Có thể chỉ là một sự "vạ miệng"?
Sau sự kiện “Lời kêu gọi ủng hộ nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” với nội dung lập lờ, không rõ, những ngày qua dư luận lại một phen dậy sóng, nhiều ý kiến bày tỏ sự vô cùng bức xúc với bài trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn trên PhoBolsaTV.
Bài trả lời phỏng vấn của ông Sơn khá dài (gần 40 phút) với nhiều nội dung. Nhưng tựu trung, các ý kiến trái chiều đều xoay quanh 2 nội dung chính (tóm tắt):
1. “Cần phải vinh danh 74 binh sỹ VNCH đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa”.
2. “Những thuyền nhân đã chết ở Biển Đông là những nạn nhân chiến tranh”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn trong một lần viếng thăm nghĩa trang Bình An (nghĩa trang Quân đội VNCH trước 1975)
Trước tiên, hãy xem vì sao lại có nhiều ý kiến phản đối như vậy:
Thứ nhất, có lẽ ông Sơn chỉ tập trung làm “ngoại giao” mà lại quên đi nhân tâm trong nước. Khi hàng triệu gia đình khắp các miền Nam Bắc đã mất người thân dưới họng súng và các nhà tù tàn bạo bậc nhất thế giới do chế độ VNCH dựng lên khắp miền Nam. Vẫn còn hàng triệu người mang thương tật do đủ loại vũ khí và các ngón đòn tàn độc của những tên cai ngục. Người Việt chân chính luôn có lòng nhân ái, không nuôi giữ hận thù (các nạn nhân của Bảy Nhu - cai ngục khét tiếng ở nhà tù Phú Quốc đã sẵn sàng tha thứ cho ông ta), nhưng sự thật là sự thật, gác lại quá khứ nhưng không thể và không được phép quên quá khứ, càng không thể lẫn lộn bản chất (với những kẻ rất có “nghĩa khí giang hồ”, sống đẹp với anh em, lấy của người giàu chia cho người nghèo vẫn là tội phạm, một vài hành động nghĩa hiệp chỉ có thể là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể biện minh cho hành vi cướp của giết người). Bởi vậy, có thể ghi nhận, tổ chức lễ cầu siêu cho các binh sỹ VNCH tử trận nhưng không thể bắt cả dân tộc đã chịu nhiều đau thương do chế độ này gây ra phải “vinh danh” họ như những người anh hùng.
Thứ hai, vẫn còn hàng triệu người thuộc các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, dân quân tự vệ và nhất là lực lượng thanh niên xung phong chịu nhiều mất mát trong chiến tranh còn chưa được nhận bất cứ một sự đãi ngộ hay vinh danh nào. Là những chiến sỹ cách mạng, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn họ không hề đòi hỏi điều đó, nhưng họ sẽ nghĩ sao khi những kẻ cam tâm theo giặc gây ra chiến tranh lại được “Vinh danh”? Những hy sinh của họ cho cuộc chiến có ý nghĩa gì đây, khi người anh hùng thật sự thì bị quên lãng, kẻ gây ra tội ác lại được vinh danh?
Thứ ba, sẽ cực kỳ nguy hiểm khi sự “vinh danh” đó sẽ dần dẫn tới thừa nhận sự hợp pháp của chế độ bất hợp pháp VNCH tay sai đế quốc Mỹ. Đó chính là âm mưu thâm độc của “Diễn biến hòa bình”, biến cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược ngoại bang thành “nội chiến, miền Bắc xâm lược miền Nam” như luận điệu của những kẻ chống cộng cực đoan và những tên cơ hội, xét lại vẫn đang ra rả hàng ngày.
Thứ tư, với những người bỏ mạng vì vượt biên trái phép, như chính ông Sơn nói “họ ra đi vì sự tuyên truyền một chiều, ra đi vì lý do kinh tế”. Nên nhớ, họ trốn đi trái phép, bỏ Tổ Quốc vì những ảo vọng kim tiền, không có ai o ép, bắt buộc họ phải ra đi và cũng chẳng có cuộc chiến nào. Vậy “nạn nhân chiến tranh” là cuộc chiến tranh nào? Họ bỏ mạng thì có thể cầu siêu cho họ, nhưng mang danh “nạn nhân chiến tranh” thì vô hình chung đã quy trách nhiệm về những cái chết đó cho chế độ.
Tóm lại, mục đích “hòa giải, hòa hợp” là rất đúng và nên làm với nhiều hình thức, phương pháp. Nhưng thể hiện như những gì ông Sơn trả lời trên PhoBolsaTV thì rõ ràng lợi bất cập hại, có thể được vài chục hoặc vài trăm nghìn người ở hải ngoại ủng hộ, song lại làm xáo động nhân tâm, gây mất niềm tin của hàng triệu người trong nước.
Việc ghi nhận, cầu siêu chúng ta vẫn nên làm, làm để quá khứ được ngủ yên chứ không thể bới lại quá khứ, làm lẫn lộn giá trị, đánh đồng bản chất như vậy. Như lời người lính Lêvũ Bìnhđịamộc đã trích lại ý kiến của một gia đình có người nhà nguyên là lính VNCH "bươi ra làm chi cho thêm nhục"!!!
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hết sức tỉnh táo, tránh việc phản biện cũng lại trở thành khơi dậy và kích động thêm sự chia rẽ dân tộc. Bởi:
1. Bộ chính trị đã có Nghị quyết 36 về chính sách đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, một Nghị quyết rất đúng đắn và kịp thời. Nghị quyết này chính là nỗi khiếp sợ của các tổ chức chống cộng cực đoan ở nước ngoài nên chúng luôn tìm mọi cách chống phá. Bởi vậy, phương pháp thực hiện của chúng ta luôn phải mềm dẻo, linh hoạt. Nếu phản biện sai, sẽ tạo cớ cho những kẻ chống đối xuyên tạc; “Chính quyền Việt Nam lời nói không đi đôi với việc làm”.
2. Các nội dung trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, hiện cũng bị các tổ chức phản động hải ngoại phản đối dữ dội.
3. Theo đánh giá chủ quan, tôi thấy nội dung trả lời của ông Sơn một phần chỉ là ý kiến cá nhân, có phần muốn thể hiện vai trò bản thân nên bị lỡ lời thành ra “vạ miệng”. Bởi ông nói “Tôi đã đề nghị cần phải có hoạt động vinh danh…… Thủ tướng đã đồng ý “cũng cần tổ chức cầu siêu” cho các binh sỹ VNCH và đồng bào gặp nạn trên Biển Đông” – Như vậy, chỉ là cầu siêu chứ TW cũng không hề có chủ trương “Vinh danh”.
Mặt khác, hãy xem lại lời ông Sơn trả lời báo Tuổi trẻ ngày 4/4, cùng nội dung nhưng khác về sự thể hiện mục đích:
“Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cũng kế thừa truyền thống đại đoàn kết của các chuyến đi trước là mời đại diện sáu tôn giáo lớn tham dự, sẽ tổ chức các lễ cầu siêu ở đảo Trường Sa Lớn và trên đường đi cho những anh hùng liệt sĩ của Quân đội nhân dân VN đã hi sinh trong quá trình bảo vệ biển đảo. Chúng ta cũng ghi nhận sự hi sinh của những người lính VN cộng hòa trong lực lượng hải quân đã bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.”
“Chúng ta cũng tưởng nhớ và thương tiếc những người dân VN vô tội đã ra đi và bị chết trong cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980. Chúng tôi coi những thuyền nhân tử nạn là những nạn nhân chiến tranh, ra đi vì bị tuyên truyền, kích động bởi thông tin một chiều, bởi khó khăn về đời sống kinh tế và nhiều nguyên nhân khác, vậy thì hãy cầu siêu để linh hồn họ được siêu thoát trên vùng biển quê nhà. Qua đó chúng ta cũng mong muốn vùng biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hữu nghị, còn chủ quyền của chúng ta thì chúng ta phải kiên quyết giữ, những khu vực, hòn đảo đang bị chiếm đóng trái phép tạm thời thì chúng ta sẽ đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để đòi lại.”
4. Thành phần tham gia chuyến đi ra Trường Sa lần này, là một số thân nhân liệt sỹ QĐNDVN và binh sỹ VNCH, cùng 70 người “Đa số là các doanh nhân đang thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam, đã lớn tuổi, có tư tưởng yêu nước và theo đạo Phật.”
Là Hội viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngòai – Những người cũng luôn bị các tổ chức chống cộng, chống Việt Nam phản đối.
***Hòa giải, hòa hợp là hết sức cần thiết, nhưng cần có thời gian và phải xuất phát từ cả 2 phía, trên cơ sở tôn trọng sự thật, đánh giá lịch sử một cách công bằng.
Tiến hành hòa giải, hòa hợp phải hết sức tỉnh táo, tránh âm mưu “được đằng chân lân đằng đầu”, từ “vinh danh” các binh sỹ VNCH tử trận dẫn tới vực dậy mồ ma của một chế độ tay sai.
Còn đây là một ý kiến rất đáng để suy ngẫm, của một vị lão thành cách mạng công tác trong ngành an ninh, đã từng trực tiếp tham gia nhiều hoạt động trừ gian diệt ác trong lòng địch về vấn đề này:
“Nên nhìn nhận, đánh giá hải chiến Hoàng Sa một cách khách quan, tách bạch khỏi các hành động chống cự trong cơn hấp hối của chế độ VNCH đối với Quân giải phóng”
“Hòa giải, hòa hợp nhưng không được lầm lẫn, nếu không sẽ đưa đến những hậu quả hết sức nguy hiểm. Vì một chế độ đã thẳng tay bắn giết, tàn sát đồng bào không ghê tay thì thây ma của chúng vẫn có thể tác quái, tiếp tục gây di hại cho đất nước”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét