Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

PHÓ GIÁM ĐỐC HIẾP DÂM TRẺ EM ĐÒI THỰC NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG?



Một Luật gia cho rằng, vấn đề mấu chốt trong vụ án hiếp dâm phải căn cứ vào hành vi phạm tội chứ không phải ở khoảng thời gian 10- 15 phút có đủ để thực hiện hành vi hay không? Pháp luật quy định tội hiếp dâm có cấu thành hình thức nên không bắt buộc phải xảy ra hậu quả thì tội phạm mới hoàn thành. Hơn nữa, trong vụ án hiếp dâm thì việc thực nghiệm hiện trường là điều không thể và không nên thực hiện nên thiết nghĩ không nên đặt ra vấn đề này.

(PLO) - Cho rằng 15 phút thì không thể làm nổi "chuyện ấy", vợ bị cáo đã đi kêu oan cho chồng - can án hiếp dâm. Còn Luật sư bào chữa cho bị cáo đòi phải tiến hành thực nghiệm hiện trường.

Khoảng 8h15 ngày 22/9/2013, trong lúc vợ chở mẹ ra bến xe về quê, Đinh Văn Trực (SN 1977, nguyên Giám đốc chi nhánh một công ty kinh doanh vận tải ở Hà Nội) được giao nhiệm vụ trông đứa con 20 tháng tuổi. 

Thấy cháu Trần Hồng T. (12 tuổi) là con của một người hàng xóm đi qua, Trực nảy ý đồ đồi bại nên kéo tay cháu T. dắt vào phòng trọ, đóng cửa sổ, cửa ra vào rồi đẩy cháu nằm ra giường, thực hiện hành vi giao cấu. Cháu T. chống cự nhưng bị Trực dùng tay bịt miệng, thực hiện ý định đến cùng. Xong, Trực đưa cho cháu bé 50 ngàn đồng, dặn không được nói cho ai biết… 

Lộ án từ tờ 50 ngàn bất thường

Tối đó, thấy con gái có tiền trong người cùng nhiều biểu hiện lạ nên mẹ cháu T. gặng hỏi nhưng cháu không nói gì. Khi chị gái đi học về, báo cho mẹ biết đó là những dấu hiệu em bị ai đó dụ dỗ thì đột nhiên cháu T. òa khóc nức nở, kể lại việc bị hãm hại. 

Sau đó, cháu T. dẫn bố mẹ sang nhà Trực, chỉ đúng vào phòng trọ của Trực thuê nhưng Trực phủ nhận: “Nhầm rồi cháu ơi, không phải chú” rồi đóng cửa lại không tiếp xúc với gia đình cháu T.

Bố mẹ cháu T. đã tố cáo sự việc ra cơ quan công an. Kết quả khám nghiệm của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kết luận, cháu T. đã bị xâm hại, dấu vết còn mới. Trực bị bắt ngay ngày hôm sau. 

Tại công an huyện Từ Liêm, bị hại khai đây không phải là lần đầu mà trước đó, vào khoảng tháng 8/2013, Trực đã có hành vi cưỡng hiếp cháu. Trực phủ nhận cáo buộc này, chỉ nhận đây là lần đầu tiên. 

Thế nhưng, sau khi vụ án được chuyển đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền thì Trực chối tội, không nhận thực hiện lần nào. Khi VKSND ra cáo trạng truy tố Trực về tội “Hiếp dâm trẻ em”, Trực tiếp tục kêu oan và đề nghị điều tra lại để tránh xử oan cho mình.

15 phút sao làm được “chuyện ấy”?

Cháu T. có đến phiên tòa nhưng hầu như không trình bày được gì khiến người mẹ phải thuật lại toàn bộ diễn biến sự việc như cáo trạng nêu và khẳng định “một đứa trẻ nói thì không thể sai được!”. 

Bị cáo Trực thì kiên quyết không nhận tội: “Tôi đề nghị điều tra lại để tránh làm oan cho tôi, tôi chưa bao giờ biết cháu T. Tôi nhận tội ở cơ quan điều tra là do bị đánh, ép phải nhận”.
Vợ bị cáo khai rằng chị chỉ chở mẹ đi khoảng 10- 15 phút, khi trở về thấy chồng vẫn chơi với con. Cô hàng xóm ngồi đan len bên cạnh cũng khai không thấy tiếng động bất thường nào. Đặc biệt, cửa sổ nhà bị cáo đứng từ phía trong không thò tay đóng được vì vướng lưới sắt, vậy trong khoảng 10- 15 phút, bị cáo không thể vừa dắt tay bị hại, vừa đóng cửa chính, cửa sổ, rồi xô ngã, cởi đồ bị hại, lại còn phải trông con nhỏ lẫm chẫm tập đi…
 
Bên cạnh đó, các tang vật của việc phạm tội như quần áo các bên đã bị giặt sạch, chiếc chiếu trúc có nhiều dấu vết chứng minh hành vi phạm tội cũng không được thu giữ... Bị cáo Trực cho rằng những lần mình nhận tội là do bị điều tra viên đánh, bức cung.

Giờ nghị án, Trực khóc giữa vòng vây bạn bè và đồng nghiệp. Mọi người đều cho rằng Trực bị oan, không làm cái điều mất đạo đức đó. Vợ bị cáo thì một mực kêu oan cho chồng, chị động viên chồng yên tâm, giữ gìn sức khỏe để chờ đến ngày được minh oan.

HĐXX nhận định rằng mặc dù bị cáo không khai nhận nhưng căn cứ lời khai ban đầu của bị cáo, bị hại, kết quả khám chứng thương và các tài liệu khác, có đủ căn cứ xác định bị cáo phạm vào tội “Hiếp dâm trẻ em” nên tuyên phạt Đinh Văn Trực 13 năm tù. 

Luật sư Đinh Thị Kim Thoa bào chữa cho bị cáo Trực phát biểu: “Bị cáo kêu oan từ trước khi gặp luật sư. Chứng cứ kết tội còn lỏng lẻo, các chứng cứ như: quần áo, dấu vân tay, chiếu trúc… thì cơ quan điều tra đã không thu thập. Trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan tiến hành tố tụng chứ bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh. Theo tôi, cần thiết phải tiến hành thực nghiệm hiện trường để tránh làm oan người vô tội.” 

Bình luận về vụ án này, nhiều luật sư chung ý kiến : nếu bị cáo kêu oan thì Tòa án vẫn có thể căn cứ vào lời khai ban đầu của bị cáo, bị hại, giấy chứng thương và các tài liệu khác cũng đủ cơ sở để kết tội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét