có các ông cụ già, người ta đến người ta xem, người ta giám sát từng cân sắt từng cân xi măng, nên người ta biết được bao nhiêu là đủ, thừa cân nào thiếu cân nào rõ ràng hết. Chứ cứ để mấy ông lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện với tỉnh thì tốn kém thất thoát, dễ phạm sai lầm từ chủ trương đầu tư cho đến chọn thầu rồi ăn gian chi phí…

Nếu Dự luật đầu tư công được thông qua mà có những cơ chế thay đổi rồi sau đó thực hiện nghiêm chỉnh thì may ra chúng ta hạn chế được tham nhũng.

Ở Braxin họ có những quy định hay để chống tham nhũng đầu tư công, mà tôi đã góp ý với Hà Nội nhiều lần nhưng họ không tiếp nhận.

Đó là ví dụ như HĐND TP Hà Nội mà thông qua một dự án đầu tư công, thì họ lập ra một nhóm chuyên gia độc lập, các chuyên gia độc lập này sẽ trình lên HĐND một bản thẩm định cái dự án đấy, song song với cái thẩm định của cơ quan nhà nước.

Xưa tới nay cứ nhét nhiều phong bì vào túi bên quản lý dự án thì chuyện thẩm định sẽ rất nhanh, nhưng nếu có một cơ quan độc lập thẩm định như thế thì sẽ hạn chế được tiêu cực.

Bài gốc ở đây

NHƯ LÀ CON NGƯỜI VỚI NHAU

Tuấn Khanh


Nhân dịp cả một xã hội xôn xao chuyện một diễn viên điện ảnh về già kêu than trước gia sản 10 tỷ sắp mất. Chợt nhớ đến ông Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ, nay đã gần 100 tuổi.

2 con người, là 2 số phận khác biệt mà lại rất chung. Nam diễn viên điện ảnh này nổi lên nhờ một bộ phim do nhà nước đầu tư cho chính sách văn nghệ tuyên truyền và được lăng-xê hết cỡ. Sau phim đó, ông ít khi chứng minh được gì thêm ngoài việc đã sống trọn sức trẻ cho một tác phẩm tuyên truyền, đặc biệt ở một giai đoạn mà người Việt Nam hầu như không được tiếp xúc với các tiêu chuẩn điện ảnh thế giới.

Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông cũng lừng danh từ các bài hát mà ông sống và làm việc ở miền Bắc trong thời chinh chiến phân chia. Và dù được biết nhiều với các ca khúc như Mẹ Yêu Con, Dáng Đứng Bến Tre… Nhưng ông luôn khẳng định rằng mình thương nhớ nhất vẫn là bài hát Dư Âm.

Theo lời ông kể, đó là đứa con tinh thần mà cuối những năm 50, ông bị kiểm điểm và buộc viết cam kết từ bỏ bài hát này như một sản phẩm nhuốm tinh thần bệnh hoạn tiểu tư sản. Những chính trị viên văn hóa đã lôi ông đi khắp nơi, để buộc ông nói lời xin lỗi trước ‘nhân dân’ và nhận sai vì đã sáng tác bài hát ủy mị này.

Năm 2005, khi tôi hỏi ông vì sao ông vẫn yêu nhất Dư Âm. Ông nói “đó là tiếng lòng của tôi bị tước bỏ. Những cái khác dù hay, dù nổi tiếng cũng chỉ là tuyên truyền, là đồ bỏ”.

Năm 2014. Khi diễn viên điện ảnh này kêu gọi mọi người chú ý về cuộc đời riêng của ông, như một cách nhắc lại công lao tuyên truyền mà ông đã đóng góp, thì đâu đó ở khu chợ Tân Định, Saigon, người nhạc sĩ già đầy bệnh tật, thiếu thốn tiền bạc vẫn lặng im, ngồi nhìn qua cửa sổ. Ông như một phần lịch sử của Việt Nam đang héo úa, chờ ra đi trong kiêu hãnh và tự trọng.

Trở lại câu chuyện của Nam diễn viên điện ảnh. Quyền lên tiếng là quyền của bất cứ ai. Nỗi khổ đang được chia đều trên tất cả sinh linh của đất nước này, theo một cách tính nào đó. Nỗi khổ hằn rõ trên gương mặt của những mẹ già thất thểu vé số cầm tay qua mọi con đường, nỗi khổ khắc rõ hình dạng những người vợ, người con chôn đời mình kêu oan trước các cánh cửa công đường, nỗi khổ là tương lai bấp bênh của những đứa trẻ không cơm, không quần, không được học hành ở các đồi núi Việt Nam.

Nỗi khổ cũng vẫn đang lặng im và hằn rõ trong đuôi mắt của người nhạc sĩ già vang danh chờ tử thần đến gọi, mà tôi được thấy.

Khác với muôn loài, Ngựa vằn Châu Phi chỉ cất tiếng kêu vào lúc tuyệt vọng. Tiếng kêu khổ đau đó là tiếng kêu ý nghĩa nhất để gọi bầy khi cái chết đến, chứ không phải là tiếng kêu vì mất phần cỏ tươi xanh khi sống giữa bầy đàn.

Là con người với nhau, hãy cất tiếng kêu đó cho điều xứng đáng nhất, cho nỗi khổ đau nhất mà chung quanh có thể mở lòng chia sẻ. Mất phần cỏ tươi cho riêng mình, chưa bao giờ được coi là điều đáng nhớ trong lịch sử con người. Đó chắc chắn là một nỗi buồn, nhưng chưa bao giờ được xứng gọi là khổ đau giữa cõi nhân sinh vô vọng này.

Tôi xin gửi nơi đây lòng kính trọng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, một trong những đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Ở nơi nào đó với chiếc gậy, run rẩy bước đi, ông vẫn lặng im.

Nguồn: Dân News

MỘT THẢM HỌA TRÍ THỨC

Copy bên nhà Beo Hồng


Chữ in nghiêng là của ông Nguyên Ngọc

*** Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác.(http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/33607/khong-the-lan-lon-lich-su-voi-chinh-tri.ht)


Chắc chắn ông Nguyên Ngọc không hề mở bất cứ cuốn sách giáo khoa nào, từ lớp 6 đến lớp 12, ra xem người ta đang dạy gì hai môn văn-sử, khi lí giải phiến diện như trên. 

Trong nhận thức của tầm tuổi này, người ta đã chọn, theo Beo rất chính xác, các sự kiện sử để dạy cho các cháu. Bởi đó là những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất cho tinh thần không bao giờ chịu khuất phục ngoại bang của dân tộc, trong suốt chiều dài hàng ngàn năm Bắc thuộc.

Song hành về thời gian với môn sử, môn văn bắt đầu chương trình lớp 6 bằng dòng văn học dân gian, các truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn… và kết thúc lớp 12 bằng các tác phẩm tác giả thời hiện đại. Rất nhiều thời gian dành cho việc dạy kỹ năng viết lách, và các tác giả được đưa ra để minh họa gồm có Hồ Chí Minh (Tuyên ngôn độc lập), Tố Hữu, Quang Dũng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Đình Thi…

Có một điều, không biết có thể ghép vào việc dùng văn sử để dạy chính trị như ông Ngọc nói được không, đó là sách giáo khoa toàn chọn những tác phẩm mang đầy những câu chữ ngợi ca dân tộc này anh hùng, đất nước này tươi đẹp, không có bất cứ bài nào lên án nền giáo dục này suy đồi hay chế độ này thối nát. Cũng không tìm thấy bài nào dạy nhờ có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản nên cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng đã thành công vang dội.

*** tất cả các đề thi sử tốt nghiệp và thi vào đại học gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930. Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó... chỉ là tiền sử, là thời man dã, người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người!

Bất cứ giai đoạn nào, thời khắc nào của lịch sử, đều chứa trong nó những giá trị ngang nhau, bất kể chính quyền (mọi thời) có chủ đích dạy chính trị lồng chính trị hay không. Bắt chước lập luận ông Ngọc, Beo sẽ viết thế nàycứ như lịch sử từ 1930 mới là chính trị, còn trước đó chỉ là …chính em.

Còn tại sao 40 năm nay, đề thi tốt nghiệp và thi vào đại học chỉ hỏi về lịch sử sau 1930. Viết câu này ra càng chứng tỏ ông Ngọc không hề coi qua sách giáo khoa bởi rất đơn giản, đó là toàn bộ chương trình lớp 12. Lớp 6, người ta dạy các cháu từ thời nguyên thủy đến thế kỷ thứ 10. Tuần tự cho đến lớp 12 thì môn sử kết thúc phổ thông bằng giai đoạn 1945-2000. 

Thi lớp 12, cứ thử ra đề có nội dung lớp 11 xem, ai chứ Beo tin, chính ông Ngọc sẽ là người cao giọng phê phán đầu tiên.

*** Đấy là thảm họa, bởi vì đấy không chỉ là chuyện kết quả học sử thi sử như thế nào, mà là dấu hiệu con người coi các giá trị tinh thần và nhân văn chẳng còn đáng xu nào! Một thảm họa xã hội!

Đấy là thảm họa, bởi vì đấy không chỉ là chuyện một bài báo, mà là dấu hiệu nói không cần nghĩ! Một thảm họa trí thức!

NGUYÊN NGỌC CHÉM GIÓ CÓ VÔ TƯ?

Beo Copy từ facebook của thầy Bau Trinh Xuan


Ông Nguyên Ngọc lại chém gió về phương thức tuyển sinh của trường Đại học Phan Châu Trinh, nghe hết chịu nổi.

Không hiểu mọi người có hình dung được thực trạng của trường ĐH PCT mà ông Nguyên Ngọc là Chủ tịch HĐQT như thế nào không mà ào ào ủng hộ thế nhỉ? Thậm chí, Giáo sư Hoàng Tụy, một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà cũng ủng hộ?

Trích dẫn thực trạng tuyển sinh của trường ĐH PCT năm 2012 như sau:
Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam)Năm 2012 tuyển sinh 8 ngành bậc ĐH chính quy với 500 chỉ tiêu và 4 ngành bậc CĐ với 300 chỉ tiêu. Nhưng sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (20/8-20/9) chỉ có khoảng 60 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.Do quá ít sinh viên, trường chỉ mở đào tạo được hai ngành tiếng Anh và tiếng Trung với vỏn vẹn hơn 20 người. Số thí sinh nộp hồ sơ và trúng tuyển vào các ngành khác chỉ vài chục, không đủ mở lớp nên trường đã trả lại hồ sơ.Mặc dù tình hình tuyển sinh rất “ảm đạm” nhưng năm 2013, ĐH Phan Châu Trinh lại đề ra chỉ tiêu cao hơn so với năm 2012 là 600 sinh viên (bậc đại học 400 sinh viên, bậc cao đẳng 200 sinh viên). Trường không tổ chức thi mà xét tuyển theo đề thi chung của Bộ GD – ĐT. Mức học phí đối với bậc đại học là 250.000 đồng/tín chỉ (khoảng 3,5 triệu/học kỳ); bậc cao đẳng là 215.000 đồng/tín chỉ (khoảng 3 triệu/học kỳ).(Hết trích)
Đến dụ mấy học sinh thi dưới điểm sàn vào trường còn chẳng được, lấy đâu mà đòi phỏng vấn với phỏng veo, hãm.

Đến cộng mỗi môn thêm 1,5 điểm (tổng điểm cộng là 4,5 điểm) mới đạt điểm sàn để vào học ở cái trường ĐH PCT này, thì tập viết còn chưa nên thân, tập học thuộc lòng còn khó, nói gì đến học theo kiểu tư duy sâu mà đòi bỏ học thuộc lòng, đại hãm.

Thế mới biết, tại sao ông Nguyên Ngọc cứ hô hào phải bỏ điểm sàn!!!

Br rất tôn trọng nhà văn Nguyên Ngọc với những đóng góp cho các lĩnh vực văn học và văn hóa. Nhưng ở lĩnh vực giáo dục, Br không thể tôn trọng được.

Một trường đại học, mỗi năm tuyển sinh lèo tèo được vài trăm sinh viên, chủ yếu vớt từ những sinh viên dưới điểm sàn, cố cộng điểm khu vực cho hợp lý.

Một trường đại học mà đến danh sách giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng cũng không dám công khai.

Một trường đại học mà cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như một trường tiểu học.
.....
Không hiểu, mọi người ủng hộ ông này ở cái điểm gì?

Thế, khác nào đẩy giáo dục đại học Việt Nam rơi xuống vực nhanh hơn?

Các nguồn trích dẫn


http://luotbao.com/article/284117/top_nhung_dh_dan_lap_khat_thi_sinh.html

TỪ DIỄN ĐÀN XHDS ĐẾN VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP: CHỐNG PHÁ CÓ CHIẾN LƯỢC

Âm mưu thâu tóm quần chúng của phe chống đối


Diễn đàn Xã hội dân sự ra đời với những người đứng đầu là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Chu Hảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi... đã nhanh chóng tạo một cú lừa ngoạn mục đối với các trí thức có tâm trong xã hội Việt Nam hiện nay. Rất nhiều nhân sĩ trí thức với mong muốn thúc đẩy đời sống xã hội tốt đẹp hơn đã vội vàng ký tên chỉ vì những uy tín của các tên tuổi lớn mà tôi vừa kể ở trên. Họ đều trông đợi rằng Diễn đàn Xã hội Dân sự sẽ là nơi lên tiếng góp ý sửa đổi chính sách và đưa ra các giải pháp để xây dựng đất nước. 

Nhưng ngay khi bản danh sách ký tên được công bố, ta có thể thấy tên tuổi của họ bị lẫn lộn cùng với những thành phần chống đối cực đoan thuộc NoU, Đảng Việt Tân, Hội anh em Dân chủ... chứ không hề được đặt cạnh những người dân thường, thậm chí còn không có tên của những tổ chức NGO hoạt động xã hội (một hình thức xã hội dân sự mà Diễn đàn Xã hội dân sự đang khuyến khích). Chắc hẳn nhiều trí thức phải đặt câu hỏi về vấn đề này? Liệu rằng tên tuổi của họ có bị lợi dụng để làm bình phong cho những hoạt động chống đối của Diễn đàn Xã hội dân sự hay không? Điều này ai cũng có thể nhìn thấy trên nội dung của Diễn đàn Xã hội Dân sự. Trên Diễn đàn (mà chỉ có một người vô hình nào đó đăng bài), đầy rẫy những bài bêu xấu, chửi rủa chính quyền, khuyến khích biểu tình và bạo động; không có bất cứ một bài viết nào mang tính xây dựng đất nước. Khi âm mưu này bị bại lộ, Diễn đàn Xã hội dân sự vội vã đổi tên thành Dân Quyền và song song với đó là thành lập Văn đoàn Độc lập.

Văn đoàn Độc lập do nhà văn Nguyên Ngọc làm Trưởng ban vận động thực hiện đúng chiêu bài của Diễn đàn Xã hội dân sự là đi xin chữ ký của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình hiện nay. Trước khi bản Tuyên bố được công khai, đã có một buổi gặp mặt nhân dịp Văn đoàn độc lập ra đời, trong đó có sự có mặt của Tiến sĩ Nguyễn Quang A - một người chẳng có liên quan gì đến công việc của nhà văn. Điều này chứng tỏ mối dây liên hệ mật thiết của Diễn đàn Xã hội dân sự và Văn đoàn Độc lập. Rõ ràng rằng, Diễn đàn Xã hội dân sự vẫn đứng đằng sau Văn đoàn độc lập. Họ thấy rằng không thể xếp chung những trí thức có tâm với đất nước bên cạnh những kẻ bất mãn và chống đối cực đoan được, vậy nên đã phải tách hai thành phần này ra những vẫn dưới sự chỉ đạo của nhóm chủ chốt Diễn đàn Xã hội dân sự. Dân Quyền trở thành một trang của bên chống đối, là nơi để họ tha hồ chửi bới, xách mé chính quyền để thỏa mãn cái tôi cá nhân. Còn Văn đoàn Độc lập, chắc sẽ có blog trong nay mai, sẽ trở thành một trang tuyên bố hùng hồn của các nhà văn tự xưng là Độc lập.

Họ hùng hồn tuyên bố: "Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.", nhưng sự thực đằng sau tuyên ngôn này lại chứng minh điều ngược lại. Trong bản tuyên bố, chúng ta không thấy những lời tuyên ngôn về tự do sáng tác, độc lập tư duy mà mỗi nhà văn phải tự tạo dựng cho bản thân mình; mà chỉ thấy một sự đổ lỗi toàn bộ cho thể chế chính trị do Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính phủ của nước ta lãnh đạo. "Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn." Nhưng ai cũng có thể thấy các hoạt động của Hội nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, và các tạp chí nghệ thuật đang cố gắng để làm điều này. Việc một tuyên bố về tự do sáng tác lại chỉ chăm chăm quy trách nhiệm cho chính quyền thể hiện rõ mưu đồ chính trị của Văn đoàn độc lập.

NHỮNG BẤT ỔN TRONG LẬP LUẬN CỦA TUYÊN BỐ VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP
Văn đoàn Độc lập cho rằng: "Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình". Điều này là chính xác! Nhiều năm gần đây, văn học Việt Namkhông có một tác phẩm nào có giá trị. Nhưng tác phẩm văn học có giá trị không phải như gà đẻ trứng hay động vật sinh con theo mùa sinh sản, có khi cả một quốc gia trong mấy trăm năm cũng chỉ có được một hai tác phẩm có giá trị. Như đất nước Hà Lan, mấy trăm năm mới có một Andersen.

Hơn thế nữa, chế độ "quan liêu và bao cấp" có thực sự gây cản trở cho con đường sáng tác của người cầm bút. Nên nhớ thời Liên Xô là thời kỳ bao cấp toàn phần, nhưng các nhà văn lớn và các tác phẩm lớn vẫn gây xáo động cả thế giới với nhiều cây bút được giải Nobel. Từ khi Liên Xô sụp đổ, chính nước Nga cũng chẳng có tác phẩm nào có giá trị. Ngay cả thực trạng hiện nay cũng vậy, những tác phẩm văn chương có giá trị, buồn thay lại đến từ trong chiến tranh và thời kỳ bao cấp. Sau năm 1990, khi nước ta mở cửa, văn chương đi xuống trông thấy rõ rệt. Thậm chí từ sau năm 2008, khi đời sống ngày càng tự do hơn thì văn đàn lại càng trở nên đìu hiu hơn. Không rõ các nhà văn của Văn đàn độc lập sẽ nói gì về hiện tượng này?

Họ cho rằng: "một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng." Tài năng của người viết văn thuộc về thiên bẩm và được trau dồi, rèn luyện theo năm tháng; chẳng lẽ tài năng của người viết văn lại bị phụ thuộc và các điều luật của nhà cầm quyền và bị hoàn cảnh xã hội dễ dàng làm cho lụi tàn hay sao? Nếu một tài năng lụi tàn dễ đến thế thì có lẽ thế giới chẳng còn bất cứ một tác phẩm vĩ đại nào mà chỉ có những tác phẩm tung hô, ca ngợi và xu thời. Chỉ những nhà văn tài năng kém cỏi mới cần một không gian thoải mái để viết văn. Có vẻ như Văn đoàn Độc lập không thực sự muốn khuyến khích sáng tạo mà chủ yếu chỉ muốn cạnh tranh quyền ảnh hưởng với Hội nhà văn Việt Nam trong việc: "Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước" mà thực ra là thâu tóm giới văn chương chữ nghĩa.

NGƯỜI VIẾT VĂN ĐỘC LẬP KHÔNG CẦN VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP

Từ sau thời kỳ đổi mới, chế độ kiểm duyệt ngày càng được nới rộng, nhiều cây bút hoàn toàn độc lập với Hội nhà văn Việt Nam, tức là không cần làm thành viên của hội, không cần sự cho phép của hội vẫn có thể được xuất bản sách hay viết báo tự do tại Việt Nam, không cần giải thưởng của Hội mới khẳng định uy tín và tài năng trên văn đàn. Chúng ta đã có rất nhiều nhà văn độc lập và số lượng những nhà văn này sẽ ngày càng gia tăng với vai trò trải rộng thông tin của Internet. Để một tác phẩm hay đến được với công chúng (điều mà tất cả các nhà văn đều mong muốn hơn bất cứ tiền bạc và quyền lợi), thì thời đại ngày nay là thời đại dễ dàng nhất trong lịch sử ngoài người. Tức là bối cảnh hiện nay là một cơ chế cho phép những cây bút tự do có quyền lợi ngang bằng với các nhà văn nằm trong hệ thống, những người nào thật sự có tài năng thì sẽ có danh tiếng và uy tín.

Trong bản tuyên bố, các cây bút bị quy kết là "thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo". Đây là một lối nghĩ lạc hậu của thứ văn chương phục vụ lợi ích chính trị. Sáng tạo của người cầm bút trong nghệ thuật để tôn vinh cái đẹp và giá trị nhân văn là trách nhiệm lớn lao nhất, cho dù có phê phán cái xấu thì văn chương cũng phải hướng con người đến các những mục tiêu cao hơn. Sự sáng tạo mà Văn đoàn Độc lập nhấn mạnh rõ ràng chỉ là phê phán cái xấu để hạ bệ uy tín của chính quyền. Họ phủ nhận công lao cách tân nghệ thuật, ca ngợi cái Đẹp mà rất nhiều nhà văn khác đang đeo đuổi.

Các nhà văn khởi xướng Văn đoàn độc lập không hề quan tâm đến sứ mệnh sáng tạo của bản thân mình. Mặc dù ở giữa một thời đại tương tác thông tin mạnh mẽ như hiện nay, họ vẫn không viết được tác phẩm nào có giá trị. Họ chỉ mải lo thu gom các nhà văn độc lập, dưới quyền điều phối của họ, hướng mũi nhọn vào chính quyền. Họ thay thế mục đích sáng tạo bằng mục đích mượn nghệ thuật để phục vụ chính trị. Họ phủ nhận những nỗ lực của chính quyền trong việc tạo dựng một văn đàn tự do sáng tạo. Bằng việc muốn thao túng giới văn nhân, trí thức, họ đã phản lại chính lý tưởng tự do, độc lập mà họ đang hô hào.