Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

BÀN THÊM VỀ THUẬT NGỮ "HÌNH SỰ HÓA"

Bàn thêm về thuật ngữ Hình sự hóa

Thời gian qua, vấn đề hình sự hóa, các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính… dành được rất nhiều sự quan tâm của rất nhiều đối tượng; đó có thể là các nhà nghiên cứu chuyên sâu về pháp luật; đó cũng có thể là các chuyên gia về kinh tế; các doanh nhân….. Trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí; truyền hình khi đề cập đến vấn đề “ hình sự hóa” thì hầu như tất cả đều cho rằng đây chính là việc dùng biện pháp hình sự để giải quyết các vi phạm trong giao dịch kinh tế, dân sự chưa hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, vì vậy nó sẽ tất yếu gây ra những hậu quả nặng nề không những cho những người có hành vi vi phạm bị hình sự hóa mà doanh nghiệp đó cũng bị ảnh hưởng và kéo theo là các đối tác của doanh nghiệp đó và phản ứng dây chuyền này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến toàn xã hội. Theo bà Lê Thị Nga – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nếu tình trạng này không được chấn chỉnh, đẩy lùi thì nó sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại như: Những nạn nhân của vấn nạn này (và cả thân nhân của họ) sẽ mất lòng tin vào chế độ xã hội được kiểm soát bởi pháp luật; người dân sẽ không yên tâm bỏ vốn lớn để kinh doanh lâu dài. Hình sự hóa làm cho uy tín của công dân và doanh nghiệp bị giảm sút thậm chí bị mất hoàn toàn, và đây là những thiệt hại không thể xác định được bằng tiền. Hơn thế nữa trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, nếu xu hướng hình sự hóa không được khắc phục thì trong con mắt cộng đồng quốc tế, hệ thống pháp luật của ta sẽ dễ bị đánh giá là thiếu an toàn trong kinh doanh …. Như vậy có thể thấy đa phần các ý kiến, quan điểm đều đồng nhất thuật ngữ “ hình sự hóa” với việc sử dụng các quy phạm pháp luật hình sự để giải quyết các vấn đề không phải là “ tội phạm”; là sự áp dụng pháp luật không chính xác; là hành vi vi phạm pháp luật do các chủ thể có thẩm quyền đã áp dụng các quy phạm mang tính chất hình sự để điều chỉnh các quan hệ pháp luật kinh tế, dân sự.

Tuy nhiên qua nghiên cứu một số sách báo, tài liệu cho thấy thuật ngữ “ hình sự hóa” lại hoàn toàn không phải chỉ thuần túy là một hiện tượng tiêu cực cần phải khắc phục; nếu xem xét “ hình sự hóa” ở góc độ lập pháp thì “hình sự hóa” chính là quá trình chuyển hóa các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế thành các quan hệ pháp luật hình sự thông qua việc xây dựng các quy phạm pháp luật của cơ quan lập pháp. Như vậy ở góc độ này thì đây là một tiến trình hợp lý có tính tích cực cao, đây chính là một trong những công cụ quan trọng của cơ quan lập pháp khi thực hiện các chính sách hình sự của mình. 

Như vậy rõ ràng ở đây chúng ta chưa có được sự thống nhất trong cách hiểu về thật ngữ “ Hình sự hóa”, điều này dẫn đến việc sử dụng khái niệm, thuật ngữ này đôi lúc còn lúng túng. Vậy “ hình sự hóa” là gì?

Theo GS.TSKH Đào Trí Úc thì hình sự hóa (penalisation) chính là việc quy định hình phạt, khung hình phạt, điều kiện áp dụng hình phạt này đối với tội phạm này hay tội phạm khác được quy định trong Bộ luật hình sự. Và hình sự hóa chỉ diễn ra ở giai đoạn xây dựng pháp luật chứ không thể diễn ra ở giai đoạn áp dụng pháp luật .

Theo từ điển tiếng Việt thì hình sự hóa được hiểu là quá trình đưa một quan hệ xã hội từ chỗ chưa được điều chỉnh bằng luật hình sự trở thành đối tượng được điều chỉnh bằng luật hình sự ; Còn tại từ điển Luật học thì lại coi hình sự hóa là việc chuyển đổi các hành vi vi phạm pháp luật chỉ ở mức độ xử phạt hành chính thành tội phạm hình sự và tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Luật hình sự. Hình sự hóa là con đẻ của chính sách hình sự của chế độ độc tài, chuyên chế, của nhà nước khi đã rơi vào sự khủng hoảng và đánh mất đi sự ủng hộ của nhân dân .

Vậy ở đây, chúng ta thấy cách hiểu của các nhà nghiên cứu là không đồng nhất, thậm chí mâu thuẫn. Nếu theo cách hiểu trong từ điển triết học, hay GS.TSKH Đào Trí Úc thì rõ ràng “hình sự hóa” là một hoạt động mang tính tích cực và cần được thực hiện một cách thường xuyên, bởi trong cuộc sống thì các quan hệ xã hội luôn xuất hiện và biến đổi không ngừng. Còn nếu hiểu theo cách được thể hiện trong từ điển luật học thì đây rõ ràng là một hiện tượng vô cùng tiêu cực và cần được loại bỏ. Và trên thực tế, hầu hết các học giả, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạt động thực tiễn thì thuật ngữ “ hình sự hóa được hiểu như là một hiện tượng lạm dụng pháp luật hình sự để giải quyết các quan hệ pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự.

Nếu hình sự hóa nếu được hiểu theo nghĩa này thì chỉ tập trung ở giai đoạn áp dụng pháp luật và rõ ràng đây là một hiện tượng vô cùng tiêu cực và cần có những giải pháp để chấn chỉnh và khắc phục; bởi đây chính là sự phản ánh sự yếu kém (nếu không muốn nói là tiêu cực) trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; cũng như trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự như tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản… của các cơ quan, người tiến hành tố tụng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức mà còn gây ra sự bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp của đất nước. Trong thời gian qua đã có những vụ việc, những tranh chấp dân sự nhưng đã bị “hình sự hóa” làm tốn nhiều giấy mực cũng như thời gian của các phương tiện thông tinn đại chúng như vụ Vũ Đắc Lý, do C15 (cũ) khởi tố, Vụ 1A kiểm sát điều tra; vụ tranh chấp hợp đồng đại lý giữa Công ty Tân Á và Công ty Thành Luân ở Nam Định do C14 (cũ) khởi tố, Vụ 1A kiểm sát điều tra và vụ tranh chấp tài khoản chứng khoán tại Công ty chứng khoán Bảo Việt do C15 khởi tố, Vụ 1A kiểm sát điều tra ….

Nhưng như đã trình bày ở trên, khi đề cập đến thuật ngữ “ hình sự hóa”, thì cũng có không ít quan điểm cho rằng đây chính là sự chuyển hóa các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, hành chính thành các quan hệ pháp luật hình sự thông qua hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền. Và đây là một hoạt động “bình thường” của các cơ quan có thẩm quyền bởi trong đời sống thì các quan hệ xã hội luôn hình thành, phát triển cũng như thay đổi về cả lượng và chất; mức độ nguy hiểm của một số hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế hay hành chính có thể thay đổi theo hướng nặng hơn hay nhẹ hơn. Và sau khi nghiên cứu, đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tính phổ biến…, nếu xét thấy cần phải sử dụng biện pháp hình sự mới đấu tranh phòng ngừa đực với các vi phạm này, thì cơ quan lập pháp xác định hành vi ấy như một loại tội phạm mới trong pháp luật hình sự quốc gia.

Như vậy hiện tượng “ hình sự hóa” trong hoạt động áp dụng pháp luật chính là việc cơ quan tiến hành tố tụng đã “ lạm dụng pháp luật hình sự” để giải quyết các quan hệ hành chính, kinh tế, dân sự. Vì vậy theo chúng tôi cần phải thay thế thuật ngữ “hình sự hóa” trong áp dụng pháp luật bằng cụm từ “ lạm dụng pháp luật hình sự trong giải quyết các quan hệ kinh tế, dân sự”, hoặc “ hình sự hóa các giao dịch kinh tế, dân sự” bởi một số lý do sau:

Thứ nhất: Thuật ngữ này diễn tả được (và đúng) bản chất của hành vi. Xác định rõ đây là hành vi tiêu cực, thậm chí là hành vi vi phạm pháp luật cần phải loại bỏ.

Thứ hai: Việc sử dụng thuật ngữ trên giúp chúng ta phân định được sự khác nhau giữa hiện tượng hình sự hóa trong hoạt động xây dựng pháp luật hình sự với hiện tượng tùy tiện lạm dụng pháp luật hình sự trong giải quyết các vi phạm nghĩa vụ, hợp đồng.

Trên đây là một số ý kiến nhỏ xung quanh việc hiểu và sử dụng thuật ngữ “ hình sự hóa” hiện nay. Xin được trao đổi cùng với bạn đọc và đồng nghiệp.

Không rõ tác giả
Nguồn: Trường ĐHCSND


Đọc qua link này:http://www.pup.edu.vn/vi/Dien-dan-phap-luat/Ban-them-ve-thuat-ngu-Hinh-su-hoa-407#


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét