Dư luận viên Ngọc Phạm
Khi luật quốc tế tỏ ra thiếu hiệu quả đối với một cường quốc trên bàn đàm phán, phải chăng đã hết giải pháp hòa bình trong tranh chấp?
Mới đây, tạp chí The Diplomat đã xuất bản bài nghiên cứu “Ngoại giao trong vấn đề Crimea và biển Đông” của hai nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher và Bruno Hellendorff (Bỉ). Hai tác giả chỉ ra những điểm tương đồng đáng lưu ý, những bài học kinh nghiệm cũng như giải pháp cấp thiết trong quản lý tranh chấp tại biển Đông từ trường hợp khủng hoảng Crimea.
Trung Quốc xưa nay thích “chơi rắn”
Ngày 18-3, Trung Quốc (TQ) và ASEAN đã có cuộc họp tại Singapore để tiếp tục theo đuổi những thương nghị về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), đồng thời đàm phán về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Cuộc gặp gỡ lần này diễn ra tại thời điểm TQ đang quyết liệt ưu tiên theo đuổi những tuyên bố về chủ quyền hàng hải của quốc gia này.
Hồi tuần trước, Bắc Kinh và Manila vừa trải qua thêm một cuộc tranh cãi sau khi tàu cảnh sát biển TQ chặn nguồn tiếp tế của hạm đội thủy quân Philippines hiện đang đóng quân tại quần đảo Trường Sa.
Nhìn một cách tổng quan hơn về động thái đó của TQ, nhiều chuyên gia đưa ra các nhận định TQ ngày càng “ưa chuộng” việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cũng như các phương tiện mang tính vũ lực để tăng cường ảnh hưởng ở biển Đông.
TQ đã và đang tiến hành xây dựng lực lượng hàng hải một cách mạnh mẽ, bao gồm việc tập trung các đơn vị hải quân thành một đơn vị cảnh sát biển thống nhất; phát hành các tập bản đồ với tuyên bố đường 10 đoạn trên biển Đông. Thậm chí là đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) khu vực biển Đông và ngay cả trên vùng đảo đang tranh chấp với Nhật Senkaku/Điếu Ngư.
Tất cả động thái trên đã và đang góp phần biến khu vực biển Đông thành “cái vạc của châu Á”, khái niệm mà chuyên gia Robert Kaplan đã đặt tên cho quyển sách cuối cùng của mình: “Cái vạc của châu Á: Biển Đông và việc kết thúc sự ổn định ở khu vực Thái Bình Dương”. Một bức ảnh trên boong tàu Liêu Ninh được lưu hành rộng rãi ghi lại hình ảnh người thủy thủ TQ đưa cao khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa, giấc mơ của một lực lượng quân đội hùng mạnh” đã không giúp làm giảm những căng thẳng trong khu vực trước tham vọng của TQ.
Đảo Sơn Ca trên biển Đông thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Ảnh: Đức Hiển
Nga đã chọn “đánh” mà không “đàm”?
Cuộc thảo luận giữa TQ và ASEAN diễn ra ngay trong giai đoạn khủng hoảng Crimea ở Đông Âu. Trong trường hợp này, tương tự tranh chấp biển Đông, công pháp quốc tế cũng như các áp lực từ phía Liên minh châu Âu (EU) cũng chưa thể hiện hiệu quả trước những quyết tâm của Nga trong việc quyết định số phận của Crimea, vốn là một phần lãnh thổ của Ukraina.
Mặc dù bị Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác nhận định là bất hợp pháp nhưng cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea vẫn diễn ra, đồng thời được chính quyền Putin chấp nhận sáp nhập. Các căn cứ quân sự của Ukraina tại Crimea nhanh chóng bị các lực lượng thân Nga áp đảo và sự kiểm soát chính trị từ Kiev dường như bị vô hiệu hóa.
Về thực tế, chính quyền Putin có những lợi thế nhất định. Nước này vừa cương quyết, đồng thời sử dụng “chiêu” đe dọa để thúc đẩy thành công một cách nhanh chóng lợi ích của nước ngày tại Crimea. Đồng thời, Moscow đáp trả những chỉ trích từ châu Âu và Mỹ bằng cách gợi lại những can thiệp của phương Tây đối với Kosovo và Libya.
Ngoài những tuyên bố trừng phạt Nga từ phương Tây thì những hậu quả đối với quan hệ Nga-EU và sự ổn định của Đông Âu cho đến nay vẫn là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, động thái của Nga trong bối cảnh hiện nay cho thấy việc sử dụng bạo lực đang chiếm ưu thế trong vấn đề ngoại giao, vốn là một quan niệm lạc hậu, lỗi thời. Quan niệm ngoại giao theo kiểu “cây gậy” này, theo Sophie Boisseau du Rocher và Bruno Hellendorff, sẽ gieo rắc tai ương cho nhiều nơi. Đặc biệt là những gì Nga đã làm và phản ứng của châu Âu sẽ được Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á quan sát rất kỹ lưỡng.
Bạo lực sẽ trỗi dậy ở biển Đông?
Vấn đề Crimea có tác động đến Đông Nam Á hay không trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ hiện nay vẫn là câu hỏi lớn. Tuy nhiên, theo Sophie Boisseau du Rocher và Bruno Hellendorff, Crimea và biển Đông có những điểm tương đồng.
Cả hai trường hợp đều đặt ra vấn đề quản lý việc tranh chấp lãnh thổ của quốc gia nhỏ bên cạnh một thế lực mạnh hơn. Điểm chung còn lại là cả hai trường hợp đều nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề ngoại giao (để giải quyết) nhưng tính đến nay thì hiệu quả của việc ngoại giao là không cao.
“Sống” bên cạnh một TQ đầy mâu thuẫn và khó hiểu, các nước ASEAN cũng hiểu được những “cảm giác” mang tính cấp bách từ quá trình phát triển của vấn đề Crimea. Có thể câu hỏi lớn nhất mà các nước này đang đặt ra là liệu họ có thể thuyết phục TQ chấp nhận những lợi ích lâu dài bằng ngoại giao, hơn là sử dụng các biện pháp “sức mạnh tay chân” trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ hay không.
Có lẽ cơ hội tốt cuối cùng cho ASEAN trong việc sử dụng phương thức ngoại giao để giải quyết tranh chấp đã diễn ra vào 22 năm trước. Cụ thể là cuộc đàm phán đã diễn ra hồi năm 1992 và đến nay vẫn chưa thể đi đến một kết quả làm thỏa mãn các bên. Bằng chứng, nếu Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông 2002 đã tái khẳng định những cam kết về tôn trọng luật quốc tế và tự do hàng hải thì hiện nay đã xuất hiện những bằng chứng cụ thể về chủ nghĩa đơn phương (làm mà không cần sự đồng ý từ các nước khác) xuất phát từ chính quyền TQ hoặc ngay cả Philippines.
ASEAN phải theo đuổi ngoại giao
Rõ ràng là hiện nay việc sử dụng ngoại giao trong giải quyết và quản lý tranh chấp lãnh thổ, qua trường hợp Crimea và động thái TQ tại biển Đông, gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng nhấn mạnh trong bài nghiên cứu của mình, Sophie Boisseau du Rocher và Bruno Hellendorff viết trong các trường hợp tranh chấp là: “Việc sử dụng ngoại giao là rất cần thiết. Bởi lẽ đây là kênh mà các bên liên quan có thể trình bày quan điểm, lợi ích phân kỳ của họ; thông qua quá trình trao đổi, đàm phán để tìm đến tiếng nói chung, giảm căng thẳng và tăng cường ổn định vì lợi ích chung trong tương lai”.
Cạnh đó, hai tác giả trên thừa nhận rằng: “Ngoại giao có những hạn chế do phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc quyền lực, được thể hiện dưới những công ước hoặc chuẩn mực”. Cấu trúc này có thể tạo ra những thuận lợi hoặc những hạn chế cho quá trình ngoại giao. Điển hình, trong trường hợp biển Đông và Crimea, ngoại giao được thực hiện rất nhiều trong khuôn khổ giữa một tổ chức quốc tế (EU/ASEAN) với một cường quốc (Nga/TQ). Cả ASEAN hay EU đều là những tổ chức quốc tế quan trọng, khi các quốc gia thành viên được kết nối thông qua một loạt các lợi ích kinh tế, chính trị và thể chế mạnh mẽ. Song các liên kết này đôi khi còn xuất hiện sự mờ nhạt và lỏng lẻo do nhiều nguyên nhân. Chưa kể đến những mâu thuẫn nội bộ vốn vẫn tồn tại trong lòng ASEAN lẫn EU khiến vị thế đàm phán của họ giảm đi rất nhiều.
Vậy nên theo Sophie Boisseau du Rocher và Bruno Hellendorff, cả EU và ASEAN đều lo lắng sẽ rất khó để “nói chuyện” một cách thuyết phục với Nga (hay TQ) trên bàn đàm phán nếu hiệu quả từ luật pháp quốc tế là rất ít. Cuộc họp tại Singapore hồi tháng 3 giữa TQ và ASEAN không có gì bất ngờ khi kết quả các bên đạt được là không đáng kể. Các chuyên gia khẳng định TQ không dễ từ bỏ tham vọng về lợi ích lãnh thổ mà nước này tự xác lập để theo đuổi sự thành công của COC.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ASEAN nên từ bỏ ngoại giao mà ngược lại cần tăng cường. Trước khi sự kiện Crimea diễn ra, ngoại giao vẫn là đường lối quan trọng và chính thức của ASEAN đối vối TQ về vấn đề biển Đông thông qua ngoại giao. Ngay cả quốc gia được đánh giá là có những động thái “ngoại lệ” như Philippines thì vẫn tìm đến sự giúp đỡ của khối 10 nước. Dù nhiều khi TQ tỏ ra manh động và quyết liệt nhưng ASEAN vẫn giữ lập trường “trừng phạt ngược lại sẽ không phải là giải pháp tốt, tham vấn nhau sẽ hiệu quả hơn”.
Sophie Boisseau du Rocher và Bruno Hellendorff cho rằng tương lai sẽ cho biết sự đúng, sai trong ứng xử của ASEAN với TQ. Điều quan trọng lúc này là các quốc gia liên quan tranh chấp biển Đông trong ASEAN phải tăng cường liên kết bền vững với nhau hơn trong ngoại giao song phương và đa phương, đồng thời thông qua ASEAN để đàm phán với TQ. Mục tiêu chung và khẩn cấp hiện nay tại biển Đông vẫn là bộ quy tắc ứng xử chung cho các bên.
NGỌC PHẠM (Nguồn: http://thediplomat.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét