Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

THÁNG TƯ, NIỀM TRĂN TRỞ VỀ NHỊP CẦU DÂN TỘC

Tác Giả: John Lee (Amari TX) 

Sau 39 năm chiến tranh kết thúc, cảnh đao binh mịt mù khói lửa giữa thế lực ngoại bang với hai miền Nam- Bắc đã lùi xa, có rất nhiều người con dòng máu việt mang giấc mơ năm thứ 39 này là năm cuối cùng sau cuộc chiến không còn ngờ vực, không còn hận thù, mọi nỗi đau đều được chôn chặt trong tâm khảm giữa những người Việt Nam cùng dòng máu Lạc Hồng.

Đã là năm thứ 39, có rất nhiều những hậu quả chiến tranh để lại trên mảnh đất thân yêu đã được toàn dân tộc nỗ lực vượt qua bao khó khăn để xây dựng một Việt Nam mới của hòa bình và phồn thịnh. Nhưng vẫn còn có một nỗi suy tư day dứt mà chúng ta chưa toại nguyện. Vấn đề đó ngày đêm vẫn giày vò những người Việt Nam yêu nước chân chính đang sống ở hải ngoại: Hoà hợp – hoà giải lòng người.

Sau cái ngày rời đất Mẹ ra đi, biết bao nỗi cực nhọc phải vượt qua trên đất khách quê người, chăm chỉ, nhẫn nại – đức tính mà Mẹ Việt đã truyền lại cho chúng con mỗi khi đương đầu với sóng gió. Ôi! Mẹ Việt Nam ơi, hãy ôm tất cả chúng con vào lòng, dù mẹ nghèo nhưng mẹ có trái tim nhân hậu bao la. Có bao giờ Mẹ ruồng bỏ những đứa con mà Mẹ dứt ruột đẻ ra, chỉ có chúng con có những lúc chối từ tình thương của mẹ.

Các thế hệ, từ những người đã từng trực tiếp hay gián tiếp tham gia các cuộc chiến giành độc lập của dân tộc, đến những người chưa từng trải qua chiến tranh đều đang cùng nhau đánh giá, phân tích để tôn vinh sự hy sinh cống hiến to lớn của các thế hệ trước trong cuộc chiến tranh vệ quốc, rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm ngăn chặn chiến tranh đe dọa cuộc sống hòa bình.

Dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Vậy mà tiếc thay! Còn một số người không những vẫn hằn học hoặc cay cú với quá khứ, tiếp tục bằng mọi cách chống phá, bôi nhọ, xúc phạm sự hy sinh to lớn của dân tộc, tiếp tục chia rẽ, ngăn cản tiến trình phát triển của đất nước.

Họ núp dưới con bài “tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” để đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập gây chia rẽ dân tộc, cản trở tiến trình hoà giải hoà hợp dân tộc mà đó là tính nhân văn của cha ông từ ngàn xưa để lại.

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: tư liệu.

Một số nhóm chống Cộng cực đoan ở hải ngoại thường tổ chức “ngày quốc hận” để hoài niệm một chế độ ở miền Nam Việt Nam đã đi vào quá khứ, hoài niệm thời kỳ đất nước bị chia cắt, tìm cách bôi nhọ những gì tốt đẹp đang diễn ra ở Việt Nam. Hành động như vậy, họ đã tự hạ thấp chính họ, hạ thấp dân tộc Việt Nam và coi thường mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp của nhân dân Việt Nam với các nước trên thế giới. Đặc biệt là mối quan hệ với cựu thù là nước Mỹ, khi mà Việt Nam và Mỹ đã công nhận nhau, có quan hệ chính thức với nhau và mối quan hệ hợp tác Việt – Mỹ đang ngày càng phát triển, sự phát triển mà có nhiều người nói rằng “không ngờ ” nhanh và tốt đẹp đến như vậy.

Năm thứ 39 sau cuộc chiến, những đau thương mất mát, những vết thương còn chưa lành hết, những hậu quả do chiến tranh gây ra, có một số người họ đưa ra những đánh giá, nhận xét thiếu khách quan, thậm chí đầy tính kích động và xuyên tạc. Họ thẳng thừng tuyên bố: “ngày 30/4 là ngày toàn thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng là ngày thua của toàn dân tộc”.

Không thể nói lạc điệu như thế! Qua đó chúng ta nhận thấy rằng nỗi thù hận chưa tan nguôi, các tác giả các bài viết thường sử dụng những hiểu biết cũ rích, lạc hậu và lặp đi lặp lại những điều đã nói lâu nay. Họ đã bỏ qua thực tế những gì đang diễn ra trong nước, cố tình nói xấu bôi nhọ để lôi kéo những người chống đối. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin được phổ cập và phát triển như vũ bão, khó có thể lừa được tất cả mọi người.
Chỉ có trở về dân tộc, đó chính là sự trở về với nhau với thời gian không còn nhiều của những con người Việt Nam bị xé ra từng mảnh bởi cuộc chiến tranh tàn khốc đã qua. Đã là năm thứ 39, chúng ta đã có đủ thời gian và trí tuệ để suy ngẫm về nỗi đau chia cắt lòng người. Và đối với tất cả những ai yêu dân tộc này bằng máu chảy trong trái tim mình đều nhận ra nỗi đau chia cắt nhiều lúc đến phi lý ấy.

Trong khoảng thời gian từ sau ngày 30/4/1975 đến nay ở hải ngoại, nhiều nỗi đau đã nguôi ngoai, nhiều vết thương đã lành lặn, nhiều nghi ngờ đã biến mất, nhiều sự thù hận đã chìm sâu, có biết bao người Việt Nam xa xứ đã trở về và cất tiếng nói về dân tộc mình, một dân tộc với truyền thống của tình thương yêu vô bờ bến, một dân tộc trong mọi hoạn nạn không rời bỏ nhau, một dân tộc đầy lòng vị tha, đầy lòng nhân từ bác ái ngay cả với kẻ thù của mình… Họ đã trở về trong vòng tay mẹ.

Có biết bao người Mỹ đã từng xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, đòi chính phủ phải cho con em họ ra khỏi cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cuộc chiến tranh kết thúc vào ngày 30/4/1975 để có một nước Việt Nam như ngày hôm nay, máu của dân tộc Việt thấm đẫm từng thước đất. Cái giá phải trả quá lớn. Vậy mà những người chống đối vẫn coi Ngày Chiến thắng đó là “ngày quốc hận”. Phải chăng, như thế chính họ đã tự loại mình ra khỏi cộng đồng dân tộc Việt Nam, tự mình đứng ngoài sự trỗi dậy của dân tộc.

Sau chiến tranh, có rất nhiều lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã và đang trở lại chiến trường xưa sám hối về những tội ác mà họ gây ra, để lòng họ được thanh thản. Lòng vị tha của con người Việt Nam, lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài đến với Việt Nam, trong đó có các cựu binh Mỹ.

Có sai lầm hay không khi có những người Mỹ và nhiều nước khác tự nguyện đến với Việt Nam, coi Việt Nam hôm nay là một phần để gắn bó cuộc đời? Có sai lầm hay không khi những người nước ngoài xin được nhập quốc tịch Việt Nam hoặc nguyện ước được an táng tro cốt của mình sau khi qua đời vì kính trọng và yêu mến Việt Nam? Và có sai lầm hay không khi những tập đoàn, công ty của nước ngoài tự nguyện đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh, làm bạn với Việt Nam? Chắc chắn là không!

Tất cả những người Việt Nam yêu đất nước, yêu dân tộc mình phải thấy đó là một điều hổ thẹn. Tại sao đã qua 38 năm mà chúng ta vẫn còn lại trong lòng mình những điều phi lý ấy. Những trai thanh nữ tú người Việt Nam sinh năm 1975 lớn lên đồng hành cùng dân tộc sống và học tập trong thời bình. Thế hệ những người đó sẽ trở thành những người ông và bà trong vài năm nữa thôi. Vậy mà cho đến lúc này, chúng ta vẫn còn đứng một phía nhìn nhau như những kẻ xa lạ và như không thể đến bên nhau. Lịch sử sẽ ghi lại nỗi đau buồn ấy của chúng ta, những người Việt ở Mỹ. Và đến một ngày nào đó trong tương lai, những thế hệ tiếp theo sẽ đặt câu hỏi về một giai đoạn lịch sử của chúng ta.

Và lúc này, sau 38 năm chiến tranh kết thúc, có rất nhiều người mang giấc mơ năm thứ 39 này là năm cuối cùng sau cuộc chiến, không còn hận thù giữa những người Việt Nam cùng dòng máu tổ tiên. Giấc mơ ấy thật giản dị và đủ lý do để trở thành hiện thực. Nhưng nếu chúng ta không vì đất nước, không vì dân tộc mình thì có thể chúng ta đi cả một nghìn năm nữa cũng không bao giờ chạm tay vào được.

Cả hai bên phải có thiện ý, trung thực để hoá giải sự ngờ vực và lòng thù hận, nếu chỉ một bên thôi thì hỏi đến bao giờ?

Hãy trở về cùng nhau và làm cho dân tộc này không phải hổ thẹn với con cháu sau này. Mỗi người Việt Nam yêu nước chân chính hãy cất tiếng về ước mơ lớn đó của dân tộc mình và hãy tìm ra một con đường nhân văn nhất để dân tộc ta tới được ước mơ đó. Đây không phải là một lời kêu gọi, đây chỉ là nỗi giày vò nhiều đau đớn và ngập tràn niềm tin của khát vọng của tất cả những người Việt Nam.

Để kết thúc bài này tôi mượn ý câu nói của nhà ngoại giao kỳ cựu Việt Nam Võ Văn Sung: “Nếu ai đó trong chúng ta dù từng đứng từ phía nào mà vẫn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc thì sẽ dần trở nên lạc lõng và thật sự có tội với tương lai của chính con cháu mình”.

Texas – Hoa Kỳ – Một Ngày Tháng 4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét