Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

NHỮNG NGÔI NHÀ NẤM Ở Ý TÝ

Những ngôi nhà nấm ở Y Tý.


Đứng trên cao nhìn xuống, vẻ đẹp mộc mạc, xưa cũ của những ngôi nhà trình tường mái xanh rêu ở Y Tý, Lào Cai, khiến nhiều người liên tưởng đến những cây nấm khổng lồ tuyệt đẹp mọc bên sườn núi.

Y Tý là một trong những xã nghèo nhất của huyện vùng cao Bát Xát, Lào Cai. Ở đây mây mù phủ kín quanh năm và thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Ấy vậy mà ngày càng nhiều du khách tìm đến với Y Tý. Bên cạnh những thung lũng trên mây và thửa ruộng bậc thang ở độ cao 1.500 m, người người tìm đến nơi đây còn để được ngắm những bản làng với những nếp nhà trình tường nằm san sát bên nhau, dựa vào lưng núi như trong chuyện cổ.

< Nhà trình tường ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè.

Chỉ cách Lào Cai khoảng 70 km, nhưng đường lên Y Tý quanh co khúc khuỷu. Theo những con đường mòn xoắn ốc ngược lên đỉnh Nhù Cồ San, bạn sẽ có cảm giác như “chạy thẳng lên trời”, rồi chìm ngỉm trong sương mù và mây trắng. Rồi bất chợt trong chốc lát, Y Tý đã hiện ra trước mắt với khung cảnh nên thơ khi những phụ nữ Hà Nhì gùi củi ra chợ giữa mênh mông rừng núi.

< Móng nhà trình tường không đào sâu xuống đất mà đặt ngay trên nền đá.

Là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống ở Y Tý bên cạnh đồng bào các dân tộc H' Mông, Dao, Giáy… người Hà Nhì, đặc biệt là người Hà Nhì đen, đã làm nên nét quyến rũ rất riêng cho mảnh đất khô cằn khắc nghiệt, bằng những ngôi nhà trình tường độc đáo của mình. Không giống những ngôi nhà sàn thường thấy của đồng bào dân tộc vùng cao, những ngôi nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì nằm ngay trên nền đất, tường được làm từ đất nện và mái trông xa như hình kim tự tháp.

< Những ngôi nhà trình tường ở Y Tý chỉ rộng từ 40 - 60 m².

Ấn tượng nhất trong kiến trúc nhà của người Hà Nhì là các bức trình tường dày 40 – 45 cm, cao 4 – 5 m, với hai vòng trong và ngoài. Cấu trúc này không chỉ xuất phát từ điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn của xã vùng cao biên giới, mà nó còn thể hiện sự thích ứng với thời tiết khắc nghiệt ở đây. Những căn nhà trình tường bằng đất rất dày này sẽ giúp người Hà Nhì giữ ấm vào đông mà vẫn mát mẻ vào mùa hè.

Nhìn vào kiến trúc giản đơn của những ngôi nhà trình tường, không ai nghĩ rằng để làm được khoảng 40 m² nhà, bà con Hà Nhì có khi phải mất hàng tháng trời ròng rã.

Thời điểm để tu sửa hoặc xây mới thường sau mỗi vụ mùa. Công đoạn đầu tiên sau khi chọn được mẫu đất ưng ý là đặt móng bằng các loại đá núi. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như người dưới xuôi.

< Cỏ gianh lấy về được bện lại thành từng lớp, phủ liền nhau, lớp nọ chồng lên lớp kia tạo ra mái nhà có độ dày tới 50 cm.

Tiếp đến là công đoạn trình tường nhà. Đất đã chọn được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, dùng chày gỗ giã để nén chặt với nhau, hết lớp nọ đến lớp kia, tạo nên bức tường vững chắc. Sau đó lắp ghép các xà và đòn tay gỗ để lợp mái. Nhà trình tường không có hiên và mái dốc ngắn, lúp xúp lợp từng lớp cỏ gianh.

Ở giữa nhà có một cửa ra vào và một cửa phụ ở đầu hồi bên trái, hoặc bên phải để ra chuồng trâu, chuồng ngựa phía sau. Nhìn xa những ô cửa nhỏ xíu như lỗ tò vò. So với nhà trình tường của người H' Mông, mặt tường bên trong và bên ngoài của nhà người Hà Nhì được giã, mài nhẵn và mịn trơn, khung dáng đa số là hình vuông thay vì hình chữ nhật.

Dù hiện nay những ngôi nhà trình tường theo nguyên mẫu của người Hà Nhì ở Y Tý không còn nhiều nhưng sức hấp dẫn của chúng dường như không hề thay đổi, nhất là với những tay săn ảnh vào những lúc bình minh lên và hoàng hôn buông xuống. Bởi thế mà nhiều người, khi được chiêm ngưỡng những mái nhà trình tường xanh rêu trong sương trắng, đã phải thốt lên “thiên đường là đây!”.

Theo Vy An (VnExpress)

VIỆT NAM KHÔNG BAO GIỜ KHƠI MÀO MỘT TRẬN CHIẾN, NHƯNG...

Việt Nam không bao giờ khơi mào một trận chiến, nhưng...


TRẦN NGHĨA SƠN

(GDVN) - Việt Nam không bao giờ khơi mào một cuộc chiến, nhưng quân đội và nhân dân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, khi bắt buộc phải tự vệ.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ: Hôm 8/6/2014, trong cuộc đấu tranh gần đây xung quanh giàn khoan 981, Việt Nam đã gửi một số lượng lớn các người nhái đặt lưới và các vật trôi nổi để cản trở hoạt động của các lực lượng Trung Quốc. 

Điều đó làm cho Bắc Kinh cảm thấy cần có những bài tập sát thực tế chiến đấu hơn từ cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga. Trong bài tập này, hải quân hai nước không chỉ thực hiện các nhiệm vụ tác chiến truyền thống mà còn cần thực hiện các bài tập đối phó với việc đối phương không kích căn cứ hải quân. Đặc biệt là đối phó với sự tấn công của lực lượng đặc công hải quân Việt Nam.

DP-65 loại 55 mm, hệ thống súng phóng lựu điều khiển từ xa chống người nhái (thiết bị trong vòng tròn màu đỏ, phía sau khuôn mặt nữ diễn viên). Ảnh: Nhân Dân Nhật Báo

"40 phần trăm tổn thất hải quân trên thế giới xảy ra trong khi neo đậu," Chỉ huy tàu khu trục Liễu Châu nói với phóng viên Hoàn Cầu Thời Báo trong tập trận Trung - Nga. "Vụ Trân Châu Cảng là điển hình của những thất bại trong khi neo đậu". 

Theo vị chỉ huy này, khả năng bị tấn công bởi lực lượng đặc công người nhái Việt Nam là không thể xem thường, vì 4 lý do: 

Thứ nhất, trong khi neo đậu, hạm đội tàu thường nằm theo đường thẳng, khả năng di động kém, dễ dàng bị đột kích;

Thứ hai, để tàu bắt đầu cơ động chiến đấu thường mất ít nhất 20 phút, trong khoảng thời gian này xem như tàu là mục tiêu cố định, dễ bị tấn công; 

Thứ ba, từ các tàu khó phát hiện các đặc công người nhái, vì mục tiêu là quá nhỏ và rất khó khăn để nhìn thấy bằng phương tiện kỹ thuật; 

Thứ tư, khi neo đậu, sự cảnh giác của các sĩ quan và binh sĩ là lỏng lẻo nhất. 

Một chuyên gia giấu tên của hải quân Trung Quốc nói với phóng viên Hoàn Cầu Thời Báo là Việt Nam có các công nghệ và thiết bị lặn tốt nhất từ Hoa Kỳ, và Việt Nam là nước có lực lượng đặc công hải quân lớn nhất ở Đông Nam Á. Lực lượng này được đào tạo với tiêu chuẩn rất khắt khe. Và là lực lượng có quyết tâm chiến đấu rất cao trong các lực lượng vũ trang của Việt Nam.

Tàu khu trục 052D của Trung Quốc.

Nguồn tin này còn cho rằng, đặc công người nhái Việt Nam là các cảm tử quân. Một khi họ đã rời khỏi tàu chiến hoặc tàu ngầm, thì dường như không có ý định quay trở lại những phương tiện này nữa. Họ có thể chấp nhận hy sinh, hoặc tiếp cận vào đội hình của kẻ thù và chiến đấu một mình. Vì vậy, đối phó với sự tấn công của các đặc công người nhái không thể chỉ dựa vào các hệ thống súng đặc biệt như DP-65, mà phải không cho phép tàu chiến hoặc tàu ngầm đối phương (có mang theo đặc công người nhái) vượt qua đường giới hạn tiếp cận khu vực.

Tuy tung tin như vậy nhưng Bắc Kinh không đưa ra được bằng chứng nào cả. Sự thật là Trung Quốc đã đưa nhiều tàu chiến triển khai xung quanh giàn khoan 981. Ngoài ra, máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng xuất hiện, uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam chỉ đưa lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư chứ không triển khai các lực lượng quân sự. 

Chủ trương nhất quán của ta là đấu tranh với những việc làm sai trái của Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan 981 ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam không gây hấn, không bao giờ khơi mào một cuộc chiến, nhưng quân đội và nhân dân Việt Nam cũng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, khi bắt buộc phải tự vệ.

TRẬN CHIẾN TRÂN CHÂU CẢNG

Trận tấn công Trân Châu Cảng là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii vào sáng Chủ Nhật, ngày 7/12/1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ sau đó quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Thế chiến thứ hai. 

Trận đánh này được trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định ở Đông Nam Á, chống lại Anh Quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ. 

Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản. Trận tấn công đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm Hoa Kỳ (2 chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng cho 4 chiếc khác. 

Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương. 

Các trạm phát điện, xưởng tàu, xưởng sửa chữa và các kho chứa nhiên liệu và ngư lôi, cùng các bến tàu dành cho tàu ngầm và tòa nhà sở chỉ huy (cũng là nơi đặt bộ phận tình báo) đã không bị đánh trúng. 

Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ, chỉ mất 29 máy bay và 4 tàu ngầm mini, với 65 người thương vong.

THỦ TƯỚNG VIẾT BLOG TRẤN AN NHÀ ĐẦU TƯ

Thủ tướng viết blog trấn an nhà đầu tư


(Chính trị Việt Nam) - Thủ tướng đã có bài viết trên trang thông tin (blog) của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á đang diễn ra tại Manila, Philippines.

Bài viết, được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á 2014, với tựa đề “Việt Nam – điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”.

Mở đầu bài viết mang tựa đề "Tại sao đầu tư nước ngoài bùng nổ tại Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng của Việt Nam.

Toàn văn bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên trang thông tin (blog) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Không chỉ có nhiều lợi thế và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam còn đang nỗ lực viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI bằng cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế, đồng thời xem FDI là một nhân tố quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Bài viết của Thủ tướng trên blog của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Tính đến tháng 4/2014, tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam là trên 16.300 dự án, với tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư, và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Năm 2013, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD, tăng trên 35% so với năm 2012.

Những con số trên đã minh chứng Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Có rất nhiều lý do dẫn đến những thành công này.

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Thứ nhất, Việt Nam luôn là một quốc gia ổn định vững chắc về chính trị - xã hội. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng năng động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1991-2010 đạt khoảng 7,5% và trong giai đoạn 2011-2013 dù gặp rất nhiều khó khăn vẫn đạt 5,6%. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong giai đoạn 2014-2015 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với 60% người dân trong độ tuổi lao động; có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Á, nơi tập trung của nhiều nền kinh tế lớn và năng động.

Việt Nam là nền kinh tế thị trường, là thành viên WTO, đã và đang tham gia nhiều khuôn khổ liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có các FTA với các đối tác trong và ngoài khu vực, đặc biệt Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là những lợi thế cơ bản luôn hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết và hành động nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như không ngừng cải thiện khuôn khổ luật pháp và thể chế phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Giám đốc điều hành WEF, nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, Philip Rosler đón chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị WEF Đông Á 2014

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực triển khai lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục câu chuyện thành công

Trong trung và dài hạn, Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên của Việt Nam sẽ hướng vào nguồn vốn FDI “chất lượng cao”, cụ thể là các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Để viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI, Chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Rất nhiều giải pháp đồng bộ đã được đặt ra, trong đó Chính phủ Việt Nam đặt trong tâm vào 3 lĩnh vực “đột phá chiến lược” thực hiện từ nay cho đến năm 2020.

Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và khung khổ pháp luật; xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia; thúc đẩy đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bên cạnh đó, với việc coi thành công của các doanh nghiệp FDI cũng chính là thành công của mình, Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, các dòng vốn FDI đang dần phục hồi và sẽ gia tăng tại các nền kinh tế năng động. Với triển vọng tích cực của kinh tế toàn cầu và khu vực, chúng tôi chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, hoan nghênh các bạn tiếp tục lựa chọn Việt Nam và tin tưởng chắc chắn các bạn sẽ thành công tại đất nước chúng tôi.

Theo VNE

LÝ SỰ CÙN

Phản bác lý sự “chủ quyền” của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa


QĐND - Thứ sáu, 13/06/2014 

Gần đây, trong một số hội nghị, hội thảo quốc tế, một số quan chức cao cấp, tướng lĩnh, nhà ngoại giao, học giả Trung Quốc lên tiếng khẳng định, ngay từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, tức thời nhà Hán, người Trung Quốc đã tiến hành hoạt động hàng hải ở Biển Đông và phát hiện ra quần đảo "Tây Sa" (Hoàng Sa) và Trung Quốc có chủ quyền ở quần đảo "Nam Sa" (Trường Sa)… Tất cả những “lý lẽ” ấy đều nhằm biện minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích, ta sẽ thấy chúng chỉ là những lập luận vô căn cứ từ phía Trung Quốc.

Nguyên tắc xác định “quyền thụ đắc lãnh thổ” trong pháp luật quốc tế

Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế (như: “Chiếm hữu thật sự”, “chủ quyền lịch sử”, “khoảng cách địa lý”…) nhưng nguyên tắc “thụ đắc lãnh thổ quốc gia” mới là phương thức đánh giá một cách khách quan, khoa học đối với các quan điểm pháp lý do các bên tranh chấp chủ quyền nêu ra và trở thành nguyên tắc được thế giới thừa nhận sử dụng rộng rãi và gọi là nguyên tắc “quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia”.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: doisongphapluat.com.

Từ thế kỷ XVI, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện, bao gồm nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu” (hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”) và cùng với đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.

Theo nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu”, luật pháp quốc tế dành quyền ưu tiên chiếm hữu cho quốc gia đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Việc “phát hiện” sau này được bổ sung bằng việc “chiếm hữu danh nghĩa”, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện đó. Tuy vậy, nguyên tắc “chiếm hữu danh nghĩa” không những không giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng “đất hứa”, trái lại, còn dẫn đến không ít cuộc đối đầu quyết liệt giữa các cường quốc, bởi không thể lý giải được cụ thể “chiếm hữu danh nghĩa” được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào… Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ, đặc biệt, sau khóa họp của Viện Pháp luật Quốc tế ở Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc mới, đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.

Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này nên các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.

Cho nên, lý lẽ mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho quan điểm của họ sau khi dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam dựa vào cái gọi là thuyết “chủ quyền lịch sử” là một luận thuyết vô cùng lạc hậu, trái với công pháp quốc tế, không được luật pháp quốc tế dùng để xử lý các tranh chấp về thụ đắc lãnh thổ đối với các quần đảo.

Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa

Trước tiên, Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các ghi chép lịch sử chính thức cho thấy, ít nhất từ thế kỷ XVII, các hoàng đế Việt Nam đã xác lập chủ quyền và có các hoạt động khẳng định chủ quyền, thực thi chủ quyền Nhà nước một cách hòa bình và liên tục đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi các vùng lãnh thổ này được xem là vô chủ. Sau thời kỳ nhà Nguyễn, chính quyền bảo hộ Pháp và Việt Nam đều tiếp tục duy trì chủ quyền và quản lý trên thực tế đối với hai quần đảo này.

Tháng 8-1951, Hội nghị hòa bình San Francisco với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia, nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7-1954, các bên, trong đó có Trung Quốc, tham gia Hội nghị Geneve 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương, đã ký kết Hiệp nghị Geneve công nhận và tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau khi Pháp rút, năm 1956, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm khu vực phía Đông và tháng 1-1974, chiếm nốt khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 3-1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma do Việt Nam quản lý.

Theo luật pháp quốc tế, việc sử dụng vũ lực để chiếm hữu lãnh thổ là không được thừa nhận. Hành động nói trên của Trung Quốc đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc. Do đó, việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa hiện nay là không có giá trị, dù Trung Quốc đã ở đó bao lâu và thực hiện những biện pháp gì nhằm thực thi sự quản lý. Cho nên, tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa) là phi pháp.

Các đây một thập kỷ, Trung Quốc đưa ra khái niệm ''trỗi dậy hòa bình'', rồi ''phát triển hòa bình'', cam kết không bá quyền, trấn an thế giới về sự phát triển của mình. Tuy nhiên, với những hành động gây hấn và khiêu khích từ năm 2009 trở lại đây trên Biển Đông và biển Hoa Đông, thế giới đã thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc. Thế giới đang nhìn Trung Quốc như là một cường quốc ngày càng ưa sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trong khu vực, khẳng định chủ quyền bằng cách tạo ra những “thực tế mới” trên Biển Đông.

NGUYỄN HỒNG QUÂN

DÃ TÂM ĂN CƯỚP DƯỚI CHIÊU BÀI HỮU NGHỊ CỦA TRUNG QUỐC

Dã tâm ăn cướp dưới chiêu bài hữu nghị của Trung Quốc


(Chính trị Việt Nam) - Đối đầu với Trung Quốc về quân sự Việt Nam không và chưa bao giờ ngán, nhưng trên mặt trận kinh tế, nếu mất cảnh giác là rất nguy hiểm.

Mỹ tấn công Iraq, Afghanistan… rồi gần đây Pháp, Ý tấn công Libya không phải là để chiếm đất đai, mở rộng lãnh thổ mà cái họ cần đạt được là dựng lên một chính phủ mới “thân” họ, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu chiến lược kinh tế, quân sự của họ hiện tại và tương lai.

Đối với những quốc gia có năng lực quốc phòng mạnh thì dùng đòn kinh tế để làm tan rã quốc gia, thực hiện các “cuộc cách mạng màu” như thời gian gần đây tỏ ra vô cùng hiệu quả.

“Diễn biến hòa bình” Made in China!

Sau 1975 thực tế rõ ràng là có rất nhiều lực lượng thù địch hoạt động chống phá Việt Nam và chúng ta gọi đó là “Chiến lược diễn biến hòa bình”.

Với sự đổi mới tư duy, đa phương hóa trong các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam đã từng bước hòa nhập vào thế giới. Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên thế giới khiến áp lực “diễn biến hòa bình” giảm hẳn, nhưng có một sức ép, khác-sức ép này nằm trong chiến lược thôn tính Việt Nam vô cùng thâm hiểm mà nhà cầm quyền Bắc Kinh từ xưa đến nay đã triển khai thực hiện từng giờ, từng phút không bao giờ ngơi nghỉ.

Nếu như “chiến lược diễn biến hòa bình” dễ nhận ra bởi mục đích chống phá, phá hoại Việt Nam, dựng nên một chính phủ khác để chi phối, lũng đoạn thì chiến lược thôn tính Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc thâm và hiểm ở chỗ nó thực hiện dưới chiêu bài anh em đồng chí, hữu nghị... có mục tiêu chính trị “giống nhau”. 

Cài thế chiến lược thôn tính Việt Nam

Một điều khẳng định được ngay là nếu Trung Quốc không đạt được mục tiêu chi phối Việt Nam là có chuyện ngay. Tùy theo tình hình mạnh yếu khác nhau, họ luôn gây căng thẳng, đe dọa và tiến hành chiến tranh. Xuyên suốt lịch sử Việt Nam và Trung Quốc bao đời nay là vậy.

Gần đây nhất là năm 1979, Khơ me đỏ dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc dùng hàng chục sư đoàn quân hiếu chiến tấn công Việt Nam ở biên giới Tây Nam. Thế 2 gọng kìm phía Nam và Tây áp sát Việt Nam là nước cờ rất hiểm, cho nên, từ thời Đặng Tiểu Bình cho đến nay, giới cầm quyền Trung Quốc bám riết lấy để chơi nước cờ này mà không bao giờ từ bỏ. 

1.000 người Việt các thế hệ ngày 16/5 đã tham gia cuộc biểu tình hòa bình tại quảng trường Trocadero ở thủ đô Paris, Pháp

Sau 1979, các nhà đầu tư Trung Quốc đã sang thuê đất “trồng rừng” ở nhiều nơi như biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại Nghệ An, họ thuê đất gần với đường 7, đường 8 sang Lào. Tại Quảng Nam họ thuê gần khu vực có đường thuận tiện lên Tây Nguyên và sang Campuchia… Lưu ý là những khu vực mà họ thuê thì người Việt không được bén mảng vào đó.

Người Trung Quốc cũng thuê nuôi cá bè tại Nha Trang gần cảng Cam Ranh.

Vị trí Tây Nguyên, nơi mà các nhà quân sự cho rằng ai chiếm được nó là làm chủ toàn Đông Dương hay Vũng Áng-Hà Tĩnh, điểm cắt ngắn nhất sang đảo Hải Nam cũng đã có người Trung Quốc làm các dự án kinh tế.

Trên thực tế, đối đầu với Trung Quốc về quân sự thì Việt Nam không và chưa bao giờ ngán. Nhưng làm ăn kinh tế với Trung Quốc như trong thời gian qua, ngẫm lại thấy lo. Nếu Việt Nam cảnh giác với Trung Quốc như đã từng cảnh giác với phương Tây trong chiến lược diễn biến hòa bình thì không hề gì, đằng này Trung Quốc lợi dụng tình hữu nghị anh em để che đây dã tâm thôn tính của họ.

Tính đến năm 2011 đã có tới 90% các công trình khai khoáng, luyện kim, dầu khí, hóa chất đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét về điện đã có nhiều dự án tỷ đô la rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến dự án điện Quảng Ninh 1, 2 với giá trị 400 triệu USD; điện Mỹ Tân 2 với số vốn 1,3 tỷ USD; điện Duyên Hải 1 là 4,4 tỷ USD.

Vấn đề cần đặt ra là: Tại sao và Trung Quốc muốn gì?.

Trước hết phải hiểu vì sao các doanh nghiệp của Trung Quốc trúng thầu, vì họ bỏ giá rẻ. Bỏ giá rẻ là lỗ, chẳng có doanh nghiệp nào điên khùng như thế, nhưng các doanh nghiệp của Trung Quốc thì không. Miễn sao trúng thầu, trúng thầu rồi, sau một thời gian thì họ báo đội giá (vậy thì đấu thầu có ý nghĩa gì?) rồi làm đến đâu là quyền của họ, họ luôn luôn lạm dùng tình hữu nghị Trung-Việt!

Thứ nhất là hầu như các dự án đó có tiến độ rất ì ạch, khi hoàn thành thì vận hành gặp rất nhiều trục trặc, phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu Trung Quốc.

Thứ hai là họ không thuê lao động là người Việt Nam mà họ đem người Trung Quốc sang làm.Nguyên ngoại trưởng Mỹ, bà H.Clinton chẳng đã từng vạch mặt gọi Trung Quốc là thực dân ở châu Phi đó sao!.

Trung Quốc đã, đang, tạo nên một sức ép rất lớn lên Việt Nam. Và, có thể nói, Việt Nam phải đối phó với rất nhiều mũi nhọn mà Trung Quốc chĩa vào chứ không phải chỉ riêng ở Biển Đông.

Rung chấn từ giàn khoan Hải Dương 981

Nếu như sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản thay đổi Hiến pháp hòa bình thì sự hung hăng, ngang ngược, bất chấp của Trung Quốc gần đây nhất trong vụ hạ đặt giàn khoan trái pháp trong thềm lục địa Việt Nam đã như giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Việt Nam không còn một chút lòng tin nào vào Trung Quốc mà thay vào đó là sự cảnh giác, cảnh giác đến cao độ.

Thủ tướng Việt Nam tuyên bố: “Không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng bằng thứ hữu nghị viễn vông hay hòa bình lệ thuộc nào đó”.

Đây là một tuyên bố có ý nghĩa đánh dấu lịch sử quan trọng, tuyên bố dứt khoát thoát ra khỏi lệ thuộc Trung Quốc, một láng giềng đầy dã tâm.

Khó khăn về kinh tế sẽ đến với chúng ta, thậm chí chiến tranh có thể xảy ra, nhưng muốn tự do, muốn độc lập dân tộc, muốn có sự thay đổi, phát triển thì phải dứt khoát thay đổi tư duy. Khi đã xác định rõ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” thì sẵn sàng chấp nhận mọi giá để có được và giữ được độc lập, tự do.

Lê Ngọc Thống

ĂN KHÔNG NÓI CÓ, LÀM HOANG MANG DƯ LUẬN

Khoai@


Hết nói!

Sao lại có người ăn không nói có như thế này, và bịa chuyện như thế để làm gì?

Sự thật vụ ô tô 'bị bắn vỡ kính' trên cao tốc

Nghi án ô tô bị bắn trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đã chính thức được CQĐT bác bỏ. Chủ nhân của chiếc xe bị vỡ kính cũng đồng tình với kết luận này.

Ngay sau khi thông tin cảnh báo “bị nã đạn làm vỡ kính xe” trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên của một nickname được đăng tải trên facebook, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 – Công an TP Hà Nội) đã phối hợp với công an huyện Sóc Sơn xác minh sự việc.

Theo CQĐT, quá trình tìm hiểu và làm việc trực tiếp với người có xe bị vỡ gương (nickname D.K) – người đưa thông tin trên trang cá nhân của mình, cơ quan công an xác định: không có việc đối tượng lạ mặt bắn súng vào ô tô trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đoạn đi qua Phù Lỗ.

Phần kính ô tô bị vỡ

Kết quả khám nghiệm chiếc xe ô tô của D.K, cơ quan công an cho biết, kính xe vỡ là do bị gạch ném vào.

Người đăng tải thông tin trên face cũng đã xác nhận sự việc này.

Tại CQĐT, D.K đã thừa nhận: kính xe ô tô của mình bị vỡ là do bị gạch ném vào. Địa điểm bị gạch ném đúng là cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Xe bị ném gạch nằm ở ngay khúc cua từ Thái Nguyên rẽ hướng đi Nội Bài.

Khi xảy ra sự việc, D.K đã quay ra quan sát nhưng không có ai xung quanh.

Việc D.K đăng tải trên trang cá nhân nhằm mục đích cho đối tượng ném đá nghĩ cơ quan công an đang điều tra mà sợ và không thực hiện hành vi ném đá vào các xe khác nữa.

Trên trang cá nhân của mình, vào lúc 22h ngày 12/6, nickname D.K đã đăng tải một status với nội dung: “Cảm ơn các đồng chí công an đã giúp tôi làm rõ nguyên nhân sự việc. Cảm ơn các anh vì tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc và giải quyết vấn đề cá nhân tôi cũng như vấn để của một phần xã hội…”.

Nghi án “nã đạn vào kính xe” trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đã được giải đáp. Đó cũng là điều mà ai cũng mong muốn để dẹp bỏ những lo lắng, hoang mang.

Thái Bình

VÌ SAO TRUNG QUỐC NGÀY CÀNG XẤU XÍ TRONG MẮT THẾ GIỚI?

Trí Dũng (Theo The Diplomat, BBC) 

Một khảo sát được BBC thực hiện trên toàn thế giới gần đây cho thấy hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế đang ngày càng trở nên tệ hại.

Trong cuộc khảo sát này, những người tham gia được hỏi rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới là tích cực hay tiêu cực, và kết quả khảo sát cho thấy trên bình diện toàn cầu, có tới 42% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho thế giới.

Trong khi đó, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 quốc gia láng giềng quan trọng nhất của Trung Quốc, hình ảnh của Trung Quốc trở nên đen tối hơn rất nhiều. Chỉ có 32% số người Hàn Quốc có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, trong khi số người cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc là tiêu cực lên tới 56%.

46% dư luận toàn cầu có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc

Còn tại Nhật Bản, chỉ có 3% số người cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng tích cực (một con số thấp kỷ lục), trong khi 73% người Nhật coi Trung Quốc là một thế lực tiêu cực ở châu Á.

Hình ảnh của Trung Quốc chỉ được nhìn nhận một cách tích cực ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, nơi Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền để đầu tư làm ăn. Ở những quốc gia châu Phi như Nigeria, Ghana, Kenya, tỉ lệ ủng hộ Trung Quốc luôn ở mức trên 65%.

Có một thực tế thú vị là hầu hết các quốc gia phát triển đều có cái nhìn tiêu cực về hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Chẳng hạn như có tới 49% người Anh và 47% người Úc coi ảnh hưởng của Trung Quốc là tiêu cực, trong khi tỉ lệ số người có cái nhìn tích cực lần lượt là 46% và 44%.

Điều đặc biệt là tại Đức, chỉ có 10% người dân nước này nhìn nhận tích cực về hình ảnh của Trung Quốc, trong khi có tới 76% dân chúng cho rằng Trung Quốc gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi các quốc gia phát triển phương Tây thường chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Tuy nhiên, một câu hỏi mà các chuyên gia phân tích quốc tế đặt ra là liệu Trung Quốc có thèm quan tâm tới hình ảnh quốc tế của họ hay không. Từ những hành động hung hăng, ngang ngược bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế gần đây trên Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc, có vẻ như Bắc Kinh không hề bận tâm đến hình ảnh của mình trong mắt các quốc gia láng giềng.

Thế nhưng điều này lại không phù hợp với nỗ lực của Bắc Kinh trong suốt nhiều năm qua nhằm tăng cường quyền lực mềm và xây dựng một hình ảnh quốc gia tích cực trên toàn thế giới. Thế nên điều làm người ta khó hiểu là nếu Trung Quốc quan tâm tới hình ảnh quốc tế của mình như vậy, tại sao họ lại hành xử một cách ngông cuồng và xấc xược đến thế tại châu Á?

Cách hành xử hung hăng như thế này khiến hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí

Đây là một câu hỏi lớn đã được đặt ra trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là sau khi Trung Quốc có một loạt hành động đơn phương nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng trong các vấn đề tranh chấp trên biển.
Đầu tiên, họ đơn phương thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, sau đó cho tập kết vật liệu nhằm xây dựng đường băng trên đảo Gạc Ma, và gần đây nhất là ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Chính những hành động trên của Bắc Kinh đã khiến các quốc gia láng giềng nhìn nhận Trung Quốc như một kẻ bắt nạt ở châu Á.

Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng có 3 cách giải thích cho mâu thuẫn giữa chiến dịch xây dựng hình ảnh quốc gia của Trung Quốc với cách hành xử hung hăng ngang ngược của nước này.

Đầu tiên, có vẻ như Trung Quốc không thực sự quan tâm lắm đến khái niệm hình ảnh quốc gia hay quyền lực mềm. Theo tư duy kiểu thực dụng hiện nay ở Trung Quốc, điều quan trọng trong chính trị quốc tế là quyền lực vật chất, còn quyền lực mềm chỉ là sản phẩm phụ của quyền lực vật chất.

Do vậy, giới lãnh đạo của Trung Quốc dường như đang chấp nhận ý tưởng “thà để người ta sợ hơn là để người ta yêu” trong các mối quan hệ quốc tế. Nếu đây chính là động lực cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm gần đây, không có gì ngạc nhiên nếu họ không hề quan tâm đến hình ảnh quốc gia của mình.

Thứ hai, Trung Quốc có thể muốn xây dựng hình ảnh quốc gia, thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ nước này vô cùng thô vụng trong việc tạo dựng hình ảnh đó, và họ thường xuyên áp dụng chiến thuật vu vạ, đổ lỗi, đổ vấy cho người khác để rũ bỏ trách nhiệm của mình trong các vấn đề quốc tế.

Chẳng hạn như gần đây Trung Quốc đưa ra bản tuyên cáo lập trường tại Liên Hợp Quốc trắng trợn vu cáo rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần với mục đích khiến cộng đồng quốc tế nghĩ rằng Việt Nam là thủ phạm gây ra căng thẳng trên Biển Đông.

Thế nhưng, họ lại không hề công bố được bằng chứng nào để chứng minh điều đó, trong khi Việt Nam đã phát sóng những hình ảnh không thể chối cãi về việc tàu Trung Quốc cố tình tấn công, đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam, thậm chí còn đâm chìm cả tàu ngư dân Việt Nam.

Có rất nhiều trường hợp tương tự như thế này, chứng tỏ rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc chỉ dựa trên những lời dối trá, vu vạ để tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của thế giới. Thế nhưng cách làm đầy thô vụng và lừa lọc này chỉ đem lại tác dụng ngược, khiến cộng đồng quốc tế nhận ra bản chất của Trung Quốc và càng có cái nhìn ác cảm hơn với họ.

Cách giải thích cuối cùng là hiện nay giới lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện chiến lược coi lợi ích quốc gia nằm trên cả hình ảnh đất nước. Thế nên, họ không thèm quan tâm đến thế giới đang nghĩ gì về mình mà chỉ chăm chăm bảo vệ những thứ mà họ coi là chủ quyền quốc gia và thống nhất lãnh thổ, mặc dù đó là những lãnh thổ của nước khác mà họ cố tình vơ vào của mình bằng những tuyên bố đầy mơ hồ không hề theo bất cứ căn cứ pháp lý nào của luật pháp quốc tế.

Hồi đầu năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu từ bỏ các lợi ích quốc gia cốt lõi bất cứ trong hoàn cảnh nào. Với cách nhìn này, rõ ràng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thèm quan tâm đến hình ảnh quốc gia của mình, dù nó có xấu xí và tiêu cực đến đâu, khi động đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ.