Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

NGƯỜI DÂN HÀ NỘI CÓ ĐU DÂY QUA SÔNG HAY KHÔNG?

Ong Bắp Cày


Hết luật sư rồi lại đến báo chí đòi thượng phương bảo kiếm, trong khi chỉ giỏi xuyên tạc.

Xin lỗi các bạn, làm thì đéo ra cái thể thống cống rãnh gì nhưng toàn nỏ mồm. Hơi tí là lu loa ăn vạ. 

Chả trách người dân bây giờ "Sợ báo hơn sợ cọp", các cơ quan, doanh nghiệp tránh báo chí như tránh hủi.

Đến chuyện không có mà cũng dựng cho thành có được mới tài!

Sao mấy ông công an không túm cổ chúng nó đi cho dân được nhờ?

Hãy xem clip để biết sự thật:


Báo Dân trí có đáng tin không?

NGƯỜI RA GIÁ 200 TRIỆU LẤY BẰNG TIẾN SĨ Y KHOA: "NCS TOÀN LÀ SẾP THÔI"!

Người ra giá 200 triệu đồng lấy bằng tiến sỹ y khoa: NCS toàn sếp thôi!


Copy từ Kim Dung/Kỳ Duyên

KimDung: Mình cũng tin ông Đàm Khải Hoàn nói thật. Bởi đã quá từng trải để hiểu đường đi nước bước của cách làm NCS của nhiều vị mà ông chứng kiến. Vấn đề bây giờ, nếu những thú nhận của ông về các quan chức TN làm NCS là có thật, sẽ đẩy ĐH Thái Nguyên vào thế khó xử. Hị.hị.. Thành thử, chưa chắc ông ĐKH bị xử lý đúng như mức độ tội lỗi của ổng, thì sao? :P . Và rất có thể cuối cùng, huề cả làng.

——-
Ông Hoàn còn tỏ ra biết rõ chuyện hậu trường trong việc làm nghiên cứu sinh của các vị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên…

Ông Đàm Khải Hoàn (áo trắng).

PGS Đàm Khải Hoàn - Đại học Y Thái Nguyên - người ra giá 200 triệu đồng để lấy bằng tiến sĩ Y khoa

Thi nghiên cứu sinh tại Đại học Thái Nguyên thì có nhiều ngành nghề chỉ có toàn sếp thi. Ví dụ như nông nghiệp thì chủ tịch và bí thư toàn đi thi thôi… 

Trong cuộc tiếp xúc với PV (trong vai một người buôn gỗ), PGS Đàm Khải Hoàn tỏ.. rõ mình nắm mọi ngóc ngách của việc làm nghiên cứu sinh bằng… tiền

Ông nói: “Nhiều khi có tiền cũng chưa chắc đã làm được. Năm kia, thầy để một anh bị hỏng chỉ vì bất cẩn. Anh này là giám đốc một bệnh viện nhà nước và làm chủ của 2 cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, bị trượt vì không vượt qua được cả 2 môn toán và ngoại ngữ.

Hỏi ra mới biết anh này không chịu đi gặp đưa quà cho mấy thầy trong hội đồng. Phải đi thì người ta mới nói cho mình biết là sẽ thi và hỏi vào phần nào chứ. Còn ngoại ngữ thì em biết rồi đấy, người ta muốn hỏi cho mình trượt là mình trượt ấy mà. Thầy lại cứ nghĩ anh này làm giám đốc rồi thì phải rành chuyện ấy chứ!”.

Lúc này, PV ướm hỏi: Nhưng thực tình em không biết gì. Lỡ khi bảo vệ đề cương đề tài các thầy trong hội đồng hỏi thì em biết trả lời sao?

Lúc này, vị PGS trấn an lập tức: “Yên tâm, cái đó lo được. Không rửa bát thì phải bế em thôi. Tôi đã hướng dẫn nhiều người rồi. Cần gặp ai thì tôi sẽ bảo cậu đến gặp. Mấy người đó toàn đàn em tôi thôi mà”.

Thậm chí, ở câu chuyện thứ 2, ông Hoàn còn tỏ ra biết rõ chuyện hậu trường trong việc làm nghiên cứu sinh của các vị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

“Thi nghiên cứu sinh tại Đại học Thái Nguyên thì có nhiều ngành nghề chỉ có toàn sếp thi thôi. Ví dụ như nông nghiệp thì chủ tịch và bí thư toàn đi thi thôi. Như ông Đ (một vị nguyên là lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên – PV) vừa rồi bảo vệ tiến sĩ ấy, tiền hô hậu ủng!”, ông Hoàn nói.

ĐƯỜNG VỀ NƯỚC CỐNG HIẾN CỨ.... XA VỜI VỢI

Những ai vượt qua được rào cản này thì hướng đi khả dĩ nhất của họ là tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc. Con đường trở về giúp ích cho đất nước cứ xa vời vợi.


Ai theo đuổi nghiệp nghiên cứu?

Với thực tế đang bày ra trước mắt của những thế hệ “đàn anh” đi trước, thì tương lai với những ai muốn theo đuổi nghề nghiệp nghiên cứu không mấy sáng sủa.

Cơ chế làm việc tệ hại, đồng lương quá thấp, chính sách về khoa học công nghệ chưa thuận lợi và rất nhiều rào cản khác là những điều họ có thể nhìn thấy khá rõ ràng. Họ cũng khó mà được khích lệ hay có cảm hứng khi nhìn vào các thế hệ trước, từ năng lực, sự say mê với công việc nghiên cứu cho đến điều kiện vật chất, tinh thần.

Chưa kể, việc lựa chọn nghề nghiệp hiện nay lại còn bị bủa vây trong tâm lý chung của xã hội Việt Nam là chỉ nhăm nhăm học ngành nào, làm cái gì để kiếm được nhiều tiền. Có thể tìm thấy vô số những lời phàn nàn về chuyện này, từ các hội thảo chuyên môn cho đến thông tin trên báo chí phổ thông.

Tất cả những điều đó làm cho nhiều người trong số các thành phần HSG không mấy mặn mà với việc đi theo con đường học thuật. Trong số khá nhiều đội tuyển HSG quốc gia thời phổ thông, hầu hết thành viên đều chọn đi theo những con đường khác. Một số người, tuy đi làm kiếm tiền (và kiếm được khá nhiều) nhưng trong thâm tâm họ vẫn luôn tiếc nuối về con đường học hành nghiên cứu dang dở. Rất đáng tiếc.

Ảnh minh họa 

Với những người vẫn còn chút yêu thích nghiên cứu và có ý định đi theo lĩnh vực này, sau khi học xong ĐH ở VN, con đường khả dĩ nhất của họ là du học. Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều người rất vất vả để theo kịp bạn bè, đồng nghiệp ở các trường ĐH phương Tây. Ngoài những vấn đề chung như khả năng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ thì họ còn gặp phải vấn đề về kỹ năng làm việc. Lý do cơ bản là họ không được hướng dẫn làm việc nghiêm túc, đúng cách ngay từ đầu: trường ĐH không có đủ thầy giỏi để hướng dẫn họ. Sự thành công vượt bậc của những HSG có năng lực tương đương nhưng có cơ hội đi học ở các nước phát triển ngay sau phổ thông là một minh chứng cho điều này.

Rất khó để cải thiện trong ngày một ngày hai, không chỉ kiến thức, khả năng mà còn cả những thói quen làm việc thiếu chuyên nghiệp đã hình thành và bám rễ vững chắc trong suốt những năm học ĐH ở VN, trong khi thời gian thì không chờ đợi ai. Điều này rất dễ làm nản chí ngay cả những người có tố chất tốt.

Những ai vượt qua được rào cản này thì hướng đi khả dĩ nhất của họ là tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc. Con đường trở về giúp ích cho đất nước cứ xa vời vợi.

Khả năng và bằng cấp: thiếu và thừa

Khác với nhiều lao động thông thường khác, nghiên cứu khoa học là lao động đặc thù, không thể đào tạo cấp tốc trong mấy tháng, mấy năm được. Cần phải có một chiến lược lâu dài, có tính hệ thống, đồng bộ và nhất quán. Hậu quả của những bất cập nói trên thì không cần sau này mới thấy.

Chẳng hạn hiện nay khi cần đào tạo hàng chục nghìn tiến sỹ (TS) cho các trường ĐH trong vòng 10-15 năm tới thì người ta mới quáng quàng đi tìm cho đủ số để đào tạo. Nhưng không chăm lo từ gốc, thì đào đâu ra đủ người? Có tìm đủ đi nữa, thì chất lượng cũng có vấn đề. Điều này có thể nhận ra từ những vấn đề về chuyên môn và ngoại ngữ nảy sinh trong quá trình tuyển chọn người đi học TS ở các nước phát triển. Chúng ta đã lãng phí một số lượng không nhỏ người có nền tảng tốt từ bậc học phổ thông, đồng thời cũng là những người có tiềm năng làm khoa học tốt.

Trong tình trạng thiếu hụt nhân lực đó, hàng năm đất nước vẫn sản sinh ra hàng trăm, hàng nghìn "TS giấy". Họ có bằng TS nhưng không tham gia nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, không theo đuổi nghiên cứu khoa học, không giảng dạy, nghiên cứu trong các trường ĐH hay làm nghiên cứu ở các cơ sở nghiên cứu. Họ lấy bằng TS vì mục đích khác, với sự tiếp tay của những cơ sở đào tạo dễ dãi, thậm chí còn mua bán bằng cấp từ bí mật tới công khai. Trong khi tình trạng này đã diễn ra đến mức báo động, thì chính sách để hạn chế nó vẫn chưa có cải thiện gì đáng kể. Thực tế này làm lòng tin của xã hội vào tấm bằng TS bị xói mòn nghiêm trọng, lòng tự hào của những người lấy bằng TS bằng con đường nghiên cứu nghiêm túc bị tổn thương, từ đó góp phần làm nản chí những ai có ý định lựa chọn nghề nghiệp rất đặc thù này.

Chọn công việc thời thượng... dễ hơn làm nghiên cứu?

Tất cả những điều trên dẫn đến một hệ lụy là số HSG ở bậc học PT muốn học chuyên sâu ngày càng ít dần đi.

Phần nhiều trong số họ chỉ học những gì cần cho kỳ thi đầu vào ĐH mà thôi, trong khi kỳ thi hiện nay, vì tính chất và đối tượng của nó, không có nhiều tác dụng khuyến khích HSG học chuyên sâu.

Ngoài ra nhiều người trong số họ cũng lựa chọn các các ngành thời thượng, dễ kiếm tiền, rời xa các ngành khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là khoa học cơ bản vì thiếu chính sách khuyến khích thích hợp. Một số nữa thì lao vào rèn luyện những thứ cần cho việc đi học nước ngoài từ sớm mà trong nhiều trường hợp không cần học chuyên sâu. Tệ hơn, một số khác thì chỉ lao đầu vào học ngoại ngữ, kỹ năng sống... mà xem nhẹ việc học chuyên môn.

Điều đó có thể quan sát được qua vô số tin tức hàng ngày, từ việc tranh luận trên báo chí về kỳ thi ĐH cũng như điểm chuẩn vào các ngành, các trường, đến việc thảo luận trên các diễn đàn về con đường du học, các phát biểu của giới trẻ về định hướng tương lai của họ. Không thể nói rằng những định hướng trên là sai, ngược lại nó còn cần thiết để tạo ra một lớp người mới năng động, sáng tạo với tài năng đa dạng hơn cho đất nước.

Nhưng sự mất dần hứng thú, mục tiêu với việc học chuyên sâu của HSG qua thời gian là điều mà có lẽ chúng ta cần phải lưu ý trong việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học cho nước nhà. Nếu không có biện pháp khắc phục, tài năng khoa học sẽ mai một dần, vì quá trình học tập chuyên sâu từ sớm là rất quan trọng trong việc tạo nền tảng tốt cho người làm khoa học nói chung.

Không rõ là trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những biện pháp nào để cải thiện tình trạng nêu trên. Nếu cải thiện được thì với nền tảng đã có được, tôi tin rằng chỉ cần 20-30 năm là đủ để tạo dựng được một đội ngũ làm nghiên cứu mạnh, giúp cho nền khoa học - kỹ thuật của đất nước có thể bứt phá.

Sự thành công của Hàn Quốc và phần nào đó là Đài Loan từ một xuất phát điểm tương tự chúng ta là một bài học đáng suy ngẫm. Tuy nhiên khác với các nước này, điều kiện hiện nay của Việt Nam có những nét đặc thù, chưa thuận lợi cho những cải cách cần thiết. Do vậy để đạt được thành công như họ, chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

Tâm Trí

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, từng là HSG Toán quốc gia thời phổ thông, giảng viên ĐH và hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ. Mời bạn đọc tranh luận.

Tuần Việt Nam

CÔ GIÁO, ĐỪNG VỀ VIỆT NAM

Cô giáo, đừng về Việt Nam! “Teacher, don’t go Vietnam!”


TT - Câu chuyện của tác giả Đỗ Thanh Lam viết về cô giáo Lệ Quyên dạy học tại Thái Lan đăng trên một trang mạng và nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng mạng.

Học sinh quỳ xuống cúi lạy chị. Rồi các em đồng thanh nói: “Teacher, don’t go Vietnam!” - Ảnh nhân vật cung cấp

Để giới thiệu câu chuyện này đến đông đảo bạn đọc, Tuổi Trẻ đã liên lạc với tác giả và được sự đồng ý của tác giả, Tuổi Trẻ trích đăng lại câu chuyện này.

Tôi để nguyên văn câu nói của các em học sinh dù biết sai chính tả. Nhưng với tôi, nó mộc mạc và đẹp hơn bất kỳ câu nói trau chuốt nào.

Vì nó xuất phát từ chính tấm lòng những em học sinh cấp II Trường Banborthong, Thái Lan.

"Từ lúc các em bắt đầu hát chị đã khóc. Và khi các em cúi xuống lạy mình, chị òa khóc không thể kiềm chế được”.
Tôi nghe chị nói nhưng chưa hoàn toàn hiểu. Mãi đến khi tôi mở email ra, nhìn tấm ảnh chị gửi, tôi đã bị chấn động.
Nếu tôi là chị, chắc chắn tôi cũng sẽ khóc. Bởi vì các em đã trân trọng chị vượt mức chị có thể tưởng tượng.
Điều trớ trêu là lúc hiểu được điều đó thì chị lại sắp phải về VN

Tôi gặp chị ấy - Lệ Quyên, “Sawasdee Thailand project” (Xin chào Thái Lan), một dự án dạy học cho trẻ em vùng sâu vùng xa nổi tiếng toàn quốc. Ngày 16-1-2014, chị đến Tân Sơn Nhất lên máy bay chia tay VN.

Ngày 1-3-2014, tiệc chia tay ở Bangkok, rồi chị rời xa Thái Lan. Trở về TP.HCM, chị tiếp tục cuộc sống thường ngày của một sinh viên đã tốt nghiệp. Nhưng thời gian một tháng rưỡi ngắn ngủi để lại trong chị những trải nghiệm trĩu nặng.

Chị dạy tiếng Anh ở Trường Banborthong, thuộc tỉnh Chaiyaphum, cách Bangkok 10 giờ đi xe. Chị tiếp xúc với những đứa trẻ cấp II da rám nắng, đã biết lái xe máy, lái máy cày, đã biết yêu, thi thoảng chạy ù qua hỏi chị: “Cô ơi, giá thuốc phiện ở VN có đắt không?”. “Cưới vợ VN có tốn tiền không?”. Và tụi nó thường hét lên khi chị bước tới trường: “Teacher suay!” (Cô giáo dễ thương).

Chị dạy tụi nhóc mà một câu tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, ước mơ cuộc đời cũng không có. Tụi nhóc không nghĩ việc học là quan trọng. Chị đã từng hỏi tụi nhỏ:

- Hết lớp 9, các em có ước mơ gì không?

- Ở nhà cô giáo ạ.

- Tại sao em không học lên cấp III, học đại học, rồi đến thành phố làm?

- Em không thích!

Dự định của các em là sau khi hết lớp 9 sẽ ở nhà, lấy vợ, sống cùng ba mẹ, tiếp tục lái máy cày trên những thửa ruộng mênh mông, tiếp tục trồng rau cạnh những bụi chuối già, tiếp tục sống ở miền quê Thái Lan.

Khi nhìn tấm ảnh chị chụp vườn rau các em trồng tôi giật mình. Vì nông thôn Thái Lan, VN, hai đất nước tuy khác nhau mà khung cảnh giống đến nao lòng.

Rất nhiều lần khi chị đứng lớp, học sinh quậy, chị muốn mắng, muốn đánh tụi nó nhưng rồi không thể vì tụi nhóc rất tội. Chị thấy những cố gắng của tụi nó để học tiếng Anh cùng chị. Chị thấy tụi nhóc thích chị vô cùng. Đến một thời gian, chị không còn giận nổi tụi nó nữa. Mà thương.

***

Những đứa trẻ đó tuy nghịch nhưng cực kỳ tình cảm. Ban đầu chúng lạ chị, chị giảng bài nhiều đứa không thèm nghe bỏ đi chơi. Nhưng dần dần những nhóc quậy trở lại lớp học, nghe giảng và chịu làm kiểm tra.

Chị cười: “Chị cố gắng mãi em ạ, trên lớp bày trò chơi, hết giờ thì chủ động đi tưới rau, đá bóng cùng tụi nhóc... Cuối cùng cả lớp cũng chấp nhận chị, chịu đến lớp, chịu học”.

Một ngày khi chị đang tới trường, những đứa nhóc ngày xưa nửa câu tiếng Anh không biết giờ chạy qua, đập vào vai chị hét lên: “Teacher, what are you doing?”. “Where are you going?”.

Chị đứng ngây ra đó. Ngỡ ngàng. Và vui đến mức muốn khóc.

Chúng coi chị không phải cô giáo mà như một người chị gái. Chuyện tình cảm, chuyện gia đình chúng nó đều ngồi tâm sự với chị. Những câu chuyện về các cậu nhóc lớp 9 sau khi tốt nghiệp sẽ nghỉ học, cưới bé lớp 8. Và tiếp tục cuộc sống chặt mía, trồng khoai mì, ngày cày kéo trên cánh đồng mênh mông, đêm lên núi săn thú hiếm cùng gia đình. Chị nghe mà lòng xót xa.

Thật tội nghiệp những đứa trẻ chưa bao giờ có cơ hội đến một nơi khác, gặp những cô gái, chàng trai khác và nhìn thấy một thế giới khác. Để hiểu rằng còn những niềm vui, niềm hạnh phúc khác đang chờ các em. Để hiểu rằng thế giới này còn rất nhiều sắc màu. Để hiểu rằng cuộc đời này còn có những ước mơ lớn lao.

Cô giáo Lệ Quyên và học trò của mình - Ảnh nhân vật cung cấp
***
Cuối tuần, khi cô bạn người Trung Quốc và các thực tập sinh khác lên kế hoạch đi du lịch, chị ở lại Chaiyaphum. Tôi hỏi vì sao, chị cười: “Vì chị thương học sinh của chị lắm em. Xa một chút là lại thấy nhớ”.

Mỗi khi hết giờ học, các em hay rủ chị đi chơi bóng chuyền, bóng đá, bắt ốc, trồng rau. Thứ bảy, chủ nhật tụi nhóc dẫn chị đi bơi suối, rủ chị hái xoài, dạy nhảy, dạy hát những bài cổ truyền Thái Lan. Tụi nó còn dạy chị học đấu kiếm. Nhưng chị chưa kịp cầm đến cây kiếm tre, mới chỉ học chào hỏi thì chuyến thực tập của chị kết thúc. Chị phải về VN.

Trước ngày chị đi, tụi nó xúm xít lại tặng quà. Có đứa tặng chiếc khăn quàng cổ mà khi mở ra chị thấy vẫn còn ẩm nước. Chị biết đó là chiếc khăn của đứa nhóc, em vừa giặt xong tối hôm qua để hôm nay kịp trao cho chị.

Và giật mình nhất là khi chị mở bức thư của một học trò được viết bằng tiếng... Việt. Hỏi ra mới biết các em gõ tiếng Thái lên Google dịch, rồi chép bằng tiếng Việt vào. “Những câu chữ tuy vụng về, đứt gãy, nhưng đó là những lời xúc động nhất mà chị từng biết em à!” - chị kể với tôi mà đôi mắt lấp lánh.

Tôi không biết đó là niềm vui hay sự xúc động khi nhớ về một kỷ niệm nặng sâu.

Và những giờ phút cuối của buổi học kết thúc, các em học sinh bắt chị ngồi yên trên chiếc ghế nhựa màu đỏ. Rồi các em bắt đầu thực hiện một nghi lễ truyền thống, bày tỏ lòng tôn trọng vô cùng với giáo viên ở Thái Lan đó là... cúi lạy. Lũ nhóc ngồi xung quanh, cùng hát một bài tiếng Thái. Học sinh quỳ xuống cúi lạy chị. Rồi các em đồng thanh nói: “Teacher, don’t go Vietnam!”.

“Chị và tụi nhỏ khóc từ lúc chị rời nhà host đến trạm xe buýt đón xe chuẩn bị về thành phố. Thấy tụi nó khóc, chị khóc theo. Và tụi nó thấy chị vậy, càng khóc to hơn nữa.

Chủ nhà host của chị, người mà chị gọi là daddy, trước khi để chị lại ở trạm xe buýt, đã nói rằng: “Con để địa chỉ lại cho daddy đi, khi nào nhớ, daddy sẽ viết thư cho tụi con nhé. Daddy muốn qua VN, mà không phải đi máy bay đâu. Daddy sẽ lái xe từ Thái Lan đến VN thăm con”.

***

“Chị chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ ra 15 triệu đồng để đến Thái Lan trong một tháng rưỡi là lãng phí. Được trải nghiệm, được các em yêu thương và tin tưởng, những kỷ niệm đó với chị là vô giá. Về nhà ba ngày rồi mà chị vẫn không thể nguôi nhớ.

Trước khi đi tình nguyện, chị đã nghĩ hết tương lai, dự định cho cuộc đời mình. Nhưng chị không thể tin nổi là chị đã thay đổi.

Bây giờ chị muốn sang Thái Lan làm việc 1, 2 năm rồi mới về VN. Chị muốn khơi dậy ước mơ trong các em bằng cuộc sống của chính chị. Chị muốn các em thành công, đừng luẩn quẩn ở một nơi suốt cả cuộc đời, đừng tốt nghiệp để lấy vợ, rồi ngày kéo cày, đêm săn thú như vậy.

Chị muốn giúp các em hiểu rằng thế giới này còn rất nhiều điều thú vị, còn vô vàn sắc màu và những ước mơ lớn lao. Và có lẽ chị sẽ không kể câu chuyện này với ai nữa đâu. Kể nhiều, sợ kỷ niệm sẽ hao mòn...”.

Và tôi nghĩ chắc chắn chị đã yêu Thái Lan rồi. Tôi nói với chị: “Em sẽ viết lại câu chuyện này”. Vì tôi muốn đưa kỷ niệm của chị đến thật nhiều người mà tôi có thể. Để ký ức này đừng phai nhạt. Để tôi và bạn thêm một lần thấm thía tình nguyện thật sự không phải là để chụp ảnh. Càng không phải để có tấm giấy chứng nhận vuông vắn kia. Mà là để đi, để trải nghiệm, để yêu thương.

Nhưng “trải nghiệm” là một từ kỳ lạ. Cho dù tôi có tận tai nghe chị kể, cho dù bạn có đọc bao nhiêu câu chuyện đi chăng nữa thì chúng ta chỉ biết chứ chưa hiểu. Đến khi thật sự lên đường rồi, trải nghiệm mới thấm vào trong tim.

ĐỖ THANH LAM

Về VN, khi cơn gió Sài Gòn ập vào chị và tiếng xe máy ồn ào va đập trong tai chị, chị tự nhiên nhớ Chaiyaphum tha thiết. Chị nhớ tiếng ếch, tiếng dế kêu đêm ngày. Chị nhớ cả những câu chuyện tình cảm mà tụi nhóc thủ thỉ tâm sự với tấm lòng tin tưởng. Trong một tháng rưỡi ấy chị đã sống hết mình, không có lấy một phút giây rảnh rỗi. Và giờ đây, trở lại Sài Gòn, chị hụt hẫng.

TUỔI GIÀ KHỐN KHÓ CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN TÝ

Tuổi già khốn khó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý


Ở tuổi 89, tác giả của ca khúc nổi tiếng "Dư âm" sống nghèo túng, bệnh tật và cô đơn trong căn nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn.

Là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Có sự nghiệp thành công, nhưng ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật. Ông hay tủi thân và thường than thở về sự thiếu quan tâm của những người xung quanh.

Trong căn phòng chưa đầy 10m2, bề bộn đồ đạc phủ bụi, người nhạc sĩ già nằm lẻ loi trên giường. Dù đôi mắt, gương mặt vẫn còn vẻ tinh anh, ông gần như liệt giường từ cách đây một tháng, sau lần thứ ba bị tai biến. Mọi hoạt động của ông đều phải nhờ sự hỗ trợ từ người giúp việc đã ngoài 50 tuổi.Phương tiện duy nhất để giao tiếp với thế giới bên ngoài của nhạc sĩ là chiếc TV và chiếc loa có cắm USB để nghe nhạc. Từ khi nằm liệt giường, chiếc loa nằm lăn lóc ở một góc bàn, ông chỉ có thể sử dụng điều khiển từ xa để xem TV.

Gần 90 tuổi, những gì còn lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là bằng khen, những tấm ảnh chân dung và một số nhạc cụ treo trên tường.Ông rơi nước mắt nhiều lần khi nói về hoàn cảnh hiện tại: "Tôi biết ơn nhà nước, chỗ trung tâm tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tôi rất biết ơn những người giúp đỡ tôi, cho tôi tiền. Tôi sống thiếu thốn lắm. Hàng ngày thèm bát phở, bát bún mà không có".

Nhạc sĩ già nâng niu từng đồng tiền được những người hảo tâm kính biếu. Ông có một chiếc túi vải khâu ở cạp quần, bên trong có chiếc ví nhỏ, đựng tiền và giấy tờ tùy thân. Ảnh: Châu Mỹ.

Ngoài lương hưu và tiền tác quyền, nhạc sĩ nhận được ít nhiều sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân. Ông cho biết, nhạc sĩ Trần Đình Thảo, vợ chồng ca sĩ Khắc Triệu - Cẩm Vân, một số Việt kiều mến mộ thi thoảng đến thăm và cho ông tiền. "Tác quyền khoảng ba tháng tôi được lĩnh một lần, chừng 3-4 triệu đồng gì đó. Nhạc sĩ Trần Đình Thảo cho tôi mỗi tháng một triệu, cứ sáu tháng gửi một lần. Những người khác thì cho ít hơn, cũng đủ cho tôi ăn được mấy hôm, chỉ tiền thuốc thang là tốn kém". Không giấu nổi cảm xúc, ông lại khóc: "Những người ngày xưa tôi dạy dỗ kỹ lưỡng, dắt tay lên đài danh vọng, nay chẳng hề đến thăm khi tôi ốm đau nằm một chỗ". Nhạc sĩ kể, khi còn khỏe, ông cũng chịu khó chống gậy đi thăm hỏi hàng xóm và họ cũng hay sang thăm lại ông những ngày lễ, ngày tết. Nhưng đến khi ông ốm đau, tình hàng xóm cũng thưa dần. "Chắc họ nghĩ tôi dân văn nghệ, không hợp với họ”, ông run giọng.

Hai người vợ của nhạc sĩ đều đã rời bỏ ông ra đi. Người vợ trước mất không lâu sau khi sinh con đầu lòng; người vợ sau mất vào năm 2004. Kể từ đó, ông sống một mình trong căn nhà cũ đã xuống cấp, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Khắc Chân, quận một. Nhạc sĩ có hai cô con gái. Người con với vợ đầu sống tại Hà Nội, không có nhiều điều kiện thăm ông thường xuyên. Cô con gái thứ hai là nghệ sĩ piano Thái Linh, hiện sống riêng tại TP HCM.

Lý giải với VnExpress về tình cảnh hiện tại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nghệ sĩ Thái Linh cho biết, bố mình già cả rồi nên có dấu hiệu lẩn thẩn. "Sáng nào chồng tôi cũng tới đưa cụ ngồi xe lăn đi dạo. Tôi cũng gọi điện thường xuyên cho cô làm vật lý trị liệu để kiểm tra tình hình. Tiền thì ông không đến nỗi quá túng thiếu như thế, nhưng với số tiền ấy, ông phải chi tiêu cho nhiều người gồm hai mẹ con cô giúp việc, nên cứ thiếu trước, hụt sau".

Chị Linh kể, bố chị cũng trái tính. Gia đình chị từng đón bố về nhà mình để tiện chăm sóc, nhưng khỏe rồi ông lại đòi về. Ông bảo với con gái rằng, nhà chật chội, ngột ngạt và khó thở. "Ông đã quen sống với người giúp việc hơn hai chục năm nay rồi. Những người mà ông bảo không đến thăm ông, thật ra họ có đến, nhưng không thể thường xuyên, liên tục. Vì không ai cầm lòng được trước những than thở của ông", chị nói.

Bức tường phòng khách ẩm mốc, treo bằng khen và hình ảnh thời trẻ của nhạc sĩ. Ảnh: Châu Mỹ.

Giữa những tủi hờn khi nói về sự cực khổ của cuộc sống hiện tại, khi nhắc đến những kỷ niệm quá khứ, Nguyễn Văn Tý tỏ ra hứng khởi. Ông say sưa kể về mối tình với một cô gái 16 tuổi, người đã tạo cảm hứng cho bài hát Dư âm. “Khi đó tôi chơi với cô chị. Cô em mới 16 tuổi, một hôm ghé cằm lên vai chị, đưa đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vào tôi. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Tôi ngày đó nhát lắm, không dám bày tỏ tình cảm. Sau này cô ấy lấy một anh bộ đội, chuyển ra thủ đô. Một lần đi công tác, tôi tình cờ gặp lại nhưng tìm cách lánh mặt. Sự tiếc nuối vì không đến được với nhau khiến tôi viết lên bài Dư âm. Tôi thương cô ấy lắm, nhưng giờ cô ấy chết rồi!”.

Nói về hai người vợ đã đi qua cuộc đời mình, nhạc sĩ cho biết ông nặng tình với cả hai. Người vợ sau là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, được ông ưu ái dành tặng bài hát Mẹ yêu con. “Khi lấy tôi, bà ấy đã có một đời chồng và bốn người con riêng. Tôi không quan trọng hay câu nệ gì cả, tôi chỉ yêu cái đẹp thôi. Bà vợ thứ hai của tôi đẹp lắm!” - ông nói rồi chỉ tay lên bức ảnh cưới được ông lồng khung và để ở vị trí dễ thấy nhất trên tường.

Sau những câu chuyện tình, nhạc sĩ còn hào hứng nhắc lại những tháng ngày hoạt động trong đoàn văn công 304. Ông tỏ vẻ tiếc nuối khi mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm.

Người giúp việc trên 50 tuổi đút cơm chiều cho nhạc sĩ. Ảnh: Châu Mỹ.

Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì giờ cơm chiều. Trước khi ăn, ông được người cháu đút cho một thìa mật ong. Nhạc sĩ nằm nghiêng, với tay lấy ca nước để sẵn trên đầu giường, uống một ngụm rồi chờ được đút cơm. Bát cơm có thịt lợn và rau xúp lơ ninh nhừ. Ông ăn nhanh và tỏ vẻ ngon miệng. Cô Thương, người chăm sóc nhạc sĩ, chia sẻ: “Cho ông ăn như cho trẻ con ăn vậy. Thức ăn phải ninh nhừ, cơm phải trộn đều với canh. Ông nhõng nhẽo lắm, bữa nào cũng hỏi hôm nay thức ăn có gì”.

Chị Hoa, người làm vật lý trị liệu cho nhạc sĩ được gần một tháng cho hay: “Ông cụ tội nghiệp lắm, cô đơn lắm nên khóc hoài. Tôi biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng, bài hát Dáng đứng Bến Tre của ông khiến chúng tôi nhớ mãi. Sự nghiệp lừng lẫy như vậy mà cuối đời thảm não quá”.

Niềm an ủi còn lại với người nhạc sĩ già là Hội nghệ sĩ vẫn không lãng quên ông. Bức tranh lớn treo trên tường do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tặng, như một biên niên ký nhỏ về chặng đường hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Kể từ khi nằm liệt giường, những lúc cô đơn, ông chỉ biết ngắm tranh và sống với hoài niệm tuổi trẻ.

“Ngày trước, tôi quan tâm, sống tốt với nhiều người lắm. Không hiểu sao khi về già, cuộc đời đáp lại tôi thế này!”- nhạc sĩ nói trong nước mắt.

Châu Mỹ/VnExpress

THÔNG TƯ 28/2014/TT-BCA: ĐIỂM CHÍNH VÀ ĐIỂM NÓNG

Khoai@


Thông tư 28/2014/TT-BCA gồm 8 chương 46 điều, quy định về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân sẽ có hiệu lực vào ngày 25/8/2014. 

1. Điểm chính

Về tổng thể, Thông tư 28/2014/TT-BCA cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của Cơ quan điều tra và điều tra viên. Đặc biệt Thông tư đã nhấn mạnh đến nguyên tắc hoạt động điều tra là phải “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...”. Nội dung này giống như một “chế tài” buộc các điều tra viên phải nâng cao trình độ và nghiệp vụ điều tra. Trình độ sâu, nghiệp vụ giỏi sẽ tránh được bức cung, nhục hình.

Thực ra, nội dung của Thông tư không mới mà chỉ nhắc lại các nguyên tắc của pháp luật dưới dạng cụ thể hoá những hành vi của điều tra viên và định hướng việc xử lý trong tình huống nhất định.

Điểm đáng ghi nhận ở Thông tư này là đã nhấn mạnh yêu cầu đối với điều tra viên, cán bộ điều tra trong cách ứng xử với can phạm và người thân liên quan. Trong đó, quy định điều tra viên phải tiếp và làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan công an hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ và phải có giấy triệu tập. Ngoài ra, điều tra viên cũng không được cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi thông tin với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ), trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan điều tra, hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra. 

Trước Thông tư này, pháp luật đã có những quy định rất rõ, nghiêm cấm hành vi dùng nhục hình, bức cung, mớm cung, tiết lộ bí mật hay chạy án... Và, ngay cả Bộ Công an cũng đã có những quy định riêng khá cụ thể về vấn đề này. 

Soi lại thời điểm xảy ra các vụ việc bức cung, mớm cung gần đây (như vụ ở Phú Yên, vụ Bắc Giang) thì rõ ràng nguyên nhân không phải do pháp luật thiếu những quy định điều chỉnh hay thiếu hiểu biết pháp luật, mà hoàn toàn xuất phát từ phạm trù đạo đức. Điều đáng lên án là hiện tượng này ngày càng trở thành "không cá biệt". Do vậy, ngoài ban hành và thực thi có hiệu quả pháp luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có giải pháp chấn chỉnh ngay trong chính lực lượng của mình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các điều tra viên, cán bộ thẩm vấn có hành vi vi phạm. 

Đây là quy định hợp lý, việc tiếp và làm việc với tất cả các chủ thể liên quan đến việc điều tra nên diễn ra ở cơ quan, trụ sở Nhà nước. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan và cũng tránh cho cán bộ điều tra khỏi các tình huống khó xử. Còn việc thực hiện nghiêm các quy định này hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào ý thức của các cán bộ điều tra và mức độ xử lý đối với người vi phạm.

2. Điểm nóng

Ảnh: LS Trần Đình Triển

Một trong những nội dung gây tranh cãi trong giới luật sư là: Điều tra viên của các cơ quan điều tra có quyền được điều tra lại luật sư nếu xét thấy các hoạt động của Luật sư cản trở quá trình điều tra, làm rõ sự việc.

Về nội dung này, ông Trần Đình Triển và ông Trần Vũ Hải đã liên tục có bài đăng lốc, cho rằng, Thông tư 28 là "Trái luật" và rằng "Văn bản của một Bộ đưa ra trong đó đặt điều tra viên lên trên luật sư là không được". Riêng ông Triển còn mạnh bạo hơn khi cho rằng: "Không thể vì lợi ích cục bộ hay quyền lợi của một nhóm nào đó mà đưa ra một văn bản cản trở lợi ích của dân tộc, của nhà nước, của Đảng". 

Là luật sư mà nói như thế là không thể chấp nhận được, vì ông Triển không thể chỉ ra được "nhóm" nào mà ông ám chỉ, trong khi nghề nghiệp của ông lại đặc biệt coi trọng chứng cứ. Mặt khác, chính Thông tư 28 đã giúp cho việc chống bức cung, nhục hình cùng những tiêu cực khác của cả điều tra viên và luật sư được tốt hơn. Điều này hẳn là người dân đang mong đợi, bởi nó mang lại lợi ích cho họ và cho đất nước, nâng cao uy tín của đảng.

Ảnh: LS Trần Vũ Hải

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của luật sư trong tố tụng. Hoạt động của luật sư tuy không phải là hoạt động tư pháp, nhưng lại có mối liên hệ gắn chặt với hoạt động tư pháp, hỗ trợ cho hoạt động tư pháp. Hoạt động của luật sư có thể xem như một công cụ hữu hiệu để giúp cho các cá nhân, tổ chức bảo vệ được các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng nhấn mạnh, vai trò, vị trí của luật sư trong đời sống chính trị, pháp lý: "Với vai trò ngày càng rõ nét trong hoạt động tranh tụng, LS không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn góp phần phát hiện oan sai, bỏ lọt tội phạm, làm cho công lý được sáng tỏ. Thời gian qua, giới luật sư đã có những đóng góp tích cực trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước". Không cần dẫn chứng, hẳn nhiên các bạn đã thấy vai trò của luật sư là quan trọng như thế nào với việc bảo vệ công lý.

Thực ra, Thông tư 28 không phải là văn bản đầu tiên quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư, và no đơn giản chỉ là hướng dẫn thực hiện pháp lệnh về điều tra hình sự mà thôi. Điều 9 của luật Luật sư sửa đổi năm 2012 đã thể chế hóa "các hành vi bị nghiêm cấm" đối với giới luật sư trong quá trình hành nghề tại các mục a, b, c, e, g. Do vậy, nếu nói rằng, việc soạn thảo và ban hành Thông tư 28/TT-BCA là một hành động vội vàng của Bộ Công an như ông Triển phát biểu thì quả là hồ đồ. Đã có những vụ án mà các đối tượng khai báo giống hệt nhau, bởi được thông cung. Cũng không ít vụ, các đối tượng khi ra tòa đã lập tức phản cung do trước đó đã được tiếp xúc với các luật sư. Những hiện tượng tiêu cực này không phải là hiếm gặp trong quá trình điều tra làm rõ sự thật của vụ án.

Ở đây, điều cần nói là dường như giới luật sư luôn cho mình cái quyền không ai được điều tra mình, vì thế họ giãy nảy lên khi Thông tư 28 có điều khoản quy định "Điều tra viên được phép điều tra lại Luật sưnếu xét thấy các hoạt động của Luật sư cản trở quá trình điều tra, làm rõ sự việc. Rõ ràng, quy định điều này là rất cần thiết để đảm bảo tính công bằng của luật pháp, nó ngăn chặn những hành vi mớm cung, thông cung giữa các bị can, bị cáo và những người có liên quan. 

Tất nhiên, ai làm tròn bổn phận của một luật sư thì hoàn toàn không sợ điều này. Chỉ có ai luôn lợi dụng vị thế của luật sư trong tố tụng để làm điều mờ ám thì mới phải dè chừng. Và nếu ai đó trong giới luật sư nói việc ra đời Thông tư sẽ khiến "Luật sư còn không bảo vệ được quyền lợi cho mình thì còn bảo vệ được cho ai?" thì e rằng, đó là những luật sư yếu về năng lực chuyên môn và kém cỏi về đạo đức nghề nghiệp.

Sao ông Triển không tự hỏi rằng, tại sao lại chỉ có luật sư được phép giám sát ĐTV mà ĐTV lại không được phép làm điều đó với luật sư? Không làm gì sai thì sao phải sợ?

Mai viết tiếp...
-----

NÓNG: TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC PGS VỤ "200 TRIỆU LẤY ĐƯỢC BẰNG TIẾN SĨ Y KHOA"

Khoai@


Cuối cùng thì PGS.TS Đàm Khải Hoàn cũng sẽ có ngày phải đối diện với công luận. 

Loại PGS kiểu như ông Hoàn có lẽ cũng còn nhiều trong xã hội, và cũng sẽ đến lúc họ lần lượt lên mặt báo. Như thế là nhục, rất nhục!

Hoan hô nhóm phóng viên Điều tra Dòng Đời đã có bài: 200 triệu đồng lấy được bằng tiến sĩ y khoa.

Tạm dừng công tác Phó Giáo sư vụ “200 triệu lấy được bằng Tiến sĩ Y khoa”

(Dân trí) - Trường Đại học Y dược Thái Nguyên vừa tiến hành tạm dừng công tác giảng dạy, quản lí đối với PGS.TS Đàm Khải Hoàn về phát ngôn “có thể lấy được bằng Tiến sĩ Y khoa, giá 200 triệu đồng”.

Phó Đoàn công tác Trần Thanh Vân cho biết, "phát ngôn của PGS.TS Đàm Khải Hoàn, làm ảnh hưởng đến uy tín của trường ĐH Y dược Thái Nguyên, ảnh hưởng uy tín đến ĐH Thái Nguyên, đó chỉ là thông tin mang tính chất cá nhân".

GS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên vừa kí quyết định thành lập Tổ công tác xác minh nội dung báo chí phản ánh liên quan đến việc PGS.TS Đàm Khải Hoàn phát ngôn “có thể lấy được bằng Tiến sĩ Y khoa với giá 200 triệu đồng”.

Ngay sau khi báo chí đăng tải về phát ngôn của vị PGS.TS Đàm Khải Hoàn, Trường ĐH Y dược Thái Nguyên đã yêu cầu ông Hoàn giải trình về nội dung liên quan, đồng thời ra quyết định tạm dừng công tác giảng dạy, quản lí của ông Hoàn để tiến hành làm rõ nội dung báo chí phản ánh.

Tại cuộc họp sáng nay 20/8, của đoàn công tác tại Hội trường Trường ĐH Y dược Thái Nguyên, ông Trần Thanh Vân, Phó Trưởng ban Đào tạo - ĐH Thái Nguyên, Phó trưởng đoàn công tác cho biết, việc phát ngôn của PGS.TS Đàm Khải Hoàn chỉ là phát ngôn của 1 cá nhân vào thời điểm và thời gian ngoài phạm vi của nhà trường.

Theo ông Trần Thanh Vân, việc phát ngôn của PGS.TS Đàm Khải Hoàn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Trường ĐH Y dược Thái Nguyên nói riêng và ĐH Thái Nguyên nói chung.

Giám đốc ĐH Thái Nguyên, GS.TS Đặng Kim Vui, kí Quyết định thành lập đoàn công tác xác minh phát ngôn của PGS.TS Đàm Khải Hoàn.

Ông Trần Thanh Vân cho biết, để đào tạo được 1 Tiến sĩ, hay 1 Thạc sĩ đều phải tuân thủ theo một quy trình với nhiều công đoạn và có sự giám sát chặt chẽ của trưởng bộ môn, khoa chuyên môn chứ không phải là làm Tiến sĩ một thầy một trò thích làm gì là được.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại buổi họp của đoàn công tác sáng nay, những nội dung liên quan đến việc xác minh phát ngôn của PGS.TS Đàm Khải Hoàn đã được đoàn công tác họp xác minh một cách khách quan, minh bạch công khai, thẳng thắn giữa đoàn công tác và các cơ quan ngôn luận.

Theo đó, đoàn công tác cho biết sẽ tập trung toàn bộ những sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã từng học và được thầy giáo Đàm Khải Hoàn hướng dẫn giảng dạy để làm rõ những nội dung liên quan.

Ngoài ra đoàn công tác cũng mời một số cán bộ, giảng viên công tác tại khoa mà thầy Đàm Khải Hoàn đang công tác để đánh giá, nhận xét về tư cách, tác phong... của vị PGS.TS Đàm Khải Hoàn.

Chiều nay đoàn Công tác tiếp tục làm việc nội dung liên quan đến việc vị PGS.TS Đàm Khải Hoàn “chém gió” - (lời một người trong đoàn công tác - PV). Đồng thời Đoàn công tác cũng yêu cầu phóng viên đăng tải thông tin, cung cấp băng ghi âm, ghi hình để tạo điều kiện cho đoàn công tác nhanh chóng xác minh vụ việc.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, Đoàn công tác của ĐH Thái Nguyên và ĐH Y dược Thái Nguyên đang làm việc hết sức khẩn trương để xác minh phát ngôn của PGS.TS Đàm Khải Hoàn về việc “có thể mua được bằng Tiến sĩ Y khoa giá 200 triệu đồng”.

Đoàn công tác họp, không có mặt của vị PGS.TS Đàm Khải Hoàn để xác minh vụ việc một cách khách quan, công khai, minh bạch.

Theo Phó trưởng đoàn công tác Trần Thanh Vân, tất cả những nội dung mà đoàn công tác đang làm việc mới chỉ là xác minh thông tin chứ chưa phải là kết luận cuối cùng.

Được biết, trong chiều nay hoặc ngày mai 21/8, Đoàn công tác sẽ có kết luận chính thức về vụ việc và báo cáo Bộ GD-ĐT theo yêu cầu của Bộ.