Cần sớm xóa bỏ tư tưởng nô lệ trong chính sách khoa học và giáo dục ở nước ta
Vũ Cao Đàm
Vài lời phi lộ
Bài này đã được gửi để đăng trong một tạp chí “lề phải”, nhưng các vị trong Ban biên tập, tuy với tôi là chỗ thân tình, vẫn phân vân và có chút e ngại không muốn đăng, tuy nhiên, các vị cứ lờ tịt không “nỡ” nói lời từ chối.
Tôi quyết định gửi anh Huệ Chi, vì tôi biết anh luôn chia sẻ những ý kiến xây dựng thẳng thắn nhằm hình thành những chính sách đúng đắn cho sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục nước nhà.
Tính đến nay, nước ta đã giành được độc lập được gần 70 năm. Các nhà trường không thiếu những bài giảng giáo dục lòng tự hào dân tộc, chống mọi ách nô lệ của bất kỳ kẻ xâm lược ngoại bang nào, nhưng trớ trêu thay, ách nô lệ trong các biện pháp chính sách về quản lý khoa học và giáo dục (KH&GD) hầu như vẫn đè nặng trong xã hội. Ách nô lệ ấy không bị áp đặt bởi một kẻ ngoại bang cụ thể nào, mà nô lệ theo bản năng tự ti dân tộc và tự ti trong bản lĩnh chính trị của chính các nhà quản lý khoa học và giáo dục.
Có điều lạ, là cái tư tưởng nô lệ này được quán triệt từ vi mô đến vĩ mô, từ trong trong đầu mỗi cá nhân một cách rất tự giác, cho đến những cuộc thảo luận tập thể trên diễn đàn các quyết sách; từ anh nghiên cứu viên chân đất mới tập tễnh vào nghề, cho đến rất nhiều nhà nghiên cứu có hàm có vị cao ngất ngưởng, từ anh chuyên viên đang trong thời gian tập sự cho đến các quan chức quản lý cấp cao.
Tư tưởng nô lệ về KH&GD thể hiện rất đa dạng và sinh động. Sau đây, tôi xin liệt kê dăm ba sự kiện để làm ví dụ tham khảo. Có điều thú vị rằng, những sự kiện sẽ được nêu sau đây, thoạt nghe đều thấy rất đúng về mặt chủ trương, nhưng nghĩ sâu mới nhận ra sự thiếu tự tin trong tư duy chính sách và nhất là trong bản lĩnh chính trị. Đó là những chủ trương mang tư tưởng nô lệ rất nặng nề, cam phận đi sau thiên hạ về KH&GD, cam phận làm “nàng hầu” của chính trị, theo cách nói của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng mà tôi đã được nghe ở đâu đó. Đáng buồn rằng, cái tư tưởng nô lệ ấy đang diễn ra và vẫn đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt giữa thế giới đang không ngừng phát triển.
“Quy hoạch” trường/viện
Luật Khoa học Công nghệ và Luật Giáo dục đều có điều khoản về “Quy hoạch trường, quy hoạch viện và khi lập trường, lập viện phải theo quy hoạch”. Điều này mới nghe tưởng rất ngăn nắp, nhưng nghĩ kỹ thì rất có vấn đề. Bởi vì khoa học luôn có tính mới, mà quy hoạch là một phương án được xây dựng dựa trên sự hiểu biết về KH&GD ở một thời điểm cụ thể nào đó. Như vậy, giả dụ trường nào đó muốn mở ngành đào tạo về Công nghệ Nanô, hoặc một nhà vật lý nào đó muốn lập một viện về Công nghệ Nanô, là một ngành công nghệ mới, sẽ không được chấp thuận, vì chưa có trong quy hoạch.
Tóm lại, quy hoạch viện/trường, quy hoạch ngành đào tạo là tạo ra một dây thòng lọng để tự trói chân tay và thắt cổ mình.
Biên chế “cơ hữu”
Muốn mở ngành đào tạo, ngoài việc phải căn cứ quy hoạch, còn một điều kiện nữa, thoạt nghe tưởng rất đúng: đó là phải có một số nhân lực chuyên môn của ngành đó trong biên chế cơ hữu của đơn vị đào tạo. Điều này có nghĩa: Nước Việt Nam chỉ được đào tạo những ngành đã cũ, đã có sẵn chuyên gia.
Cách đây ít năm, tôi được biết Đại học Roskilde (Đan Mạch) có đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Chính sách Công nghệ và Đổi mới (Technology Policy and Innovation), tôi đã đến tìm hiểu và dự các chuyên đề của lớp này một tuần. Điều tôi ngạc nhiên là nó chẳng giống gì ở ta cả: Giám đốc chương trình là một giáo sư được mời đến từ Thụy Điển; các vị giảng viên được mời đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Na Uy; chỉ có một ông giáo sư thuộc “biên chế cơ hữu” của Đại học Roskilde, nhưng lại là người Italia, đó là Giáo sư Bruno Amoroso, người đã nhiều lần đến Việt Nam và có thời đã có chương trình hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tôi hỏi đùa các vị ấy, làm thế nào xin cấp phép đào tạo khi các vị không có “biên chế cơ hữu”? Ông giám đốc chương trình cười rất hóm hỉnh “Đây là Đan Mạch, chứ không là Việt Nam”.
Xét cấp “mã ngành” đào tạo
Trường/viện của bạn muốn mở một ngành đào tạo? Vâng, xin mời đơn vị của bạn làm thủ tục với cơ quan quản lý để được cấp cái gọi là “Mã ngành”
Mã ngành là cái gì vậy?
Về hình thức đó chẳng qua là một dãy số ghi trên bìa khóa luận, luận văn, luận án. Tập hợp số ấy đi kèm với tên gọi của cái ngành mà đơn vị của bạn được cấp phép đào tạo.