TT - Kết quả một cuộc khảo sát được công bố ngày 2-4 cho thấy tình trạng tham nhũng vặt diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, cứ đụng đến thủ tục là người dân phải “lót tay”.
Biểu đồ đánh giá tình hình tham nhũng và hối lộ trong khu vực công (2011-2013) Nguồn: báo cáo của PAPI - Đồ họa: V.Cường
Ngày 2-4, kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013 cho thấy tham nhũng vặt diễn ra phổ biến ở hầu hết địa phương, trong khi người dân bị cán bộ đối xử thiếu tôn trọng...
Theo kết quả công bố, các địa phương được đánh giá cao nhất trong chỉ số PAPI 2013 lần lượt là Quảng Bình, Quảng Trị, Long An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng... Một số TP lớn đều có thứ hạng không cao như TP.HCM (26), Hà Nội (28), Hải Phòng (48)...
Đứng cuối bảng là Bắc Giang, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum... Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương bị người dân đánh giá nhiều chỉ số thành phần đều đứng cuối bảng.
Đụng đến thủ tục là phải “lót tay”
Kết quả khảo sát người dân của PAPI cho thấy tình trạng lót tay để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn diễn ra ở tất cả tỉnh, thành. Các loại tham nhũng vặt cũng đang phổ biến trên cả nướcÔng Đặng Hoàng Giang
Khi được hỏi về tính công khai minh bạch, theo ông Jairo Acuna Alfaro (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, trưởng nhóm thực hiện PAPI), khoảng 80% người tham gia cuộc khảo sát khẳng định không được biết đến quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.
Nơi thấp nhất là 1,6% và nơi cao nhất cũng chỉ 50% người dân biết về thông tin này, trong đó chỉ có 19% là nhờ chính quyền thông báo.
Theo ông Jairo Acuna Alfaro, chỉ số này “hầu như không có sự thay đổi tích cực nào từ năm 2011-2013”.
Khảo sát về việc đóng góp tự nguyện, kết quả cho thấy có tới hơn 50% người dân cho biết đã đóng góp để xây mới hay tu sửa các công trình công cộng ở địa phương... là do bị chính quyền vận động hoặc ép buộc.
Đặc biệt, 75% trong số này cho biết đóng góp của họ có được ghi chép vào sổ, riêng tại Lai Châu tỉ lệ này là 36%. Tính chung về chỉ số công khai minh bạch, Quảng Bình đứng đầu, tiếp theo là Đà Nẵng, Thanh Hóa... Ba tỉnh cuối bảng là Kiên Giang, Đồng Tháp và Bắc Giang.
Đánh giá về tình trạng tham nhũng, có 42% người dân cho rằng họ vẫn phải hối lộ khi đi khám bệnh ở bệnh viện tuyến quận, huyện. 30% người dân được hỏi cho rằng có tham nhũng khi làm thủ tục liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 24% cho rằng phải mất thêm tiền khi xin cấp phép xây dựng, 42% nêu có tiêu cực khi xin việc vào cơ quan nhà nước...
Chỉ có 38% người dân cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong xử lý các vụ tham nhũng được phát hiện. Tiền Giang, Long An, Cần Thơ là các địa phương được đánh giá đứng đầu về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Hải Phòng và Hà Nội thuộc nhóm cuối bảng trong khi Bắc Giang đứng thấp nhất.
Theo ông Jairo Acuna Alfaro, “kiểm soát tham nhũng trong dịch vụ công” là nội dung được người dân đánh giá có sự tăng điểm lớn nhất trong năm 2013 so với năm 2012, dù mức độ tăng điểm không đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Jairo, chỉ tiêu thành phần “quyết tâm chống tham nhũng ở cấp địa phương” dường như không có biến chuyển nào sau nhiều năm.
Khổ sở với... sổ đỏ
Về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), hầu hết người dân đều khẳng định gặp nhiều khó khăn, thậm chí “quá khổ”, trong đó gần 20% người dân cho biết phải qua nhiều cửa mới làm xong các thủ tục.
Hệ quả là 6,3% người dân đã phải thuê trung gian thay vì trực tiếp đến bộ phận một cửa. Theo quy định, thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến sổ đỏ chỉ khoảng 30 ngày, nhưng kết quả khảo sát cho thấy thời gian hoàn tất thủ tục này kéo dài rất nhiều, thậm chí có trường hợp lên đến 700 ngày (tức hai năm).
“Điểm số xếp hạng của dân về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thấp nhất trong bốn nhóm dịch vụ hành chính công được đánh giá. Điều đó cho thấy quy trình, thủ tục cấp mới, đổi và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần được rà soát và đơn giản hóa hơn nữa” - báo cáo của PAPI nhấn mạnh.
Với các câu hỏi cụ thể về công chức có thạo việc không, công chức làm thủ tục này có thái độ lịch sự không, có nhận được kết quả như lịch hẹn không... nhiều người dân khẳng định bị công chức đối xử thiếu tôn trọng. Với thủ tục hành chính cấp xã phường, nguyên nhân chính dẫn đến giảm sự hài lòng của người dân là không trả kết quả đúng hẹn (51%), thái độ thiếu tôn trọng (50%).
Trong khi đó, với câu hỏi “công chức có đối xử lịch sự không?”, kết quả cho thấy nhiều nơi người dân chưa thật sự được đối xử lịch sự. Các địa phương có điểm số này khá thấp là Khánh Hòa, Quảng Ninh, Cao Bằng và Điện Biên, trong khi Hậu Giang, Thanh Hóa được đánh giá tốt nhất. Báo cáo PAPI nêu rõ chính thái độ phục vụ và sự thạo việc của công chức đang kéo chỉ số thủ tục hành chính công xuống, mặc dù hai chỉ số này đã có sự cải thiện thời gian qua.
CẦM VĂN KÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét