Cuộc đời con người ta, có những thời điểm vận hạn không thể tránh được. Nó giống như vòng tuần hoàn của các ngôi sao chiếu mệnh, gặp sao xấu, vận xấu thì chỉ nắm chắc phần thua. Số mệnh, vận hạn và lành dữ đối với từng cá nhân là một bí ẩn vô cùng lớn.
Sự bí ẩn của nó chính những người có tầm hiểu biết rất sâu về lĩnh vực này cũng khó đoán và ít lý giải được. Có chăng chỉ làm thay đổi tinh thần của người trong cuộc để người ta có thể vững vàng hơn trước những biến cố vận hạn của đời mình.
Thường thì con người ta chỉ xuôi dòng từ cuộc sống đi vào cõi chết. Chứ mấy ai lội ngược dòng!
Tôi quen biết một người anh. Cuộc đời anh thật vất vả. Lấy vợ, sinh con, nuôi thằng con đầu lòng vừa bốn tuổi, thằng nhóc đang ăn đang lớn thì đuối nước chết. Đau thương.
Đời như thế tưởng đã bớt bão giông, năm anh ba bảy tuổi. Cái tuổi mà nhân gian mặc định là tâm của vòng xoay của vận hạn, thì anh bị một tai nạn khủng khiếp. Anh làm ở nhà máy đóng tàu biển. Khi anh móc hay tháo hàng gì đó, người bạn lái cẩu cùng làm thao tác sai kĩ thuật, gạt anh rơi từ độ cao 14 m xuống sàn tàu, tiếp theo là hàng rơi đè lên người. Nói chung vụ tai nạn ấy là một trong những vụ tai nạn lao động kinh hoàng mà công nhân nhà máy đóng tàu NT được chứng kiến.
Khả năng và sự phục hồi của con người quả là thần kì. Anh đúng với từ người trở về từ cõi chết. Người cướp lại anh từ bàn tay tử thần, chữa cho anh lành bệnh sống, chính là vị giáo sư trưởng khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện VĐ.
Tai nạn khủng khiếp quá. Hầu như bạn cùng làm đứng chết lặng, không ai đủ sức đưa anh đi cấp cứu. Mãi một lúc mới có người dám làm việc ấy. Anh được đưa sang Việt tiệp HP với ý nghĩ thôi còn nước còn tát. Thật ra tất cả mọi người đều tuyệt vọng.
Năm ngày nằm trong phòng cấp cứu đặc biệt với thân thể dập nát. Thở và hô hấp hoàn toàn bằng máy. Gan vỡ, phổi dập đã được phẫu thuật, cũng là lúc bác sĩ hàng đầu của VT bó tay vì thân thể anh suy kiệt. Toàn thân tím tái, lượng oxi trong máu xuống rất thấp, mạch không nhận thuốc và không tiếp nhận bất kì điều gì. Chỉ còn trái tim vẫn thoi thóp đập.
Bác sĩ khuyên gia đình nên cho anh về nhà. Dù sao cũng nên để anh được đi ở nhà là điều tốt nhất.
Máu mủ tình thâm là điều tuyệt vời nhất mà con người ta sống ở trên cõi đời này có được. Anh em như chân như tay. Đúng là chân tay không thể tách rời. Nhà anh đông anh em lắm. Năm chiến binh, toàn dũng mãnh như hổ. Anh em anh nhất định còn nước còn tát, họ không chịu đầu hàng. Vị giáo sư hàng đầu của khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện VĐ được giới thiệu. Lập tức bằng mọi giá những anh em của anh đã mời được ông xuống Hải phòng. Vì anh không thể thở oxi mà đưa anh lên Hà nội được.
Việc đầu tiên vị giáo sư làm là điều chỉnh máy thở để tăng lượng oxi trực tiếp lên. Máy của bệnh viện HP rất tốt, nhưng do căn chỉnh không hợp lý giữa các thể trạng cơ thể khiến anh tím tái vì thiếu ôxi. Với chuyên môn uyên bác và kinh nghiệm của vị giáo sư, điều đó đã được khắc phục.
Đôi lúc trong cuộc đời này, phải đi đến cùng đường, sự quyết liệt cuối cùng, phép thử cuối cùng thì người ta sẽ tìm được đường ra.
Anh chỉ còn trái tim là đập, vị giáo sư cho chọc thẳng vào động mạch cuống tim, máu và thuốc được truyền trực tiếp từ chỗ ấy.
Điều kì diệu đã xảy ra, mười lăm ngày sau anh có thể tự thở oxi để di chuyển lên Việt Đức làm các phẫu thuật khác.
Một cơ thể gãy nát, hai xương đùi vỡ gan, dập phổi, gãy xương vai, ống chân. Sọ não lún sâu phần trán. Sau ba năm anh mới hồi phục và đi lại được bình thường với mức thương tật mất 91% sức khoẻ.
Phải nói rằng, anh chẳng phải nằm vắt ngang cửa sổ nhà thần chết nữa, mà anh đã bị kéo tuột vào nhà rồi, chỉ còn chìa lại mỗi bàn tay. Anh em ruột thịt có máu có xót, đã bằng mọi giá nắm chặt tay anh, họ dốc sức cùng các y bác sĩ tài giỏi cướp anh về từ tay tử thần.
Chuyến ngược lội ngược dòng từ cõi chết trở về của anh không hề đơn giản. Nghị lực sống của bản thân anh và công lao tập thể y bác sĩ hai bệnh viện và của cả đại gia đình anh là không hề nhỏ. Gần một tháng nằm phòng cấp cứu tích cực không lúc nào không có các anh em túc trực cận kề. Những ngày tháng tiếp sau đó họ cũng cùng anh quyết liệt chống chọi với đớn đau.
Anh đau đớn, cáu bẩn, gào thét, đòi cưa cả hai chân. Anh chửi bới đập phá cùng quẫn trong cơn đau giày vò cơ thể. Bất kể đêm hôm, các cháu trai thay phiên nhau đẩy anh thơ thẩn ra ngoài sân bệnh viện. Họ chấp nhận mọi cáu giận trái tính trái nết của anh, chỉ mong anh được lành lặn để trở về. Phải nói rằng máu mủ gia đình là một điều thật sự kì lạ.
Ba năm sau anh hồi phục bình thường, anh có thể đạp xe đạp thể thao mấy chục km mà không mệt mỏi. Bạn bè trêu, súng ống có khi hỏng hết rồi. Anh có hai cô con gái cũng đã lớn, tiện đà bạn bè trêu, anh bảo cứ '' bắn'' liên tục, toàn đạn thật.
Vợ anh có bầu, mọi người vừa mừng vừa lo. Sợ rằng lượng kháng sinh khổng lồ tiêm vào người anh, lượng tồn dư sẽ làm đứa bé èo uột. Tháng tứ tám chị đi siêu âm thai. Bác sĩ trêu bảo thằng nhóc có bộ ấm chén to phết. Anh nhờ bác sĩ chụp lại mấy tấm hình ấm chén của thằng cu rồi về nhảy tâng tâng khoe khắp xóm...
Cuộc sống luôn ẩn giấu trong nó những điều phi thường. Ở bệnh viện VĐ có những ca bệnh khủng khiếp. Thân thể nạn nhân bị máy công nghiệp vò nhàu vẫn cứu sống nếu tim bệnh nhân còn đập. Đúng là sự kì diệu của y học, và sự tài giỏi, nhiệt huyết của các lương y. Có những bác sĩ họ cống hiến tất cả bệnh nhân, họ yêu người bệnh như yêu chính người thân của mình. Người ta sẽ rất giỏi, làm nên những điều thần kì khi người ta làm việc bằng tất cả tình yêu của mình và không chịu bất kì một áp lực nào.
Một trong những điều mà người ta thường nhắc đến sau khi anh bạn tôi được cứu sống đó là nhờ phúc ấm tổ tiên, anh bảo nhờ phúc của bà mẹ hiền lành đạo đức nhân hậu của anh nữa. Đàn bà đức độ để phúc ấm cho con trai. Nghị lực sống và khả năng phục hồi phi thường của anh cộng với số dương của anh chắc chắn còn rất dài, anh đã bước ra từ quan ải tử thần.
Đời vô thường, đời cũng bình thường giữa sự sống và cái chết, đời bất thường là khi ta bình yên nhất thì vận hạn vẫn có thể xảy ra. Và đời là phi thường khi con người ta có thể lội ngược dòng tìm lại sự sống cho mình từ cõi chết.
Ngẫn. 7.12.2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét