Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

ÂM MƯU NGUY HIỂM VÀ THÂM ĐỘC CỦA TRUNG QUỐC

TT - GS.NGND nhà sử học Phan Huy Lê cho rằng việc Trung Quốc đưa đường chín đoạn phi lý vào giảng dạy trong sách giáo khoa (SGK) phổ thông và các tài liệu trong nhà trường của họ là một âm mưu nguy hiểm và thâm độc của giới cầm quyền nước này.

GS Phan Huy Lê

"Trung Quốc đang giáo dục cho lớp trẻ mặc nhiên coi đường lưỡi bò như một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Họ nuôi dưỡng ý chí cho lớp trẻ hiện nay để tiếp tục thực hiện âm mưu bành trướng ở biển Đông của giới cầm quyền. Họ đang biến ý tưởng bành trướng của giới cầm quyền thành ý chí của số đông lớp trẻ"

GS.NGND nhà sử học Phan Huy Lê cho rằng việc Trung Quốc đưa đường chín đoạn phi lý vào giảng dạy trong sách giáo khoa (SGK) phổ thông và các tài liệu trong nhà trường của họ là một âm mưu nguy hiểm và thâm độc của giới cầm quyền nước này.

Ông nói rằng đây là ý đồ bành trướng nhằm thâu tóm toàn thể biển Đông của Trung Quốc, được chuẩn bị kỹ lưỡng và có tính toán lâu dài. Không chỉ SGK mà nhiều tài liệu khác của họ như bản đồ, hộ chiếu cũng in “đường lưỡi bò” vô lý này.

“Tất cả ý đồ thôn tính biển Đông mà Trung Quốc đưa vào SGK giảng dạy cho học sinh của họ là sự áp đặt hoàn toàn chủ quan, mang nặng tư tưởng bành trướng của chính quyền Bắc Kinh. “Đường lưỡi bò” là điều hoàn toàn phi lý. Điều này không có cơ sở khoa học, cơ sở lịch sử cũng như cơ sở pháp lý. Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào để chứng minh cho đường chín đoạn ấy” - nhà sử học Phan Huy Lê nói.

Nhưng theo ông, giới cầm quyền Trung Quốc thâm hiểm ở chỗ họ không thuyết phục quốc tế và nhân dân nước họ bằng lý lẽ mà họ lại áp đặt cho giới trẻ Trung Quốc bằng sự chấp nhận trong nhận thức tư tưởng. Vì thế, việc đưa những điều phi lý ở biển Đông vào SGK của Trung Quốc là âm mưu cực kỳ nguy hiểm.

Để đối phó âm mưu thâm hiểm này, theo nhà sử học Phan Huy Lê, một mặt chúng ta tiếp tục đấu tranh vạch trần sự phi lý của “đường lưỡi bò” trong SGK của Trung Quốc hiện nay. Mặt khác phải gấp rút đưa những nội dung về biển đảo, về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam vào SGK của chúng ta.

Ông còn nói rằng nếu SGK hiện nay chưa có điều kiện biên soạn lại thì phải bổ sung ngay bằng những tư liệu phổ biến đến giáo viên và học sinh về chủ quyền biển đảo.

“Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần từ năm 2008 đến nay là cần phải đưa nội dung biển đảo, đặc biệt là chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa, vào SGK, nhưng đến nay điều này vẫn chưa được thực hiện. Chúng ta đưa nội dung này vào SGK khác hẳn với việc làm của Trung Quốc, không phải áp đặt vô lý một cách giáo điều mà giáo dục cho lớp trẻ một nhận thức khoa học với tất cả chứng cứ lịch sử và pháp lý có giá trị khoa học cao, từ đó nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn thiêng liêng của Tổ quốc. Trong buổi làm việc của Hội Khoa học lịch sử với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 30-12-2013, kiến nghị này được Thủ tướng rất tán đồng và chỉ thị Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để bổ sung vào SGK. Nếu bây giờ chúng ta không giáo dục nội dung lịch sử này cho học sinh và lớp trẻ thì đây không chỉ là thiếu sót của ngành giáo dục mà là một tội của người lớn với lớp trẻ. Bộ GD-ĐT phải nhận trách nhiệm và trả lời trước công luận vì sao lại chậm trễ như vậy, để lớp trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam phải tự tìm hiểu về lịch sử, chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở bên ngoài nhà trường” - GS Phan Huy Lê phát biểu với thái độ cương quyết.

V.V.TUÂN ghi

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

VIỆT NAM NHƯỜNG ĐẢO SONG TỬ ĐÔNG CHO PHILIPPINES?


Bia chủ quyền Việt Nam ở đảo Song Tử Đông



Lời dẫn: Hôm nay, hầu hết các báo lớn ở VN, kể cả báo điện tử Đảng Cộng sản, Cổng thông tin Bộ Quốc phòng, báo Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông...đều đưa tin về cuộc Giao lưu giữa Hải Quân Việt Nam và Hải quân Philippines. Không biết vì vô tình hay hữu ý mà các báo trên đều thận trọng ghi rõ: Đảo Sông Tử Đông thuộc Philippines? Không biết các nhà báo và Ban Biên tập của họ có biết Đảo Song Tử Đông là của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép vào năm 1970?

Xem video clip:







------

Ai để Philippines chiếm giữ một số đảo ở Trường Sa?

23 Tháng 12 2012 lúc 20:32

Nhiều người Việt ở nước ngoài hay nói bọn cộng sản yếu hèn, dâng nhiều đảo ở Trường Sa cho ngoại bang. Họ nói vậy, có lẽ vì họ ghét cộng sản, vì họ không có thông tin, hoặc vì cả hai. Nhưng mới rồi có nhà báo trong nước ra vẻ hiểu biết, nói Việt Nam Cộng hòa đã giữ nhiều đảo ở Trường Sa, chả để mất đảo nào, nay mình dở quá, để mất vào tay Trung Quốc bao nhiêu đảo.

Nói với bạn ý, Trung Quốc đã chiếm 7 đảo ở Trường Sa, nhưng chưa hề chiếm được đảo nào bộ đội ta đã đóng giữ. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm ngày 14-3-1988, khi công binh ta mới lên cắm cờ trên đảo vài giờ.

Nhân tiện cũng nói luôn, lâu nay mọi người thường chỉ nói đến việc Trường Sa bị Trung Quốc chiếm. Nhưng sự thực, Philippines còn chiếm đóng nhiều đảo ở Trường Sa hơn cả Trung Quốc. Có một bác ở hải ngoại nhắc đến việc nhiều đảo ở Trường Sa bị Phi chiếm, đổ tội cho “bọn cầm quyền cộng sản” chả biết giữ mấy đảo đó. Bác này nói đại ý, trên mấy đảo Phi đang chiếm giữ có cả bia chủ quyền lập từ thời Việt Nam Cộng hòa, chứng tỏ cộng sản đã làm mất về tay Phi các đảo, trước kia Việt Nam Cộng hòa giữ. Lập luận đến hay!

Một số đảo ở Trường Sa bị Philippines chiếm giữ từ bao giờ, như thế nào? 

Năm 1956, sau khi tiếp thu từ Pháp quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức thị sát, dựng bia chủ quyền ở một số đảo.

Năm 1963, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đưa ba tàu là HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hoà ra xây dựng lại bia chủ quyền Việt Nam tại một số đảo thuộc Trường Sa. Sách trắng năm 1975 về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa nêu rõ ngày xây dựng lại bia chủ quyền ở 6 đảo: ngày 19-5-1963, ở đảo Trường Sa; ngày 20-5-1963, ở đảo An Bang; ngày 22-5-1963, ở đảo Thị Tứ và Loại Ta; ngày 24-5-1963 ở đảo Song Tử Đông và đảo Song Tử Tây.

Bia chủ quyền Việt Nam ở đảo Song Tử Đông

Nhưng năm 1970. Philippines đã tổ chức chiếm giữ đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta và 4 đảo nữa. Domingo Tucay, năm 1970 là một trung úy trẻ tham gia cuộc hành quân đó kể lại, họ mang theo mật lệnh, được dặn đến tọa độ nhất định mới được mở ra. Có 7 đảo, bãi hoàn toàn hoang vắng, họ chiếm đóng dễ dàng. Chỉ khi tới đảo Song Tử Tây, họ thấy quân Việt Nam Cộng hòa đóng. “Chúng tôi báo về sở chỉ huy, được chỉ thị cứ để mặc họ”. Tucay nói.

Trong những đảo Philipines chiếm dịp đó có 6 đảo nổi, Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì, Bến Lạc (Đảo Dừa) là đảo lớn thứ ba, Song Tử Đông là đảo lớn thứ năm ở quần đảo Trường Sa.
Theo như bài báo đăng lời Tucay kể chuyện, nhiều tháng sau khi Philippines chiếm đóng 7 đảo ở quần đảo Trường Sa, các nước khác mới biết.

Câu chuyện quân đội Philipines bí mật chiếm 7 đảo ở quần đảo Trường Sa:



Nguồn: Thiềm Thừ

Bài lấy về từ GoogleTienLang

TRUNG QUỐC PHỦ NHẬN XÂY DỰNG SÂN BAY TRÊN RẠN SAN HÔ TRANH CHẤP

Biển Đông: Trung Quốc phủ nhận xây dựng sân bay trên rạn san hô tranh chấp

C. MINH

BizLIVE - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không xác nhận thông tin về kế hoạch xây dựng sân bay tại Gạc Ma, rạn san hô thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, theo Tiếng nói nước Nga.

Đảo Gạc Ma, nơi Trung Quốc cưỡng chiếm bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988. Ảnh AP/Rolex Dela Pena

Trước đó, báo “South China Morning Post” (SCMP) cho hay Trung Quốc có kế hoạch chi 5 tỷ USD để xây dựng sân bay tại rạn san hô Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam, nằm trong nhóm các đảo của quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Tờ báo nói trên cho biết Bắc Kinh đang cố gắng biến bãi đá ngầm Gạc Ma chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam vào năm 1988 thành một đảo nhân tạo khổng lồ, trên đó có cả sân bay cho máy bay cất, hạ cánh, cảng biển riêng cho tàu quân sự và tàu dân sự.

Tổng thống Philippines, trong lần tố cáo Trung Quốc hồi tuần trước, đã chỉ đưa ra những bức ảnh chụp từ trên không các hoạt động hút cát để xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Tấm đồ họa của báo SCMP cho người ta nhìn thấy rõ hơn về quy mô của đảo nổi Gạc Ma, nơi để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự nhằm uy hiếp cả Philippines và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang đi từ phòng vệ sang tấn công.

Khi sân bay ở Gạc Ma hoàn thành, với sân bay đã có sẵn ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (chiếm đóng trái phép của Việt Nam, Bắc Kinh sẽ có cớ thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không trên biển" bao trùm cả Biển Đông.

Đây là điều từng được nhiều nước lo ngại sẽ xảy ra khi Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông hồi năm ngoái.

TRUNG QUỐC VÀ THẢM HỌA TỰ TẠO

Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đã tính toán kỹ những hành vi ngang ngược trên biển Đông nhưng kết quả cuối cùng vẫn sẽ phản tác dụng.

Tàu Trung Quốc (phải) hung hãn lao về phía tàu VN gần giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) - Ảnh: Hoàng Sơn

Trong bài phân tích đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ), chuyên gia Richard Javad Heydarian tại Đại học Ateneo De Manila, cũng là cố vấn về chính sách cho Hạ viện Philippines, khẳng định giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc (TQ) đã cắm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN. Ông nêu rõ: “Căn cứ theo các diễn giải của những điều khoản của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), VN có quyền chủ quyền đối với nguồn khí hydrocarbon mà giàn khoan Hải Dương-981 đang thăm dò. Do đó, TQ vi phạm đặc quyền về EEZ của VN”.

Giới quan sát cũng chỉ ra rằng tình hình càng phức tạp khi có rất nhiều cơ quan, lực lượng của TQ cùng phối hợp nhúng tay trong vụ giàn khoan, từ dầu khí, chấp pháp trên biển cho tới ngoại giao và truyền thông. Điều này chứng tỏ đây là hành động đã được tính toán kỹ và có sự điều phối tập trung ở cấp cao nhất.

“Chín con rồng”

Theo tờ The Wall Street Journal, cho đến gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá những hành động gây căng thẳng trên biển của TQ một phần xuất phát từ sự kèn cựa của nhiều cơ quan chính phủ với phần thắng thường thuộc về phe “diều hâu” nhất. Từ hải giám, ngư chính đến tập đoàn dầu khí, quân đội hay thậm chí cả bộ công an, các phe đua nhau tiến hành hoạt động gây sóng gió ở biển Đông và Hoa Đông nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị hay giành thêm ngân sách. Tình trạng này được mô tả một cách hình tượng là “9 con rồng hung dữ quấy phá trên biển”.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên biển Đông, cụ thể là vụ giàn khoan, giới quan sát nhận thấy “9 con rồng” không còn “mạnh con nào con nấy phá”. Tờ The Wall Street Journal chỉ ra rằng TQ đã thống nhất các cơ quan chấp pháp trên biển thành một lực lượng hải cảnh duy nhất và thành lập một siêu ủy ban an ninh mang tên Ủy ban An ninh quốc gia dưới sự điều hành của các lãnh đạo cao cấp nhất. Trên thực tế, kể từ khi ủy ban này ra đời, tình hình an ninh tại các vùng biển quanh TQ càng bất ổn hơn so với thời “9 con rồng” còn ganh đua nhau. Theo các chuyên gia, đó là vì ban lãnh đạo mới của nước này đã tương đối khuất phục được các thế lực ganh đua nhau để đẩy mạnh các hành động được tính toán kỹ nhằm hiện thực hóa cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa”. Trong các mục tiêu mà nước này hướng đến có việc thu hồi “lãnh thổ quốc gia đã mất vào tay Nhật Bản” và độc chiếm biển Đông. Điều này khiến tình hình khu vực càng trở nên nguy hiểm và không loại trừ nguy cơ nổ ra xung đột.

Tự gây họa

Viết trên The National Interest, chuyên gia Heydarian cho rằng TQ đã tự tạo ra thảm họa cho chính mình khi gây căng thẳng ở biển Đông. Ông chỉ ra đối mặt với một TQ ngày càng ngang ngược, nhiều nước có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông như VN và Philippines càng xích lại gần nhau hơn. Ngay cả những bên không có tranh chấp cũng đang tăng cường nỗ lực nhằm đối phó hậu quả từ các hành động của TQ đối với ổn định khu vực và tự do đi lại trong vùng biển quốc tế. Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ đang tăng cường vai trò của họ trong việc ổn định ở biển Đông vì các tuyến đường biển quốc tế ở đây rất quan trọng đối với lợi ích thương mại và an ninh năng lượng của họ. Tờ Want China Times dẫn lời chuyên gia Úc Harry White nhận định Mỹ cần lập “lằn ranh đỏ” để Bắc Kinh từ bỏ suy nghĩ rằng Washington không sẵn sàng cho một cuộc chiến bảo vệ đồng minh. Từ đó, ông Heydarian kết luận chính sự cứng rắn về lãnh thổ của TQ đã khiến nước này ngày càng bị cô lập và dẫn đến quốc tế hóa các tranh chấp, đi ngược lại ý đồ của Bắc Kinh là đàm phán song phương nhằm tận dụng thế nước lớn để chèn ép bên kia.

Đuối lý, Trung quốc hăm dọa VN

Ngày 9.6, tờ China Daily dẫn nội dung thông cáo từ Bộ Ngoại giao TQ ngang ngược vu cáo VN “gây rối, quấy nhiễu” giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và rằng “tính đến ngày 7.6, tàu VN đã đâm tàu TQ tới 1.416 lần”. Trong khi đó, thực tế ai cũng biết là tàu TQ điên cuồng tấn công tàu cá và tàu thực thi pháp luật của VN ngay trong vùng biển VN, thậm chí đâm chìm tàu cá VN ngày 26.5. Hành động hung hăng của các tàu TQ đã bị phơi bày trong đoạn phim được VN công bố và giới truyền thông quốc tế đăng tải lại cũng như qua những tường thuật từ hiện trường của phóng viên nước ngoài.

Cũng trong ngày 9.6, Văn Hối, tờ báo ở Hồng Kông có quan điểm ủng hộ Bắc Kinh, đăng bài xã luận hăm dọa VN với giọng điệu đầy hiếu chiến. Cụ thể, bài xã luận viết: “Nếu VN tiếp tục ngộ nhận tình thế, chấp mê bất ngộ, buộc TQ phải ra tay, khi đó khó mà ứng phó và trả giá đắt”. Cả Văn Hối lẫn tờ China Daily còn tiếp tục vin vào lập luận sai trái về công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong khi đó, tại cuộc họp báo quốc tế ngày 23.5, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao VN đã khẳng định công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia phân tích rõ ràng. Từ đó có thể thấy, TQ đuối lý với tuyên bố chủ quyền ngang ngược của mình nên cứ phải bám víu những luận điệu sai lạc, đã bị bác bỏ.

Minh Trung/Trùng Quang -Văn Khoa

TRUNG QUỐC ĐỪNG TƯỞNG BỞ!

Quen ăn từ "nước cờ Scarborough" đã sử dụng với Philippines, Trung Quốc muốn áp tiếp cho Việt Nam khi đưa giàn khoan trái phép cùng đội tàu hộ tống xâm phạm vùng biển Việt Nam. Bước đầu Trung Quốc đã phải nếm trái đắng.

Cuộc “đụng độ” tại bãi cạn Scarborough với Philippines và hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam (VN) khi đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN hiện nay đều có cùng điểm tương đồng về chiến lược hành động, khi Trung Quốc (TQ) đều sử dụng các biện pháp phi quân sự trên biển nhằm thực hiện mưu đồ áp đặt chủ quyền.

Chiêu bài dân sự để chiếm hữu thực tế

Trong trường hợp bãi cạn Scarborough vào năm 2012, khi hải quân Philippines chuẩn bị bắt giữ một số tàu cá của TQ đang hoạt động trái phép quanh khu vực bãi cạn nhưng hai tàu hải giám TQ đã nhanh chóng di chuyển đến khu vực tranh chấp để ngăn chặn hải quân Philippines tiến hành bắt giữ ngư dân TQ. Mặc dù các tàu cá này đã được an toàn rời khỏi khu vực bãi cạn, song cả hai chính phủ TQ và Philippines đều tỏ ra cứng rắn.

Bế tắc giữa TQ và Philipines về bãi cạn Scarborough đã được giải quyết khi Bắc Kinh và Manila đã đạt được thỏa thuận rút tất cả tàu của chính phủ hai nước ở khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, sau khi Philippines rút thì tàu TQ đã nuốt lời mình, quay trở lại và duy trì sự hiện diện thường trực ở vùng biển xung quanh bãi cạn này kể từ đó. Thông tin cho hay TQ còn dùng dây thừng chăng ở lối ra vào duy nhất, nhằm ngăn các tàu đánh cá khác vào khu vực bãi cạn này. Thời tiết mưa bão ở biển Đông khiến tàu Philippines không thể đến khu vực bãi cạn Scarborough được. Cuối cùng chỉ trong một vài tháng, TQ đã kiểm soát bãi cạn này và những vùng biển xung quanh, bằng cách thay đổi hiện trạng tạo ra những lợi thế cho mình.

Trung Quốc sẽ hứng chịu thất bại cho sai lầm của mình nếu mưu đồ áp Scarborough với Việt Nam. Trong ảnh: Bãi cạn Scarborough - tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: INTERNET

Có thể thấy rõ công cụ dân sự Scarborough được TQ sử dụng thuần thục phục vụ cho mưu đồ xâm chiếm biển Đông của TQ. Đó chính là việc chiếm hữu thực tế tại các vùng biển xung quanh đảo. TQ đã lợi dụng cái cớ lực lượng hải quân Philippines uy hiếp tàu cá TQ để tiến hành hoạt động gọi là bảo vệ ngư dân của nước này, từ đó tiếp tục điều thêm các tàu hải giám cùng các tàu cá khác hoạt động tại khu vực có tranh chấp với Philippines. Cuối cùng lợi dụng việc Philippines rút khỏi khu vực, TQ đã ồ ạt mang công cụ tàu phi quân sự vào khu vực bãi cạn để nắm quyền kiểm soát.

Muốn có Scarborough thứ hai ư?

Trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN theo luật pháp quốc tế, TQ cũng đã tính toán rất kỹ lưỡng. TQ đã điều đến trăm tàu phi quân sự các loại bao quanh khu vực giàn khoan. Khi lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam tiến hành hoạt động tuyên truyền, kêu gọi TQ rút giàn khoan thì phía TQ liên tục gây sức ép bằng việc tấn công bằng vòi rồng, đâm húc, không cho các tàu thực thi pháp luật của VN tiến gần đến vị trí của giàn khoan. Song song với các động thái trong hai lĩnh vực nghề cá và dầu khí, TQ sẽ tăng cường những sự kiểm soát quân sự núp bóng dân sự khác trên biển nhằm xâm chiếm một vùng biển rộng lớn tối đa.

Xét một cách cụ thể trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 về kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực TQ hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon, dầu khí lớn. Vì thế, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỉ USD và chi phí vận hành lớn rõ ràng không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng TQ sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà TQ tuyên bố và tự cho là có chủ quyền tại biển Đông.

Nhìn vào hai trường hợp của VN và Philippines có thể nhận thấy rõ những bước đi được toan tính một cách tỉ mỉ của TQ nhằm độc chiếm biển Đông: Tạo nên một thế cù cưa trong một thời gian dài, qua đó hình thành một tiền lệ cho những lần đặt giàn khoan thứ hai hay thứ ba trong khoảng thời gian ngắn hơn và cuối cùng huy động các loại tàu phi quân sự bố trận tạo ưu thế chênh lệnh, mưu đồ biến tất cả thành một “sự đã rồi” nhằm xâm lấn, áp quyền tài phán và khai thác.

Hành động gây hấn, chèn ép trên biển Đông giữa TQ sử dụng với Phillipines hay VN đã cho thấy rõ những chiến lược “tằm ăn dâu” được chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị từ trước. Ngày trước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói: “Nếu quân ngoại xâm tiến chậm như tằm ăn dâu thì khó chế ngự”. Có thể thấy rằng TQ đang cố tình biến vùng biển Hoàng Sa và Scarborough thành của mình theo cách này, từ đó vận dụng chiến thuật này để tiến hành cuộc Nam tiến trên biển, đưa tàu thuyền bán quân sự và giàn khoan vào kiểm soát, khảo sát và khai thác tại các vùng ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam, các vùng biển lân cận của Philippines với hải quân khổng lồ của họ luôn núp phía sau.

Đâu có dễ vậy

Qua những diễn biến căng thẳng trên biển Đông hơn một tháng qua, có thể nhận thấy rằng TQ đang sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 như một phép thử nhằm đánh giá đúng hơn phản ứng của các nước liên quan - đặc biệt là VN, tương tự như Philippines trong sự kiện bãi cạn Scarborough - và rộng hơn là phản ứng của các cường quốc. Tuy nhiên, không phải phép thử nào cũng diễn ra “thuận lợi” như Scarborough.

Mưu đồ của TQ đối với sự kiện giàn khoan trái phép đặt trong vùng biển VN lần này đã vấp phải sự lên tiếng mạnh mẽ hơn nhiều từ Nhật, Mỹ, ASEAN. Diễn biến vụ việc Hải Dương 981 khiến Nhật thêm lo ngại, trong bối cảnh Nhật và TQ đang có tranh chấp về chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và TQ thường xuyên đưa tàu tuần tra tới thách thức quyền quản lý trên thực tế với quần đảo này. Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 20 diễn ra tại Tokyo đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng trong khu vực gây ra bởi hành động đơn phương của TQ.

Cùng đó, trong cuộc điều trần ngày 20-5 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, các nghị sĩ Mỹ cho rằng các hành động của TQ gây căng thẳng ở biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực. Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Obama tại Trường quân sự West Point; cũng như các phát ngôn cứng rắn từ Phó Tổng thống Joe Biden đến Ngoại trưởng John Kerry và mới đây là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc TQ có các hành động gây mất ổn định ở biển Đông tại Đối thoại Shangri-La… đã cho thấy Mỹ cũng đã có động thái bảo vệ quyền lợi của mình tại khu vực Mỹ ưu tiên tự do hàng hải cao độ.

Về phía ASEAN, các quốc gia thuộc khu vực này mà mở đầu là Singapore đã lên tiếng kêu gọi TQ kiềm chế và thành công hơn nữa là các nước ASEAN với 10 thành viên đã lần đầu ra được tuyên bố chung về biển Đông tại Myamar. Các tuyên bố chung về biển Đông của G7, cùng nhiều nước đang tập trung vào dàn khoan trái phép của TQ.

Qua đó cho thấy rằng TQ đang gặp bất lợi do vấp phải sự phản đối của quốc tế, đồng thời thiệt hại về tài chính do chi phí quá cao của Hải Dương 981. Trong khi đó, VN đã rất thành công trong việc thể hiện hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế cùng một chính sách nhất quán, xuyên suốt tại châu Á-Thái Bình Dương. Các cường quốc như Mỹ, Nhật đều có lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp tại biển Đông do đó không dễ dàng nhượng bộ TQ.

TQ đã bước đầu thất bại với phép thử lần này đối với VN. Cùng với các bất ổn nội tại trong nước, vụ việc lần này đã giáng một đòn đau vào tham vọng của chính quyền TQ tại biển Đông, buộc nước này phải xem xét lại chính sách của mình.

Hai phép thử dù cùng một mục đích nhưng đã không mang lại cùng một kết quả cho TQ. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, TQ phải nhớ lấy cho điều này!

H.LONG - C.NHI - T.BÌNH

TRUNG QUỐC LẠI XUYÊN TẠC, BỊA ĐẶT CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG

TQ tiếp tục công bố tài liệu và phát ngôn bịa đặt chủ quyền Biển Đông

ĐÔNG BÌNH

(GDVN) - Trung Quốc đang tìm cách chế biến, xào xáo, tạo ra những "bằng chứng" giả để che mắt thiên hạ trước các cuộc tấn công dư luận và trên thực địa của Việt Nam.

Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh

Các thông tin được Tân Hoa xã, TQ loan tải những ngày gần đây cho thấy, ngày 9 tháng 6, Trung Quốc cho phát ngôn viên ngoại giao Hoa Xuân Oánh tiếp tục bịa đặt, lừa đảo, nói xấu Việt Nam.

Về mớ tài liệu xuyên tạc, vu cáo được gọi là “Hoạt động của giàn khoan 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc” do Trung Quốc công bố ngày 8 tháng 6, bà Oánh tuyên truyền xuyên tạc với những luận điệu khó chấp nhận, khác xa thực tế cho rằng:

“Trung Quốc luôn tập trung cho thông qua trao đổi song phương để xử lý thỏa đáng vấn đề có liên quan”; rằng, ngày 2 tháng 5 năm 2014, Việt Nam bắt đầu “quấy rối mạnh mẽ” hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc, đến nay, “Trung Quốc luôn giữ kiềm chế, đồng thời đã tiến hành hơn 30 lần trao đổi với phía Việt Nam, đưa ra giao thiệp nghiêm túc với Việt Nam, yêu cầu Việt Nam chấm dứt tất cả quấy rối dưới mọi hình thức đối với hoạt động của phía Trung Quốc, rút tất cả tàu và nhân viên ở hiện trường”.

Bà Oánh tỏ ra trịch thượng và tiếp tục luận điệu lòe bịp thiên hạ cho rằng: “Nhưng, Việt Nam không hề bớt phóng túng, ngày càng táo tợn, một mặt gia tăng hoạt động quấy rối, phá hoại ở hiện trường, mặt khác trắng trợn bịa đặt nói xấu ở quốc tế, tiến hành bôi nhọ và công kích vô lý Trung Quốc. Trong tình hình đó, chúng tôi cần thiết nói rõ chân tướng sự thực cho cộng đồng quốc tế, để nghe cho đúng”.

Bà Oánh còn muốn tiếp tục bôi đen hình ảnh của Việt Nam khi nhắc lại sự kiện biểu tình phản đối Trung Quốc ở một số tỉnh của Việt Nam trong tháng 5, đồng thời lại đòi tiền “bồi thường”.

Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh

Được biết, Trung Quốc đã xào xáo, chế biến ra cái mớ tài liệu gọi là “bằng chứng” mang tên “Hoạt động của giàn khoan 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”, rồi cho công bố trên trang mạng Bộ Ngoại giao vào ngày 8 tháng 6.

Tài liệu này xuyên tạc cho rằng, Trung Quốc là nước “phát hiện sớm nhất, khai thác làm ăn sớm nhất, quản lý sớm nhất” quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cho rằng, chính quyền Bắc Tống của họ (năm 960-1126 Công nguyên) đã đặt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong “phạm vi quản lý” của họ, điều cả “thủy quân” đến tuần tra vùng biển này. Cho rằng, năm 1909 đề đố “thủy quân” nhà Thanh Trung Quốc là Lý Chuẩn cũng dẫn quân thị sát quần đảo Hoàng Sa và “cắm cờ bắn pháo” trên đảo Phú Lâm, “tuyên bố chủ quyền”….

Cứ bịa như vậy, nên Trung Quốc cho rằng, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã xâm chiếm “quần đảo Tây Sa” của Trung Quốc. Do đó theo các “văn kiện quốc tế” sau khi Nhật Bản đầu hàng thì Trung Quốc phải “thu hồi” chúng…

Tài liệu này còn xuyên tạc cho rằng, trước năm 1974, Việt Nam không hề “dị nghị” về “chủ quyền quần đảo Tây Sa” của Trung Quốc (đây là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Ngoài ra, Trung Quốc bịa đặt cho rằng, "ngày 15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm khi đó còn thừa nhận “quần đảo Tây Sa”, “quần đảo Nam Sa” của Trung Quốc (thực ra là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Lộc cũng nói với phía Trung Quốc như vậy".

Đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - quần đảo này bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược năm 1974 khi Việt Nam đang tập trung cho chống Mỹ cứu nước.

Tài liệu Trung Quốc còn bịa đặt cho rằng, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố về độ rộng của lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lý và nó có nhắc đến “quần đảo Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Ngoài ra, tài liệu này còn cho rằng, ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng khi đó đã gửi “thông điệp” cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai cho rằng, Chính phủ Việt Nam thừa nhận tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc.

Về việc Việt Nam và Philippines tổ chức giao lưu thi đấu thể thao ở quần đảo Trường Sa, bà Oánh cho rằng, hoạt động này là một động thái nhỏ, là một “trò hề vụng về”.

Đồng thời bà Oánh lại rao rảng như đang ở trên mây rằng: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh”. Bà ta lớn tiếng yêu cầu Philippines và Việt Nam “chấm dứt bất cứ hành vi khiêu khích, gây sự nào”, “tuân thủ nghiêm túc DOC, không tiến hành bất cứ hành vi làm cho tranh chấp thêm phức tạp và mở rộng nào”.

Tuy nhiên, điều đáng xấu hổ cho TQ là những gì Trung Quốc nói không giống những gì Trung Quốc làm, đều là giọng lưỡi của những kẻ bịp bợm, bày đặt muốn nước khác phải tuân thủ COC nhưng bản thân mình tay còn đang "vấy bẩn" cực độ.

Về việc có tin cho là Trung Quốc muốn đầu tư lớn xây dựng sân bay ở Đá Chữ Thập, bà Oánh ráo hoảnh cho là chưa thấy có thông tin gì, không thể chứng thực tính chân thực của thông tin này, nhưng bà lại đi lừa đảo rằng: “Nếu Trung Quốc muốn tiến hành hoạt động gì ở đảo, đá ngầm có liên quan thì cũng hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.

Trung Quốc cho tàu chiến, máy bay quân sự, tàu hải cảnh... xâm lược vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. Trong hình là tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054A cùng với máy bay trực thăng của Hạm đội Nam Hải hộ tống cho giàn khoan 981 xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam

TRUNG QUỐC ĐANG TỰ CÔ LẬP CHÍNH MÌNH

Ong Bắp Cày


Bất chấp luật pháp và đạo lý, bằng hành độc xâm lược Việt Nam, gây rối an ninh khu vực, cản trở giao thông hàng hải quốc tế, Trung Quốc tự bôi bẩn thêm hình ảnh của chính mình và đang tự cô lập mình trên trường quốc tế. Cái lợi chưa thấy đâu, nhưng cái hại là nhãn tiền. 

Vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ theo lối "hoà bình" kiểu Việt Nam, giờ đây Trung Quốc khó có thể đạt được sở nguyện theo lòng tham vô đáy của mình, đồng thời chịu búa rìu dư luận. Sự kiện xâm lược Việt Nam bằng giàn khoan khổng lồ đã đẩy Trung Quốc đi quá đà và rơi vào tình cảnh "đi thì mắc núi, trở lại thì mắc sông", "tiến thóai lưỡng nan" trong bối cảnh nội tình đất nước còn quá nhiều vấn đề chỉ chờ cơn bùng nổ.

Đã có những ý kiến về sự liều lĩnh cho cuồng vọng của Trung Quốc trên biển đông, đã và đang hoang phí tiền của của nhân dân Trung Quốc. Nhưng đổi lại hình ảnh của Trung Quốc vốn đã không đẹp, nay trở lên vô cùng xấu xí bởi người ta nhận ra sự xảo trá lưu manh trong hàng ngũ lãnh đạo của nước này.

Có lẽ cũng cần nói thêm, trước khi hùng hổ kéo giàn khoan được coi là “quốc thổ di động” vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn đã lường tính đến các tình huống và phản ứng có thể xảy đến từ Việt Nam, ASEAN, Mỹ cũng như thế giới. Và đến giờ này, chính Trung Quốc cũng không ngờ bị mắc nghẹn và dính đòn “gậy ông đập lưng ông” bởi cuồng vọng bị đẩy quá đà, lộ rõ sự ảo tưởng về sức mạnh của mình, đồng thời thể hiện “chưa biết người”. Chưa rõ liệu Trung Quốc thu được gì từ hành vi gây hấn ngang ngược, song thực tế chỉ ra Trung Quốc đang rơi vào cảnh “ghét của nào trời trao của nấy”.

Trước đó Trung Quốc ra sức rao giảng chủ thuyết “trỗi dậy hòa bình" với những cuộc “tấn công quyến rũ” bằng kinh tế, thương mại, đầu tư, sức mạnh mềm văn hóa và hàng hóa giá rẻ tràn ngập toàn cầu. Tuy nhiên, với những hành động hung hăng, rõ ràng Trung Quốc đang tự phá hỏng uy tín và hình ảnh nước này dày công xây dựng bấy lâu.

Tờ Les Echos của Pháp mới đây đăng bài “Trung Quốc - cường quốc ngày càng hiếu chiến” của tác giả Gabriel Grésillon đánh giá, nếu như cách đây 5 năm, Trung Quốc còn được xem như một quốc gia hòa bình, thì giờ đây đã trở thành một kẻ gây hấn tiềm tàng trong khu vực. Hành động này ẩn chứa một rủi ro nghiêm trọng là làm sụp đổ uy tín của quốc gia. Đáng chú ý, đây không còn là ý kiến mang tính đơn lẻ mà đã trở thành nhận định phổ quát trên toàn cầu. 

Bài viết "Khuấy động biển Đông, Trung Quốc "gậy ông đập lưng ông" trên tờ Tiền Phong, của tác giả Đặng Vương Hạnh cũng có chung nhận xét về một Trung Quốc hung hãn nhưng không che dấu nổi nỗi sợ khi thế giới đoàn kết vì công bằng và lẽ phải. Tác giả viết: "Một thất bại khác, Trung Quốc rất sợ quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông và trước nay chỉ một mực khăng khăng dùng chiêu “đàm phán song phương” để bẻ từng chiếc đũa yếu ớt. Nhưng nay không phải Việt Nam mà chính tham vọng siêu cường của Trung Quốc đã tự quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Đơn giản biển Đông không thể là ao nhà của riêng nước nào và thái độ hung hãn của Trung Quốc đã đe dọa sự ổn định của khu vực, tự do hàng hải và lợi ích thương mại của hàng loạt cường quốc". Vậy là với hành động bá quyền của mình, Trung Quốc đang tự làm hại mình. Tiền nhân quả đã đúng khi "ghét của nào thì trời trao của đó".

Không chỉ vấp phải sự phản đối của Việt Nam, Philippines mà Trung Quốc còn hứng chịu sự chỉ trích gay gắt của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ…Không lạ nếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương xuất hiện những cơ chế an ninh mới hoặc liên minh nào đó nhằm đối phó với các nguy cơ nổi lên.Hệ quả  của việc Trung Quốc cố thay đổi hiện trạng, thách thức Mỹ đã khiến Washington khuyến khích Nhật Bản gánh vác một vai trò lớn hơn trên vũ đài khu vực. Tất nhiên, Nhật Bản không phải là Trung Quốc, họ đã ngay lập tức chớp lấy cơ hội này, tháo bỏ những cấm điều để trở thành một quốc gia bình thường được phép xuất khẩu vũ khí, có quyền phòng vệ tập thể, thực hiện chủ nghĩa “hòa bình chủ động” trên trận tuyến chung. Nhật Bản không nghi ngờ là một đối trọng kỵ giơ với Trung Quốc, hiển nhiên cũng rất khao khát tư cách “anh cả” khu vực. Chắc chắn sự chia sẻ quyền lực (sẽ đi kèm lợi ích) tại khu vực này sẽ làm cho Trung Quốc khó chịu.

Tác giả Đặng Vương Hạnh, trong bài báo của mình cũng nhắc đến việc các quốc gia đang khao khát hòa bình thực sự, độc lập thực sự đang tìm cách thoát ly khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc để trở thành quốc gia phát triển. Đã có những cuộc thảo luận, có những ý kiến cho việc nghiền ngẫm thuyết "Thoát Á Luận" của nhà tư tưởng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi, từng mở lối khai phóng một nước Nhật phát triển huy hoàng thời Minh Trị.

Cuối cùng, chúng ta có thể thấy rõ, Trung quốc đang ngày bị cộng đồng quốc tế nhận diện rõ nét và ngày càng trở nên cô độc bởi cách hành xử vô luân, bạo ngược của mình.

"Tôi không bao giờ tin điều Trung Quốc nói"! - Đó là khẳng định của James Borton, phóng viên kỳ cựu của Washington Times và là giảng viên Đại học Nam Carolina (Mỹ) với PV Infonet trong cuộc gặp hôm 8/6 với chủ tàu cá ĐNa 90152 (Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Và đó chính là điều mà Trung Quốc gặt hái được qua sự kiện dùng giàn khoan 981 xâm lược Việt Nam.