Đường cong và lưng cong, tại Thủ đô mình nó thế!
TS. DƯƠNG XUÂN THÀNH
(GDVN) - Vấn đề là cái sự nắn cong ấy lợi cho ai và hại cho ai...
Thế giới truyền tụng một giai thoại về Sa hoàng Nikolai I (trị vì từ 1825-1855) trong việc xây tuyến đường sắt Moskva-Saint Petersburg: “Khi các quan chức và nhà thiết kế xin ý chỉ của Sa hoàng về tuyến đường, họ trải tấm bản đồ nước Nga lên bàn. Sa hoàng bèn lấy một cây thước, đặt nó giữa Moskva và St. Petersburg rồi lấy bút chì vạch một đường thẳng. Do bị vướng ngón tay đè trên thước nên nét bút bị vòng nửa vòng tròn.
Trong thực tế, ngày nay tuyến đường sắt nối Moskva và St. Petersburg thẳng tắp nhưng lại có một đoạn bị uốn cong , người đời sau gọi đoạn đường này là “quanh móng tay Sa hoàng”.
Người Việt có những nhận xét rất tinh tế về các đường cong, chẳng hạn: “Những người thắt đáy lưng ong, vừa giỏi chiều chồng vừa khéo nuôi con”. Cái “đáy lưng ong” mà các cụ nói ở đây chính là vòng hai trên cơ thể phụ nữ. Tuy vậy cái “vòng hai” ấy không cẩn thận thì lại biến thành thàm họa như hai câu tiếp theo của bài ca dao trên: “Những người béo trục, béo tròn, ăn vụng chư chớp, cấu con cả ngày”.
Sự kiện nhật thực năm 1911 đã giúp các nhà khoa học đã kiểm chứng được luận thuyết của Albert Einstein (Thuyết tương đối rộng) về sự bẻ cong ánh sáng khi tia sáng đi gần các vật thể như mặt trăng, mặt trời hay hố đen trong vũ trụ.
Một số người dựa vào “Thuyết tương đối rộng” cho rằng ánh sáng còn bị bẻ cong khi đi gần mặt trăng thì chuyện đường Trường Chinh ở Hà Nội bị bẻ cong cũng là chuyện bình thường, sở dĩ có điều này vì đường Trường Chinh nằm ở “gần mặt trời”, bị “gió mặt trời” thổi nên dễ bị cong.
Tuy nhiên đa số người dân, những người không hiểu sự cao siêu trong học thuyết “tương đối rộng” của Albert Einstein thì lại không nghĩ như vậy.
Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ nhìn từ Google Earth. Ảnh chụp màn hình
Nhìn sang châu Phi, biên giới quốc gia giữa nhiều nước là đường thẳng chứ không ngoằn ngèo như châu Á, còn nhìn thủ đô Washington của Hoa Kỳ, đường đi được bố trí như các ô vuông trên bàn cờ.
Người Việt chúng ta với truyền thống sáng tạo, chẳng lẽ lại học theo châu Phi cổ đại? Chúng ta phải có cái độc đáo của riêng mình, có vậy thế giới mới thán phục, đường đang thẳng bẻ cong một chút vừa không đụng chạm đến khu nhà công vụ của bên Phòng không Không quân mà lại còn được tiếng là bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc vì đã tạo ra một minh chứng rõ nhất cho chuyện “thắt đáy lưng ong”.
Liên quan đến đường Trường Chinh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: “Thanh tra Chính phủ có nhận được đơn thư của người dân nhưng dưới dạng khiếu nại liên quan đến đền bù, đến quyền và lợi ích của người dân, chưa nhận được khiếu nại về quy hoạch tuyến đường cong hay thẳng. Những người muốn khiếu nại về quy hoạch tuyến đường Trường Chinh có thể đến trụ sở tiếp công dân của cơ quan Thanh tra Chính phủ ở quận Hà Đông".
Như vậy là muốn Thanh tra Chính phủ vào cuộc, người dân kể cả báo chí nên đến trụ sở tiếp công dân để khiếu nại, khi chưa có khiếu nại của dân, Thanh tra còn chờ cách giải quyết của TP Hà Nội chứ chưa thể dựa vào thông tin trên báo chí.
Có một truyền thuyết cho rằng, trong cơn cuồng loạn, bạo chúa Nero vừa gảy gảy đàn lyre vừa cho quân đốt cháy thành Roma với suy nghĩ: “Kẻ xây thành Rome nổi tiếng thì kẻ đốt thành Rome cũng nổi tiếng như vậy”.
Biết đâu vài trăm năm sau, những người khiến đường Trường Chinh cong cũng sẽ được nổi tiếng vì sự “dũng cảm” này.
Nói một cách công bằng, việc nắn cong một đoạn đường không phải là chuyện gì đặc biệt, cũng không phải là chưa từng có tiền lệ. Vấn đề là cái sự nắn cong ấy lợi cho ai và hại cho ai.
Ông Dương Đức Tuấn - PGĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thì bảo: “Đảm bảo thỏa thuận với Bộ Quốc phòng là quan trọng bậc nhất, bởi vì bên đó có những yếu tố mà chúng tôi cũng không thể đi sâu được về vấn đề kỹ thuật ngầm nổi hoặc là nhà của những cán bộ đương chức của ngành quốc phòng”.
Thật là kỳ lạ khi trụ sở của Bộ Quốc phòng còn có thể di chuyển để trả lại khu Hoàng thành cho TP Hà Nội làm di tích lịch sử, người dân có thể vào tham quan hầm D67 là nơi làm việc của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, hầm chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu trong cuộc chiến chông Mỹ cứu nước. Chẳng lẽ nhà của một số cán bộ và công trình của một quân chủng lại quan trọng hơn những nơi này?
Trong các thứ có thể bị bẻ cong, có thứ vô hình như lương tâm, trách nhiệm, có thứ hữu hình như cái lưng con người. Chẳng thế mà xã hội hiện đại lại sinh ra loại công chức “cắp ô”.
Chui vào “xế hộp” người ta phải cong lưng, cong mãi thành bệnh nên phải cắp ô, hy vọng khi giương ô gió thổi sẽ kéo cho cái lưng thẳng ra. Mà dù lưng không thẳng thì vẫn có cái ô để che, ngán gì thiên hạ!
Người dân vốn chỉ muốn nghe lời nói thẳng, những giải thích quanh co khiến niềm tin của người dân cũng bị bẻ cong, điều này hẳn người có trách nhiệm phải biết. Nếu thành phố Hà Nội không hề có đoạn đường nào bị uốn cong vì quyền lợi của ai đó thì chắc chắn đường Trương Chinh sẽ là con đường thẳng.
Viết vài dòng để thấy, những gì mà một số quan chức đang giải thích chẳng có gì là khó hiểu. Trăm cái lý không bằng một tí cái quyền, nhất là khi cái quyền ấy lại song hành với cái lưng cong.A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét