TBKTSG Online
Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã chiếm lĩnh diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội hôm nay 2-6.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự bất bình về hành động ngang ngược của Trung Quốc và đề nghị Chính phủ có những giải pháp để hạn chế phụ thuộc kinh tế với nước láng giềng.
Một số đại biểu đưa ra những phát biểu khá thẳng thắn, ít được đề cập từ trước tới nay.
Chẳng hạn, Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi lên án các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, cho rằng đến giờ này không nên ảo tưởng về "16 chữ vàng" và "4 tốt".
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh nên thúc đẩy mô hình xã hội dân sự... Theo ông Hà Sỹ Đồng, trong bối cảnh cần phải tập trung sức lực cho bảo vệ chủ quyền biển đảo như hiện nay, vấn đề thực lực quốc gia là rất quan trọng, trong đó cải cách thể chế là yêu cầu cấp thiết.
Ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, một khi nội lực quốc gia yếu kém thì những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập, ta sẽ gặp nhiều khó khăn để chống đỡ. Theo đại biểu này, cần thúc đẩy mô hình thể chế mới là xã hội dân sự để giúp giám sát và phản biện các hoạt động của các cơ quan nhà nước. "Ý tưởng này cần xuyên suốt trong mọi hành động cải cách ở mọi lĩnh vực, bộ phận thể chế của quốc gia", ông nói.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, những vụ lộn xộn ở Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua là do công tác tuyên truyền yếu kém. Theo bà Nga, những thông điệp giữa nhà nước với công dân về quan điểm, chủ trương xử lý vấn đề chủ quyền biển đảo cần kịp thời mang tính chính thức để người dân yên tâm, có thái độ và hành động đúng vì mục tiêu chung.
"Trong thời đại thông tin hiện nay với khoảng 36 triệu người dùng internet ở nước ta thì những khoảng trống về thông tin chính thức về bất kỳ một vấn đề nhạy cảm nào cũng sẽ nhanh chóng được các trang mạng Facebook lấp đầy và nếu chậm trễ thì nhà nước sẽ rất khó khăn trong định hướng ứng xử cho người dân", đại biểu Thái Nguyên nói.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, kinh tế đất nước, trong lịch sử, lúc mạnh yếu khác nhau, nhưng chưa bao giờ chúng ta lệ thuộc láng giềng phương Bắc về kinh tế.
“Khi buộc phải thường xuyên đương đầu với tranh chấp, xung đột lãnh thổ thì sự lệ thuộc người ta về kinh tế là điểm yếu chí tử của đất nước. Đây là bài học lớn có tính nguyên tắc nhưng hình như chúng ta chưa thuộc”, ông Đáng nói.
Ông cảnh báo rằng, không phải đến nay mới có sự kiện giàn khoan ở biển Đông. Hơn 1.000 năm qua tranh chấp xung đột do láng giềng gây sự đã luôn diễn ra và trong 100 năm tới, thậm chí 1.000 năm tới cũng không chắc gì sẽ hết. Đại biểu Đáng đề nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2014 phải có sự chuyển hướng để thoát khỏi sự lệ thuộc