Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có nội dung kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng
GD&TĐ - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam tối 20/4, giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc của dư luận xã hội xung quanh con số hơn 34.000 tỷ đồng được cho là kinh phí của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ như thế nào khi gần đây các kênh thông tin đại chúng đưa tin ngành Giáo dục đề xuất tới hơn 34.000 tỷ đồng để dành cho chương trình đổi mới chương trình, SGK sắp tới?
- Nếu cần phải có đến 34.000 tỷ để biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới thì tôi cũng không đồng tình, đúng là sự lãng phí.
Tuy nhiên, cần nói rõ con số hơn 34.000 tỷ đó không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong lần trình này Chính phủ xin Quốc hội bàn bạc, ra Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tương tự như năm 2000 Chính phủ đã xin và Quốc hội đã ra Nghị quyết.
Kết cấu của Nghị quyết gồm 3 mục: Thứ nhất, Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Thứ hai, Tiến độ đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Thứ ba, Tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Hồ sơ chúng tôi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số nào về kinh phí.
Thưa Bộ trưởng, vậy tại sao lại xuất hiện con số hơn 34.000 tỷ đồng này?
- Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết con số hơn 34.000 tỷ đồng được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau.
Trong mấy ngày gần đây, các phương tiện truyền thông có nói đến 34.000 tỷ đồng và nhiều các số liệu tiền nong khác, đó là những số liệu được trích ra từ những kết quả tổng hợp, nghiên cứu của các nhóm chuyên gia.
Trong con số hơn 34.000 tỷ đồng đó, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn chương trình, sách giáo khoa mà còn bao gồm việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay, cấu trúc lại hệ thống đào tạo sư phạm, trang bị lại những trang thiết bị phục vụ dạy và học cùng nhiều công việc khác.
Riêng nội dung về biên soạn chương trình và sách giáo khoa, trong hơn 34.000 tỷ đồng, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng.
Bộ trưởng có giải thích con số hơn 34.000 tỷ đồng đó là của các nhóm nghiên cứu đưa ra. Vậy tại sao đại diện của Bộ lại nhắc đến số tiền này trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thưa Bộ trưởng?
- Đây là một sơ xuất rất đáng tiếc. Vào những ngày Ủy ban Thường vụ Quốc vụ tổ chức cuộc giải trình này, tôi phải đi công tác nước ngoài trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN nên không thể tham gia trực tiếp được.
Tại phiên họp, đại diện của Bộ GD&ĐT khi trình bày tờ trình và đề án thì không có nội dung về kinh phí. Con số hơn 34.000 tỷ đồng được thông báo khi giải trình các câu hỏi của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội.
Để xảy ra sai sót như vậy, trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT và chúng tôi xin nhận trách nhiệm này. Tuy nhiên, một lần nữa khẳng định trong tờ trình, hồ sơ đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số về tiền. Và việc trình lần này mới chỉ là công việc bước đầu xin chủ trương, còn sau đấy còn phải triển khai rất nhiều công việc khác.
Bộ trưởng có nói đây mới chỉ là bước đầu tiên, vậy những bước tiếp theo – quy trình để thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ được tiến hành như thế nào?
- Tất cả những công việc tiếp theo sẽ được triển khai theo một quy trình rất chặt chẽ.
Sau bước đầu tiên, khi Quốc hội ra Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT.
Các bộ, ngành sẽ có những công việc cụ thể. Bộ GD&ĐT theo phân công sẽ xây dựng các đề án, các kế hoạch cụ thể.
Ví dụ về chương trình và sách giáo khoa mới, khi đó, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề án biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó nêu cụ thể tất cả các công việc, các định mức, các quy định chi tiêu, số tiền và các nguồn lực khác cần phải có.
Đề án đó sẽ được công bố rộng rãi để xin ý kiến của công luận, chuyên gia, xin ý kiến của Hội đồng Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực.
Và tới đây chúng ta sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT. Ủy ban cũng sẽ nghe chúng tôi báo cáo về đề án này.
Tiếp đó, các bộ, ngành của Chính phủ sẽ thẩm định Đề án, Chính phủ sẽ thảo luận về Đề án, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh, báo cáo để Thủ tướng xem xét, sẽ ký ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo Quốc hội nếu công việc vượt thẩm quyền của Thủ tướng, vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!
PV ghi
Ý cuả ông này là trình quốc hội duyệt đã còn tiền thì móc sau , nhưng bọn bậu sậu háu ăn qúa , chua duyệt đã vòi tiền làm vỡ hết kể hoach
Trả lờiXóa