Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

TRUNG SĨ CÔNG AN ĐỂ LẠI THƯ TUYỆT MỆNH TRƯỚC KHI XẢ 30 PHÁT ĐẠN VÀO CẢNH SÁT

Để lại thư tuyệt mệnh trước khi xả 30 phát đạn vào cảnh sát

Trước khi gây ra vụ xả súng chấn động Cần Thơ, trung sĩ công an 21 tuổi viết thư tuyệt mệnh bày tỏ tình yêu với cha mẹ và hẹn kiếp sau báo hiếu.

Trưa 16/4, tại trụ sở Công an huyện Ô Môn (TP.Cần Thơ) chúng tôi đã tiếp xúc với bố mẹ của Tống Hoàng Phúc (21 tuổi, trung sĩ phục vụ có thời hạn tại Phòng Cảnh sát bảo vệ cơ động, Công an TP.Cần Thơ) - người gây ra vụ xả súng vào cảnh sát tại nhà nghỉ 555 vào sáng cùng ngày.

Vẫn còn bàng hoàng, ông Tống Hoàng Lâm (cha Phúc) chia sẻ khoảng 5h sáng 16/4 thì biết tin con trai khống chế một người tại nhà nghỉ 555. Hai vợ chồng ông tức tốc chạy đến, lúc này tại hiện trường rất đông người. Thi thoảng, Phúc nổ vài phát súng để lực lượng cảnh sát đáp ứng yêu cầu được gặp người yêu và cấp chiếc xe ôtô đủ xăng để anh ta rời khỏi thành phố an toàn.

Cha mẹ Phúc tại trụ sở Công an quận Ô Môn.

"Có lẽ Phúc muốn người yêu lên gặp mình, rồi cả 2 cùng chết", một người dân chứng kiến kể. Khi đến hiện trường, bà Nguyễn Thị Phượng Yến (48 tuổi, mẹ Phúc) ngã quỵ, ôm mặt khóc. Nhiều lần ông Lâm gọi vào điện thoại của con để khuyên bảo, nhưng Phúc không nghe.

Trên sân thượng, Phúc vẫn cầm khẩu AK với 3 băng đạn. Còn phía dưới khách sạn, lực lượng công an một mặt đáp ứng các yêu cầu của Phúc, mặt khác kiên trì vận động đối tượng đầu hàng. Trong khi đó, nhiều tổ đặc nhiệm bí mật tiếp cận từng tầng lầu của nhà nghỉ, đưa những người đang lưu trú bên trong đến nơi an toàn.

“Khoảng 3h sáng, tôi nghe tiếng súng liền chạy ra xem thì thấy trên tầng thượng nhà nghỉ có một người chạy qua chạy lại. Lúc này, chiếc xe khách đậu bên cạnh bị dính đạn bể kính, bên trong có 2 người đang ngủ, may mà không ai bị thương", anh Ngô Bá Hoàng, một người lái xe ôm, cho hay.

Đại uý Nguyễn Phong Lưu - Phó Trưởng Công an phường Châu Văn Liêm - kể lại sự việc.

"Khi lên đến lầu 6, tôi gõ cửa nói Phúc buôn súng đi con. Chuyện gì còn có đó, đừng làm hại ai hết", cha Phúc kể. Khi được người thân vận động, Phúc đã tháo băng đạn, bỏ súng xuống đất. Cùng lúc này, một tổ công tác của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an TP.Cần Thơ tiếp cận hiện trường, khống chế đối tượng và giải thoát con tin an toàn.

Sau đó, Phúc được di lý về trụ sở Công an quận Ô Môn để lấy lời khai. Tổng cộng trung sĩ công an này đã nổ 30 phát súng.

Bà Nguyễn Thị Phượng Yến nghẹn ngào nói. “Phúc dại dột vì chuyện yêu đương chứ không có ý định làm hại ai. Nó muốn gặp người yêu của nó".

Theo gia đình, Phúc là con trai duy nhất. Sau khi thi rớt đại học, anh ta xin đi nghĩa vụ công an. Trong thời gian này, Phúc có quen và yêu một người con gái ở Cần Thơ. Nhiều lần, anh ta dẫn cô gái về nhà ra mắt cha mẹ.

"Thời gian gần đây, không rõ giữa Phúc và người yêu xảy ra chuyện gì, mà nó lại làm chuyện động trời này", bà Yến nói.

Viên đạn làm thủng nền bê tông sân nhà nghỉ.


Là người đầu tiên đến hiện trường, đại uý Nguyễn Phong Lưu - Phó trưởng Công an phường Châu Văn Liêm - cho biết khi nhận được tin báo, anh lập tức cùng 2 đồng đội đến hiện trường. Lúc này Phúc đã ở trên tầng thượng, không cho ai tiếp cận.

"Khi nhìn thấy tôi, Phúc nói 'mày không dừng lại là tao bắn'. Sau đó, hung thủ nổ súng nhưng không có ý định nhắm vào những người đang đứng phía dưới", Đại uý Nguyên Phong Lưu kể.

Tại cơ quan công an, lực lực chức năng thu giữ trong người trung sĩ công an này một bức thư tuyệt mệnh, với nội dung: "Kính gởi cha mẹ của con! Đứa con bất hiếu của cha mẹ, từ rất lâu rồi con rất ăn năn, hối hận về những hành động thiếu suy nghĩ và sai lầm của con làm cha mẹ buồn phiền.

Con biết đó là những hành động sai của con nhưng con không biết làm sao nữa, hay là bản tính con như vậy rồi. Ba mẹ ơi, con yêu ba mẹ nhiều lắm. Con muốn trả hiếu cho ba mẹ nhưng kiếp này con làm không được, con xin hẹn kiếp sau. Kính chào ba mẹ".

Bức thư tuyệt mệnh Phúc gởi cho cha mẹ.

Đình Đình

KINH HOÀNG: NỔ SÚNG KHÔNG CHẾ CON TIN TẠI CẦN THƠ

Phong tỏa, vây bắt nhóm đối tượng nổ súng vào cảnh sát

Vụ nổ súng táo tợn xảy ra rạng sáng nay đã khiến cảnh sát phải bao vây hiện trường để bắt 4 đối tượng.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 2h30 sáng 16/4 tại Nhà nghỉ 555, P. Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Theo thông tin ban đầu, nhóm đối tượng trong tòa nhà này đã bắt con tin và nổ súng chống trả quyết liệt vào lực lượng công an. Nhận thấy sự táo tợn và nguy hiểm của nhóm cướp có súng, cảnh sát đã nhanh chóng bao vây, phong tỏa hiện trường.

Với sự ngoan cố của các đối tượng, đến gần 7h sáng nay, lực lượng chức năng đã buộc phải nổ súng để khống chế, bắt nhóm 4 tên cướp táo tợn.

Được biết, băng nhóm 4 tên đã nã toàn bộ đạn về phía lực lượng chức năng vây bắt. Hiện trường còn nhiều vỏ đạn vương vãi khắp nơi. Người dân cho rằng đã có khoảng 50 viên đạn của súng AK tên cướp bắn về phía cảnh sát.

Cho đến 7h sáng, nhiều tuyến đường vào Thị trấn Ô Môn tạm thời bị phong tỏa để đảm bảo an ninh và phục vụ công tác điều tra.
Hàng trăm cảnh sát được huy động tới hiện trường (Ảnh: Tuổi trẻ)
Hàng chục viên đạn bắn về phía cảnh sát (Ảnh: Tuổi trẻ)
Vỏ đạn vương vãi tại hiện trường (Ảnh: Tuổi trẻ)
Dấu vết đạn tại hiện trường (Ảnh: Tuổi trẻ)
Nhà nghỉ 555 nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: Tuổi trẻ)

ĐƯỜNG CONG VÀ LƯNG CONG, TẠI THỦ ĐÔ MÌNH NÓ THẾ

Đường cong và lưng cong, tại Thủ đô mình nó thế!

TS. DƯƠNG XUÂN THÀNH

(GDVN) - Vấn đề là cái sự nắn cong ấy lợi cho ai và hại cho ai...

Thế giới truyền tụng một giai thoại về Sa hoàng Nikolai I (trị vì từ 1825-1855) trong việc xây tuyến đường sắt Moskva-Saint Petersburg: “Khi các quan chức và nhà thiết kế xin ý chỉ của Sa hoàng về tuyến đường, họ trải tấm bản đồ nước Nga lên bàn. Sa hoàng bèn lấy một cây thước, đặt nó giữa Moskva và St. Petersburg rồi lấy bút chì vạch một đường thẳng. Do bị vướng ngón tay đè trên thước nên nét bút bị vòng nửa vòng tròn. 

Trong thực tế, ngày nay tuyến đường sắt nối Moskva và St. Petersburg thẳng tắp nhưng lại có một đoạn bị uốn cong , người đời sau gọi đoạn đường này là “quanh móng tay Sa hoàng”.

Người Việt có những nhận xét rất tinh tế về các đường cong, chẳng hạn: “Những người thắt đáy lưng ong, vừa giỏi chiều chồng vừa khéo nuôi con”. Cái “đáy lưng ong” mà các cụ nói ở đây chính là vòng hai trên cơ thể phụ nữ. Tuy vậy cái “vòng hai” ấy không cẩn thận thì lại biến thành thàm họa như hai câu tiếp theo của bài ca dao trên: “Những người béo trục, béo tròn, ăn vụng chư chớp, cấu con cả ngày”.

Sự kiện nhật thực năm 1911 đã giúp các nhà khoa học đã kiểm chứng được luận thuyết của Albert Einstein (Thuyết tương đối rộng) về sự bẻ cong ánh sáng khi tia sáng đi gần các vật thể như mặt trăng, mặt trời hay hố đen trong vũ trụ.

Một số người dựa vào “Thuyết tương đối rộng” cho rằng ánh sáng còn bị bẻ cong khi đi gần mặt trăng thì chuyện đường Trường Chinh ở Hà Nội bị bẻ cong cũng là chuyện bình thường, sở dĩ có điều này vì đường Trường Chinh nằm ở “gần mặt trời”, bị “gió mặt trời” thổi nên dễ bị cong. 

Tuy nhiên đa số người dân, những người không hiểu sự cao siêu trong học thuyết “tương đối rộng” của Albert Einstein thì lại không nghĩ như vậy.

Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ nhìn từ Google Earth. Ảnh chụp màn hình

Nhìn sang châu Phi, biên giới quốc gia giữa nhiều nước là đường thẳng chứ không ngoằn ngèo như châu Á, còn nhìn thủ đô Washington của Hoa Kỳ, đường đi được bố trí như các ô vuông trên bàn cờ.

Người Việt chúng ta với truyền thống sáng tạo, chẳng lẽ lại học theo châu Phi cổ đại? Chúng ta phải có cái độc đáo của riêng mình, có vậy thế giới mới thán phục, đường đang thẳng bẻ cong một chút vừa không đụng chạm đến khu nhà công vụ của bên Phòng không Không quân mà lại còn được tiếng là bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc vì đã tạo ra một minh chứng rõ nhất cho chuyện “thắt đáy lưng ong”.

Liên quan đến đường Trường Chinh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: “Thanh tra Chính phủ có nhận được đơn thư của người dân nhưng dưới dạng khiếu nại liên quan đến đền bù, đến quyền và lợi ích của người dân, chưa nhận được khiếu nại về quy hoạch tuyến đường cong hay thẳng. Những người muốn khiếu nại về quy hoạch tuyến đường Trường Chinh có thể đến trụ sở tiếp công dân của cơ quan Thanh tra Chính phủ ở quận Hà Đông".

Như vậy là muốn Thanh tra Chính phủ vào cuộc, người dân kể cả báo chí nên đến trụ sở tiếp công dân để khiếu nại, khi chưa có khiếu nại của dân, Thanh tra còn chờ cách giải quyết của TP Hà Nội chứ chưa thể dựa vào thông tin trên báo chí.

Có một truyền thuyết cho rằng, trong cơn cuồng loạn, bạo chúa Nero vừa gảy gảy đàn lyre vừa cho quân đốt cháy thành Roma với suy nghĩ: “Kẻ xây thành Rome nổi tiếng thì kẻ đốt thành Rome cũng nổi tiếng như vậy”.

Biết đâu vài trăm năm sau, những người khiến đường Trường Chinh cong cũng sẽ được nổi tiếng vì sự “dũng cảm” này.

Nói một cách công bằng, việc nắn cong một đoạn đường không phải là chuyện gì đặc biệt, cũng không phải là chưa từng có tiền lệ. Vấn đề là cái sự nắn cong ấy lợi cho ai và hại cho ai.

Ông Dương Đức Tuấn - PGĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thì bảo: “Đảm bảo thỏa thuận với Bộ Quốc phòng là quan trọng bậc nhất, bởi vì bên đó có những yếu tố mà chúng tôi cũng không thể đi sâu được về vấn đề kỹ thuật ngầm nổi hoặc là nhà của những cán bộ đương chức của ngành quốc phòng”.

Thật là kỳ lạ khi trụ sở của Bộ Quốc phòng còn có thể di chuyển để trả lại khu Hoàng thành cho TP Hà Nội làm di tích lịch sử, người dân có thể vào tham quan hầm D67 là nơi làm việc của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, hầm chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu trong cuộc chiến chông Mỹ cứu nước. Chẳng lẽ nhà của một số cán bộ và công trình của một quân chủng lại quan trọng hơn những nơi này?

Trong các thứ có thể bị bẻ cong, có thứ vô hình như lương tâm, trách nhiệm, có thứ hữu hình như cái lưng con người. Chẳng thế mà xã hội hiện đại lại sinh ra loại công chức “cắp ô”.

Chui vào “xế hộp” người ta phải cong lưng, cong mãi thành bệnh nên phải cắp ô, hy vọng khi giương ô gió thổi sẽ kéo cho cái lưng thẳng ra. Mà dù lưng không thẳng thì vẫn có cái ô để che, ngán gì thiên hạ!

Người dân vốn chỉ muốn nghe lời nói thẳng, những giải thích quanh co khiến niềm tin của người dân cũng bị bẻ cong, điều này hẳn người có trách nhiệm phải biết. Nếu thành phố Hà Nội không hề có đoạn đường nào bị uốn cong vì quyền lợi của ai đó thì chắc chắn đường Trương Chinh sẽ là con đường thẳng.

Viết vài dòng để thấy, những gì mà một số quan chức đang giải thích chẳng có gì là khó hiểu. Trăm cái lý không bằng một tí cái quyền, nhất là khi cái quyền ấy lại song hành với cái lưng cong.A

QUÂN ĐỘI CÓ THỂ CÓ 3 ĐẠI TƯỚNG

Quân đội có thể có ba đại tướng

TTO - Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (dự thảo luật), sáng 16-4.

Hiện nay trong quân đội nhân dân Việt Nam có một đại tướng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến với quân đội và công an nói chung thì bộ trưởng là đại tướng, thứ trưởng là thượng tướng, riêng quân đội thì chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và tổng tham mưu trưởng có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng.

Được biết hiện nay trong quân đội nhân dân Việt Nam có một đại tướng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, trong nhiệm kỳ trước Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Văn Dũng cũng là đại tướng.

Trình bày tờ trình về dự án luật nêu trên, đại tướng Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Bộ Quốc phòng) cho biết chức vụ của sĩ quan cơ bản giữ như Luật hiện hành, chỉ đổi tên chỉ huy trưởng Vùng Hải quân thành Tư lệnh Vùng hải quân để phù hợp với tổ chức mới và yêu cầu chỉ huy, quản lý, xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo dự thảo luật thì số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện giảm khoảng 3,1%.

Đồng thời giữ nguyên các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tá, thượng tá, trung tá; quy định cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ đại đội trưởng, chính trị viên đại đội là thiếu tá; trung đội trưởng là đại úy để phù hợp với điều kiện thực tế trong thời bình, thời gian giữ chức vụ dài hơn thời chiến, tiết kiệm được nguồn nhân lực và ngân sách đào tạo, thuận lợi trong bố trí, sử dụng sĩ quan.

Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với các chức vụ được sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, từ cấp tướng đến cấp tá, cấp úy để tương quan với sắp xếp chức vụ.

Dự thảo Luật bổ sung thời hạn xét thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng là bốn năm; không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng, vì sĩ quan cấp tướng là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cán bộ quân đội, được đào tạo công phu, đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhiệm vụ trọng yếu của quân đội, nếu quy định cứng về thời hạn thì độ tuổi cấp tướng sẽ rất cao, khó cho việc quy hoạch nguồn cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược và việc bố trí sử dụng cán bộ khi có nhu cầu giao nhiệm vụ cao hơn.

Dự thảo luật giữ nguyên quy định về thời hạn xét thăng quân hàm đối với cấp tá, cấp úy theo Luật sĩ quan hiện hành.

V.V.THÀNH

PHONG TƯỚNG ĐÂU PHẢI ĐỂ HƯỞNG CHÍNH SÁCH

Phong tướng đâu phải để hưởng chính sách

TT - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng - an ninh và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi) “chưa quán triệt triệt để chỉ đạo của Bộ Chính trị”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định phong hàm thượng tướng cho Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam - Ảnh: Nguyễn Khang

Với đề xuất Bộ Công an có hai đại tướng, các tổng cục có hai trung tướng, hầu như tất cả các chức vụ cục trưởng đều có cấp bậc hàm tướng... dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi) trình ngày 15-4 được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng - an ninh và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “chưa quán triệt triệt để chỉ đạo của Bộ Chính trị”.

So với quy định hiện hành, dự thảo luật quy định thêm một vị trí có trần cấp hàm đại tướng ngoài bộ trưởng Bộ Công an, là thứ trưởng thường trực.

Quá nhiều tướng

Tương tự, cấp bậc hàm trung tướng sẽ được trao cho những người giữ vị trí tương đương trong quân đội như tổng cục trưởng, tư lệnh, chính ủy bộ tư lệnh và phó tổng cục trưởng thứ nhất phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng và xây dựng lực lượng của tổng cục.

Cấp hàm cao nhất của giám đốc công an cấp tỉnh là đại tá (trừ Hà Nội, TP.HCM là trung tướng và các tỉnh - TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai là thiếu tướng).

Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng - an ninh cho rằng dự thảo luật đã nâng trần và mở rộng diện một số chức vụ có trần cấp hàm tướng so với quy định hiện hành, hầu như tất cả các chức vụ cục trưởng đều có trần cấp hàm thiếu tướng, một số là trung tướng và nhiều chức danh tương đương cục trưởng cũng có trần cấp hàm thiếu tướng, trung tướng; chưa bảo đảm yêu cầu quy định hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu vấn đề bằng hàng loạt câu hỏi: “Có phải chúng ta lo có quá nhiều tướng trong lực lượng công an không? Tôi cho rằng không phải, mà quan trọng là cần rà soát lại xem vị trí, nhiệm vụ như thế thì những chức vụ nào xứng đáng được đeo quân hàm cấp tướng. Ví dụ tổng biên tập báo thì có xứng đáng cấp tướng không, và tại sao lại là trung tướng, thiếu tướng? Rồi chuyện biệt phái, phải quy định rõ thế nào là biệt phái, biệt phái có cần thiết phải phong tướng không bởi phong tướng đâu phải là vì (để hưởng) chế độ chính sách?”.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam “hết sức xúc động và cảm ơn các ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ về báo cáo với các đồng chí trong ban soạn thảo, báo cáo bộ trưởng và Chính phủ để tiếp thu ý kiến của các đồng chí”. Dự luật này sẽ được trình để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 5 tới đây.

Dân sẽ được vào xem Quốc hội họp

Dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng cùng ngày có khá nhiều nội dung mới đáng chú ý.

Điều 33 của dự luật quy định: “Công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội”. Đồng tình với quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần nói rõ ràng là tham dự để làm gì: theo dõi, quan sát hay giám sát?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển: “Tôi đi các nước thấy người dân đến nghị viện để dự khán, quan sát và người ta thường theo dõi qua cửa kính hoặc ngồi ở khu vực riêng, để giữ sự yên tĩnh cho Quốc hội làm việc”.

Dự luật xác định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người (như hiện nay); quy định tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó có thể phấn đấu tăng lên 50% trong một số nhiệm kỳ tới...

LÊ KIÊN

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

KHI SỰ KHOAN HỒNG BỊ LẦM TƯỞNG LÀ SỰ SỢ HÃI VÀ HÈN NHÁT

Này Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi,

Chúng mày đừng nghĩ cho chúng mày ra tù là người ta sợ chúng mày, là người ta bị sức ép nên phải sợ mà thả.

Chúng mày cũng đừng có nghĩ, thả chúng mày ra và chúng mày thích làm gì cũng được. 

Loại trâu chó như chúng mày, sớm hay muộn cũng vẫn chững nào tật nấy thôi. Ngựa quen đường cũ rồi cũng lại vào sau song sắt mà bóc lịch.
-------------------
Ra tù cùng với Vi Đức Hồi - nguyên Giám đốc Trường Đản huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn cùng thời điểm, nhiều người đã đặt niềm tin vào Nguyễn Tiến Trung bởi đơn giản đất nước đang cần những người trẻ có trí tuệ như Trung; sự thận trọng trong cách trả lời báo đài sau khi ra tù khiến không ít người có niềm tin tích cực về con người này. Nhưng hi vọng vừa đến đã vội vàng kết thúc không lâu sau đó khi Trung và Hồi là những kẻ cùng một phường "lưu manh". 

Trả lời VOA trong một lần phỏng vấn mới đây, Nguyễn Tiến Trung đã một mực phủ nhận nguyên cớ dẫn đến việc anh được ra tù trước thời hạn "do anh ‘lao động tốt, chấp hành tốt nội quy của trại’. Và Trung cho rằng, ban đầu thì anh đã tin như vậy nhưng "Khi tôi về, tôi nhận được tin là [được tự do] cùng ngày với tôi có chú Vi Đức Hồi, và trước đó vài ngày có tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ thì tôi nghĩ rằng là không phải do tôi lao động tốt mà nguyên nhân lớn lao hơn thì nhiều người mới được thả cùng lúc như vậy. Tôi nghĩ có một phần rất lớn của công lao bao nhiêu người ở trong nước cũng như quốc tế đã ủng hộ, giúp đỡ, đi vận động trong thời gian qua. Chắc chắn phải có động lực rất lớn phía sau thì chính quyền Việt Nam họ mới thả nhiều người cùng lúc như vậy được. Chắc chắn phải có áp lực. Tôi cũng được Liên minh châu Âu cử người vào thăm trong trại giam, nên tôi biết cộng đồng quốc tế gây áp lực rất lớn và cũng đã giúp đỡ cho tôi cũng như các anh em dân chủ khác rất là nhiều". 

Vậy là nguyên cớ khiến Trung thay đổi những ý nghĩ trong tích tắc ấy bởi ngoài anh ra còn có Vi Đức Hồi và Cù Huy Hà Vũ được ra tù trước thời hạn. Thông thường khi tiếp cận với ý nghĩ này của Trung sẽ có người phản ứng ngay bởi, khi trả lời BBC sau khi ra tù cùng một nội dung này, Trung đã khẳng định anh không hề hoặc ít tiếp xúc với những người khác trong thời gian ở trại và những thông tin của anh về tình hình liên quan hầu như không có. Anh và Cù Huy Hà Vũ hay Vi Đức Hồi không cùng được giam giữ một nơi. Vì vậy, anh không thể khẳng định rằng, Vũ và Hồi không "lao động tốt, chấp hành tốt nội quy của trại". Hay nói cách khác, dù tiếp cận với những thông tin ban đầu sau khi ra tù nhưng Trung đã võ đoán và suy luận mang tính giả định khi măc nhiên cho rằng, nếu vì lao động và cải tạo tốt thì Vũ và Hồi không thuộc diện giảm án. 

Thông thường, việc giảm án cho một tù nhân thường căn cứ vào quá trình cải tạo, lao động và thực hiện nội quy, quy định của trại giam; đồng thời, trước khi đi đến quyết định cuối cùng phải trải qua quá trình bình bầu, tuyển chọn trong tập thể phạm nhân. Đây là một nguyên tắc đảm bảo tính công bằng và bình đẳng giữa những người tù nhân; tránh những hiểu nhầm, xung đột xảy ra ngay tại trại giam. Cùng với Trung, Vũ và Hồi cũng trải qua những quy trình như thế. Và cho đến nay, sau khi Vũ ra tù rồi sang Mỹ định cư và chữa bệnh, Hồi được về đoàn tụ cùng gia đình thì chưa thấy bất kỳ một phản ánh trái chiều nào liên quan. 

Cho đến nay, không chỉ có Trung mà cả Vi Đức Hồi đang lầm tưởng mình đang được chính giới bên ngoài can thiệp, tác động để được sớm trả tự do. Họ đang đánh đồng giữa hiện trạng Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với cái giá mà Việt Nam phải "lãnh nhận" để đánh đổi mà không hiểu rằng, chúng ta đang hội nhập có nguyên tắc; chúng ta sẵn sàng nhún nhường và đánh đổi nếu được những cái lợi lớn hơn. Theo đó, việc chấp nhận thả những kẻ chống Đảng, Nhà nước như Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi vì những sức ép bên ngoài thì hậu quả mà Nhà nước lãnh nhận là không hề nhỏ; thậm chí sẽ tạo ra không ít những tiền lệ xấu và những khó khăn trong đối ngoại sau này. Cho nên, chúng ta sẵn sàng chấp nhận những thua thiệt về kinh tế và đối ngoại; đổi lại chúng ta giữ được nguyên tắc. Do vậy, tốt hơn hết Trung, Hồi nên biết mình là ai và nên chăng cũng nên tìm hiểu để hiểu nhà nước đang làm gì trong quan hệ ngoại giao.

KHÔNG CÓ DẤU HIỆU TIÊU CỰC TRONG NẮN CONG ĐƯỜNG TRƯỜNG CHINH

"Không có dấu hiệu tiêu cực trong vụ nắn cong đường Trường Chinh"

Dân Việt - Sáng 15.4, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị đã lên tiếng về sự việc gây xôn xao - việc đường Trường Chinh bị nắn cong.

Ông Phạm Quang Nghị cho biết: Việc quyết định quy hoạch đường Trường Chinh là một quy trình làm việc thận trọng và chặt chẽ, trong đó có việc lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan. 

Bất cứ dự án nào khi triển khai đều phải lấy ý kiến của các bên có liên quan. Trong trường hợp nay, bên liên quan trực tiếp là Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân cũng đã có ý kiến điều chỉnh, và ngay cả Bộ Quốc phòng với trách nhiệm và thẩm quyền của mình cũng đã đề nghị như vậy. 

“Tôi nghĩ rằng nếu giảm được những thiệt hại không đáng có cho người dân và giảm được những chi phí không cần thiết cho dự án mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công trình thì chúng ta cũng nên lắng nghe để điều chỉnh.

Khúc cong trên đường Trường Chinh.

Việc điều chỉnh hướng tuyến đường Trường Chinh xuất phát từ lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và nó cũng góp phần giảm được chi phí cho công trình. Như vậy việc tính toán cho con đường ấy về nguyên tắc không có gì là sai phạm", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định: “Việc điều chỉnh quy hoạch vừa rồi không có bất kỳ một dấu hiệu nào mang tính tiêu cực ở đây cả. Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng đề nghị rất là đoàng hoàng, đúng đắn, công khai minh bạch, cơ quan quyết định là thành phố chứ không có cá nhân nào đưa ý chí hay lợi ích cá nhân của mình vào việc này”.

Tuy vậy, ông Nghị cũng nhận xét: "Đương nhiên nếu con đường chạy thẳng thì sẽ tốt hơn không thẳng. Nhưng cuộc sống cũng có lúc nọ lúc kia, tôi lấy ví dụ nếu con đường chỉ gặp một di tích thì cũng không thể thẳng được mà có khi phải điều chỉnh".

Cuối cùng, Bí thư Phạm Quang Nghị chốt lại: "Trong trường hợp đường Trường Chinh, tôi xin nói lại 2 điều: 

Thứ nhất, quy trình thủ tục là căn cứ vào đề nghị của những cơ quan có thẩm quyền để xem xét chứ không phải một cá nhân nào.

Thứ 2 là xét từ phương diện kinh tế kỹ thuật sự, sự điều chỉnh này giảm được chi phí giải phóng mặt bằng, lại bớt ảnh hưởng đến đời sống người dân dù người đó là công dân bình thường hay công dân có đóng góp như anh hùng tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang".

Hải Phong (ghi)