Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

HÀ TĨNH: ĐỪNG ĐỂ THÀNH VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN THỨ HAI

Hà Tĩnh: Đừng để thành vụ Đoàn Văn Vươn thứ 2

Theo GS Thuyết, vụ việc ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (đỉnh điểm là công an bị đánh, tài sản cán bộ bị phá) có 2 điểm giống vụ ông Đoàn Văn Vươn nhưng có 1 điểm khác, đó là sự phản kháng của một tập thể đông người.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Khi vụ việc đang nóng như vậy mà chính quyền lại giải quyết bằng những biện pháp nóng, bằng vũ lực như thế thì đúng là đổ dầu vào lửa”.

Một người dân xã Bắc Sơn chỉ cho PV xem vết thương ở chân

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII chia sẻ với PV báo điện tử Infonet xung quanh vụ việc 4 công an bị đánh xảy ra ở Hà Tĩnh vừa qua.

Đề cập đến xung đột căng thẳng giữa người dân và chính quyền tại thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), GS Nguyễn Minh Thuyết cho đây là vụ việc rất đáng buồn, đồng thời có thể nói đó là vụ Đoàn Văn Vươn thứ 2.

Theo GS Thuyết, vụ việc này có 2 điểm giống vụ ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng): Một là, người dân đã khai hoang những vùng đất này từ khá lâu. Hai là người dân đã lên tiếng nhiều lần rồi nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn. Thậm chí, chính quyền xã cũng đã phản ánh, nhưng chính quyền cấp trên vẫn áp đặt dự án, làm cho người dân bức xúc.

Một dự án xây dựng nghĩa trang, công viên vĩnh hằng (Bắc Sơn), thuộc xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà đang thai nghén, chưa hình hài một viên gạch, nhưng đã có người đổ máu, dân bức xúc mất đất, kéo nhau vây đánh, phá nhà cửa, tài sản của cán bộ, khiến vùng quê tưởng chừng người dân chân đất, hiền hòa, bỗng chốc trở nên náo loạn… 

Tuy vậy, vụ ở Thạch Hà có 1 điểm khác vụ Tiên Lãng: Sự phản kháng của ông Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng chỉ là của một gia đình nông dân. Còn sự phản kháng ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà là của một tập thể đông người.

“Giả sử có chuyện ai đó ném đá vào nhà cán bộ thì trước hết phải gặp người ta nhắc nhở đã, chứ không nên vội bắt người. Khi vụ việc đang nóng như vậy mà chính quyền lại giải quyết bằng những biện pháp nóng, bằng vũ lực như thế thì đúng là đổ dầu vào lửa” – GS Thuyết nhìn nhận.

Đề cập đến chủ trương triển khai thực hiện, GS Thuyết cho rằng, dự án nghĩa trang Vĩnh hằng Bắc Sơn phục vụ lợi ích công cộng, theo quy định của Luật Đất đai thì chính quyền có quyền thu hồi đất.

Tuy nhiên, những dự án động chạm đến quyền lợi cơ bản của người dân như thế này trước hết phải đúng quy hoạch và phải lấy ý kiến người dân.

GS Thuyết cho rằng, tới đây phải tìm cách “tháo ngòi nổ” cho vụ việc vốn dĩ đang trở nên hết sức căng thẳng hiện nay.

Xe máy của cán bộ bị đốt

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình với quan điểm, để xảy ra sự việc này, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh phải quan tâm, vào cuộc. 

Qua ý kiến trao đổi của những người có trách nhiệm ở huyện Thạch Hà cũng như xã Bắc Sơn thì dường như họ phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định đã được ban hành của UBND tỉnh. Trường hợp Trưởng Công an xã xin từ chức rất đáng để cấp trên của ông ấy suy nghĩ.

Theo GS Thuyết, ông Trưởng Công an xã phải xin từ chức vì vụ việc đã trở nên quá căng thẳng. Ông ấy phải chịu sức ép từ cấp trên và từ những người cùng thôn xã “tối lửa tắt đèn có nhau”. Thậm chí, an ninh của gia đình ông ấy cũng không được đảm bảo.

Nói cách khác, trường hợp này chính quyền cấp trên đã làm khó cho anh em chính quyền cấp xã.

“Tỉnh phải có người đứng ra giải quyết, tổ chức đối thoại với người dân để tháo gỡ tình hình. Cấp tỉnh phải xuống tận nơi, xem vấn đề khúc mắc nằm ở chỗ nào để tìm cách tháo gỡ. Chứ cứ ngồi ở trên mà chỉ đạo xuống sẽ không thể giải quyết được vấn đề một cách êm thấm” – GS Thuyết nói.

Để giải quyết những việc có liên quan đến dân, theo GS Thuyết thì phải có quan điểm thật dân chủ. Nếu như dân chưa tin tưởng thì phải đến tận nơi vận động. Nếu quyền lợi của dân chưa được đảm bảo (ví dụ giá đền bù đất thấp, nghĩa trang ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân) thì cần nghiên cứu để có cách giải quyết thỏa đáng.

“Nếu có giải pháp thỏa đáng, tôi nghĩ người dân cũng sẽ chấp hành thôi. Còn nếu cậy có lực lượng trong tay mà áp đặt cho dân thì đó không phải là phương pháp của chính quyền do dân, của dân, vì dân.”

“Đã lâu rồi, tôi thấy mối quan hệ giữa người dân với chính quyền ở nhiều nơi không được suôn sẻ. Khi tôi tra trên mạng cụm từ dân đánh công an, lập tức hiện lên hàng loạt thông tin. Nhưng nói thực là thông tin công an đánh dân lại nhiều hơn.

Như trường hợp ở Phú Yên, nửa đêm, công an đến bắt người mà không có lệnh bắt nào hết, rồi tra tấn người ta đến chết, ra tòa, tòa xử nhẹ hều thì thật khó chấp nhận”.

GS Thuyết cho rằng, trong kỳ họp sắp tới các vị ĐBQH cần phải chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về việc này và những vụ việc tương tự. 

Nguyễn Dũng

CÁ ĐỘ CỦA CÁC CẦU THỦ NINH BÌNH: VỤ NÀY NGHIÊM TRỌNG HƠN CẢ VỤ VĂN QUYẾN, QUỐC VƯỢNG

Cá độ của các cầu thủ V.Ninh Bình: Vụ này nghiêm trọng hơn cả vụ Quốc Vượng, Văn Quyến

Chiều muộn 14.4, PV Báo Lao Động đã có cuộc làm việc với thượng tá Lã Hồng Phúc – Chánh Văn phòng Công an tỉnh Ninh Bình - về vụ cá độ bóng đá của các cầu thủ V.Ninh Bình. Theo đó, có 9 cầu thủ tham gia, trong đó có cả tuyển thủ đội tuyển quốc gia.

V.League là mảnh đất màu mỡ

“Tài khoản tối thiểu 200.000 đồng, chuyển tiền một phút, thanh toán một phút, hoa hồng cao nhất, trực tiếp đặt cược với nhà cái”. “Bạn chỉ cần ngồi nhà với chiếc máy tính cũng có thể tham gia đặt cược hàng trăm trận đấu đang diễn ra trên thế giới. Tỉ lệ ăn rất cao. Đảm bảo tuyệt đối tài khoản và thông tin cá nhân của chúng ta. Cược tối thiểu 01 USD. Có nhiều phương thức gởi và rút tiền, rất thuận tiện, nhanh chóng. Thủ tục đăng ký đơn giản. Loại hình đặt cược phong phú, đặt cược tới phút cuối cùng của trận đấu, cược tài xỉu mỗi 15 phút trong trận, cược xâu, cược tỉ số, phạt góc, ném biên, cược thẻ đỏ, thẻ vàng...”. Đó là 2 trong số hàng chục lời mời chào bằng tiếng Việt trên các trang cá độ quốc tế. Điển hình như trận chiều qua, An Giang gặp HN T&T trong khuôn khổ vòng 12 V.League, đã được các trang mạng cập nhận tỉ lệ cá độ rất kỹ lưỡng.

Giờ đây, khi bóng đá nội đã lên sàn cá độ thì việc xác định “trận đấu có bị tác động” hay không là cực khó. Qua rồi thời kỳ cá độ cứ phải là thắng, hòa, thua. Với mỗi trận, số lượng những quả phạt góc, ném biên, thẻ vàng, thẻ đỏ... đều có thể mang ra “độ”.

Ngay trong vụ liên quan đến các cầu thủ V.Ninh Bình thì “thủ tục” đặt cược rất đơn giản, chỉ cần gọi điện và chọn kèo “tài” - tức là trận đấu có trên 3 bàn thắng. Việc sẽ dễ dàng hơn nhiều khi chính người đặt cược lại có thể tác động trực tiếp tới tỉ số trong vai trò là cầu thủ chơi trên sân.

Chưa triệu tập đối tượng môi giới Đào Văn Lợi

Theo thượng tá Lã Hồng Phúc, khoảng cuối tháng 3, công an tỉnh Ninh Bình nhận được đơn trình báo của ông Phạm Văn Lệ - Chủ tịch CLB V.Ninh Bình - về việc một số cầu thủ của CLB này tham gia cá độ bóng đá và dàn xếp tỉ số các trận ở AFC Cup. GĐ Công an Ninh Bình đã giao Phòng CSĐT tội phạm về TTXH triệu tập các cầu thủ có liên quan để điều tra và bước đầu xác định cầu thủ Trần Mạnh Dũng là chủ mưu đã lôi kéo các cầu thủ khác, gồm: Thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Quang Hùng, Phạm Xuân Phú, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hưng và Lê Văn Duyệt tham gia cá độ bóng đá trận V.Ninh Bình gặp Kelantan (Malaysia) tại AFC Cup 2014.

Ở một diễn biến khác, sáng cùng ngày, thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng đã gọi điện cho báo chí kêu oan rằng anh không tham gia vụ việc, đồng thời tố 4 cầu thủ người Nam Định đã lập mưu đổ tội, đe dọa anh và đã lên công an khai lại. Tuy nhiên, thượng tá Lã Hồng Phúc đã từ chối bình luận về thông tin trên.

Quyết tâm làm rõ vụ án

Theo thượng tá Lã Hồng Phúc: “Đây mới chỉ là kết quả đấu tranh bước đầu và sẽ còn phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nữa để xác định chính xác tội danh của từng đối tượng”.

Trả lời câu hỏi của PV Lao Động về việc dấu hiệu vi phạm đã rõ, nhưng vì sao đến nay chưa khởi tố vụ án, thượng tá Phúc cho hay: “Cơ quan điều tra vẫn đang điều tra, còn việc khởi tố phải bàn với viện kiểm sát, tòa án nữa”. Theo thượng tá Phúc, vụ này còn nghiêm trọng hơn cả vụ Quốc Vượng và Văn Quyến vì vụ này số tiền nhiều hơn, đối tượng đông hơn.

Thượng tá Phúc khẳng định, công an Ninh Bình sẽ quyết làm rõ vụ việc trên, bởi “đây là vụ án mang tính chất phức tạp, liên quan đến danh dự của đất nước, bởi đây là trận đấu bóng đá quốc tế".

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Hữu Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - nhấn mạnh: “Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sẽ quyết tâm cùng VFF, VPF đấu tranh chống tiêu cực đến cùng”. Ông Bình cho hay, UBND tỉnh đồng ý cho CLB dừng tham gia giải V.League để làm trong sạch bộ máy, hơn nữa, “với một đội bóng mà có 9 cầu thủ dính cá độ thì sao có thể chơi được nữa”. Tuy nhiên, “vì màu cờ sắc áo, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm động viên ban lãnh đạo và các thành viên còn lại trong đội cố gắng tham gia AFC Cup với tinh thần cao nhất có thể”. 

Ông Bình cũng khẳng định lãnh đạo tỉnh sẽ bám sát quá trình xử lý vụ việc và “không nhân nhượng với bất cứ cầu thủ nào, không kể quê Ninh Bình hay ở đâu, là thành viên đội tuyển quốc gia hay không!”.

ĐÃ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC SIÊU THỊ ÉP NỮ SINH ĐEO BIỂN "TÔI LÀ NGƯỜI ĂN TRỘM"!

Xác định siêu thị ép nữ sinh đeo biển "tôi là người ăn trộm"

TTO - Sáng 14-4, ông Nguyễn Hùng Vĩ - quản lý siêu thị Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) - cho biết hình ảnh một nữ sinh bị “làm nhục” bằng cách treo biển “tôi là ăn trộm” xuất hiện trên mạng, gây xôn xao dư luận xảy ra tại siêu thị Vĩ Yên cách đây khoảng 4-5 ngày. 

Nơi nữ sinh Trường Chu Văn An bị bêu riếu - Ảnh: B.D.

Nhiều nhân viên tại siêu thị Vĩ Yên cho biết khoảng 10g ngày 9-4, nhiều người đang mua sắm trong siêu thị giật mình khi nghe chuông chống trộm báo động ở khu vực cửa kiểm soát. Lúc này một học sinh mặc đồng phục Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê) đang bước qua cửa.

Ngay lập tức, nhiều cán bộ, bảo vệ siêu thị yêu cầu nữ sinh này bỏ balô ra và phát hiện trong đó có hai cuốn truyện chưa tính tiền. 

Bà Trần Thị Kim Oanh - kế toán siêu thị Vĩ Yên - cho biết sau khi phát hiện sự việc trộm đồ, rất đông người đã tập trung theo dõi sự việc. Khi bảo vệ hỏi sao lấy đồ ra khỏi siêu thị mà không thanh toán thì nữ sinh này không trả lời. Lực lượng bảo vệ phải yêu cầu nữ sinh đứng tại chỗ để “tra khảo”. Khoảng hai giờ sau, khi bố mẹ nữ sinh này có mặt vụ việc mới được giải quyết. 

Theo bà Oanh, do giá trị của hai cuốn truyện không lớn nên siêu thị chỉ áp dụng các hình thức “giáo dục, răn đe” chứ không xử phạt. Tuy nhiên do bức xúc nữ sinh này tỏ ra không hợp tác nên bà Oanh đã in một tờ giấy trên đó có ghi dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” sau đó treo trước ngực nữ sinh và chịu sự bêu riếu của mọi người.

Vài ngày sau, bức ảnh này xuất hiện trên mạng gây bức xúc. 

“Tôi chỉ nghĩ in tờ giấy đó để cảnh cáo, làm cho cô bé sợ chứ không nghĩ mọi chuyện lại nghiêm trọng như thế này” - bà Oanh nói. 

Sáng 14-4, ông Nguyễn Hùng Vĩ cho biết ông đã nghe nhân viên báo cáo sự việc, thời điểm đó do ông không có mặt ở siêu thị nên xảy ra sự việc đáng tiếc trên. “Giá trị vật chất không lớn nhưng cách hành xử như thế là phản cảm, chúng tôi sẽ xem lại sự việc để đưa ra hình thức xử lý”, ông Vĩ nói.

Thầy Thái Duy Hằng - hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An - cho biết đã nghe học sinh và các giáo viên bàn tán về việc một nữ sinh trộm đồ trong siêu thị và bị tung lên mạng, tuy nhiên trường hiện vẫn chưa xác định được học sinh này học ở lớp nào.

“Về phía thầy cô giáo, chúng tôi thấy các em sai đến đâu thì xử đến đó nhưng cách bêu riếu như thế là hành vi xúc phạm, làm nhục người khác, rất phản cảm và thiếu tính giáo dục. Trong chiều nay chúng tôi sẽ qua làm việc với siêu thị Vĩ Yên để tìm hiểu sự việc”, thầy Hằng nói.

THÁI BÁ DŨNG

CHỈ CÓ THỂ LÀ VẠ MIỆNG

Có thể chỉ là một sự "vạ miệng"?


Sau sự kiện “Lời kêu gọi ủng hộ nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” với nội dung lập lờ, không rõ, những ngày qua dư luận lại một phen dậy sóng, nhiều ý kiến bày tỏ sự vô cùng bức xúc với bài trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn trên PhoBolsaTV.

Bài trả lời phỏng vấn của ông Sơn khá dài (gần 40 phút) với nhiều nội dung. Nhưng tựu trung, các ý kiến trái chiều đều xoay quanh 2 nội dung chính (tóm tắt):

1. “Cần phải vinh danh 74 binh sỹ VNCH đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa”.

2. “Những thuyền nhân đã chết ở Biển Đông là những nạn nhân chiến tranh”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn trong một lần viếng thăm nghĩa trang Bình An (nghĩa trang Quân đội VNCH trước 1975)

Trước tiên, hãy xem vì sao lại có nhiều ý kiến phản đối như vậy:

Thứ nhất, có lẽ ông Sơn chỉ tập trung làm “ngoại giao” mà lại quên đi nhân tâm trong nước. Khi hàng triệu gia đình khắp các miền Nam Bắc đã mất người thân dưới họng súng và các nhà tù tàn bạo bậc nhất thế giới do chế độ VNCH dựng lên khắp miền Nam. Vẫn còn hàng triệu người mang thương tật do đủ loại vũ khí và các ngón đòn tàn độc của những tên cai ngục. Người Việt chân chính luôn có lòng nhân ái, không nuôi giữ hận thù (các nạn nhân của Bảy Nhu - cai ngục khét tiếng ở nhà tù Phú Quốc đã sẵn sàng tha thứ cho ông ta), nhưng sự thật là sự thật, gác lại quá khứ nhưng không thể và không được phép quên quá khứ, càng không thể lẫn lộn bản chất (với những kẻ rất có “nghĩa khí giang hồ”, sống đẹp với anh em, lấy của người giàu chia cho người nghèo vẫn là tội phạm, một vài hành động nghĩa hiệp chỉ có thể là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể biện minh cho hành vi cướp của giết người). Bởi vậy, có thể ghi nhận, tổ chức lễ cầu siêu cho các binh sỹ VNCH tử trận nhưng không thể bắt cả dân tộc đã chịu nhiều đau thương do chế độ này gây ra phải “vinh danh” họ như những người anh hùng.

Thứ hai, vẫn còn hàng triệu người thuộc các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, dân quân tự vệ và nhất là lực lượng thanh niên xung phong chịu nhiều mất mát trong chiến tranh còn chưa được nhận bất cứ một sự đãi ngộ hay vinh danh nào. Là những chiến sỹ cách mạng, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn họ không hề đòi hỏi điều đó, nhưng họ sẽ nghĩ sao khi những kẻ cam tâm theo giặc gây ra chiến tranh lại được “Vinh danh”? Những hy sinh của họ cho cuộc chiến có ý nghĩa gì đây, khi người anh hùng thật sự thì bị quên lãng, kẻ gây ra tội ác lại được vinh danh?

Thứ ba, sẽ cực kỳ nguy hiểm khi sự “vinh danh” đó sẽ dần dẫn tới thừa nhận sự hợp pháp của chế độ bất hợp pháp VNCH tay sai đế quốc Mỹ. Đó chính là âm mưu thâm độc của “Diễn biến hòa bình”, biến cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược ngoại bang thành “nội chiến, miền Bắc xâm lược miền Nam” như luận điệu của những kẻ chống cộng cực đoan và những tên cơ hội, xét lại vẫn đang ra rả hàng ngày.

Thứ tư, với những người bỏ mạng vì vượt biên trái phép, như chính ông Sơn nói “họ ra đi vì sự tuyên truyền một chiều, ra đi vì lý do kinh tế”. Nên nhớ, họ trốn đi trái phép, bỏ Tổ Quốc vì những ảo vọng kim tiền, không có ai o ép, bắt buộc họ phải ra đi và cũng chẳng có cuộc chiến nào. Vậy “nạn nhân chiến tranh” là cuộc chiến tranh nào? Họ bỏ mạng thì có thể cầu siêu cho họ, nhưng mang danh “nạn nhân chiến tranh” thì vô hình chung đã quy trách nhiệm về những cái chết đó cho chế độ.

Tóm lại, mục đích “hòa giải, hòa hợp” là rất đúng và nên làm với nhiều hình thức, phương pháp. Nhưng thể hiện như những gì ông Sơn trả lời trên PhoBolsaTV thì rõ ràng lợi bất cập hại, có thể được vài chục hoặc vài trăm nghìn người ở hải ngoại ủng hộ, song lại làm xáo động nhân tâm, gây mất niềm tin của hàng triệu người trong nước.

Việc ghi nhận, cầu siêu chúng ta vẫn nên làm, làm để quá khứ được ngủ yên chứ không thể bới lại quá khứ, làm lẫn lộn giá trị, đánh đồng bản chất như vậy. Như lời người lính Lêvũ Bìnhđịamộc đã trích lại ý kiến của một gia đình có người nhà nguyên là lính VNCH "bươi ra làm chi cho thêm nhục"!!!

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hết sức tỉnh táo, tránh việc phản biện cũng lại trở thành khơi dậy và kích động thêm sự chia rẽ dân tộc. Bởi:

1. Bộ chính trị đã có Nghị quyết 36 về chính sách đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, một Nghị quyết rất đúng đắn và kịp thời. Nghị quyết này chính là nỗi khiếp sợ của các tổ chức chống cộng cực đoan ở nước ngoài nên chúng luôn tìm mọi cách chống phá. Bởi vậy, phương pháp thực hiện của chúng ta luôn phải mềm dẻo, linh hoạt. Nếu phản biện sai, sẽ tạo cớ cho những kẻ chống đối xuyên tạc; “Chính quyền Việt Nam lời nói không đi đôi với việc làm”.

THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẪN DŨNG: ĐÀ NẴNG CẦN PHÁT HUY THẾ MẠNH ĐỂ PHÁT TRIỂN HƠN NỮA

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đà Nẵng cần phát huy thế mạnh để phát triển hơn nữa

(SGGP). – Chiều 14-4, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về mặt chủ trương về nhiều cơ chế, chính sách… tạo điều kiện cho TP Đà Nẵng phát triển. 

Sau khi báo cáo những thành tựu cũng như những khó khăn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế…, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương giải quyết những vấn đề như: sớm ban hành về một số cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi đối với TP Đà Nẵng. Đặc biệt, khi Luật Ngân sách Nhà nước ra đời đã xuất hiện một số vướng mắc, không thuận lợi cho việc thực hiện các cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi, không thuận lợi cho việc huy động các nguồn tài chính cho việc đầu tư phát triển. 

Ngoài ra, Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cho phép được mở thêm một số khu vui chơi có thưởng tổng hợp dành riêng cho người nước ngoài tại một số khu du lịch cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; ưu tiên cho thành phố trong quá trình xúc tiến, vận động, thu hút và bố trí 100% nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững; cho phép thành phố được chủ động trực tiếp quyết định đầu tư đối với các hình thức đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), BT, BOT, BTO… cho thành phố được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ bố trí vốn để thực hiện các dự án: nâng cấp Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung thư, Làng Đại học Đà Nẵng, Khu Hội nghị quốc tế tại Đà Nẵng…; hỗ trợ cơ chế đặc thù về huy động vốn xây dựng Khu Công nghệ cao theo hướng ưu đãi hơn so với quy định hiện hành…

Sau khi nghe báo cáo và những kiến nghị của TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương, đề cao những kết quả mà TP Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đà Nẵng phát huy những thế mạnh, tập trung phát triển hơn nữa và lưu ý không được thỏa mãn với những gì đã đạt được. “Thành phố Đà Nẵng là thành phố có nhiều cái tốt để cả nước học tập” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về mặt chủ trương đối với các kiến nghị mà TP Đà Nẵng đưa ra và đề nghị các bộ, ngành liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện trong thời gian thích hợp. Trong đó, Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu bố trí vốn để nâng cấp xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi (hơn 220 tỷ đồng), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung thư… nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. 

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và nói chuyện với lãnh đạo, công nhân viên Tổng Công ty Sông Thu (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhà máy đóng tàu Sông Thu tại Đà Nẵng.

Sau khi thăm nhà máy đóng, sửa tàu thuyền của Tổng Công ty Sông Thu, Thủ tướng khẳng định tiếp tục đầu tư cho công tác tìm kiếm cứu nạn và phát triển lực lượng chấp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Thời gian qua, chúng ta cũng tập trung đầu tư cho sự hình thành và phát triển lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư. Những con tàu đóng mới và những trang thiết bị hiện có phải tăng cường kiểm soát trên biển, kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm chủ quyền trên biển” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

NGUYÊN KHÔI/SGGP

CẤM QUAN CHỨC NGỒI QUÁN XÁ: LA CÀ MỚI RA TIỀN

Cấm công chức ngồi quán xá: “La cà mới... ra tiền”

(Kienthuc.net.vn) - “Thỏa thuận thế nào, chia chác thế nào, cách nào để lách được luật pháp... là những thứ không thể bàn ở công sở, buộc phải ra quán”, ông Nguyễn Ty, nguyên Phó ban Nông nghiệp TƯ Đoàn nói. 

Ngồi quán để bàn chuyện… công sở

Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Trong các quy định về công tác cán bộ thì nhiều điều rất chặt chẽ. Để xây dựng cán bộ thì phải xây dựng bộ máy, chức năng nhiệm vụ, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đó thì mới cần bao nhiêu biên chế. Những người trong biên chế đó phải hiểu được chức năng của mình, nắm được nhiệm vụ của mình. Nhưng thực tế thì biên chế luôn mang tính chất áng chừng, không hề có định mức công việc cho từng vị trí. 

Không ai quản lý về hiệu quả công việc họ làm. Cái gì cũng áng chừng. Chẳng có định mức nào nên họ cứ la cà, ngồi cơ quan cũng được, ngồi quán cũng được, chơi điện tử cũng được, bạn bè rủ ra quán uống bia, uống rượu cũng được. Đến muộn về sớm với hàng tỷ thứ lý do chính đáng.

Ý ông đây lại là vấn đề hệ thống?

Bởi phân công trách nhiệm không rõ ràng, có sản phẩm hay không có sản phẩm cũng không sao cả. Cá nhân kém, tập thể kém cũng không sao. Chức trách không rõ ràng, hiệu quả công việc không rõ ràng, đánh giá bằng cảm tính với nhau chứ không bằng những tiêu chí cụ thể. Khi những điều đó không rõ ràng, còn mù mờ, thì họ có nhiều thời gian. Có thời gian thì họ la cà, làm gì được.

Nhưng công chức ăn lương là để làm việc, đâu phải để la cà?

Họ bảo họ ngồi quán là để làm việc đấy, do nhiều mối quan hệ nên họ buộc phải la cà đấy. Làm ăn kinh tế thường gắn với chính trị. Ví dụ, muốn có một dự án thì phải có quan hệ với những người làm chính trị, phải mời họ đi ăn đi uống. Không quen thì nhờ bạn bè mình giới thiệu. Làm sao để mỗi bên đều có lợi là làm dù ngân sách nhà nước có mất. La cà ra quán xá là để có thể thông cảm với nhau, để mặc cả những điều kiện thỏa mãn cả hai bên. Thỏa thuận thế nào, chia chác thế nào, cách nào để lách được luật pháp mới là quan trọng. Những cái đó không thể bàn ở công sở, buộc phải ra quán. Thế là thành ra người kinh doanh cũng ở quán, người làm hành chính cũng ở quán.

Vậy ông đánh giá thế nào về giải pháp của Hà Nội?

Về lý thuyết thì ta có rất nhiều quy định, nhưng nó không đi vào thực tế. Trước tình hình phức tạp đó có lẽ Hà Nội muốn là địa phương đi đầu trong việc chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ công chức.

Ông Nguyễn Ty, nguyên Phó ban Nông nghiệp Trung ương Đoàn. 

Thực tế nó quá lộ liễu

Ông nhìn nhận thế nào về số lượng cán bộ công chức hiện nay?

Nhà nước cứ nói giảm biên chế cán bộ nhưng chẳng giảm bao nhiêu. Bộ máy cứ ngày càng phình ra, phình về tổ chức, phình về nhân sự. Số cán bộ cứ thế tăng lên mà không ai kiểm soát cả. Lãnh đạo nào cũng muốn có thêm cán bộ. Trong khi đó chưa lãnh đạo nào làm rõ được luận chứng là cần phải có cán bộ ở vị trí này, nếu có thì sẽ đem lại hiệu quả như thế nào... Còn có thêm cán bộ thì lãnh đạo chả mất gì, đấy là chưa kể quyền lợi còn là do mối quan hệ ngoại giao. Người ta không chỉ nói với nhau bằng nước bọt, ai cũng biết thế.

Ông có thể ví dụ cụ thể?

Có một cơ quan cụ thể tôi biết, ông này là một chuyên viên cao cấp được giao xuống một tổ chức đoàn thể để làm việc về vấn đề giảm hơn 50 nhân sự. Sau một hồi làm việc (tất nhiên là ngoài quán), ông ấy về trình bày với một ông vụ trưởng khác đề nghị giúp. Sau đó đưa ra một sơ đồ chức năng nhiệm vụ kế hoạch phát triển. Thế là cuối cùng, không giảm nhân sự nào, thậm chí còn tăng thêm hơn 60 cán bộ. Tăng một cách rất hợp lý. Thế mới thấy cái việc la cà quán xá nó quan trọng thế nào.

Thế thì cái việc cấm la cà quán xá giờ làm việc có khi lại ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ công chức?

Nói một cách hài hước thì là thế. Việc bây giờ tổ chức ra hẳn một bộ máy để đi dẹp mấy chuyện này chẳng qua là vì thực tế nó quá lộ liễu, người ta phải nghĩ cách để chấn chỉnh lại. Nhiều khi tuyển cán bộ bây giờ người ta không tuyển bằng năng lực. Đôi khi để phô trương thanh thế, hình ảnh của cơ quan, người ta tuyển một vài chị hát hay, một vài anh đá bóng giỏi, vài người biết đánh bóng chuyền... Ngay các biên chế ấy cũng rất buồn cười, ở các nước khác là không bao giờ có chuyện có biên chế cho những người đó. Bộ máy cứ ngày càng phồng ra, trương phềnh ra là thế.
Ít có khả năng thành công

Người ta vẫn nói lương cán bộ công chức thấp, không đủ sống, thế thì tiền đâu mà cán bộ la cà?

Cơ quan hành chính sự nghiệp chỉ có ngân sách, cán bộ nhận lương, không giống như doanh nghiệp là họ có tiền lợi nhuận kinh doanh. Vậy cán bộ lấy tiền đâu để mà ăn uống, chơi bời quán xá? Chính là từ các chương trình, dự án của nhà nước. Anh nào cũng thế, cơ quan này đến cơ quan khác, cố xin được thật nhiều chương trình dự án, rồi tranh thủ các dự án của quốc tế là họ có tiền. Nếu làm sòng phẳng thì làm gì có khoản dư nào để mà ăn. Khoản ấy là phải trích từ dự án ra, để có chứng từ hợp thức hóa thì phải làm việc với nhau, ngồi với nhau để thỏa thuận. Đương nhiên thỏa thuận những việc đó là phải ra ngoài quán rồi. 

Theo ông thì có cấm được công chức ngồi quán xá trong giờ làm việc?
Từ trước đến nay ta cấm nhiều lắm rồi. Cấm xe biển xanh được đi lễ hội, đi ăn uống ở các nhà hàng khách sạn, cấm vào các khu vực như Đồ Sơn, nhà nghỉ. Thế là các nhà hàng liền trang bị các tấm bạt, đậy kín xe lại. Quan chức đi Đồ Sơn không bằng xe công nữa, mà gợi ý một vài tư nhân hỗ trợ xe, có qua có lại. Thế là cấm không thành. Rồi cấm dùng xe công đi làm việc tư, rất nhiều nghị quyết cấm khác, nhưng sau đó nó cũng trôi đi, kể cả trong giao thông, uống rượu, bia trong giờ làm việc... Tôi chưa biết Hà Nội sẽ kiên quyết đến mức nào, nhưng khả năng thành công ít lắm, tôi nghĩ thế.

Ai kiểm soát được tất cả các cán bộ công chức, chắc là khó?

Rất khó kiểm soát. Quần áo đồng phục không có, biển hiệu thì họ có thể đút túi, chả ai biết là ai với ai cả. Họ có nhiều mẹo để có thể tránh được sự giám sát. Trước đây ở Nga tôi có chứng kiến câu chuyện ở bến xe điện hay rạp chiếu phim, họ có thiết bị đọc tự động. Cứ mỗi bóng người đi qua là máy nó quét để cửa mở ra. Vài người Việt Nam nghĩ ra mẹo là cõng nhau qua máy quét đó. Thế là máy vẫn chỉ quét 1 cái bóng, hai người chỉ mua 1 vé thôi. Đấy, công nghệ mà người ta còn thế. Người ta có trăm nghìn cách thiên biến vạn hóa, khó lường lắm.

Xin cảm ơn ông!

Giám đốc Công an TP Hà Nội vừa đề xuất lãnh đạo thành phố quyết định cấm cán bộ, công chức la cà hàng quán trong giờ làm việc nhằm chấn chỉnh tác phong của cán bộ công chức. Có người bảo, cán bộ công chức trong giờ làm việc thì phải làm, la cà quán xá thì đương nhiên là phải phạt, sao lại phải đề xuất cấm.

Tô Hội (Thực hiện)

PHÍ ĐƯỜNG BỘ XE MÁY VÀ CHUYỆN "MỘT TIỀN GA BA TIỀN THÓC"

Phí đường bộ xe máy và chuyện “một tiền gà ba tiền thóc”

Từ nguyên nhân lớn nhất là sự thiếu hiệu quả, nhiều ý kiến đã cho rằng nên bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sau khoảng một năm thực hiện.

Mới đây nhất, trong phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật về phí và lệ phí, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề xung quanh câu chuyện kết quả thu phí không đạt mục tiêu, số thu đạt rất thấp trong khi chi phí để thu lại cao.

Như đã biết, phí sử dụng đường bộ (được đưa vào Quỹ Bảo trì đường bộ) bắt đầu được thực hiện trên toàn quốc kể từ ngày 1/1/2013. Riêng phí đối với xe máy, thời điểm thu có sự chênh nhau giữa các địa phương.

Từ nguyên nhân lớn nhất là sự thiếu hiệu quả, nhiều ý kiến đã cho rằng nên bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sau khoảng một năm thực hiện.

Điểm khác biệt chính là cách thu phí giữa 2 loại phương tiện. Nếu như phí ôtô được thu thông qua cơ quan đăng kiểm thì phí xe máy lại được thu ngay tại địa phương, cụ thể là các phường (xã) đến tổ dân phố, thôn làng. Khi tập trung vào một đầu mối và “tiện thể” gộp luôn khi chủ phương tiện thực hiện hoạt động đăng kiểm định kỳ, việc thu phí đối với ôtô được xem là rất nhẹ nhàng.

Trong khi đó, việc chuyển nhiệm vụ thu phí về cho cấp phường xã, những bất cập thực tế đã được dự báo ngay từ khi Thông tư 197 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được Bộ Tài chính ban hành cuối năm 2012. Đó là khả năng thất thu, hụt thu lớn do khó quản lý được lượng phương tiện thực tế tại địa phương; khó tránh những trường hợp người dân trốn nộp hoặc không nộp do tình trạng xe không “chính chủ” rất lớn; thậm chí bản thân những người có trách nhiệm thu phí cũng dễ dàng bỏ quả những trường hợp có mối quan hệ họ tộc tại địa phương.

Tuy nhiên, sự thiếu hiệu quả kiểu một tiền gà ba tiền thóc mới chính là câu chuyện đáng suy ngẫm nhất.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết đến nay tỷ lệ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy mới chỉ đạt chưa đến 20%, cụ thể là 500 tỷ đồng trên 2.600 tỷ đồng. Vấn đề ở chỗ, để thu được số phí bị coi là rất thấp này, mỗi phường (xã) đều phải cử hàng chục cán bộ thực hiện nhiệm vụ thu phí, lượng cán bộ cũng tùy theo số lượng các tổ dân phố hay thôn làng. Chỉ cần tính trên công sức đi thu tại từng hộ dân của các cán bộ địa phương, chi phí cho văn phòng phẩm, chi phí cho công tác quản lý phí từ thời điểm thu đến khi chuyển về Quỹ bảo trì đường bộ của tỉnh, thành phố rồi tính toán, phân bổ theo kế hoạch cùng quỹ lương để nuôi bộ máy quản lý quỹ cũng thấy rõ được sự thiếu hiệu quả.

Tại Hà Nội, theo thống kê của UBND thành phố, tính đến hết năm 2013 mới chỉ thu được 55 tỷ đồng tiền phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Thậm chí 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thu tại Thủ đô mới chỉ đạt 0,6% dự kiến với số thu thực tế 1,5 tỷ đồng. Đáng buồn hơn là số thu tại 4 quận (huyện) gồm Cầu Giấy, Phúc Thọ, Chương Mỹ và Thường Tín đang bằng… không.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hụt thu, theo lý giải của Cục Thuế Hà Nội, là do giao cho tổ dân phố đứng ra thu phí trong khi không giao các chế tài xử lý. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chần chừ nộp phí hoặc không nộp phí đối với các phương tiện của gia đình nhưng không tham gia hoặc ít tham gia giao thông…

Xung quanh ý kiến bỏ thu loại phí này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng nếu cần thiết thì sẽ xin ý kiến thêm. Dù vậy, ông cũng nêu quan điểm duy trì thu phí vì có thể số tiền không lớn song lại thể hiện sự đóng góp của dân vào hạ tầng giao thông.

Chi Chi (TTTĐ)