Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

BÁO CÁO CỦA NGÀNH ĐƯỜNG SẮT KHIẾN BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT XẤU HỔ

Báo cáo ngành đường sắt khiến Bộ trưởng GTVT xấu hổ

Lê Hường
(Seatimes) Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu rằng ông thấy xấu hổ với báo cáo của ngành đường sắt với con số 97,5% cán bộ ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Ngành đường sắt đang ngồi chờ sung rụng

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT: "Trong Báo cáo cuối năm có 97,5% cán bộ ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi đọc con số mà thấy xấu hổ. Nếu thế thì ngành giao thông phải đứng đầu cả nước". Phát biểu này được Bộ trưởng Thăng nói trong cuộc họp bàn biện pháp giảm áp lực cho vận tải đường bộ chiều 18/4. 

Theo đó, Trong khi con số Báo cáo cuối năm của ngành đường sắt có 97,5% cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp lại ca thán ngành đường sắt không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Trọng Khôi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất muốn chuyển hàng bằng tàu. Nếu đường sắt nâng được 15-30% năng lực vận chuyển thì chúng tôi rất phấn khởi".

Còn bà Vũ Thị Huyền Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường 1 đã phải nhắn tin cho Bộ trưởng Đinh La Thăng nhờ giúp đỡ. Theo bà Đức, trong khi doanh nghiệp phải vội vã đưa hàng qua cửa khẩu vì sắp hết quota thì đường sắt hàng tuần trời không xếp lịch chở hàng lên Lào Cai.

Trả lời cho những vướng mắc trên, Ông Nguyễn Văn Chung - Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội cho rằng, vấn đề là do không đủ năng lực để vận tải, từ hạ tầng đến việc xếp dỡ. Những lãnh đạo khác của ngành đường sắt thậm chí đổ lỗi cho khách hàng chậm bốc dỡ gây ách tắc, hay khách hàng không muốn vận chuyển ban đêm...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT thì trừ tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng đã vận hành tối đa, tuyến Hà Nội - TP HCM còn tăng được 3-5 đôi tàu. Các tuyến khác như Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên , Kép - Hạ Long còn thêm được 10 đôi tàu mỗi ngày.

Ngành đường sắt đang vận dụng 1.040 toa xe khách, có thể chở tăng 50 đến 80% so với hiện tại nếu tổ chức nhiều đôi tàu địa phương kết nối với Hà Nội và TP HCM.

Không đồng tình với những giải trình của lãnh đạo ngành đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt: “Báo cáo của đường sắt rất dài nhưng tóm lại là để đường sắt phát triển và nâng cao năng lực vận tải thì phải đầu tư hạ tầng và cấm đường bộ. Ngành đường sắt trồng cây sung rồi ngồi chờ sung rụng, phải có phương án đổi mới chứ anh làm việc theo kiểu quả trứng - con gà thì giải quyết sao được vấn đề”.

Để tháo gỡ những ách tắc của ngành đường sắt, Bộ trưởng Thăng cho rằng nếu khách không chịu dỡ hàng có thể phạt, khách không muốn chở ban đêm cần có chính sách khuyến khích... Bộ trưởng cũng khẳng định, vấn đề nằm ở chính ngành đường sắt, muốn phát triển thì phải đổi mới, phải trải thảm đỏ mời khách hàng chứ không phải là ngồi chờ khách đến. "Năng lực bốc dỡ không đủ, chi phí thì cao, khách muốn xếp toa đi trước lại phải “chạy” tiền và qua cửa “cò” theo cơ chế xin - cho, nhận vận chuyển nhưng không chịu trách nhiệm đến cùng, giải quyết sự thì việc lâu, thế thì ai người ta đến? Phải tăng năng lực vận tải, cải cách thủ tục hành chính, chống tiêu cực thì khách hàng mới đến với mình.” - Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ trích.

Trước đó, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty ĐSVN cũng từng công bố gây sốc: “Thị phần hành khách của 3 loại cơ giới chủ lực hiện đại là đường sắt, hàng không, đường biển, chỉ đạt dưới 1% so với cả 5 loại hình vận tải”. Ngành đường sắt Việt Nam cũng ghi nhận số hành khách hàng năm là 16 triệu người (0,6% thị phần vận tải hành khách) cho thấy con số thành tích ít ỏi của loại hình vận tải này.

Trong hội nghị tổng kết năm 2013 của Tổng Công ty ĐSVN, Bộ trưởng Đinh La Thăng cảnh báo về một “Bộ Đường sắt” cửa quyền, vượt trên các cơ quan quản lý nhà nước để định giá cước “cắt cổ”. Thực tế, giá vé giường nằm của tuyến Hà Nội - TPHCM còn đắt hơn vé của Hãng hàng không Vietnam Airline. Dịp Tết âm lịch vừa qua, vé tàu hỏa ế hơn so với những loại hình vận tải khác, thậm chí, hàng ngàn người đến ga Sài Gòn đòi “vé chính chủ”.
Tag

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét