Tham nhũng vặt vẫn chưa suy giảm. Ảnh minh họa: Ngọc Châu
TP - Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) nhận định đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền Phong.
Trước việc Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI 2013 chỉ ra nạn tham nhũng vặt diễn ra khắp nơi, trao đổi với Tiền Phong, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) nhận định một khi tham nhũng được chấp nhận, được coi là hiển nhiên, sẽ ăn mòn xã hội.
PAPI 2013 cho thấy tham nhũng vặt có mặt khắp nơi, khi động tới thủ tục công là người dân phải “lót tay” (khám chữa bệnh, xin việc vào cơ quan nhà nước, xin cấp phép xây dựng, xin học…), ông có bình luận gì về kết quả này?
Số liệu từ ba năm nay cho thấy mức độ tham nhũng liên quan tới các thủ tục hành chính, các dịch vụ y tế và giáo dục công vẫn không thuyên giảm. Xã hội đã nói tới tình trạng này trong nhiều năm nay, nhưng chúng ta không đạt được một sự cải thiện nào cả. Thậm chí, so với hai năm trước, năm 2013, tỉ lệ người dân cho rằng chính quyền địa phương không nghiêm túc trong chuyện chống tham nhũng còn có xu hướng tăng lên.
Có người cho rằng tham nhũng, lót tay là tất yếu trong một xã hội vận hành theo cơ chế thị trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Cách hiểu này hoàn toàn sai. Nếu tham nhũng là một đặc tính của cơ chế thị trường thì các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản sẽ phải tham nhũng nhất? Ngược lại, tham nhũng làm méo mó thị trường. Trong một thị trường lành mạnh và sạch sẽ, những doanh nghiệp có chất lượng cao nhất và giá cả hợp lý nhất sẽ trúng thầu, những cá nhân có khả năng nhất sẽ được tuyển vào nhà nước, mọi người nhận được dịch vụ y tế công tốt như nhau. Tham nhũng gây thiệt hại cho quốc gia, vì nó ưu ái những tổ chức, công ty và cá nhân có quyền lực hay có khả năng mua quyền lực để đem lại lợi ích không chính đáng cho bản thân, và gây thiệt thòi cho những người không có khả năng chạy theo cuộc đua bôi trơn.
Thưa ông, tại sao tham nhũng vặt không suy giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên?
Tham nhũng vặt không suy giảm vì hai lý do chính. Thứ nhất, phần lớn những người nhận tham nhũng không hề chịu một hậu quả nào, thậm chí ngược lại, họ còn coi số ít đồng nghiệp khước từ tham nhũng như những người gàn hay đạo đức giả. Thứ hai, người dân sử dụng dịch vụ công thường không đủ dũng cảm để là những người đầu tiên bước ra ngoài cuộc chơi. Hai yếu tố trên tạo nên một vòng tròn khép kín. Người dân có tâm lý cam chịu vì họ nghĩ rằng cái vòng tròn khép kín này quá mạnh, họ lẻ loi và không thể nào phá được nó. Và họ không tin là sẽ được bảo vệ nếu họ phá nó.
Nếu việc lót tay, bôi trơn trở thành tập quán, trở thành “cục nam châm” điều khiển hướng của xã hội, thì sự nguy hại sẽ như thế nào, thưa ông?
Tham nhũng vặt được chấp nhận, được coi là hiển nhiên, sẽ ăn mòn xã hội. Lúc đó, các lĩnh vực thiết yếu của một quốc gia như giáo dục, y tế, toà án, báo chí, công an v.v… sẽ bị điều khiển bởi lợi ích cá nhân bất chính và buông xuôi trách nhiệm, chức năng xã hội của mình. Khi người dân mất lòng tin thì tính chính danh của chế độ cũng không được đảm bảo nữa.
Người dân có thể lượng hóa tham nhũng
Tham nhũng, vòi vĩnh, đòi hối lộ ở một số dịch vụ là những vấn đề khó đo lường, vậy phương pháp nào để lượng hóa vấn đề này?
“Kiểm soát tham nhũng” là một trong sáu trục nội dung của lĩnh vực quản trị nhà nước và hành chính công mà PAPI đo lường dựa vào các trải nghiệm và cảm nhận của người dân. PAPI không có mục tiêu đo lường tham nhũng ở quy mô lớn, ví dụ những vụ trao tay những vali nửa triệu đô la, hay đo mức độ tham nhũng trong những lĩnh vực người dân không va chạm, như khai khoáng, hải quan v.v…
PAPI định lượng tham nhũng trong những tương tác hằng ngày của người dân với chính quyền và các nhà cung cấp dịch vụ công. Các câu hỏi được thiết kế với những kỹ thuật chuyên môn để người trả lời không e ngại, hoặc thậm chí không ý thức được là hành vi bôi trơn, lót tay, là mục tiêu của câu hỏi. Tất cả để đảm bảo là thông tin từ người trả lời ở mức trung thực nhất có thể.
Những yếu tố tác động đến mức độ hài lòng với dịch vụ công chủ yếu liên quan tới kỹ năng mềm. Ông đánh giá thế nào về việc này?
TS Đặng Hoàng Giang, Phó GĐ CECODES
“Trong một xã hội tham nhũng có hệ thống, tài năng không được sử dụng, các đầu tư không đem lại hiệu quả, người nghèo và yếu thế sẽ bị bỏ rơi”.
TS Đặng Hoàng Giang, Phó GĐ CECODESCác phân tích của PAPI cho thấy những yếu tố như bệnh nhân phải nằm chung giường, hay lớp học quá tải, thủ tục xin một giấy phép rườm rà, v.v… lại không phải những yếu tố chính ảnh hưởng tới mức độ hài lòng của người dân. Có thể nói người dân hiểu và thông cảm là điều kiện vật chất của chúng ta còn đang hạn chế, hoặc là các quy trình hành chính còn chưa được thiết kế một cách hợp lý. Nhưng, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới mức độ hài lòng là thái độ của nhân viên nhà nước với người dân. Điều này nói lên rằng người dân ngày càng có ý thức là họ không phải là người đi nhờ cậy, xin xỏ, mà là người sử dụng dịch vụ muốn được tôn trọng.
Ông đánh giá thế nào về chủ trương đưa phòng, chống tham nhũng vào trong trường học?
Trên nguyên tắc, đây là một việc tốt, nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi nó không trở thành hình thức. Trường học vẫn đang dạy học sinh chấp hành luật lệ giao thông, không xả rác ra đường v.v… với kết quả khá hạn chế như chúng ta đã thấy. Hy vọng chương trình giáo dục chống tham nhũng sẽ có hiệu quả khá hơn. Mặt khác, những cuộc chạy đua bằng phong bì vào trường điểm hay lớp điểm, làm đẹp học bạ, phong trào thành tích v.v.. ngay trong môi trường hằng ngày của các em sẽ làm cho các em nhanh chóng nhận ra người lớn nghiêm túc tới mức nào trong chuyện dạy phòng, chống tham nhũng.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy ý thức của thanh niên đối với vấn đề liêm chính ra sao, thưa ông?
Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thanh niên có ý thức rất rõ về thế nào là những hành vi liêm chính; họ phân biệt được giữa các việc đúng, nên làm, và việc sai, đáng lên án.
Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành vi. Ví dụ, khi có một cơ hội để hưởng lợi cho bản thân một cách không liêm chính, chẳng hạn nhờ cậy một quan hệ quen biết để được có được việc làm mặc dù không đủ tiêu chuẩn, thì tới gần một nửa chấp nhận thỏa hiệp với các nguyên tắc của mình. Người lớn cũng tương tự.
Xin cảm ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét