Phí đường bộ xe máy và chuyện “một tiền gà ba tiền thóc”
Từ nguyên nhân lớn nhất là sự thiếu hiệu quả, nhiều ý kiến đã cho rằng nên bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sau khoảng một năm thực hiện.
Mới đây nhất, trong phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật về phí và lệ phí, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề xung quanh câu chuyện kết quả thu phí không đạt mục tiêu, số thu đạt rất thấp trong khi chi phí để thu lại cao.
Như đã biết, phí sử dụng đường bộ (được đưa vào Quỹ Bảo trì đường bộ) bắt đầu được thực hiện trên toàn quốc kể từ ngày 1/1/2013. Riêng phí đối với xe máy, thời điểm thu có sự chênh nhau giữa các địa phương.
Từ nguyên nhân lớn nhất là sự thiếu hiệu quả, nhiều ý kiến đã cho rằng nên bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sau khoảng một năm thực hiện.
Điểm khác biệt chính là cách thu phí giữa 2 loại phương tiện. Nếu như phí ôtô được thu thông qua cơ quan đăng kiểm thì phí xe máy lại được thu ngay tại địa phương, cụ thể là các phường (xã) đến tổ dân phố, thôn làng. Khi tập trung vào một đầu mối và “tiện thể” gộp luôn khi chủ phương tiện thực hiện hoạt động đăng kiểm định kỳ, việc thu phí đối với ôtô được xem là rất nhẹ nhàng.
Trong khi đó, việc chuyển nhiệm vụ thu phí về cho cấp phường xã, những bất cập thực tế đã được dự báo ngay từ khi Thông tư 197 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được Bộ Tài chính ban hành cuối năm 2012. Đó là khả năng thất thu, hụt thu lớn do khó quản lý được lượng phương tiện thực tế tại địa phương; khó tránh những trường hợp người dân trốn nộp hoặc không nộp do tình trạng xe không “chính chủ” rất lớn; thậm chí bản thân những người có trách nhiệm thu phí cũng dễ dàng bỏ quả những trường hợp có mối quan hệ họ tộc tại địa phương.
Tuy nhiên, sự thiếu hiệu quả kiểu một tiền gà ba tiền thóc mới chính là câu chuyện đáng suy ngẫm nhất.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết đến nay tỷ lệ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy mới chỉ đạt chưa đến 20%, cụ thể là 500 tỷ đồng trên 2.600 tỷ đồng. Vấn đề ở chỗ, để thu được số phí bị coi là rất thấp này, mỗi phường (xã) đều phải cử hàng chục cán bộ thực hiện nhiệm vụ thu phí, lượng cán bộ cũng tùy theo số lượng các tổ dân phố hay thôn làng. Chỉ cần tính trên công sức đi thu tại từng hộ dân của các cán bộ địa phương, chi phí cho văn phòng phẩm, chi phí cho công tác quản lý phí từ thời điểm thu đến khi chuyển về Quỹ bảo trì đường bộ của tỉnh, thành phố rồi tính toán, phân bổ theo kế hoạch cùng quỹ lương để nuôi bộ máy quản lý quỹ cũng thấy rõ được sự thiếu hiệu quả.
Tại Hà Nội, theo thống kê của UBND thành phố, tính đến hết năm 2013 mới chỉ thu được 55 tỷ đồng tiền phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Thậm chí 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thu tại Thủ đô mới chỉ đạt 0,6% dự kiến với số thu thực tế 1,5 tỷ đồng. Đáng buồn hơn là số thu tại 4 quận (huyện) gồm Cầu Giấy, Phúc Thọ, Chương Mỹ và Thường Tín đang bằng… không.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hụt thu, theo lý giải của Cục Thuế Hà Nội, là do giao cho tổ dân phố đứng ra thu phí trong khi không giao các chế tài xử lý. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chần chừ nộp phí hoặc không nộp phí đối với các phương tiện của gia đình nhưng không tham gia hoặc ít tham gia giao thông…
Xung quanh ý kiến bỏ thu loại phí này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng nếu cần thiết thì sẽ xin ý kiến thêm. Dù vậy, ông cũng nêu quan điểm duy trì thu phí vì có thể số tiền không lớn song lại thể hiện sự đóng góp của dân vào hạ tầng giao thông.
Chi Chi (TTTĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét