Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

ĐẠO ĐỨC GIẢ MANG THƯƠNG HIỆU TRUNG QUỐC

Trung Quốc giỏi thật!

Phải thừa nhận là Trung Quốc giỏi thật, giỏi hơn tất cả các nước trên thế giới.

Hình ảnh lai dắt tàu cá Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Bạn không tin ư? Thế tôi hỏi bạn, trên thế giới đã có nước nào mà hàng loạt cơ sở sản xuất dầu ăn đã giỏi nghĩ được ra cách vớt dầu cặn từ cống rãnh và thức ăn thừa trong rác thải từ các nhà hàng, mang về lọc lấy dầu thành phẩm và phù phép thành những chai dầu ăn như mới nguyên, để tung ra thị trường.

Cũng đã có nước nào giỏi nghĩ được ra cách làm tai lợn giả nghi làm từ nhựa như Trung Quốc. Việc này vừa xảy ra tại thành phố Tương Đàm, Hồ Nam, Trung Quốc. Ông Hoàng, một người tiêu dùng không may mua phải loại tai lợn giả mạo này đã phát hoảng khi phát hiện mùi vị của thực phẩm mua về rất nhạt nhẽo, vị lạ, mất mùi đặc trưng của thịt lợn.

Lại có nước nào giỏi nghĩ được ra cách làm gạo giả từ nhựa như Trung Quốc. Một chuyên gia thực phẩm HongKong cho biết: “Những nhà sản xuất bất lương đã nhào nặn bột khoai tây, khoai lang thành hình hạt gạo rồi cho thêm nhựa tổng hợp resin vào để phù phép thành sản phẩm y thật. Nhưng khi nấu thành cơm, hạt gạo giả sẽ cứng ngắc và khô đét tới mức đáng ngờ”. gạo giả này làm từ hỗn hợp tạp phế lù, gồm: bột khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp đang được bày bán tràn lan tại thành phố Thái Nguyên, trung tâm hành chính của tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Cũng lại có nước nào giỏi nghĩ ra được cách làm giả thực phẩm vây cá mập bằng cao su như Trung quốc. Vây cá mập giả được làm từ gelatine, sodium alginate, chất màu và không có giá trị dinh dưỡng. Giáo sư Zhu Yi – Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho hay, qua phân tích mẫu vây cá mập giả chứa chất độc trichloroacetone còn vượt ngưỡng. Đầu năm 2013, một đoạn video phát sóng trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc khiến nhiều người không khỏi sốc, khi một số nhà hàng ở Bắc Kinh, Trịnh Châu và Nam Kinh đã dùng vây cá mập giả này để chế biến đồ ăn.

Giỏi hơn nữa, chẳng nước nào có đủ dũng cảm và trí tuệ để có thể sáng tạo ra loại thịt cừu, dê giả được làm từ thịt chuột cống, hồ ly, chồn. Cũng trong đợt truy quét tội phạm về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc từ đầu tháng 1 năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện một cơ sở chuyên “sản xuất” thịt dê, cừu bằng cách pha chế thêm chất keo gelatin, chất nhuộm đỏ cùng nhiều chất phụ gia khác vào thịt chuột, hồ ly, chồn… Kinh hãi hơn những chất phụ gia trên còn được sản xuất từ gián.

Qua đó thấy đây quả là một đất nước rất nhiều thứ giỏi làm giả ngoài sức tưởng tượng khiến mọi người sửng sốt. Nhưng làm giả giỏi nhất ở đất nước này đáng phải kể đến, đó chính là đạo đức giả. Thì đấy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh to tiếng rêu rao “Chúng tôi kêu gọi Mỹ hành động phù hợp để duy trì và giữ gìn an ninh hòa bình trong khu vực, đồng thời hành động và phát ngôn cẩn trọng trước những sự kiện liên quan, chấm dứt những phát ngôn thiếu trách nhiệm và hành động nhiều hơn nữa vì hòa bình và ổn định khu vực”., nhưng trên thực tế Trung Quốc lại thực thi những hành động mang tính “cả vú lấp miệng em” nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Rồi Trung Quốc chỉ trích gay gắt Mỹ và kêu gọi hòa bình, ổn định, tuy nhiên thực tế tại khu vực đặt giàn khoan trái phép, chính họ tiếp tục có những hành động hung hãn, đâm húc và tấn công tàu thuyền thực thi công vụ của Việt Nam. Các vòi rồng từ tàu hải cảnh Trung Quốc nhằm vào những chỗ hiểm của tàu Việt Nam như ống khói, ăng-ten, rađa, các tấm cửa kính, thiết bị truyền tin... để phun với mục đích phá hỏng máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, làm tê liệt và mất tác dụng tàu của Việt Nam trên biển.

Dã man hơn, Trung Quốc còn nhằm cả vào phao cứu sinh để phá nát những phương tiện cứu nạn này của Việt Nam, lại còn vừa ăn cướp vừa la làng trắng trợn rằng chính Trung quốc mới là nạn nhân, bù lu bù loa cáo buộc Việt Nam cố ý đâm vào tàu của họ trên Biển Đông.

Đạo đức giả đến cấp cao nhất là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bảo: “Trung Quốc cam kết tìm kiếm cách giải quyết hòa bình trong việc tranh chấp với các quốc gia khác về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi và lợi ích hàng hải”. ông Tập nói vậy, nhưng vẫn cho giàn khoan Hải Dương - 981, ngang nhiên đặt vào vùng biển của Việt Nam, cùng hàng trăm tàu hộ tống đâm húc, dùng vòi rồng cực mạnh phun nước vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Vì vậy, trong các thứ giả của Trung Quốc, đạo đức giả vẫn là thứ được xếp hàng đầu, là cái giỏi nhất của Trung Quốc

Theo Dân Trí

TRUNG QUỐC LOANH QUANH KHI BỊ CHẤT VẤN VỀ ĐƯỜNG 9 ĐOẠN

Trong ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La - ngày 1.6, dư luận tiếp tục nóng lên sau phát biểu của Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (TQ) Vương Quán Trung với chủ đề "Tầm nhìn của các cường quốc về hòa bình và an ninh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương". 

Nhiều câu hỏi đã được các đại biểu và học giả đặt ra với người đại diện quân đội TQ, yêu cầu giải thích về tính pháp lý của “đường 9 đoạn”, giải thích những hành vi của TQ trên vùng biển Hoàng Sa của VN. Tuy nhiên, đại diện TQ đã tránh trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng.

Theo VTV, về cơ bản, bài phát biểu của Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội TQ vẫn đưa ra thông điệp tốt đẹp của TQ thực hiện chính sách trỗi dậy hòa bình, sẵn sàng hợp tác với các nước khác để duy trì ổn định, hòa bình và an ninh khu vực theo hình thức đôi bên cùng thắng. Nhưng những giải thích loanh quanh của ông Vương Quán Trung khiến các đại biểu không hài lòng. Ông Raja Mohan- học giả Ấn Độ - cho biết, đòi hỏi của TQ không có gì khác là đe dọa phần còn lại của khu vực và điều đó mở ra những tình huống rất không hay.

Một số thông điệp của đại diện quân đội TQ thậm chí còn gây ngạc nhiên với dư luận, vì nó đi ngược lại những gì diễn ra trên thực tế. Đó là việc TQ khẳng định không bao giờ sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và các hành động khiêu khích, hoặc TQ thúc đẩy giải quyết tranh chấp giữa các bên thông qua đàm phán hòa bình. Trong phần hỏi - đáp trực tiếp, nhiều học giả và đại biểu đưa ra các câu hỏi thẳng thắn với người đại diện quân đội TQ.

Ông William Chong- học giả Singapore - hỏi: "Tại sao TQ không làm rõ đường 9 đoạn ở biển Đông theo các nguyên tắc của Công ước LHQ về Luật Biển. Tại sao không sớm kết thúc Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông, có thể vào cuối năm nay?". Ông Singh- học giả Ấn Độ - chất vấn: "Tôi không hiểu nổi tại sao sau khi thông qua Công ước LHQ về Luật Biển, việc nước ông vẽ ra đường 9 đoạn trên biển là thế nào?". Ông Dmitri Sevatopol - báo Financial Times - đặt câu hỏi: "Về đường 9 đoạn, ông có thể đơn giản cho tôi biết, nó là gì để mọi người hiểu rõ hơn. Và thứ hai, TQ nói rằng chỉ đáp lại những hành động khiêu khích, vậy VN đã có hành động khiêu khích gì tại Hoàng Sa để các ông đưa giàn khoan ra khu vực đó?”.

Với lý do là hạn chế thời gian, ông Vương Quán Trung né tránh nhiều câu hỏi chất vấn, mà chỉ dành thời gian để trả lời về đường 9 đoạn, với cái gọi là những bằng chứng mà chính ông cũng không thể đề cập cụ thể. Về vai trò của Công ước LHQ về Luật Biển, ông lập luận rằng, công ước này có hiệu lực năm 1994, nhưng TQ có chủ quyền và quyền tài phán với các đảo ở biển Đông được hình thành trên 2.000 năm nay. Vì thế, theo TQ, công ước không thể áp dụng được với TQ.

Những lập luận này của ông Vương Quán Trung đã vấp phải sự phản đối của các học giả và giới truyền thông thế giới. Ông Fredy Gsteiger- Phó Tổng biên tập Đài Phát thanh SRF, Thụy Sĩ - cho rằng, đó là sự giải thích đáng lo ngại: "Người ta đã thiết lập Công ước LHQ về Luật Biển là để tìm ra giải pháp cho những xung đột kiểu như thế này. Giờ thì TQ nói rằng họ không muốn chấp nhận giải quyết thông qua tòa án. Câu hỏi đặt ra là công ước này ra đời để làm gì? Đó là điều khó hiểu". Còn Giáo sư Carl Thayer- Đại học New South Wales, Australia - nói rằng, TQ đơn phương giải thích luật quốc tế theo cách của họ: "TQ luôn nói là có luật lệ quốc tế khác. Tôi vẫn luôn hỏi TQ là "luật khác" đó là luật gì. Sau đó, họ vận dụng đến lịch sử, nhưng đó lại là lịch sử được nhào nặn".

PHÓ TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC CỘC CẰN THÔ LỖ TẠI SHANGRI-LA

Tại Đối thoại Shangri-La, đại diện Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với các bài phát biểu của thủ tướng Nhật và bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhưng trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục khi bị chất vấn.

Tướng Vương Quán Trung lớn tiếng chỉ trích Mỹ và Nhật nhưng ngắc ngứ trước các câu hỏi - Ảnh: T.T.

Trong một phần trao đổi căng thẳng và kịch tính bậc nhất trong lịch sử Đối thoại Shangri-La, tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã đưa ra những lời chỉ trích kịch liệt với cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Bỏ bài phát biểu đã chuẩn bị từ trước, tướng Vương dành tới hơn 10 phút độc diễn để lên án Mỹ và Nhật “có hành động khiêu khích với Trung Quốc”.

“Ông Abe và ông Hagel có sự chỉ trích một cách không tưởng tượng được với Trung Quốc - ông Vương chỉ trích - Tôi hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi. Có cảm giác như họ có sự phối hợp với nhau chặt chẽ, họ ủng hộ nhau, họ khuyến khích nhau. Họ lợi dụng lợi thế của người nói trước trong Shangri-La và đưa ra các hành động khiêu khích, thách thức với Trung Quốc”.

“Việt Nam khiêu khích gì?”

Trước đó tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Abe đã kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế. Còn Bộ trưởng Hagel thẳng thừng lên án những hành động gây hấn và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông gần đây.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự khiêu khích dưới cái mũ là chủ nghĩa hòa bình tích cực” - tướng Vương chỉ trích việc Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật sẽ thay đổi tư duy về quốc phòng của mình.

Tướng Vương gọi bài phát biểu của Bộ trưởng Hagel là “đầy những từ ngữ đe dọa, bá quyền, chính là yếu tố gây mất ổn định và tạo ra rắc rối”.

“Với hai bài phát biểu của Abe và Hagel, nếu ta nhìn vào những hành động họ đã tiến hành thì chúng ta phải hỏi ai là kẻ gây hấn, ai là kẻ tạo ra thách thức, cáo buộc liên quan đến chủ quyền trên biển” - ông Vương lớn tiếng.

Bài phát biểu của ông Vương rõ ràng gây xôn xao khán giả. Có tới 9/12 câu hỏi sau đó là dành để chất vấn Trung Quốc thay vì chất vấn thứ trưởng quốc phòng Nga ở đó.

Đại diện của báo Financial Times đặt câu hỏi: “Tôi không biết, không hiểu đường chín đoạn là gì. Xin ông giải thích căn cứ nó ở đâu”. Một đại biểu từ Ấn Độ nói thẳng: “Đường chín đoạn thách thức mọi luật pháp, thông lệ quốc tế”.

Một đại biểu khác hỏi: “Ông nói Trung Quốc chỉ đáp trả các hành động khiêu khích chứ không bao giờ khiêu khích. Xin ông hãy nói xem Việt Nam đã khiêu khích gì Trung Quốc ở Hoàng Sa để các ông kéo giàn khoan của CNOOC vào đó?”.

Một câu hỏi khác là: “Ông nói về xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ. Vậy Trung Quốc có định xây dựng quan hệ kiểu mới giữa nước lớn - nước nhỏ không?”.

Rất tiếc với những câu hỏi này, tướng Vương chỉ trả lời lòng vòng mà không nêu ra được bất cứ căn cứ pháp lý hợp lý nào.

Ông ta bịa đặt trắng trợn rằng đường chín đoạn Trung Quốc “đã có từ 2.200 năm” nhưng phải đợi đến năm 1949 họ mới công bố.

Ông Vương thậm chí nêu quan điểm kỳ quái là Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) “không áp dụng đối với các đảo và biển ở biển Đông”.

Sau đó ông ta chuyển sang cáo buộc Mỹ đang dùng UNCLOS “làm công cụ” trong khi chưa hề phê chuẩn nó.

Phủ nhận luật biển quốc tế

Phần lớn các chuyên gia thường xuyên dự Đối thoại Shangri-La thừa nhận “đây là phần đối thoại kịch tính nhất” họ từng thấy.

Giáo sư Nick Bisley thuộc Đại học La Trobe (Úc) đánh giá: “Thật sự ngạc nhiên khi thấy các cường quốc lớn lại ăn nói cứng rắn với nhau như vậy”.

Chuyên gia Christian Le Miere của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, đánh giá: “Rất ngạc nhiên là phần trả lời của ông Vương về đường chín đoạn đã hoàn toàn phủ nhận hết luật biển quốc tế”.

Chuyên gia Le Miere nhận định: “Một điều thấy rõ nhất là sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Và giờ Nhật cũng tích cực hơn trong việc tham gia an ninh khu vực. Căng thẳng trên biển đang xảy ra nhưng khó có thể hiểu sao phía Trung Quốc lại tỏ ra cộc cằn đến như vậy. Có lẽ vì họ bị phê phán quá nhiều tại cuộc đối thoại lần này”.

Nhà phân tích Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đánh giá: “Có lẽ phần tuyên bố của tướng Vương chủ yếu nhắm vào khán giả trong nước ở Trung Quốc nhiều hơn. Tôi nghĩ năm nay họ đã bị chỉ trích quá nhiều tại đối thoại. Tôi thấy rất đáng tiếc là tướng Vương đã không trả lời được nhiều câu hỏi. Ông ta dành đến 10 phút lòng vòng để nói về đường chín đoạn nhưng không giải thích được cuối cùng nó là cái gì”.

THANH TUẤN 
(từ Shangri-La, Singapore

CÔNG DÂN NGUYỄN ĐỨC KIÊN CÓ BỊ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ?

“Công dân Nguyễn Đức Kiên có bị phân biệt đối xử?”

TT - Trong phần đối đáp kéo dài chừng 120 phút, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi: Công dân Nguyễn Đức Kiên có bị phân biệt đối xử không?

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong lúc tự bào chữa - Ảnh: Quang Đức

Trong bài tự bào chữa kéo dài gần 120 phút, nhiều lần bị cáo Nguyễn Đức Kiên (phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu) đặt câu hỏi: “Viện kiểm sát (VKS) buộc tội tôi thì phải chỉ rõ cho tôi thấy tôi bị buộc tội ở khoản nào, điều mấy? Còn nếu không đủ căn cứ buộc tội tôi thì đề nghị hội đồng xét xử tuyên tôi vô tội”.

Căn cứ mà bị cáo này đặt ra đối với VKS cũng là đặt ra với hội đồng xét xử bởi những cáo buộc từ VKS, cho rằng trong bốn tội bị cáo buộc thì Nguyễn Đức Kiên là người cầm đầu, chủ mưu, chỉ đạo tất cả nhưng VKS và cơ quan điều tra đã không đưa ra văn bản nào thể hiện việc chỉ đạo đó mà chỉ căn cứ vào một số lời khai của một số bị cáo khác bàn đến nhưng không phải trong các cuộc họp.

Nói như bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu), đó là “nói đến trong lúc trà dư tửu hậu” cũng giống như hàng trăm ngàn câu chuyện được bàn, được tán gẫu trong khoảng thời gian lúc ăn sáng, khi thảnh thơi.

VKS cũng cáo buộc bị cáo này kinh doanh trái phép chứng khoán, mua cổ phần cổ phiếu không đúng trên giấy đăng ký kinh doanh, trong khi luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên đưa ra bằng chứng là trong hàng trăm ngàn doanh nghiệp và người dân nhiều năm qua vẫn mua bán cổ phần cổ phiếu mà chưa một doanh nghiệp nào được cấp giấy đăng ký kinh doanh ngành nghề này.

Và trong phần tranh luận với đại diện VKS, trong phần đối đáp cũng kéo dài chừng 120 phút, bị cáo Nguyễn Đức Kiên lại đặt thêm một câu hỏi khác: Công dân Nguyễn Đức Kiên có bị phân biệt đối xử không? Minh chứng cho câu hỏi này, ông Kiên nói mình đã tuân thủ pháp luật Việt Nam và thực hiện mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Sở dĩ ông Kiên đặt ra câu hỏi đó bởi vì có hàng ngàn người đang kinh doanh cổ phần, cổ phiếu giống như ông Kiên, họ cũng góp vốn và đầu tư giống như ông Kiên, họ cũng ký hợp đồng ủy thác giống công ty mà ông Kiên đại diện pháp luật nhưng chỉ một mình ông Kiên bị khởi tố vì tội kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

Bị cáo Kiên lý luận rằng trong cùng một điều luật, một nền tư pháp nhưng chỉ một mình ông bị phân biệt đối xử, trong khi mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật.

Bị cáo này cũng cho rằng nếu không phải VKS đang phân biệt đối xử với ông thì hàng ngàn cá nhân, doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ bị khởi tố, còn các cá nhân đảm nhiệm các chức vụ trong các cơ quan chức năng sẽ phải đứng trước nguy cơ bị cáo buộc về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bởi đã không ban hành kịp thời các văn bản luật để hướng dẫn các doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, người đã được mời tham gia thẩm định nhiều bộ luật trong lĩnh vực này - khi bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Á Châu đã mạnh dạn kiến nghị: “Đề nghị hội đồng xét xử kiến nghị với các cơ quan lập pháp và hành pháp xem xét lại việc xây dựng, giải thích và áp dụng pháp luật để tránh gây ra sự hoang mang, lo ngại, khốn khổ, nguy hiểm, oan ức cho các doanh nghiệp và cá nhân, khi họ không thể biết phải làm thế nào thì mới an toàn pháp lý; lăn lộn vất vả kinh doanh, nộp thuế cho Nhà nước nhưng không thể biết khi nào thì vi phạm, tù tội."

"Bộ, ngành soạn thảo và thực thi Luật doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng đã tạo ra sự tù mù, hiểu thế nào cũng được, thậm chí chính mình cũng không hiểu và hiểu sai, làm sai, giải thích sai luật. Như thế thì khác nào đánh bẫy doanh nghiệp, treo thòng lọng trước mọi cá nhân” - Ông Đức nói.

Còn một phóng viên theo dõi phiên tòa đã lấy một ví dụ đơn giản hơn rất nhiều: hành vi kinh doanh trái phép, cố ý làm trái... trong vụ án này, giống như Nhà nước làm một con đường nhưng không làm vạch, không đặt cột đèn tín hiệu, không phân làn, không phân chia vỉa hè lòng đường và cũng không có biển cấm nên người dân tự do đi lại.

Nhưng một ngày cảnh sát giao thông lại bắt một người trong số cả trăm người đang đi trên đường và nói rằng vi phạm do chưa có hướng dẫn.

HOÀNG ĐIỆP

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

CÂU CHUYỆN "VIỂN VÔNG"

Bùi Nguyễn Quang Dũng, từ Paris

(TBKTSG Online) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông. Nhận định này là hoàn toàn hợp lý nếu xét kỹ chính sách láng giềng mới của Trung Quốc.

Cuối tháng 10-2013, đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập một hội nghị toàn quốc để bàn về công tác ngoại giao với các nước láng giềng. Là một quốc gia rộng lớn, Trung Quốc có đường biên giới đất liền với 14 quốc gia với tất cả những sự phức tạp và đa dạng trong quan hệ. Hội nghị này được đánh giá là lịch sử vì có mặt cả 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Chỉ ít ngày sau thông báo triệu tập hội nghị, Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (China Institute of Contemporary International Relations - CICIR) đã tổ chức một cuộc bàn tròn với chủ đề: “Tình hình hiện nay trong các vùng láng giềng của Trung Quốc và chiến lược của Trung Quốc”.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu quốc tế, cuốn kỷ yếu của bàn tròn này được xem là một trong những tài liệu quan trọng nhất giúp nắm bắt được các tư tưởng chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thế hệ lãnh đạo mới. Nó xuất hiện ngay trước Hội nghị trung ương 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc và các tranh luận của các học giả đương đại Trung Quốc trong cuốn kỷ yếu này là điều mà mọi quốc gia láng giềng của Trung Quốc cần đọc.

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn thận trọng và tránh làm rõ đâu là mục tiêu chính của họ, đâu là cách thức họ phải phản ứng trong chính sách đối ngoại nhưng dưới thời ông Tập, tất cả những điều này đã thay đổi. Trung Quốc lần đầu tiên sau nhiều năm, trở lại với những “shouyao – ưu tiên” trong chính sách đối ngoại, đặc biệt với từng láng giềng cụ thể.

Các học giả hàng đầu Trung Quốc tranh luận về những điểm chính sau:

+ Nên xác định láng giềng ở quy mô nào? Là láng giềng trực tiếp có đường biên giới hay kể cả “láng giềng hành động”, tức là Mỹ, nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực?

+ Đường biên giới của chính sách lân bang của Trung Quốc sẽ kéo dài đến đâu? Một số người giới hạn trong khu vực châu Á (Châu Á-Thái bình dương và Trung Á), có người kéo dài đến tận Nga, Trung Đông và thậm chí cả châu Âu, dưới thuật ngữ được gọi là “mở rộng hợp pháp”.

+ Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ theo hướng nào? Có người vẫn muốn “giấu mình chờ thời” nhưng đa số xác định Trung Quốc phải hành xử như một cường quốc hồi sinh, dựa trên “3 vòng tròn ngoại giao” là láng giềng, khu vực và thế giới.

Có những ý kiến rụt rè, như của ông Lin Limin, Tổng biên tập Tạp chí CICIR cho rằng tham vọng của Trung Quốc không được vượt quá tiềm lực của nước này, nếu không sẽ dẫn đến thảm họa như Nga, Đức hay Nhật Bản trong quá khứ nhưng tinh thần chung của giới học giả Trung Quốc là phải trỗi dậy mạnh mẽ.

Ý tưởng này thực ra không mới bởi từ hai thập kỷ trước, khi ông Giang Trạch Dân mới lên nắm quyền, giới nghiên cứu Trung Quốc đã đưa ra thuật ngữ “chủ nghĩa nạn nhân” để lý giải việc Trung Quốc vươn lên. Theo lý giải này, các chính trị gia và các học giả Trung Quốc cho rằng sau hơn một thế kỷ bị hạ nhục, đất nước bị xâu xé, chiếm đóng, trở thành nạn nhân của phương Tây và Nhật Bản, Trung Quốc giờ đây phải lấy lại vị thế của họ.

Điều này không có gì sai, Trung Quốc xứng đáng có vị thế lớn so với tầm vóc của họ, nhưng điều nguy hiểm là thứ “chủ nghĩa nạn nhân” này luôn có xu hướng bị các học giả Trung Quốc đẩy đi đến cực đoan, trở thành một trạng thức của “tâm lý báo thù” bằng mọi giá.

Thực tế, quan điểm cho rằng Trung Quốc phải vươn lên bằng mọi giá, phải đòi lại những gì thuộc về mình, đang là áp đảo tại Trung Quốc. Ở Trung Á, Trung Quốc đã tính trước việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan nên đẩy mạnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và đề xuất dựng nên một “vùng kinh tế của con đường tơ lụa”. Tương tự, ở phía Nam, đầu tháng 10-2013, ông Tập Cận Bình đã đưa ra ở Bali nhân Thượng đỉnh APEC khái niệm đầu tiên về một “con đường tơ lụa trên biển” với ASEAN. Tham vọng và giấc mơ Trung Quốc vượt xa khuôn khổ lân bang.

Tương thích với tham vọng đó, kiểu quan hệ “cường quốc chi phối láng giềng” được Trung Quốc thay thế bằng chiến lược “láng giềng mới đến cường quốc”, tức Trung Quốc cho rằng trọng tâm chính sách của họ giờ đây phải là với từng láng giềng cụ thể và từ đó mới tác động đến quan hệ của họ với các cường quốc như Mỹ hay Nga.

Quan điểm đó được đích thân Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị đúc kết không lâu sau đó bằng một câu nói: “Tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau nhưng tuyệt đối không chấp nhận yêu cầu vô lý của các nước nhỏ. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của mình”. Nói cách khác, Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình đã rất rõ ràng: các nước láng giềng chỉ là các nước nhỏ, không có quyền đòi hỏi và Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ trong các tranh chấp chủ quyền. Đương nhiên, khi đó Trung Quốc không bận tâm chuyện tranh chấp đó có phi lý hay không, thậm chí là có tồn tại hay không.

Hiểu rõ được Trung Quốc trong thời đại mới, nơi hiện thân cho một thứ chủ nghĩa dân tộc không thể lay chuyển, thì sẽ thấy rằng việc các xung đột nối tiếp nhau nổ ra trong khu vực là điều không thể tránh khỏi, với Nhật, với Philippines, với Việt Nam rồi có thể tiếp tục với một nước khác...

Khi một quốc gia với sức mạnh vượt trội về kinh tế và quân sự mà lại luôn cho rằng họ đúng, không bao giờ nhượng bộ, coi các nước khác chỉ là tiểu quốc không được đòi hỏi thì sự tồn tại của một quan hệ hữu nghị, hòa bình chỉ là trên lý thuyết. Hòa bình không đến từ một phía, một bàn tay không thể vỗ lên tiếng. Nếu không nghĩ được thế thì quả đúng là viển vông.

Nhưng, sự viển vông cũng đến từ nhận thức của chính chúng ta, ở đây là Việt Nam và rộng ra là ASEAN. Rất khó tin rằng các nhà chiến lược của Việt Nam không ý thức được sự “trỗi dậy không hòa bình” của Trung Quốc nhưng việc bao lâu nay theo đuổi một chính sách quá hòa nhã, đôi khi cảm tính phi lý trí, cũng đáng phải xem như là một sự viển vông. Dù sao muộn cũng hơn không, thức tỉnh là điều cần thiết.

Với ASEAN, thì sự viển vông phản chiếu qua tâm lý chối bỏ thực tế. Cách đây hai tháng, tại một hội thảo quốc tế lớn ở Paris với chủ đề “Gia tăng bất ổn tại Đông Á và cơ hội cho hòa bình lâu dài”, khi có người hỏi học giả Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS) rằng liệu bộ Quy tắc ứng xử (COC) có phải là một cơ chế hiệu quả cho giải quyết các tranh chấp ở biển Đông hay không, ông Ian Storey đã hỏi ngược lại: “Câu hỏi phải là liệu COC có ra đời hay không?

Liệu bạn có tin Trung Quốc tự bắn vào chân mình khi chấp nhận một văn bản trói tay, trói chân họ không? 12 năm nay (từ 2002), nếu Trung Quốc đã không thúc đẩy COC sau khi có Tuyên bố ứng xử -DOC thì điều gì làm bạn tin rằng hôm nay họ sẽ chấp nhận điều đó? Câu trả lời là Không, Không, Không”. Cả hội trường ở Viện quan hệ quốc tế Pháp - IFRI, với rất đông học giả đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… đã vỗ tay ầm ầm tán thưởng.

Việc ASEAN vì chia rẽ quyền lợi mà không dám đối mặt với thực tế rằng mình đang theo đuổi một thứ hữu nghị không thực chất với Trung Quốc, như vậy, cũng chính là một thứ viển vông. Nói thế tất nhiên không phải là để loại bỏ các mối quan hệ kinh tế quý giá với Trung Quốc mà là để nhìn nhận lại ASEAN như một thực thể với đúng năng lực của nó.

Nếu ASEAN không tìm ra được một cơ chế an ninh hữu hiệu để ứng phó với các xung đột tiềm tàng với Trung Quốc tại biển Đông thì cũng nên nghĩ đến một kịch bản khác về một ASEAN chia đôi, nơi các nước thực sự có tranh chấp với Trung Quốc lập thành một nhóm có đủ sự liên kết vững vàng và yếu tố “đồng thuận” truyền thống không bị biến thành trở lực như đã từng xảy ra ở Campuchia.

Nếu không làm được thế và môi trường an ninh đổ vỡ, các dự án tương lai mà ASEAN hướng đến cũng chỉ là thứ viển vông.

Nên hòa hay nên chiến?

Em muốn hỏi một câu: dân mình đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với TQ chưa chị?. Cảm ơn Hào Vũ. Đây là câu hỏi Beo thích được trả lời nhất và dành nguyên entry này để trả lời bạn.
***
Để sẵn sàng cho một cuộc chiến, trước hết phải hình dung THẾ TRẬN ấy sẽ ra sao.

Phân tích chiến tranh có 3 yếu tố cơ bản: tài lực, hỏa lực và thế lực. Quan trọng nhất là thế lực vì nó quyết định bao nhiêu hỏa lực cần thiết, rồi mới tới tài lực.

Về tài lực, Trung Quốc dư tiền để kéo dài cuộc chiến tới khi VN cạn kiệt hoàn toàn. Về hỏa lực (tức quân lực- chữ của Beo) không cần so sánh bạn cũng thấy rất rõ hiện chúng ta sau Trung quốc bao nhiêu bậc. Thậm chí cả ý chí tinh thần, chúng ta hun đúc nhiệt huyết bảo vệ đất nước bao nhiêu, thì Trung quốc cũng thừa khả năng hun đúc gấp bội ta.

Về thế lực, tức là vị thế trên thế giới, Beo nhắc lại một câu viết trong entry mới đây: Trước đây, khi các chế độ xã hội đang hoàn thiện, các nước liên minh với nhau để bảo vệ lý tưởng chính trị của mình. Còn thời điểm lịch sử này, đánh nhau chỉ với lý do duy nhất làm giàu mà thôi.

Chính trị thế giới, ai chẳng là bạn của nhau. Quan trọng khi có biến, ai chung thuyền với ai. Từ EU già nua đến rồng phượng châu Á, đương nhiên sẽ đứng thuyền nào có lợi kinh tế cho họ.
***

Trên cơ sở so sánh như thế, nếu cuộc chiến diễn ra, những điều sau sẽ xảy đến:

- Cục diện chiến tranh sẽ không do Việt nam quyết định.

Giống như cuộc chiến 1979, chúng ta không thắng, mà TQ có thấy đáng để tiếp tục hay không.

- Việc bảo vệ chủ quyền giữa 2 quốc gia lân bang ranh giới đúng- sai, đen- trắng không rõ ràng như các cuộc chiến chống xâm lược. Chúng ta không thể mang chính nghĩa của chúng ta ra thuyết phục thế giới. Bằng chứng cho tới giờ này, chưa có bất cứ nước nào thừa nhận những phần TQ xâm chiếm trên quần đảo HS-TS là của VN. Họ chỉ ủng hộ TINH THẦN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG HÒA BÌNH của chúng ta. Mỹ, Nhật đều chung quan điểm và hành xử theo xu hướng ấy.

Điều này đồng nghĩa: chúng ta sẽ đơn thương độc mã nếu dùng đến biện pháp quân sự.

- TQ ko để tình trạng chiến tranh kéo dài. Lịch sử các cuộc chiến lớn, càng kéo dài thì tỉ lệ thắng cho kẻ yếu càng cao bởi, thế lực sẽ giảm theo thời gian.

- Lấy một giả dụ (giả-dụ-không-bao-giờ-có) Mỹ-Nhật-Nga nhảy vào đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến. Chúng ta sẽ chiến thắng vẻ vang, toàn dân hân hoan xuống đường hoan hô Phùng tướng quân bỏng tay...

Nhưng sau đó chúng ta trả nợ gì cho Mỹ-Nhật-Nga, nếu không phải lại chính là... biển đông.

Biển Đông khi ấy, cũng có là của chúng ta?

(Có khác chăng là tỷ lệ ăn chia 49/51 thay vì 51/49 như với Tàu).
***

Chúng ta luôn nhắc lại quãng quá khứ oanh liệt chiến thắng giặc Tàu bằng những áng thơ văn hào sảng còn lưu truyền, như một cách hun đúc ý chí cho ngày hôm nay. Nhưng lại thường xuyên quên kể phần triều cống của ông bà ta, ngay sau những trận đánh sạch sanh kình ngạc đó.

Ở bầu thì tròn ở ống thì dài, Tránh voi chẳng xấu mặt nào...không chỉ là những lời răn đơn giản, nó còn là triết lý nhân sinh để gìn giữ hòa bình.

Gìn giữ những tráng đinh khỏe mạnh đẹp đẽ, cho những người mẹ người vợ của họ.

Sắc Dục Của Hoàng Đế Mao Trạch Đông

Sắc Dục Của Hoàng Đế Mao Trạch Đông

LND: Tác phẩm «Tình dục, dối trá và chính trị» – Những kẻ bị ám ảnh đang lãnh đạo chúng ta – của tác giả Pierre Lunel, nhà xuất bản L’Archipel, Paris 2012 – gồm có ba phần. Phần đầu « Các nhà độc tài » viết về Stalin, Mussolini, Mao Trạch Đông và Bokassa. Phần hai về các lãnh đạo ở Mỹ : Kennedy, Bill Clinton, Arnold Schwarzennegger, và phần thứ ba dành cho châu Âu : Mitterand, Giscard d’Estaing, Berlusconi, Chirac, DSK.

Pierre Lunel là cựu hiệu trưởng trường đại học Paris 8, tác giả nhiều đầu sách tiểu sử và biên khảo sử học. 

Xin giới thiệu một phần chương sách « Mao Trạch Đông và hàng ngàn thê thiếp » trong tác phẩm trên, đã tạm lược bỏ 8 trang đầu nói về những người vợ của Mao là Dương Khai Tuệ (Yang Kaihui), Hạ Tử Trân (He Zizhen), Giang Thanh (Jiang Qing).
———-
…Mao có tính cách giản đơn của các tên tuổi lớn. Đa số thời gian, ông xử lý các vấn đề của Trung Quốc trên chiếc giường gỗ rộng mênh mông mà ông vẫn mang theo khi di chuyển, hay bên cạnh hồ bơi riêng. Ông ta có thể không mặc quần áo suốt nhiều ngày.

Mao rất thích các hồ bơi và những món ăn mỡ màng, ngập trong dầu béo ngậy. Ông ta không bao giờ đánh răng, chỉ súc miệng với nước trà. Mao không bao giờ tắm, mà vệ sinh thân thể bằng cách bắt những người tình một đêm dùng khăn nóng chà lên người mình. Bị chứng mất ngủ, ông có thể thức trắng nhiều đêm, và các cán bộ của ông phải chuẩn bị tinh thần để bị triệu đến lúc hai, ba giờ sáng. Làm việc với Mao thì cứ phải khỏe như vâm.

Suốt ngày hầu như ông ta lững thững chỉ với chiếc áo choàng tắm khoác hờ trên người, để lộ bờ vai lực lưỡng và chiếc bụng to tướng. Mao có nước da trắng đẹp, khuôn mặt đầy đặn luôn nở nụ cười, mái tóc đen dày.

Mao vẫn giữ thói quen nông dân. Khi phải mặc đồ, ông ta tròng vào bộ quần áo cũ mèm và đôi giày cà tàng. Bộ trang phục « kiểu Mao Trạch Đông » nổi tiếng và những đôi giày bóng lộn được dành cho những dịp long trọng. Chính trong cái bộ dạng kỳ khôi đó mà Mao đã lãnh đạo đất nước Trung Quốc.

Khi không có việc gì buộc phải ngồi dậy, ông ta nằm ườn trên chiếc giường gỗ « khủng », kích thước to gấp đôi một chiếc giường đôi thông thường. Người khách nào có óc quan sát có thể để ý thấy cái góc giường mà Mao dựa lưng cao hơn khoảng mười phân. Nếu có ai liều lĩnh đặt câu hỏi, sẽ được nghiêm chỉnh trả lời là đóng cao hơn để tránh cho khi ngủ mê không bị té xuống giường. Nhưng thật ra chỉ là nhảm nhí – gờ giường đóng cao theo yêu cầu của Mao để cho những trận bão tình ái được thuận tiện.

Mao « tán » các con mồi qua những buổi tối khiêu vũ, đây là một điều đặc biệt. Nhảy đầm đã bị Cách mạng cấm vì cho là lối sống suy đồi, và tất cả các sàn khiêu vũ đều bị chính thức đóng cửa. Thế nhưng Mao hàng tuần vẫn tổ chức những đêm khiêu vũ, tại sảnh Xuân Liên rộng mênh mông, không xa căn hộ của Mao là mấy.

Khi Mao vừa tới nơi khiêu vũ, là hàng chục thiếu nữ liền bổ nhào đến, năn nỉ ông nhảy với mình một bản. Mao nhảy một cách nặng nề, nhưng điều đó có nghĩa lý gì đối với các cô gái muốn được thần tượng chú ý bằng mọi giá. Các cô được những người thân cận của Mao tuyển lựa từ các đội văn công, theo tiêu chuẩn có ngoại hình đẹp và trung thành về mặt chính trị.

Mao nhanh chóng cho đặt một trong những chiếc giường size « khủng » của ông ta trong một căn phòng giáp với phòng khiêu vũ. Sau khi nhảy được vài ba bản, đại đế Mao tỏ ý muốn nghỉ ngơi, nắm lấy tay một trong những cô gái hơ hớ tuổi xuân này và đưa vào phòng. Ông ta chỉ ra khỏi phòng chừng hai tiếng đồng hồ sau đó, đa phần là với vẻ hài lòng vì đã được cô gái phục vụ tận tình.

Mao luôn bị ám ảnh với ý nghĩ một ngày nào đó sẽ bị mất đi khả năng tình dục. Khi các bác sĩ báo cho biết là ông ta đã trở nên vô sinh, Mao trả lời một cách xúc động :

- Thế là tôi đã thành hoạn quan rồi à !

Các bác sĩ phải hết lời trấn an, nói rằng tuy « tinh binh » của Mao không bình thường, nhưng không hề ảnh hưởng gì đến năng lực tình dục cũng như ham muốn.

Thực ra Mao chẳng hề quan tâm đến việc vô sinh, nhưng sợ hãi khi nghĩ đến khả năng bị bất lực, nhất là khi ông ta mang nặng trong đầu ám ảnh là năng lực làm tình sẽ chấm dứt vào tuổi sáu mươi. Đến tuổi này, ông ta có đôi khi bị trục trặc, nên thường cho tiêm truyền chất bột nhung hươu, mà tương truyền theo đông y là món thuốc cường dương đại bổ. Nhưng thấy nhung hươu không giúp giải quyết được vấn đề, Mao bèn ngưng sử dụng và quay lại với tây y – nói chung, ông ta không tin tưởng vào đông y.

Mao muốn được lưu danh theo truyền thống các hoàng đế Trung Quốc, đặc biệt là một vị theo truyền thuyết đã trở nên trường sinh bất tử nhờ quan hệ với một ngàn thiếu nữ đồng trinh. Ông ta hy vọng theo gót được vị tổ sư này. Không tin mấy vào năng lực tự nhiên, Mao say mê thu thập tất cả những tin tức từ phương tây hay những nơi khác, loan báo việc phát hiện các loại dược liệu giúp hoạt động tình dục cho đến chín mươi tuổi.

Trong khi chờ đợi thần dược ra đời, Mao nhồi nhét vào người đủ loại nhân sâm và đưa lên giường một số lượng đáng nể các cô thiếu nữ. Dù sao thì ông ta vẫn cho rằng đi ngủ và tắm rửa là lãng phí thời gian.

Nếu làm tình là thú tiêu khiển hàng đầu đối với Mao, thì ngược lại ông ta không yêu mến ai cả. Mao không có khả năng yêu thương lẫn cảm tình. Cũng có thể do ông ta đã chứng kiến quá nhiều thảm kịch và cái chết trong đời. Người vợ thứ hai, Dương Khai Tuệ bị Quốc dân đảng xử bắn, cũng như hai người em trai của ông. Nhiều người con của Mao đã chết trong cuộc Trường Chinh. Tất cả những bi kịch này làm Mao Trạch Đông trở nên sắt đá.

Trong thâm tâm, Mao hài lòng đã sống sót được qua nhiều nghịch cảnh, mà theo ông ta đó là dấu hiệu cho thấy mình sẽ trường thọ. Ông đã chứng tỏ trái tim sắt thép qua tất cả những hành động trong đời sống thường ngày, theo gương những hoàng đế Trung Hoa tồi tệ nhất. Chẳng hạn như Trụ vương đời nhà Thương, vị hôn quân thích trưng bày cái xác bị tùng xẻo của các nạn nhân, đổ đầy rượu vào hồ bơi, có hàng ngàn nàng hầu vây quanh. Hoặc Tùy Dạng Đế (Sui Yangdi), một trong những bạo chúa tệ hại nhất trong lịch sử Trung Hoa, đã bắt những cô gái trẻ đẹp phải kéo thuyền rồng đi ngược gió bằng những dải lụa.

Một bằng chứng cho sự tàn bạo của Mao Trạch Đông, lịch sử đặc biệt ghi nhận câu trả lời của ông ta trước Nehru :

- Chúng tôi chẳng việc gì phải sợ bom nguyên tử cả. Nếu ai tấn công tôi bằng bom nguyên tử, thì tôi có thể trả đũa tương tự. Mười triệu hay hai chục triệu người chết cũng chẳng ăn nhằm gì đối với chúng tôi !

Nehru không phải từ bi hỉ xả gì, nhưng cũng phải dựng tóc gáy khi nghe câu nói của Mao coi mạng người như ngóe.

Không một điều gì có thể làm Mao xúc động. Trong chiến dịch Đại nhảy vọt, nhiều triệu người dân nông thôn đã chết đói, nhưng ông ta vẫn ăn ngon ngủ yên. Ngay cả đối với người thân trong gia đình cũng thế. Chỉ cần kể ra đây thái độ đối với chính người con trai lớn của Mao.

Mao Ngạn Anh (Mao An Ying) tử nạn ngày 25/11/1950, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đã làm cho khoảng 400 ngàn người Trung Quốc thiệt mạng. Ngạn Anh đã lấy vợ trước đó một năm và vợ anh, Lưu Tư Tề (Liu Xi Qi), từ vài năm qua vẫn được xem như là con gái nuôi của Mao Trạch Đông. Ông ta thích cô đến nỗi tỏ ra vô cùng giận dữ khi nghe tin Ngạn Anh và Tư Tề đính hôn. Sự thực đằng sau cơn thịnh nộ này là: Lưu Tư Tề hết sức xinh đẹp, và Mao ghen với người con trai sẽ được ngủ với cô. Ông ta cản trở việc tổ chức đám cưới với những cái cớ kỳ lạ, chẳng hạn như phải chờ đến lúc tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ngày 01/10/1949…Khi nghe tin con trai mình tử thương, Mao phát biểu câu này thay cho lời ai điếu :

- Đã là chiến tranh làm sao không có người chết cho được ?

Ông ta không tỏ ra buồn phiền một chút nào, không hề nhỏ một giọt nước mắt. Tư Tề suốt một thời gian dài vẫn không hay biết về cái chết của chồng, và cuối cùng khi cô chất vấn Mao Trạch Đông về vấn đề này, ông ta trả lời là Ngạn Anh đã chết. Lưu Tư Tề kề cận cha chồng gần như hàng ngày trong suốt hai năm rưỡi trời, nhưng chưa bao giờ thấy Mao tỏ vẻ u sầu. Thậm chí ông ta còn nói đùa với cô về Ngạn Anh, như là con trai vẫn còn sống…

Kể từ năm 1958, trong cơn say Đại nhảy vọt, Mao trở nên ít kín đáo hơn trong cuộc sống riêng tư. Cho đến nỗi nhiều người đều biết về cách sống xa hoa, phóng đãng của ông ta, về những tòa biệt thự nằm rải rác khắp đất nước Trung Quốc, và về việc cung cấp gái đẹp mà chính Mao gọi là « tuyển lựa cung phi ». Các nữ nghệ sĩ trẻ của các đội văn công tham gia các buổi dạ vũ, cạnh tranh với nhau để làm đẹp lòng Mao, và kết thúc bằng việc qua đêm với ông ta. Các cô ganh tị lẫn nhau, cô nào được Mao nắm tay dẫn vào phòng ngủ trở thành mục tiêu bị các cô khác thù ghét.

Một hôm – và đây là lần duy nhất trong đời – Giang Thanh đã làm ầm ĩ lên với Mao. Ông ta phản ứng bằng cách cấp tốc ra khỏi phòng. Giang Thanh nhanh chóng hối hận vì cơn nóng giận này, và gởi đến Mao lời xin lỗi. Ông ta chỉ nhún vai. Có nghĩa lý gì, vài cô hầu thiếp dành cho con người quyền lực nhất, nhà sáng lập nước Trung Hoa cộng sản ?