Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

TẠI SAO “VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP” KHÔNG THU HÚT CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP?

“Mục đích của người viết văn là giữ cho nền văn minh không tự hủy diệt” – Albert Camus

Đây không chỉ là mục đích hay trách nhiệm, đây là sứ mệnh của người cầm bút. Trong quá trình tạo dựng một đất nước Công bằng – Dân chủ – Văn minh, thì các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình thật sự đảm nhiệm 1/3 trách nhiệm. Đó cũng chính là những gì được nhấn mạnh trong bản tuyên bố thành lập Văn đoàn độc lập. Ngay phần đầu của bản tuyên bố thành lập, những người này đã khẳng định: ”Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình”, và họ cũng nhận rằng đây là trách nhiệm của chính những người cầm bút. Bởi vậy, ngay khi được thành lập, “Văn đoàn độc lập” đã thu hút một số cây bút ký tên, nhưng vẫn dừng ở đấy, bởi những cây bút ấy có thực sự đã làm đúng như sứ mệnh mà họ xướng lên?

“Văn đoàn độc lập” mang màu sắc chính trị ?

Trong nhiều năm qua, văn chương không có sáng tác nào có giá trị, lý luận phê bình cũng chỉ lác đác vài cuốn, đa phần là văn học dịch. Hiện tượng này có phải thật sự là do lỗi của chính quyền, rằng các chính sách quản lý văn học nghệ thuật cản trở việc sáng tác? Quản lý và kiểm duyệt nội dung là vấn đề không thể tránh được trong quản trị nhà nước, để đảm bảo tính chính thống của tư tưởng và thái độ xã hội. Kiểm duyệt không có nghĩa là hạn chế tính sáng tạo, bởi vì, trên thực tế, hai điều này không liên quan và song hành với nhau. Nếu vấn đề kiểm duyệt gây cản trở cho sáng tạo nghệ thuật thì những tác phẩm lớn trên thế giới như “Thủy Hử truyện” (Thi Nại Am), “Hamlet” (William Shakespeare), “Những người khốn khổ” (Victor Hugo) hay ngay cả “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng), “Chí Phèo” (Nam Cao), … có lẽ đã chẳng bao giờ tồn tại trên đời. Tính sáng tạo của người cầm bút nằm ở chính bản thân người cầm bút chứ không thể phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Ở đâu có áp bức, ở đó văn chương thơ ca càng cất lên những tiếng nói mạnh mẽ. Nhưng ở Việt Nam, lâu lắm rồi không có tác phẩm nào có hơi thở đời sống.

“Văn đoàn độc lập” ra đời với mong muốn phục dựng nền văn học nước nhà, nhiệm vụ mà họ cho rằng Hội nhà văn Việt Nam không làm được. Nhưng thay vì kêu gọi trách nhiệm của người cầm bút, họ lại trút toàn bộ trách nhiệm này lên nhà nước và Hội nhà văn. Bởi thế, “Văn đoàn độc lập” bị nhuốm màu sắc chính trị. Dư luận dễ dàng để nghĩ rằng, đây là một tổ chức li khai và đối kháng với Hội nhà văn Việt Nam. Các chữ ký có trong “Văn đoàn độc lập” đều là của những người đã và đang ở trong Hội nhà văn Việt Nam, hoặc đã từng được giải thưởng của Hội nhà văn. Nguy hiểm hơn, tên tuổi của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình có uy tín lớn lại được xếp cạnh những cây viết nghiệp dư chống chính quyền. “Văn đoàn độc lập” được tổ chức như một sự tuyên bố và thách thức, điều này khiến chính bản thân những cây viết độc lập cảm thấy rằng mình không nên dính vào cuộc đấu đá này.

Nhưng sai lầm lớn nhất là, “Văn đoàn độc lập” đã nói một câu dễ làm mất lòng các nhà văn “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Trong bản tuyên bố, các cây bút này bị quy kết là “thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo”. Văn chương hiện thực không phải là tất cả của nền văn học. Bất cứ ai nghiên cứu văn học thế giới đều biết điều này. Đa số các tác giả lớn đều là những người “vị nghệ thuật”. Các nhà văn trong “Văn đoàn độc lập” đã nhầm lẫn giữa kiểu viết “ôn nghèo kể khổ” và trách nhiệm của văn chương. Văn chương không chỉ đơn thuần mô tả cuộc sống để phơi trần bộ mặt xấu xa của nó (công việc này có thể báo chí làm tốt hơn), văn chương, vĩ đại bởi khả năng hướng con người tới cái đẹp bằng nghệ thuật ngôn từ.

Mọi sự đổi mới cần đến từ chính bản thân tác phẩm

Thời kỳ văn học Phục Hưng được đánh dấu bằng những tên tuổi lớn như Cervantes với “Don Kihote”, các vở kịch về tự do cá nhân của William Shakespeare. Các tác phẩm hiện thực lớn của Balzaq, Charles Dicken, Dostoyevski… đều là những tuyên bố hùng hồn về sự đổi mới, thay đổi, thậm chí là Cách mạng trong thời đại của họ. Không cần các tuyên bố dài dòng về quyền tự do, quyền con người hay lẽ công bằng, bằng chính các biến cố trong tác phẩm của mình. Những ý tưởng đó trong tác phẩm lan tỏa đến các cây viết khác và ảnh hưởng sâu sắc đến người đọc. Từ đó, một cuộc đổi mới bắt đầu diễn ra. Để thực hiện điều đó, những cây bút đứng đầu một phong trào hoặc một nhóm, phải là những cây bút xuất sắc nhất.

Không có điều này ở “Văn đoàn độc lập”! Không có gì ngoài độc nhất một bản tuyên ngôn! Các trào lưu và các nhóm sáng tác trong lịch sử văn học cũng có bản tuyên ngôn của riêng họ, nhưng đó là sau khi các tác phẩm của họ đã đi trước và thuyết phục được xã hội. Nếu không thể chứng minh bằng chính tác phẩm, các bản tuyên ngôn đều chỉ là sáo rỗng, không thể đảm bảo chắc chắn rằng những cây bút đó sẽ có khả năng bảo vệ những người cầm bút khác. Trong khi sự bảo vệ này không đơn thuần chỉ là quyền lợi chính trị, người cầm bút hơn cả thế, cần được xã hội công nhận đúng với tài năng và tư tưởng của mình.

Người cầm bút thật sự có cần đòi hỏi sự “độc lập”?

Hội nhóm, với các tác giả, đôi khi chỉ là chỗ để gặp nhau nói chuyện, giới thiệu tác phẩm, chia sẻ hiểu biết. Ở Việt Nam có rất nhiều nhà văn độc lập, không tham gia bất cứ hội đoàn nào, kể cả Hội nhà văn Việt Nam, nhưng họ vẫn được xuất bản sách, vẫn được báo chí đưa tin, vẫn được diễn thuyết trước công chúng, họ hiện nay vẫn được đảm bảo mọi điều kiện để thể hiện năng lực sáng tác. Họ hoàn toàn chứng minh bản thân, bao gồm tư tưởng và tài năng, bằng chính tác phẩm của mình. Nhà nước không có bất cứ sự cản trở gì đến con đường sự nghiệp của những cây bút này.

Sự phát triển của Internet, Blog, Mạng xã hội… càng tạo điều kiện lớn hơn cho các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình. Nếu không thích đi theo con đường xuất bản chính thống, bất cứ cây bút nào cũng có thể chia sẻ bài viết của mình trên mạng, không cần kiểm duyệt của nhà nước hay của cơ quan quản lý nghệ thuật. Tác phẩm của họ có đến được với đông đảo công chúng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của người viết có đủ thuyết phục hay không. Không gian mạng đã cho phép các nhà văn độc lập hơn trong sáng tác. Nhưng vấn đề là, vẫn không có tác phẩm nào lớn. 

Người cầm bút chân chính là những người không chịu bất cứ áp lực nào của thị trường, không ngả nghiêng theo các xu hướng chính trị, hoàn toàn cống hiến mình cho nghệ thuật ngôn từ. Hướng con người tới các giá trị Chân - Thiện – Mỹ mới chính là tạo dựng nền văn minh, giống như nhà văn vĩ đại của Chủ nghĩa Hiện sinh Albert Camus đã nói đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét