Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

BÁC NGUYÊN NGỌC NHƯ TÔI ĐÃ BIẾT

Khoai@


Nuối tiếc cho Nguyên Ngọc của một thời!

Anh hùng Núp ra đi, không còn ai để núp bóng, vậy nên háo danh, kiệt sức, hết tuyết, đổ đốn là những gì mà người ta thấy Nguyên Ngọc hôm nay.

Tre làng giới thiệu bài của Le Anpô:


Bác Nguyên Ngọc như tôi đã biết

Tôi lớn lên ở khu tập thể số 12 Lý Nam Đế, cái con phố nhà văn Chu Lai gọi là “phố nhà binh”. Bây giờ ngoài mấy cái vọng gác để biết đấy là cơ quan quân đội, còn thì con phố này toàn là cửa hàng bán máy móc vật tư tin học, mấy thằng chúng tôi từng lớn lên ở đó bảo nhau phải gọi là “phố Hàng Tin”. Khu tập thể nơi gia đình tôi sống gồm có mấy dãy nhà cấp bốn rất dài. Mỗi dãy nhiều gian, mỗi gia đình ở trong một gian rộng. Phía trước dãy nhà là cái lối đi nhỏ, bên kia lối đi là dãy bếp, mỗi nhà được một gian bếp be bé. Bếp gần nhau nhà gần nhau nhà ai nấu nướng món gì là hàng xóm biết ngay. Bố mẹ đi làm cả ngày, ngoài giờ học trẻ con chúng tôi tụ tập đánh bi đánh đáo, chơi tú lơ khơ, chơi trốn tìm, đứa nào không chơi thì tụ tập kể chuyện, chủ yếu chuyện ma. Một hôm tôi đang chổng mông bắn bi thì mấy đứa đang chơi cùng lại chạy đâu mất. Mãi sau chúng nó mới lò dò chui ra, mắt lấm lét nhìn theo một người đàn ông thấp bé sắp đi khuất vào dãy nhà phía sau, một thằng thì thào: “Ông Nguyên Ngọc đấy, ông ấy ghê lắm”. Hồi đó tôi đã học bài về “Đất nước đứng lên” ở trường, nên kính nể nhìn theo. Từ đấy tôi bắt đầu chú ý đến bác, kiểu như là hâm mộ người nổi tiếng. 

Nhưng người tôi hâm mộ lại rất khác người, ra đường cắm cúi đi, có ai chào mới trả lời, còn thì chẳng chào hỏi ai. Nhà bác đóng cửa im ỉm suốt ngày, con gái bác ngoài giờ đi học là bị cấm cung trong nhà, không ra ngoài chơi. Chỉ có vợ bác ra đường là niềm nở chào hỏi. Mẹ tôi bảo hồi trẻ bác gái ở miền nam bị quân giặc bắt tra tấn dã man, giờ vẫn hay đau yếu. Một lần cả nhà đang ăn cơm chiều, nghe tôi hỏi tại sao bác Nguyên Ngọc ít giao du với người trong khu tập thể, mẹ tôi bảo: “Úi giời, ông ấy khinh người chứ còn sao nữa. Ông ấy không cho con gái chơi với đám trẻ vì sợ bị hư hỏng”. Bố tôi gạt đi: “Kệ người ta, mỗi người mỗi cách sống, bàn tán linh tinh đến tai người ta lại mất lòng”. Mẹ tôi có vẻ phật ý vì sau đó bà nói lại: “Cả khu này người ta nói thế”. Lần khác lại thấy xôn xao không biết củi lửa thế nào mà bếp nhà bác Nguyên Ngọc bị cháy. Mấy nhà liền kề chỉ lo giữ nhà người ta, chẳng ai giúp chữa lửa. Cả khu tập thể chỉ có nhà văn Nam Hà với nhà văn Chu Lai chạy sang. Nhà văn Chu Lai trẻ hơn chạy đi chạy lại xách nước, hai tay hai xô. Nhà văn Nam Hà tuổi già hơn thì đứng hắt nước. Mẹ tôi bảo nhà văn Nam Hà với nhà văn Chu Lai cùng ở tạp chí Văn nghệ quân đội với bác Nguyên Ngọc, không giúp là người ta cười cho, chứ chắc gì các chú ấy nhiệt tình. Nghe mẹ tôi nói, bố tôi bảo anh em tôi: “Khu này toàn gia đình bộ đội, anh em đồng chí sống với nhau bao nhiêu năm, phải sống thế nào mọi người mới lờ đi như thế. Sau này các con ở đây hay ở đâu cũng phải có hàng xóm láng giềng, đừng để lúc gặp khó khăn mà không ai muốn giúp”. 

Sau sự kiện cái bếp nhà bác Nguyên Ngọc bị cháy, tôi không coi bác là thần tượng nữa. Hồi bác ấy về làm ở báo Văn nghệ, nghe bác T hàng xóm bảo bố tôi: “Tay ấy mà làm lãnh đạo thì khối thằng chết, đúng là nhất lé nhì lùn tam hô tứ rỗ”, tôi không hiểu tại sao. Bác giải thích: “Các cụ tổng kết những người mắt lé, lùn, răng hô, mặt rỗ là rất ghê gớm”. Bác T làm tôi nghĩ ngay đến dáng loắt choắt của bác Nguyên Ngọc. Lần bác Nguyên Ngọc tổ chức ý kiến trên báo Văn nghệ đánh ông Đặng Bửu, bố tôi bảo: “Bác T nói đúng thật”. Học xong đại học tôi đi làm, lấy vợ rồi ở riêng. Bố mẹ mất, căn hộ trong khu tập thể để chú em tôi. Hàng tuần về thăm bố mẹ, hoặc sau này ghé thăm vợ chồng chú em, đôi lần tôi thấy bác Nguyên Ngọc, vẫn cắm cúi đi, không thèm nhìn ai. Tôi chán thần tượng còn vì lâu quá chỉ thấy bác nói trên báo trên TV trong nước và nước ngoài, không thấy bác viết văn. Hồi mới lớn đọc tập 1 tiểu thuyết Đất Quảng của bác, tôi chờ tập 2, chờ mãi ba mươi năm chẳng thấy bác in tiếp. Đem chuyện này hỏi thằng bạn làm trong nghề văn, nó bảo ông Nguyên Ngọc hết tuyết rồi, còn gì mà viết. Ông ấy chỉ còn cái danh nhà văn ăn theo “Đất nước đứng lên”, “Đường chúng ta đi” thôi. Xong nó kể cho tôi nhiều chuyện về bác Nguyên Ngọc. Tôi nhớ nhất là chuyện trước khi bác Nguyên Ngọc về làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, bác Đào Vũ Tổng biên tập vào miền nam mấy tháng liền. Để cho báo tiếp tục ra, các bác ở tòa soạn lập một nhóm gồm Võ Văn Trực Phó tổng biên tập, Hữu Nhuận Thư ký tòa soạn, Ngô Ngọc Bội Trưởng ban văn xuôi, cùng ký vào bản thảo để cùng chịu trách nhiệm. Truyện Tướng về hưu của anh Nguyễn Huy Thiệp in vào thời kỳ này. Thế mà về sau bác Nguyên Ngọc lại bảo khi bác ấy về làm báo Văn nghệ, thấy bản thảo truyện Tướng về hưu bị vứt vào sọt rác, bác ấy lấy ra cho đăng. Hôm mới rồi, thấy bác Nguyên Ngọc công bố cái Văn đoàn độc lập, tôi gọi điện hỏi thằng bạn, nó lại bảo: “Vào đấy chỉ đi kê ghế cho Nguyên Ngọc chứ văn chương gì”. Nó nói thế làm tôi lại nhớ đến câu nói lúc sinh thời bác T hàng xóm nhà tôi ngày trước: “Tay ấy mà làm lãnh đạo thì khối thằng chết”!

Lê Anpô

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

THIÊN TÀI GỐC VIỆT

Vào một ngày đẹp trời như mọi ngày, Chủ nhật, ngày 30/03/2014, thế giới đang yên lành bỗng chênh vênh bên bờ vực thẳm hủy diệt của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 3. 
Gần 100.000 quân Nga với 170 máy bay và 400 xe bọc thép đã tập trung trên biên giới với Ukraine. Tại Crimea, Nga đã triển khai đến 25.000 quân, hạn mức tối đa cho Hạm đội Biển Đen kèm theo 24 pháo tự hành Msta-S và hệ thống rocket Smerch, 132 xe thiết giáp và 22 máy bay Su-24.

Theo dự đoán, chỉ trong vòng 3 ngày, quân đội Nga có thể kiểm soát các thành phố Donest, Kharkov, Kherson…

Đáp lại, Kiev lập tức ban hành ban hành lệnh tổng động viên thêm 600 ngàn quân, cộng với lực lượng hiện hữu với quân số lên tới 1.700.000 người. Các quân khu Prikarpat, Odessa và Kiev lập tức biến thành Bộ chỉ huy miền tây, Bộ chỉ huy miền đông và Bộ tư lệnh Hải quân. Các lữ đoàn (2 lữ tăng, 8 lữ cơ giới hóa, 1 lữ đổ bộ đường không, 2 lữ không vận, 1 lữ tên lửa và 3 lữ pháo binh) và hơn 20 trung đoàn, trong đó có 3 trung đoàn đặc nhiệm được trang bị gần 2.300 xe tăng, hơn 3.700 xe chiến đấu thiết giáp, gần 3.000 hệ thống pháo, gần 500 máy bay chiến đấu và hơn 100 trực thăng tiến công. Ngoài ra còn có 30 tàu chiến, đứng đầu là kỳ hạm Hải quân Ukraina là Hetman Sahaidachny trang bị 4 máy bay chống ngầm và 8 trực thăng. Tất cả được đưa vào tình trạng báo động ở mức cao nhất.

Ngay lập tức, tướng Philip Breedlove, Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh châu Âu, ban hành tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội liên quân bao gồm 28 nước thành viên NATO tại Đông Âu, hình thành một vòng vây quanh Nga. Cùng với lượng lớn căn cứ quân sự ở Đức, Mỹ cũng đặt các cơ sở quân sự ở Quatar và Diego Garcia ở phía nam Nga và Nhật Bản, Hàn Quốc ở phía đông vào tình trạng báo động đỏ.

Cùng lúc đó, Hoa Kỳ khẩn cấp điều động Khu trục hạm Truxtun trang bị hỏa tiễn điều khiển và hệ thống Aegis chống hỏa tiễn, vượt qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ để vào Hắc Hải. 

Sáng cùng ngày, 600 chiếc F-15 và 1 KC-130 của Mỹ cùng với 6000 quân nhân không quân Hoàng Gia Anh đã đến Lithuania, để bảo vệ vùng Baltic. Rồi 120 chiếc F-16 cùng 3000 quân nhân Mỹ đã tập kết sẵn sang chiến đấu tại Ba lan.

Toàn bộ hệ thống tên lửa đạn đạo của Mỹ bao gồm 7.700 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.950 đầu đạn có thể được lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm và máy bay xuyên lục địa đã được hướng về nước Nga.

Trong khi đó khoảng 8.500 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga cũng đang nhắm về đất Mỹ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ cùng lúc khởi động 598 cơ sở quân sự ở 40 quốc gia cùng với 4.461 căn cứ trên chính lãnh thổ Mỹ.

Nhân loại đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra, chỉ trong vài giờ nữa!

Vladimir Vladimirovich Putin và Barack Obama, mặt đối mặt, gườm gườm nhìn nhau, vẻ mặt tuyệt vọng và tâm trạng hoang mang khôn tả, thận trọng đặt tay lên nút đỏ của hai chiếc va-li kích nổ hệ thống vũ khí hạt nhân.

Họ đang chuẩn bị cho điều khủng khiếp nhất sắp xảy ra.

Cũng lúc đó, 7 tỷ người trên hành tinh, khắc khoải dán mắt vào mọi màn hình ti vi, dõi theo chương trình được cầu truyền hình quốc tế truyền đi những hình ảnh trực tiếp từ quảng trường Maidan.

Mọi ống kính của toàn bộ hệ thống truyền thông thế giới đều tập trung vào cận cảnh, một người đàn ông vóc dáng bé nhỏ, da vàng, mũi tẹt, răng hô.

Anh, chuyên gia phân loại học quốc tế (?), là một người gốc Việt?

Phớt lờ mọi thắc mắc và mọi ống kính chĩa vào mình, anh thong thả cúi xuống, thản nhiên véo một miếng, đưa vào mồm, nhai chậm rãi.

Một thoáng ngẫm nghĩ, rồi một thoáng cau mày, rồi lại một thoáng ngẫm nghĩ, lại một thoáng cau mày...

Mặc cho nhân loại nín thở, chờ đợi ...

Rồi bỗng anh giãn lông mày, rồi anh khạc, anh nhổ ra một bãi nước bọt to tướng. Rồi anh bĩu môi.

Và anh phẩy tay, nói, bằng tiếng Anh, giọng Mỹ, hể hả, dõng dạc, và hùng hồn:

“Xin trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân loại, rằng:

Với toàn bộ kinh nghiệm gia truyền tích lũy được từ ba đời nay, tôi khẳng định trăm phần trăm cứt này không phải là cứt Mỹ, nó hoàn toàn không đạt chuẩn American Standards cả về độ béo cũng như mùi thơm. 

Hết tuyên bố!”.

Dường như chưa đủ, anh chua thêm, bằng tiếng Việt, đầy sự khinh bỉ: "ĐM, cứt nhão mà đòi so với bò bít-tết".

Barack Obama đứng phắt dậy nguýt yêu Vladimir Vladimirovich Putin, dài đến rách cả đuôi mắt. David Cameron nghẹn ngào rủ Angela Meckel ngày mai hai đứa mình cạo đầu xuất gia em nhé. Còn Tập Cận Bình, trong một động thái bất thình lình bỗng ôm chầm lấy Kim Jong Un, vừa hun vừa khóc. 

Tại Vatican, đức Giáo hoàng Francis nức nở "Thật tự hào khi được cầm cuốn hộ chiếu Việt Nam" và ngửa cổ súc miệng nốt chai Vodka Hà Nội thứ 6 trước khi ngất xỉu. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Mun được đưa khẩn cấp vào bệnh viện Nhi Đồng I Tp. HCM, chuyên khoa Tai Mũi Họng, để phẫu thuật chuyển dị vật hô hấp về lại hạ bộ.

Phần còn lại của nhân loại, trong đó có tôi, thở hắt ra... một hơi dài nhẹ nhõm!

May thế chứ lỵ! Tiên sư anh Tôm, thiên tài gốc Việt, giỏi thật, giỏi đến thế là cùng!

--------------
Thằng em, lại ị bậy ra quảng trường Maidan, hả hả hả???

Đâu có! Đ. má thằng nào ị bậy, không phải em, em thề. Anh cứ chờ kết quả giám định đã nào...

Ừ, Tôm nó bảo không phải chú mày... Thôi mà cưng, biết rồi, cho anh xin lỗi nhe!

Còn có ngày mai ...

Nguồn: Lốc Liếc

THAM NHŨNG, ĂN CẮP VÀ NGHÈO ĐÓI

Café sáng thứ 7 (#26): Tham nhũng, ăn cắp và nghèo đói


1. Vụ hối lộ các quan chức ngành giao thông 80 triệu Yên của công ty JTC (Nhật Bản) để nhận các gói thầu liên quan đến đường sắt từ vốn ODA của Nhật Bản đang làm nóng dư luận. 14 quan chức và cựu quan chức ngành giao thông phải thực hiện giải trình liên quan đến các hoạt động quản lý đầu tư của các dự án mà JTC khai đã hối lộ.

Bộ trưởng Thăng triệu tập cuộc họp bất thường để chỉ đạo giải quyết vấn đề và báo cáo khẩn tới Chính phủ. Thứ trưởng Đông cấp tốc lên đường sang Nhật để xác minh danh tính các cán bộ nhận hối lộ. Có lẽ anh Thăng đã khá ổn trong việc xử lý tình huống đối với truyền thông trong nước. Nhưng trên phương diện quốc tế thì chả khác nào vạch áo cho người xem lưng.

Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Mại - Cựu thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói số tiền như vậy là chưa ăn thua, và còn nhiều “đồng chí chưa bị lộ”. Nói như ông này thì trẻ con cũng nói được. Đây là kiểu nói lấy được thường thấy ở các quan chức đã nghỉ hưu xứ An-nam. Nói cho ra vẻ quan trọng và sướng mồm thôi, chứ bảo ông ấy lấy cơ sở nào để nói và chỉ ra cách tìm các “đồng chí chưa bị lộ” thì chắc là tịt ngay.

Tham nhũng từ ngân sách và vốn vay phát triển kinh tế - xã hội của An-nam đã và đang là vấn đề “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nó đã được những lãnh đạo cao cấp nhất xác định đây là quốc nạn.

Dĩ nhiên, với cơ chế tiền lương như hiện nay, quan chức không tham nhũng thì chỉ có cách cạp đất mà ăn chứ đừng nói gì đến việc sở hữu những khối tài sản khổng lồ như những “đồng chí” đã bị dư luận phanh phui lâu nay.
Có điều, những “đồng chí bị lộ” không thể “ăn” một mình được.

2. Cũng liên quan đến hối lộ, xuất hiện tài liệu nghi vấn “2,8 triệu USD đã gửi các cơ quan ở Hà Nội” “bôi trơn” trong dự án đô thị Sing Việt tại Tp.HCM. Từ Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh cam kết sẽ vào cuộc để làm rõ thông tin hối lộ nêu trên.

Việc dùng tiền để bôi trơn trong các dự án đầu tư không còn là điều mới mẻ. Không chỉ có ở An-nam mà các nước phát triển, có sự kiểm soát chặt chẽ về tài chính cũng không ngoại lệ. Có điều ở An-nam, mối quan hệ trong việc nhận hối lội cực kỳ phức tạp. Và nó hình thành một “đường dây có tổ chức” như lời nói của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngón nghề “trạng chết chúa cũng băng hà” luôn được áp dụng triệt để trong đường dây tham nhũng có tổ chức. Những kẻ có nguy cơ lộ mặt luôn giữ những chứng cớ cần thiết để sẵn sàng tố cáo cấp trên nếu vụ việc bị lộ và họ không được cấp trên trong đường dây bảo vệ.

Ngoài ra, những nhằng nhịt trong mối quan hệ chính trị cũng làm khó cho việc phanh phui và xử lý tham nhũng. Sự việc tai nạn cầu treo Chu Va tại Lai Châu gần đây vẫn chưa được khởi tố là một ví dụ.

Thế nên, sự quyết tâm của các lãnh đạo cao cấp trong phòng chống tham nhũng e rằng khó có hiệu quả khi va phải bức tường kiên cố của “đường dây tham nhũng có tổ chức“.

Và câu chuyện đau đẻ chờ sáng trăng có lẽ vẫn tiếp diễn.

3. Cảnh sát Nhật vừa bắt giữ một tiếp viên của Việt Nam Airlines để điều tra về việc tiêu thụ đồ ăn cắp. Ngoài cô tiếp viên này, 1 cơ phó và 4 tiếp viên khác cũng bị điều tra. Cách đây không lâu, báo chí dẫn nguồn từ Nhật cho rằng, 40% tội phạm bên Nhật là người Việt Nam. Và tội phạm chủ yếu là ăn cắp.

Việc ăn cắp của người Việt không chỉ xảy ra ở Nhật, mà ở Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc,… đều có những cảnh báo bằng tiếng Việt về việc đề phòng sự ăn cắp của người Việt. Có thể nói, đây là một nỗi nhục của quốc thể.

Ăn cắp vặt là một bản tính của người Việt, và được nâng lên một tầm cao mới trong nửa thế kỷ qua. Tính xấu, đáng ra phải được bài trừ. Nhưng đối với người Việt, những hành động ấy lại đang được cổ vũ, khuyến khích và cho rằng đó là sự năng động, khôn ngoan.

Thế nhưng, dư luận vẫn lên án gay gắt hành động của cô tiếp viên, và cho rằng cô này đã làm nhục quốc thể. Nhưng hãy nhìn lại, có ai trong xã hội An-nam này không ăn cắp? Và nếu bạn ở cương vị đó, bạn có thoát khỏi cám dỗ của vật chất khi những chi phí cho việc đảm bảo vị trí làm việc đó không hề nhỏ.

Lòng tham của cần-lao An-nam không có giới hạn, tính vô cảm với xã hội cũng phát sinh từ lòng tham đó. Đừng có nâng cao quan điểm về đạo đức, về sĩ diện, về tự trọng dân tộc khi đẳng cấp trong xã hội được đánh giá bằng vật chất.

Và lòng tham, không trừ một ai, từ thượng tầng tinh-hoa đến hạ tầng cần-lao của xứ An-nam này. Cô tiếp viên này bán hàng ăn cắp được 10 đồng, thì chắc phải bôi trơn cho “hệ thống” - nơi đảm bảo cho cô có cơ hội được xách hàng ăn cắp về tiêu thụ phải tới 7 đồng. Và chả riêng gì cô ta, ai trong hệ thống cũng phải và cũng đều làm vậy. Chỉ xui xẻo, vì cô ta là kẻ “bị lộ” trong một đường dây của những kẻ “chưa bị lộ”.

Và tất yếu, nơi đến của những đồng tiền “bôi trơn” là các quan chức.

4. Một thầy giáo đã nhẫn tâm tạt axit vào 4 đồng nghiệp gây tổn thương nghiêm trọng. Tại cơ quan điều tra, thủ phạm khai nhận tạt axit để trả thù những mâu thuẫn cá nhân liên quan đến việc điều chuyển công tác của mình và vợ.

Một giáo viên 35 tuổi, là đảng viên, có thâm niên công tác, thì sẽ có nhận thức rất rõ về hậu quả của hành động trả thù này. Khi anh ta đã đánh đổi nghề nghiệp, tương lai để nhận những tháng ngày sau song sắt và sự kỳ thị của dư luận với gia đình và bản thân, thì có nghĩa anh ta đã không còn lựa chọn nào khác.

Có nghĩa, những nạn nhân chính của vụ việc đã khiến anh ta phẫn uất đến mức chấp nhận đánh đổi tất cả. Khi một người có nhận thức và trách nhiệm cao trong xã hội đã hành động đến bước đường cùng như thế thì không thể không nhìn nhận những nguyên nhân sâu xa hơn lời khai ban đầu của anh ta. Và có lẽ không ngoài những mối quan hệ tiền, tình hoặc một sự xúc phạm không thể tha thứ nếu anh ta không có vấn đề về thần kinh.

Thế mới nói, không có lửa thì làm sao có khói.

5. Vụ việc đau lòng nhất trong tuần có lẽ là cái chết của ba mẹ con cô giáo mầm non tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam). Nguyên nhân ban đầu được cho là do điều kiện gia đình cô giáo quá khó khăn nên đã quẫn trí mà đã tự trói cùng 2 người con và nhảy xuống hồ Phú Ninh tự tử.

Theo người dân địa phương, cha ruột và cha chồng của cô giáo này vừa mất không lâu, chồng nghiện ngập phải vào trại cai nghiện, đồng lương cô giáo mầm non không thể đủ để nuôi con, thăm nuôi chồng và trang trải cuộc sống. Ngay việc mai táng cho 3 mẹ con xấu số này cũng do tiền quyên góp của người dân địa phương và hỗ trợ từ phòng GD&ĐT huyện Phú Ninh.

Khi một con người đã chọn cái chết cho mình và những đứa con đứt ruột đẻ ra (cho dù bị xã hội lên án về sự nhẫn tâm của một người mẹ), thì rõ ràng họ đã đi đến bước đường cùng, không còn một sự lựa chọn nào khác. Họ muốn giải thoát cho họ, cho những đứa con của họ với suy nghĩ nông cạn và tiêu cực rằng, khó có thể sống được một cách bình an và tử tế ở trên đời này.

Cần-lao An-nam xưa nay vẫn được nhìn nhận là có khả năng chịu đựng rất cao. Cho dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, họ chấp nhận làm tất cả để tồn tại mà không có cơ hội đòi hỏi. Vì thế, khi họ đã tìm đến cái chết, nghĩa là không còn đủ khả năng chấp nhận cuộc sống nữa.

Và có lẽ, những bi kịch của xã hội sẽ không dừng lại ở vụ việc trên.

6. Định luật của tiền nhân, cải biên rằng: “Tiền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển từ túi của người này sang túi của người khác”.

Vì thế, khi trong xã hội càng có nhiều siêu biệt thự, siêu xe, siêu nhẫn, siêu váy,… mà tiền mua các “siêu tài sản” này lại không được kiếm bằng đúng công sức, trí tuệ của người sở hữu chúng thì những anh Pha, chị Dậu thời @ ngày một nhiều là điều tất yếu.

Có điều, bước đường cùng của thời @ thường được chọn là cái chết, chứ không chỉ đơn thuần là bán con và bán chó.

(@ by Baron, 2014) 
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Nguồn: Trang Tản mạn và Cảm nhân của Bau Trinh Xuan


Từ khóa SEO: THAMNHŨNG,ĂNCẮP,NGHÈOĐÓI,

ĐỒ CON BÒ

LâmTrực@


Trên tờ Người Đưa Tin sáng nay có bài "CSCĐ truy đuổi xe máy, 4 người nguy kịch?" của tác giả Minh Hoàn và Văn Nguyễn. Bài báo nói về một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở TP Thanh Hóa làm 4 người phải nhập viện. Đáng lưu ý là các tác giả trên có lối giật tít và lối viết làm cho người đọc hiểu rằng, vụ tai nạn trên là do lực lượng Cảnh sát cơ động gây ra. 

Một cách khách quan nhất, tôi cho rằng các tác giả đã không trung thực và có thái độ xấu khi chĩa mũi nhọn vào lực lượng cảnh sát cơ động, đồng thời cổ súy cho các hành vi vi phạm luật giao thông.

Trước hết, đọc bài báo người ta thấy không có bất kể chứng cứ nào khả dĩ bằng hình ảnh, hay clip chứng minh lực lượng CSCĐ trên đuổi ba người vi phạm trên. Cách lý giải của phóng viên chỉ là kiểu "nghe nói", "người dân bức xúc cho rằng".v.v..Xin hỏi phóng viên, anh nghe ai nói và người dân đây là dân nào hay anh bịa?

Thứ hai, dù là ai đi nữa, bất kể là công dân Việt Nam hay công dân nước ngoài khi tham gia giao thông đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong trường hợp này là Luật giao thông đường bộ. Nếu là công dân tốt, tử tế thì họ phải chấp hành luật chứ sao lại chở 3? Nếu là phóng viên tử tế thì bổn phận của phóng viên là phải lên án cái xấu, ủng hộ cái tốt chứ sao lại có ý vu cáo CSCĐ vô căn cứ?

Xin nói thêm, CSCĐ nếu có truy đuổi thì cũng không sai, vì bổn phận của họ là giữ gìn trật tự. Việc phóng viên viện dẫn câu ất ơ: "Tôi đang ngồi trong nhà thi bỗng nghe một tiếng động mạnh, khi chạy ra đến nơi thì tôi nhìn thấy có một số lực lượng CSCĐ đi xe phân khối lớn có mặt tại đây, 5 người thì nằm la liệt ra giữa đường, hai chiếc xe máy nát bét phần đầu, một người sau đó tỉnh rồi cùng đưa các nạn nhân vào viên cấp cứu" nhằm cố gắng chứng minh CSCĐ truy đuổi và làm cho 3 người trên bị tai nạn là thể hiện sự thiếu hiểu biết về pháp luật, yếu kém về tay nghề, và đặc biệt là thiếu trung thực. Tai nạn xảy ra, nếu lực lượng CSCĐ có mặt tại đó, thì cũng không có nghĩa là CSCĐ đã truy đuổi, mà họ có truy đuổi cũng không sai.

Một bạn đọc với tôi phải thốt lên khi đọc bài rằng: "Đồ con bò"! Xin lỗi, các bạn đọc xong bài báo được trích dẫn nguyên vẹn dưới đây có thể đoán biết ai đang bị ví với con bò!

---------------------


Một số người dân cho rằng chiếc xe máy kẹp 3 đã bị tổ CSCĐ đi trên 2 xe phân phối lớn truy đuổi. Do hoảng sợ nên chiếc xe máy chạy với vận tốc cao đã đâm trực diện vào xe máy khác khiến 4 người nguy kịch.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 23h đêm 30/3 ở trước số nhà 288, đường Lê Thánh Tông, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa khiến 4 người (chưa rõ danh tính) bị trấn thương nặng.

Ảnh: Hiện trường vụ tai nạn.

Theo một số nhân chứng cho biết, vào khoảng thời gian trên, chiếc xe máy mang BKS 36L-968.83 chở 2 đang lưu thông với tốc độ cao khi đến địa điểm trên thì tông trực diện vào vào chiếc xe máy mang BKS 29X-894.60 (trên xe chở hai).

Cú tông mạnh đã khiến cả 5 người ngồi trên xe bị hất văng ra ngoài, 4 người trong số đó bị thương nặng, hai chiếc xe nát tươm phần đầu, bánh xe rơi ra ngoài.

Ảnh: Vụ va chạm khiến chiếc xe máy hư hỏng nặng.

Một người gần kể lại: “Tôi đang ngồi trong nhà thi bỗng nghe một tiếng động mạnh, khi chạy ra đến nơi thì tôi nhìn thấy có một số lực lượng CSCĐ đi xe phân khối lớn có mặt tại đây, 5 người thì nằm la liệt ra giữa đường, hai chiếc xe máy nát bét phần đầu, một người sau đó tỉnh rồi cùng đưa các nạn nhân vào viên cấp cứu”.

Ảnh: Nhiều người dân cho rằng CSCĐ đã truy đuổi xe máy.

Một số người dân vô cùng bức xúc cho rằng, nguyên nhân của vụ việc là do tổ CSCĐ đi trên hai xe phân khối lớn có đuổi theo chiếc xe máy kẹp 3, do quá hoảng sợ nên chiếc xe này chạy với vận tốc cao đã đâm trực diện vào chiếc xe lưu thông ngược chiều.

Ngay khi vụ việc xảy ra, CSCĐ đã cùng người dân gọi xe đưa các nạn nhân đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, trấn thương nặng.

CHÍNH QUYỀN PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM

Khoai@


Sáng ra đọc bài viết dưới đây mà thấy bực mình đến ngỡ ngàng.

Không bực mình sao được khi có cả một bộ máy chính quyền hùng hậu với đủ các ban ngành gắn bó keo sơn mà lại để cho một nông trại trồng cần sa mọc lên và phát triển giữa thành phố cảng.

Có phải do họ thiếu hiểu biết?

Có phải do họ thờ ơ, vô trách nhiệm?

Có phải họ biết mà lờ đi?

Thật khó tin là người ta không biết. Xin dành các câu hỏi trên cho các cấp chính quyền Hải Phòng. Để chuyện này xảy ra, chính quyền phải chịu trách nhiệm.
----------------------

Khó tin ‘nông trại’ cần sa giữa thành phố Cảng

Ông chủ vườn cần sa lớn nhất đất Cảng là đối tượng Đỗ Hải Nam sau khi bị bắt đã khai nhận có thể kích ứng cây trồng phát triển nhanh để thu hoạch sớm và cho ra những “sản phẩm” giống hệt “hàng” ngoại nhập. Tất cả đều được thực hiện theo một quy trình khép kín và cực kỳ hiện đại…

Ngỡ ngàng vườn cần sa trong nhà

Mặc dù đã xác định Đỗ Hải Nam (SN 1976, ở số 4/22/22 Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng, quận Lê Chân, Hải Phòng) sử dụng ngôi nhà của mình để trồng cần sa, tuy nhiên đến khi khám xét lực lượng công an không khỏi bất ngờ với “nông trại” giữa thành phố trồng đủ loại từ cây giống đến cây trưởng thành và rất nhiều gốc cây đã thu hoạch cùng một “dây chuyền” chế biến thành phẩm cực kỳ hiện đại.

Theo như Nam khai nhận, cách đây mấy tháng trong một lần lên sàn ngồi nghe nhạc đã vô tình nhặt được túi hạt giống đem về gieo trồng theo quy trình được học trên mạng internet. Nam đã đầu tư số tiền vài chục triệu đồng để mua sắm trang thiết bị gồm: đèn chiếu sáng; máy đo nhiệt; máy quấn thuốc…

Ảnh: Đối tượng Đỗ Hải Nam

Tiếp đó, trong ngôi nhà 3,5 tầng được thiết kế vô cùng kín đáo của mình, Nam sử dụng toàn bộ tầng 2 và 3 để trồng với đủ loại từ cây giống đến cây trưởng thành và rất nhiều gốc cây đã thu hoạch. 

Nam bố trí khu vực nhà vệ sinh được dùng làm nơi “gơ” cây non. Ở phòng ngoài, Nam làm nơi để cây lớn chừng 20 – 30cm. Còn lại ở ngoài hành lang, Nam bố trí để cây trưởng thành chờ thu hoạch. Mỗi khu vực trồng loại cây ở mức nào được Nam bố trí hệ thống đèn chiếu sáng cùng với hệ thống ống thông nhiệt để điều chỉnh cho phù hợp. 

Trong khu vực nhà vệ sinh trồng cây non, Nam đặt hệ thống đèn có công suất 40 – 50W và hệ thống ống thông nhiệt để điều chỉnh theo đúng nhiệt độ của đồng hồ báo nhiệt được đặt sẵn trong mỗi phòng. 

Còn ở khu vực cây lớn hơn có hệ thống đèn có công suất lớn với nhiệt độ cao hơn. Đến khi thu hoạch, toàn bộ cành, lá và hoa được Nam đưa ra ngoài hành lang treo khô với hệ thống đèn chiếu sáng có công suất cực lớn.

Trong lúc khám xét nhà Nam, lực lượng công an còn phát hiện và thu giữ nhiều túi đựng mùn dừa cùng nhiều loại phân bón. Đỗ Hải Nam khai nhận đó là nguyên liệu được mua về dùng để trồng và chăm bón cho cây cần sa.

Chiêu độc biến… thành “cỏ ngoại”
Ông chủ vườn “nông trại” Đỗ Hải Nam cũng khai nhận, khi thu hoạch cần sa một phần để sử dụng, còn lại chủ yếu bán kiếm lời. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Nam, các loại cần sa trồng ở Việt Nam chất lượng thua xa so với cần sa trồng nước ngoài mang về. 

Ảnh: Vườn cần sa tại gia của Đỗ Hải Nam

Đơn giản chỉ vì giống cây thường tạp nham, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó là điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam không phù hợp với loại cây trồng này và phương tiện, kỹ thuật chăm sóc bị hạn chế. Chưa kể đến người trồng không có kinh nghiệm thì cây có lớn lên ra hoa được chất lượng cũng kém. 

Trong khi “hàng ngoại” được làm ra với thành phần chủ yếu là lá và hoa. Nếu làm làm như thế này, theo Nam dân trồng cần sa ở Việt Nam sẽ không thu lời được là bao nhiêu, thậm chí còn lỗ vốn do cây trồng của mình năng suất không lớn. 

Do đó sau khi thu hoạch, Nam không chỉ sử dụng lá, hoa mà còn lấy cả cành để chế biến sẽ cho năng suất cao hơn gấp rưỡi, có khi là gấp đôi. Để qua mắt “dân chơi”, sau khi đầu tư mua một chiếc máy quấn thuốc, Nam đặt mua vỏ là những điếu thuốc lá ngoại từ nước ngoài gửi về. 

Với nguyên liệu nội cùng với vỏ ngoại, Nam cho ra lò những điếu thuốc ngoại… như thật. Và đương nhiên giá bán cũng phải cao hơn so giá bán của “hàng” sản xuất trong nước.

Nam khoe rằng đám “nghiền cỏ” ở Hải Phòng từ lâu phải bỏ cả đống tiền nhưng chỉ được dùng “hàng lởm” mà không hề hay biết cũng bởi mình đã khéo léo dùng “đòn” tâm lý. Nam cho biết mình chỉ bán “hàng” ra với số lượng… có hạn, mặc dù có thể sản xuất được hàng loạt. 

Nếu là người tham lam bán ra ồ ạt thì chỉ được một vài lần là sẽ bị sinh nghi. Bởi dân “chơi cỏ” thừa hiểu rằng đã là “hàng ngoại” thì hiếm có người nào giữ trong tay số lượng nhiều. Do vốn bỏ ra quá nhiều, lại chẳng may bị công an bắt thì chỉ có nước trắng tay.

Ảnh: Sản phẩm được đối tượng giả hàng ngoại bán cho dân chơi

Nam cũng tỏ ra rất tinh quái khi chọn “đối tượng” để bán hàng là đám thanh niên choai choai sau khi đã uống rượu tây tây rồi mới tung “hàng” ra. Lúc này dù là người chơi có sành đến mấy thì cũng khó mà ai phân biệt được “hàng” nội hay ngoại mà chỉ cần thấy… phê phê là được. 

Không chỉ có thể biến “hàng nội” thành “hàng ngoại”, Đỗ Hải Nam cho biết mình còn có thể kích ứng cho cây cần sa tăng trưởng nhanh, ra hoa cho thu hoạch sớm.

Nếu như bình thường phải mất đến 3 tháng mới đến kỳ thu hoạch thì Nam điều chỉnh thêm ánh sáng, nhiệt độ cho cây nhanh lớn hơn. Chỉ cần chưa đầy 2 tháng là cây trưởng thành cho thu hoạch đảm bảo nguồn cung cấp ra cho “người tiêu dùng” mỗi dịp khan “hàng”. 

Cũng chính vì phải sử dụng nhiều mánh khóe trong công việc nên Nam thừa nhận mình phải tuyệt đối giữ bí mật để giữ nghề. Mặc dù bạn bè thường xuyên đến nhà chơi, nhưng Nam chỉ cho phép mọi người ở phòng khách hoặc lên gác xép đập đá, hút tài mà. 

Không ai được bước chân lên đến tầng 2 và 3 – là khu vực trồng và chế biến cần sa. Nếu để lộ ra trồng cần sa ở trong nhà, Nam không chỉ mất uy tín trong làm ăn mà còn có thể mất nghiệp vì công an sẽ ‘hốt’ sạch bất cứ lúc nào. 

Vậy nhưng, đến bây giờ Đỗ Hải Nam vẫn chưa biết tại sao công an lại có thể phát hiện được ra mình trồng cần sa trong nhà.

Lời khai ban đầu của Đỗ Hải Nam chỉ là cơ sở để tiến hành điều tra. Cơ quan Công an sẽ phải tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc hạt giống cần sa đối tượng Đỗ Hải Nam lấy từ đâu, có đúng là Nam nhặt được hay do ai cung cấp. Cùng với đó là “công nghệ” trồng và chế biến cần sa của Nam đã thực hiện cũng sẽ được điều tra làm rõ xem có người nào chuyển giao hay đúng là Nam học được trên mạng internet(?).

Q.Minh